Quyết định 15/2013/QĐ-UBND TP Hà Nội

Quyết định 15/2013/QĐ-UBND quy định quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------------

Số: 15/2013/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC, SỬ DỤNG HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 01/7/2002;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/04/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định sổ 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/04/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng về việc Hướng dẫn quản lý đường đô thị; Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30/06/2009 của Bộ Xây dựng về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD;

Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ Giao thông vận tải về việc Quy định về quản lý và bảo trì đường bộ;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải Hà Nội tại Tờ trình số 405/TTr-SGTVT ngày 05/04/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND ngày 16/4/2008 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đ/c Bí thư Thành ủy; để báo cáo
- TT Thành ủy, TT HĐNDTP; để báo cáo
- Đ/c Chủ tịch UBNDTP; để báo cáo
- VP Chính phủ; để báo cáo
- Các Bộ: GTVT, XD, TP, TT&TT, Công thương, Công an;
- Các Đ/c PCT UBNDTP;
- Các Ban HĐNDTP;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử HN;
- Đài PTTH Hà Nội; Các Báo: HNM, KTĐT, ANTĐ; (để đưa tin)
- VPUBTP: Các Đ/c PVP, Các phòng, Trung tâm công báo;
- Lưu: VT, QHXDGTHải.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)



Nguyễn Văn Sửu

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC, SỬ DỤNG HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2013 của UBND Thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) có các hoạt động liên quan đến việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

3. Việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng những tuyến đường không phải là đường đô thị tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật khác hiện hành có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đường đô thị (hay đường phố): là đường bộ nằm trong phạm vi nội thành, nội thị, được giới hạn bởi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Cơ quan quản lý đường đô thị: là cơ quan thực hiện phức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã).

3. Đơn vị trực tiếp quản lý đường đô thị: là tổ chức, cá nhân được nhận đặt hàng, giao kế hoạch, trúng thầu công tác quản lý, bảo trì đường bộ.

4. Sử dụng chung hệ thống đường đô thị: là việc các tổ chức, cá nhân bố trí, lắp đặt đường dây, cáp, đường ống v.v vào công trình đường đô thị.

Điều 3. Một số nguyên tắc chung

1. Hệ thống đường đô thị là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu của Nhà nước phải được quản lý chặt chẽ theo đúng quy hoạch, chỉ giới, mốc giới.

Đường ngoài phạm vi nội thành, nội thị nhưng nằm trong ranh giới khu đô thị mới, đô thị mới được thống nhất quản lý như đường đô thị.

2. Mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

3. Quản lý hệ thống đường đô thị được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

4. Các cơ quan chức năng thực hiện các công tác quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố theo đúng phân cấp.

a) Sở Giao thông vận tải quản lý các tuyến đường đã đặt tên và các tuyến đường khác theo phân cấp của UBND Thành phố.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý các tuyến đường chưa đặt tên, hè đường trên địa bàn theo phân cấp của UBND Thành phố.

5. Đường đô thị chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Khi sử dụng đường đô thị vào mục đích khác phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thực hiện đúng các quy định của UBND Thành phố Hà Nội, không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; không làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường đô thị.

6. Việc sử dụng chung hệ thống đường đô thị phải đảm bảo: tuân thủ theo quy hoạch được duyệt; sự đồng bộ về hạ tầng, tiết kiệm; mỹ quan, cảnh quan và môi trường; sự hoạt động bình thường, an toàn cho hệ thống hạ tầng đã có; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

7. Những hành vi vi phạm quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và bị xử phạt theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương 2.

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Điều 4. Quy định về thẩm quyền quản lý hệ thống đường đô thị

Thực hiện theo phân cấp quy định tại Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 02/3/2011 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 5963/QĐ-UBND ngày 23/12/2011 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt danh mục các tuyến đường giao Sở Giao thông vận tải quản lý đồng bộ vỉa hè, lòng đường phục vụ công tác tổ chức giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thanh phố Hà Nội theo Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 02/3/2011 của UBND Thành phố Hà Nội.

Điều 5. Quy định về công tác quy hoạch liên quan đến hệ thống đường đô thị

Công tác quy hoạch liên quan đến hệ thống đường đô thị, tuân thủ: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; quy hoạch phân khu; các quy hoạch chuyên ngành và các quy định tại Mục I Phần 2 Thông tư 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng; Điều 5, 6 của Nghị định 11/2010/NĐ-CP và các quy định hiện hành khác có liên quan.

Điều 6. Quy định về công tác thiết kế, xây dựng liên quan đến hệ thống đường đô thị

Công tác thiết kế, xây dựng liên quan đến hệ thống đường đô thị, tuân thủ: Các quy định của Luật Xây dựng năm 2003; Mục II Phần 2 Thông tư 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng; Chương 2 Quyết định số 56/2009/QĐ-UBND ngày 27/3/2009 của UBND Thành phố Hà Nội và các quy định hiện hành khác có liên quan.

Điều 7. Quy định về công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường đô thị

1. Yêu cầu công tác quản lý, bảo trì đường đô thị:

1.1. Đường đô thị phải được quản lý chặt chẽ trong phạm vi chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cao độ khống chế mặt đường theo quy hoạch được duyệt.

1.2. Công tác quản lý, bảo trì đường đô thị thực hiện theo quy định của quy trình bảo trì, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức quản lý, bảo trì hiện hành được cơ quan có thẩm quyền công bố.

1.3. Hệ thống đường đô thị sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa lớn, sửa chữa vừa phải được nghiệm thu, bàn giao, tổ chức quản lý, bảo trì. Thời gian thực hiện quản lý, bảo trì được tính từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác với chủ quản lý khai thác hoặc khi chủ quản lý khai thác có quyết định tiếp nhận bàn giao đưa vào sử dụng.

a) Đối với công trình thi công là đường chưa khai thác (công trình xây dựng đường mới, tuyến tránh; sửa chữa, cải tạo cầu, đường nhưng có đường công vụ phục vụ thi công): nhà thầu thi công có trách nhiệm bảo vệ công trình, không cho các phương tiện tham gia giao thông khi chưa có lệnh thông xe và chịu toàn bộ trách nhiệm có liên quan cho tới khi bàn giao cho đơn vị quản lý.

b) Để phục vụ công tác bàn giao, Chủ đầu tư và nhà thầu có trách nhiệm: Tuân thủ đúng các quy định về quản lý chất lượng hiện hành; phối hợp với cơ quan quản lý đường đô thị có thẩm quyền để tổ chức kiểm tra, đối chiếu hiện trường với hồ sơ hoàn công phục vụ công tác bàn giao; tập hợp quy trình quản lý bảo trì công trình được phê duyệt theo quy định; vệ sinh công trình trước khi bàn giao.

2. Các nội dung công tác quản lý đường đô thị:

a) Lưu trữ và quản lý khai thác hồ sơ hoàn công công trình đường đô thị xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất.

b) Lập hồ sơ quản lý công trình đường đô thị.

c) Lập hồ sơ quản lý hành lang an toàn đường đô thị.

d) Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ đường đô thị; phối hợp với công an, Ủy ban nhân dân các cấp quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường đô thị.

đ) Theo dõi tình hình hư hại công trình đường đô thị; tổ chức tuần tra, kiểm tra thường xuyên, phát hiện kịp thời hư hỏng và các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng đường đô thị, tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Công tác tuần tra, kiểm tra thực hiện theo Thông tư 47/2012/TT-BGTVT ngày 12/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng đường đô thị và các quy định hiện hành có liên quan.

e) Kiểm tra tình trạng kỹ thuật định kỳ tháng, quý, năm; kiểm tra đột xuất trong và sau mỗi đợt lụt, bão hoặc các tác động bất thường khác.

f) Thực hiện đếm xe, phân tích số liệu và đánh giá sự tăng trưởng của lưu lượng, kiểu loại phương tiện cơ giới đường bộ.

g) Thực hiện quản lý tải trọng, khổ giới hạn xe; tổ chức cấp giấy lưu hành cho xe bánh xích, xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng công trình đường bộ; kiểm tra tải trọng xe ở các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định hoặc tạm thời và xử lý theo quy định, phân tích đánh giá tác động do hoạt động của xe quá khổ, quá tải đến sự bền vững công trình đường bộ.

h) Lập biểu mẫu theo dõi số vụ tai nạn, xác định nguyên nhân ban đầu từng vụ tai nạn, thiệt hại do tai nạn. Phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương để giải quyết tai nạn giao thông theo thẩm quyền.

i) Phân làn, phân luồng, tổ chức giao thông; thường xuyên rà soát, điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ cho phù hợp; lập hồ sơ điểm đen, xử lý và theo dõi kết quả các điểm đen đã được xử lý.

j) Trực đảm bảo giao thông; theo dõi tình hình thời tiết, ngập lụt, các sự cố công trình, xử lý và báo cáo theo quy định.

k) Báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.

Các nội dung cụ thể nêu tại Điều 5 Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ Giao thông vận tải và các quy định hiện hành có liên quan.

Đánh giá bài viết
1 571
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi