Câu hỏi đáp tình huống pháp luật dành cho học sinh THCS

Tải về

Bộ câu hỏi đáp tình huống pháp luật dành cho học sinh THCS gồm 5 chủ đề: Quyền trẻ em, quyền và nghĩa vụ công dân trong gia đình; Quyền và nghĩa vụ công dân về trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên;Quyền và nghĩa vụ công dân về văn hoá, giáo dục và kinh tế; Các quyền tự do cơ bản của công dân; Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Quyền và nghĩa vụ công dân trong quản lý nhà nước.

1. 12 câu hỏi tình huống về bản chất, vai trò của pháp luật

Câu hỏi 1. Pháp luật là gì? Vì sao mỗi công dân cần phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật?

Trả lời:

Khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đánh dấu một cột mốc quan trọng về trình độ văn minh mà xã hội đã đạt được trên tiến trình dân chủ hóa xã hội. Tiến trình đó hướng tới mục tiêu cao cả, và cũng là điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Khoản 1, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều 46 Hiến pháp năm 2013 quy định:Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”.

Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật”.

Để quản lý xã hội, mỗi nhà nước cần phải xây dựng và ban hành hệ thống quy tắc xử sự chung áp dụng cho mọi cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các quan hệ xã hội, làm cho mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức diễn ra trong vòng trật tự, ổn định. Hệ thống quy tắc xử sự chung đó được gọi là pháp luật.

Pháp luật là một hiện tượng xã hội khách quan, đặc biệt quan trọng nhưng cũng vô cùng phức tạp chính vì vậy đã có không ít những cách quan niệm, nhận thức khác nhau về pháp luật. Trên bình diện phổ quát, căn bản nhất, có thể định nghĩa pháp luật như sau:

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị trên cơ sở ghi nhận các nhu cầu về lợi ích của toàn xã hội, được bảo đảm thực hiện bằng nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích tạo lập trật tự, ổn định cho sự phát triển xã hội.

Trong hệ thống pháp luật Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác đều phải phù hợp với Hiến pháp. Nếu mọi công dân đều thực hiện đúng khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” thì xã hội ngày càng phát triển, cái xấu sẽ bị đẩy lùi, cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Do vậy, mỗi công dân cần phải hiểu và nắm vững các quy định của pháp luật, có nắm vững thì mới thực hiện đúng pháp luật.

Câu hỏi 2. Xin hỏi pháp luật và đạo đức có mối quan hệ với nhau như thế nào?

Trả lời:

Đạo đức là những quy tắc xử sự của con người, của tập thể và của cộng đồng, được hình thành trên cơ sở quan niệm về cái thiện, cái ác, về sự công bằng, về nghĩa vụ, lương tâm, danh dự, nhân phẩm và về những phạm trù khác thuộc đời sống tinh thần của xã hội. Đạo đức, một khi trở thành niềm tin nội tâm thì sẽ được các cá nhân, các nhóm xã hội tuân theo một cách tự giác.

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị trên cơ sở ghi nhận các nhu cầu về lợi ích của toàn xã hội, được bảo đảm thực hiện bằng nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích tạo lập trật tự, ổn định cho sự phát triển xã hội.

Trong quá trình xây dựng pháp luật, nhà nước luôn cố gắng đưa những quy phạm đạo đức có tính phổ biến, phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội vào trong các quy phạm pháp luật. Như vậy, trong hàng loạt quy phạm pháp luật luôn thể hiện các quan niệm về đạo đức, nhất là pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, văn hóa, xã hội, giáo dục. Khi đã trở thành nội dung của quy phạm pháp luật thì các giá trị đạo đức không chỉ tuân thủ bằng niềm tin, lương tâm của cá nhân hay do sức ép của dư luận xã hội mà còn được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh quyền lực nhà nước. Do đó, có thể nói, pháp luật là một phương tiện đặc thù để thể hiện và bảo vệ các giá trị đạo đức.

Pháp luật là khuôn mẫu chung cho cách xử sự của mọi người trong hoàn cảnh, điều kiện như nhau, là thể hiện cụ thể của công lý, công bằng và giới hạn tự do của mỗi người trong việc thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chính những giá trị cơ bản của pháp luật – công bằng, bình đẳng, tự do, lẽ phải, cũng là những giá trị đạo đức cao cả mà con người luôn hướng tới.

Pháp luật và đạo đức luôn gắn bó chặt chẽ tác động qua lại với nhau. Pháp luật cần được xây dựng trên cơ sở của đạo đức, phù hợp với đạo đức.

Đạo đức là cơ sở để xây dựng, hình thành các chuẩn mực pháp luật. Có như vậy, pháp luật mới dễ dàng đi vào cuộc sống, dễ thực hiện. Nội dung của pháp luật phải chứa đựng nội dung, tinh thần của đạo đức. Ngược lại, pháp luật củng cố, bảo vệ những tư tưởng, quan điểm, quy tắc đạo đức phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị, phù hợp sự phát triển của xã hội ngày một văn minh. Pháp luật hạn chế, loại trừ nhũng quy định đạo đức không phù hợp đi ngược với lợi ích của giai cấp thống trị, với tiến bộ xã hội. Đồng thời, pháp luật góp phần hình thành những quan điểm, quy tắc đạo đức tiến bộ phù hợp xã hội văn minh. Không chỉ có pháp luật, nhà nước cũng luôn có ý thức giữ gìn đạo đức, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thực tiễn đã chứng minh, đạo đức và pháp luật sẽ phát huy vai trò, tác dụng của mình khi chúng có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, tác động cùng chiều, hỗ trợ cho nhau trong quản lý đời sống xã hội.

Câu hỏi 3. Tại sao nói bản chất của pháp luật vừa mang tính giai cấp, vừa mang tính xã hội sâu sắc?

Trả lời:

Bản chất pháp luật là một thể thống nhất bao gồm hai mặt – hai phương diện cơ bản: phương diện giai cấp và phương diện xã hội hay thường được gọi là tính giai cấp và tính xã hội. Hai phương diện này có quan hệ mật thiết, phụ thuộc, tác động lẫn nhau và cả hai đều mang tính tất yếu khách quan. Bản chất của pháp luật là vấn đề thuộc về những dấu hiện bên trong của pháp luật, những mục đích của điều chỉnh pháp luật, pháp luật đó bảo vệ những lợi ích của ai v.v… Pháp luật ngoài việc thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị, là công cụ của nhà nước ra còn có vai trò và giá trị xã hội to lớn, không chỉ là sản phẩm thuần túy của nhà nước.

Về tính giai cấp của pháp luật:

Việc phân tích nguồn gốc của pháp luật đã chứng tỏ, pháp luật ra đời trước hết từ nhu cầu bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, pháp luật phản ánh tương quan lực lượng giữa các giai cấp, sự thỏa hiệp giữa các giai cấp, các nhóm, các tập đoàn có lợi ích đối lập nhau. Vì vậy, xét về bản chất, pháp luật luôn mang tính giai cấp sâu sắc. Tính giai cấp của pháp luật được thể hiện ở sự phản ánh ý chí nhà nước của giai cấp thống trị xã hội trong hệ thống các văn bản pháp luật, các hoạt động áp dụng pháp luật của nhà nước.

Pháp luật mang bản chất giai cấp sâu sắc vì pháp luật do nhà nước, đại diện cho giai cấp cầm quyền ban hành và bảo đảm thực hiện. Tính giai cấp của pháp luật biểu hiện ở các điểm sau đây:

Pháp luật là những quy tắc thể hiện ý chí của giai cấp thống trị. Giai cấp nào nắm quyền lực Nhà nước thì trước hết ý chí của giai cấp đó được phản ánh trong pháp luật. Các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành phù hợp với ý chí của giai cấp cầm quyền nhằm định hướng cho xã hội, giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước. Vi phạm pháp luật là xâm hại đến lợi ích của nhà nước – lợi ích của giai cấp cầm quyền. Trong những trường hợp đó, nhà nước sẽ sử dụng quyền lực có tính cưỡng chế để buộc người vi phạm phải chấm dứt hành vi trái pháp luật. Bản chất giai cấp là biểu hiện chung của bất kỳ kiểu pháp luật nào. Tuy nhiên, mỗi kiểu pháp luật lại có biểu hiện riêng của nó.

Về tính xã hội của pháp luật:

Bên cạnh tính giai cấp, pháp luật còn có giá trị xã hội rất to lớn. Thuộc tính xã hội là một thuộc tính khách quan, tất yếu và phổ biến của pháp luật. Điều đó có nghĩa, pháp luật vừa là sự thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị xã hội, vừa là công cụ ghi nhận, bảo vệ lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp khác. Để duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội, nhà nước phải quan tâm đến ý chí và lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp khác trong xã hội, phải giải quyết các vấn đề phát sinh trong xã hội như: tội phạm, thất nghiệp, tệ nạn xã hội, môi trường…

Pháp luật mang bản chất xã hội vì pháp luật bắt nguồn từ xã hội, do các thành viên của xã hội thực hiện, vì phát triển của xã hội. Các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội, phản ánh những nhu cầu, lợi ích của các giai cấp và các tầng lớp trong xã hội, được các cá nhân, các cộng đồng dân cư, các tầng lớp khác nhau trong xã hội chấp nhận, coi là chuẩn mực, là quy tắc xử sự chung. Từ đó, pháp luật trở thành thước đo của hành vi con người, là công cụ kiểm nghiệm các quá trình, các hiện tượng xã hội.

Các quy phạm pháp luật được thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội vì sự phát triển của xã hội. Các hành vi xử sự của cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư phù hợp với những quy định của pháp luật làm cho xã hội phát triển trong vòng trật tự, ổn định, quyền và lợi ích hợp pháp luật của mỗi người đều được tôn trọng.

Tuy nhiên, giá trị xã hội của các kiểu pháp luật khác nhau rất khác nhau: không thể so sánh giá trị của pháp luật chủ nô với pháp luật tư sản hoặc pháp luật xã hội chủ nghĩa, nhưng nhìn tổng thể thì pháp luật chủ nô cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tiến hóa của xã hội. Cùng với sự phát triển lịch sử của pháp luật giá trị xã hội của pháp luật ngày càng tăng lên, đặt biệt là đối với pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Tóm lại: pháp luật là một hiện tượng vừa mang tính giai cấp lại vừa thể hiện tính xã hội. Hai thuộc tính này có mối liên hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau. Do những điều kiện khách quan và chủ quan, sự thể hiện tính giai cấp và tính xã hội của pháp luật có khác nhau trong các kiểu nhà nước.

Câu hỏi 4. Sống với nhau được gần 10 năm, nhưng bà H luôn phải nhẫn nhục trước ông chồng vũ phu, nóng tính và hay chửi bới, đánh đập vợ con. Sự việc gần đây nhất, do không đồng ý trước việc bà H dồn tiền mua cho con gái một cái xe đạp để đi học, ông P đánh bà gẫy tay. Biết chuyện, mấy chị em trong Hội liên hiệp phụ nữ xã khuyên bà H nên biết dùng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đề nghị cho biết vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội đối với mỗi công dân?

Trả lời:

Pháp luật có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đối với mỗi công dân, pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình.

Ở nước ta, các quyền con người về chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa và xã hội được tôn trọng, được thể hiện ở các quyền công dân, được quy định trong Hiến pháp và luật. Hiến pháp quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các luật về dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, thuế, đất đai, giáo dục… cụ thể hóa nội dung, cách thức thực hiện các quyền của công dân trong từng lĩnh vực cụ thể.

Như vậy, thông qua các quy định trong các luật và văn bản dưới luật, pháp luật xác lập quyền của công dân đồng thời cũng quy định các nghĩa vụ của công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, công dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Mặt khác pháp luật là phương tiện để công dân bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua các luật về hành chính, hình sự, tố tụng, trong đó quy định thẩm quyền, nội dung, hình thức, thủ tục giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và xử lí các vi phạm pháp luật xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Mọi hành vi xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp, lợi ích chính đáng của công dân đều bị xử lý nghiêm minh. Pháp luật không chỉ quy định các quyền, nghĩa vụ pháp lý của công dân mà còn quy định cơ chế pháp lý, các quy định pháp luật, trình tự thủ tục để thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Các quyền và lợi ích chính đáng của công dân được pháp luật quy định, bảo vệ trong tất cả các lĩnh vực quan hệ xã hội.

Câu hỏi 5. H (22 tuổi) bị tâm thần từ nhỏ. Trong một lần phát bệnh, H đã đánh gãy tay em Q ở gần nhà gây tổn hại sức khỏe 30% cho em. Xin hỏi: hành vi của H có phải là vi phạm pháp luật hình sự không?

Trả lời:

Căn cứ vào khái niệm Tội phạm do Bộ Luật hình sự quy định thì vi phạm pháp luật hình sự phải có đầy đủ các dấu hiệu cơ bản sau đây:

  • Là hành vi trái pháp luật được quy định trong Bộ Luật hình sự
  • Do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện
  • Người vi phạm phải có lỗi cố ý hoặc vô ý
  • Xâm phạm, gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ

Trong trường hợp này, H đã thực hiện hành vi trái pháp luật, làm tổn hại đến sức khỏe của em Q. Tuy nhiên, H bị tâm thần từ nhỏ và thực hiện hành vi gây thương tích khi đang phát bệnh. Điều đó có nghĩa H thực hiện hành vi trái pháp luật trong tình trạng mà anh ta không nhận thức và điều khiển được hành vi của mình.

Pháp luật hình sự Việt Nam coi tình trạng của H là không có năng lực trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 21, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.”

Như vậy, do H là người không có năng lực trách nhiệm hình sự nên hành vi trái pháp luật do anh thực hiện không phải là vi phạm pháp luật hình sự.

Câu hỏi 6. Ông Q thường xuyên đi săn với bạn bè. Trong một lần đi săn do nhìn lầm, tưởng người là thú nên ông Q đã bắn nhầm làm chết chị M. Khi cơ quan công an điều tra, ông Q khai báo rằng mình không cố ý bắn vào chị M, việc chị M bị chết là ngoài ý muốn. Đồng thời ông Q lập luận rằng hành vi làm chết chị M không phải là vi phạm pháp luật vì không có lỗi cố ý. Xin hỏi: trong trường hợp trên, ông Q có lỗi hay không? Hành vi của ông có phải là vi phạm pháp luật không?

Trả lời:

Lỗi là một trong các dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật. Nếu một hành vi trái pháp luật được thực hiện mà không có lỗi thì hành vi đó không phải là vi phạm pháp luật. Theo các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, lỗi được chia thành bốn loại:

  • Lỗi cố ý trực tiếp: là lỗi của của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra
  • Lỗi cố ý gián tiếp: là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
  • Lỗi vô ý vì quá tự tin: là lỗi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện và đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội.
  • Lỗi vô ý do cẩu thả: là lỗi trong trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả đó mặc dù điều kiện khách quan buộc họ phải thấy trước hậu quả đó.

Đối với ông Q, tuy ông không cố ý làm chết chị M nhưng ông vẫn có lỗi. Lỗi được xác định trong trường hợp này là lỗi vô ý do cẩu thả. Bởi địa điểm đi săn nơi thỉnh thoảng có người qua lại nên khi đi săn, ông có trách nhiệm phải quan sát, tránh sát thương vào người khác. Nếu như lúc ngắm bắn, ông quan sát kỹ càng và cẩn thận hơn thì chắc chắn sẽ không nhầm người là thú và bắn vào chị M. Hành vi bắn vào chị M thể hiện sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của ông khi đi săn.

Như vậy, hành vi của ông Q đã có đủ các dấu hiệu của một vi phạm pháp luật. Cụ thể, trong trường hợp này, ông đã phạm tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ Luật Hình sự:

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.

Câu hỏi 7. K đi xe máy phóng nhanh, vượt ẩu nên đâm vào anh C đi ngược chiều. Hậu quả là anh C bị chấn thương, tổn hại sức khỏe của anh là 31%; chiếc xe máy của anh C bị vỡ nhiều bộ phận do tác động của va chạm. Xin hỏi, trong trường hợp này, K phải chịu những loại trách nhiệm pháp lý nào?

Trả lời:

Một hành vi vi phạm pháp luật có thể phải chịu nhiều loại trách nhiệm pháp lý khác nhau. Những loại trách nhiệm pháp lý mà K phải chịu là:

  • Trách nhiệm hành chính: bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
  • Trách nhiệm dân sự:

K còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tài sản cho anh C theo nguyên tắc được quy định tại Khoản 1, Điều 584, Bộ Luật Dân sự “ Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Cụ thể, trong trường hợp này, K phải bồi thường những thiệt hại về sức khỏe mà anh C phải chịu đựng và cả thiệt hại do chiếc xe máy bị hỏng.

Câu hỏi 8. Dịch tả đang lây lan mạnh trên địa bàn huyện X. Cơ quan y tế đã kết luận thịt chó là nguồn thực phẩm có nguy cơ lớn làm lây lan vẩy dịch sang người. Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, chủ tịch UBND huyện X đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của các cửa hàng thịt chó và các đầu mối giết, mổ thịt chó trong huyện. Xin hỏi: việc các cửa hàng bán thịt chó phải đóng cửa có phải là trách nhiệm pháp lý không?

Trả lời

Trách nhiệm pháp lý là nghĩa vụ mà các cá nhân hoặc tổ chức phải gánh chịu hậu quả bất lợi từ hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Như vậy, trách nhiệm pháp lý có những đặc điểm riêng sau đây:

  • Trách nhiệm pháp lý là hệ quả của vi phạm pháp luật và chỉ phát sinh khi có vi phạm pháp luật. Các tổ chức, cá nhân chỉ có thể bị áp dụng trách nhiệm pháp lý khi họ có hành vi vi phạm pháp luật.
  • Trách nhiệm pháp lý có tính chất trừng phạt hoặc nhằm khôi phục lại những quyền và lợi ích bị xâm phạm.

Căn cứ vào những đặc điểm trên, có thể kết luận rằng việc các cửa hàng kinh doanh thịt chó bị buộc phải đóng cửa không phải là trách nhiệm pháp lý vì:

  • Biện pháp này không nảy sinh từ bất cứ một vi phạm pháp luật nào của các cửa hàng kinh doanh.
  • Biện pháp này không hướng tới mục đích trừng phạt răn đe. Mục đích của biện pháp cưỡng chế này là nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong khu vực dân cư.

Tóm lại, việc các cửa hàng kinh doanh thịt chó bị đóng cửa không phải là trách nhiệm pháp lý mà chỉ là một biện pháp cưỡng chế hành chính.

Câu hỏi 9. Có bao nhiêu hình thức thực hiện pháp luật? Nêu cụ thể các hình thức đó?

Trả lời:

Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Có 4 hình thức thực hiện pháp luật như sau:

- Tuân theo (tuân thủ) pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật trong đó các cá nhân, cơ quan, tổ chức tự mình kiềm chế không tiến hành những hoạt động mà pháp luật ngăn cấm. Ở hình thức này chỉ đòi hỏi các chủ thể tự kiềm chế mình không thực hiện những hành vi mà pháp luật nghiêm cấm.

- Thi hành (chấp hành) pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật mà trong đó các cá nhân, cơ quan, tổ chức tích cực thực hiện những nghĩa vụ do pháp luật quy định. Hình thức này đòi hỏi các chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý một cách tích cực và chỉ có thể bằng hoạt động tích cực mới thực hiện nghĩa vụ của mình.

- Sử dụng pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật mà trong đó các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật. Khác với hình thức Tuân theo pháp luật và Thi hành pháp luật, các chủ thể phải thực hiện các quy định pháp luật một cách "thụ động" hay "tích cực" thì trong hình thức Sử dụng pháp luật, các chủ thể được "chủ động" thực hiện hoặc không thực hiện các quyền của mình theo ý chí của mình.

- Áp dụng pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tiến hành để tổ chức cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thực hiện các quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật cụ thể. Điểm đặc biệt của hình thức áp dụng pháp luật là nếu như 3 hình thức kia là những hình thức mà mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể thực hiện thì áp dụng pháp luật chỉ do các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

Câu hỏi 10. Các hành vi như: học sinh đến trường để học tập, nam công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhà máy không xả chất thải chưa được xử lý ra môi trường, Thanh tra xây dựng xử phạt đối với hành vi xây dựng trái phép... có phải là thực hiện pháp luật không? Nếu có thì mỗi hành vi trên tương ứng với hình thức thực hiện pháp luật nào?

Trả lời:

Thực hiện pháp luật là tất cả những hành vi, xử sự của cá nhân, tổ chức được tiến hành phù hợp với các quy định của pháp luật. Hành vi của những đối tượng trên đều là hoạt động thực hiện pháp luật bởi đó là những xử sự thực tế của mỗi cá nhân, tổ chức theo trách nhiệm, thẩm quyền của mình, phù hợp với quy định của pháp luật.

Có 4 hình thức thực hiện pháp luật là tuân theo pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật. Dựa vào tính chất của hoạt động thì mỗi hành vi nêu trên tương ứng với hình thức thực hiện pháp luật sau:

- Pháp luật bảo vệ môi trường nghiêm cấm cơ quan, tổ chức thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước... Hành vi nhà máy không xả chất thải chưa được xử lý ra môi trường tương ứng với hình thức tuân theo pháp luật.

- Luật Nghĩa vụ quân sự quy định công dân nam có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Hành vi công dân nam thực hiện nghĩa vụ quân sự tương ứng với hình thức thi hành pháp luật

- Hành vi học sinh đến trường để học tập là biểu hiện của việc công dân thực hiện quyền học tập đã được Hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận như: Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Như vậy hành vi này tương ứng với hình thức sử dụng pháp luật.

- Hành vi Thanh tra xây dựng xử phạt đối với hành vi xây dựng trái phép tương ứng với hình thức áp dụng pháp luật. Ở đây, Thanh tra xây dựng – trong phạm vi thẩm quyền của mình được pháp luật quy định đã căn cứ vào các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng để ra Quyết định xử phạt đối với người có hành vi xây dựng trái phép.

Câu hỏi 11. Anh Quân và chị Lan đến Ủy ban nhân dân xã gửi hồ sơ xin đăng ký kết hôn. Năm ngày sau, tại trụ sở Ủy ban, đại diện Ủy ban nhân dân xã trao cho anh chị Giấy chứng nhận kết hôn, chính thức công nhận anh chị là vợ chồng. So sánh hành vi của anh Quân chị Lan và Ủy ban nhân dân xã trong thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn?

Trả lời:

- Điểm giống nhau giữa hành vi của anh Quân chị Lan và Ủy ban nhân dân xã khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn: đều là hành vi thực hiện pháp luật.

- Điểm khác nhau:

+ Về chủ thể: hành vi của anh Quân chị Lan là hành vi của công dân thực hiện pháp luật; hành vi của Ủy ban nhân dân xã là hành vi của cơ quan Nhà nước thực hiện pháp luật.

+ Về hình thức thực hiện pháp luật:

Anh Quân chị Lan gửi hồ sơ xin đăng ký kết hôn là biểu hiện của hình thức thi hành (chấp hành) pháp luật, theo đó các cá nhân, cơ quan, tổ chức tích cực thực hiện những nghĩa vụ do pháp luật quy định. Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình quy định việc kết hôn phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Còn việc Ủy ban nhân dân xã trao Giấy chứng nhận kết hôn cho anh Quân chị Lan là hành vi áp dụng pháp luật. Ở đây, Ủy ban nhân dân xã căn cứ vào thẩm quyền của mình do Luật hôn nhân và gia đình quy định để tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn, cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho công dân.

Câu hỏi 12. Lên lớp 10, Hùng được bố mẹ mua cho xe máy để đi học. Hôm đó, vừa phóng xe ra khỏi nhà, đến ngã tư đầu phố, Hùng bị chú Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe vì đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Qua kiểm tra giấy tờ, chú cảnh sát nói Hùng còn mắc thêm một lỗi nữa là chưa đủ tuổi đi xe máy. Chú cảnh sát đã phạt cảnh cáo Hùng.

Việc cảnh sát giao thông xử phạt Hùng là hình thức nào của thực hiện pháp luật? Hình thức đó được sử dụng trong những trường hợp nào?

Trả lời:

Việc cảnh sát giao thông phạt cảnh cáo Hùng trong trường hợp trên là hình thức áp dụng pháp luật. Ở đây, cảnh sát giao thông theo thẩm quyền của mình và căn cứ vào các quy định của pháp luật để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ của Hùng.

Áp dụng pháp luật được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Khi Nhà nước cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những cá nhân, tổ chức, cơ quan vi phạm pháp luật. Hay nói cách khác, áp dụng pháp luật chỉ được thực hiện khi có hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, cảnh sát giao thông xử phạt Hùng vì đã có các hành vi vi phạm nêu trên.

- Khi những quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các chủ thể không mặc nhiên phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt nếu thiếu sự can thiệp của Nhà nước. Ví dụ: Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do kinh doanh, nhưng công dân muốn được kinh doanh thì phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan này phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công dân đó. Như vậy, công dân muốn thực hiện quyền kinh doanh thì phải thông qua hoạt động áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Khi xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật mà tự họ không thể giải quyết được. Trong trường hợp này, quan hệ pháp luật đã phát sinh, nhưng quyền và nghĩa vụ của các bên không được thực hiện và có sự tranh chấp. Ví dụ: A vay tiền của B nhưng sau đó A không trả cho B. Hai bên không tự giải quyết được nên B kiện A ra tòa án. Tòa án căn cứ vào các quy định của pháp luật dân sự để ra bản án buộc A phải trả tiền cho B.

- Khi Nhà nước thấy cần phải tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các bên trong quan hệ pháp luật hoặc xác nhận sự tồn tại hay không tồn tại của một số sự việc, sự kiện thực tế. Ví dụ: cơ quan công chứng, chứng thực áp dụng pháp luật để xác nhận hợp đồng mua bán nhà ở, sao các văn bằng, chứng chỉ...

2. 90 câu hỏi đáp tình huống pháp luật dành cho học sinh THCS

Chủ đề 1. Quyền trẻ em, quyền và nghĩa vụ công dân trong gia đình (20 câu)

Gồm các nội dung: Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em; Quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của trẻ em (Việt Nam); Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình.

Chủ đề 2. Quyền và nghĩa vụ công dân về trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên (15 câu)

Gồm các nội dung: Thực hiện trật tự an toàn giao thông; Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng, chống nhiễm HIV/AIDS; Phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại.

Chủ đề 3. Quyền và nghĩa vụ công dân về văn hoá, giáo dục và kinh tế (15 câu)

Gồm các nội dung: Quyền và nghĩa vụ học tập; Bảo vệ di sản văn hoá; Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác; Nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản của nhà nước và lợi ích công cộng; Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế; Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân.

Chủ đề 4. Các quyền tự do cơ bản của công dân (20 câu)

Gồmcác nội dung: Quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín; Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo; Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân; Quyền tự do ngôn luận.

Chủ đề 5. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Quyền và nghĩa vụ công dân trong quản lý nhà nước (20 câu)

Gồm các nội dung: Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bộ máy nhà nước cấp cơ sở; Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý; Quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của công dân; Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

CHỦ ĐỀ 1 (20 câu)

QUYỀN TRẺ EM; QUYỀN, NGHĨA VỤ CÔNG DÂN TRONG GIA ĐÌNH

Các nội dung chính trong chủ đề: Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của trẻ em (Việt Nam) ; Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân và gia đình.

1. Có ý kiến cho rằng: chỉ có những trẻ em da trắng và da vàng mới có những quyền trẻ em được quy định trong công ước quốc tế về quyền trẻ em, còn trẻ em da đen ở những nước châu Phi thì không có những quyền này. Xin hỏi nhận định như thế có đúng không?

Trả lời:

Công ước Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em là một công ước quốc tế quy định các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em. Công ước có hiệu lực từ ngày 2 tháng 9 năm 1990. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều đã tham gia công ước (193 quốc gia, trừ Hoa Kỳ và Somalia). Các quốc gia phê chuẩn công ước này chịu ràng buộc của các quy định công ước này theo luật quốc tế. Điều 2 của công ước khẳng định rằng các quốc gia thành viên phải tôn trọng và bảo đảm những quyền trẻ em được nêu ra trong công ước mà không có sự phân biệt, đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc….

Như vậy, trẻ em ở bất cứ quốc gia nào đã tham gia công ước đều được hưởng những quyền trẻ em được ghi nhận trong công ước, không phụ thuộc vào màu da của các em. Trẻ em da đen cũng như trẻ em da trắng, đều có các quyền bình đẳng như nhau.

Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới tham gia Công ước liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Ngay sau đó, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào năm 1991 để ghi nhận các quyền trẻ em trong công ước này.

2. Chú Khang là hàng xóm nhà Tuyết. Bé Bi, con trai của chú Khang vừa mới tròn 2 tuổi. Tuyết thường hay sang chơi với bé Bi. Có một lần Tuyết nghe thấy bố mình hỏi chú Khang: “Em đã đăng ký khai sinh cho cháu Bi chưa?” Chú Khang cười rồi trả lời: “ Em chưa anh ạ. Đợi đến lúc bé Bi đi học tiểu học thì đăng ký cũng được. Vội gì!”

Hỏi: Trẻ em có quyền được đăng ký khai sinh ngay sau khi ra đời không? Pháp luật Việt Nam quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em như thế nào?

Trả lời:

Được đăng ký khai sinh ngay sau khi ra đời là một quyền cơ bản của trẻ em.

Khoản 1, Điều 7 Công ước liên hợp quốc về quyền trẻ em ghi nhận rằng: "Trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau khi được sinh ra và có quyền có họ tên, có quốc tịch ngay từ khi chào đời…"

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 của Việt Nam đã khẳng định rằng: Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch. Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn; UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em, vận động cha mẹ, người giám hộ khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn. Trẻ em của hộ nghèo không phải nộp lệ phí đăng ký khai sinh.

Điều 14 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch cũng quy định rõ : “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em”.

Bé Bi đã tròn 2 tuổi mà chú Khang chưa đi đăng ký khai sinh cho bé là không đúng. Việc này có thể làm ảnh hưởng đến các quyền lợi khác trong tương lai của bé Bi.

3. Trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.

Trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục năm 2004 (Điều 24) quy định như sau:

- Cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em; khi gặp khó khăn tự mình không giải quyết được, có thể yêu cầu và được cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

- Cha mẹ, người giám hộ, các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình phải gương mẫu về mọi mặt cho trẻ em noi theo; có trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triên toàn diện của trẻ em.

- Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm chăm lo chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em theo từng lứa tuổi.

- Trong trường hợp ly hôn hoặc các trường hợp khác, người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con chưa thành niên phải có nghĩa vụ đóng góp để nuôi dưỡng con đến tuổi thành niên, có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con theo quy định của pháp luật.

4. "Sáng ngày 25/5, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi của quận H thấy một cháu bé khoảng 3 tuần tuổi bị bỏ rơi trước cửa trung tâm. Khắp người cháu bé bị bầm tím và sưng tấy do bị kiến cắn. Manh mối duy nhất để lại là một mảnh giấy ghi tên và ngày sinh của cháu. Công an đã nhanh chóng điều tra và tìm ra bố mẹ của cháu. Được biết, vì khi sinh ra, cháu đã bị teo não, bố mẹ không muốn nuôi nên đành bỏ cháu vào trung tâm".

Đọc xong tin trên, Minh (13 tuổi) thắc mắc, muốn biết những quyền trẻ em nào đã bị vi phạm và hành vi bỏ rơi trẻ em như trên có bị pháp luật trừng trị không?

Trả lời:

Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, hành vi bố mẹ bỏ mặc trẻ em vì lý do trẻ em bị bệnh nói trên đã vi phạm đến nhiều quyền cơ bản của trẻ em bao gồm:

- Quyền được sống chung với cha mẹ: Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Cha mẹ có trách nhiệm bảo đảm điều kiện để trẻ em được sống chung với mình.

- Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Cha mẹ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em.

- Quyền được chăm sóc sức khoẻ: Trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ. Cha mẹ có trách nhiệm thực hiện việc chữa bệnh cho trẻ em.

Theo Điều 9, Nghị định 91/2011/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì cha mẹ, người giám hộ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Sau khi sinh con, cha hoặc mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng;

- Cha, mẹ bỏ mặc con, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, để trẻ em này rơi vào hoàn cảnh đặc biệt theo quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

- Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, để khắc phục hậu quả, pháp luật buộc cha, mẹ, người giám hộ thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật do thực hiện hành vi nói trên.

5. Khi Mai học hết tiểu học thì bố quyết định cho Mai nghỉ học để phụ giúp mẹ bán hàng. Khi các cô bác ở hội phụ nữ phường đến động viên cho Mai được đi học thì bố Mai cho rằng: bố mẹ có quyền quyết định việc học của con cái.

Xin hỏi; Bố mẹ có quyền quyết định việc học của con cái hay không? Trách nhiệm bảo đảm quyền học tập của trẻ em được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?

Trả lời:

Đối với trẻ em, học tập có ý nghĩa quan trọng. Trẻ em cần được học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi, người hữu ích cho gia đình, xã hội và tương lai sẽ trở thành công dân tốt, người lao động tốt góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Vì vậy, Điều 16, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đã khẳng định rằng: "Trẻ em có quyền được học tập."

Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm bảo đảm quyền được học tập của trẻ em. Trách nhiệm này được Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định tại Điều 28 như sau:

- Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em được thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.

- Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm thực hiện giáo dục toàn diện về đạo đức, tri thức, thẩm mỹ, thể chất, giáo dục lao động hướng nghiệp cho trẻ em; chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- Cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông phải có điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đảm bảo chất lượng giáo dục.

- Người phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong nhà trường phải được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề, yêu trẻ, được tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, theo các quy định của pháp luật, cha mẹ không có quyền bắt con cái bỏ học mà phải tạo điều kiện để con cái thực hiện quyền được học tập của mình. Suy nghĩ và hành động của bố Mai như thế là không đúng. Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm bảo đảm quyền được học tập của trẻ em.

6. Ngày 23 tháng 10, trước cửa bệnh viện X, có một bé gái 5 tuổi nhăn nhó vì đau ruột thừa. Em đã ngồi đây từ sáng nhưng vẫn chưa được vào khám vì em không mang theo thẻ bảo hiểm y tế và mẹ em thì không có tiền để đóng phí khám bệnh. Thật may mắn là sau khi được thông báo, Giám đốc bệnh viện đã ra giải quyết vụ việc và tạo điều kiện cho em được khám bệnh. Em gái được phẫu thuật và cứu sống ngay sau đó. Những nhân viên bệnh viện cản trở việc khám bệnh của em cũng đã bị xử phạt theo pháp luật.”

Cường rất bức xúc khi đọc được tin tức trên và biết rằng hành vi đó đã vi phạm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Em muốn biết hành vi cản trở, không khám chữa bệnh cho trẻ em sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Quyền được chăm sóc sức khỏe là một quyền cơ bản của trẻ em được ghi nhận trong Công ước liên hợp quốc về quyền trẻ em. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng khẳng định : trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; trẻ em dưới sáu tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.

Theo quy định tại Điều 8, Nghị định 91/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì hành vi cản trở, không khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em bị xử lý như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người đang chăm sóc, nuôi dưỡng, trông nom, dạy học cho trẻ em phát hiện ra trẻ em bị bệnh hoặc có dấu hiệu bị bệnh mà không thông báo kịp thời cho gia đình hoặc không đưa ngay trẻ em đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế gần nhất dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em theo quy định hoặc trong trường hợp cấp cứu;

+ Thu tiền khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi trái với quy định của pháp luật;

+ Không sử dụng trang thiết bị, phương tiện khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em trong khi có điều kiện và được phép sử dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em.

- Tổ chức, cá nhân có các hành vi cản trở không khám chữa bệnh cho trẻ em sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ ba tháng đến sáu tháng đối với cá nhân, tổ chức.

- Tổ chức, cá nhân có những hành vi nói trên sẽ phải chịu mọi chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em.

- Tổ chức, cá nhân đã thu tiền khám, chữa bênh cho trẻ em dưới sáu tuổi trái với quy định của pháp luật thì phải trả lại số tiền đã thu.

(Xem tiếp trong file tải về)

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục giáo dục đào tạo trong mục biểu mẫu nhé.

Đánh giá bài viết
10 8.791
Câu hỏi đáp tình huống pháp luật dành cho học sinh THCS
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm