Nghị định 58/2017/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải

Nghị định 58/2017/NĐ-CP - Nguyên tắc đầu tư xây dựng cảng biển, luồng hàng hải

Ngày 10/05/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải bao gồm: Đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải, công trình hàng hải, báo hiệu hàng hải, thông báo hàng hải, hoạt động của hoa tiêu hàng hải và quản lý hoạt động của tàu thuyền tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam.

Thông tư 75/2015/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu hàng hải

Thông tư 68/2015/TT-BGTVT hướng dẫn quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải

Bộ luật hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13

Thông tư 17/2017/TT-BTC hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2017

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÀNG HẢI VIỆT NAM VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, bao gồm: Đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải, công trình hàng hải, báo hiệu hàng hải, thông báo hàng hải, hoạt động của hoa tiêu hàng hải và quản lý hoạt động của tàu thuyền tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam.

2. Các quy định tại Nghị định này về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường cũng được áp dụng đối với cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng biển, luồng hàng hải và quản lý hoạt động hàng hải tại vùng nước cảng biển, vùng biển của Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng (sau đây viết tắt là Cơ chế một cửa quốc gia) là việc cho phép người khai gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Các cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

2. Cổng thông tin một cửa quốc gia phục vụ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (sau đây viết tắt là Cổng thông tin một cửa quốc gia) là hệ thống thông tin tập trung, tích hợp phục vụ cho việc khai báo điện tử của người làm thủ tục đối với tàu thuyền vào, rời cảng và việc hoàn thành thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng.

3. Thủ tục điện tử đối với tàu thuyền là phương thức thực hiện thủ tục qua Cổng thông tin điện tử theo quy định.

4. Cổng thông tin điện tử là Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc Cổng thông tin điện tử chuyên ngành được dùng để thực hiện thủ tục điện tử cho tàu thuyền.

5. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển bao gồm: Cảng vụ hàng hải, Hải quan cửa khẩu, Biên phòng cửa khẩu cảng (sau đây viết tắt là Biên phòng cửa khẩu), Kiểm dịch y tế, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật.

6. Hệ thống thông tin nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước tại cảng (sau đây viết tắt là hệ thống thông tin nghiệp vụ) bao gồm các chức năng kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia và các phân hệ xử lý thông tin hồ sơ khai báo của doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

7. Thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (sau đây viết tắt là thủ tục điện tử đối với tàu thuyền) là quá trình xử lý các giao dịch điện tử kể từ khi người làm thủ tục khai các hồ sơ điện tử thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia tới khi nhận được quyết định hoàn thành thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

8. Hồ sơ điện tử là thông tin điện tử thể hiện nội dung của các biểu mẫu, chứng từ mà người làm thủ tục phải nộp theo quy định; các thông báo, xác nhận liên quan đến nghiệp vụ được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng và người làm thủ tục.

9. Chữ ký số của doanh nghiệp là chữ ký số được cấp bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hợp pháp và đã đăng ký với ổng thông tin điện tử.

10. Người làm thủ tục là chủ tàu hoặc người quản lý tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu, thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền thực hiện việc khai báo và làm thủ tục theo quy định tại Nghị định này với các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển.

11. Giấy phép rời cảng là văn bản do Cảng vụ hàng hải hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi tàu thuyền rời cảng cuối cùng cấp hoặc xác nhận.

12. Giấy phép rời cảng điện tử là giấy phép do Cảng vụ hàng hải cấp cho người làm thủ tục dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử sau khi đã hoàn thành thủ tục điện tử cho tàu thuyền rời cảng. Giấy phép rời cảng điện tử có mã số để tra cứu và có giá trị pháp lý thay thế giấy phép rời cảng dạng giấy.

13. Giấy phép quá cảnh điện tử là giấy phép do Cảng vụ hàng hải cấp cho người làm thủ tục dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử sau khi hoàn thành thủ tục điện tử cho tàu biển nước ngoài quá cảnh. Giấy phép quá cảnh điện tử có mã số để tra cứu và có giá trị pháp lý thay thế giấy phép quá cảnh dạng giấy.

14. Lệnh điều động điện tử cho tàu thuyền vào cảng là việc chấp thuận của Cảng vụ hàng hải cho tàu thuyền vào cảng thông qua Kế hoạch điều động điện tử tại Cổng thông tin điện tử hoặc khi điều động tàu thuyền trong một khu vực hàng hải thuộc vùng nước cảng biển.

15. Khu vực hàng hải là vùng nước thuộc một cảng biển và khu vực quản lý của một cảng vụ hàng hải. Một cảng biển có một hoặc nhiều khu vực hàng hải.

16. Bến phao là hệ thống thiết bị phao neo, xích, rùa và các thiết bị khác được sử dụng cho tàu biển neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác.

17. Vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc (sau đây viết tắt là vùng hoa tiêu bắt buộc) là phần giới hạn trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi, được xác định từ vùng đón trả hoa tiêu đến cầu cảng, bến phao, bến cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, nhà máy đóng - sửa chữa tàu biển, cảng dầu khí ngoài khơi và ngược lại mà tàu biển khi di chuyển phải sử dụng hoa tiêu dẫn tàu theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Một vùng hoa tiêu bắt buộc bao gồm một hoặc nhiều tuyến dẫn tàu.

18. Vùng hoa tiêu hàng hải không bắt buộc (sau đây viết tắt là vùng hoa tiêu không bắt buộc) là vùng nước mà tàu biển khi di chuyển không bắt buộc sử dụng hoa tiêu dẫn tàu theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

19. Hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (sau đây viết tắt là hệ thống VTS): Là hệ thống được thiết lập để giám sát, hỗ trợ và điều phối giao thông hàng hải tại các khu vực có mật độ tàu thuyền hoạt động cao, khu vực có khả năng gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường.

20. Vị trí dự kiến đến cảng biển là vị trí tàu thuyền đón hoa tiêu hoặc đến ranh giới vùng nước cảng biển hoặc vị trí tàu thuyền dự kiến hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

Chương II

QUẢN LÝ CẢNG BIỂN VÀ LUỒNG HÀNG HẢI

Mục 1. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẢNG BIỂN VÀ LUỒNG HÀNG HẢI

Điều 4. Nguyên tắc đầu tư xây dựng, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cảng biển, luồng hàng hải

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyển tải, luồng hàng hải phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2. Việc đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyển tải, luồng hàng hải phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển và các quy hoạch khác có liên quan đã được phê duyệt; trường hợp dự án đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyển tải, luồng hàng hải có sự khác biệt so với quy hoạch phát triển cảng biển đã được phê duyệt, trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư phải báo cáo và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chấp thuận.

3. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyển tải chuyên dùng có trách nhiệm đầu tư xây dựng, thiết lập kết cấu hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải chuyên dùng, khu nước, vùng nước trừ trường hợp luồng hàng hải công cộng, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở hiện có tại khu vực đáp ứng được nhu cầu cho tàu thuyền hoạt động tại cảng chuyên dùng đó.

4. Việc quyết định chủ trương đầu tư cảng biển, bến cảng, cầu cảng và luồng hàng hải sử dụng nguồn vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công.

5. Việc quyết định chủ trương đầu tư đối với cảng biển, bến cảng, cầu cảng và luồng hàng hải không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.

Đánh giá bài viết
1 1.574
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi