8 Bài thi viết về gương điển hình, tiên tiến, người tốt việc tốt 2024 mới nhất

Cuộc thi viết về “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” nhằm kịp thời phát hiện, khen thưởng, biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt” trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực công tác, học tập, lao động sản xuất và đời sống xã hội, qua đó lan tỏa những việc làm tốt, hành động đẹp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau đây là bài dự thi tham khảo.

Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2023 đã chính thức triển khai từ ngày 13/10/2022 - 15/5/2023.

1. Bài viết về tấm gương người tốt việc tốt ở địa phương

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An nơi bà sinh ra và lớn lên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Đó là bà Lê Thị Đệ sinh năm 1943, bà đã tham gia các chức danh tổ trưởng tổ dân phố 7E được hơn 30 năm. Từ năm 1990. Bà là 1 tổ trưởng gương mẫu dám nghĩ dám làm, hết lòng với công việc, nhiệm vụ được nhân dân trong tổ giao phó.

Gương mẫu, nhiệt tình trong công việc xã hội, khéo léo trong công tác vận động quần chúng là nhận xét của nhân dân đối với bà Lê Thị Đệ - Tổ trưởng Tổ 7E – phường Thanh Lương – quận Hai Bà Trưng – Hà Nội.

Tổ 7E có 320 hộ gia đình, 973 nhân khẩu. Đây là nghĩa vụ nặng nề đối với bà Đệ. Bà cho biết, với vai trò là người lãnh đạo, trọng trách ấy lại càng cao hơn, để dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Theo bà, trước hết đòi hỏi người Tổ trưởng phải thực sự gương mẫu, có tư duy sáng tạo và năng lực vận động quần chúng. Đây chính là nhân tố quyết định thành công hay thất bại. Vì vậy ngoài thời gian làm việc gia đình, bà luôn trăn trở, suy nghĩ làm gì để giúp cho người dân trong tổ có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng lên. Sau khi nắm tình hình điều kiện kinh tế của tổ, bà xây dựng kế hoạch trọng tâm, trọng điểm một cách cụ thể, rồi tổ chức triệu tập họp bàn thống nhất mục tiêu, giải pháp, xác định những vấn đề trước mắt và lâu dài, qua đó tạo sự đồng thuận cao. Bà cùng cán bộ, đảng viên ở tổ, tổ chức họp trước khi tổ chức họp dân. Tại các buổi họp dân, bà luôn tôn trọng vấn đề phát huy dân chủ, gợi mở những vấn đề cốt lõi để đảng viên cũng như quần chúng nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ tâm tư nguyện vọng chính đáng của mình. Bản thân bà cũng phối hợp cùng đảng viên, các tổ chức chính trị xã hội trong tổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào do phường phát động. Đối với các khoản thu đóng góp của dân, bà yêu cầu lập sổ ghi chép công khai, đầy đủ, rõ ràng, cử đại diện người dân tham gia giám sát các công trình.

Đặc biệt năm 2019, 2020 và năm 2021, là năm đại dịch Covid-19, bà là người sát sao trong việc phòng, chống cho người dân trong tổ như: tuyên truyền đến từng hộ gia đình: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không tập trung nơi đông người. Chính vì vậy, tổ 7E luôn ý thức và có trách nhiệm cao trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tổ 7E luôn là tổ văn minh đô thị, đồng thời thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với cương vị làm tổ trưởng hơn 30 năm qua, bà là tổ trưởng gương mẫu được nhân dân trong tổ tin yêu và kính phục.

2. Bài thi viết về tấm gương người tốt việc tốt: Cô hiệu trưởng

Bài thi viết về tấm gương người tốt việc tốt
Bài thi viết về tấm gương người tốt việc tốt

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn là tấm gương sáng để mỗi con người Việt Nam phấn đấu noi theo. Cho đến ngày nay đã có rất nhiều tấm gương tấm gương người tốt việc tốt học tập và làm theo lời Bác trên khắp cả nước. Tất cả mọi người đều muốn đóng góp một phần công sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh và phát triển. Trong đó phải kể đến những thầy giáo, cô giáo mang trên mình sứ mệnh trồng người, những người không quản nhọc nhằn, vất vả vì đàn em thân yêu. Tôi muốn nói đến một người như thế, một tấm gương học tập và làm theo lời Bác.Đó chính là người đồng nghiệp của tôi, cô giáo Trần Thị Hoa, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Danh Phương thân thương.

Cô giáo Trần Thị Hoa, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Danh Phương là tấm gương tiêu biểu tâm huyết với nghề, làm theo lời Bác, điển hình trong công tác quản lý. Những năm qua, cô đã xây dựng Hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Đồng thời, luôn quan tâm đến hoàn cảnh, nguyện vọng từng cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường, cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện để họ công tác tốt. Cô đi đầu trong việc vận dụng nhiều phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới quản lý. Đặc biệt, cô vận dụng tốt các biện pháp quản lý bằng kế hoạch, bằng pháp chế; hưởng ứng các cuộc vận động và phong trào thi đua của Nhà nước và ngành giáo dục; thực hiện tốt công tác phối hợp với Công đoàn cơ sở, sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong nhà trường. Để công tác quản lý đạt hiệu quả cao, ngoài trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, bản thân cô tự trau dồi chuyên môn, tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hiệu trưởng; các lớp tập huấn do ngành giáo dục tổ chức để nắm bắt tình hình, cải tiến công tác quản lý tại đơn vị mình. Nhờ vậy, trong những năm qua công tác quản lý của trường luôn thường xuyên được đổi mới một cách rõ rệt. Ngoài ra, cô còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, viết sáng kiến chuyên môn …để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường

Với cương vị là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô luôn phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành của địa phương, đề cao trách nhiệm chủ động trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chú trọng việc “Học tập” đến “làm theo” từ đó tạo ra chuyển biến rõ nét về nhận thức trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên và quần chúng trong trường học. Cô đã chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành giáo dục, trong đó nổi bật là phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Từ những lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng đầy trách nhiệm đến những cử chỉ nhỏ nhất trên sân trường như: tự tay nhặt giấy loại bỏ vào thùng rác, tạo thành thói quen cho mỗi thầy cô giáo, học sinh nhà trường; đến thiết kế trồng, chăm sóc, bảo vệ bồn hoa cây cảnh khuôn viên nhà trường; đôn đốc, hướng dẫn mỗi thầy, cô giáo, học sinh học theo Bác tiết kiệm sử dụng điện, nước…, cô đều quán triệt và gương mẫu thực hiện.

Cô thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động trẻ em đúng 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Xây dựng Kế hoạch hoạt động chuyên môn; kiểm tra giáo án và kế hoạch bộ môn; nâng cao năng lực quản lý các hoạt động sau khi dạy của từng giáo viên như kế hoạch bài giảng, đồ dùng dạy học. Cô thường xuyên kiểm tra giáo viên nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp, giúp giáo viên vận dụng đúng đắn phương pháp dạy học tích cực vào thực tế. Xây dựng và kiểm tra chuyên đề các môn học trong nhà trường một cách đều đặn có khoa học nhằm giúp giáo viên nắm vững các phương pháp dạy học, đặc biệt chú ý phương pháp dạy học tích cực, khuyến khích giáo viên đổi mới cách dạy để đáp ứng khả năng học tập của từng đối tượng học sinh trong lớp. Cô giáo luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu, xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học, phân công giáo viên theo dõi kiểm tra đôn đốc nên kết quả học tập của các em ngày càng nâng cao. Cô cũng thường xuyên quan tâm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi lành mạnh, qua đó, giúp các em phát triển toàn diện.

Một điều đáng quý hơn cả, đó là tình cảm mà cô dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Cô dành cho chúng tôi những lời động viên, khích lệ, những lời góp ý chân thành nhất. Đó không đơn giản là quan hệ lãnh đạo với cấp dưới mà là tình bạn, tình đồng chí, tình anh chị em cao cả. Hội đồng giáo dục nhà trường đều quý mến cô Hiệu trưởng, bởi cô là một tấm gương sáng trong công tác quản lý, tạo sức mạnh bằng tinh thần đoàn kết với tác phong giản dị, yêu thương và luôn giúp đỡ đồng nghiệp một cách chân tình. Với những kết quả đạt được, hàng năm qua bình xét cán bộ, đảng viên.. cô được Ủy. ban nhân dân Tỉnh tặng Bằng khen, Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp nhiều năm liền. Cô thực sự là bông hoa tiêu biểu trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” .

Ai đó đã từng nói: “Một thầy cô giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”. Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi và các đồng nghiệp trong trường lại nghĩ đến người bí thư chi bộ, hiệu trưởng của mình. Đối với chúng tôi, cô Trần Thị Hoa không chỉ là một người lãnh đạo nhiệt huyết tận tâm đầy năng lực, người bạn thẳng thắn chân tình mà còn là một tấm gương sáng để chúng tôi học tập, rèn luyện, cống hiến nhiều hơn cho mái trường Tiểu học Lê Danh Phương thân thương này.

3. Bài dự thi viết về gương người tốt việc tốt trong trường học

CÔ GIÁO NGUYỄN THỊ BÍCH NGA – TỰ HÀO NGHỀ “TRỒNG NGƯỜI”

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta bảo là nghề trong sạch nhất

Có một nghề không trồng cây trên đất

Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”

Cứ mỗi lần nghe những câu thơ ấy lòng tôi lại bâng khuâng, xao xuyến, lòng tôi lại chùng xuống và nghĩ tới cô giáo Nguyễn Thị Bích Nga – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Miền quê – nơi nuôi dưỡng những ước mơ.

Sinh ra tại một vùng đất Hải Dương, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 60m về phía Tây, nơi gắn liền với những vị anh hùng dân tộc và những danh nhân văn hóa thế giới như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi…, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, đam mê với nghề Sư phạm, cô Nguyễn Thị Bích Nga ngay từ nhỏ đã là một “cô giáo” cho lũ trẻ trong làng. Đâu những buổi chiều nắng tắt sau buổi hoàng hôn, bên ven sông, dưới rặng dừa xanh ngát, gió thổi mát rượi, ê a tiếng lũ trò đọc bài mà không ai khác chính là cô Nga, cô Nga đang say sưa truyền cảm hứng cho chúng. Đâu những buổi học tại mái trường đã gắn với tuổi ấu thơ của của, nơi đó luôn rúc rích tiếng cười, tiếng nói, tiếng lũ bạn hỏi cô bài: “Này, Nga ơi, lát hướng dẫn tớ học mấy bài Văn để ôn thi nhé!”, “Nga ơi, cậu sắp thi học sinh giỏi môn Văn à? Chúc mừng cậu nhé! Cố lên”…

Đến với vùng quê ấy, không ai không biết tới người có ảnh hưởng lớn đến cô Nga chính là người cha, người thầy của cô – Hiệu trưởng trường THCS trong xã. Người cha mẫu mực, nghiêm khắc ấy đã khiến cô luôn cố gắng học hỏi, đã thắp sáng ước mơ cháy bỏng rằng mai này cô sẽ được đứng trên bục giảng, dẫn các em học sinh đến với những chân trời tri thức, góp phần hình thành nhân cách, đạo đức tốt đẹp cho các em, để mai này những cô bé, cậu bé với đôi mắt tròn xoe, nụ cười tươi rói ấy sẽ trở thành những con người có ích, góp phần dựng xây quê hương, đất nước.

Nhiệt huyết, đam mê nơi trái tim ấy – nghề dạy học yêu quí!

Sau những năm miệt mài đèn sách, sau những tháng ngày “bên ánh đèn khuya, em đã thức bao đêm”, cô thiếu nữ năm nao tại miền quê của tỉnh Hải Dương ấy đã về công tác tại trường THCS Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Với lòng yêu nghề sâu sắc, “bông hoa” ấy đã tỏa cho đời hương thơm của những tiết dạy lí thú, bổ ích. Không chỉ là những tiết thi giáo viên giỏi cấp quận, cấp Thành phố, không chỉ là những tiết hội giảng, tiết chuyên đề mà ngay cả những tiết học hàng ngày, học sinh đều “bị” lôi cuốn vào những lời giảng nhẹ nhàng, truyền cảm, những cách tiếp cận bài giảng một cách đơn giản, đồng thời cũng khơi gợi để các em tìm hiểu sâu hơn nữa.

Cũng tại mái trường này, cô còn là người thầy “đặc biệt”, bởi cô không những phải làm nhiệm vụ dạy dỗ học trò như các giáo viên khác, mà còn phải gánh trên vai bao trách nhiệm nặng nề nữa. Cô là một giáo viên chủ nhiệm giỏi, người giáo viên chủ nhiệm có “tâm” - là chiếc cầu nối giữa nhà trường với học sinh và gia đình học sinh, giữa các giáo viên bộ môn với học sinh… Trong nhiều tình huống, cô còn là người cha, người mẹ, người bạn, là chỗ dựa tinh thần của học sinh. Thực tế cho thấy, cô đã luôn gần gũi, tận tâm với học trò, có chuyên môn cao, yêu nghề sẽ giúp cho hoạt động dạy và học đạt hiệu quả to lớn. Chính vì vậy, nhiều học sinh sau khi trưởng thành vẫn tìm trở về với cô, vẫn luôn giãi bày tâm sự sẻ chia với cô, nhất là những học sinh “cá biệt”, những cô cậu có cái tên là “gấu”, nhờ sự quan tâm, động viên của cô giờ đã trở thành những con người có nghề nghiệp ổn định, có chỗ đứng trong xã hội, có một mái ấm gia đình bình yên thì không thể không nhớ tới công ơn của cô. Quả đúng là nếu chúng ta không có cái tâm, không có tấm lòng của một người cha, người mẹ lo lắng cho học sinh thật lòng, có lẽ người giáo viên chủ nhiệm như cô không thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Bởi có bao nhiêu việc “có tên” và “không tên” đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải ra tay giải quyết, có biết bao trách nhiệm mà người giáo viên chủ nhiệm phải gánh trên vai. Dẫu chưa có danh hiệu nào dành cho những giáo viên chủ nhiệm tận tụy thì sự trưởng thành của học trò sẽ là phần thưởng quí giá nhất dành cho những giáo viên chủ nhiệm hết lòng với học sinh – cô giáo Nguyễn Thị Bích Nga.

Người quản lí có duyên với việc khó.

Nếu không kể tới vai trò của cô trong công tác của người chuyên viên phụ trách bộ môn Ngữ văn của quận Hai Bà Trưng, trong công tác của một phó Hiệu trưởng trường THCS Tây Sơn thì “người ta”, ai cũng biết tới cô với lòng ngưỡng mộ vô cùng kể từ khi cô được điều động về làm Hiệu trưởng của trường THCS Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội – tháng 7/2015.

Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu gặp cô, khuôn mặt hiền từ, nước da trắng ngần và ấn tượng nhất là bởi nụ cười, nụ cười thật đôn hậu, nụ cười xóa tan khoảng cách giữa “Sếp” và nhân viên.

Về với trường của chúng tôi để công tác, để đảm nhận chức vụ lãnh đạo của người đứng đầu, khỏi phải nói, chúng tôi cũng biết cô sẽ gặp khó khăn thế nào. Làm thế nào để thu hút học sinh đây, làm thế nào để tạo dựng được sự tin tưởng để phụ huynh gửi gắm con cái trong khi chất lượng “đầu vào” thấp, chất lượng “đầu ra” cũng chưa được cao, trong khi xung quanh, bước ra khỏi cổng trường thôi là có biết bao trường có tên có tuổi như: Trưng Nhị, Lê Ngọc Hân, Tây Sơn….

Thế mà, người quản lí ấy không hề “nản” dẫu biết rằng đây thực sự là khó khăn lớn đối với nữ hiệu trưởng mới. Nhưng rất nhanh chóng, cô đã quyết định được hai vấn đề then chốt giúp thay đổi hình ảnh nhà trường, "kéo" học sinh quay lại trường học đúng tuyến, đó là: phải tham mưu tích cực, hiệu quả với địa phương cũng như các cơ quan, ban, ngành của quận trong công tác xây dựng cơ sở vật chất nhà trường; củng cố, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên…

Nỗ lực, cố gắng, xong khó khăn, nan giản nhất liên quan đến đội ngũ vì những gì là cố hữu, lối mòn trong suy nghĩ không dễ thay đổi. May mắn, đúng lúc đó, cô cũng thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn đổi mới về phương pháp và mời được những chuyên gia hàng đầu đến trường để hỗ trợ giáo viên về phương pháp.

Tôi còn nhớ: Thời gian đầu, giáo viên không tiếp nhận vì phải thay đổi hoàn toàn về mục tiêu cần hướng tới. Nếu như trước, giáo viên soạn bài, lên lớp giảng bài, hết giờ thì thôi, không cần biết sau giờ dạy có bao nhiêu học sinh hiểu bài, bao nhiêu học sinh không hiểu bài..., thì giờ đây, các thầy cô cần phải biết trong giờ dạy, học sinh học được gì; vì sao học sinh không học được để có những điều chỉnh phương pháp cho phù hợp với từng lớp, từng học sinh...

"Để làm được điều này, với sự quan tâm sát sao của mình, cô đã tăng cường chỉ đạo các buổi sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Nghĩa là, giáo viên thực hiện tiết dạy trên cơ sở mục tiêu học sinh học được gì sau giờ học; vì sao học sinh đó không học; vì sao học sinh đó chưa hiểu và người dự cũng quan sát quan sát như vậy.

Sau giờ dự, thay vì nhận xét, đánh giá tiết dạy của giáo viên thì toàn thể giáo viên tham dự đi sâu phân tích các vấn đề quan sát được từ học sinh trong giờ học, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho những tiết dạy sau" - cô hiệu trưởng của chúng tôi đã chia sẻ cách làm như vậy đó.

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, giờ đây, chúng tôi đã thấy nụ cười trên môi của cô. Trường THCS Đoàn Kết, nhiều năm liền liên tục đạt danh hiệu trường Tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố, chất lượng dạy và học trong nhà trường được nâng cao, năm nào trường cũng có giáo viên giỏi, học sinh giỏi cấp Thành phố. Trường là địa chỉ tin cậy của phụ huynh và học sinh, là nơi chắp cánh ước mơ của biết bao thế hệ trẻ.

Người có duyên với thành tích giấy khen!

Có lẽ người giáo viên, người quản lí với biết bao nhiêu năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Quận, cấp Thành phố, SKKN cấp Thành phố, chiến sĩ thi đua cấp Thành phố, bằng khen của Bộ Giáo dục về những đổi mới đóng góp cho sự nghiệm trồng người thì Cô giáo Nguyễn Thị Bích Nga đã rất xứng đáng khi được chọn là Nhà giáo Thủ đô tâm huyết sáng tạo năm 2018.

Hôm nay, khi nền giáo dục của nước nhà, của Thủ đô đang ngày một khởi sắc, chúng tôi bỗng cảm thấy vui hơn, ấm áp hơn khi đã được sống, được làm việc bên cạnh những con người đầy nhiệt huyết với nghề như vậy. Tự hứa với lòng sẽ cố gắng, cố gắng hơn để vườn hoa giáo dục luôn tỏa hương thơm ngát. Mai đây dù có đi đâu vẫn mãi nhớ về mái trường thân yêu, nhớ về người quản lí gần gũi, thân thương mà cũng rất đáng quí, đáng trọng ấy!

Hà Nội, ngày ...tháng ...năm ...

Người viết

4. Bài dự thi viết về tấm gương nhà giáo gương mẫu

Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy và tâm huyến với nghề, cô giáo Trần Thị Thủy – Giáo viên dạy môn Văn – Trường THCS Xuân Diệu (huyện Can Lộc – Hà Tĩnh) đã mang lại nhiều thành tích GD đáng tự hào cho nhà trường, thông qua kết quả bồi dưỡng HS giỏi, kết quả thi hết kỳ, hết năm học của HS do cô phụ trách…

Quan trọng hơn, tinh thần ham học hỏi, không ngừng sáng tạo của cô đã trở thành tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng để cán bộ, giáo viên và học sinh của trường noi theo.

Vươn lên từ tình yêu nghề

Gần 14 năm bước chân vào nghề giáo, cũng là ngần ấy thời gian cô giáo Trần Thị Thủy gắn bó với mái trường THCS Xuân Diệu. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh – khoa Ngữ văn năm 2001 với tấm bằng loại giỏi, cô Trần Thị Thủy được tiếp nhận về công tác tại chính ngôi trường mà mình đã từng học tập trước đây.

Cô tâm sự: “Đó là niềm vinh dự lớn, nhưng cũng gắn một trách nhiệm nặng nề đối với một giáo viên trẻ mới ra trường, khi mà đồng nghiệp cũng chính là các thầy cô đã từng dạy dỗ và vẫn không ngừng kỳ vọng vào mình”.

Trải qua giai đoạn đầu đầy bỡ ngỡ không thể tránh khỏi, nhưng bằng nghị lực bản thân và nhất là niềm tin yêu với nghề, cô Thủy luôn phấn đấu, nỗ lực, rèn luyện, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm, để mỗi khi đứng trên bục giảng có thể đem hết kiến thức truyền đạt cho các em học sinh.

“Với tôi, công việc trọng tâm của người giáo viên chính là những giờ lên lớp. Tôi luôn tâm niệm làm thế nào để có những giờ học hay, thu hút được sự hứng thú say mê học tập của học sinh. Tuỳ theo trình độ của học sinh mà mình nghiên cứu tìm ra những phương thức dạy học phù hợp, làm cho tiết học sinh động hơn, giàu tính sáng tạo, giúp học sinh học và nhớ nội dung bài tốt và lâu hơn” – Cô giáo Trần Thị Thủy

Cũng nhờ sự ham học hỏi, luôn tự trau dồi kiến thức nghề nghiệp cộng với niềm đam mê, sự tìm tòi sáng tạo và tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu của mình mà cô đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng.

Không chỉ là giáo viên dạy giỏi môn Văn của Trường THCS Xuân Diệu, các thế hệ học sinh do cô phụ trách đề được đánh giá là ngoan ngoãn, chăm học và đều có kết quả học tập tốt khi lên THPT và thi vào ĐH, CĐ

Hơn thế, cô còn được Ban Giám hiệu tin tưởng giao nhiệm vụ chuyên bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, năm nào cũng đạt kết quả khả quan, trong đó đáng kể nhất là năm học 2013 – 2014, đội truyển học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 do cô phụ trách có 5/6 em đoạt giải, xếp thứ tư môn Ngữ văn lớp 9 kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh năm ấy.

Cùng với các kết quả khả quan trong công tác, cô Thủy nhiều năm liền đạt Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008 – 2013; ngoài ra cô còn có 2 sáng kiến kinh nghiệm đạt bậc 4 cấp tỉnh, được công nhận đạt chuẩn theo Đề án Ngữ văn quốc gia; đoạt giải Nhì môn Ngữ văn, thủ khoa trong hội thi giáo viên giỏi tỉnh do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức; giải Nhất cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn cấp tỉnh, đạt thành tích xuất sắc trong hội thi giáo viên giỏi tỉnh.

Năm học nào cô cũng là một trong những cán bộ giáo viên của ngành GD Hà Tĩnh được Liên đoàn Lao động, Sở GD&ĐT khen thưởng…

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô Thủy còn tham gia tích cực nhiều hoạt động khác phong trào; từng đạt giải Nhất Cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Tỉnh đoàn tổ chức; dành danh hiệu thanh niên ưu tú làm theo lời Bác.

Được nhận giấy khen của Công đoàn ngành trong phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2005 – 2010. Đặc biệt, cô Thủy còn say mê làm thơ, viết lời bình trên Văn học tuổi trẻ, viết báo gửi các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh…

Luôn dành hết tâm huyết cho nghề nghiệp

Khi được hỏi về cô Trần Thị Thủy, thầy Đặng Quang Huy – Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Diệu – nhận xét: “Cô Thủy là một giáo viên trẻ nhiệt tình và năng động, luôn phấn đấu không ngừng, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Đó cũng là lý do mà nhiều năm nay, bộ môn Ngữ văn do cô Thủy phụ trách, học sinh đều đạt được nhiều thành tích cao”.

Cũng theo thầy Huy, trong giảng dạy, ngoài việc truyền đạt kiến thức bộ môn, cô giáo trẻ Trần Thị Thủy còn là một trong những giáo viên tích cực nhất trong việc liên hệ thực tiễn, dạy cho học trò về kinh nghiệm sống làm người, nhất là lồng ghép nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, để GD đạo đức, lối sống, lý tưởng cho học sinh của mình, giúp các em có ý thức hơn trong việc học tập và trưởng thành trong cuộc sống sau này.

Cùng với nhà trường, cô và tập thể cán bộ, giáo viên còn tổ chức nhiều chuyên đề nâng cao chất lượng dạy học, tìm ra những giải pháp nhằm thực hiện tốt các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của ngành. Cô luôn dành hết tâm huyết cho nghề nghiệp, được đồng nghiệp mến phục và học sinh tin yêu.

Giỏi việc ở trường, ở nhà cô Thủy là một người mẹ, người vợ đảm đang, có ý thức trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình.

Tuy chồng đi công tác xa nhưng một mình cô nuôi dạy 2 con chăm ngoan, học giỏi. Cô Thủy tâm sự: “Đối với người phụ nữ, để có được thành công trong công việc, ngoài sự say mê, nhiệt huyết còn cần có sự thông cảm và chia sẻ từ người thân, gia đình. Đó chính là động lực để giúp cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, đồng thời vẫn toàn vẹn công việc gia đình.

Với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của bản thân đã giúp cô vượt qua nhiều khó khăn, cùng với tập thể nhà trường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Gần 14 năm đứng trên bục giảng, gắn bó với nghề giáo, thực hiện sứ mệnh trồng người, những đóng góp của cô Trần Thị Thủy thật đáng trân trọng.

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục “Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục”.

5. Bài thi viết về gương điển hình, tiên tiến, người tốt việc tốt 2023

Hưởng ứng phong trào thi đua viết về tấm gương “Người tốt việc tốt” gắn liền với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi xin được chia sẻ về một tấm gương tiêu biểu trong trường với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, lòng nhiệt tình và giàu lòng nhân ái của một giáo viên đã nhiều năm cống hiến trong ngành giáo dục. Đó là cô giáo Hoàng Thanh Hoa - giáo viên trường Tiểu học Thanh Trì.

Bài thi viết về gương điển hình, tiên tiến, người tốt việc tốt 2021

Cô giáo Hoàng Thanh Hoa vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Có lẽ điều đó đã gieo vào lòng cô lòng yêu nghề, mến trẻ. Quá trình học tập tại trường sư phạm đã tiếp thêm cho cô gái trẻ Hoàng Thanh Hoa những kiến thức, kĩ năng cần thiết để trở thành một giáo viên Tiểu học trẻ trung, vừa dịu dàng vừa vui tính, lại rất năng động sáng tạo trong công việc. Năm 2010, cô về công tác tại chính nơi mình đã sinh ra và theo học, trường Tiểu học Thanh Trì.

Cô giáo Hoàng Hoa có giọng nói dịu ngọt, cách nói chuyện nhẹ nhàng và tính cách thẳng thắn . Phải chăng chính phong cách ấy đã phần nào khiến những bài giảng của cô luôn được học sinh say mê ? Cô đã chứng tỏ chuyên môn vững vàng của mình, sức "thu hút" với học sinh qua việc đào tạo được những thế hệ học sinh, chăm ngoan và nhất là các em đều rất năng động, sáng tạo. Cô cho biết "Niềm say mê của tôi là được khám phá cái mới mang tính sáng tạo. Trong giảng dạy, tôi luôn muốn khơi gợi những điều mới mẻ, khơi gợi sự sáng tạo, tìm tòi ở học sinh, giúp các em phát huy năng lực, trở thành con người năng động, tích cực, sáng tạo và bản lĩnh, phù hợp với yêu cầu của xã hội trong thời đại ngày nay". Vì thế, không chỉ được truyền dạy kiến thức, các học sinh của cô còn được truyền ngọn lửa của sự đam mê, sáng tạo. Cũng chính bởi đam mê khám phá mà người giáo viên ấy dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc đào tạo, bồi dưỡng những học sinh giỏi Toán của lớp, nhất là các em tham dự cuộc thi:” Chung kết Quốc Gia kỳ thi giải toán TIMO” - một "sân chơi thú vị và bổ ích". Đây là cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm vững những kiến thức cơ bản mà còn phải biết tư duy logic. Thử thách càng lớn thì độ "thú vị" càng tăng. Những ngày tháng miệt mài ôn luyện là những kỉ niệm khó quên với cả cô giáo và học sinh. Không phụ công sức của cô, đội tuyển học sinh giỏi Toán của lớp đã đem về những thành tích rực rỡ, một giải huy chương vàng, một giải huy chương bạc, ba huy chương đồng, góp phần làm rạng danh mái trường Thanh Trì thân yêu.

Qua quá trình công tác, với nền tảng sẵn có, lại thêm sự chịu khó học hỏi, cô giáo Hoàng Thanh Hoa ngày càng chứng tỏ được chuyên môn vững vàng, được đồng nghiệp quý mến, được phụ huynh, học sinh tin tưởng và yêu quý.

Sự say mê khám phá, sáng tạo của cô giáo Hoàng Hoa ghi dấu trong cả công tác chủ nhiệm của cô. Không chỉ là một giáo viên có chuyên môn vững vàng, cô còn là một giáo viên chủ nhiệm giàu kinh nghiệm, luôn được phụ huynh tin tưởng và được học sinh yêu quý. Phụ huynh tin tưởng cô bởi cô nhiệt tình, có trách nhiệm, luôn quan tâm đến mọi học sinh. Học sinh yêu quý cô bởi cô gần gũi với các em, chỉ bảo tận tình và luôn đề xướng các hoạt động để các em được phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong lớp. Vì thế, từ những hoạt động thường nhật như: điều hành giờ sinh hoạt lớp hay các hoạt động như tổ chức sinh nhật cho các thành viên, tổ chức Trung thu hay những hoạt động lớn như kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, lớp do cô giáo Hoàng Hoa làm chủ nhiệm luôn có những sáng tạo bất ngờ và thú vị. Nhiều năm liền, tập thể lớp do cô chủ nhiệm luôn đạt danh hiệu Lớp Tiên tiến xuất sắc, có nhiều học sinh đạt thành tích đặc biệt trong các hoạt động phong trào.

Với các đồng nghiệp, cô giáo Hoàng Thanh Hoa luôn là một người thân thiện, cởi mở. Ấn tượng đậm nét nhất về cô trong mắt đồng nghiệp có lẽ là sự tận tình, say mê trong bất cứ công tác nào, là chất "lửa" ẩn sau vẻ ngoài nhẹ nhàng. Làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và cũng "hết mình" trong các hoạt động phong trào, sẵn lòng trao đổi, giúp đỡ mọi người, đó là lí do khiến cô được hội đồng sư phạm nhà trường yêu mến.

Lâu nay hầu hết mọi người đều có suy nghĩ, làm nghề dạy trẻ là nghề vất vả và chịu nhiều áp lực nhất. Thế nhưng, cô Hoa cho rằng cô chưa bao giờ thấy công việc của mình là mệt nhọc và vất vả.

Trải qua thời gian, lòng yêu nghề mến trẻ trong cô vẫn vẹn nguyên. Thời gian càng chứng tỏ lòng yêu nghề và sự quyết tâm phấn đấu của người giáo viên ấy. Cô đã 2 lần vinh dự được UBND quận Hoàng Mai tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm học 2013 - 2014, cô đạt giải Ba trong Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Quận. Năm 2020 cô đạt giải Ba hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng’’ cấp Quận. Mọi hoạt động phong trào của Đoàn trường phát động cô đều nhiệt tình tham gia. Những kinh nghiệm trong công tác được cô đúc kết, chuyển tải thành những sáng kiến kinh nghiệm có giá trị. Cô đã có 3 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố. Cô có Đây quả là một bảng thành tích đáng nể!

Có được những thành tích ấy, ngoài sự yêu nghề mến trẻ, sự nỗ lực, lòng say mê của bản thân cô Hoàng Thanh Hoa, còn phải kể đến sự quan tâm, giúp đỡ của Ban giám hiệu, đồng nghiệp, sự ủng hộ của phụ huynh và sự cổ vũ của chính các em học sinh. Có lẽ, không thể không nhắc tới tổ ấm hạnh phúc của cô giáo. Đó là nơi có người chồng thấu hiểu và yêu thương, hai con ngoan ngoãn. Đó cũng là một nguồn động viên cổ vũ giúp cô thành công hơn trong sự nghiệp trồng người.

Hi vọng rằng, cô giáo Hoàng Thanh Hoa sẽ mãi giữ được ngọn lửa của sự say mê, nhiệt tình, sáng tạo, là người thắp lửa cho những đam mê tìm tòi cho các thế hệ học sinh, góp phần đào tạo ra những thế hệ học sinh - công dân nghiêm túc, tích cực, chủ động, sáng tạo, đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội trong thời đại mới.

6. Bài viết về gương người tốt việc tốt của giáo viên

Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Đúng vậy, để thực hiện lời Bác, mỗi người dân trên đất nước Việt Nam ta đều phải cố gắng phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt để trở thành một bông hoa ngát hương trong khu rừng hoa rực rỡ của nước nhà. Xung quanh chúng ta có biết bao tấm gương về nghị lực sống, về sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong gian khổ để nở hoa thơm cho đời. Hay những con người có những đóng góp thầm lặng, có đạo đức và lối sống cao cả, tên tuổi tuy không được vinh danh trên các phương tiện đại chúng nhưng lại để cho biết bao người xung quanh phải học tập và noi theo. Nhiều trong số họ là thầy, cô giáo - những người mang sứ mệnh trồng người mà toàn xã hội đã tin tưởng trao cho, những người thầy không quản khó nhọc, hết mình vì học sinh thân yêu. Tôi xin được chia sẻ với mọi người một tấm gương tiêu biểu trong trường tôi với sự nổ lực phấn đấu không mệt mỏi, vươn lên trong công tác, nhiệt tình giàu lòng nhân ái của một giáo viên đã nhiều năm cống hiến trong nghề dạy học. Đó chính là cô giáo Phạm Thị Hương – Giáo viên văn hóa – Tổ trưởng tổ 1 – Trường Tiểu học Đồng Thái – Ba Vì – Hà Nội.

Là một người con về làm dâu trên quê hương Đồng Thái với những con người sống tràn đầy tình yêu thương, từ nhỏ cô đã có niềm yêu thương trẻ nhỏ và tình yêu với nghề giáo. Với sự luôn cố gắng phấn đấu trong học tập cô đã trở thành giáo viên như mơ ước của cô.

Trong công tác, cô luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của ngành cũng như của trường và ứng dụng những thành quả từ những năm học trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể. Cô luôn tham mưu cùng các bộ phận chức năng, các ban ngành, đoàn thể cũng như đội ngũ giáo viên để làm nên sự thành công trong phong trào giáo dục của nhà trường. Cô luôn nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi,vượt khó vươn lên trong công tác đó.Tính đến nay, cô Hương đã công tác tại trường được hơn 30 năm. Cô là một giáo viên năng nổ, nhiệt tình, khiêm nhường, mẫu mực, có trách nhiệm, luôn hết lòng vì học sinh, được đồng nghiệp và học sinh yêu quý. Cô luôn ý thức rằng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thì người giáo viên cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc và yêu thương học sinh như con em ruột của mình. Trong quá trình dạy học, cô không chỉ dạy trên lớp mà tận dụng mọi thời điểm, truyền đạt kiến thức, truyền sự nhiệt tình, say sưa cho học sinh, bồi dưỡng cho các em phương pháp và ý chí quyêt tâm trong học tập, giúp cac em thấy thêm yêu việc học, thêm yêu cuộc sống qua những bức họa mang đầy ý nghĩa. Cô luôn xứng đáng là tấm gương sáng về người giáo viên - người mẹ hiền trong môi trường sư phạm, sống và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hàng ngày, cô luôn là người đến trường sớm và ra về muộn. Cô luôn thực hiện đúng mọi chủ trương đường lối của Đảng, luôn làm tốt công tác phát triển Đảng trong quần chúng. Cô là một Đảng viên gương mẫu và tích cực vận động quần chúng tham gia phong trào thi đua của ngành, của trường được tập thể tín nhiệm. Cô có nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi. Một điều đáng quý hơn cả, đó là tình cảm mà cô dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Dù trong cuộc họp, hay giao tiếp với mọi người hằng ngày, người ta ít thấy cô dùng những từ mỹ miều hoặc đao to búa lớn… Có khi gặp những việc căng thẳng cô vẫn giữ được thái độ và lời lẽ rất mực bình tĩnh, tự tin. Với vai trò là tổ trưởng tổ 1, cô luôn dành thời gian động viên, quan tâm, hỏi han đến từng cán bộ giáo viên trong tổ. Đôi lúc chỉ là sự thay đổi nhỏ của các giáo viên, cô cũng nhận ra nhanh chóng để có những tác động kịp thời, giúp đỡ, động viên mọi người. Cô luôn là người để chị em giáo viên gần gũi, chia sẻ. Bên cạnh đó, cô còn gặp gỡ chia sẻ với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp, giúp các bạn lạc quan yêu đời, có ý chí vươn lên trong học tập.

Hình ảnh một người mẹ hiền luôn vui vẻ, nhẹ nhàng, tâm lý luôn để lại ấn tượng trong lòng học sinh. Tất cả cá nhân đều được cô tôn trọng như nhau .“Luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu” . Vì vậy, mọi vấn đề đều được cô giải quyết thấu tình đạt lý tạo được niềm tin vững chắc trong lòng các thế hệ học trò.Đặc biệt cô luôn phát động phong trào học tập, nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên trong tổ, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Chính sự nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm của mình, cô Hương được đồng nghiệp kính trọng, học sinh quý mến.

Không chỉ làm tốt mọi công việc ở trường, mà ở nhà cô Hương còn đảm đang gánh vác các công việc trong gia đình. Khi mới vào ngành với đồng lương ít ỏi của 2 vợ chồng, lại nuôi 2 con ăn học thật sự rất khó khăn. Nhưng không vì thế mà niềm nhiệt huyết với nghề của cô vơi đi, cô cùng chồng xây dựng kinh tế tại nhà, với mô hình VAC 2 vợ chồng cô đã xây dựng được cả một trang trại rộng lớn, có cây ăn trái, có vật nuôi. Ngoài giờ lên lớp, khi về nhà cô không ngại khó khăn vất vả, cô lại ra trang trại để chăm sóc vườn cây , ao cá nhà mình. Cô làm việc gì cũng luôn tràn đầy nhiệt huyết, khiến cho đồng nghiệp chúng tôi luôn luôn ngưỡng mộ.

Với lòng say mê, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là lòng tận tâm, nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người”, cô giáo Phạm Thị Hương thật xứng đáng là một giáo viên tiêu biểu trong ngành giáo dục và là tấm gương sáng để các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường học tập và noi theo.

7. Bài viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt

Bác Hồ - Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tư tưởng, đạo đức của người là một tấm gương sáng, mỗi khi soi vào đó, tâm hồn ta càng trong sáng hơn, hành vi của ta càng tốt đẹp hơn. Nhiều năm học qua, tập thể Cán bộ, giáo viên, nhân viên trường mầm non Hồng Dương luôn hiện thực tốt cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Trong đó điển hình là cô giáo Nguyễn Thị Bích Hòa – Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường.

Bác Hồ đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Ở cô Nguyễn Thị Bích Hòa hội tụ cả hai yếu tố - đức và tài. Tôi học tập được rất nhiều điều từ cô, trong cuộc sống cũng như trong công việc, đặc biệt là tình yêu thương, tâm huyết với nghề, tác phong làm việc khoa học, có kế hoạch.

Làm việc với cô, tôi cảm nhận được tình yêu thương lớn mà cô luôn dành cho mọi người, nhất là các cháu học sinh. Nếu có điều kiện, ở bất cứ hoàn cảnh nào, cô cũng đều dành sự ưu tiên trước nhất cho học sinh. Từ khi được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng trường mầm non Hồng Dương, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết Nguyên Đán,cô lại trích ra một số tiền tặng quà tết cho học sinh thuộc diện hộ nghèo. Để tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ cô luôn mua sắm bổ sung đầy đủ các trang thiết bị để giáo viên, nhân viên và học sinh có điều kện tốt nhất trong các hoạt động tại trường.

Năm 2019 Nhà trường được Đảng ủy -UBND xã Hồng Dương giao cho nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 2 vào cuối năm 2020. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. Nhận nhiệm vụ cô luôn chăn trở phải làm sao để thay đổi toàn diện ngôi trường cả về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, cũng như chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong nhà trường để đáp ứng yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 tại thông tư 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Được sự tư vấn giúp đỡ của Phòng giáo dục đào tạo Huyện Thanh oai. Năm 2020 cô đã tham mưu với các cấp lãnh đạo đầu tư sửa chữa và xây mới một số hạng mục của nhà trường để đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2 với tổng kinh phí 2.195.000.000 đ ( Hai tỷ một trăm chín mươi lăm triệu đồng)

Là người đứng đầu đơn vị, cô luôn gương mẫu trong công việc, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Cô sắp xếp công việc một cách khoa học, đạt hiệu quả cao. Mỗi công việc trong trường đều được cô giải quyết hợp tình, hợp lí, công việc có khó khăn đến đâu cũng được cô dần dần tháo gỡ. Tháng 2/2020 khi học sinh phải nghỉ học để phòng chống dịch covid-19 cô đã huy động tập thể nhà trường cải tạo vườn rau, vườn cây ăn quả với diện tích 1750m2 cô phân công số người tham gia vừa đảm bảo công việc vừa đảm bảo việc dãn cách xã hội, điều đáng nói là bản thân cô không nề hà lúc nào cũng đến sớm và về muộn để xắp xếp công việc, cô đã cùng giáo viên, nhân viên đến xưởng gạch tại thôn Tảo Dương xin từng viên gạch lỗi, hỏng về ốp đường đi cho trẻ vào vườn rau, vườn cây trải nghiệm, có những ngày mưa phùn, cô cùng chị em mặc áo mưa ra làm cùng thợ xây để cho công việc sớm hoàn thành trước khi trẻ quay trở lại trường học tập. Đến đầu tháng 5/2020 khi trẻ quay lại trường học nhà trường đã có vườn rau sạch để phục vụ trẻ bán trú tại trường, vườn cây ăn quả xanh tốt. Cô có phong thái của một nhà lãnh đạo tài năng, biết quan sát, biết lắng nghe, không ngừng học hỏi và rất hòa đồng. Cô đã gây xây dựng nhà trường thành môi trường làm việc học tập ấm áp, thân thiện đoàn kết, mọi thành viên trong trường đều được yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu, giúp mối thành viên trong “ Ngôi nhà mầm non Hồng Dương” làm việc, học tập không biết mệt mỏi.

Ngay đầu năm học 20...-20... Cô đã tạo điều kiện cho 16 đồng chí CBGVNV trong nhà trường đi học phương pháp giáo dục tiên tiến regioo và Stem với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng, phương pháp này sẽ góp phần tích cực trong việc dạy học lấy trẻ làm trung tâm, bảo đảm tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ.

Cô còn là một người táo bạo, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đề xuất, và xin ý kiến chỉ đạo của Phòng giáo dục và Đào tạo Huyện Thanh oai đưa việc tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến Reggio với 2 lớp 5 tuổi, 1 lớp 4 tuổi trong nhà trường và được phụ huynh nhiệt tình ủng hộ. Trong những buổi sinh hoạt chuyên môn, họp cơ quan cô thường nhắc nhở Cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện học tập theo tấm gương của Bác bằng những việc làm cụ thể nhất, gắn với hoạt động thường ngày của giáo viên và học sinh như tiết kiệm thời giờ là giáo viên đến lớp đúng giờ, không để thời gian trôi qua một cách vô ích, ra khỏi phòng nhớ tắt điện, tắt quạt , sử dụng văn phòng phẩm hợp lý, tiết kiệm là học sinh rót nước vừa đủ uống, mở vòi nước rửa tay vừa đủ dùng…Theo cách chỉ đạo của cô, việc làm theo Bác vô cùng đơn giản, dễ thực hiện, là những việc làm thường ngày của mỗi người.

Trong cuộc sống, cô luôn giữ gìn lối sống mẫu mực, giản dị, có mối quan hệ thân thiện, hòa nhã với mọi người xung quanh. Trong gia đình, cô là một người phụ nữ đảm đang, chu toàn mọi công việc. Gia đình cô sống hạnh phúc và được mọi người yêu quý, kính trọng.

Đối với tôi, cô không những là người bạn, người đồng nghiệp tốt mà tôi còn xem cô như người thân trong gia đình. Khi gặp những chuyện chưa tìm ra cách giải quyết, tôi đều tham khảo ý kiến cô và lúc nào cũng được cô cho những lời khuyên bổ ích. Tôi vô cùng ngưỡng mộ côvà sẽ phấn đấu học tập tấm gương của cô cũng như học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xứng đáng là người cán bộ, đảng viên tốt trong nhà trường.

8. Bài dự thi Gương người tốt, việc tốt

“Cô Hằng - Bông hoa đẹp của trường tôi”

Trường mầm non Thị Trấn Quốc Oai B, huyện Quốc Oai của chúng tôi có đội ngũ cán bộ, giáo viên yêu nghề, giàu lòng nhiệt tình, luôn phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao trong chăm sóc giáo dục trẻ. Một trong những gương mặt nổi bật là cô giáo Nguyễn Thị Hằng. Hơn 10 năm làm giáo viên mầm non, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng bằng lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề cô giáo Nguyễn Thị Hằng đã luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của một nhà giáo và cả bổn phận người mẹ, người vợ của gia đình.

Chăm con ngoan, giỏi khi chồng vắng nhà:

Gặp cô Hằng sau một buổi chiều cô vừa lên lớp, khuôn mặt cô vẫn toát lên niềm vui tươi, hứng khởi. Cô Hằng chia sẻ, bản thân là giáo viên mầm non vốn rất bận rộn và khó khăn về thời gian, trong khi đó chồng cô lại đi xuất khẩu lao động, làm ăn kinh tế, nhiều năm xa nhà, nên không có thời gian, điều kiện để giúp đỡ chị chăm sóc, nuôi dạy các con, mọi việc gia đình đều dồn lên đôi vai cô. Cô vừa là mẹ vừa là cha để chăm lo cho các con. Chồng đi làm ăn xa rất ít khi có dịp về thăm nhà, ông bà nội ngoại có người đã mất, có người thì ở xa, già yếu nên việc chăm sóc, động viên hai bên ông bà nội- ngoại và nuôi dạy hai con nhỏ trong gia đình đều đến tay cô Hằng. Hết việc ở trường, cô lại tất bật trở về nhà, ở đó có bố mẹ chồng và hai con, nấu cho bố mẹ và các con những bữa ăn ngon.... Với tình yêu thương vô bờ bến, sự chăm lo chu đáo của cô Hằng trong nhiều năm qua, bố mẹ chồng cô luôn yêu thương con dâu như con đẻ của mình, hai cậu con trai ngoan ngoãn luôn là động lực cho cô cố gắng.

Khuôn mặt rạng rỡ, cô Hằng chia sẻ, cả hai con của cô là cháu Dương Tuấn Anh và cháu Dương Tú Anh học sinh lớp 10 D5, trường THPT Phan Huy Chú, huyện Quốc Oai, nhiều năm liên tục hai cháu là học sinh giỏi. Những “trái ngọt” này phần nào là động lực, khích lệ tinh thần cũng như là chỗ dựa để cô Hằng yên tâm công tác ở trường. Nhưng trên hết, bằng sự yêu thương và chăm sóc của tình mẹ, cô Hằng như cùng hai con nhỏ đang mở ra cánh cửa với nhiều điều tốt đẹp trong tương lai giúp cô luôn có động lực, yêu công việc của mình, hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cô luôn được Ban giám hiệu, các đồng chí giáo viên, đồng nghiệp tin yêu, được phụ huynh quý trọng”.

Cô Hằng chia sẻ thêm, công việc của chồng là thế, xa nhà thường xuyên nên nhiều lúc cô cũng cảm thấy cô đơn, trống trải và nhớ thương da diết. Tuy nhiên, hiểu được công việc của chồng là xa quê hương để tìm được một công việc hợp lý để phần nào cải thiện kinh tế cho gia đình nên cô Hằng đều cố gắng vượt qua. Cô tự nhủ khi chồng xa nhà, món quà và minh chứng cho sự thủy chung, yêu thương lớn nhất là khi chồng trở về thăm nhà, nhìn thấy hai con khỏe mạnh, học giỏi và chăm ngoan thì là điều hạnh phúc nhất.

Gắn bó với Trường mầm non Thị trấn Quốc Oai B bao năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hằng đã chở bao “chuyến đò” kiến thức vỡ lòng để các em nhỏ bước vào hành trang mới. Cô Hằng cho biết, công tác hơn 10 năm trong ngành giáo dục, bản thân cô luôn cố gắng học tập, nâng cao trình độ bản thân để đáp ứng nhu cầu của ngành học. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non nên là một giáo viên, cô Hằng luôn tìm tòi, sáng tạo trong các tiết dạy để trẻ vừa được học, vừa được chơi. Những năm gần đây, việc thực hiện nhiệm vụ “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” đòi hỏi người giáo viên phải biết tạo cơ hội cho trẻ học bằng nhiều cách khác nhau. Bản thân cô đã sáng tác được những bài thơ bài vè giúp cho trẻ hứng thú và tích cực tham gia vào hoạt động....

Để đáp ứng nhu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học hệ mầm non, cô Hằng đã tham gia nhiều lớp tập huấn chuyên môn do Phòng Giáo dục tổ chức. Những lớp tập huấn này đã giúp cô Hằng tích lũy thêm được kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để đem lên lớp học, cộng hưởng với sự quan tâm, hết lòng chăm sóc chỉ dạy nên các em nhỏ là học trò của cô Hằng xem cô như người mẹ thứ hai. Nỗ lực cống hiến, vươn lên trong mọi hoàn cảnh và thử thách, cô giáo Hằng nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giáo viên dạy giỏi cấp huyện và Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tại nơi sinh sống, cô Hằng luôn chấp hành tốt các quy định của địa phương, của thôn, xóm, sống gần gũi hòa đồng có trách nhiệm chung nên được hàng xóm láng giềng yêu thương, quý trọng.

Năm học 2020 – 2021, cô giáo Nguyễn Thị Hằng đã vinh dự đại diện cho tập thể giáo viên ở trường tham dự hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” cấp cụm và đã đạt giải 3.

Không chỉ tận tụy, hết mình cho công việc, cô Hằng cũng có nhiều trăn trở bởi trước nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở các cơ sở giáo dục mầm non ở nước ta khiến dư luận bức xúc, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng thời gian qua. Theo cô Hằng, những vụ bạo hành trẻ thường xảy ra ở các cơ sở nhận trông giữ trẻ chưa được đăng ký cấp phép, các cô bảo mẫu không có trình độ, chưa được qua đào tạo về giáo dục mầm non. Vì vậy, các phụ huynh cũng cần tìm cho con mình ngôi trường tốt nhất để gửi gắm, trong đó cần đưa trẻ tới các cơ sở giáo dục mầm non có cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi, cùng đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản. Với sự trăn trở đó mà cô luôn yêu thương, đối sử công bằng với học sinh, quan tâm chăm sóc các em như thể tấm lòng cuả một người mẹ, chính vì thế cô vẫn được các bé gọi với cái tên quen thuộc “Mẹ Hằng”.

Cô Hằng cho biết: “Đối với người phụ nữ, để có được thành công trong công việc, ngoài sự say mê, nhiệt huyết còn cần có sự thông cảm và chia sẻ từ người thân, gia đình. Đó chính là động lực để giúp cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc – nuôi dưỡng – giáo dục trẻ ở trường, đồng thời vẫn toàn vẹn công việc gia đình.

Với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của bản thân đã giúp cô vượt qua nhiều khó khăn, cùng với tập thể nhà trường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng chính là bông hoa rực rỡ, tỏa ngát hương thơm, tô thêm vẻ đẹp cho vườn hoa muôn màu - Vườn hoa của trường mầm non Thị Trấn Quốc Oai B!

Trên đây là những mẫu bài dự thi viết về gương điển hình, tiên tiến, người tốt việc tốt 2024 mới nhất. Mời các bạn tham khảo thêm đáp án các cuộc thi khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
15 39.431
0 Bình luận
Sắp xếp theo