Bài tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/2024
Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, Hoatieu.vn xin gửi đến các bạn mẫu bài tuyên truyền kỷ niệm 80 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, mời các bạn cùng tham khảo.
- Kịch bản chương trình lễ kỷ niệm ngày 22-12
- Lời dẫn chương trình văn nghệ 22-12 2024
- Bài phát biểu ngày 22-12 hay nhất 2024
Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024)
- 1. Đề cương tuyên truyền 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- 2. Bài tuyên truyền kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam - Mẫu 1
- 3. Bài tuyên truyền kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam - Mẫu 2
- 4. Bài tuyên truyền kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam - Mẫu 3
Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) là một dịp lễ vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam. Đây là dịp để toàn dân ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ quân nhân, thể hiện lòng tự hào dân tộc và tình yêu đối với đất nước. Các mẫu bài tuyên truyền dưới đây sẽ giúp truyền tải thông điệp ý nghĩa tới tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, giúp hiểu rõ về quá trình hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, những chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, giúp hiểu rõ hơn về giá trị của độc lập, tự do và ý nghĩa của việc bảo vệ Tổ quốc.
1. Đề cương tuyên truyền 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Đề cương tuyên truyền 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) được Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành tại Hướng dẫn 160-HD/BTGTW ngày 25/07/2024.
I. QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM - 80 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU, CHIẾN THẮNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
1. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, đánh thắng hai trận đầu, cùng Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1944 - 1945)
Ngay từ khi ra đời (3/2/1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông” [1] để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Luận cương chính trị của Đảng (tháng 10/1930) xác định nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền, trong đó chỉ rõ phải: “Lập quân đội công nông” [2].
Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là tiền đề đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Tiếp theo đó, hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn (1940), các đội du kích ở Nam Kỳ (1940), Cứu quốc quân (1941)...
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền” [3]; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam” [4]. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay sau ngày thành lập, 17 giờ ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và 07 giờ sáng hôm sau (26/12) lại đột nhập đồn Nà Ngần (đều đóng tại châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), tiêu diệt hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, cùng Nhân dân ta nhất tề đứng lên, quyết chiến đấu với quân xâm lược. Cuối năm 1946, theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước chia thành 12 chiến khu. Lúc này, ở Nam Bộ vẫn tổ chức các chi đội Vệ quốc đoàn, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có 30 trung đoàn và một số tiểu đoàn thuộc các chiến khu; hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội được thành lập từ Trung ương Quân ủy đến chi bộ.
Đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Mùa xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc, nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo kháng chiến của cả nước.
Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp huy động hơn một vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, bất ngờ tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Sau hơn hai tháng mở chiến dịch phản công ( 7/10 - 20/12/1947) , ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch . Đây là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta; đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước.
Sau chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Quân đội ta đã có bước trưởng thành, song chưa có khả năng mở những chiến dịch lớn. Để đánh bại âm mưu bình định của địch, ta chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng khắp và thực hiện “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích vừa học tập tác chiến tập trung vận động chiến. Các tiểu đoàn tập trung được củng cố xây dựng và từng bước tiến lên đánh những trận phục kích, tập kích lớn hơn. Từ đầu năm 1948 đến giữa năm 1950, bộ đội ta liên tiếp mở trên 20 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Mức độ tập trung cho mỗi chiến dịch từ 3 đến 5 tiểu đoàn, sau nâng dần lên 2 đến 3 trung đoàn, có chiến dịch sử dụng cả sơn pháo và trọng liên. Trong nhiều trận đánh, quân ta đã tiêu diệt từng đại đội đến tiểu đoàn địch ở ngoài công sự và tiêu diệt cứ điểm có trên dưới một đại đội địch đóng giữ.
Từ giữa năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương rút các đại đội độc lập về xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 ra đời; ngày 10/3/1950, Đại đoàn 304 được thành lập. Công tác huấn luyện được đẩy mạnh. Qua các cuộc vận động “luyện quân lập công”, “rèn cán chỉnh quân” trong các năm 1948, 1949 và đầu năm 1950, lực lượng vũ trang ta không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh.
Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, chủ động tấn công Pháp. Sau gần một tháng (16/9 - 14/10/1950), ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), c ăn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, phá vỡ thế bao vây, khai thông liên lạc với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới. Chiến thắng Biên giới góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh: Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, quân Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự; đồng thời đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch và sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội ta.
Sau chiến dịch Biên giới, các đại đoàn chủ lực tiếp tục được thành lập: Đại đoàn 312 (12/1950), Đại đoàn 320 (1/1951), Đại đoàn công pháo 351 (3/1951), Đại đoàn 316 (5/1951). Trong vòng 6 tháng (12/1950 - 6/1951), ta đã liên tiếp mở ba chiến dịch mang tên: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung. Đây là những chiến dịch quy mô lớn đầu tiên đánh vào phòng tuyến kiên cố của địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Ta đã diệt hơn một vạn tên địch, trong đó gần một nửa là quân cơ động.
Tháng 11/1951, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hoà Bình; vừa tập trung chủ lực trên mặt trận chính Hoà Bình, vừa đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm. Chiến dịch diễn ra từ ngày 10/12/1951 đến ngày 25/2/1952; quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch ở mặt trận Hòa Bình và hơn 15.000 tên địch ở mặt trận địch hậu. Trong chiến dịch này, bộ đội ta có bước tiến bộ mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày, về sự phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân.
Đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Sau gần hai tháng chiến đấu (14/10 - 10/12/1952), ta đã tiêu diệt và bắt hơn 6.000 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng, nối thông vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch.
Ngày 5/12/1952, tại Bình - Trị - Thiên, Đại đoàn 325 được thành lập, góp phần tăng thêm sức mạnh chiến đấu của “các quả đấm chủ lực cách mạng”. Tính đến thời điểm này, đội quân chủ lực trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh đã có 6 đại đoàn bộ binh (308, 304, 312, 320, 316, 325) và 1 đại đoàn công binh, pháo binh (351).
Trước những thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, tháng 9/1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường. Ta đã hình thành năm đòn tiến công chiến lược tại Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, buộc chúng phải căng ra đối phó ở khắp nơi.
Sau khi thực dân Pháp đổ quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, trước thời cơ thuận lợi, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm (13/3 - 7/5/1954) liên tục chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay; thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang (1944 - 1954).
3. Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, tháng 3/1957, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng) ra Nghị quyết về vấn đề xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, Nghị quyết chỉ rõ: “Phương châm xây dựng quân đội của chúng ta là tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước đến chính quy hoá và hiện đại hoá” [5].
Đến năm 1960, Quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí, trang bị còn thiếu thốn đã trở thành Quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân. Đây là bước phát triển rất quan trọng, tạo nền móng cho xây dựng Quân đội tiến tới chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.
Ở miền Bắc, Quân đội đã tích cực tham gia công tác tiếp quản các thành phố, thị xã và các vùng do quân Pháp chiếm đóng trước đây. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân quản, phối hợp với các lực lượng công an nhanh chóng thiết lập trật tự, trị an, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đấu tranh chống địch bắt người, cướp của, phá hoại tài sản công cộng.
Ở miền Nam, trong những năm 1954 - 1960, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (1/1959) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. Chấp hành nghị quyết của Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng Quân đội. Việc chuẩn bị cho bộ đội ta vào miền Nam chiến đấu cũng được xúc tiến. Theo đó, Sư đoàn 338 bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc đã được tập trung huấn luyện trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường dọc dãy Trường Sơn bảo đảm cho lực lượng ta vào Nam chiến đấu và vận chuyển lương thực, súng đạn từ miền Bắc vào miền Nam. Tiếp đó, Đoàn 759 cũng được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam theo đường biển.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 đã mở đường cho cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi. Để đẩy mạnh cao trào cách mạng của quần chúng, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân ở miền Nam; đây là bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam.
Từ năm 1961, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Được cố vấn Mỹ chỉ huy và dựa vào hỏa lực Mỹ chi viện, ngụy quân Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá vùng giải phóng, gom dân lập “ấp chiến lược”. Quân và dân ta đã liên tục chiến đấu, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Trong đó, tiêu biểu là chiến thắng Ấp Bắc (1/1963) mở đầu cho sự thất bại của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của quân ngụy Sài Gòn; đồng thời mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” sôi nổi khắp miền Nam.
................
Để xem chi tiết và đầy đủ đề cương, các bạn hãy tải về file Word, PDF được đính kèm theo đường liên kết trong bài viết
2. Bài tuyên truyền kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam - Mẫu 1
Nội dung mẫu bài tuyên truyền kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam mời bạn cùng tham khảo. Các bạn có thể chỉnh sửa mẫu trên trang dưới đây để bố sung thêm các thông tin cần thiết, phù hợp với mục đích sử dụng của mình.
Cách đây 80 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; một quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập và chủ nghĩa xã hội.
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta thực sự là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng; là lực lượng chính trị; lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ; làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho; không ngừng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị , chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; rèn luyện kỷ luật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng với tên gọi “Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”.
Từ vai trò, vị trí đã được khẳng định của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện qua các cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng( khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381 - CT/TW, quyết định lấy ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22 tháng 12 thực sự trở thành ngày hội truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét đẹp độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Đây cũng là dịp phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhân tố cốt lõi, nền tảng để đất nước ta tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Tự hào về chiến công vĩ đại và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, có thể khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh ........................., tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
3. Bài tuyên truyền kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam - Mẫu 2
Mời các bạn cùng tham khảo mẫu bài tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam hay, ý nghĩa được Hoatieu.vn tổng hợp tại đây.
Kính thưa toàn thể cán bộ, Đảng viên và bà con nhân dân xã nhà!
Ngày 22/12/1944 là ngày truyền thống của QĐNDVN, trở thành ngày hội chung của dân tộc và đất nước, ngày biểu dương ý chí và sức mạnh của toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Năm nay chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam.
Đây chính là dịp để chúng ta cùng điểm lại các mốc son chói lọi trong lịch sử quân đội Nước nhà. Tên gọi "Quân đội Nhân dân" là do chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ".
Tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam là đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đội chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, Cứu quốc quân,... là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi. Sau lễ thành lập, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, đội tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân.
Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn phát triển và trưởng thành. Ngày 22-12-1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc.
Lịch sử chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Một đội quân được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, đã từng là những đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, đội du kích Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ba Tơ, Cao Bắc Lạng, Cứu quốc quân đến Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Một đội quân lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp nhau bao thế hệ cầm súng chiến đấu, cùng toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược hung bạo, giành lại độc lập thống nhất và bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang đối với cách mạng hai nước Lào và Cam-pu-chia anh em.
Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22-12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc, động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ quân sự, không ngại gian khổ, vượt qua khó khăn, trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quân đội nhân dân Việt Nam càng chiến đấu càng trưởng thành và lớn mạnh. Từ ngày thành lập chúng ta chỉ có một đại đội nay đã có hàng quân đoàn hùng mạnh; từ chỗ vũ khí thô sơ nay chúng ta đã có vũ khí tối tân, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu và bảo vể tổ quốc. Tiếp bước truyền thống anh dũng, ngày nay quân đội nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển thân yêu của tổ quốc Việt Nam. Phát huy thành tích to lớn đã đạt được trong 80 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tham gia xây dựng kinh tế đất nước và thực hiện tốt hơn chức năng làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng với tên gọi: Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
Bài học dựng nước và giữ nước đã được ông cha đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử chống giặc ngoại xâm: “Lấy dân làm gốc, làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”. Hàng năm, ngày 22/12, đã trở thành ngày hội lớn, ngày hội biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thể hiện quân với dân một ý chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ - Một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam trong thời đại mới.
4. Bài tuyên truyền kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam - Mẫu 3
Dưới đây là mẫu bài tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân mới nhất được Hoa Tiêu tổng hợp cho các bạn cùng tham khảo và sử dụng.
"Hòa bình, độc lập, tự do" là ba từ thiêng liêng mà dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng mấy ngàn năm lịch sử gian khổ và hào hùng. Hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã lập được nhiều kì tích trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, ghi vào pho sử vàng dân tộc nhiều chiến công hiển hách. Những chiến công đó mãi là niềm tự hào của con dân đất Việt. Vì thế, Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã ghi dấu những ngày lễ trọng đại của dân tộc. Một trong những ngày lễ trọng đại đó là ngày 22/12, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Hòa chung không khí của cả nước chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) nhân dân cả nước nói chung và nhân dân xã ........................ nói riêng đang ra sức lao động tốt, học tập tốt, công tác tốt để góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh.
Ngày 22/12 hàng năm là ngày hội truyền thống của cả dân tộc, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc việt nam xhcn. cách đây 80 năm, ngày 22/12/1944, đội việt nam tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của quân đội nhân dân việt nam được thành lập. sự ra đời của quân đội ta là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng việt nam. lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân việt nam có một quân đội kiểu mới do đảng cộng sản việt nam và chủ tịch hồ chí minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện; một quân đội của dân, do dân, vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân; chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân chính là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang, hào hùng, những chiến công oanh liệt của quân đội và nhân dân ta. Bên cạnh niềm tự hào về quân đội bách chiến, bách thắng; chúng ta cũng được nhận thức đầy đủ sâu sắc hơn về sự trưởng thành và lớn mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam, về những khó khăn của chiến trường ác liệt, về sự anh dũng chiến đấu, anh dũng hi sinh của những người con đất Việt kiên cường. Hiểu được sự hi sinh to lớn đó, ngày lễ trọng đại này là dịp để chúng ta tôn vinh tất cả những thế hệ cha anh đã hiến dâng cuộc đời mình cho vinh quang của dân tộc cho độc lập và tự do của Tổ quốc, một dịp để chúng ta tưởng nhớ những người đã mất và cố gắng làm tròn trách nhiệm của những người đang sống. Từ đó, chúng ta được khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, được bồi dưỡng cao hơn lòng yêu nước nồng nàn, yêu chủ nghĩa xã hội. Nhưng hơn hết, trong những tình cảm cao đẹp đó là sự chất chứa một ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách để ra sức học tập, rèn luyện xây dựng một Việt Nam giàu đẹp và vững mạnh.
Biết bao thế hệ cha anh đã hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ bỏ lại sau lưng những người mẹ già, những người vợ trẻ và những đứa con thơ để lên đường tham gia kháng chiến. Họ mang một nỗi niềm chia li nhưng vẫn sắt đá một tinh thần quyết chiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ý chí đó không ít lần đi vào những trang thơ, trang văn của biết bao nghệ sĩ yêu nước: "Người ra đi đầu không ngoảnh lại - Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy". Những con người kiên cường ấy đã cống hiến hết tuổi thanh xuân của mình, góp máu xương để giải phóng trọn vẹn đất nước. Các anh, các chị đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ để chúng ta hôm nay được sống trong độc lập tự do. Hòa bình, hạnh phúc và sự phát triển mà chúng ta đang có hôm nay là thành quả của sự hi sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ ngày hôm qua. Để báo đáp công ơn ấy và kế thừa truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, hơn ai hết chúng ta cần phải ghi sâu lời dạy năm xưa của Bác “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ là những người có công với tổ quốc, với nhân dân, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”...
Chúng ta học được trong lịch sử và qua ký ức của những người đi trước, chúng ta hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, độc lập tự do của dân tộc phải đánh đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ. Chắc hẳn chúng ta đã từng xúc động khi đọc những trang viết sống động, những dòng nhật ký đầy chất lửa của liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm và hay bộ phim “Đừng đốt” gây xúc động mạnh mẽ bởi sự hy sinh vì lý tưởng, đấu tranh cho chân lý, cho khát vọng hòa bình của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Chất lửa truyền thống ấy đã được hun đúc qua hàng ngàn năm, đã rực sáng khi đất nước lâm nguy và nó còn được tuổi trẻ hôm nay gìn giữ và phát huy, bởi lẽ đó là kết tinh của truyền thống, của khí phách dân tộc. ...... năm đã đi qua, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn ngời sáng. Bản chất "bộ đội cụ Hồ" của Quân đội nhân dân Việt Nam là những tinh hoa, khí phách của con người Việt Nam. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ với lí tưởng cao đẹp “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lai” mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất trong tâm hồn của con người đất Việt. Đó là những tấm gương sáng ngời về tinh thần chịu đựng gian khổ, về đức hi sinh và lòng dũng cảm kiên cường còn lưu truyền mãi cho các thế hệ mai sau.
Truyền thống, đạo nghĩa là những giá trị mà nhân dân Việt Nam chúng ta không có quyền quên và phải ghi nhớ suốt đời. Noi gương các anh hùng liệt sỹ chúng ta hôm nay phải biến truyền thống yêu nước và cách mạng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thành bản lĩnh và ý chí Việt Nam để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Do vậy, đòi hỏi chúng ta phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh, không ngừng học tập, ra sức rèn đức luyện tài để kế thừa con đường xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh; để đền đáp công ơn, sự hi sinh của các thế hệ cha anh.
Hòa cùng không khí cả nước chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/1944 - 22/12/2024 xin trân trọng gửi lời tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh mang đến hòa bình vĩnh viễn cho người dân Việt Nam, xin ghi khắc những tình cảm cao quý của các Mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con ưu tú cho quê hương, đất nước Việt Nam này.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.
Tham khảo thêm
Kịch bản chương trình lễ kỷ niệm ngày 22-12
Lời chúc cho chiến binh nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 2024 hay nhất
Kịch bản chương trình ngoại khóa ngày 22/12
Bài cảm nghĩ về ngày 22-12 - Bài viết về ngày 22/12 hay và ý nghĩa
Ngày 22 tháng 12 năm 1944 là ngày gì?
Lời dẫn chương trình văn nghệ 22-12 2024
Tranh tô màu 22/12 chủ đề quân đội đẹp nhất
Lời chúc ngày 22/12 hay và ý nghĩa, xúc động
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
- Tham vấn:Đinh Ngọc Tùng
Bài tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/2024
279,7 KB 18/12/2024 1:30:00 CHĐề cương tuyên truyền 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (PDF)
866,5 KB 18/12/2024 2:14:43 CHBài tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (PDF)
18/12/2024 2:00:41 CH
Gợi ý cho bạn
-
Kế hoạch tổ chức phần hội khai giảng năm học mới 2024
-
Bản tóm tắt thành tích đề nghị xét tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục
-
Hướng dẫn giáo viên nhập/xuất học bạ điện tử trên VnEdu mới nhất
-
Tham luận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi 2024
-
Quy trình một buổi họp phụ huynh 2024
-
File luyện viết chữ in hoa cho bé (2 bộ) năm 2024
-
Mẫu phiếu tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông 2024
-
Mẫu phiếu thông tin học sinh 2024
-
Cách viết đơn xin học bổng hay nhất cập nhật 2024
-
Phân phối chương trình môn Giáo dục công dân bậc THCS mới nhất
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Giáo dục - Đào tạo
Kế hoạch giảm tải Tự nhiên xã hội lớp 2 sách Kết nối tri thức theo công văn 3969
Đáp án giao lưu giáo viên dạy giỏi an toàn giao thông 2022
Mẫu đơn đăng ký dự tuyển vào lớp 6 chương trình song bằng
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module TH2
Lưu ý khi đăng ký xét tuyển vào lớp 1, lớp 6 ở Hà Nội
Phiếu đăng ký dự thi phần mềm sáng tạo
Thủ tục hành chính
Hôn nhân - Gia đình
Giáo dục - Đào tạo
Tín dụng - Ngân hàng
Biểu mẫu Giao thông vận tải
Khiếu nại - Tố cáo
Hợp đồng - Nghiệm thu - Thanh lý
Thuế - Kế toán - Kiểm toán
Đầu tư - Kinh doanh
Việc làm - Nhân sự
Biểu mẫu Xuất - Nhập khẩu
Xây dựng - Nhà đất
Văn hóa - Du lịch - Thể thao
Bộ đội - Quốc phòng - Thương binh
Bảo hiểm
Dịch vụ công trực tuyến
Mẫu CV xin việc
Biển báo giao thông
Biểu mẫu trực tuyến