Gợi ý trả lời Câu hỏi Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu” năm 2020

Tải về

Đáp án Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu” năm 2020

Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra, vì vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở đó, Ban tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu” năm 2020 quyết định lùi thời gian nhận bài dự thi, hạn cuối nhận bài dự thi là 17h00’ ngày 25/6/2020. Dưới đây là gợi ý chi tiết để trả lời câu hỏi.

Lưu ý: Nếu không tìm thấy nút Tải về bài viết này, bạn vui lòng kéo xuống cuối bài viết để tải về.

Câu 1. Ma túy là gì? Ma túy có tác hại như thế nào đối với bản thân, gia đình và xã hội?

Gợi ý:

* Ma túy là gì?

Ma tuý là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành; khi được đưa vào cơ thể, sẽ có tác dụng làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của con người. Nếu lạm dụng, sẽ bị lệ thuộc, gây tổn thương và nguy hại cho người sử dụng và cộng đồng.

* Ma túy có tác hại như thế nào đối với bản thân, gia đình và xã hội?

· Đối với bản thân người nghiện:

- Về sức khỏe

+ Hít ma túy gây viêm niêm mạc vùng mũi họng.

+ Hút ma túy làm tổn thương đường hô hấp, làm phổi suy yếu dễ mắc các bệnh viêm phổi, ung thư phổi.

+ Chích ma túy làm lây truyền các bệnh qua đường máu như sốt rét, viêm gan siêu vi B… và nguy hiểm nhất là HIV/AIDS.

+ Ma túy chích tại các tụ điểm, ổ chích không đảm bảo vô trùng lại còn bị pha thêm một số chất bẩn có thể gây áp-xe nơi chích có khi gây hoại tử làm cụt chân tay hoặc gây nhiễm trùng máu có thể đưa đến tử vong.

+ Dùng ma túy quá liều có thể tim ngừng đập, ngưng thở (sốc thuốc) dẫn đến chết người.

- Về thể trạng, tinh thần và nhân phẩm

+ Người nghiện lâu ngày cơ thể tiều tụy, gầy ốm, da xám xịt, môi thâm, tóc tai xơ xác, thân hình bẩn thỉu, hôi hám.

+ Người nghiện bị suy thoái về mặt tinh thần, kém tập trung suy nghĩ, giảm nghị lực, mất ý chí vươn lên cho vì luôn luôn thèm nhớ ma túy.

+ Người mới nghiện heroin, khi "phê" (ngay sau khi sử dụng ma túy) thường gia tăng khả năng tình dục dẫn đến hành vi tình dục không an toàn, có thể bị lây nhiễm AIDS (sử dụng thuốc lắc cũng đưa đến tình trạng này). Tuy nhiên khi sử dụng lâu dài thì ma túy làm suy yếu và làm mất hẳn khả năng quan hệ tình dục của người nghiện.

+ Phụ nữ nghiện ma túy có người phải bán dâm để có tiền mua ma túy hoặc bọn ma cô sử dụng ma túy để ép buộc, sai khiến người nghiện nữ phải bán dâm lấy tiền cho chúng.

+ Nghiện ma túy là đánh mất tuổi trẻ, hủy hoại tương lai của chính mình, hoàn toàn không có lợi ích gì cho bản thân người nghiện, gia đình và xã hội.

· Đối với gia đình:

- Buồn khổ vì trong nhà có người nghiện. Công việc làm ăn của gia đình bị thất bát vì người quen, khách hàng không còn tín nhiệm, xa lánh.

- Mất mát tài sản, ảnh hưởng về mặt tài chính vì người nghiện phung phí tiền bạc, trộm cắp của cải trong nhà đem cầm, bán để mua ma túy.

- Hạnh phúc gia đình tan vỡ, bỏ bê con cái khi người chồng hay vợ nghiện ma túy.

- Mặc cảm, xấu hổ với hàng xóm láng giềng và bà con thân tộc vì gia đình có người nghiện.

- Thường xuyên phải hao tốn tiền bồi thường cho những nạn nhân của người nghiện do quậy phá, đánh nhau, gây tai nạn giao thông, trộm cắp tài sản của người khác.

- Hao phí tiền bạc công sức, thời gian chăm sóc khi người mắc những chứng bệnh do sử dụng các chất gây nghiện, bỏ công ăn việc làm đi thăm nuôi khi người nghiện phải vào tù vì phạm pháp hoặc vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc.

· Đối với xã hội:

- Nghiện ma túy là nguyên nhân làm gia tăng những tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự. Để có tiền thoả mãn cơn nghiện, người nghiện không từ một hành vi nào để kiếm tiền. Những hành vi phạm pháp như: trộm cắp, móc túi, giật đồ, hiếp dâm.... thậm chí giết người họ cũng dám làm.

- Các chất ma túy gây ảo giác làm cho người nghiện có thể có hành vi hung hãn, gây hấn, quậy phá gây mất trật tự an ninh xã hội, có khi nổi máu "yêng hùng" đua xe lạng lách gây tai nạn giao thông, làm những hành vi điên khùng, ngông cuồng để được đánh giá là khác người...

- Hoang phí tiền bạc xã hội ghê gớm, xã hội mất tiền do người nghiện sử dụng để mua ma túy. Nếu mỗi người nghiện chi phí cho ma túy từ 100.000 cho đến 200.000 đồng/ngày thì số người nghiện ở nước ta hàng ngày tiêu tốn từ 20 tỷ cho đến 40 tỷ mỗi ngày cho việc sử dụng ma túy (số tiền thật sự chắc chắn là còn lớn hơn rất nhiều lần).

- Nghiện ma túy làm lây lan đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng qua hành vi tiêm chích ma túy lẫn nhau và quan hệ tình dục không an toàn do say thuốc lắc và là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tệ nạn mại dâm.

- Tốn kém ngân sách Nhà nước thay vì để lo cho phúc lợi công cộng lại phải xây dựng rất nhiều cơ sở chữa bệnh, tổ chức lực lượng phòng chống và giải quyết các hậu quả tệ hại do tệ nạn ma túy đem lại.

Câu 2. Thế nào là người nghiện ma tuý? Người nghiện ma tuý và gia đình có người nghiện ma tuý có trách nhiệm gì?

Gợi ý:

- Người nghiện ma tuý: là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.

- Người nghiện ma tuý và gia đình có người nghiện ma tuý có trách nhiệm gì?

Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy năm 2008 quy định người nghiện ma tuý và gia đình có người nghiện ma tuý có trách nhiệm như sau:

Người nghiện ma túy có trách nhiệm:

- Tự khai báo về tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện ma túy;

- Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện ma túy.

Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm:

- Khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã về người nghiện ma tuý trong gia đình mình và đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó;

- Động viên, giúp đỡ và quản lý người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội;

- Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.

Câu 3. Chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy được quy định như thế nào? Có những biện pháp và hình thức gì về cai nghiện ma túy?

Gợi ý:

* Chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy được quy định như thế nào?

Khoản 2 Điều1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 quy định chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy như sau:

- Áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma túy, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện;

- Tổ chức cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc;

- Khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma túy; nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy;

- Hỗ trợ kinh phí thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma túy;

- Tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma tuý được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

* Có những biện pháp và hình thức gì về cai nghiện ma túy:

- Có 2 biện pháp cai nghiện ma tuý là: cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc.

- Có 3 hình thức cai nghiện ma tuý là: cai nghiện ma túy tại gia đình; cai nghiện ma túy tại cộng đồng; cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.

Câu 4. Trường hợp người dưới 14 tuổi có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý thì bị xử lý như thế nào?

Gợi ý:

Hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy là những hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đây là một trong những hành vi phạm tội nghiêm trọng được quy định những chế tài khắt khe nhất.

Độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự được Bộ luật Hình sự 2015 quy định độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên.Vì vậy, người dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về việc phạm tội.

Tuy nhiên, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định tại khoản 1 Điều 90, khoản 1 Điều 92 về việc người dưới 14 tuổi bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng khi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự, cụ thể:

“Điều 90. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.

6. Những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Điều 92. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.”

Như vậy, người dưới 14 tuổi nếu có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy mà thuộc tội phạm rất nghiệm trọng hoặc đặc biệt nghiệm trọng do cố ý quy định tại Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy) Bộ luật Hình sự 2015.

Câu 5. Pháp luật quy định tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy bị xử lý hình sự như thế nào?

Gợi ý:

Điều 247 Bộ luật hình sự 2015 quy định về việc xử lý những trường hợp trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy cụ thể như sau:

“1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

Câu 6. Hiện nay tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Vậy để phòng, chống tệ nạn ma túy, pháp luật nghiêm cấm những hành vi nào?

Gợi ý:

Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 nghiêm cấm các hành vi sau:

* Những hành vi bị nghiêm cấm:

Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

- Trồng cây có chứa chất ma tuý;

- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

- Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma tuý;

- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý;

- Hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội về ma tuý mà có;

- Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma tuý;

- Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma tuý;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý;

- Các hành vi trái phép khác về ma tuý.

Câu 7. Hiện nay tệ nạn ma túy đang là vấn đề quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm gì trong phòng, chống ma tuý?

Gợi ý:

* Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm gì trong phòng, chống ma túy?

Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Luật phòng, chống ma túy quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chống ma túy như sau:

- Cá nhân, gia đình có trách nhiệm:

Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý;

Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh;

Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma tuý của thân nhân và của người khác;

Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.

- Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma tuý cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết kịp thời những thông tin, tố giác về tệ nạn ma tuý.

- Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma tuý; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma tuý do chính quyền địa phương tổ chức.

- Tại các vùng phải xoá bỏ cây có chứa chất ma tuý, các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp để thay thế việc trồng cây có chứa chất ma tuý; quy hoạch cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thị trường phù hợp để nhân dân chuyển hướng sản xuất có hiệu quả.

- Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm:

Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý;

Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma tuý;

Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma tuý.

- Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức phòng, chống ma tuý ở cơ quan, đơn vị mình; phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia tệ nạn ma tuý; tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ nạn ma tuý.

- Các cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức rõ về tác hại của ma tuý; chủ trương, chính sách, pháp luật, biện pháp của Nhà nước về phòng, chống ma tuý.

Câu 8. Bạn hãy nêu thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của tệ nạn nghiện ma túy ở nước ta, ở tỉnh Lai Châu. Theo bạn cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống tệ nạn ma túy trong giai đoạn hiện nay? (Viết không quá 5000 từ).

Ghi chú: Gợi ý chỉ mang tính chất tham khảo để làm bài dự thi.

Đánh giá bài viết
17 10.930
Gợi ý trả lời Câu hỏi Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu” năm 2020
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm