Hỏi đáp tình huống pháp luật phục vụ việc dạy và học pháp luật ở các nhà trường

Tải về

Hỏi đáp, hình huống pháp luật phục vụ việc dạy và học trong nhà trường

130 câu hỏi đáp, tình huống pháp luật phục vụ việc dạy và học pháp luật ở các trường học các cấp gồm các chủ đề xoay quanh người chưa thành niên: Một số quy định của pháp luật dân sự; Một số quy định của pháp luật hình sự; Một số quy định về xử lý vi phạm hành chính; Một số quy định của pháp luật tốt tụng hình sự và thi hành án hình sự; Một số quy định của pháp luật lao động; Phòng chống tệ nạn xã hội...

Việc sử dụng các tình huống pháp luật trong giảng dạy ở nhà trường là phương pháp đổi mới việc dạy và học hiệu quả, không chỉ trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật, xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật cho học sinh mà còn là phương tiện hiệu quả để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên trong dạy kiến thức pháp luật. Thực tế những năm gần đây cũng cho thấy, muốn dạy và học có hiệu quả kiến thức pháp luật thì không thể chỉ chú trọng đổi mới nội dung mà còn phải chú trọng đổi mới phương pháp. Tuy nhiên việc vận dụng các tình huống như thế nào để đạt hiệu quả, giúp học sinh dễ hiểu nhất đòi hỏi giáo viên cần tìm hiểu và có khả năng lý giải tốt các tình huống pháp luật. Dưới đây Hoatieu.vn xin gửi đến bạn đọc bộ câu hỏi đáp gồm 130+ tình huống pháp luật phục vụ việc dạy và học pháp luật ở các nhà trường làm tài liệu tham khảo.

CHỦ ĐỀ 1. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT DÂN SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

(25 CÂU)

1. Khái niệm năng lực pháp luật của cá nhân?

Trả lời:

Cá nhân là một trong các chủ thể của quan hệ dân sự. Để tham gia vào các quan hệ dân sự, cá nhân phải có tư cách chủ thể hay năng lực chủ thể, được tạo thành bởi năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được quy định tại Điều 16 Bộ luật dân sự 2015:

"Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết."

Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật dân sự quy định cho cá nhân. Các quyền và nghĩa vụ dân sự của cá nhân được ghi nhận ở Hiến pháp 2013, Bộ luật dân sự năm 2015 và nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

Theo quy định của pháp luật dân sự cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự sau đây:

Điều 14.

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Điều 15.

1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.

4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 16.

1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định (Điều 16 Bộ luật dân sự năm 2005).

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng, là tiền đề, là thành phần không thể thiếu được của cá nhân với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, là một mặt của năng lực chủ thể.

2. Năng lực hành vi dân sự là gì? Phân biệt năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên với năng lực hành vi dân sự của người thành niên?

Trả lời

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. (Điều 19 Bộ luật dân sự năm 2015).

Nếu năng lực pháp luật dân sự là tiền đề, là quyền dân sự của mỗi chủ thể thì năng lực hành vi dân sự là khả năng hành động của chính chủ thể để thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Ngoài ra, năng lực hành vi dân sự còn bao hàm cả năng lực tự chịu trách nhiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ dân sự.

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự là hai thuộc tính tạo thành tư cách chủ thể độc lập của cá nhân trong các quan hệ dân sự.

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân không giống nhau mà phụ thuộc vào lứa tuổi, thể chất của mỗi cá nhân vì những cá nhân khác nhau, có nhận thức khác nhau về hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cụ thể về năng lực hành vi dân sự của người thành niên và năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên như sau:

- Đối với người thành niên:

Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên. Theo quy định của pháp luật dân sự: Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Mất năng lực hành vi dân sự là trường hợp người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, nếu có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Hạn chế năng lực hành vi dân sự là trường hợp người nghiện ma túy hoặc = các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì có thể bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan.

- Đối với người chưa thành niên:

+ Người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

+ Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

+ Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự.

Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

3. Sau giờ học, Huyền và Ngọc - hai em học sinh lớp 6 trao đổi với nhau về các quy định của pháp luật dân sự. Huyền cho rằng mình có quyền thực hiện các giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi của mình. Còn Ngọc chưa hiểu rõ lắm các quy định đó. Em muốn hỏi ý kiến của Huyền có chính xác không?

Trả lời

Ý kiến của Huyền là chính xác.

Theo quy định của pháp luật dân sự (Khoản 3 và 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015):

Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

=> Như vậy, người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác lập, thực hiện các giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Giao dịch này thường là các giao dịch có giá trị nhỏ, mục đích là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi hàng ngày trong cuộc sống, được người đại diện của họ cho phép thực hiện mà không cần sự đồng ý trực tiếp của người đại diện. Ví dụ như: mua đồ dùng học tập, sách vở, đồ chơi...

4. Quyền nhân thân là gì? Theo quy định của Bộ luật Dân sự, cá nhân có những quyền nhân thân nào?

Trả lời

“Quyền nhân thân” là thuật ngữ pháp lý để chỉ những quyền dân sự gắn với bản thân mỗi con người và đời sống riêng tư của họ mà không thể chuyển giao cho người khác,

Điều 25 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.

Trong pháp luật Việt Nam, các quyền nhân thân được ghi nhận trong pháp luật dân sự và chủ yếu tập trung trong Bộ luật dân sự.

Quyền nhân thân của cá nhân là một trong những quyền dân sự cơ bản của con người được pháp luật bảo hộ. Việc tôn trọng quyền nhân thân của người khác là nghĩa vụ của mọi người và cũng là nghĩa vụ của chính người đó. Khi thực hiện quyền nhân thân của mình về nguyên tắc không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Bộ luật dân sự 2015 quy định 13 quyền nhân thân của cá nhân từ Điều 26 đến Điều 39, bao gồm:

- Quyền có họ, tên (Điều 26)

- Quyền thay đổi họ (Điều 27)

- Quyền thay đổi tên (Điều 28)

- Quyền xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29)

- Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30)

- Quyền đối với quốc tịch (Điều 31)

- Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32)

- Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33)

- Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34)

- Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Điều 35)

- Quyền xác định lại giới tính (Điều 36)

- Chuyển đổi giới tính (Điều 37)

- Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38)

- Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39)

.................................

Chương trình đào tạo và thời gian học tập ngành Giáo dục mầm non

Tình huống 1.Trường Cao đẳng Đại Việt S là trường tư thục, trong quá trình hoạt động trường này có đăng ký loại hình đào tạo là Ngành giáo dục mầm non, Trường phòng đào tạo Trường Cao đẳng Đại Việt S muốn hỏi chương trình đào tạo và thời gian học tập ngành Giáo dục Mầm non được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 2 Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT ngày 10/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non quy định chương trình đào tạo và thời gian học tập như sau:

1. Chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, cấu trúc từ các môn học hoặc học phần (sau đây gọi chung là học phần). Chương trình đào tạo thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thủ trưởng các cơ sở đào tạo tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nhà trường, bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Nội dung, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo áp dụng chung đối với các hình thức đào tạo, phương thức tổ chức đào tạo và đối tượng sinh viên khác nhau. Đối với người đã tốt nghiệp trình độ khác hoặc ngành khác, khối lượng học tập thực tế được xác định trên cơ sở công nhận, hoặc chuyển đổi tín chỉ đã tích lũy và miễn trừ học phần trong chương trình đào tạo trước.

3. Chương trình đào tạo phải được công khai đối với sinh viên trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho sinh viên.

4. Đối với mỗi hình thức đào tạo, chương trình đào tạo cần cung cấp kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa để định hướng cho sinh viên.

a) Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với hình thức đào tạo chính quy phải phù hợp với thời gian quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, đồng thời bảo đảm đa số sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo;

b) Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học dài hơn tối thiểu 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo.

5. Thời gian học tập

Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khoá học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo. Đối với sinh viên đăng ký học để nhận thêm một bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.

Tình huống 2.Trường Tư thục Đại học H đang có ý định đăng ký thêm loại hình đào tạo là Ngành giáo dục mầm non, Trường Tư thục Đại học H muốn biết pháp luật quy định như thế nào về phương thức tổ chức đào tạo và hình thức đào tạo?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 3 Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT quy địnhphương thức tổ chức đào tạo như sau:

1. Đào tạo theo niên chế

a) Là phương thức tổ chức đào tạo theo lớp học tương đối cố định đối với tất cả các học phần bắt buộc của chương trình đào tạo trong toàn khoá học, cho phép sinh viên cùng lớp thực hiện theo kế hoạch học tập chuẩn và theo một thời khóa biểu chung trừ những học phần tự chọn hoặc học lại;

b) Sinh viên được đánh giá đạt tiến độ học tập bình thường sẽ được học tiếp năm sau theo kế hoạch học tập chuẩn và đăng ký học lại những học phần chưa đạt theo quy định trong chương trình đào tạo;

c) Sinh viên được đánh giá không đạt tiến độ học tập bình thường sẽ phải học cùng sinh viên khóa sau để học lại các học phần chưa đạt theo quy định trong chương trình đào tạo.

2. Đào tạo theo tín chỉ

a) Là phương thức tổ chức đào tạo theo từng lớp học phần, cho phép sinh viên tích lũy tín chỉ của từng học phần và thực hiện chương trình đào tạo theo kế hoạch học tập của cá nhân, phù hợp với kế hoạch giảng dạy của cơ sở đào tạo;

b) Sinh viên không đạt học phần bắt buộc sẽ phải học lại học phần đó hoặc học một học phần tương đương theo quy định trong chương trình đào tạo, hoặc học một học phần thay thế nếu học phần đó không còn được giảng dạy;

c) Sinh viên không đạt một học phần tự chọn sẽ phải học lại học phần đó hoặc có thể chọn học một học phần tự chọn khác theo quy định trong chương trình đào tạo.

3. Cơ sở đào tạo lựa chọn, áp dụng phương thức tổ chức đào tạo như sau:

a) Đào tạo theo tín chỉ, áp dụng thống nhất cho tất cả các khóa và hình thức đào tạo;

b) Đào tạo theo niên chế, áp dụng thống nhất cho tất cả các khóa và hình thức đào tạo;

c) Áp dụng đào tạo theo tín chỉ cho một số khóa hoặc cho một hình thức đào tạo; áp dụng đào tạo theo niên chế cho một số khóa khác hoặc hình thức đào tạo còn lại.

Điều 34 Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT quy địnhhình thức đào tạo như sau:

1. Đào tạo chính quy

a) Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo;

b) Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy trong khoảng từ 06 giờ đến 20 giờ các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7; thời gian tổ chức những hoạt động đặc thù của chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo.

2. Đào tạo vừa làm vừa học

a) Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo hoặc tại cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định liên kết đào tạo tại Điều 5 của Quy chế này, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo;

b) Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.

Căn cứ vào viện dẫn nêu trên, Trường Tư thục Đại học H nghiên cứu để đăng ký thêm loại hình đào tạo là Ngành giáo dục mầm non để tổ chức đào tạo.

Vị trí pháp lí và quản lý nhà nước đối với Trung tâm của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

Chi tiết 130 câu hỏi đáp, tình huống pháp luật phục vụ việc dạy và học pháp luật

(Xem tiếp trong file tải về)

Đánh giá bài viết
1 6.972
Hỏi đáp tình huống pháp luật phục vụ việc dạy và học pháp luật ở các nhà trường
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm