Thông tư 75/2015/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu hàng hải

Tải về

Thông tư 75/2015/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu hàng hải

Thông tư 75/2015/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu hàng hải quy định các yêu cầu kỹ thuật cơ bản của báo hiệu hàng hải như đèn biển, đăng tiêu, chập tiêu, báo hiệu dẫn luồng trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam được ban hành ngày 24/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 28/06/2016.

Quyết định 10/2016/QĐ-TTg thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển

Thông tư 01/2016/TT-BTC quy định về thu lệ phí hàng hải và biểu mức thu lệ phí hàng hải

Thông tư 43/2015/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Quy chế khu vực biên giới đất liền Việt Nam

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 75/2015/TT-BGTVTHà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2015

THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU HÀNG HẢI

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu hàng hải.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu hàng hải - Mã số đăng ký: QCVN 20 : 2015/BGTVT.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 06 năm 2016. Bãi bỏ Thông tư số 17/2010/TT-BGTVT ngày 05 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu hàng hải.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:BỘ TRƯỞNG
  • Như Điều 3;
  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
  • UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
  • Bộ Khoa học và Công nghệ (để đăng ký);
  • Các Thứ trưởng;
  • Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
  • Công báo; Cổng TT ĐT Chính phủ;
  • Cổng TT ĐT Bộ GTVT;
  • Báo GT, Tạp chí GTVT;
  • Lưu: VT, KHCN.
Đinh La Thăng


QCVN 20:2015/BGTVT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU HÀNG HẢI

National technical regulation on aids to navigation

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định các yêu cầu kỹ thuật cơ bản của báo hiệu hàng hải được lắp đặt trong các vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công tác thiết kế, chế tạo, xây dựng, quản lý vận hành, khai thác báo hiệu hàng hải và các công tác khác có liên quan đến báo hiệu hàng hải tại Việt Nam.

1.3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Báo hiệu hàng hải là thiết bị hoặc công trình, tàu thuyền được thiết lập và vận hành trên mặt nước hoặc trên đất liền để chỉ dẫn cho người đi biển và tổ chức, cá nhân liên quan định hướng, xác định vị trí của tàu thuyền.

1.3.2. Tầm hiệu lực của báo hiệu hàng hải là khoảng cách lớn nhất tính từ người quan sát đến báo hiệu mà người quan sát nhận biết được báo hiệu đó để định hướng hoặc xác định vị trí của mình.

1.3.3. Tầm hiệu lực ban ngày của báo hiệu hàng hải là khoảng cách lớn nhất mà người quan sát có thể nhận biết được báo hiệu vào ban ngày; được xác định với tầm nhìn xa khí tượng bằng 10 hải lý.

1.3.4. Tầm hiệu lực ánh sáng của báo hiệu hàng hải là khoảng cách lớn nhất mà người quan sát có thể nhận biết được tín hiệu ánh sáng của báo hiệu.

1.3.5. Tầm hiệu lực danh định của báo hiệu hàng hải là tầm hiệu lực ánh sáng của báo hiệu trong điều kiện khí quyển có tầm nhìn xa khí tượng là 10 hải lý (tương ứng với hệ số truyền quang của khí quyển T = 0,74) với ngưỡng cảm ứng độ sáng của mắt người quan sát quy ước bằng 0,2 micro-lux.

1.3.6. Tầm nhìn địa lý của báo hiệu hàng hải là khoảng cách lớn nhất mà người quan sát có thể nhận biết được báo hiệu hay nguồn sáng từ báo hiệu trong điều kiện tầm nhìn xa lý tưởng.

1.3.7. Hệ số truyền quang của khí quyển là hệ số biểu thị cường độ ánh sáng phát ra từ nguồn sáng còn lại sau khi truyền qua lớp khí quyển với khoảng cách một hải lý. Hệ số này được xác định theo từng vùng trên cơ sở theo dõi trong nhiều năm.

1.3.8. Báo hiệu nổi là loại báo hiệu hàng hải được thiết kế để nổi trên mặt nước và được neo hoặc buộc ở một vị trí nào đó.

1.3.9. Ánh sáng chớp là ánh sáng trong đó tổng thời gian sáng trong một chu kỳ ngắn hơn tổng thời gian tối và thời gian các chớp sáng bằng nhau.

1.3.10. Ánh sáng chớp đều là sáng chớp trong đó tất cả các khoảng thời gian sáng và thời gian tối bằng nhau.

1.3.11. Ánh sáng chớp dài là ánh sáng chớp trong đó thời gian chớp không nhỏ hơn 2,0 giây.

1.3.12. Ánh sáng chớp nhanh là ánh sáng chớp trong đó các chớp được lặp lại với tần suất từ 50 lần đến dưới 80 lần trong một phút.

1.3.13. Ánh sáng chớp rất nhanh là ánh sáng chớp trong đó các chớp được lặp lại với tần suất từ 80 lần đến dưới 160 lần trong một phút.

1.3.14. Ánh sáng chớp đơn là ánh sáng chớp trong đó một chớp được lặp lại đều đặn với tần suất ít hơn 50 lần trong một phút.

1.3.15. Ánh sáng chớp nhóm là ánh sáng chớp được phát theo nhóm với chu kỳ xác định.

1.3.16. Ánh sáng chớp nhóm hỗn hợp là ánh sáng chớp nhóm kết hợp các nhóm chớp khác nhau với chu kỳ xác định.

1.3.17. Đèn biển là báo hiệu hàng hải được thiết lập cố định tại các vị trí cần thiết ven bờ biển, trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

1.3.18. Đăng tiêu là báo hiệu hàng hải được thiết lập cố định tại các vị trí cần thiết để báo hiệu luồng hàng hải, báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm, bãi cạn hay báo hiệu một vị trí đặc biệt nào đó.

1.3.19. Chập tiêu là báo hiệu hàng hải gồm hai đăng tiêu biệt lập nằm trên cùng một mặt phẳng thẳng đứng để tạo thành một hướng ngắm cố định...

1.3.20. Trục của chập tiêu là giao tuyến giữa mặt phẳng thẳng đứng đi qua chập tiêu với bề mặt trái đất.

1.3.21. Tiêu sau của chập tiêu là tiêu xa nhất dọc theo trục của chập tiêu, tính từ người quan sát ở trong vùng định hướng của chập tiêu.

1.3.22. Tiêu trước của chập tiêu là tiêu gần nhất dọc theo trục của chập tiêu, tính từ người quan sát ở trong vùng định hướng của chập tiêu.

1.3.23. Vùng định hướng của chập tiêu là vùng nằm trên trục của chập tiêu mà tại đó người sử dụng nhận biết được hướng đi an toàn.

1.3.24. Góc đứng của tiêu là góc tạo bởi hướng từ mắt người quan sát đến đỉnh tiêu và mặt phẳng nằm ngang.

1.3.25. Góc ngang của tiêu là góc tạo bởi hướng từ mắt người quan sát đến tiêu và trục của chập tiêu trong mặt phẳng nằm ngang.

1.3.26. Độ lệch bên của chập tiêu là khoảng cách lớn nhất theo đường vuông góc với trục của chập tiêu mà tàu có thể đi lệch nhưng không ra khỏi vùng định hướng của chập tiêu.

1.3.27. Báo hiệu dẫn luồng là tên gọi chung của các báo hiệu hai bên luồng, báo hiệu hướng luồng chính, báo hiệu phương vị, báo hiệu chướng ngại vật biệt lập, báo hiệu vùng nước an toàn, báo hiệu chuyên dùng và báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện.

Đánh giá bài viết
1 356
Thông tư 75/2015/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu hàng hải
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm