Luật Giá 2023 số 16/2023/QH15
Luật giá sửa đổi 2023
Ngày 19/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giá số 16/2023/QH15. Với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật Giá sửa đổi được Quốc hội thông qua gồm 8 Chương, 75 Điều quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá. Sau đây là toàn văn Luật Giá 2023 mới được ban hành, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung Luật Giá số 16/2023/QH15
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: 16/2023/QH15 | Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2023 |
LUẬT GIÁ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Giá.
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Áp dụng Luật Giá và pháp luật có liên quan
1. Trường hợp có quy định khác nhau về giá giữa Luật Giá và luật khác được ban hành trước ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật Giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.
3. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành có quy định bổ sung hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì phải đánh giá tác động chính sách; hàng hóa, dịch vụ đó phải đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này; đồng thời quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm định giá, hình thức định giá đối với hàng hóa, dịch vụ đó, xác định cụ thể về căn cứ, phương pháp định giá, việc ban hành văn bản định giá thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định tại Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.
4. Việc định giá của Nhà nước đối với một số mặt hàng được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan như sau:
a) Giá đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Giá nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở;
c) Giá điện và giá các dịch vụ về điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực;
d) Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
đ) Học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp;
e) Tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan, tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc trong trường hợp người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thỏa thuận được, tiền đền bù đối với quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao theo quyết định bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hàng hóa là sản phẩm có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường.
2. Dịch vụ là hàng hóa có tính vô hình, quá trình sản xuất và tiêu dùng không thể tách rời nhau.
3. Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ cần thiết đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
4. Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở cung, cầu và do các yếu tố thị trường quyết định trong một khoảng thời gian, không gian nhất định.
5. Mặt bằng giá thị trường là bình quân các mức giá phổ biến của hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, được phản ánh thông qua chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất (nếu có).
6. Giá thành toàn bộ của hàng hóa, dịch vụ bao gồm:
a) Giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ; giá mua hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại; giá nhập khẩu hàng hóa;
b) Chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ.
7. Yếu tố hình thành giá bao gồm giá thành toàn bộ thực tế; lợi nhuận (nếu có) hoặc khoản lỗ (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
8. Điều tiết giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của Luật này để hạn chế các bất cập của kinh tế thị trường nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, Nhà nước và thực hiện các mục tiêu kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế - xã hội.
9. Bình ổn giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp theo quy định của Luật này nhằm ổn định giá hàng hóa, dịch vụ khi có biến động bất thường về giá trong một khoảng thời gian nhất định.
10. Biến động bất thường về giá là hiện tượng mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp so với mặt bằng giá thị trường của một thời kỳ nhất định trước đó.
11. Định giá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện xác định giá của hàng hóa, dịch vụ.
12. Phương án giá là bản thuyết minh về các căn cứ định giá hoặc điều chỉnh giá, yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ.
13. Hiệp thương giá là phương thức thỏa thuận giữa các tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ và có vai trò trung gian của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này.
14. Kê khai giá là việc tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này gửi thông báo mức giá sau khi định giá, điều chỉnh giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.
15. Niêm yết giá là hình thức công khai mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
16. Thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm, phục vụ cho mục đích nhất định do doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá thực hiện theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.
17. Tài sản thẩm định giá bao gồm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá theo nhu cầu hoặc các trường hợp pháp luật quy định phải thẩm định giá.
18. Chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho khách hàng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.
19. Báo cáo thẩm định giá là văn bản trình bày về quá trình thẩm định giá, làm căn cứ lập chứng thư thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá, trong đó:
a) Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá do thẩm định viên về giá lập, thể hiện ý kiến của thẩm định viên về giá và được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá hoặc người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá xem xét, phê duyệt;
b) Đối với hoạt động thẩm định giá của Nhà nước, báo cáo thẩm định giá do hội đồng thẩm định giá lập, thể hiện ý kiến của các thành viên hội đồng và ý kiến biểu quyết thống nhất của hội đồng.
20. Thông báo kết quả thẩm định giá là văn bản do hội đồng thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.
21. Thông đồng về giá, thẩm định giá là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi trao đổi để thống nhất làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi.
Điều 5. Nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước
1. Quản lý, điều tiết giá theo cơ chế thị trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
2. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và Nhà nước.
3. Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công; có chính sách về giá phù hợp với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Công khai thông tin về giá, thẩm định giá
1. Cơ quan nhà nước, đơn vị trực thuộc cơ quan nhà nước thực hiện công khai các nội dung sau đây:
a) Chủ trương, đề án, báo cáo về biện pháp quản lý, điều tiết giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; văn bản quy phạm pháp luật về giá;
b) Văn bản định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trừ hàng dự trữ quốc gia;
c) Danh sách doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thẩm định viên về giá; danh sách doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; danh sách người bị tước, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai các nội dung sau đây:
a) Giá cụ thể hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân tự định giá trong khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
b) Mức giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này;
c) Mức giá của hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá.
3. Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện công khai các nội dung sau đây:
a) Danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp;
b) Thông tin cơ bản về hoạt động của doanh nghiệp gồm giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, số lượng chứng thư đã phát hành hàng năm;
c) Bảng giá dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá.
4. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm công khai thông tin quy định tại Điều này phải bảo đảm tính chính xác, trung thực, kịp thời và chịu trách nhiệm về nội dung công khai. Việc công khai không áp dụng đối với các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước và các trường hợp không được phép công khai theo quy định của pháp luật.
Việc thông tin, truyền thông về các chính sách pháp luật về giá, cơ chế quản lý, điều hành giá phải bảo đảm tính khách quan, trung thực theo quy định của pháp luật.
5. Việc công khai các thông tin quy định tại Điều này được thực hiện theo hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoặc hình thức phù hợp khác. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì công khai bằng hình thức gửi văn bản đến cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan và cập nhật vào cơ sở dữ liệu về giá; đối với các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì công khai bằng hình thức cập nhật vào cơ sở dữ liệu về giá.
Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá
1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá:
a) Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật vào việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá và tổ chức, cá nhân hoạt động thẩm định giá;
b) Cố tình tiết lộ, sử dụng thông tin về giá do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
2. Đối với tổ chức, cá nhân:
a) Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ;
b) Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết trong các giao dịch mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, phương thức vận chuyển, thanh toán, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ;
c) Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi;
d) Cản trở hoạt động quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá giả hoặc sử dụng chứng thư thẩm định giá giả cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này;
e) Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá khi không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc sử dụng chứng thư đó cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không là thẩm định viên về giá;
g) Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
3. Đối với doanh nghiệp thẩm định giá:
a) Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; thông tin không chính xác về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá;
b) Cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho người có liên quan với doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
c) Kê khai không chính xác, không trung thực, giả mạo hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, hồ sơ đăng ký hành nghề của thẩm định viên về giá;
d) Phát hành khống chứng thư thẩm định giá;
đ) Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
4. Đối với thẩm định viên về giá:
a) Thông tin không chính xác, không trung thực về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá;
b) Giả mạo, cho thuê, cho mượn, sử dụng thẻ thẩm định viên về giá trái với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
c) Lập chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá với tư cách cá nhân;
d) Ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không đáp ứng các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này;
đ) Thực hiện thẩm định giá cho người có liên quan với doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
e) Lập khống báo cáo thẩm định giá, các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định của Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
g) Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
5. Đối với hội đồng thẩm định giá:
a) Chỉ đạo, can thiệp vào hoạt động thẩm định giá làm ảnh hưởng đến tính độc lập về chuyên môn của thành viên hội đồng thẩm định giá nhằm vụ lợi;
b) Lập khống thông báo kết quả thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá;
c) Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
6. Đối với thành viên hội đồng thẩm định giá:
a) Lập khống các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
b) Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
7. Đối với khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba có tên trong hợp đồng thẩm định giá:
a) Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về tài sản thẩm định giá;
b) Sử dụng chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực; sử dụng chứng thư thẩm định giá không theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với tài sản thẩm định giá, số lượng tài sản thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá;
c) Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
8. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ban hành văn bản có các hình thức, điều kiện nhằm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá trái quy định của Luật này.
Chương II. QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH HÀNG HÓA, DỊCH VỤ VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG LĨNH VỰC GIÁ
Điều 8. Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
1. Tự định giá và điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể. Được xem xét áp dụng nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá do Nhà nước quy định để định giá hàng hóa, dịch vụ.
2. Tự định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh theo khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Luật này.
3. Tham gia xây dựng và kết nối, chia sẻ thông tin vào cơ sở dữ liệu về giá.
4. Hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh, pháp luật về chống bán phá giá hàng nhập khẩu và phải niêm yết công khai về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá đối với các trường hợp sau đây:
a) Hàng tươi sống;
b) Hàng hóa tồn kho;
c) Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ;
d) Hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật;
đ) Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh;
e) Hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước.
5. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá xem xét, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
6. Tiếp cận thông tin về chính sách giá của Nhà nước; các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.
7. Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giá; yêu cầu tổ chức, cá nhân bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
1. Lập phương án giá hoặc báo cáo đánh giá chi tiết về các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ hoặc cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ việc định giá hoặc triển khai, áp dụng các biện pháp quản lý, điều tiết giá khác theo quy định của Luật này.
2. Chấp hành văn bản định giá, biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Kê khai giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
4. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
5. Giảm giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với các chính sách miễn, giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.
6. Công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
7. Giải quyết kịp thời các khiếu nại về giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh; bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Quyền của người tiêu dùng
1. Lựa chọn, thỏa thuận về giá khi mua hàng hóa, dịch vụ, trừ hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể.
2. Tiếp cận thông tin về chính sách giá của Nhà nước; các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.
3. Được yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin về giá, chất lượng, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ và hóa đơn theo quy định của pháp luật.
4. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá xem xét điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
5. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện theo quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 11. Nghĩa vụ của người tiêu dùng
1. Thanh toán theo mức giá thỏa thuận hoặc mức giá cụ thể do Nhà nước định giá khi mua hàng hóa, dịch vụ.
2. Thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về giá, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giá.
Chương III. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ, THẨM ĐỊNH GIÁ
Điều 12. Nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá
1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.
2. Quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.
3. Tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về giá.
4. Quản lý hoạt động thẩm định giá; tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước.
5. Quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá, thẩm định giá.
6. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.
7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá, thẩm định giá.
8. Hợp tác quốc tế về giá, thẩm định giá.
Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ
1. Thống nhất quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.
2. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá theo thẩm quyền.
3. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
4. Quy định, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 của Luật này.
5. Quyết định và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, điều tiết giá theo quy định của Luật này. Phân công, phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và các nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền.
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
1. Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.
2. Ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giá.
3. Trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trên cơ sở đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 của Luật này trên cơ sở đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá trên cơ sở đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức thực hiện bình ổn giá theo phân công của Chính phủ.
6. Định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và hướng dẫn thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này.
7. Tiếp nhận kê khai giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền.
8. Tổ chức hiệp thương giá hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực, phạm vi quản lý.
9. Tổ chức triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:
a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
b) Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, cấp chứng chỉ nghiệp vụ thẩm định giá cho thẩm định viên về giá và người làm công tác thẩm định giá của Nhà nước;
c) Quy định về việc thi, cấp, quản lý, tước có thời hạn và thu hồi thẻ thẩm định viên về giá;
d) Cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;
đ) Quản lý hoạt động hành nghề của thẩm định viên về giá;
e) Quản lý hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá; quản lý nhà nước trong lĩnh vực thẩm định giá đối với hội nghề nghiệp về thẩm định giá theo quy định của pháp luật; quy định về việc đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá.
11. Tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định pháp luật.
12. Thực hiện hợp tác quốc tế về giá, thẩm định giá.
13. Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giá, thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thanh tra.
14. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá theo chức năng, lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.
15. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá, thẩm định giá thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
16. Nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và phân công của Chính phủ.
Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
2. Ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá thuộc lĩnh vực quản lý; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giá.
3. Đề xuất và phối hợp với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
4. Đề xuất và phối hợp với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 của Luật này.
5. Đề xuất và phối hợp với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ chủ trương bình ổn giá; tổ chức thực hiện bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.
6. Định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền theo quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương pháp định giá riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
7. Tiếp nhận kê khai giá theo phân công của Chính phủ.
8. Tổ chức hiệp thương giá hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực, phạm vi quản lý.
9. Cập nhật thông tin, dữ liệu về giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của Chính phủ.
10. Tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
11. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo chức năng, lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.
12. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá, thẩm định giá của Nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
13. Nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và phân công của Chính phủ.
.....................
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
Luật Giá 2023 số 16/2023/QH15
378,9 KB 19/07/2023 10:26:00 SATải Luật Giá 2023 số 16/2023/QH15 pdf
19/07/2023 10:46:34 SA
Cơ quan ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Vương Đình Huệ |
Số hiệu: | 16/2023/QH15 | Lĩnh vực: | Tài chính |
Ngày ban hành: | 19/06/2023 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2024 |
Loại văn bản: | Luật | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Bài liên quan
-
Phương thức xét tuyển kết hợp là gì?
-
Phụ lục và biểu mẫu Thông tư 24/2023/TT-BCA về đăng kí xe
-
Quyết định 1977/QĐ-BGDĐT 2023 Dự án Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho HSSV
-
Chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên THCS
-
Thông tư 06/2023/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng
-
Cách phúc khảo điểm thi THPT Quốc gia 2024
-
Nghị định 48/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 90/2020/NĐ-CP
-
Chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT 2024
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Tài chính - Ngân hàng
Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính số 06/CT-TTg
Thông tư 18/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 36/2019/TT-BTC hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán
Thông tư 69/2017/TT-BTC
Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 40/2021/TT-BTC về hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN
Nghị định về thanh toán tiền mặt số 222/2013/NĐ-CP
Thông tư số 03/2023/TT-NHNN về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác