Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ mới nhất từ 2025

Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ mới nhất từ 2025. Nhà nước đã ban hành nhiều quy định mới về quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ, có hiệu lực kể từ thời điểm 01/01/2025. Việc nắm rõ quy trình này là vô cùng quan trọng để đảm bảo tính chính xác, khách quan và pháp lý của quá trình điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Hoatieu.vn mời các bạn cùng tham khảo tại đây.

Thông tư số 72/2024/TT-BCA được Bộ Công an ban hành ngày 13/11/2024 quy định về Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (chính thức có hiệu lực kể từ 01/01/2025).

1. Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ từ 1/1/2025

Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ đóng vai trò quan trọng trong việc làm rõ nguyên nhân và xử lý vụ việc. Việc tuân thủ đúng quy định pháp luật là rất cần thiết để đảm bảo tính khách quan, chính xác và pháp lý của quá trình khám nghiệm.

Tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về quy trình tiến hành khám nghiệm hiện trường như sau:

Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Mẫu số 06/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA và vẽ Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Mẫu số 07/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA; sơ đồ hiện trường phải đồng nhất với biên bản khám nghiệm hiện trường. Việc khám nghiệm hiện trường cụ thể như sau:

- Quan sát toàn bộ khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ để xác định vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ ở hiện trường;

- Căn cứ chiều hướng khám nghiệm, điểm làm mốc ở hiện trường để đánh dấu theo số tự nhiên thứ tự vị trí của tất cả các nạn nhân, tang vật, phương tiện và dấu vết có liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ;

- Chụp ảnh hiện trường, gồm: Ảnh hiện trường chung, hiện trường từng phần, quay camera (nếu có); chụp ảnh nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết có liên quan và phải đặt thước tỷ lệ. Việc chụp ảnh hiện trường phải được lập thành Bản ảnh hiện trường, sắp xếp ảnh theo thứ tự, có chú thích ảnh;

- Đo và vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ, sử dụng thống nhất kí hiệu và đơn vị đo; thể hiện đầy đủ tổ chức giao thông (hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu và các hệ thống báo hiệu khác có liên quan, công trình phụ trợ gắn liền đường bộ nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông) nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ; phần chú dẫn phải thể hiện tỷ lệ vẽ, dấu vết, ký hiệu trên sơ đồ hiện trường;

- Thu lượm tang vật, phương tiện, dấu vết để bảo quản và lấy mẫu so sánh đúng quy định của pháp luật. Những dấu vết dễ bị thay đổi hoặc biến dạng phải được thu lượm bảo quản ngay như: vết máu, lông, tóc, sợi, xăng, dầu, các dấu vết hóa học khác.

 Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ

2. Lập biên bản khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ

Việc lập biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ là một trong những khâu quan trọng trong quá trình điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý vụ việc.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 8 Thông tư 72/2024/TT-BCA hướng dẫn lập biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ như sau:

Nội dung biên bản khám nghiệm phải ghi thời gian bắt đầu và kết thúc việc khám nghiệm, địa điểm, thành phần tham gia khám nghiệm, tình trạng hiện trường trước khi khám nghiệm, điều kiện thời tiết, ánh sáng khi tiến hành khám nghiệm, quá trình khám nghiệm, cụ thể như sau:

- Mô tả hiện trường chung: vị trí hiện trường; đặc điểm hiện trường; vị trí tai nạn xảy ra trên loại đường nào (đường một chiều hay đường hai chiều, đường có dải phân cách loại gì, rào chắn, tường hộ lan loại gì), chiều rộng mặt đường, chiều rộng lề đường, hệ thống báo hiệu đường bộ, chướng ngại vật trên đường, đặc điểm, hình dạng đoạn đường (bằng phẳng hay dốc, thẳng hay cong, tầm nhìn bị che khuất hay không bị che khuất), đặc điểm tình trạng mặt đường (mặt đường làm bằng vật liệu gì: bê tông xi măng, nhựa, đá dăm, đất); tình trạng mặt đường (phẳng, nhẵn, nứt vỡ, trơn trượt);

- Ghi nhận việc đánh số thứ tự vị trí của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết;

- Ghi nhận việc xác định vật chuẩn (điểm làm mốc), mép đường chuẩn, chiều hướng khám nghiệm hiện trường;

- Mô tả vị trí đặc điểm của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết trên hiện trường theo số thứ tự như đã đánh dấu trên hiện trường;

- Ghi cụ thể số lượng tang vật, phương tiện, dấu vết đã phát hiện, thu lượm bảo quản và các mẫu so sánh;

- Ghi nhận quá trình sử dụng thiết bị điện tử máy quét, hiện trường, lập mô hình hiện trường chuyên dụng để đo vị trí đặc điểm của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết trên hiện trường, vẽ hiện trường hoặc chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có).

Trên đây là tổng hợp của Hoa Tiêu về Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ mới nhất từ 1/1/2025. Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 31
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm