Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn

Tải về

Thông tư 07/2016/TT-BNNPTN quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn

Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn gồm 3 chương và 16 điều cùng 22 phụ lục đi kèm, đưa ra các quy định về công tác phòng và chống dịch bệnh của động vật trên cạn. Mời các bạn tham khảo.

Quyết định 16/2016/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật

Thông tư 54/2015/TT-BYT Chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm

Quyết định 02/2016/QĐ-TTg về điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

-------

Số: 07/2016/TT-BNNPTNT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2016

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN

Căn cứ Luật thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn,

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật thú y về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, bao gồm:

a) Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người, Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh;

b) Quy định các biện pháp phòng bệnh bắt buộc; yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; điều kiện động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển ra khỏi vùng có dịch;

c) Quy định việc sử dụng thuốc thú y chưa được lưu hành tại Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp để kịp thời phòng, chống dịch bệnh động vật;

d) Khai báo, chẩn đoán, điều tra dịch bệnh động vật;

đ) Xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc phát hiện có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới;

e) Điều kiện để công bố hết dịch bệnh động vật.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người, Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh

1. Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch theo quy định tại mục 1 của Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người theo quy định tại mục 2 của Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh theo quy định tại mục 3 của Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN

Điều 3. Các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn

1. Các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn bao gồm:

a) Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ theo hướng dẫn tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Phòng bệnh bắt buộc cho động vật bằng vắc-xin được thực hiện đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định tại mục 1 của Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư này;

Căn cứ vào đặc điểm dịch tễ, sự lưu hành của các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật trên địa bàn và hướng dẫn phòng bệnh bằng vắc-xin đối với từng bệnh tại các Phụ lục 09, 10, 12, 13, 15, 16, 21 và 22 ban hành kèm theo Thông tư này, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định việc phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin đối với bệnh động vật cụ thể quy định tại mục 1.1 của Phụ lục 07 cho phù hợp với điều kiện của địa phương và cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng theo mẫu quy định tại mục 3 của Phụ lục 07.

2. Các cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa, ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện giám sát định kỳ đối với một số bệnh truyền lây giữa động vật và người theo quy định tại mục 2 của Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư này. Căn cứ bệnh động vật quy định tại mục 2.1 của Phụ lục 07 và Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này, việc giám sát định kỳ được thực hiện như sau:

a) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức giám sát bệnh định kỳ đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa do địa phương quản lý;

b) Cục Thú y tổ chức giám sát bệnh định kỳ đối với cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa có vốn đầu tư nước ngoài hoặc do Trung ương quản lý.

Điều 4. Yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi tập trung

1. Cơ sở chăn nuôi động vật tập trung phải tuân thủ yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật để phòng bệnh cho động vật.

2. Cơ sở chăn nuôi động vật tập trung bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, nếu có kết quả âm tính đối với bệnh quy định tại mục 1 Phụ lục 07 ban hành kèm theo

Thông tư này thì không phải thực hiện phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin đối với bệnh đó.

Điều 5. Điều kiện động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển ra khỏi vùng có dịch

1. Cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi đã tham gia chương trình giám sát dịch bệnh, nếu có nhu cầu vận chuyển động vật mẫn cảm với bệnh được công bố dịch và sản phẩm của chúng ra khỏi vùng có dịch phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính đối với mầm bệnh của bệnh được công bố dịch;

b) Được vận chuyển bằng phương tiện đáp ứng yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01 - 100: 2012/BNNPTNT: Yêu cầu chung về vệ sinh thú y trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tươi sống và sơ chế;

c) Phương tiện vận chuyển động vật, chứa đựng sản phẩm động vật phải được niêm phong, kẹp chì theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.

2. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc lấy mẫu, xét nghiệm; vệ sinh, khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển đối với động vật, sản phẩm động vật quy định tại khoản 1 Điều này và hướng dẫn tuyến đường vận chuyển ra khỏi vùng có dịch.

3. Việc kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật quy định tại Điều này phải bảo đảm về hồ sơ, trình tự, thủ tục kiểm dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 6. Quy định việc sử dụng thuốc thú y chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn

1. Trong trường hợp có dịch bệnh đối với các bệnh động vật quy định tại Điều 2 Thông tư này hoặc bệnh truyền nhiễm mới mà trong nước chưa sẵn có thuốc thú y phù hợp để phòng, chống dịch bệnh, Cục Thú y trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc sử dụng thuốc thú y chưa được lưu hành tại Việt Nam để phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp.

2. Việc nhập khẩu thuốc thú y quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm về hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập khẩu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Việc sử dụng thuốc thú y quy định tại khoản 1 Điều này đề phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc hoặc chỉ định của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Điều 7. Khai báo và báo cáo dịch bệnh động vật

1. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc động vật nuôi bị chết bất thường mà không rõ nguyên nhân phải thực hiện ngay việc khai báo dịch bệnh động vật cho nhân viên thú y cấp xã, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật thú y bao gồm các thông tin sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân khai báo;

b) Địa điểm, thời gian phát hiện dịch bệnh động vật;

c) Loại động vật;

d) Số lượng động vật;

đ) Mô tả dấu hiệu bệnh.

2. Việc báo cáo dịch bệnh động vật được thực hiện như sau:

a) Ở cấp xã: Nhân viên thú y cấp xã có trách nhiệm báo cáo dịch bệnh động vật cho Chủ tịch UBND cấp xã và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện;

b) Ở cấp huyện: Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện có trách nhiệm báo cáo dịch bệnh động vật cho UBND cấp huyện và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh;

c) Ở cấp tỉnh: Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo dịch bệnh động vật cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng, Cục Thú y;

d) Ở cấp trung ương: Cục Thú y có trách nhiệm báo cáo dịch bệnh động vật cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các quốc gia mà Việt Nam cam kết thực hiện báo cáo, chia sẻ thông tin dịch bệnh động vật;

đ) Trong trường hợp dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, b và c khoản này được phép báo cáo vượt cấp lên chính quyền và các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp cao hơn;

e) Trường hợp xuất hiện dịch bệnh động vật thuộc Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người, nhân viên thú y cấp xã và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y còn phải thực hiện việc báo cáo dịch bệnh động vật cho cơ quan y tế cùng cấp có liên quan theo các quy định hiện hành;

g) Việc kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin và báo cáo dịch bệnh động vật quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e của khoản này phải được thực hiện trong vòng 24 giờ đối với vùng đồng bằng, trung du và 72 giờ đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo kể từ khi nhận được thông tin khai báo dịch bệnh động vật từ các cá nhân, tổ chức có liên quan.

3. Trường hợp nghi ngờ xuất hiện bệnh động vật quy định tại Điều 2 của Thông tư này, nhân viên thú y cấp xã và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện ngay việc báo cáo ổ dịch bệnh động vật bao gồm các nội dung sau đây:

a) Về địa điểm nơi động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh: Tên chủ vật nuôi hoặc địa điểm nơi phát hiện động vật (địa chỉ cụ thể đến thôn, ấp, bản hoặc số nhà); số lượng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có động vật mắc bệnh; số lượng thôn, ấp, bản có động vật mắc bệnh;

b) Thời gian động vật bắt đầu có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc chết; diễn biến tình hình bệnh theo ngày;

c) Thông tin liên quan đến động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh: Loại động vật; nguồn gốc của động vật; tổng đàn động vật cảm nhiễm; số lượng từng loại động vật bị mắc bệnh, chết, tiêu hủy; triệu chứng, bệnh tích của động vật mắc bệnh; loại thuốc điều trị, vắc-xin, chế phẩm sinh học đã sử dụng và thời gian sử dụng; số động vật được điều trị, được sử dụng vắc-xin, số động vật khỏi bệnh;

d) Tác nhân gây bệnh (nếu biết), nguồn bệnh đang nghi ngờ hoặc đã được xác định, kết quả các chương trình giám sát bị động và giám sát chủ động đối với bệnh (nếu có);

đ) Nhận định tình hình, các biện pháp đã triển khai, các biện pháp sẽ áp dụng, đề xuất, kiến nghị.

4. Báo cáo cập nhật ổ dịch bệnh động vật

a) Báo cáo cập nhật ổ dịch được áp dụng trong trường hợp dịch bệnh động vật quy định tại Điều 2 của Thông tư này đã được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác nhận;

b) Báo cáo cập nhật ổ dịch được nhân viên thú y cấp xã và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện vào trước 16 giờ hàng ngày cho đến khi kết thúc đợt dịch, kể cả ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần;

c) Biểu mẫu báo cáo cập nhật ổ dịch theo quy định tại mục 1 Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Báo cáo điều tra ổ dịch bệnh động vật

a) Báo cáo điều tra ổ dịch được áp dụng trong trường hợp dịch bệnh động vật quy định tại Điều 2 của Thông tư này đã được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác nhận;

b) Báo cáo điều tra ổ dịch được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện trong vòng 07 ngày kể từ khi ổ dịch được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác nhận;

c) Nội dung của báo cáo điều tra ổ dịch được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

6. Báo cáo kết thúc ổ dịch bệnh động vật được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương thực hiện trong vòng 07 ngày kể từ khi kết thúc ổ dịch theo quy định của pháp luật.

7. Báo cáo định kỳ dịch bệnh động vật

a) Báo cáo tháng được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện bằng hình thức báo cáo văn bản và qua thư điện tử, bao gồm các thông tin về dịch bệnh động vật được tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng;

b) Báo cáo quý, 6 tháng và báo cáo năm được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổng hợp, báo cáo thông tin về dịch bệnh động vật trong kỳ báo cáo;

c) Báo cáo định kỳ được thực hiện trong tuần đầu tiên của kỳ báo cáo tiếp theo;

d) Nội dung báo cáo định kỳ được thực hiện theo biểu mẫu quy định tại mục 2 Phụ lục 03 của Thông tư này.

8. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y phải tổ chức lưu trữ, bảo mật thông tin dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý bằng văn bản và cơ sở dữ liệu máy tính theo các quy định hiện hành.

Điều 8. Chẩn đoán bệnh động vật

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm phải tuân thủ theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01 - 83: 2011/BNNPTNT được ban hành theo Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Mẫu bệnh phẩm phải bảo đảm chất lượng cho việc thực hiện xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh và phải được gửi kèm theo phiếu gửi bệnh phẩm xét nghiệm đến phòng thử nghiệm được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Mẫu phiếu gửi bệnh phẩm xét nghiệm theo quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật thực hiện theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia về quy trình chẩn đoán bệnh động vật, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật thú y, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và Luật bảo vệ môi trường.

4. Phòng thử nghiệm phải tổ chức chẩn đoán, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ngay sau khi nhận được mẫu và trả lời kết quả theo Mẫu phiếu trả lời kết quả xét nghiệm theo quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp chưa thực hiện chẩn đoán, xét nghiệm hoặc chưa xác định được bệnh, phòng thử nghiệm phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân gửi mẫu bệnh phẩm và nêu rõ lý do.

5. Các phòng thử nghiệm chịu trách nhiệm báo cáo ngay kết quả xét nghiệm cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.

6. Cục Thú y hướng dẫn việc lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm trong trường hợp xuất hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới.

Đánh giá bài viết
2 2.326
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm