Quyết định 2161/QĐ-BGDĐT về mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Tải về

Quyết định 2161/QĐ-BGDĐT năm 2017 về kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 ban hành ngày 26 tháng 6 năm 2017, đưa ra những vấn đề trọng tâm về mục tiêu và phương hướng thực hiện chăm sóc giáo dục các độ tuổi.

Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Bộ Giáo dục công bố tiêu chuẩn, tiêu chí làm sách giáo khoa mới

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
Số: 2161/QĐ-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- PTTg. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- UBVHGDTTNNĐ của QH (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ: LĐTBXH, KHĐT, TC (để phối hợp);
- UBND các tỉnh/TP (để phối hợp thực hiện);
- UNESCO, UNICEF, các đối tác giáo dục (để phối hợp);
- Các Sở GDĐT (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG


Nguyễn Thị Nghĩa

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2161/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thực hiện Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:

1. Mục tiêu chung

Xây dựng nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; các chỉ tiêu sẽ được cụ thể hóa vào kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo hàng năm của các cấp, các ngành để đến 2030 đạt các mục tiêu chung sau:

1.1. Đảm bảo tất cả các trẻ em gái và trai hoàn thành giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở miễn phí, công bằng, có chất lượng.

1.2. Tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non được chăm sóc, giáo dục có chất lượng để phát triển toàn diện, chuẩn bị sẵn sàng vào tiểu học.

1.3. Đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận giáo dục sau phổ thông có chất lượng, với chi phí học tập phù hợp với mức sống và mức thu nhập.

1.4. Xóa bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục; đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng trong giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp học cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và trẻ em trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương.

1.5. Tất cả thanh thiếu niên và hầu hết người trưởng thành, không phân biệt giới tính, đều biết đọc, biết viết và biết tính toán.

1.6. Tất cả người học đều được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững, bao gồm: giáo dục về lối sống bền vững, quyền con người, bình đẳng giới, thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình, không bạo lực; thực hiện giáo dục công dân toàn cầu, thích ứng cao với sự đa dạng văn hóa, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc, thúc đẩy sự đóng góp của văn hóa đối với phát triển bền vững.

2. Các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể

2.1. Tăng tiếp cận giáo dục cho mọi người (Mục tiêu 4.1 toàn cầu)

  • Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, giám sát kết quả thực hiện để kịp thời có điều chỉnh tương ứng.
  • Thay đổi chính sách về học phí cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, tiến đến miễn phí hoàn toàn cho cấp trung học cơ sở.
  • Có cơ chế hiệu quả hỗ trợ người dân đưa con trong độ tuổi đến trường, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, trẻ sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Thực hiện giáo dục hòa nhập, giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật.
  • Nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học và trung học cơ sở và tăng cường công tác quản lý chất lượng giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, trong bối cảnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bao gồm cả đổi mới hệ thống đánh giá và kiểm định chất lượng các cấp. Giảm sự bất bình đẳng và chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, giảm tỷ lệ trẻ bỏ học, trẻ em ngoài nhà trường.
  • Đảm bảo ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục được tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập, giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu và các đối tượng chính sách xã hội.
  • Tăng cường hiệu quả công tác thống kê, theo dõi bình đẳng giáo dục, bao gồm tiếp cận, chất lượng và hiệu quả giáo dục.
  • Thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục.

2.2. Chăm sóc, giáo dục trẻ thơ có chất lượng (Mục tiêu 4.2 toàn cầu)

  • Xây dựng và thực hiện đề án huy động nguồn lực cho phát triển hệ thống giáo dục mầm non, trong đó chú trọng mở rộng mạng lưới trường lớp nhất là ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường lực lượng giáo viên được đào tạo, phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong cung ứng dịch vụ giáo dục mầm non; huy động các thành phần kinh tế đầu tư hệ thống nhà trẻ, trường, lớp mầm non.
  • Nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ có trẻ em khuyết tật về sự cần thiết đối với phát triển toàn diện sức khỏe và trí tuệ của trẻ em từ giai đoạn trẻ thơ.
  • Tăng cường điều phối và phối hợp liên ngành để đảm bảo sự liên kết giữa các can thiệp phát triển trẻ thơ lồng ghép có chất lượng.
  • Có chính sách hỗ trợ thích hợp để bảo đảm các trẻ em nghèo, trẻ em bị khuyết tật, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc giai đoạn trẻ thơ và giáo dục mầm non.

2.3. Phát triển giáo dục đại học có chất lượng (Mục tiêu 4.3 toàn cầu)

  • Nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học thông qua đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở này theo hướng gắn với thị trường lao động.
  • Thực hiện hiệu quả các chiến lược đã ban hành liên quan tới giáo dục đại học, bình đẳng giới, bảo đảm tất cả nam và nữ thanh niên và người trưởng thành có nhu cầu đều có thể tiếp cận dịch vụ giáo dục đại học phù hợp.
  • Tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế và dễ bị tổn thương có điều kiện tiếp cận dịch vụ giáo dục đại học theo nhu cầu.
  • Đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo quan điểm dựa trên cơ sở chất lượng, đảm bảo một hệ thống giáo dục đại học có hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học trong khu vực và thế giới.
  • Tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở năng lực, chất lượng và khả năng tự chủ tài chính, giảm bớt gánh nặng đầu tư tài chính của Nhà nước.

2.4. Thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo đảm bảo bình đẳng trong giáo dục và xóa bỏ chênh lệch còn tồn tại đối với các đối tượng dễ bị tổn thương (Mục tiêu 4.5 toàn cầu)

  • Xây dựng các chính sách phù hợp bảo đảm bình đẳng trong giáo dục đối với nhũng người dễ bị tổn thương và hỗ trợ để họ có điều kiện tiếp cận dịch vụ giáo dục và đào tạo.
  • Đảm bảo công tác lập kế hoạch và dự toán ngân sách phát triển giáo dục đào tạo hằng năm và trung hạn có lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững và có các biện pháp phù hợp để thúc đẩy tiếp cận và chất lượng giáo dục bao gồm phát triển toàn diện trẻ thơ, giáo dục phổ thông và sau phổ thông.
  • Tăng cường, ưu tiên đào tạo nhân lực cho các dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn bằng các hình thức phù hợp (tiếp tục chính sách cử tuyển, lồng ghép đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số trong Đề án đào tạo cán bộ, công chức cấp cơ sở, đào tạo cán bộ y tế cho tuyến xã, các dự án đào tạo của Chương trình xóa đói, giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm …).

2.5. Xây dựng xã hội học tập (Mục tiêu 4.6 toàn cầu)

  • Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá “cộng đồng học tập”, “thành phố học tập”, “công dân học tập” theo định hướng của UNESCO.
  • Hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho người học thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, phụ nữ theo địa bàn, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
  • Củng cố, phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng; tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; mở rộng địa bàn hoạt động đến các thôn, bản, cụm dân cư; đa dạng hóa nội dung giáo dục; phấn đấu tăng số lượng trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả; phát triển mô hình trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với trung tâm văn hóa thể thao xã hoạt động có hiệu quả.

2.6. Trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết cho người học để thúc đẩy phát triển bền vững (Mục tiêu 4.7 toàn cầu)

  • Tăng cường các nội dung giáo dục về: phát triển bền vững, lối sống bền vững, quyền con người, bình đẳng giới, ngăn chặn và chống bạo lực, công dân toàn cầu, ý thức tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong chính sách giáo dục quốc gia và trong nội dung chương trình giảng dạy ở tất cả các cấp học.
  • Tăng cường các nội dung giáo dục có tính thực tiễn, sử dụng phương pháp dạy học tích cực, học qua trải nghiệm/nghiên cứu, học qua các dự án/tình huống và phương pháp tiếp cận trường học toàn diện.
  • Tăng cường năng lực của cơ sở giáo dục trong lồng ghép phát triển bền vững xuyên suốt hệ thống giáo dục cả chính quy và không chính quy.
  • Tăng nguồn cung giáo viên có trình độ cao, thông qua hợp tác quốc tế về đào tạo giáo viên (Mục tiêu 4.c toàn cầu).

2.7. Xây dựng môi trường học tập an toàn, không bạo lực, toàn diện và hiệu quả cho tất cả mọi người (Mục tiêu 4.a toàn cầu)

  • Rà soát, hoàn thiện và xây dựng hệ thống các tiêu chí/tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng giáo dục thân thiện với trẻ em, người khuyết tật và bình đẳng giới tương ứng với các tiêu chí của Liên Hợp Quốc.
  • Bảo đảm các cơ sở giáo dục xây mới đáp ứng các tiêu chí thân thiện với trẻ em, bao gồm cả trẻ khuyết tật; đồng thời sửa chữa, nâng cấp các cơ sở giáo dục đang hoạt động để đáp ứng tiêu chí đề ra.
  • Lồng ghép mục tiêu về cơ sở giáo dục thân thiện với trẻ em vào chiến lược giáo dục. Xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, không bạo lực; tăng cường giáo dục kỹ năng sống và tư vấn học đường.
  • Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho việc xây dựng và nâng cấp các cơ sở giáo dục.

2.8. Giáo dục, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Mục tiêu 13.3.b toàn cầu)

  • Tăng cường vai trò điều phối, mở rộng phối hợp đối tác để huy động nguồn lực và liên kết các can thiệp ứng phó với thiên tai và tình huống khẩn cấp trong giáo dục để hạn chế tình trạng gián đoạn học tập do thiên tai xảy ra, tăng cường theo dõi giám sát và nâng cao năng lực hệ thống giáo dục trong việc chuẩn bị dự phòng, chống chịu và thích ứng với thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu trong khuôn khổ triển khai trường học an toàn.
  • Đưa kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai vào trong chương trình giáo dục, đào tạo các cấp học; xây dựng các chương trình đào tạo; phát triển và có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các chuyên ngành liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
  • Thực hiện sáng kiến trường học an toàn, các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai lấy trẻ em/học sinh làm trung tâm.

(Xem tiếp trong file tải về)

Đánh giá bài viết
1 1.989
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm