Quyết định 1977/QĐ-BGDĐT 2023 Dự án Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho HSSV

Dự án Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho HSSV

Quyết định 1977/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Dự án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Dự án Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho HSSV

Theo đó, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong trường học, Bộ GD&ĐT phê duyệt Dự án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Quyết định 1977/QĐ-BGDĐT 2023

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
_____________

Số: 1977/QĐ-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________

Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

___________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính và Công tác học sinh, sinh viên.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng BCĐ 138/CP (để b/c);
- Bộ Công an, Bộ LĐTBXH (để ph/h);
- TƯ Đoàn TNCSHCM, Hội SV Việt Nam (để ph/h);
- UBND các tỉnh, thành phố (để ph/h);
- Các Thứ trưởng (để ph/h);
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GDĐT (để th/h);
- Các sở GDĐT, đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm (để th/h);
- Đăng Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDCTHSSV.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Kim Sơn

DỰ ÁN

“Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1977/QĐ-BGDĐT ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

_______________________

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA DỰ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

a) Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT);

b) Căn cứ Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

2. Căn cứ thực tiễn

Theo báo cáo tổng kết chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, bất ổn chính trị, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, dịch bệnh... xảy ra ở nhiều nơi và gia tăng mức độ nguy hiểm, đe dọa hòa bình hợp tác và phát triển của nhiều quốc gia. Thế giới cũng đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức lớn về an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, an ninh năng lượng, khủng hoảng di cư, tội phạm xuyên quốc gia... Sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra những thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều thách thức về an ninh, lợi ích của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong nước, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh chống phá, lợi dụng dịch Covid-19 và một số vụ việc tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên để tuyên truyền, xuyên tạc, tung tin giả nhằm gây mất an ninh, trật tự, tác động đến ổn định chính trị, xã hội. Hoạt động của các loại tội phạm có sự cấu kết, móc nối chặt chẽ, đan xen, chuyển hóa giữa các lĩnh vực kinh tế - xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, đáng chú ý là:

- Tội phạm xâm phạm, vi phạm về trật tự xã hội có một số vụ việc liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên và học viên (gọi chung là người học), cán bộ, nhà giáo như: vi phạm luật giao thông vẫn chiếm đa số, vẫn còn tình trạng người học tham gia chơi “lô đề”, hay người học sử dụng đồ uống có cồn quá mức gây mất trật tự xã hội...

- Tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, sử dụng các trang mạng xã hội để lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc, bắt cóc, ép buộc trẻ em và thực hiện các hành vi xâm hại. Tình trạng học sinh phổ thông bị các đối tượng quen biết xâm hại tình dục, có những vụ việc đã dẫn đến tử vong. Đối tượng là người nước ngoài dụ dỗ học sinh, trẻ em tham gia quay phim nhạy cảm để trục lợi.

- Tội phạm mua bán người với thủ đoạn nổi lên với chiêu trò quảng cáo “việc nhẹ lương cao” các đối tượng đã lừa bán nạn nhân; lừa bán phụ nữ để lao động thời vụ, cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm; mua bán thai nhi; mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người; bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em và nhiều hình thức phức tạp khác.

- Tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực trên không gian mạng sử dụng công nghệ cao có diễn biến phức tạp, nổi lên là: Tình trạng lừa lấy thông tin thẻ tín dụng; giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tổ chức tín dụng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông; kinh doanh đa cấp; mua bán tiền ảo; tạo ứng dụng cho vay và kinh doanh tiền trên thiết bị thông minh nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong lĩnh vực Giáo dục có giáo viên, người học lập tài khoản để cho thuê, chiếm nick mạng xã hội của người khác, chiếm quyền kiểm soát trang tin điện tử của cơ quan, tổ chức...

Trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có diễn biến phức tạp, để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng và bảo đảm cho người học được sinh sống, học tập và rèn luyện trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm chỉ đạo, quy định những nội dung về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật nói chung và cho người học nói riêng. Từ đó, mỗi cá nhân, tập thể kiên quyết phòng, chống và ngăn chặn không để tội phạm và vi phạm pháp luật xâm nhập vào trường học.

Ngành Giáo dục có khoảng gần 25 triệu người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là lực lượng quan trọng đối với tương lai của quốc gia, dân tộc. Nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học, Bộ GDĐT cũng như toàn ngành Giáo dục đã luôn chú trọng, quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, có chiều hướng đang tấn công, len lỏi vào các trường học. Do đó, công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học cần phải được tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện.

Việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục hiệu quả về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học trong nhà trường góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong trường học, Bộ GDĐT phê duyệt Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong cơ quan quản lý giáo dục các cấp, cơ sở giáo dục (sau đây gọi chung là nhà trường) trên toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Đối tượng: Người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động của nhà trường (sau đây gọi chung là thành viên trong nhà trường).

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Nâng cao năng lực phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật của các nhà trường góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh;

b) Cung cấp kiến thức, kỹ năng về công tác phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật và nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của các thành viên trong nhà trường;

c) Phối hợp với các ngành có liên quan cùng tham gia trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 100% nhà trường kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm”; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của nhà trường trong từng năm học; thiết lập các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường;

b) 100% nhà trường tổ chức ký cam kết giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội về nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật;

c) 100 % nhà trường xây dựng, duy trì ít nhất 01 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật;

d) Tối thiểu 90% nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”;

đ) Phấn đấu hàng năm giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến người học.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác chỉ đạo

a) Sở GDĐT, Phòng GDĐT, nhà trường kiện toàn Ban chỉ đạo “Phòng chống tội phạm” để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý;

b) Quý I hằng năm, lãnh đạo nhà trường tham mưu với tổ chức Đảng của cơ sở giáo dục (nếu có) ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về bảo đảm an ninh, trật tự hoặc lồng ghép trong nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo hằng năm;

c) Nhà trường ban hành kế hoạch phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự hằng năm và đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”;

d) Thiết lập, công bố các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường;

đ) Chỉ đạo công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả ít nhất 01 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật có sự tham gia của các thành viên trong nhà trường.

2. Tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật

a) Tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự nhà trường, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học; tuyên truyền về hậu quả, ảnh hưởng; các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến; những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với người học; kỹ năng phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật;

b) Quán triệt trách nhiệm của các thành viên trong nhà trường đối với việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, tố giác tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật;

c) Tổ chức lồng ghép, gắn kết nội dung tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật thông qua các chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường; tuyên truyền, giáo dục thông qua hoạt động của Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên, Đội TNTP Hồ Chí Minh;

d) Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động văn nghệ, giao lưu; các cuộc thi tìm hiểu dưới dạng bài viết hoặc sân khấu hoá, vẽ tranh, áp phích, sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm về đề tài phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học;

đ) Xây dựng tài liệu truyền thông dành cho thành viên trong nhà trường và gia đình người học về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học; xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về các gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật của người học đăng tải trên trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử của nhà trường, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội;

e) Tổ chức cho người học tham gia mô hình, sinh hoạt các câu lạc bộ về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật của nhà trường.

3. Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình và hoạt động giáo dục trong nhà trường

a) Tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình giáo dục các môn học phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo;

b) Tăng cường tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình đào tạo giáo viên;

c) Xây dựng và triển khai chương trình, tài liệu giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khoá dành cho người học.

4. Nâng cao năng lực của các thành viên trong nhà trường về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật

a) Xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng hằng năm cho cán bộ quản lý, nhà giáo về giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học;

b) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác bảo vệ, thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện.

5. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan ban, ngành của địa phương trong công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật

a) Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình người học trong công tác quản lý, giáo dục không để người học phạm tội, vi phạm pháp luật và đặc biệt quan tâm đối với người học có hoàn cảnh đặc biệt;

b) Tổ chức ký cam kết giữa Nhà trường - Ban đại diện cha mẹ học sinh - Công an địa phương về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục phổ thông; ký cam giữa Nhà trường - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của nhà trường - Công an địa phương về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục đại học;

c) Đẩy mạnh triển khai thực hiện các văn bản phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GDĐT hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục. Phối hợp với ngành Công an thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” và nhân rộng mô hình liên kết giữa nhà trường với công an địa phương;

d) Phối hợp với công an địa phương triển khai tổ chức các mô hình Câu lạc bộ phòng, ngừa tội phạm ở nhà trường có đủ điều kiện nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của người học tham gia phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ trong nhà trường. Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả trong nhà trường;

đ) Các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và nhà trường xây dựng văn bản phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể của địa phương và ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học.

6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý người học nhằm nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật

a) Sử dụng khai thác một số ứng dụng, mạng xã hội phù hợp vào công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học;

b) Xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu quản lý thông tin người học phục vụ công tác thống kê, báo cáo về tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người học.

7. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

a) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về quản lý người học, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật đối với nhà trường và người học. Thiết lập kênh thông tin và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất giữa nhà trường với cơ quan công an địa phương; giữa nhà trường với các cơ quan quản lý giáo dục các cấp;

c) Tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật.

(Các hoạt động cụ thể thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và phân công thực hiện tại Phụ lục kèm theo).

V. KINH PHÍ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Kinh phí triển khai Dự án: Thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và pháp luật về kinh phí của các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập.

2. Thời gian thực hiện Dự án: Kể từ ngày ký đến hết năm 2030.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT

a) Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (GDCTHSSV) chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện Dự án; đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện Dự án; làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan của các bộ, ngành trong việc tham mưu phối hợp chỉ đạo theo ngành dọc triển khai thực hiện Dự án; tổ chức xây dựng tài liệu về giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học; hằng năm tổ chức tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên cốt cán; đầu mối tiếp nhận thông tin, tổng hợp, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá và thực hiện chế độ báo cáo Lãnh đạo Bộ GDĐT, Ban chỉ đạo 138/CP;

b) Vụ Kế hoạch - Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí và phân bổ nguồn lực hằng năm để bảo đảm thực hiện các hoạt động của Dự án này.

2. Các Sở GDĐT

a) Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án trong ngành Giáo dục tại địa phương. Đôn đốc, triển khai thực hiện Dự án phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể tại địa phương;

b) Hằng năm, báo cáo kết quả việc triển khai Dự án của của ngành Giáo dục tại địa phương đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ GDĐT.

3. Các nhà trường

a) Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Dự án;

b) Hằng năm, báo cáo kết quả việc triển khai Dự án của nhà trường đến cơ quan quản lý trực tiếp.

4. Đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan

a) Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan phối hợp với Bộ GDĐT trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án;

b) Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức, đơn vị liên quan phối hợp với Bộ GDĐT chỉ đạo triển khai, thực hiện Dự án.

5. Đề nghị các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Phê duyệt kế hoạch triển khai Dự án trong ngành Giáo dục tại địa phương;

b) Chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan của địa phương phối hợp với ngành Giáo dục trong việc triển khai thực hiện./.

PHỤ LỤC

CÁC HOẠT ĐỘNG THUỘC DỰ ÁN
“Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1977/QĐ-BGDĐT ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

TT

Hoạt động

Chủ trì

Phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Tổ chức bộ máy chỉ đạo

1

Thành lập, sát nhập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể

2023

2

Lãnh đạo nhà trường tham mưu với tổ chức Đảng của cơ sở giáo dục (nếu có) ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về bảo đảm an ninh, trật tự hoặc lồng ghép trong nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo hằng năm

Nhà trường

Các tổ chức đoàn thể

Quý I hằng năm

3

Nhà trường ban hành kế hoạch phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự hằng năm và đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”

Nhà trường

Các tổ chức đoàn thể và cơ quan, chính quyền địa phương

Quý I hằng năm

4

Thiết lập, công bố các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường

Nhà trường

Các tổ chức đoàn thể và cơ quan, chính quyền địa phương

2023

5

Chỉ đạo công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả ít nhất 01 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật có sự tham gia của các thành viên trong nhà trường.

Nhà trường

Các tổ chức đoàn thể và cơ quan, chính quyền địa phương

Hằng năm

II

Tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật cho người học

1

Tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự nhà trường, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học; Tuyên truyền về hậu quả, ảnh hưởng; các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến; những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với người học

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Hệ thống Đoàn, Hội, Đội, gia đình người học và các tổ chức đoàn thể khác

2023-2025

2

Quán triệt trách nhiệm của các thành viên trong nhà trường đối với việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, tố giác tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật;

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, diễn giả, chuyên gia

2023-2025

3

Tổ chức lồng ghép, gắn kết nội dung tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật thông qua các chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường; tuyên truyền, giáo dục thông qua hoạt động của Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên, Đội TNTP Hồ Chí Minh

Nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

4

Xây dựng tài liệu truyền thông dành cho thành viên trong nhà trường và gia đình người học về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học; Xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về các gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật của người học đăng tải trên trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử của nhà trường, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

5

Tổ chức cho người học tham gia mô hình, sinh hoạt các câu lạc bộ về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật của nhà trường

Nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học

2023-2025

III

Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình và hoạt động giáo dục trong nhà trường

1

Tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình giáo dục các môn học phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

2

Tăng cường tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình đào tạo giáo viên

Các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên

Các ngành, tổ chức đoàn thể, chuyên gia

2023-2025

3

Triển khai chương trình, tài liệu giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khoá dành cho người học

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

IV

Nâng cao năng lực của các thành viên trong nhà trường về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật

1

Lựa chọn tài liệu và tổ chức tập huấn hằng năm cho cán bộ quản lý, nhà giáo về giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

2

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ đảm bảo an ninh, trật tự nhà trường, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác bảo vệ, thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện

Nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

V

Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan ban, ngành của địa phương trong công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật

1

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình người học trong công tác quản lý, giáo dục người học không phạm tội, vi phạm pháp luật, đặc biệt quan tâm đối với người học có hoàn cảnh đặc biệt

Nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

2

Tổ chức ký cam giữa Nhà trường - Ban đại diện cha mẹ học sinh - Công an địa phương về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục phổ thông; Tổ chức ký cam giữa Nhà trường - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của nhà trường - Công an địa phương về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục đại học.

Nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

Hằng năm

3

Đẩy mạnh triển khai thực hiện các văn bản phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GDĐT hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục. Phối hợp với ngành Công an thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” và nhân rộng mô hình liên kết giữa nhà trường với công an địa phương

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

4

Phối hợp với công an địa phương tổ chức các mô hình Câu lạc bộ phòng, ngừa tội phạm ở nhà trường có đủ điều kiện nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của người học tham gia phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình tổ chức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ từ gia đình, cộng đồng dân cư và nhà trường. Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả trong nhà trường

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

5

Các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và nhà trường xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể của địa phương và ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

VI

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý người học nhằm nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật

1

Sử dụng khai thác các ứng dụng, mạng xã hội phù hợp vào công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

2

Triển khai cơ sở dữ liệu quản lý thông tin người học phục vụ công tác thống kê, báo cáo về tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người học

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2024-2025

VII

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý người học, phòng ngừa tội phạm và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá

1

Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về quản lý người học, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

2

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật đối với nhà trường và người học

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2025

3

Thiết lập kênh thông tin và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất giữa nhà trường với cơ quan công an địa phương; giữa nhà trường với các cơ quan quản lý giáo dục các cấp

Các Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2023-2023

4

Tổ chức Hội nghị, Hội thảo đánh giá, sơ kết công tác triển khai thực hiện Dự án

Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT Sở GDĐT, phòng GDĐT, nhà trường

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2024

5

Tổ chức tổng kết, đánh giá công tác triển khai thực hiện Dự án đến 2025 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2026-2030

Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Bộ GDĐT

Các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình người học, chuyên gia

2025

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Giáo dục đào tạo được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Người ký:
Số hiệu:Lĩnh vực:Đang cập nhật
Ngày ban hành:Ngày hiệu lực:Đang cập nhật
Loại văn bản:Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đánh giá bài viết
1 40
0 Bình luận
Sắp xếp theo