Quy định về việc nuôi chó mèo 2024

Mới đây Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 105/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030. Theo đó, chó thả rông bị xử lý sau 48h nếu không có người nhận. Vậy quy định về việc nuôi chó, mèo hiện hành theo pháp luật như thế nào? Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Quy định về nuôi chó mèo mới nhất

Pháp luật đã quy định khá cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nuôi chó. Cụ thể theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT phòng chống dịch bệnh động vật như sau:

1. Quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh Dại

1.1. Đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi)

- Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;

- Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;

- Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;

- Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;

- Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

1.2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã

- Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn bao gồm các thông tin sau đây:

+ Họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi;

+ Số lượng chó nuôi;

+ Ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc-xin dại.

- Hằng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn;

- Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận;

- Phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông và bắt động vật mắc bệnh Dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách;

- Phối hợp với cơ quan y tế tổ chức được tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách theo quy định của ngành y tế.

2. Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin

- Đối tượng tiêm phòng bắt buộc: Chó, mèo.

- Thời gian tiêm phòng

+ Hàng năm triển khai chiến dịch tiêm phòng đợt chính vào tháng 3 - 4. Ngoài ra, hàng tháng phải tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc chó, mèo đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ.

+ Liều lượng, cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc-xin.

- Phạm vi tiêm phòng: Tiêm phòng cho đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt ít nhất 70% tổng đàn.

- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để tổ chức đợt tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên địa bàn. Trong vòng 07 ngày trước đợt tiêm phòng và trong thời gian triển khai tiêm phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo hằng ngày trên các phương tiện truyền thông cho cộng đồng dân cư trên địa bàn về địa điểm và ngày tiêm phòng.

- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn cụ thể việc tiêm phòng vắc-xin Dại trên địa bàn, thực hiện tiêm phòng và giám sát việc tiêm phòng và cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh Dại cho chủ vật nuôi có chó, mèo được tiêm phòng vắc xin Dại.

3. Xử lý khẩn cấp ổ dịch Dại động vật

- Cơ quan có thẩm quyền thực hiện công bố dịch theo quy định tại Điều 26 của Luật thú y.

- Tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch

+ Tiêm phòng khẩn cấp vắc-xin dại cho toàn bộ đàn chó, mèo khỏe mạnh trong xã có ổ dịch Dại và các xã tiếp giáp với xã có dịch.

+ Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ tiêm phòng; người trực tiếp tham gia tiêm phòng phải là nhân viên thú y hoặc người đã qua tập huấn về tiêm phòng Dại.

+ Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn, quản lý, thực hiện tiêm phòng và giám sát việc tiêm phòng.

+ Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tiêm phòng vắc-xin Dại cho chó, mèo để bao vây ổ dịch.

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 9 của Luật thú y Các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại điều 25, điều 27, điều 28, điều 29 và điều 30 của Luật thú y.

- Người tham gia xử lý ổ dịch Dại phải sử dụng bảo hộ cá nhân phù hợp (bao gồm kính bảo vệ mắt, khẩu trang y tế, găng tay, ủng và quần áo bảo hộ) theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Giám sát bệnh dại

- Giám sát lâm sàng là biện pháp chủ yếu nhằm phát hiện sớm các ca bệnh dại ở động vật.

- Đối tượng giám sát chủ yếu là đàn chó nuôi ở vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao, địa bàn có chó nghi mắc bệnh Dại cắn người gây tử vong do lên cơn Dại.

- Chủ vật nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất.

- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao phát bệnh Dại, phối hợp với các cơ quan chức năng của ngành y tế xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện Kế hoạch giám sát bệnh dại trên địa bàn.

Xử lý động vật khi có ổ dịch Dại xảy ra

- Động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại được xử lý như sau:

+ Tiêu hủy bắt buộc động vật chết, động vật mắc bệnh Dại.

+ Khuyến khích tiêu hủy chó, mèo có dấu hiệu mắc bệnh Dại; trường hợp không tiêu hủy phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh Dại thì phải tiêu hủy theo quy định;

+ Khuyến khích tiêu hủy chó, mèo chưa được tiêm phòng vắc xin Dại nhưng đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh Dại; trường hợp không tiêu hủy phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh Dại thì phải tiêu hủy theo quy định;

+ Chó, mèo vô cớ cắn, cào người phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh Dại thì phải tiêu hủy theo quy định.

- Đối với chó, mèo khỏe mạnh trong vùng có dịch bệnh Dại phải thực hiện nuôi nhốt trong thời gian có dịch.

- Việc xử lý động vật mắc bệnh phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Dại hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận động vật bị mắc bệnh Dại.

- Việc xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh Dại theo hướng dẫn tại Phụ lục 06 được ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định pháp luật

Người nuôi chó vi phạm một trong các quy định nêu trên thì có thể thể phải bồi thường như sau

- Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”. Nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện người chủ vật nuôi ra tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

Người nuôi chó vi phạm một trong các quy định nêu trên thì có thể bị xử lý như sau:

Trường hợp người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không có rọ mõm (đối với con dữ) thì theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ thì người nuôi chó có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.

Để việc nuôi chó được an toàn, không gây thiệt hại cho người khác, ngoài việc người chủ vật nuôi phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thì mọi người đều có quyền yêu cầu người chủ vật nuôi chấm dứt vi phạm.

Trường hợp người nuôi chó đã được nhắc nhở mà vẫn tiếp tục vi phạm thì mọi người có quyền thông báo cho trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố (nếu ở chung cư thì có thể đề nghị Ban quản lý khu chung cư) hoặc đề nghị trực tiếp với UBND xã, phường sở tại để được giải quyết. Căn cứ mức độ vi phạm mà Ủy ban sẽ xử lý từ cảnh cáo đến phạt tiền và buộc người chủ vật nuôi phải có biện pháp khắc phục.

Hà Nội: Chó thả rông bị xử lý sau 48h nếu không có người nhận

Theo kế hoạch  105/KH-UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu người dân khai báo việc nuôi chó mèo với Ủy ban nhân dân cấp xã; cam kết xích, nhốt trong khuôn viên gia đình; bắt buộc rọ mõm, đeo xích khi đưa thú nuôi ra không gian công cộng; tiêm vắc xin phòng dại định kỳ.

Người nuôi chó mèo chịu chi phí nuôi dưỡng, tiêu hủy khi vật nuôi bị bắt và phải bồi thường, chịu trách nhiệm nếu vật nuôi làm hại đến người khác.

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sẽ lập sổ quản lý, thống kê số hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn. Cập nhật tình trạng tiêm chủng của vật nuôi tối thiểu 02 lần/năm.

Đồng thời, quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông nơi công cộng, lập đội bắt chó thả rộng và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại.

Bố trí khu vực nuôi nhốt và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó để chủ nuôi đến nhận. Sau 48 giờ kể từ lúc có thông báo về động vật thả rông bị bắt, nếu không có chủ nuôi đến nhận, Ủy ban nhân dân xã sẽ quyết định biện pháp xử lý.

Để tránh việc vật nuôi bị xử lý, các chủ chó có thể sử dụng vòng cổ cho chó mèo có ghi thông tin liên lạc của chủ để cơ quan chức năng dễ dàng liên lạc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 897
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm