Đọc hiểu Khi con tu hú có đáp án (nhiều đề)

Khi con tu hú là một trong những bài thơ hay tiêu biểu của tác giả Tố Hữu thể hiện khát vọng tự do, tình yêu cuộc sống của tác giả và niềm vui sướng mãnh liệt khi gặp được ánh sáng của Đảng. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc bộ đề đọc hiểu Khi con tu hú của tác giả Tố Hữu có đáp án chi tiết giúp các em hiểu rõ hơn về nội dung, nghệ thuật cũng như phương thức biểu đạt của tác phẩm.

Đề đọc hiểu Khi con tu hú

1. Đề đọc hiểu Khi con tu hú - số 1

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:

Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

(“Khi con tu hú” - Tố Hữu, SGK Ngữ văn 8 tập II, tr 19, NXBGD năm 2007)

Câu 1 (1,0 điểm): Bài thơ có đoạn thơ trên được nhà thơ Tố Hữu sáng tác trong hoàn cảnh nào? Thuộc thể thơ gì?

Câu 2 (1,5 điểm): Câu thơ thứ 2 thuộc kiểu câu gì? Vì sao?

Câu 3 (1,5 điểm): Mở đầu bài thơ “Khi con tu hú”, nhà thơ viết “Khi con tu hú gọi bầy”, kết thúc bài thơ là “Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!”, theo em việc lặp lại tiếng chim tu hú như vậy có ý nghĩa gì?

Gợi ý

Câu 1

- Sáng tác trong hoàn cảnh: vào tháng 7/1939 tại nhà lao Thừa Phủ (Huế) khi tác giả bị bắt giam vào đây chưa lâu.

- Thể thơ lục bát.

Câu 2

- Kiểu câu: cảm thán

- Vì: Có từ ngữ cảm thán “ôi”, cuối câu kết thúc bằng dấu chấm than.

+ Bộc lộ trực tiếp cảm xúc của nhân vật trữ tình: đau khổ, ngột ngạt cao độ và niềm khao khát cháy bỏng muốn thoát khỏi cảnh tù ngục để trở về với cuộc sống tự do.

Câu 3

- Việc lặp lại tiếng chim tu hú có ý nghĩa: Học sinh có thể có những cách diễn đạt khác nhau nhưng phải hợp lý.

- Tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng cho bài thơ.

- Nhấn mạnh tiếng chim tu hú là tiếng gọi tha thiết của tự do, của thế giới sự sống đầy quyến rũ đối với người tù cách mạng Tố Hữu.

- Tiếng chim tu hú ở cuối bài thơ là tiếng kêu khắc khoải, hối thúc, giục giã như thiêu đốt lòng người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi khiến cho người tù cảm thấy hết sức đau khổ, ngột ngạt,
khao khát thoát khỏi cuộc sống giam cầm về với tự do, với đồng đội. Đây là tiếng gọi của tự do.

Đề đọc hiểu Khi con tu hú

2. Đề đọc hiểu Khi con tu hú - số 2

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

KHI CON TU HÚ

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

(Tố Hữu)

Câu 1. Nêu nội dung chính của bài thơ.?

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính?

Câu 3. Câu: “Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!” thuộc kiểu câu gì, xét theo mục đích nói?

Câu 4. Em hiểu ý nghĩa của hình ảnh “con chim tu hú” ở cuối bài thơ như thế nào.

Gợi ý

Câu 1: Bài thơ thể hiện niềm tin yêu cuộc sống thiết tha và sự khao khát tự do mãnh liệt của người chiến sĩ trong cảnh tù đầy

Câu  2: PTBD: Toàn bài kết hợp miêu tả và biểu cảm

Câu 3: ....Câu cảm thán

Câu 4: Khép lại trang thơ của Tố Hữu nhưng tiếng chim tu hú vẫn âm vang đâu đây. Tiếng chim như là tiếng gọi đàn, hướng về đồng quê và bầu trời tự do với tất cả tình yêu và niềm khát khao cháy bỏng. Đó cũng là tiếng gọi của tự do!

3. Đề đọc hiểu Khi con tu hú - số 3

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

(Khi con tu hú – Tố Hữu)

a. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

b. Trong câu “Ta nghe hè dậy bên lòng”, em hiểu nhà thơ đón nhận cảnh tươi đẹp của mùa hè bằng điều gì?

c. Nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên.

Gợi ý

a. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

b. Cảm nhận mùa hè bằng tình yêu thiên nhiên và tình yêu cuộc sống.

c.

- Giới thiệu chung

-Tác giả xuất hiện một cách trực tiếp.

- “Ta nghe” tác giả dùng thính giác để lắng nghe nhịp thở của thời gian.

Vườn râm dậy tiếng ve

-> hè dậy: Trước đó chỉ là nét vẽ còn giờ đây là sự khẳng định không khí ngập tràn sắc hè.

=>Tác động đến cảm xúc của nhà thơ.

- Động từ “đạp tan” thể hiện sự mạnh mẽ cuả tuổi trẻ ->khát vọng vượt thoát khỏi ngục tù.

- Biện pháp nhân hóa -> động lực ở bên trong ngày càng mạnh mẽ.

- Cảm xúc bộc lộ một cách tự phát, rất thật. -> khát vọng tự do.

- Con chim tu hú “cứ kêu” là vô tình nhưng vang vọng trong không gian bài thơ.

=> Khát vọng tự do và tình yêu cuộc sống mãnh liệt

4. Đọc hiểu Khi con tu hú trắc nghiệm

I. ĐỌC HIỂU 

Đọc bài thơ sau:

(1) Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...

(2) Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

(Khi con tu hú, Tố Hữu, in trong Từ ấy, NXB Văn học, Hà Nội, 1971)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ? 

A. Biểu cảm

B. Tự sự

C. Nghị luận

D. Thuyết minh

Câu 2. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? 

A. Bảy chữ

B. Song thất lục bát

C. Tự do

D. Lục bát

Câu 3. Bài thơ nói về mùa nào trong năm? 

A. Mùa xuân

B. Mùa hè

C. Mùa thu

D. Mùa đông

Câu 4. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong đoạn (1)?

A. Nhân hóa

B. Đối lập

C. Liệt kê

D. So sánh

Câu 5. Dòng thơ nào sau đây nói về tâm trạng của chủ thể trữ tình trong bài thơ? 

A. Ta nghe hè dậy bên lòng

B. Khi con tu hú gọi bầy

C. Trời xanh càng rộng càng cao

D. Ngột làm sao, chết uất thôi

Câu 6. Phát biểu nào sau đây nói đúng về cặp đối lập được sử dụng trong bài thơ? 

A. Không gian tự do và không gian ngục tù

B. Thời gian tâm lí và thời gian vật lí

C. Cuộc sống hiện tại và mơ ước trong tương lai

D. Con người và thiên nhiên mùa hè

Câu 7. Phát biểu nào sau đây nói về chủ đề của bài thơ?

A. Tâm trạng ngột ngạt, u uất của chủ thể trữ tình khi bị giam hãm trong chốn ngục tù

B. Niềm khát khao muốn thoát khỏi cảnh ngục tù để sống đời tự do

C. Tình yêu tha thiết đối với thiên nhiên mùa hè tràn đầy sức sống

D. Cả A và B

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Theo bạn, bức tranh mùa hè trong đoạn (1) là cảnh thực hay cảnh trong trí tưởng tượng của tác giả? Lí giải?

Bức tranh mùa hè trong đoạn (1) là cảnh trong trí tưởng tượng của tác giả. Bởi lúc này tác giả đang bị giam hãm trong chốn ngục tù. Trong hoàn cảnh mất tự do ấy, nghe âm thanh tiếng chim tu hú, trong tâm trí của tác giả hiện lên khung cảnh của mùa hè mà tác giả đã từng được nhìn ngắm khi còn tự do.

Câu 9. Bạn hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu thơ “Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!”?

Câu thơ “Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!” vừa là âm thanh của tiếng chim báo hiệu mùa hè; vừa là lời giục dã, kêu gọi của cuộc sống tự do ngoài kia, khiến nhân vật trữ tình càng cảm thấy thèm khát tự do, càng cảm thấy sự ngột ngạt của chốn lao tù, càng muốn bứt tung mọi xiềng xích để trở về với cuộc sống tươi đẹp.

Câu 10. Hãy viết khoảng 5 – 7 dòng trình bày suy nghĩ của bạn về vai trò của cuộc sống tự do đối với mỗi con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "không có gì quý hơn độc lập tự do". Chính vì vậy, có thể nói tự do là một một điều vô cùng quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Tự do là một phạm trù rất rộng lớn. Tự do về lãnh thổ, tự do về chủ quyền, tự do về cảm xúc, tự do về cuộc sống của chính bản thân của mỗi chúng ta. Nếu như không có tự do, con người sẽ bị kìm hãm về mọi mặt. Khi xưa khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, cuộc sống của người dân vô cùng khổ sở. Chính vì vậy, nhân dân cả nước đồng lòng vùng lên đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để giành lại độc lập tự do. Tự do là do một người tự quyết định một điều gì đó theo ý mình không làm theo ý khách quan, có thể làm bất cứ thứ gì bản thân cần và muốn. Tuy vậy, nếu ta được thả tự do quá mức, không sống theo khuôn phép nào đó của xã hội thì chúng ta sẽ vuột mất nhiều cơ hội trong tầm tay và chỉ đuổi theo thứ mơ hồ nhất rồi phải gánh lấy hậu quả, dễ mất đi quan hệ tốt giữa người với người, bại liệt về kinh tế khó khăn. Cho nên tự do là điều mỗi con người chúng ta đều cần, nhưng tự đó phải có chừng mực và vừa đủ vì mất đi cũng quá dễ mà giành lại cũng quá khó.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 14.326
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm