Đại biểu Hội đồng nhân dân có những quyền gì?

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Vậy đại biểu Hội đồng nhân dân có những quyền gì?

1. Tiêu chuẩn chung của đại biểu Hội đồng nhân dân

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Hội đồng nhân dân các cấp.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có những quyền gì?

2. Quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn.

Trong thời gian Hội đồng nhân dân họp, đại biểu Hội đồng nhân dân gửi chất vấn đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đó. Trong trường hợp cần điều tra, xác minh thì Hội đồng nhân dân có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau của Hội đồng nhân dân hoặc cho trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu đã chất vấn và Thường trực Hội đồng nhân dân.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn.

3. Quyền yêu cầu chấm dứt các hành vi trái pháp luật

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân kịp thời chấm dứt những việc làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Khi đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu gặp người phụ trách của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân thì người đó có trách nhiệm tiếp.

4. Quyền kiến nghị thi hành chính sách, pháp luật của nhà nước

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước về việc thi hành pháp luật, chính sách của Nhà nước và về những vấn đề thuộc lợi ích chung. Cơ quan hữu quan có trách nhiệm trả lời kiến nghị của đại biểu.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.

5. Quyền được cung cấp thông tin

Ðại biểu Hội đồng nhân dân được cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của Hội đồng nhân dân và được quyền yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động của mình.

Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức ở địa phương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp tư liệu, thông tin, bảo đảm nơi tiếp xúc cử tri và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tạo điều kiện để đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân với Hội đồng nhân dân.

6. Quyền nhân thân

Trong thời gian Hội đồng nhân dân họp, nếu không được sự đồng ý của Chủ tọa kỳ họp thì không được bắt giữ đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu vì phạm tội quả tang hoặc trong trường hợp khẩn cấp mà đại biểu Hội đồng nhân dân bị tạm giữ thì cơ quan ra lệnh tạm giữ phải báo cáo ngay với Chủ tọa kỳ họp.

Giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải thông báo cho Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp.

7. Quyền xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu

Đại biểu Hội đồng nhân dân có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu do Hội đồng nhân dân cùng cấp xét và quyết định.

8. Quyền giới thiệu và ứng cử

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền giới thiệu và ứng cử vào các chức vụ quy định tại các điểm sau:

  • Chủ tịch Hội đồng nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tọa kỳ họp;
  • Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên khác của các Ban của Hội đồng nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân.
  • Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
  • Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;
  • Thư ký kỳ họp của mỗi khoá Hội đồng nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tọa kỳ họp;

Trên đây là ý kiến tư vấn của Hoatieu.vn. Mời bạn tham khảo một số bài viết hữu ích khác như:

Đánh giá bài viết
4 2.214
0 Bình luận
Sắp xếp theo