Câu hỏi và gợi ý trả lời Cuộc thi tìm hiểu truyền thống "Lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình - 70 năm một chặng đường vẻ vang"

Tải về

Đáp án Cuộc thi tìm hiểu truyền thống "Lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình - 70 năm một chặng đường vẻ vang"

Câu hỏi và gợi ý trả lời Cuộc thi tìm hiểu truyền thống "Lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình - 70 năm một chặng đường vẻ vang" được hoatieu.vn sưu tầm và đăng tải, nhằm giúp các bài dự thi đảm bảo chất lượng cao hơn. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề cương Cuộc thi tìm hiểu “Lực lượng vũ trang Thanh Hoá 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”

Bài dự thi Tấm gương nhà giáo Việt Nam

Câu 1: Bạn hãy cho biết: Ngày, tháng, năm thành lập Tỉnh đội - Ngày truyền thống LLVT tỉnh Hoà Bình; Ai là Chỉ huy trưởng; Chính trị viên đầu tiên của tỉnh đội Hoà Bình?

Gợi ý trả lời:

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền nhân dân các cấp ở Hòa Bình vừa được thành lập đã phải đối phó quyết liệt với 3 thứ giặc: “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tháng 2/1947, Bộ Quốc phòng ra thông tư quy định: Vào dân quân là nghĩa vụ của mọi công dân từ 18 đến 45 tuổi. Ở thôn và xã có 2 lực lượng là dân quân và du kích, đây là những lực lượng chiến đấu do nhân dân trang bị và đảm bảo bằng cách dựa vào sự đóng góp của nhân dân. Tháng 3/1947, Chính phủ quyết định xây dựng các ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp. Tháng 4/1947, Trung ương Đảng ra quyết định về xây dựng lực lượng dân quân du kích, tự vệ.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, để đáp ứng yêu cầu kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 16/8/1947, đồng chí Lê Đông, Bí thư Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn để kiểm điểm tình hình hoạt động của các ngành, các địa phương, về phát triển đảng viên mới và phong trào dân quân du kích trên các xã, tuyến đường huyết mạch; Hội nghị quyết định thành lập Tỉnh đội dân quân Hòa Bình.

Sau Hội nghị Tỉnh ủy, cơ cấu tổ chức Tỉnh đội dân quân bước đầu được hình thành. Đồng chí Vũ Hoàng Diệp giữ chức Tỉnh đội trưởng, đồng chí Lê Thi giữ chức Chính trị viên. Tỉnh đội dân quân Hòa Bình đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Tỉnh ủy, chịu sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Chiến khu 2. Tỉnh đội dân quân có nhiệm vụ chỉ huy LLVT địa phương thực hiện nhiệm vụ quân sự, chiến đấu và tham gia vào các nhiệm vụ kháng chiến của địa phương...

Ngày 24 tháng 5 năm 2007 Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 có Quyết định số 2153/QĐ-BTL, quyết định lấy ngày 16/08/1947 là ngày thành lập Tỉnh đội Hòa Bình - Ngày truyền thống LLVT tỉnh Hoà Bình.

(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Hòa Bình)

Câu 2: Bạn hãy cho biết trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tỉnh Hoà Bình có mấy chiến khu kháng chiến; là những chiến khu nào ? ở đâu và ngày, tháng, năm thành lập từng chiến khu ?

Gợi ý trả lời: Tháng 2/1945, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, quyết định thành lập các chiến khu trên cả nước và chỉ thị cho các tỉnh chuẩn bị tích cực công tác khởi nghĩa. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Ban Cán sự Đảng tỉnh phối hợp với Ban cán sự Đảng các tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình thành lập chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (Chiến khu Quang Trung); đồng thời quyết định xây dựng 4 chiến khu các mạng trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang.

1- Căn cứ cách mạng Tu Lý - Hiền Lương: Nằm trên địa bàn 2 xã Tu Lý và Hiền Lương, Châu Mai Đà (nay là huyện Đà Bắc). Đây là chiến khu cách mạng đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được thành lập tháng 2/1945, với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng LLVT địa phương của tỉnh. Tại đây, tổ chức vũ trang đầu tiên chính thức ra mắt và hoạt động, đó là lớp Huấn luyện quân sự, do đồng chí Vũ Thơ trực tiếp huấn luyện, sau 7 ngày (từ 16 đến 22/02/1945) lớp học kết thúc, sau đó phong trào cách mạng trong vùng phát triển mạnh mẽ và lan rộng nhanh chóng ra các khu vực xung quanh. Trong khởi nghĩa tháng 8/1945, lực lượng cách mạng căn cứ Tu Lý và Hiền Lương đã đóng vai trò quan trọng giành chính quyền ở tỉnh lỵ ngày 23/8/1945.

2- Căn cứ cách mạng Mường Diềm: Thuộc xã Hào Tráng huyện Đà Bắc (nay đã bị ngập dưới lòng hồ sông Đà)[1]. Được Ban cán sự Đảng tỉnh Hoà Bình thành lập tháng 4/1945, với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng và huấn luyện lực lượng vũ trang cách mạng. Xây dựng thành công Chiến khu Mường Diềm là thắng lợi lớn của phong trào cách mạng ở Hòa Bình; lôi kéo được quan lang, có quần chúng Nhân dân, có lực lượng vũ trang.

3- Căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên: Thuộc 2 xã Cao Phong và Thạch Yên huyện Kỳ Sơn, (nay thuộc xã Yên Lập và Yên Thượng, huyện Cao Phong), được thành lập tháng 4/1945[2], với nhiệm vụ xây dựng và huấn luyện lực lượng vũ trang cách mạng. Kết thúc khóa huấn luyện, các học viên tỏa về các xóm, mỗi người tự lo tìm người vận động; tổ chức và huấn luyện một Tiểu đội. Thanh thế của Việt Minh đã động viên tinh thần cách mạng của Nhân dân trong vùng. Trong khởi nghĩa tháng 8/1945, lực lượng cách mạng chiến khu Cao Phong - Thạch Yên đã đóng vai trò quan trọng đã hỗ trợ đắc lực cho khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh lỵ Hoà Bình thắng lợi vào ngày 23/8/1945.

4- Căn cứ khu cách mạng Mường Khói: Thuộc 2 xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa (nay thuộc xã Ân Nghĩa và Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn), được thành lập sau Hội nghị tháng 4 và tháng 7/1945 của Ban cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình, nhằm nối liền phong trào cách mạng Hòa Bình với Chiến khu Quỳnh Lưu, Ninh Bình, với nhiệm vụ xây dựng và huấn luyện lực lượng cách mạng ở địa phương. Cuối tháng 7, đầu tháng 8/1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định chọn Mường Lọt (thuộc chiến khu Mường Khói) để mở lớp huấn luyện quân sự. Lớp học được mang tên "Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu". Trong khởi nghĩa tháng 8/1945, lực lượng cách mạng chiến khu Mường Khói đã đóng vai trò quan trọng giành chính quyền ở tỉnh lỵ ngày 23/8/1945.

(Nguồn: Hòa Bình Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ 1945 - 1975; Kỷ yếu ảnh "Lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Hòa Bình 60 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành (16/8/1947 - 16/8/2007)"; Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Hòa Bình (1947 - 2012) )

Câu 3: Hãy nêu những đóng góp, thành tích tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ? Nêu khái quát một số trận đánh tiêu biểu của quân dân tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ này?

Gợi ý trả lời:

* Thành tích tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945:

Ngày 18-8-1945, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy được truyền tới Hòa Bình. Ngay ngày hôm đó, đồng chí Vũ Thơ, Trưởng ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh đã kịp thời phát lệnh khởi nghĩa, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng khu căn cứ, chi bộ thị xã và các cơ sở khác trong tỉnh với phương án là tập trung lãnh đạo khởi nghĩa ở một điểm chắc thắng rồi từ đó tiến lên giành chính quyền tỉnh và các châu khác. Ban chỉ huy khởi nghĩa quyết định chọn châu Lạc Sơn là điểm đầu tiên.

Theo đúng kế hoạch đã định, ngày 20-8-1945, đơn vị vũ trang tập trung, tự vệ chiến đấu và quần chúng từ khu căn cứ Mường Khói cùng với cán bộ, hội viên cứu quốc, nhân dân thị trấn Vụ Bản và các xóm xã xung quanh được vũ trang bằng nỏ, dao, gậy,... biểu tình, vũ trang tiến hành chiếm châu lỵ Lạc Sơn. Việc giành chính quyền châu Lạc Sơn diễn ra thuận lợi, nhanh gọn.

Ngày 22-8-1945, đông đảo nhân dân thị xã, nòng cốt là tự vệ cứu quốc đã biểu tình vũ trang chiếm trụ sở Hội đồng thị xã, Châu đường Kỳ Sơn một cách nhanh gọn.

Ngày 23/8/1945 với lực lượng cách mạng hùng hậu của thị xã và các khu căn cứ Mường Khói, Cao Phong-Thạch Yên, Tu Lý-Hiền Lương cuộc khởi nghĩa giành chính quyền bù nhìn đầu sỏ ở tỉnh diễn ra thuận lợi, nhanh gọn và không gặp sự phản ứng nào. Quân đội Nhật hoàn toàn án binh bất động. Ủy ban quân sự cách mạng tỉnh đã ra mắt quần chúng trong niềm vui vô hạn của đông đảo nhân dân các dân tộc. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công là thắng lợi có ý nghĩa quyết định thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện giải quyết tiếp việc giành chính quyền ở những nơi còn lại.

Ngày 25-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền châu Mai Đà thắng lợi. Sau đó lực lượng khởi nghĩa Mai Đà theo lệnh của Xứ ủy Bắc Kỳ đã tiến lên Sơn La, phối hợp cùng nhân dân địa phương giành chính quyền ở Mộc Châu thắng lợi.

Tại Lương Sơn, theo mối chỉ đạo từ Chương Mỹ, Mỹ Đức (tỉnh Hà Đông cũ-nay thuộc Hà Nội) và Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh, việc giành chính quyền ở châu lỵ Lương Sơn giành thắng lợi nhanh gọn vào sáng ngày 26-8-1945.

Châu Lạc Thủy thời gian này vẫn thuộc tỉnh Hà Nam, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở đây diễn ra thắng lợi ngày 22/8/1945 do Đảng bộ tỉnh Hà Nam chỉ đạo.

Như vậy, từ ngày 20 đến ngày 26-8-1945, bằng lực lượng từ các khu căn cứ kết hợp với lực lượng nhân dân vũ trang khởi nghĩa nổi dậy, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành thắng lợi việc giành chính quyền ở châu, tỉnh, thị trấn và một số xã có cơ sở cách mạng.

* Những đóng góp, thành tích tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954:

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Hòa Bình trở thành một trong những hậu cứ vững mạnh của chiến trường Liên khu III; chi viện sức người, sức của đến mức cao nhất phục vụ chiến trường chung; Đặc biệt là đã bảo vệ thành công con đường giao lưu có ý nghĩa chiến lược giữa căn cứ địa Việt Bắc với Liên khu III, Liên khu IV.

Toàn tỉnh có 955 thanh niên các dân tộc tham gia quân đội, chiến đấu trên khắp mọi miền của Tổ quốc; cử 1.169 lượt người đi dân công, thanh niên xung phong phục vụ chiến trường với tổng số 2.543.620 ngày công; ủng hộ 708 con trâu bò, 4.720kg thịt lợn, 39.517 tấn thực phẩm khác, 600 tấn thóc gạo, 905 xe đạp thồ, cung cấp hàng chục triệu cây gỗ, bương, tre, nứa; vận chuyển 4.900.000 tấn hàng, 170.000 người xay giã 545 tấn thóc cho bộ đội và cung cấp cho mặt trận.... , có 414 Liệt sĩ, 58 Thương binh.

Trên lĩnh vực chiến đấu, quân dân trong tỉnh đã đánh 1.831 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 2.370 tên xâm lược; phá hủy 18 khẩu trọng pháo, trung đại liên, 56 xe vận tải, 3 kho quân trang, quân dụng; thu 529 súng các loại, trong đó có 40 trung đại liên, 120.000 viên đạn các loại...

Cùng với thắng lợi về quân sự, Đảng bộ, quân dân trong tỉnh còn giành được những thắng lợi to lớn trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là từng bước đã hạn chế, đi đến xóa bỏ về cơ bản chế độ nhà lang với những đặc quyền tuyệt đối của giai cấp phong kiến lang đạo, giải phóng nông dân thoát khỏi ách bóc lột, trói buộc nghiệt ngã của chế độ nhà lang tồn tại đã bao đời.

* Những đóng góp, thành tích tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược 1954-1975:

Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện xuất sắc nhiệm vụ khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng: Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên quê hương, chi viện sức người, sức của cho miền Nam giành chiến thắng, góp phần vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Toàn tỉnh có 11.460 con em các dân tộc Hòa Bình nhập ngũ, trong đó có 1.440 gia đình có từ 2 con nhập ngũ trở lên, 15.670 thanh niên xung phong, đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước 162.000 tấn lương thực, 14.336 tấn thực phẩm... Có 3.623 liệt sỹ, 670 thương binh, 624 bệnh binh. 14 Huân chương quân công, 25 Huân chương chiến công, 32 Huân chương lao động, 705 đơn vị Quyết thắng, 29 chiến sĩ Quyết thắng, 396 cán bộ, chiến sĩ thi đua các cấp.

02 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là: Đồng chí Bùi Văn Nê, xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy, hy sinh năm 1972 và được truy tặng ngày 20-12-1973 và đồng chí Bùi Văn Hợp, xóm Tầm, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, hy sinh năm 1972 và được truy tặng ngày 15-1-1976.

01 Anh hùng lao động là chị Nguyễn Thị Khương, xã Thịnh Lang, huyện Kỳ Sơn (nay thuộc thành phố Hòa Bình).

Quân và dân Hòa Bình bắn rơi 49 máy bay, bắt sống hàng chục giặc lái.

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã có bước trưởng thành to lớn. Năm 1954, toàn Đảng bộ có 2.218 đảng viên sinh hoạt ở 124 chi bộ, năm 1975 đã có 12.223 đảng viên sinh hoạt ở các chi, đảng bộ hầu khắp xã, phường, xí nghiệp, công, nông lâm trường, trạm, trại, trường học, bệnh viện.

* Một số trận chiến đấu tiêu biểu của quân dân tỉnh Hòa Bình (1945-1975):

  • Khởi nghĩa cướp chính quyền tỉnh lỵ Hòa Bình, ngày 23/8/1945.
  • Trận mai phục tiêu diệt Đảng trưởng Lý Đông A (tức Trần Khắc Tường) và sào huyệt của tổ chức phản động Đại Việt duy dân tại Bến Chương của quân và dân châu Mai Đà (nay thuộc huyện Đà Bắc), ngày 02/5/1946.
  • Trận phục kích tiêu diệt địch tại dốc Cha của trung đội du kích xã Toàn Sơn, châu Mai Đà (nay thuộc huyện Đà Bắc) ngày 10/9/1947.
  • Trận phối hợp đánh 3 tầu địch trên sông Bôi của du kích xã Khoan Dụ, xã Xích Thổ và bộ đội chủ lực, ngày 05/11/1947.
  • Trận đánh của Đội du kích Yên Lương - Phú Lẫm huyện Lạc Sơn (nay là xã Phú Lương) tiêu diệt 250 tên địch bằng rượu cần lá Ngón, ngày 30/10/1948.
  • Trận chiến đấu bên dòng thác Mu (Lạc Sơn) của Đại đội 121- Trung đoàn 52 Tây Tiến, ngày 20/11/1948.
  • Trận chiến đấu tập kích tiêu diệt địch tại Đồn Máy của du kích xã Hòa Bình, ngày 25/11/1949.
  • Trận chiến đấu tập kích tiêu diệt địch tại Đồn Bò của dân quân du kích xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc, ngày 10/12/1949.
  • Trận tập kích tiêu diệt bộ máy ngụy quân, ngụy quyền Quận hành chính châu Lương Sơn, ngày 19/5/1950.
  • Trận đánh tập kích địch tại Bình Hẻm của lực lượng du kích, bộ đội địa phương huyện Lạc Sơn, ngày 05/9/1950.
  • Trận phối hợp phục kích tiêu diệt gọn 1 đoàn xe quân sự 34 chiếc của địch tại cầu Mè (Mông Hóa - Kỳ Sơn) của quân và dân huyện Kỳ Sơn cùng Trung đoàn 66 - Sư đoàn 304, ngày 02/12/1951.
  • Trận Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Kỳ Sơn (huyện Cao Phong ngày nay) tiêu diệt và bắt sống hơn một đại đội lính Âu Phi, phá huỷ nhiều xe cơ giới và xe tăng địch, ngày 13/12/1951.
  • Trận phục kích đánh tàu chiến địch trên sông Đà của quân và dân xã Yên Mông, huyện Kỳ Sơn (nay là thành phố Hòa Bình), ngày 22/12/1951.
  • Trận chiến đấu bắn rơi 01 máy bay phản lực F.4H không quân Mỹ của dân quân xã Liên Hòa (nay là xã Yên Nghiệp), huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, ngày 31/5/1965.
  • Trận chiến đấu bắn rơi máy bay RF101 Mỹ của quân và dân xã Trung Thành, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình ngày 29/4/1966.
  • Trận chiến đấu bắn rơi máy bay F.105 không quân Mỹ của dân quân xã Thu Phong, Kỳ Sơn (nay là huyện Cao Phong) ngày 20/7/1966.
  • Trận chiến đấu bắn rơi máy bay phản lực F.105 không quân Mỹ của dân quân xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, ngày 30/4/1967.
  • Trận chiến đấu tại Đồi Bù của quân và dân xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, từ ngày 22 - 29/12/1972.

(Bài dự thi có thể lựa chọn 5-7 trận chiến đấu tiêu biểu trong số trận chiến đấu mà Ban Tổ chức Cuộc thi giới thiệu)

(Nguồn: Địa chí tỉnh Hòa Bình, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929-2010, Lịch sử Đảng bộ các huyện thành phố trong tỉnh)

Mời các bạn tải file đầy đủ về tham khảo.

Đánh giá bài viết
1 490
Câu hỏi và gợi ý trả lời Cuộc thi tìm hiểu truyền thống "Lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình - 70 năm một chặng đường vẻ vang"
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm