Thông tư 14/2013/TT-BGTVT

Thông tư 14/2013/TT-BGTVT quy định về bảo trì công trình hàng hải do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------

Số: 14/2013/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2013

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH HÀNG HẢI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 03 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải (sau đây gọi là Nghị định số 21/2012/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi là Nghị định số 114/2010/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam;

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về bảo trì công trình hàng hải,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về bảo trì công trình hàng hải. Đối với công trình hàng hải chuyên phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thì thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo trì công trình hàng hải trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Công trình hàng hải bao gồm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải, đèn biển, hệ thống đài thông tin duyên hải và các công trình phụ trợ khác của cảng biển và luồng hàng hải, được đầu tư xây dựng hoặc thiết lập trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

2. Chủ đầu tư xây dựng công trình là người sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình.

3. Bảo trì công trình là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong suốt quá trình khai thác sử dụng.

Nội dung bảo trì công trình có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình.

4. Quy trình bảo trì công trình hàng hải là quy định về trình tự, nội dung và chỉ dẫn thực hiện các công việc bảo trì công trình hàng hải.

5. Quan trắc công trình hàng hải là sự quan sát, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình hàng hải theo yêu cầu của thiết kế trong quá trình sử dụng.

6. Bảo dưỡng công trình hàng hải là các hoạt động (theo dõi, chăm sóc, sửa chữa những hư hỏng nhỏ, duy tu thiết bị lắp đặt vào công trình) được tiến hành thường xuyên, định kỳ để duy trì công trình hàng hải ở trạng thái khai thác, sử dụng bình thường và hạn chế phát sinh các hư hỏng công trình.

7. Sửa chữa công trình là việc khắc phục hư hỏng của công trình được phát hiện trong quá trình khai thác, sử dụng nhằm bảo đảm sự làm việc bình thường và an toàn của công trình.

8. Tuổi thọ thiết kế là thời gian sử dụng của công trình do người thiết kế tính toán trong quá trình thiết kế công trình.

9. Công trình hàng hải hết tuổi thọ thiết kế là công trình đã có thời gian khai thác, sử dụng lớn hơn tuổi thọ thiết kế của công trình. Tuổi thọ thiết kế của công trình được xác định theo quy định của hồ sơ thiết kế. Trường hợp hồ sơ thiết kế của công trình bị mất hoặc không quy định tuổi thọ, chủ đầu tư xác định tuổi thọ của công trình theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan hoặc căn cứ theo tuổi thọ đã được xác định của công trình tương tự cùng loại và cấp.

10. Người có trách nhiệm bảo trì công trình là chủ sở hữu công trình hoặc người quản lý công trình hoặc người sử dụng công trình khi được chủ sở hữu ủy quyền hoặc người sử dụng công trình trong trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu công trình.

Điều 3. Nội dung công tác bảo trì công trình hàng hải

1. Kiểm tra công trình hàng hải để đánh giá hiện trạng công trình nhằm phát hiện các dấu hiệu hư hỏng của công trình, xác định cấp bảo trì.

2. Quan trắc công trình hàng hải.

3. Bảo dưỡng công trình hàng hải: bảo dưỡng thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ.

4. Kiểm định chất lượng công trình hàng hải: kiểm định định kỳ 05 năm một lần và kiểm định đột xuất.

5. Sửa chữa công trình hàng hải: sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn.

Điều 4. Cấp bảo trì công trình hàng hải

1. Cấp duy tu, bảo dưỡng: được tiến hành thường xuyên hoặc định kỳ để đề phòng hư hỏng của từng chi tiết, bộ phận công trình hàng hải.

2. Cấp sửa chữa nhỏ: được tiến hành khi có hư hỏng ở một số chi tiết của bộ phận công trình hàng hải nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của các chi tiết đó.

3. Cấp sửa chữa vừa: được tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở một số bộ phận công trình hàng hải nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của các bộ phận công trình đó.

4. Cấp sửa chữa lớn: được tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở nhiều bộ phận công trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của công trình.

Điều 5. Tài liệu phục vụ bảo trì công trình hàng hải

1. Các tài liệu phục vụ công tác bảo trì hàng hải bao gồm:

a) Hồ sơ hoàn công công trình hàng hải (hồ sơ pháp lý và tài liệu quản lý chất lượng);

b) Sổ theo dõi quá trình vận hành hoặc sử dụng của công trình hàng hải; lý lịch thiết bị lắp đặt trong công trình hàng hải;

c) Quy trình bảo trì công trình hàng hải;

d) Hồ sơ, tài liệu kiểm tra định kỳ công trình hoặc bộ phận, hạng mục công trình trong thời gian khai thác sử dụng công trình;

đ) Các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo trì công trình;

e) Các hồ sơ, tài liệu cần thiết khác phục vụ cho bảo trì công trình.

2. Hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác bảo trì phải được lưu giữ và bổ sung kịp thời những thay đổi của công trình hàng hải.

Điều 6. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác bảo trì công trình hàng hải

1. Trách nhiệm bảo trì công trình hàng hải có một chủ sở hữu:

a) Đối với công trình hàng hải thuộc sở hữu nhà nước: tổ chức, cá nhân được nhà nước giao hoặc cho thuê quản lý, khai thác công trình hàng hải có trách nhiệm bảo trì công trình.

b) Đối với công trình hàng hải đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh), doanh nghiệp thực hiện dự án (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm bảo trì công trình trong thời gian khai thác của hợp đồng BOT, BTO. Hết thời gian khai thác theo hợp đồng BOT, BTO, tổ chức, cá nhân được giao tiếp nhận quản lý, khai thác công trình từ nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục bảo trì công trình.

c) Đối với công trình hàng hải thuộc sở hữu khác, chủ sở hữu công trình có trách nhiệm bảo trì công trình.

2. Trách nhiệm bảo trì công trình hàng hải có nhiều chủ sở hữu: chủ sở hữu phần riêng của công trình có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng của mình và đồng thời phải có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu chung của công trình. Việc phân định trách nhiệm bảo trì phần sở hữu chung của công trình thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan hoặc do các chủ sở hữu công trình hoặc người được ủy quyền thỏa thuận cụ thể bằng văn bản hoặc trong hợp đồng mua bán, thuê mua tài sản.

3. Chủ sở hữu khi cho tổ chức, cá nhân thuê khai thác công trình hàng hải hoặc ủy quyền quản lý, sử dụng công trình hàng hải phải có nội dung thỏa thuận về trách nhiệm bảo trì công trình.

Điều 7. Yêu cầu về bảo trì công trình hàng hải

1. Công trình hàng hải sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa được nghiệm thu, bàn giao, tổ chức quản lý và bảo trì. Thời gian thực hiện bảo trì được tính từ ngày chủ sở hữu, chủ quản lý, khai thác ký biên bản nghiệm thu đưa công trình hàng hải vào khai thác, sử dụng.

2. Công tác bảo trì công trình hàng hải được thực hiện theo quy định của Thông tư này, quy trình bảo trì, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý, bảo trì công trình hàng hải và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Quy trình bảo trì công trình hàng hải:

a) Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy trình bảo trì công trình thực hiện theo quy định tại các Điều 6, 7, 8 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP. Đối với công trình hàng hải do Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư, giao Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức phê duyệt, điều chỉnh quy trình bảo trì công trình.

b) Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao các tài liệu phục vụ bảo trì công trình cho chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền trước khi bàn giao công trình đưa vào khai thác, sử dụng.

c) Đối với công trình hàng hải đang khai thác, sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì công trình thực hiện như sau:

- Đối với các công trình hàng hải tạm thời không bắt buộc phải lập quy trình bảo trì nhưng chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền vẫn phải thực hiện bảo trì công trình theo các quy định của Thông tư này và Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

- Đối với các công trình còn lại, chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo trình tự sau đây:

+ Khảo sát, kiểm tra và đánh giá chất lượng hiện trạng công trình;

+ Lập quy trình bảo trì công trình;

+ Sửa chữa các hư hỏng của công trình (nếu có);

+ Thực hiện bảo trì công trình theo quy định của Thông tư này và Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

- Chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền phải thực hiện ngay việc rà soát hiện trạng công trình, hoàn thành việc lập, phê duyệt quy trình bảo trì đối với loại công trình này, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Cơ quan quản lý nhà nước sau đây có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn và yêu cầu chủ sở hữu công trình hoặc người được ủy quyền lập quy trình bảo trì đối với các công trình đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì:

a) Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện đối với công trình hàng hải cấp đặc biệt, cấp I hoặc công trình có thể gây ra thảm họa khi xảy ra sự cố theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các công trình hàng hải cấp II trên địa bàn.

Điều 8. Lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì công trình hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý

1. Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm trực tiếp tổng hợp, lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình hàng hải hàng năm và trung hạn 5 năm (hoặc theo kỳ kế hoạch), trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

2. Kế hoạch bảo trì công trình hàng hải phải dựa trên việc tổng hợp và thẩm định các số liệu, báo cáo, đề xuất từ đơn vị cơ sở, phản ánh đúng các yêu cầu thực tế và hiện trạng công trình hàng hải, phù hợp với quy trình bảo trì công trình theo nội dung công việc bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ.

3. Quá trình lập kế hoạch bảo trì công trình hàng hải phải nêu được đầy đủ các thông tin sau: tên công trình và hạng mục công trình (công việc) thực hiện; đơn vị, khối lượng, chi phí thực hiện; thời gian thực hiện; phương thức thực hiện, mức độ ưu tiên. Đối với các công trình, hạng mục công trình thuộc mức độ ưu tiên 1 (rất cần thiết) phải có thuyết minh. Biểu mẫu lập kế hoạch bảo trì theo Mẫu số 1 Phụ lục của Thông tư này.

4. Nội dung của kế hoạch bảo trì công trình hàng hải hàng năm và trung hạn 5 năm (hoặc theo kỳ kế hoạch) bao gồm:

a) Đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên:

- Căn cứ vào thời gian đưa công trình hàng hải vào khai thác, sử dụng và thực tế khai thác công trình, phải tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên nhằm phòng ngừa và khắc phục kịp thời những hư hỏng nhỏ của các bộ phận kết cấu công trình, thiết bị để nâng cao chất lượng phục vụ khai thác, đề phòng xảy ra những hư hỏng, sự cố tiếp theo và bảo đảm tuổi thọ công trình.

- Dự toán kinh phí được xác định phù hợp với công việc bảo trì công trình hàng hải. Đơn giá, dự toán căn cứ vào định mức, đơn giá hiện hành. Trường hợp các định mức, đơn giá chưa có hoặc đã có nhưng chưa phù hợp, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất, tổ chức lập định mức, đơn giá mới, trình Bộ Giao thông vận tải hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Đối với công tác sửa chữa định kỳ:

- Căn cứ vào thời hạn quy định và trên cơ sở kết quả đánh giá, kiểm định hiện trạng công trình hàng hải (nếu có) về tình trạng xuống cấp của các bộ phận, kết cấu công trình và hư hỏng xuống cấp ở nhiều bộ phận công trình để lập và đề xuất các giải pháp sửa chữa (hoặc thay thế mới) nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của công trình và bảo đảm sự làm việc bình thường, an toàn của công trình.

- Trình tự thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình và các quy định khác có liên quan.

- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định hiện hành.

c) Đối với công tác sửa chữa đột xuất công trình hàng hải:

- Kế hoạch bảo trì công trình hàng hải hàng năm: Tổng hợp công trình, hạng mục công trình hàng hải đã sửa chữa khôi phục khẩn cấp kèm theo kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Kế hoạch bảo trì công trình hàng hải trung hạn 5 năm (hoặc theo kỳ kế hoạch): dự phòng kinh phí 10%.

d) Đối với công trình hàng hải đã quá thời gian sử dụng, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng, Cục Hàng hải Việt Nam và đơn vị quản lý, khai thác công trình báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định việc cho phép lập dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo từ nguồn vốn xây dựng cơ bản, không sử dụng kinh phí bảo trì.

5. Trình tự, thủ tục phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình hàng hải hàng năm thực hiện như sau:

a) Cục Hàng hải Việt Nam tổng hợp, lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình hàng hải, trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng 6 hàng năm.

b) Bộ Giao thông vận tải thẩm định, chấp thuận kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình hàng hải trước ngày 15 tháng 7 hàng năm; tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, trình Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 8 hàng năm.

c) Trên cơ sở Quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải thông báo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước gửi cho Cục Hàng hải Việt Nam và đơn vị quản lý, khai thác công trình hàng hải, trong đó có phần kinh phí dành cho bảo trì công trình hàng hải.

d) Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức rà soát danh mục dự án, hạng mục và khối lượng công trình cấp thiết phải làm, chịu trách nhiệm về lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình hàng hải, trình Bộ Giao thông vận tải chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo quy định tại điểm c khoản này.

đ) Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt kế hoạch, dự kiến dự toán kinh phí bảo trì công trình hàng hải và tổng hợp, giao dự toán thu chi ngân sách cho Cục Hàng hải Việt Nam.

6. Trình tự, thủ tục phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình hàng hải trung hạn 5 năm (hoặc theo kỳ kế hoạch) thực hiện như sau:

a) Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp, lập kế hoạch và dự kiến kinh phí bảo trì công trình hàng hải, trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng 6 của năm tiếp theo.

b) Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch, dự kiến kinh phí bảo trì công trình hàng hải, kế hoạch bố trí nguồn kinh phí thực hiện và tổ chức thực hiện, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kế hoạch bảo trì công trình hàng hải hàng năm cho phù hợp với điều kiện thực tế.

7. Thực hiện kế hoạch bảo trì công trình hàng hải đã được phê duyệt

a) Kế hoạch bảo trì công trình hàng hải hàng năm được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt là căn cứ để Cục Hàng hải Việt Nam và đơn vị quản lý, khai thác công trình hàng hải triển khai thực hiện. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm phê duyệt dự toán kinh phí bảo trì công trình hàng hải theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

b) Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì công trình hàng hải thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Công trình, hạng mục công trình phát sinh nguy cơ sự cố hoặc xảy ra sự cố nguy hiểm, công trình mất an toàn phải xử lý khẩn cấp hoặc điều chỉnh cục bộ hạng mục công trình, Cục Hàng hải Việt Nam và đơn vị quản lý, khai thác công trình hàng hải chịu trách nhiệm thẩm tra phê duyệt thực hiện và báo cáo Bộ Giao thông vận tải;

- Công trình, hạng mục công trình, kinh phí thực hiện phát sinh ngoài kế hoạch được duyệt, Cục Hàng hải Việt Nam và đơn vị quản lý, khai thác công trình hàng hải trình Bộ Giao thông vận tải chấp thuận trước khi thực hiện.

8. Quản lý, kiểm tra thực hiện kế hoạch bảo trì công trình hàng hải đã được phê duyệt

a) Bộ Giao thông vận tải tổ chức xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra hàng năm, đột xuất và tổ chức triển khai thực hiện.

b) Cục Hàng hải Việt Nam và đơn vị quản lý, khai thác công trình hàng hải có trách nhiệm tổ chức quản lý, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch được duyệt của các đơn vị và tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình về Bộ Giao thông vận tải (hàng quý trước ngày 22 cuối tháng mỗi quý; hàng năm trước ngày 15 tháng 1 của năm tiếp theo).

c) Nội dung báo cáo phải nêu được đầy đủ các thông tin sau: tên công trình, hạng mục công trình thực hiện; khối lượng và kinh phí thực hiện; thời gian hoàn thành; những điều chỉnh, phát sinh so với kế hoạch được giao; đánh giá kết quả thực hiện (theo kế hoạch được phê duyệt); đề xuất và kiến nghị trong quá trình thực hiện công tác bảo trì công trình hàng hải. Biểu mẫu báo cáo theo Mẫu số 2 Phụ lục của Thông tư này.

Đánh giá bài viết
1 149
0 Bình luận
Sắp xếp theo