Thông tư 19/2019/TT-NHNN

Tải về

Thông tư số 19/2019/TT-NHNN

Thông tư 19/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Ngày 05/11/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 19/2019/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Theo đó, chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô chỉ được nhận tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện của một khách hàng tài chính vi mô tối đa là 1 triệu đồng/ngày. Bên cạnh đó, chi nhánh, phòng giao dịch này cũng được phép thực hiện một số hoạt động như: Nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu khách hàng; Tư vấn, hướng dẫn thành lập nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn; Chi trả tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện của khách hàng…

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

___________________

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:19/2019/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2019

THÔNG TƯ

Quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về:

1. Thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước của tổ chức tài chính vi mô; mở, chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch của tổ chức tài chính vi mô.

2. Thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của tổ chức tài chính vi mô; thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô.

3. Chuyển đổi các đơn vị trực thuộc chương trình, dự án tài chính vi mô thành chi nhánh, phòng giao dịch, đơn vị sự nghiệp, văn phòng đại diện của tổ chức tài chính vi mô.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tài chính vi mô.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp; mở, chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch; thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp; thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch; chuyển đổi đơn vị trực thuộc chương trình, dự án tài chính vi mô thành chi nhánh, phòng giao dịch, đơn vị sự nghiệp, văn phòng đại diện của tổ chức tài chính vi mô.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô bao gồm chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước.

2. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức tài chính vi mô, có con dấu, có nhiệm vụ thực hiện một hoặc một số chức năng của tổ chức tài chính vi mô theo quy định nội bộ và quy định của pháp luật.

3. Phòng giao dịch là loại hình chi nhánh, đơn vị phụ thuộc của tổ chức tài chính vi mô, được quản lý bởi một chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô, có con dấu, có địa điểm đặt trụ sở trên địa bàn hoạt động của chi nhánh quản lý, có nhiệm vụ thực hiện một hoặc một số chức năng của tổ chức tài chính vi mô theo quy định nội bộ và quy định của pháp luật.

4. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của tổ chức tài chính vi mô, có con dấu, thực hiện chức năng đại diện theo ủy quyền của tổ chức tài chính vi mô. Văn phòng đại diện không được thực hiện hoạt động kinh doanh.

5. Đơn vị sự nghiệp là đơn vị phụ thuộc của tổ chức tài chính vi mô, có con dấu, thực hiện một hoặc một số hoạt động hỗ trợ hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính vi mô theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

6. Thời điểm đề nghị là ngày, tháng, năm ghi trên văn bản đề nghị thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của tổ chức tài chính vi mô.

Điều 4. Thẩm quyền chấp thuận về mạng lưới của tổ chức tài chính vi mô

1. Thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Chấp thuận thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của tổ chức tài chính vi mô;

b) Bắt buộc chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện và đơn vị sự nghiệp của tổ chức tài chính vi mô;

c) Chấp thuận chuyển đổi các đơn vị trực thuộc chương trình, dự án tài chính vi mô thành chi nhánh, phòng giao dịch, đơn vị sự nghiệp, văn phòng đại diện của tổ chức tài chính vi mô.

2. Thẩm quyền của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn (bao gồm cả trường hợp thay đổi địa điểm trước khi khai trương hoạt động);

b) Chấp thuận việc tự nguyện chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô.

Điều 5. Quy định về điểm giao dịch

1. Tổ chức tài chính vi mô quyết định và chịu trách nhiệm về việc mở, chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch do chi nhánh, phòng giao dịch quản lý trong phạm vi địa bàn hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch đó theo Quy chế quản lý hoạt động tại điểm giao dịch và quy định tại Thông tư này. Việc mở, chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi điểm giao dịch hoạt động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tài chính vi mô quyết định mở hoặc chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch.

2. Chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô chỉ được thực hiện một hoặc một số hoạt động sau tại điểm giao dịch:

a) Nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu khách hàng;

b) Tư vấn, hướng dẫn việc thành lập nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn;

c) Tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ, hồ sơ vay vốn; tiếp nhận hồ sơ vay vốn; giải ngân và thu nợ đối với những hợp đồng tín dụng đã ký giữa chi nhánh hoặc phòng giao dịch với khách hàng;

d) Nhận tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện của một khách hàng tài chính vi mô không quá 1.000.000 đồng trong 01 ngày;

đ) Chi trả tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu tiên của tháng đầu tiên hàng quý, tổ chức tài chính vi mô hoặc chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô gửi văn bản thông báo danh sách các điểm giao dịch qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô. Văn bản thông báo danh sách các điểm giao dịch phải có tối thiểu các nội dung sau:

a) Danh sách các điểm giao dịch hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố tính đến hết ngày làm việc cuối cùng của quý trước, trong đó có các thông tin về tên chi nhánh, phòng giao dịch chịu trách nhiệm quản lý hoạt động điểm giao dịch và địa điểm nơi điểm giao dịch hoạt động;

b) Danh sách các điểm giao dịch đã mở và chấm dứt hoạt động trong quý trước.

Điều 6. Nội dung hoạt động của đơn vị sự nghiệp

Đơn vị sự nghiệp của tổ chức tài chính vi mô thực hiện một hoặc một số hoạt động hỗ trợ hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính vi mô, bao gồm:

1. Nghiên cứu, đề xuất ứng dụng công nghệ cho tổ chức tài chính vi mô.

2. Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật cho người điều hành, lãnh đạo các phòng, ban và nhân viên của tổ chức tài chính vi mô.

3. Lưu trữ cơ sở dữ liệu, thu thập, xử lý thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính vi mô.

4. Các hoạt động khác hỗ trợ hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính vi mô phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 7. Địa bàn hoạt động và tên chi nhánh, phòng giao dịch

1. Chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô hoạt động trong phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở của chi nhánh.

2. Phòng giao dịch hoạt động trong phạm vi địa bàn hoạt động của chi nhánh quản lý.

3. Tên chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô phải đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và được đặt như sau:

a) Tên chi nhánh: Tên đầy đủ của Tổ chức tài chính vi mô – Chi nhánh (tên chi nhánh);

b) Tên phòng giao dịch: Tên đầy đủ của Tổ chức tài chính vi mô – Chi nhánh (tên chi nhánh quản lý phòng giao dịch) – Phòng giao dịch (tên Phòng giao dịch).

4. Trường hợp thay đổi địa giới hành chính dẫn đến thay đổi địa bàn hoạt động của chi nhánh hoặc phòng giao dịch, thay đổi địa chỉ của trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch (không thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch), tổ chức tài chính vi mô không phải điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Tổ chức tài chính vi mô có văn bản thông báo gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô đặt trụ sở (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) về việc thay đổi này trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thay đổi địa giới hành chính.

Điều 8. Số lượng chi nhánh

Số lượng chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô bao gồm số chi nhánh đã thành lập và số chi nhánh đang đề nghị thành lập phải đảm bảo:

03 tỷ đồng * N < C

Trong đó:

- C là giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tài chính vi mô được xác định bằng vốn điều lệ cộng (trừ) lợi nhuận lũy kế chưa phân phối (lỗ lũy kế chưa xử lý) được phản ánh trên sổ sách kế toán đến thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị;

- N là số chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập.

Điều 9. Nguyên tắc lập, gửi hồ sơ, thông báo

1. Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt. Các tài liệu trong hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu. Trường hợp người nộp hồ sơ nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính. Trong mỗi bộ hồ sơ phải có danh mục tài liệu.

2. Văn bản đề nghị, thông báo của tổ chức tài chính vi mô phải do người đại diện hợp pháp của tổ chức tài chính vi mô ký. Trường hợp ký theo ủy quyền, hồ sơ phải có văn bản ủy quyền được lập phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ, thông báo của tổ chức tài chính vi mô được gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.

Điều 10. Quy chế quản lý chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch

1. Tổ chức tài chính vi mô phải xây dựng Quy chế quản lý chi nhánh, phòng giao dịch, Quy chế quản lý hoạt động tại điểm giao dịch để đảm bảo hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch và hoạt động tại điểm giao dịch an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Quy chế quản lý chi nhánh, phòng giao dịch phải do Hội đồng thành viên của tổ chức tài chính vi mô ban hành và phải có tối thiểu các nội dung sau:

a) Hạn mức giao dịch đối với từng cấp quản lý tại chi nhánh, phòng giao dịch theo từng sản phẩm dịch vụ hoặc nhóm sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng;

b) Cơ chế quản lý, giám sát và chế độ thông tin, báo cáo giữa trụ sở chính với chi nhánh và giữa phòng giao dịch với chi nhánh quản lý phòng giao dịch;

c) Tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh Giám đốc chi nhánh, Trưởng phòng giao dịch hoặc các chức danh tương đương phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc;

d) Quy định về kho quỹ, phòng cháy, chữa cháy, điều chuyển tiền và lưu trữ chứng từ để đảm bảo an ninh, an toàn tài sản, trong đó quy định cụ thể mức tồn quỹ cuối ngày của chi nhánh, phòng giao dịch căn cứ vào điều kiện thực tiễn hoạt động và điều kiện an ninh, an toàn của chi nhánh, phòng giao dịch đó. Số tiền tồn quỹ cuối ngày vượt mức quy định phải gửi vào tài khoản ngân hàng của tổ chức tài chính vi mô.

3. Quy chế quản lý hoạt động tại điểm giao dịch phải do Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tài chính vi mô ban hành và phải có tối thiểu các nội dung sau:

a) Các tiêu chí lựa chọn điểm giao dịch phù hợp với đặc thù hoạt động, đảm bảo kiểm soát rủi ro, an toàn và hiệu quả trong quá trình hoạt động;

b) Việc mở, chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch bao gồm trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định mở, chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch, trong đó có phân cấp, ủy quyền quyết định (nếu có);

c) Phạm vi hoạt động tại điểm giao dịch, trong đó quy định cụ thể về hạn mức giao dịch tại từng điểm giao dịch theo từng sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng;

d) Quy trình thực hiện các giao dịch nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm, tiếp nhận hồ sơ, giải ngân, thu nợ vay, quyền và trách nhiệm của nhân viên tổ chức tài chính vi mô tại điểm giao dịch;

đ) Các biện pháp đảm bảo an toàn đối với con người; đảm bảo an ninh, an toàn trong việc điều chuyển tiền, chứng từ và các tài sản khác trong quá trình hoạt động tại điểm giao dịch.

4. Tổ chức tài chính vi mô phải rà soát định kỳ các Quy chế quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này tối thiểu một năm một lần và sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) đảm bảo phù hợp với hoạt động trong từng thời kỳ.

...............................................

Văn bản có phụ lục biểu mẫu đính kèm, mời các bạn sử dụng file tải về để xem toàn bộ nội dung biểu mẫu.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tài chính ngân hàng được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 144
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm