Luật xuất cảnh - nhập cảnh của công dân Việt Nam

Dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019). Sau đây là nội dung toàn văn Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, mời các bạn cùng tham khảo.

QUỐC HỘI

Luật số: …./2019/QH14

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày tháng năm 2019

DỰ THẢO 5

LUẬT

XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.

2. Nhập cảnh là việc công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.

3. Cửa khẩu là nơi công dân Việt Nam thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh hoặc qua lại biên giới quốc gia, bao gồm cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sắt, cửa khẩu đường thủy nội địa, cửa khẩu đường hàng hải và cửa khẩu đường hàng không theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

4. Giấy tờ xuất nhập cảnh là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân để xuất cảnh, nhập cảnh, gồm hộ chiếu và giấy thông hành.

5. Hộ chiếu là giấy chứng nhận nhân thân, quốc tịch do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân để sử dụng ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước.

6. Giấy thông hành là loại giấy tờ xuất nhập cảnh, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam để qua lại khu vực biên giới theo hiệp định giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới hoặc trở về nước theo thỏa thuận song phương.

7. Chíp điện tử là thiết bị điện tử được gắn vào hộ chiếu để lưu giữ thông tin nhân thân của người được cấp.

8. Kiểm soát xuất nhập cảnh là việc đơn vị chuyên trách tại cửa khẩu thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát, kiểm chứng giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này.

9. Tạm hoãn xuất cảnh là việc người có thẩm quyền ra quyết định dừng xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật.

10. Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là tập hợp thông tin về họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; ảnh chân dung; giới tính; vân tay; số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân; số, ngày cấp, cơ quan cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; quá trình xuất cảnh, nhập cảnh và các thông tin có liên quan khác được số hóa, lưu trữ, quản lý, khai thác bằng cơ sở hạ tầng thông tin và được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, tội phạm, quốc tịch và các cơ sở dữ liệu khác.

Điều 3. Nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh

1. Tuân thủ quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Công khai, minh bạch, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bình đẳng giới; vừa đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

3. Công dân Việt Nam phải sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam.

4. Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam phải được quản lý, khai thác tập trung, thống nhất, an ninh, an toàn, ổn định.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh.

2. Làm giả, sử dụng giấy tờ giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài; sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh.

4. Lợi dụng, lạm dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.

5. Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che dấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; mua bán người qua biên giới; trốn hoặc tổ chức, giúp đỡ, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

6. Cản trở, chống đối người thi hành công vụ trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.

7. Sách nhiễu, gây phiền hà, tự đặt thêm các loại giấy tờ, thời hạn ngoài quy định của Luật này khi giải quyết các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh cho công dân.

8. Hủy hoại hoặc làm sai lệch, cung cấp, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trái quy định của pháp luật.

9. Thu giữ, không cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh trái quy định của pháp luật.

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của công dân

1. Công dân có các quyền sau:

a) Được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này;

b) Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh để xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam theo quy định của Luật này;

c) Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử theo quy định của Luật này;

d) Thực hiện việc khiếu nại, tố cáo; yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Công dân có các nghĩa vụ sau:

a) Điền đầy đủ, trung thực thông tin liên quan khi đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; nộp lệ phí cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định; giữ gìn, bảo quản giấy tờ xuất nhập cảnh; trường hợp bị mất giấy tờ xuất nhập cảnh phải báo cho cơ quan có thẩm quyền; trường hợp giấy tờ xuất nhập cảnh bị hư hỏng, thay đổi thông tin về nhân thân, đặc điểm nhân dạng, xác định lại giới tính phải làm thủ tục cấp lại;

b) Cung cấp ảnh chân dung, vân tay khi đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu;

c) Chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra người, hành lý khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh.

3. Người mất năng lực hành vi dân sự và người chưa đủ 14 tuổi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.

Chương II

GIẤY TỜ XUẤT NHẬP CẢNH

Điều 6. Giấy tờ xuất nhập cảnh

1. Giấy tờ xuất nhập cảnh gồm:

a) Hộ chiếu ngoại giao;

b) Hộ chiếu công vụ;

c) Hộ chiếu phổ thông;

d) Giấy thông hành.

2. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có hai loại:

a) Hộ chiếu có gắn chíp điện tử;

b) Hộ chiếu không gắn chíp điện tử;

c) Hộ chiếu cấp cho người chưa đủ 14 tuổi và các trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật này không gắn chíp điện tử.

3. Hộ chiếu là tài sản của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cấp riêng cho từng công dân. Hộ chiếu còn thời hạn có giá trị thay thế căn cước công dân, chứng minh nhân dân.

4. Thông tin trong giấy tờ xuất nhập cảnh gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số giấy tờ; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân.

Điều 7. Thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh

1. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn không quá 05 năm và được gia hạn một lần không quá 03 năm.

2. Thời hạn của hộ chiếu phổ thông:

a) Hộ chiếu cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm;

b) Hộ chiếu cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn không quá 05 năm;

c) Hộ chiếu cấp cho các trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật này có thời hạn không quá 12 tháng;

d) Hộ chiếu phổ thông không được gia hạn.

3. Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

Chương III

CẤP, CHƯA CẤP, HỦY, THU HỒI, KHÔI PHỤC GIẤY TỜ XUẤT NHẬP CẢNH

Mục 1

CẤP HỘ CHIẾU NGOẠI GIAO, HỘ CHIẾU CÔNG VỤ

Phương án 1: Quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cơ quan có thẩm quyền quyết định, cử, cho phép người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ ra nước ngoài

Điều ... Các trường hợp cấp hộ chiếu ngoại giao

Hộ chiếu ngoại giao cấp cho công dân Việt Nam thuộc diện sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quy định tại Điều … của Luật này cử hoặc quyết định cho ra nước ngoài, phù hợp với mục đích của chuyến đi:

1. Thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam:

a) Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

b) Nguyên Tổng Bí thư, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng;

c) Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng;

d) Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

đ) Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng;

e) Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, khối doanh nghiệp Trung ương;

g) Đặc phái viên, trợ lý, thư ký của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

h) Trợ lý ủy viên Bộ Chính trị.

2. Thuộc Quốc hội:

a) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

b) Nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội;

c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;

d) Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

đ) Tổng kiểm toán, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước;

e) Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

g) Đại biểu Quốc hội;

h) Trợ lý, thư ký của Chủ tịch Quốc hội.

3. Thuộc Chủ tịch nước:

a) Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước;

b) Nguyên Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước;

c) Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước;

d) Đặc phái viên, trợ lý, thư ký của Chủ tịch nước.

4. Thuộc Chính phủ:

a) Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ;

b) Nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ;

c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Phó Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;

d) Tổng Cục trưởng và Thủ trưởng cơ quan nhà nước tương đương cấp Tổng cục; sĩ quan có cấp hàm từ Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân trở lên đang phục vụ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân;

đ) Đặc phái viên, trợ lý, thư ký của Thủ tướng Chính phủ;

e) Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thư ký Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam và nước ngoài;

g) Trưởng ban, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ.

5. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

6. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

7. Thuộc cơ quan nhà nước ở địa phương:

a) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

8. Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

9. Thuộc các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương:

a) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam;

c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam;

d) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

đ) Bí thư thứ nhất, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

10. Những người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ các chức vụ từ Tùy viên trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ và từ chức vụ Tùy viên lãnh sự trở lên tại cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

11. Giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự.

12. Vợ hoặc chồng của những người thuộc diện quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều này cùng đi theo hành trình công tác; vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của những người thuộc diện quy định tại khoản 10 Điều này cùng đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác.

13. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu đối ngoại hoặc lễ tân nhà nước và tính chất chuyến đi công tác, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu ngoại giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xét quyết định cấp hộ chiếu ngoại giao theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều … của Luật này cho những người không thuộc diện quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11 và khoản 12 Điều này.

Điều ... Các trường hợp cấp hộ chiếu công vụ
Hộ chiếu công vụ cấp cho công dân Việt Nam thuộc diện sau đây được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều … của Luật này cử hoặc cho phép ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ thuộc chức năng của cơ quan đó:

1. Cán bộ, công chức, viên chức quản lý, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dưới đây:

a) Thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam: Ban Bí thư Trung ương Đảng, các Ban trực thuộc Trung ương Đảng; Văn phòng Trung ương Đảng; các cơ quan khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập; Tỉnh ủy, Thành ủy thuộc Trung ương; Huyện ủy, Quận ủy, Thị ủy, Thành ủy thuộc tỉnh;

b) Thuộc Quốc hội: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban, Viện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước;

c) Văn phòng Chủ tịch nước;

d) Thuộc Chính phủ: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập;

đ) Tòa án nhân dân các cấp;

e) Viện Kiểm sát nhân dân các cấp;

g) Thuộc cơ quan nhà nước ở địa phương: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

h) Trong các cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân;

i) Trong các cơ quan của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

k) Trong các cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội:

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn ngành trung ương và Công đoàn các tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn, Liên đoàn lao động cấp tỉnh và Liên đoàn lao động cấp huyện.

Hội Nông dân Việt Nam cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

l) Người được cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển sang giữ chức vụ chủ chốt tại các hội mà vẫn xác định là công chức;

m) Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;

n) Cán bộ, công chức, thành viên của Văn phòng Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia;

o) Công chức, viên chức quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập:

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Ban và cơ quan tương đương của Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tỉnh ủy, Thành ủy; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công thuộc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Người giữ các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

2. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu trong các tổ chức cơ yếu.

3. Nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài.

4. Vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi của những người nêu tại khoản 3 Điều này đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác.

5. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu và tính chất của chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xét quyết định cấp hộ chiếu công vụ theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu tại Điều ….. của Luật này cho những người không thuộc diện quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

6. Hộ chiếu công vụ không cấp cho người thuộc diện quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này khi người đó được cử đi học tập ở nước ngoài với thời hạn trên 6 tháng.

Điều ... Cơ quan, người có thẩm quyền cử người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ

1. Thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam:

a) Bộ Chính trị;

b) Ban Bí thư;

c) Các Ban trực thuộc Trung ương Đảng;

d) Văn phòng Trung ương Đảng;

đ) Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

2. Thuộc Quốc hội:

a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

b) Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;

c) Các Ủy ban của Quốc hội;

d) Các Ban, Viện của Ủy ban Thường vụ của Quốc hội;

đ) Văn phòng Quốc hội;

e) Kiểm toán Nhà nước.

3. Văn phòng Chủ tịch nước.

4. Thuộc Chính phủ:

a) Thủ tướng Chính phủ;

b) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập.

5. Tòa án nhân dân tối cao.

6. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

7. Thuộc cơ quan nhà nước ở địa phương:

a) Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

8. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

9. Thuộc các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương:

a) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

b) Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam;

c) Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

d) Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;

đ) Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

10. Các hội có công chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước cử sang giữ chức vụ chủ chốt theo hình thức luân chuyển.

11. Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia.

12. Đối với nhân sự thuộc diện quản lý của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì thực hiện theo các quy định liên quan.

13. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức sự nghiệp công lập do Chính phủ thành lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể ủy quyền cho đơn vị trực thuộc trong việc cử hoặc cho phép cán bộ, công chức, viên chức quản lý ra nước ngoài.

Phương án 2: Quy định mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Điều 8. Các trường hợp cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ

1. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

2. Vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài.

3. Vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của những người quy định tại khoản 1 Điều này cùng đi theo hành trình công tác được xem xét cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp.

4. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu đối ngoại hoặc lễ tân nhà nước và tính chất chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xét quyết định cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ theo đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 9. Cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở trong nước

1. Người đề nghị cấp, gia hạn hộ chiếu điền đầy đủ thông tin vào tờ khai theo mẫu kèm 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều này tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền.

2. Giấy tờ liên quan đến đề nghị cấp, gia hạn hộ chiếu:

a) Bản chính quyết định hoặc văn bản cử ra nước ngoài của cơ quan, người có thẩm quyền;

b) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh quan hệ đối với trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 của Luật này và quyết định hoặc ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao. Nếu bản sao không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu;

d) Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị đối với trường hợp đề nghị gia hạn hộ chiếu;

đ) Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đối với trường hợp người đại diện nộp thay. Người nộp thay phải xuất trình giấy tờ tùy thân.

3. Người được giao nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu thông tin trong tờ khai, giấy tờ liên quan quy định tại khoản 2 Điều này với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; thu nhận ảnh chân dung, vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu và cấp giấy hẹn trả kết quả.

4. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền thực hiện cấp, gia hạn hộ chiếu và trả kết quả; trường hợp chưa đủ điều kiện thì phải trả lời bằng văn bản, nêu lý do.

5. Người đề nghị cấp, gia hạn hộ chiếu có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác ghi trong giấy hẹn thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

Điều 10. Cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở nước ngoài

1. Người đề nghị cấp, gia hạn hộ chiếu điền đầy đủ thông tin vào tờ khai theo mẫu kèm 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều này tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

2. Giấy tờ liên quan đến việc cấp, gia hạn hộ chiếu:

a) Bản chính quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc bổ nhiệm chức vụ hoặc thay đổi vị trí công tác;

b) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh quan hệ đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này. Nếu là bản chụp thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu;

c) Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị đối với trường hợp đề nghị gia hạn hộ chiếu.

3. Người được giao nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu thông tin trong tờ khai, giấy tờ liên quan quy định tại khoản 2 Điều này với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; thu nhận ảnh chân dung, vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu và cấp giấy hẹn trả kết quả.

4. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp, gia hạn hộ chiếu và trả kết quả; trường hợp chưa cấp hộ chiếu thì phải trả lời bằng văn bản, nêu lý do.

Trên đây là một phần nội dung của Luật xuất nhập cảnh 2019 thuộc lĩnh vực An ninh - trật tự được HoaTieu.vn đăng tải và cập nhật. Mời các bạn sử dụng file tải về để xem toàn bộ nội dung Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đánh giá bài viết
1 106
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi