Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh 2024

Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh được ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mới nhất 2024 được quy định ra sao? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây cùng HoaTieu.vn để biết thêm về quy định chi, thu quỹ hội cha mẹ học sinh.

Sau đây là nội dung Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh mới nhất để các bạn hiểu rõ hơn về nhiệm vụ quyền hạn và chức năng của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhé.

1. Ban đại diện cha mẹ học sinh là gì?

Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mới
Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mới

Ban đại diện cha mẹ học sinh (Hội cha mẹ học sinh, Hội phụ huynh học sinh) là một tổ chức tự nguyện có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa phụ huynh học sinh, giáo viên và nhà trường.

Ban đại diện cha mẹ học sinh được bầu mỗi năm 1 lần do cha mẹ các học sinh trong lớp tự ứng cử hoặc được các phụ huynh khác đề xuất. Nhiệm vụ của Ban đại diện CMHS lớp là phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh và các hoạt động khác trong lớp.

Ban đại diện cha mẹ học sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một môi trường giáo dục tốt cho các em học sinh. Được coi như là cầu nối giữa gia đình và nhà trường, giúp hai bên trao đổi thông tin, chia sẻ khó khăn và cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc giáo dục trẻ. Không chỉ vậy, Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền tham gia vào quá trình quản lý nhà trường, đưa ra ý kiến đóng góp về các vấn đề liên quan đến việc học tập, rèn luyện của học sinh. Đồng thời, cũng giúp tạo ra một cộng đồng giáo dục đoàn kết, gắn bó, nơi các bậc phụ huynh cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau.

Với sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong quá trình quản lý, nhà trường có thể lắng nghe ý kiến đóng góp của phụ huynh, từ đó điều chỉnh các hoạt động giáo dục sao cho phù hợp với nhu cầu và mong muốn của học sinh và phụ huynh.

2. Ai ra quyết định thành lập Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Tại Khoản 1 Điều 2 của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT nêu rõ: "Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục".

Như vậy, Ban đại diện cha mẹ học sinh được cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục".

Hay nói cách khác, quyết định thành lập Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ được đưa ra bởi cha mẹ học sinh thông qua các cuộc họp tại lớp học của của con mình. Đây là một quá trình dân chủ, trong đó các bậc phụ huynh sẽ cùng nhau bầu chọn ra những đại diện tiêu biểu để tham gia vào ban này.

3. Thông tư ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mới nhất 2024

Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định ở văn bản nào?

Tính đến thời điểm hiện tại, Thông tư Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn còn hiệu lực. Do đó Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mới 2024 vẫn là Điều lệ được ban hành kèm Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Điều lệ này đã được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải trong bài viết. Bạn đọc chỉ cần tham khảo và tải file về máy để sử dụng.

4. Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mới nhất 2024

Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mới nhất 2024 sẽ quy định về: Cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ, nhiệm vụ, quyền hạn, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường. Cụ thể như sau:

ĐIỀU LỆ BAN ĐẠI DIỆN CHA MẸ HỌC SINH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Điều lệ này quy định về Ban đại diện cha mẹ học sinh bao gồm: tổ chức và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; trách nhiệm quản lý Ban đại diện cha mẹ học sinh.

2. Điều lệ này áp dụng đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh của các trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là trường).

4.1. Cơ cấu tổ chức của Ban đại diện cha mẹ học sinh

Điều 2. Nguyên tắc tổ chức Ban đại diện cha mẹ học sinh

1. Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.

2. Không tổ chức Ban đại diện cha mẹ học sinh theo hình thức liên trường và ở các cấp hành chính.

Điều 3. Tổ chức của Ban đại diện cha mẹ học sinh

1. Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

a) Mỗi lớp có một Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm từ 3 đến 5 thành viên, trong đó có trưởng ban và một phó trưởng ban.

b) Các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là những người nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, nhà trường và đại diện cho cha mẹ học sinh trong lớp thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh.

2. Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

a) Mỗi trường có một Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm trưởng ban, các phó trưởng ban và các thành viên thường trực (nếu cần thiết).

b) Thành viên tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh trường là trưởng ban hoặc phó trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

c) Số lượng các phó trưởng ban và các thành viên thường trực (nếu có) của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường do cuộc họp các trưởng ban và phó trưởng ban của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp quyết định.

3. Nhiệm kỳ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường là một năm học; các Ban đại diện cha mẹ học sinh hết nhiệm kỳ khi bắt đầu năm học tiếp sau, riêng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp cuối cấp học hết nhiệm kỳ khi kết thúc năm học.

4. Các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh có thể thay đổi, bổ sung khi cần thiết theo đề nghị của trưởng ban. Việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp do toàn thể cha mẹ học sinh lớp quyết định; việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh trường do toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường quyết định.

5. Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Các nội dung thảo luận, thống nhất trong Ban đại diện cha mẹ học sinh được ghi trong biên bản cuộc họp.

4.2. Nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp

1. Nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp:

a) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh;

b) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học;

c) Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.

2. Quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp:

a) Quyết định triệu tập các cuộc họp cha mẹ học sinh theo quy định tại Điều 9 của Điều lệ này (trừ cuộc họp đầu năm học cử Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp) sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp;

b) Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học;

c) Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền của trưởng ban và các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp

1. Nhiệm vụ và quyền của trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp:

a) Nhiệm vụ của trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp:

- Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học;

- Chuẩn bị các cuộc họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh và cuộc họp cha mẹ học sinh, tổ chức việc thu thập nguyện vọng và kiến nghị của cha mẹ học sinh.

b) Quyền của trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp:

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho phó trưởng ban và các thành viên, chủ trì các cuộc họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh, thay mặt Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh;

- Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp về hoạt động của cha mẹ học sinh, phản ánh ý kiến của cha mẹ học sinh về chất lượng giáo dục và chất lượng dạy học;

- Cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp xem xét, đề nghị tuyên dương, khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật đối với học sinh của lớp.

2. Nhiệm vụ và quyền của phó trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp:

Phó trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là người giúp việc trưởng ban, thay mặt trưởng ban phụ trách một số công việc được phân công.

3. Nhiệm vụ và quyền của thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp

Các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ do Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và Ban đại diện cha mẹ học sinh trường phân công.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường

1. Nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường:

a) Phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp đầu năm học của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường;

b) Phối hợp với Hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh;

c) Phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức giáo dục học sinh hạnh kiểm yếu tiếp tục rèn luyện trong dịp nghỉ hè ở địa phương;

d) Phối hợp với Hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục đi học;

đ) Hướng dẫn về công tác tổ chức và hoạt động cho các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

2. Quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường:

a) Quyết định triệu tập các cuộc họp theo quy định tại Điều 9 của Điều lệ này (trừ cuộc họp đầu năm học cử Ban đại diện cha mẹ học sinh trường) sau khi đã thống nhất với Hiệu trưởng;

b) Căn cứ ý kiến của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để kiến nghị với Hiệu trưởng về những biện pháp cần thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học của trường và về quản lý, giáo dục học sinh;

c) Quyết định chi tiêu phục vụ các hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh từ nguồn ủng hộ, tài trợ tự nguyện theo quy định tại Điều 10 Điều lệ này.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền của trưởng ban, phó trưởng ban và các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh trường

1. Nhiệm vụ và quyền của trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường:

a) Nhiệm vụ của trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường:

- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động của cha mẹ học sinh, của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo quy định tại Điều 9 của Điều lệ này;

- Dự kiến phân công nhiệm vụ cho các phó trưởng ban, các thành viên thường trực để thông qua tại cuộc họp toàn Ban đại diện cha mẹ học sinh trường;

- Chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường;

- Tập hợp ý kiến của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, của cha mẹ học sinh để thống nhất với Hiệu trưởng các biện pháp giải quyết.

b) Quyền của trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường:

- Chủ trì các cuộc họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường (trừ cuộc họp cử trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường);

- Phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh;

- Tổ chức vận động học sinh bỏ học tiếp tục đi học;

- Định kỳ làm việc với Hiệu trưởng về hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường;

- Giải quyết kiến nghị của cha mẹ học sinh về hoạt động giáo dục của nhà trường;

2. Nhiệm vụ, quyền của các phó trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Các phó trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường có nhiệm vụ giúp việc trưởng ban, thay mặt trưởng ban phụ trách một số công việc được phân công; chủ trì cuộc họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường nếu được trưởng ban uỷ quyền.

3. Nhiệm vụ của các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh trường có nhiệm vụ thực hiện các công việc do Ban đại diện cha mẹ học sinh trường phân công.

Điều 8. Trách nhiệm và quyền của cha mẹ học sinh

1. Trách nhiệm của cha mẹ học sinh:

a) Phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh và thực hiện những nhiệm vụ do Ban đại diện cha mẹ học sinh đề ra.

b) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn của lớp để chăm sóc, quản lý, động viên học sinh tích cực, tự giác học tập, rèn luyện đạo đức, tuân thủ quy định của Điều lệ và nội quy nhà trường.

c) Chịu trách nhiệm đối với sai phạm, khuyết điểm của con em mình theo quy định của pháp luật và thực hiện các khuyến nghị của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp trong việc phối hợp với nhà trường để chăm sóc, quản lý, giáo dục học sinh.

2. Quyền của cha mẹ học sinh

a) Cha mẹ học sinh có các quyền quy định tại Điều 95 của Luật Giáo dục, có quyền kiến nghị với nhà trường tạo điều kiện cho con em mình học tập, rèn luyện;

b) Ứng cử, đề cử vào Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp;

c) Từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện.

d) Thực hiện hoặc không thực hiện những nội dung chưa được thống nhất ý kiến trong cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh hoặc cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Điều 9. Hoạt động của cha mẹ học sinh và Ban đại diện cha mẹ học sinh

1. Các cuộc họp của toàn thể cha mẹ học sinh:

a) Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp tổ chức cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh để cha mẹ học sinh cử Ban đại diện học sinh lớp với số thành viên quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Điều lệ này. Trong năm học, tổ chức họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp ba lần: Vào đầu năm học, khi kết thúc học kỳ một, khi kết thúc năm học và tổ chức họp bất thường khi có ít nhất 50% cha mẹ học sinh lớp yêu cầu;

b) Việc tổ chức hay không tổ chức cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh trường do Ban đại diện cha mẹ học sinh trường quyết định.

2. Các cuộc họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

a) Đầu năm học giáo viên chủ nhiệm lớp triệu tập cuộc họp đầu tiên của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp cử trưởng ban, phó trưởng ban. Sau khi được cử, trưởng ban điều hành cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh để thông qua chương trình hoạt động cả năm học.

Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tổ chức các cuộc họp thường kỳ theo chương trình hoạt động cả năm học và có thể họp bất thường khi có ít nhất 50% số cha mẹ học sinh đề nghị hoặc do trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp quyết định;

b) Đầu năm học, Hiệu trưởng họp với trưởng ban và phó trưởng ban của tất cả các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để cử ra Ban đại diện cha mẹ học sinh trường trong số những người thuộc thành phần được triệu tập họp, có thể cử cả người vắng mặt nếu đã được người đó đồng ý tham gia. Sau đó, Hiệu trưởng chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường để Ban đại diện cha mẹ học sinh trường cử trưởng ban, các phó trưởng ban, nếu cần có thể cử các thành viên thường trực. Sau khi được cử, trưởng ban điều hành cuộc họp tất cả các trưởng ban, phó trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để thông qua chương trình hoạt động cả năm học;

Ban đại diện cha mẹ học sinh trường họp thường kỳ theo chương trình hoạt động cả năm học và họp bất thường khi có ít nhất 50% số thành viên hoặc trưởng ban đề nghị.

3. Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh và các nội dung, kế hoạch hoạt động đã được thảo luận, thống nhất trong các cuộc họp cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh.

4.3. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh

Điều 10. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh

1. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

a) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

b) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.

2. Quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại điện cha mẹ học sinh:

a) Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến;

b) Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

3. Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

4. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Trên đây là nội dung Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mới nhất theo quy định hiện hành. Hy vọng đây sẽ là thông tin hữu ích cho phụ huynh và thầy cô trong các nhà trường để giúp ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả trong năm học mới.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
14 33.934
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm