Thông tư 36/2014/TT-BCA quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú
Thông tư 36/2014/TT-BCA
- CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
- Chương II. CÁCH GHI BIỂU MẪU
- Điều 6. Yêu cầu ghi biểu mẫu
- Điều 7. Thông tin chung trong biểu mẫu
- Điều 8. Cách ghi bản khai nhân khẩu
- Điều 9. Cách ghi phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu
- Điều 10. Cách ghi phiếu xác minh hộ khẩu, nhân khẩu
- Điều 11. Cách ghi phiếu thông tin thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu
- Điều 12. Cách ghi Phiếu khai báo tạm vắng
- Điều 13. Cách ghi phiếu theo dõi hồ sơ hộ khẩu
- Điều 14. Cách ghi giấy chuyển hộ khẩu
- Điều 15. Cách ghi sổ hộ khẩu
- Điều 16. Cách ghi sổ tạm trú
- Điều 17. Cách ghi sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu
- Điều 18. Cách ghi sổ đăng ký thường trú
- Điều 19. Cách ghi sổ đăng ký tạm trú
- Điều 20. Cách ghi sổ tiếp nhận lưu trú
- Điều 21. Cách ghi túi hồ sơ hộ khẩu
- Điều 22. Cách ghi thống kê tình hình, kết quả đăng ký, quản lý cư trú
- Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư 36/2014/TT-BCA quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú được ban hành ngày 9/9/2014 của Bộ Công An. Nội dung của Thông tư 36 bao gồm các hướng dẫn sử dụng biểu mẫu trong quản lý cư trú tại các địa phương theo quy định của Bộ công an và Luật cư trú.
Thông tư 36/2014/TT-BCA còn hiệu lực đến ngày 30/06/2021 và Thông tư 56/2021/TT-BCA biểu mẫu trong đăng ký và quản lý cư trú sẽ thay thế Thông tư 36/2014/TT-BCA từ 01/07/2021.
- Bản khai nhân khẩu
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu
- Phiếu thông tin thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu
- Phiếu khai báo tạm vắng
- Giấy chuyển hộ khẩu
BỘ CÔNG AN Số: 36/2014/TT-BCA | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2014 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ BIỂU MẪU SỬ DỤNG TRONG ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ CƯ TRÚ
Căn cứ Luật Cư trú ngày 11 tháng 7 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú;
CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định cụ thể về biểu mẫu, quy cách, cách ghi và quản lý biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Cơ quan, người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú.
2. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống.
Điều 3. Các biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú
Các biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú (sau đây viết gọn là biểu mẫu) ký hiệu là HK, bao gồm:
1. Bản khai nhân khẩu (ký hiệu là HK01) được sử dụng để công dân từ 14 tuổi trở lên kê khai trong các trường hợp:
- Khi làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú;
- Đã đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng chưa khai Bản khai nhân khẩu lần nào;
2. Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (ký hiệu là HK02) được sử dụng để thông báo khi có sự thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu như: Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú; xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; tách sổ hộ khẩu; đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cấp giấy chuyển hộ khẩu; xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú; gia hạn tạm trú. Khi có thay đổi những nội dung thông tin trong bản khai nhân khẩu thì công dân phải khai bổ sung bằng mẫu HK02 và chuyển cho cơ quan đăng ký, quản lý cư trú.
3. Phiếu xác minh hộ khẩu, nhân khẩu (ký hiệu là HK03) được sử dụng để xác minh những hộ, nhân khẩu có những thông tin chưa rõ, chưa thống nhất.
4. Phiếu thông tin thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu (ký hiệu là HK04) được cơ quan đăng ký, quản lý cư trú, các đơn vị sử dụng để trao đổi thông tin khi có sự thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu.
5. Phiếu khai báo tạm vắng (ký hiệu là HK05) được sử dụng cho người phải khai báo tạm vắng khai báo với Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
6. Phiếu theo dõi hồ sơ hộ khẩu (ký hiệu là HK06) được cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập để phục vụ việc theo dõi, tra cứu hồ sơ hộ khẩu.
7. Giấy chuyển hộ khẩu (ký hiệu là HK07) được dùng để cấp cho các trường hợp chuyển nơi thường trú.
8. Sổ hộ khẩu (ký hiệu là HK08) được dùng để cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú.
9. Sổ tạm trú (ký hiệu là HK09A và HK09B) được dùng để cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú và có thời hạn tối đa là 24 (hai mươi bốn) tháng. Mẫu HK09A cấp cho hộ gia đình, mẫu HK09B cấp cho cá nhân.
10. Sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu (ký hiệu là HK10) được cơ quan đăng ký, quản lý cư trú sử dụng để theo dõi, ghi chép thông tin quá trình giải quyết đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
11. Sổ đăng ký thường trú (ký hiệu là HK11) được cơ quan đăng ký, quản lý cư trú sử dụng để ghi chép kết quả đăng ký thường trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, thay đổi nơi đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, tách sổ hộ khẩu, đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú. Mẫu HK11 được lập theo thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, đường phố, tổ dân phố hoặc theo nhà ở tập thể của các cơ quan, tổ chức. Khi có những thay đổi thông tin của từng nhân khẩu trong hộ, cơ quan Công an lập sổ phải tiến hành điều chỉnh kịp thời nội dung thay đổi. Mẫu HK11 là tài liệu gốc, có giá trị pháp lý để giải quyết các công việc liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú. Mẫu HK11 do Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh, Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập, lưu trữ và khai thác lâu dài.
12. Sổ đăng ký tạm trú (ký hiệu là HK12) được Công an xã, phường, thị trấn sử dụng để ghi chép kết quả đăng ký tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; xóa đăng ký tạm trú; xác nhận nơi tạm trú; đổi, cấp lại sổ tạm trú, gia hạn tạm trú.
13. Sổ tiếp nhận lưu trú (ký hiệu là HK13) được Công an xã, phường, thị trấn sử dụng để theo dõi việc tiếp nhận thông báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú.
14. Túi hồ sơ hộ khẩu (ký hiệu là HK14) được Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng để lưu trữ hồ sơ hộ khẩu. Mỗi hộ đã đăng ký thường trú lập một túi hồ sơ hộ khẩu riêng.
15. Thống kê tình hình, kết quả đăng ký, quản lý cư trú (ký hiệu là HK15) được Công an các đơn vị, địa phương sử dụng để thống kê hộ khẩu, nhân khẩu, kết quả đăng ký, quản lý cư trú tại địa phương theo tháng, 06 tháng, hàng năm và báo cáo lên cơ quan Công an cấp trên.
Điều 4. Quy cách các biểu mẫu
1. Mẫu HK01, HK02, HK03, HK04, HK07, HK10, HK11, HK12, HK13, HK15 in trên khổ giấy 210 mm x 297 mm, in đen trắng. Mẫu HK05 in trên khổ giấy 205 mm x 145 mm, mẫu HK06 in trên khổ giấy 80 mm x 130 mm, mẫu HK14 in trên khổ giấy 270 mm x 350 mm, in đen trắng.
Mẫu HK08 (20 trang), HK09A (12 trang), HK09B (04 trang), in trên khổ giấy 120 mm x 165 mm, in mầu, có hoa văn, mật hiệu bảo vệ.
2. Mẫu HK04, HK05 và HK07 được đóng thành quyển, được cấu tạo thành 02 liên có nội dung như nhau, một phần cấp cho người đến làm thủ tục khai báo tạm vắng, cấp giấy chuyển hộ khẩu hoặc chuyển cho cơ quan đăng ký, quản lý cư trú cấp có thẩm quyền, một phần lưu tại cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy.
Điều 5. In, phát hành và quản lý các biểu mẫu
1. Bộ Công an thống nhất quản lý, in, phát hành các biểu mẫu HK08, HK09A, HK09B. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, in, phát hành các mẫu HK01, HK02, HK03, HK04, HK05, HK06, HK07, HK10, HK11, HK12, HK13, HK14, HK15 ban hành kèm theo Thông tư này. Khi in không được thay đổi nội dung, kích thước của biểu mẫu.
2. Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư hướng dẫn Công an các địa phương lập sổ sách theo dõi chuyển giao hồ sơ hộ khẩu, cập nhật thông tin, tra cứu, khai thác tàng thư hồ sơ hộ khẩu.
3. Biểu mẫu về đăng ký, quản lý cư trú được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
4. Kinh phí in biểu mẫu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này do ngân sách nhà nước cấp, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an. Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm lập dự toán, quyết toán kinh phí in biểu mẫu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chương II. CÁCH GHI BIỂU MẪU
Điều 6. Yêu cầu ghi biểu mẫu
1. Ghi chính xác, thống nhất những nội dung trong từng biểu mẫu, chữ viết phải rõ ràng, viết cùng một loại mực, không viết tắt.
2. Người đến làm thủ tục đăng ký cư trú không biết chữ hoặc không thể tự kê khai được thì nhờ người khác kê khai hộ theo lời khai của mình. Người kê khai hộ phải kê khai trung thực, ký, ghi rõ họ tên và chịu trách nhiệm về việc kê khai hộ đó.
3. Các sổ phải được viết liên tục theo thứ tự từng trang, không được bỏ trống; phải ghi đầy đủ, rõ ràng các nội dung ở bìa và các trang của sổ.
4. Các cột, mục trong biểu mẫu phải được ghi theo đúng chú thích hướng dẫn trong các biểu mẫu (nếu có) và quy định tại Thông tư này.
5. Nghiêm cấm việc tự ý tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung làm sai lệch nội dung đã ghi trong biểu mẫu.
Điều 7. Thông tin chung trong biểu mẫu
1. Thông tin chung trong các loại biểu mẫu bao gồm: Thông tin về cá nhân, về địa chỉ cư trú và về cơ quan có thẩm quyền đăng ký, quản lý cư trú.
2. Cách ghi thông tin về cá nhân
Khi ghi thông tin về cá nhân phải căn cứ vào giấy khai sinh và các giấy tờ hộ tịch khác. Nếu không có các giấy tờ trên thì ghi theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp.
a) Mục “Họ và tên”: Ghi bằng chữ in hoa, đủ dấu;
b) Mục “Ngày, tháng, năm sinh”: Xác định theo ngày, tháng, năm dương lịch và được ghi đầy đủ 02 chữ số cho ngày sinh, 02 chữ số cho các tháng sinh là tháng 01 và tháng 02, 04 chữ số cho năm sinh;
c) Mục “CMND số” và mục “Hộ chiếu số”: Ghi đầy đủ số chứng minh nhân dân và số hộ chiếu (nếu có cả hai giấy tờ này);
d) Mục “Giới tính”: Nếu giới tính nam thì ghi là Nam, nếu giới tính nữ thì ghi là Nữ;
đ) Mục “Nơi sinh”: Ghi nơi sinh theo giấy khai sinh;
e) Mục “Nguyên quán”: Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ. Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại;
g) Mục “Quốc tịch”: Ghi quốc tịch Việt Nam, quốc tịch khác (nếu có);
h) Mục “Dân tộc” và “Tôn giáo”: Ghi dân tộc, tôn giáo theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh thì ghi theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp;
i) Mục “Nghề nghiệp, nơi làm việc”: Ghi rõ hiện nay làm nghề gì và tên cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa chỉ nơi làm việc.
3. Cách ghi thông tin về địa chỉ cư trú
Ghi cụ thể, đầy đủ số nhà, phố, đường phố; tổ, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc; xã, phường, thị trấn; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp ở nước ngoài về đăng ký cư trú thì ghi rõ địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt).
4. Ghi thông tin về cơ quan có thẩm quyền đăng ký, quản lý cư trú
Dòng trên ghi cơ quan Công an cấp trên trực tiếp, dòng dưới ghi tên cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký, quản lý cư trú.
Điều 8. Cách ghi bản khai nhân khẩu
1. Mục “Trình độ học vấn”: Ghi rõ trình độ học vấn cao nhất (Tiến sĩ, Thạc sĩ, Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, tốt nghiệp phổ thông trung học, tốt nghiệp phổ thông cơ sở…; nếu không biết chữ thì ghi rõ “không biết chữ”).
2. Mục “Trình độ chuyên môn”: Ghi rõ chuyên ngành được đào tạo hoặc trình độ tay nghề, bậc thợ, chuyên môn kỹ thuật khác được ghi trong văn bằng, chứng chỉ.
3. Mục “Trình độ ngoại ngữ”: Ghi rõ tên văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ cao nhất được cấp.
4. Mục “Tóm tắt về bản thân (từ đủ 14 tuổi trở lên đến nay ở đâu, làm gì)”: Ghi rõ từng khoảng thời gian (từ tháng, năm đến tháng, năm) thay đổi về chỗ ở và nghề nghiệp, nơi làm việc.
5. Mục “Tiền án, tiền sự”: Ghi rõ tội danh, hình phạt theo bản án số, ngày, tháng, năm của Tòa án; đã được xóa án tích hay chưa hoặc đang trong giai đoạn bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; đã hoặc đang chấp hành hình phạt; bị kết án phạt tù được hưởng án treo; hình phạt bổ sung; đã hoặc đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự hoặc bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thời gian bị áp dụng biện pháp đó.
Điều 9. Cách ghi phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu
1. Mục “Họ và tên chủ hộ” và “Quan hệ với chủ hộ” ghi như sau:
a) Trường hợp đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp, được cấp sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú thì mục họ và tên chủ hộ ghi họ, tên người đến đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú, mục quan hệ với chủ hộ ghi là chủ hộ;
b) Trường hợp được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú thì họ và tên chủ hộ ghi họ, tên chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, mục quan hệ với chủ hộ ghi mối quan hệ thực tế với chủ hộ đó;
c) Trường hợp điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; tách sổ hộ khẩu; đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cấp giấy chuyển hộ khẩu hoặc xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú thì ghi họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
2. Mục “Nội dung thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu”: Ghi tóm tắt nội dung thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
3. Mục “Ý kiến của chủ hộ”: Ghi rõ ý kiến của chủ hộ là đồng ý cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc đồng ý cho tách sổ hộ khẩu; chủ hộ ký và ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm.
4. Mục “Xác nhận của Công an” ghi như sau:
a) Trường hợp xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú thì cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký thường trú xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú. Nội dung xác nhận gồm: các thông tin cơ bản của từng nhân khẩu; địa chỉ đã đăng ký thường trú; họ và tên chủ hộ đã đăng ký thường trú (nếu có); ngày, tháng, năm chuyển đi hoặc xóa đăng ký thường trú;
b) Trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu do bị mất thì Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú của công dân xác nhận việc bị mất đó. Nội dung xác nhận gồm: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ nơi thường trú của chủ hộ đề nghị cấp lại sổ hộ khẩu.
5. Trường hợp người viết phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu cũng là người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu thì công dân chỉ cần kê khai những nội dung quy định tại mục II “Thông tin về người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu”.
Điều 10. Cách ghi phiếu xác minh hộ khẩu, nhân khẩu
1. Mục “Kính gửi”: Ghi tên cơ quan nhận phiếu xác minh hộ khẩu, nhân khẩu và cấp trên trực tiếp của cơ quan đó. Trường hợp gửi phiếu xác minh cho cơ quan Công an xã, phường, thị trấn ngoài phạm vi địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải ghi đầy đủ địa giới hành chính của Công an xã, phường, thị trấn đó (xã, huyện, tỉnh).
2. Phần yêu cầu xác minh (mặt trước):
a) Mục “Nội dung xác minh”: Ghi tóm tắt, rõ nội dung cần xác minh và thông tin về các nhân khẩu kèm theo (nếu có);
b) Mục “Kết quả xác minh gửi về:”: Ghi tên cơ quan nơi lập phiếu xác minh và cấp trên trực tiếp của cơ quan đó. Trường hợp cơ quan Công an xã, phường, thị trấn lập phiếu xác minh gửi đi ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải ghi đầy đủ địa giới hành chính của Công an xã, phường, thị trấn đó (xã, huyện, tỉnh);
c) Mục “Trưởng Công an”: Trưởng Công an nơi gửi phiếu xác minh phải ký, ghi rõ họ, tên, chức vụ và đóng dấu. Đối với Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Chỉ huy Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội ký phiếu xác minh trong phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ngoài phạm vi cấp huyện thì Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ký phiếu xác minh.
3. Phần trả lời xác minh (mặt sau):
a) Mục “Kết quả xác minh”: Trả lời đầy đủ kết quả xác minh theo các nội dung yêu cầu xác minh. Trường hợp không có đối tượng xác minh hoặc thông tin về đối tượng không chính xác cũng phải trả lời;
b) Mục “Trưởng Công an”: Trưởng Công an nơi gửi trả lời xác minh phải ký, ghi rõ họ, tên, chức vụ và đóng dấu.
Điều 11. Cách ghi phiếu thông tin thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu
1. Mục “Kính gửi”: Ghi tên cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nơi nhận phiếu và cấp trên trực tiếp của cơ quan đó. Trường hợp thông báo về việc đã đăng ký thường trú phải gửi trực tiếp cho cơ quan Công an nơi cấp giấy chuyển hộ khẩu để làm thủ tục xóa đăng ký thường trú. Nếu cơ quan Công an nơi cấp giấy chuyển hộ khẩu (nơi đăng ký thường trú cũ) là cơ quan Công an xã, phường, thị trấn thì phải ghi đầy đủ địa giới hành chính của Công an xã, phường, thị trấn đó (xã, huyện, tỉnh).
2. Mục “Nội dung thay đổi”: Ghi đầy đủ, rõ ràng những nội dung thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu. Trường hợp thông báo về việc đã đăng ký thường trú thì cơ quan Công an nơi chuyển đến phải ghi đầy đủ các thông tin sau: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi đăng ký thường trú cũ, nơi chuyển đến, họ và tên các nhân khẩu kèm theo cùng đăng ký thường trú, giấy chuyển hộ khẩu (số, ngày, tháng, năm cấp).
3. Mục “Đề xuất, kiến nghị”: Ghi cụ thể ý kiến đề xuất, kiến nghị (nếu có). Trường hợp thông báo về việc đã đăng ký thường trú thì phải đề nghị cơ quan Công an nơi cấp giấy chuyển hộ khẩu làm thủ tục xóa đăng ký thường trú.
Điều 12. Cách ghi Phiếu khai báo tạm vắng
1. Mục “Nơi thường trú/nơi tạm trú”: Nếu ghi nơi thường trú thì gạch nơi tạm trú và ngược lại.
2. Mục “Lý do tạm vắng”: Ghi rõ lý do đi khỏi nơi cư trú.
3. Phần phiếu cấp cho công dân thì Trưởng công an xã, phường, thị trấn nơi cấp phiếu khai báo tạm vắng phải ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu; phần lưu thì Trưởng Công an xã, phường, thị trấn và người khai báo chỉ cần ký, ghi rõ họ, tên.
Điều 13. Cách ghi phiếu theo dõi hồ sơ hộ khẩu
1. Mặt trước:
a) Mục “Hồ sơ hộ khẩu số”: Ghi theo số hồ sơ hộ khẩu trong tàng thư hồ sơ hộ khẩu;
b) Mục “Danh sách những người trong hộ”: Ghi đầy đủ, chính xác từng người trong hộ.
2. Mặt sau: Ghi tiếp danh sách những người trong hộ theo hướng dẫn tại mặt trước (nếu mặt trước không đủ để ghi).
Điều 14. Cách ghi giấy chuyển hộ khẩu
1. Số giấy chuyển hộ khẩu: Ghi theo số thứ tự cấp giấy chuyển hộ khẩu từng năm tại cơ quan Công an có thẩm quyền.
2. Mục “Lý do chuyển hộ khẩu”: Ghi rõ lý do chuyển hộ khẩu.
3. Mục “Họ và tên chủ hộ nơi đi” và “quan hệ với chủ hộ”: Ghi họ, tên, mối quan hệ thực tế với chủ hộ nơi người đăng ký thường trú chuyển đi (nơi đề nghị cấp giấy chuyển hộ khẩu).
4. Mục “Những người trong hộ cùng chuyển hộ khẩu”: Ghi theo sổ đăng ký thường trú, sổ hộ khẩu các thông tin của người trong hộ cùng chuyển hộ khẩu.
Trường hợp chuyển cả hộ thì cơ quan Công an nơi cấp giấy chuyển hộ khẩu phải ghi rõ chuyển đi cả hộ để thông báo cho cơ quan Công an nơi người đăng ký thường trú chuyển đến. Trước khi cấp sổ hộ khẩu mới, cơ quan Công an nơi người đăng ký thường trú chuyển đến thu lại sổ hộ khẩu cũ để lưu tại tàng thư hồ sơ hộ khẩu.
Điều 15. Cách ghi sổ hộ khẩu
1. Mặt trong của bìa trước
a) Mục “Công an tỉnh/TP”: Ghi hoặc in tên tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Mục “Số”: Mỗi sổ hộ khẩu được cấp một số riêng gồm chín số tự nhiên, trong đó hai số đầu là mã số của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu thì số của sổ hộ khẩu đổi, cấp lại là số của sổ hộ khẩu đã cấp trước đó;
c) Mục “Hồ sơ hộ khẩu số” và mục “Sổ đăng ký thường trú số”: Ghi theo số hồ sơ hộ khẩu và số của sổ đăng ký thường trú lưu tại tàng thư hồ sơ hộ khẩu.
2. Trang chủ hộ: Mục “Lý do xóa đăng ký thường trú” ghi rõ lý do xóa đăng ký thường trú theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú.
3. Các trang nhân khẩu có quan hệ với chủ hộ: Ghi theo cách ghi của trang chủ hộ. Mục quan hệ với chủ hộ thì ghi rõ như: Ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, cháu ruột. Trường hợp được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu thì ghi theo mối quan hệ thực tế.
4. Các trang điều chỉnh thay đổi: Ghi rõ nội dung điều chỉnh như thay đổi chủ hộ; thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; thay đổi địa giới hành chính. Cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu là cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú.
5. Cán bộ đăng ký phải ký, ghi rõ họ, tên tại các trang chủ hộ, từng trang nhân khẩu và điều chỉnh thay đổi (nếu có). Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú phải ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu tại mặt trong của bìa trước, trang chủ hộ, từng trang nhân khẩu có trong sổ và trang điều chỉnh thay đổi (nếu có).
6. Mỗi sổ hộ khẩu được dùng cho 01 hộ. Trường hợp số nhân khẩu trong hộ nhiều hơn số trang có mục “quan hệ với chủ hộ” thì ghi vào mặt trong trang bìa trước là “Quyển số 01” và được lập “Quyển số 02, Quyển số 03, v.v...” có số trùng với số của quyển số 01. Mặt trong trang bìa trước ghi rõ là “Quyển số 02, Quyển số 03, v.v...” và đóng dấu treo, trang chủ hộ ghi giống như quyển số 01, các trang còn lại ghi nhân khẩu tiếp theo.
7. Trường hợp chuyển đến cả hộ, trước khi cấp sổ hộ khẩu mới, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nơi chuyển đến thu sổ hộ khẩu cũ và đóng dấu “Hủy” vào mặt trong của bìa trước tại mục ghi họ và tên chủ hộ và nơi thường trú, để lưu vào tàng thư. Trường hợp chuyển một người hoặc một số người trong hộ thì ghi rõ vào trang điều chỉnh thay đổi thông tin người chuyển đi, thời gian cấp giấy chuyển hộ khẩu, địa chỉ nơi đến.
Điều 16. Cách ghi sổ tạm trú
1. Mục “Công an tỉnh/TP”: Ghi hoặc in tên tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;
2. Mục “Số”: Mỗi sổ tạm trú được cấp một số riêng gồm chín số tự nhiên, trong đó hai số đầu là mã số của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp đổi, cấp lại sổ tạm trú thì số của sổ tạm trú đổi, cấp lại là số của sổ tạm trú đã cấp trước đó;
3. Mục “Nơi tạm trú”: Ghi rõ địa chỉ nơi tạm trú hiện nay.
4. Mục “Tạm trú đến ngày”: Ghi rõ ngày, tháng, năm hết thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân.
5. Mục “Đã tạm trú liên tục từ ngày... đến ngày...tại...”: Ghi rõ khoảng thời gian (từ ngày, tháng, năm đến ngày, tháng, năm) công dân đã tạm trú liên tục tại một chỗ ở hoặc nhiều chỗ ở khác nhau trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tạm trú.
6. Mục “Sổ có giá trị đến ngày”: Ghi rõ ngày, tháng, năm sổ tạm trú hết thời hạn. Giá trị của sổ tạm trú là hai mươi bốn tháng, được tính từ ngày, tháng, năm cấp sổ tạm trú.
7. Mục “Sổ đăng ký tạm trú số”: Ghi theo số của sổ đăng ký tạm trú.
8. Mục “Lý do xóa đăng ký tạm trú”: Ghi rõ lý do xóa đăng ký tạm trú theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
9. Mục “Điều chỉnh thay đổi”: Ghi đầy đủ nội dung thay đổi các thông tin trong sổ tạm trú.
10. Mục “Gia hạn tạm trú”: Ghi rõ ngày, tháng, năm hết thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân. Thời hạn tạm trú của mỗi lần gia hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá thời hạn còn lại của sổ tạm trú.
Điều 17. Cách ghi sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu
1. Mục “Nội dung yêu cầu giải quyết”: Ghi tóm tắt, đầy đủ nội dung yêu cầu giải quyết.
2. Mục “Hồ sơ kèm theo”: Ghi đầy đủ, chính xác các loại giấy tờ có trong hồ sơ đã tiếp nhận.
3. Mục “Nhận hồ sơ”: Phải ghi đầy đủ họ và tên người nhận, ngày, tháng, năm nhận hồ sơ, ngày, tháng, năm hẹn trả hồ sơ. Nếu một ngày một người tiếp nhận nhiều hồ sơ thì tại cột 6, cột 7 chỉ cần ghi họ và tên người nhận, ngày, tháng, năm nhận hồ sơ ở dòng đầu tiên. Nếu một ngày có nhiều người tiếp nhận hồ sơ thì tại cột 7 chỉ cần ghi ngày, tháng, năm nhận hồ sơ ở dòng đầu tiên.
4. Mục “Trả kết quả”: Ghi ngày, tháng, năm và kết quả giải quyết (đăng ký thường trú; điều chỉnh những thay đổi; đổi, cấp lại sổ hộ khẩu; bổ sung thủ tục, kê khai lại hồ sơ, giấy tờ; không giải quyết đăng ký thường trú ...).
Điều 18. Cách ghi sổ đăng ký thường trú
1. Phần “Mục lục”: Ghi đầy đủ các thông tin theo mẫu.
2. Phần nội dung: Mỗi trang của sổ dùng để ghi thông tin về một hộ đã đăng ký thường trú. Dòng đầu tiên ghi chủ hộ, các dòng tiếp theo ghi lần lượt các nhân khẩu có trong hộ.
a) Mục “Hồ sơ hộ khẩu số”: Ghi theo số hồ sơ hộ khẩu lưu tại tàng thư hồ sơ hộ khẩu;
b) Mục “Người có thẩm quyền đăng ký”: Chỉ huy Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh ký, ghi rõ họ, tên. Trường hợp đăng ký một lần cho nhiều người thì người có thẩm quyền chỉ cần ký, ghi rõ họ, tên ở hàng ghi nhân khẩu cuối cùng;
c) Mục “Nội dung điều chỉnh, thay đổi'”: Ghi rõ nội dung như: thay đổi chủ hộ, thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; thay đổi địa giới hành chính; xóa đăng ký thường trú (ngày, tháng, năm xóa đăng ký thường trú, nơi chuyển đến); cấp giấy chuyển hộ khẩu (ngày, tháng, năm cấp giấy chuyển hộ khẩu, nơi chuyển đến); đổi, cấp lại sổ hộ khẩu…;
d) Mục “Tờ số”: Ghi theo số thứ tự tại mục lục.
Điều 19. Cách ghi sổ đăng ký tạm trú
1. Mục “Nơi tạm trú”: Ghi rõ số nhà, đường phố, tổ, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc.
2. Mục “Người có thẩm quyền đăng ký”: Nếu đăng ký cho nhiều người một lần thì chỉ cần ghi rõ họ, tên cán bộ đăng ký ở hàng ghi nhân khẩu cuối cùng.
3. Mục “Nội dung điều chỉnh, thay đổi”: Ghi nội dung điều chỉnh, thay đổi và ngày, tháng, năm điều chỉnh, thay đổi nội dung đó. Trường hợp gia hạn tạm trú thì ghi cụ thể thời gian gia hạn tạm trú.
Điều 20. Cách ghi sổ tiếp nhận lưu trú
1. Mục “Lý do lưu trú”: Ghi rõ lý do như chữa bệnh, thăm thân, du lịch.
2. Mục “Địa chỉ lưu trú”: Ghi rõ số nhà, đường phố, tổ, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc.
3. Mục “Hình thức, thời gian thông báo”: Ghi rõ hình thức trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng Internet, mạng máy tính, thời gian, họ, tên người thông báo lưu trú, số điện thoại (nếu có).
4. Mục “Ghi chú”: Cán bộ tiếp nhận lưu trú ghi các trường hợp có nghi vấn, trường hợp cần thiết do yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự thì phải báo cáo ngay về Công an xã, phường, thị trấn.
Điều 21. Cách ghi túi hồ sơ hộ khẩu
Mục “Nộp lưu ngày”: Ghi theo ngày, tháng, năm đưa hồ sơ hộ khẩu vào lưu tại tàng thư hồ sơ hộ khẩu.
Điều 22. Cách ghi thống kê tình hình, kết quả đăng ký, quản lý cư trú
1. Phần hộ, nhân khẩu hiện đang cư trú (phần I)
Mục “Nhân khẩu thành thị”: Thống kê số nhân khẩu hiện đang cư trú tại các quận, phường và thị trấn.
2. Phần các loại hộ, nhân khẩu (phần II)
a) Mục “Đi ngoài tỉnh”: Thống kê số hộ, nhân khẩu đã đăng ký thường trú nhưng chuyển đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác;
b) Mục “Đi ngoài huyện trong tỉnh”: Thống kê số hộ, nhân khẩu đã đăng ký thường trú nhưng chuyển đi huyện, quận, thị xã, thành phố khác trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Mục “Đi ngoài xã trong huyện”: Thống kê số hộ, nhân khẩu đã đăng ký thường trú nhưng chuyển đi phường, xã, thị trấn khác trong cùng phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
d) Mục “Ngoài tỉnh đến”: Thống kê số hộ, nhân khẩu từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác đến đăng ký tạm trú;
đ) Mục “Ngoài huyện trong tỉnh đến”: Thông kê số hộ, nhân khẩu từ huyện, quận, thị xã, thành phố khác trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến đăng ký tạm trú;
e) Mục “Ngoài xã trong huyện đến”: Thống kê số hộ, nhân khẩu từ phường, xã, thị trấn khác trong cùng phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đến đăng ký tạm trú.
3. Phần kết quả đăng ký, quản lý cư trú (phần III)
Mục “Ngoài tỉnh đến”: Thống kê số hộ, nhân khẩu từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác chuyển đến đăng ký thường trú.
4. Phần công tác tàng thư hồ sơ hộ khẩu (Phần V)
a) Mục “Nhận hồ sơ hộ khẩu đến”: Thống kê tổng số hồ sơ hộ khẩu do Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác chuyển đến;
b) Mục “Chuyển hồ sơ hộ khẩu đi”: Thống kê tổng số hồ sơ hộ khẩu chuyển đi Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác.
5. Cách tính tổng số hộ, nhân khẩu hiện đang cư trú được thực hiện như sau:
- Tổng số hộ hiện đang cư trú gọi là X; tổng số nhân khẩu hiện đang cư trú gọi là Y. Cách tính tổng số nhân khẩu nữ; nhân khẩu từ 14 tuổi trở lên hiện đang cư trú thực hiện như cách tính tổng số nhân khẩu hiện đang cư trú (Y) dưới đây.
a) Đối với cơ quan Công an cấp tỉnh
- X = Tổng số hộ đăng ký thường trú - Tổng số hộ không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài tỉnh + Tổng số hộ đăng ký tạm trú ngoài tỉnh đến.
- Y = Tổng số nhân khẩu đăng ký thường trú - Tổng số nhân khẩu không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài tỉnh + Tổng số nhân khẩu đăng ký tạm trú ngoài tỉnh đến.
b) Đối với cơ quan Công an cấp huyện
- X = Tổng số hộ đăng ký thường trú - (Tổng số hộ không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài tỉnh + Tổng số hộ không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài huyện trong tỉnh) + (Tổng số hộ đăng ký tạm trú ngoài tỉnh đến + Tổng số hộ đăng ký tạm trú ngoài huyện trong tỉnh đến).
- Y = Tổng số nhân khẩu đăng ký thường trú - (Tổng số nhân khẩu không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài tỉnh + Tổng số nhân khẩu không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài huyện trong tỉnh) + (Tổng số nhân khẩu đăng ký tạm trú ngoài tỉnh đến + Tổng số nhân khẩu đăng ký tạm trú ngoài huyện trong tỉnh đến).
c) Đối với Công an cấp xã
- X = Tổng số hộ đăng ký thường trú - (Tổng số hộ không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài tỉnh + Tổng số hộ không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài huyện trong tỉnh + Tổng số hộ không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài xã trong huyện) + (Tổng số hộ đăng ký tạm trú ngoài tỉnh đến + Tổng số hộ đăng ký tạm trú ngoài huyện trong tỉnh đến + Tổng số hộ đăng ký tạm trú ngoài xã trong huyện đến).
- Y = Tổng số nhân khẩu đăng ký thường trú - (Tổng số nhân khẩu không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài tỉnh + Tổng số nhân khẩu không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài huyện trong tỉnh + Tổng số nhân khẩu không cư trú tại nơi đã đăng ký thường trú đi ngoài xã trong huyện) + (Tổng số nhân khẩu đăng ký tạm trú ngoài tỉnh đến + Tổng số nhân khẩu đăng ký tạm trú ngoài huyện trong tỉnh đến + Tổng số nhân khẩu đăng ký tạm trú ngoài xã trong huyện đến).
4. Khi thống kê phải ghi chính xác, đầy đủ các chỉ tiêu thông tin, thời điểm báo cáo, cán bộ thống kê ký, ghi rõ họ, tên; thủ trưởng đơn vị thống kê ký, ghi rõ họ, tên, đóng dấu.
Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 23. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 10 năm 2014 và thay thế Thông tư số 81/2011/TT-BCA ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về biểu mẫu được sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú.
2. Các biểu mẫu quy định tại Thông tư số 81/2011/TT-BCA ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về biểu mẫu được sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú đã in thì tiếp tục được sử dụng cho đến hết.
Điều 24. Trách nhiệm thi hành
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này.
2. Các Tổng cục trưởng, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư) để có hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao: - UBND các tỉnh, tp trực thuộc Trung ương; - Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an; - Các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Công an; - Công an các tỉnh, tp trực thuộc Trung ương; - Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, tp trực thuộc Trung ương; - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp; - Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT Bộ Công an; - Lưu: VT, C72, V19. | Đại tướng Trần Đại Quang |
Thông tư 36/2014/TT-BCA là văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực Bộ máy hành chính, Quyền dân sự quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú có hiệu lực hết ngày 30/06/2021. Thông tư 36/2014 quy định cụ thể về biểu mẫu, quy cách, cách ghi và quản lý biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú.
Thông tư 56/2021/TT-BCA biểu mẫu trong đăng ký và quản lý cư trú sẽ thay thế Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an từ 01/07/2021.
Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư 56 là 16 biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú ký hiệu là CT bao gồm:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (ký hiệu là CT01)
- Tờ khai đề nghị cấp văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú (ký hiệu là CT02)
- Phiếu khai báo tạm vắng (ký hiệu là CT03)
- Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả (ký hiệu là CT04)
- ........
Ngoài ra, Biểu mẫu HK14 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú đã được cấp có thẩm quyền in, cấp phát thì tiếp tục được sử dụng cho đến hết.
Tải Thông tư 36/2014/TT-BCA doc
09/06/2021 11:33:36 SA
Cơ quan ban hành: | Bộ Công An | Người ký: | Trần Đại Quang |
Số hiệu: | 36/2014/TT-BCA | Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính, Quyền dân sự |
Ngày ban hành: | 09/09/2014 | Ngày hiệu lực: | 28/10/2014 |
Loại văn bản: | Thông tư | Ngày hết hiệu lực: | 01/07/2021 |
Tình trạng hiệu lực: | Hết hiệu lực | Văn bản thay thế | Thông tư 56/2021/TT-BCA |
- Chia sẻ:Cô bé bướng bỉnh
- Ngày:
Bài liên quan
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay An ninh trật tự
Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định về nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông
Nghị định 148/2024/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường
Luật xuất cảnh - nhập cảnh của công dân Việt Nam
Nghị định 136/2020/NĐ-CP về biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy
Nghị định 49/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án Hình sự về tái hòa nhập cộng đồng
Thông tư 64/2020/TT-BCA quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường thủy nội địa
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác