Luật Địa chất và Khoáng sản 2024, số 54/2024/QH15

Tải về

Luật Địa chất và khoáng sản mới nhất

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15. 

Luật Địa chất và khoáng sản gồm 12 Chương, 111 Điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản...

Luật Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2025.

QUỐC HỘI

__________

Luật số: 54/2024/QH15

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

LUẬT
ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Địa chất và khoáng sản.

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Các trường hợp sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này:

a) Dầu khí; các loại nước thiên nhiên không phải là nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên;

b) Hoạt động chế biến khoáng sản không gắn với dự án đầu tư khai thác khoáng sản để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Địa chất là các dạng vật chất cấu tạo nên trái đất, các quá trình diễn ra trong tự nhiên phát sinh từ sự tiến hóa của trái đất cũng như địa hình, cảnh quan, hiện tượng địa chất và môi trường được tạo ra do các quá trình tự nhiên đó.

2. Tài nguyên địa chất là các dạng vật chất hình thành từ các quá trình địa chất, tồn tại trong hoặc trên bề mặt trái đất mà con người có thể khai thác, sử dụng, bao gồm: khoáng sản, di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên địa nhiệt, tài nguyên vị thế, cấu trúc địa chất tàng trữ, không gian lòng đất.

3. Tài nguyên địa nhiệt là nhiệt năng được sinh ra và tồn tại trong các thể địa chất, cấu trúc địa chất có thể khai thác, sử dụng.

4. Tài nguyên vị thế là tài nguyên địa chất mà có vị trí địa lý đem lại lợi thế chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh hoặc môi trường.

5. Cấu trúc địa chất tàng trữ là thể địa chất được hình thành trong lòng đất, có khả năng lưu giữ và thu hồi các loại vật chất.

6. Di chỉ địa chất là tập hợp các dấu hiệu, đặc điểm của hoạt động địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế ở một khu vực xác định trên mặt đất hoặc trong lòng đất được phát hiện và ghi nhận trong quá trình điều tra địa chất.

7. Di sản địa chất là tập hợp một hoặc nhiều di chỉ địa chất được công nhận, xếp hạng.

8. Công viên địa chất là một khu vực có giới hạn xác định, có các di sản địa chất, độc đáo về văn hóa, sinh thái và khảo cổ học; có diện tích phù hợp để thực hiện các chức năng quản lý, bảo tồn, giáo dục, nghiên cứu và phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

9. Tai biến địa chất là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về môi trường, con người, tài sản, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: động đất, hoạt động núi lửa, đứt gãy hoạt động, trượt lở đất đá, sụt lún bề mặt; nứt đất; xói lở bờ sông, bờ biển; ô nhiễm từ khoáng vật, nguyên tố độc hại có nguồn gốc tự nhiên.

10. Không gian lòng đất là phần phạm vi phân bố của các thực thể địa chất trong lòng đất, được xác định bằng hệ toạ độ quốc gia, diện tích và mức sâu trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất.

11. Điều tra cơ bản địa chất là hoạt động nghiên cứu, điều tra cơ bản về cấu trúc, thành phần vật chất, lịch sử phát sinh, phát triển vỏ trái đất, các điều kiện địa chất, quá trình địa chất và quy luật sinh khoáng nhằm đánh giá tiềm năng tài nguyên địa chất, các tác động của quá trình địa chất đến kinh tế - xã hội và con người làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động bảo vệ, quản lý tài nguyên địa chất.

12. Điều tra địa chất về khoáng sản là việc xác định quy mô, số lượng, chất lượng từng loại khoáng sản, nhóm khoáng sản theo cấu trúc địa chất có triển vọng trên cơ sở điều tra cơ bản địa chất làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động thăm dò khoáng sản.

13. Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

14. Khoáng sản nguyên khai là khoáng sản được khai thác, thu hồi chưa qua chế biến.

15. Khoáng sản đi kèm là khoáng sản có thể khai thác cùng với khoáng sản chính và có hiệu quả kinh tế.

16. Khoáng sản chiến lược, quan trọng là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước.

17. Khoáng sản phóng xạ là tích tụ tự nhiên của các nguyên tố urani, thori và đồng vị phóng xạ liên quan.

18. Khoáng sản độc hại là khoáng sản có chứa một trong các nguyên tố phóng xạ, thủy ngân, asen, chì, nhóm khoáng vật asbet mà khi khai thác, sử dụng, lưu giữ phát tán ra môi trường những chất phóng xạ hoặc độc hại vượt mức quy định của quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

19. Nước nóng thiên nhiên là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất, luôn có nhiệt độ tại nguồn đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.

20. Nước khoáng thiên nhiên là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất, có thành phần, tính chất và một số hợp chất có hoạt tính sinh học đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.

21. Hoạt động khoáng sản bao gồm thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản.

22. Thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và thông tin khác phục vụ khai thác khoáng sản.

23. Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm đưa khoáng sản ra khỏi nơi thành tạo tự nhiên, bao gồm: xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, bơm hút, lọc tách, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản hoặc phương án khai thác khoáng sản. Sản phẩm của hoạt động khai thác khoáng sản là khoáng sản nguyên khai.

24. Chế biến khoáng sản là quá trình xử lý, gia công khoáng sản sau khai thác thuộc dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhằm làm tăng giá trị khoáng sản nguyên khai đã được khai thác.

25. Đóng cửa mỏ khoáng sản là hoạt động nhằm đưa toàn bộ hoặc một phần diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản về trạng thái an toàn, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tối ưu hóa mục đích sử dụng đất sau khai thác.

26. Thu hồi khoáng sản là hoạt động kết hợp nhằm lấy được khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc các hoạt động khác theo kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.

27. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản tiền tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải trả cho Nhà nước để được thực hiện quyền khai thác, thu hồi khoáng sản.

28. Công suất khai thác là khối lượng khoáng sản tối đa hoặc lưu lượng tối đa đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên có thể khai thác được trong một khoảng thời gian nhất định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản hoặc phương án khai thác khoáng sản và được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

29. Tài nguyên khoáng sản là lượng khoáng sản đã được điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản, đáp ứng yêu cầu tối thiểu để có thể khai thác, sử dụng toàn bộ hoặc một phần tại thời điểm hiện tại hoặc tương lai. Theo mức độ nghiên cứu địa chất, mức độ nghiên cứu khả thi và hiệu quả kinh tế, tài nguyên khoáng sản được chia thành các cấp trữ lượng, các cấp tài nguyên và có độ tin cậy khác nhau.

30. Trữ lượng khoáng sản là phần tài nguyên khoáng sản đã được thăm dò, dự kiến có thể khai thác trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật nhất định, mang lại hiệu quả kinh tế tại thời điểm đánh giá.

Điều 3. Chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản

1. Nhà nước có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về địa chất, khoáng sản để bảo đảm tài nguyên địa chất, khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đẩy mạnh việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động khoáng sản, chế biến khoáng sản.

2. Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản.

3. Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng và một số khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn; quyết định việc không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực có khoáng sản chiến lược, quan trọng; cho phép thăm dò, khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng theo thỏa thuận quy định trong hiệp định liên Chính phủ.

4. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng theo quy hoạch, kế hoạch.

5. Nhà nước có chính sách dự trữ khoáng sản, xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

6. Dữ liệu địa chất, khoáng sản phải được xây dựng đồng bộ, quản lý tập trung, thống nhất và được khai thác, sử dụng có hiệu quả.

7. Nhà nước khuyến khích hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực về địa chất, khoáng sản; chia sẻ, sử dụng dữ liệu địa chất, khoáng sản; đầu tư thăm dò khoáng sản và khai thác khoáng sản; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản.

8. Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản.

Điều 4. Nguyên tắc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản

1. Điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản;

b) Thực hiện theo đề án, dự án, nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Điều tra tổng hợp, toàn diện, bảo đảm tính kế thừa, không trùng lặp;

d) Các phương pháp kỹ thuật điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với đối tượng địa chất, tài nguyên địa chất; mục tiêu, nhiệm vụ điều tra; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật;

đ) Tổng hợp, cập nhật, thống kê, kiểm kê đầy đủ và cung cấp kịp thời các thông tin về kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống tai biến địa chất.

2. Hoạt động khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến hoạt động khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 67 và điểm c khoản 2 Điều 73 của Luật này; bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống thiên tai;

b) Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản theo quy định của Luật này;

c) Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ quy mô tài nguyên, trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản theo đề án thăm dò;

d) Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản;

đ) Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản hợp pháp được thăm dò xuống sâu và mở rộng mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác;

e) Hài hoà lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên có liên quan.

3. Chính phủ quy định điều kiện, tiêu chí xác định khu vực thăm dò xuống sâu và mở rộng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

Điều 5. Nguyên tắc hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản

1. Hội nhập và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản, quản lý hoạt động khoáng sản phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, Hiến chương Liên hợp quốc, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm phù hợp với đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam; bảo đảm nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

2. Tranh chấp quốc tế về địa chất, khoáng sản được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, theo thông lệ quốc tế, pháp luật quốc tế và pháp luật của các bên liên quan.

Điều 6. Phân nhóm khoáng sản

1. Căn cứ công dụng và mục đích quản lý, khoáng sản được phân loại thành các nhóm sau đây:

a) Khoáng sản nhóm I bao gồm: khoáng sản kim loại; khoáng sản năng lượng; đá quý, đá bán quý; khoáng chất công nghiệp;

b) Khoáng sản nhóm II bao gồm: khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát, đá mỹ nghệ, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa;

c) Khoáng sản nhóm III bao gồm: khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản này; than bùn, bùn khoáng, nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên;

d) Khoáng sản nhóm IV bao gồm: khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).

2. Chính phủ quy định chi tiết danh mục khoáng sản theo nhóm; quy định việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng.

Điều 7. Bảo vệ tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng và khoáng sản chưa khai thác

1. Tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng và khoáng sản chưa khai thác, kể cả khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa phải được bảo vệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng và khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có trách nhiệm sau đây:

a) Khi thăm dò khoáng sản phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các thông tin, dữ liệu về loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép;

b) Khi khai thác khoáng sản phải ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép;

c) Quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng, khoáng sản đi kèm trong quá trình khai thác;

d) Đối với khu vực đã được cấp giấy phép khai thác nhưng chưa được thuê đất, bàn giao đất trên thực địa hoặc chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, tổ chức, cá nhân báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được hỗ trợ việc bảo vệ khoáng sản.

4. Người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất hoặc diện tích khu vực biển; không được tự ý khai thác khoáng sản, thu hồi khoáng sản.

5. Tổ chức, cá nhân khi thực hiện dự án đầu tư hoặc các hoạt động khác nếu phát hiện khoáng sản nhóm I, nhóm II, nhóm III phải báo cáo ngay cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này, tổ chức bảo vệ khoáng sản được phát hiện; việc thu hồi hoặc không thu hồi khoáng sản được thực hiện theo quy định tại Điều 75 và Điều 76 của Luật này.

6. Cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản có trách nhiệm chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh danh mục các khu vực có tài nguyên địa chất, khoáng sản cần bảo vệ đã và đang được điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản.

7. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác bảo vệ tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng, khoáng sản chưa khai thác thuộc trách nhiệm của Nhà nước và được bố trí trong dự toán ngân sách địa phương hằng năm.

Điều 8. Quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác

1. Quyền lợi của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân bao gồm:

a) Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

b) Tham gia góp ý về biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên;

c) Được ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan;

d) Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất, khoáng sản cung cấp địa chỉ thư điện tử, số điện thoại hoặc địa chỉ tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản và góp ý, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản;

đ) Căn cứ tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ban hành quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn.

2. Trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân bao gồm:

a) Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật;

b) Tham gia bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; giám sát hoạt động khoáng sản;

c) Kịp thời phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản khi phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết điểm đ khoản 1 Điều này.

Điều 9. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.

2. Lợi dụng điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản để khai thác tài nguyên địa chất, khoáng sản.

3. Thực hiện điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản.

4. Cản trở trái pháp luật công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản.

5. Cố ý hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị, quý hiếm.

6. Kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Chương II. CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN

Điều 10. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng

1. Việc lập chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng phải bảo đảm các nguyên tắc và căn cứ sau đây:

a) Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược bảo vệ Tổ quốc; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; nhu cầu của thị trường thế giới;

b) Bảo đảm tính phối hợp đồng bộ giữa hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản trên phạm vi cả nước; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên địa chất, khoáng sản;

c) Bảo đảm nhu cầu về khoáng sản, tài nguyên địa chất khác phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội;

d) Kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản đã thực hiện; tiền đề và dấu hiệu địa chất liên quan đến tài nguyên địa chất, khoáng sản;

đ) Phù hợp với nguồn lực của Nhà nước theo từng thời kỳ.

2. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng phải có các nội dung chính sau đây:

a) Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khai thác khoáng sản, tài nguyên địa chất; bảo vệ khoáng sản, tài nguyên địa chất chưa khai thác; thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản;

b) Định hướng điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và nghiên cứu khoa học trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản từng thời kỳ; phối hợp, lồng ghép các hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản của các Bộ, ngành, địa phương;

c) Định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả gắn với yêu cầu bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác;

d) Định hướng thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác trong kỳ lập chiến lược;

đ) Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khai thác, sử dụng khoáng sản, tài nguyên địa chất; bảo vệ khoáng sản, tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng; thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác; dự trữ khoáng sản quốc gia.

3. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng được lập cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 30 năm theo kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương có liên quan lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

Điều 11. Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản

1. Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia, phải bảo đảm nguyên tắc cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản, tài nguyên địa chất khác phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống tai biến địa chất; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

2. Căn cứ lập quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bao gồm các căn cứ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:

a) Kết quả thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản của kỳ trước; nhu cầu điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản của các Bộ, ngành, địa phương;

b) Nhu cầu thông tin, dữ liệu về tài nguyên địa chất, khoáng sản và các điều kiện địa chất khác;

c) Tiền đề, dấu hiệu địa chất liên quan đến tài nguyên địa chất, khoáng sản mới phát hiện.

3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch.

Điều 12. Quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản

1. Quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II là quy hoạch ngành quốc gia.

2. Phương án quản lý về địa chất, khoáng sản là hợp phần trong phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn được tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

3. Quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc hạn chế chia cắt khu vực khoáng sản có thể đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để khoanh định thành các khu vực có quy mô nhỏ.

4. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn, công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này; phân công cơ quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II.

Điều 13. Căn cứ và nội dung của quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II

1. Căn cứ lập quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II bao gồm căn cứ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:

a) Nhu cầu khoáng sản của các ngành kinh tế;

b) Kết quả điều tra địa chất về khoáng sản;

c) Tiến bộ khoa học và công nghệ trong thăm dò, khai thác khoáng sản hoặc phát hiện mới về khoáng sản ẩn sâu trong thăm dò, khai thác khoáng sản;

d) Kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; kết quả đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Nội dung quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II bao gồm các nội dung theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Chương III. ĐIỀU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT

Điều 14. Nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất

1. Nội dung điều tra cơ bản địa chất bao gồm:

a) Điều tra, xác lập quy luật phân bố, dự báo các cấu trúc có triển vọng tài nguyên địa chất để lập bản đồ địa chất quốc gia các tỷ lệ đến 1:50.000, bao gồm các bộ bản đồ: địa chất; các trường địa vật lý; địa hóa; địa mạo; vỏ phong hóa; tai biến địa chất; di sản địa chất; địa chất môi trường; địa chất thủy văn; địa chất công trình; địa chất đô thị;

b) Điều tra, lập bản đồ địa chất chuyên đề tỷ lệ lớn hơn 1:50.000 theo các chuyên đề và theo yêu cầu quản lý;

c) Điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất; điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị; điều tra điều kiện địa chất khác.

2. Trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất bao gồm:

a) Điều tra cơ bản địa chất do Nhà nước thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt;

b) Kinh phí cho điều tra cơ bản địa chất được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất theo đề án, dự án hoặc nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết khoản 1 Điều này; quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt đề án, dự án, nhiệm vụ, báo cáo, công bố kết quả điều tra cơ bản địa chất.

Điều 15. Điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế

1. Nội dung điều tra di chỉ địa chất, di sản địa chất bao gồm:

a) Điều tra, đánh giá về giá trị khoa học, giáo dục của di chỉ địa chất, di sản địa chất; trong đó tập trung điều tra, đánh giá về vị trí, không gian phân bố, đặc điểm địa lý, địa chất, tính đa dạng địa chất và ý nghĩa khoa học, giáo dục về địa chất;

b) Điều tra, đánh giá về giá trị thẩm mỹ của di chỉ địa chất, di sản địa chất;

c) Điều tra, đánh giá về giá trị kinh tế và tiềm năng khai thác, sử dụng của di chỉ địa chất, di sản địa chất;

d) Xác định mức độ ảnh hưởng và nhu cầu bảo tồn di chỉ địa chất, di sản địa chất.

2. Nội dung điều tra tài nguyên vị thế bao gồm:

a) Điều tra, khoanh định các khu vực có tiềm năng tài nguyên vị thế trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất;

b) Đánh giá vị trí, đặc điểm địa chất, điều kiện địa chất, lịch sử hình thành, khả năng tạo ra giá trị và lợi ích khi khai thác tài nguyên địa chất đã khoanh định; định hướng cho công tác quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng.

3. Việc khoanh định, lập bản đồ các khu vực có di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế phải căn cứ vào kết quả điều tra di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế.

Điều 16. Điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất

1. Nội dung điều tra địa chất môi trường bao gồm:

a) Đặc điểm địa chất, địa hóa, địa vật lý của các thực thể địa chất; các quá trình địa chất có liên quan đến môi trường tự nhiên;

b) Xác định các yếu tố tự nhiên và nhân tạo gây ra dị thường, khả năng phát tán dị thường làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên;

c) Lập bản đồ hiện trạng, phân vùng địa chất môi trường;

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất môi trường.

2. Nội dung điều tra tai biến địa chất bao gồm:

a) Đặc điểm địa chất, địa kỹ thuật của các thực thể địa chất; các quá trình địa chất có liên quan; các biểu hiện, động thái tai biến địa chất;

b) Các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội liên quan đến tai biến địa chất;

c) Lập bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo tai biến địa chất;

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu tai biến địa chất.

3. Trong quá trình điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất phải tiến hành quan trắc, cảnh báo môi trường địa chất, tai biến địa chất.

Điều 17. Điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị

1. Nội dung điều tra địa chất công trình bao gồm:

a) Điều tra, đánh giá, xác định cấu trúc địa chất, địa hình, địa mạo, địa chất thủy văn, các quá trình và hiện tượng địa chất động lực, tính chất cơ lý đất, đá;

b) Xác định mối quan hệ và quy luật thay đổi không gian giữa các yếu tố cấu trúc địa chất, địa hình, địa mạo, địa chất thủy văn, các quá trình và hiện tượng địa chất động lực, tính chất cơ lý đất, đá;

c) Đánh giá tác động các điều kiện địa chất công trình đến cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội;

d) Lập bản đồ phân vùng địa chất công trình với tỷ lệ thích hợp, thể hiện rõ miền, vùng, khu địa chất công trình;

đ) Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất công trình.

2. Nội dung điều tra địa chất đô thị bao gồm:

a) Điều tra địa chất, địa vật lý, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, địa chất môi trường, tai biến địa chất;

b) Xác định thông tin quy hoạch đô thị, tài nguyên địa chất có trong khu vực điều tra; đánh giá áp lực và tương tác do con người gây ra trong môi trường địa chất đô thị;

c) Lập bản đồ không gian địa chất đô thị;

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất đô thị.

Điều 18. Điều tra điều kiện địa chất khác

1. Điều tra điều kiện địa chất khác bao gồm: lập bản đồ không gian địa chất, bản đồ không gian lòng đất; điều tra tài nguyên địa nhiệt quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Lập bản đồ không gian địa chất là việc lập bản đồ không gian ba chiều kỹ thuật số, thể hiện các thực thể, hiện tượng địa chất với đầy đủ thuộc tính về đặc điểm thành phần vật chất, vật lý, hóa học, cơ học và mối quan hệ giữa các thực thể, hiện tượng địa chất đó, phù hợp với tỷ lệ điều tra với các nội dung sau đây:

a) Thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá các thông tin, dữ liệu về địa chất, tài nguyên địa chất, điều tra bổ sung các dữ liệu còn thiếu; mô phỏng các thực thể địa chất; lập bản đồ không gian địa chất;

b) Cập nhật bản đồ không gian địa chất được thực hiện định kỳ hằng năm hoặc đột xuất. Việc cập nhật đột xuất khi có sự biến động đột ngột của các thực thể địa chất do các nguyên nhân tự nhiên hoặc nhân tạo.

3. Lập bản đồ không gian lòng đất là việc lập bản đồ không gian ba chiều kỹ thuật số trên nền bản đồ không gian địa chất, thể hiện các khu vực không gian lòng đất bao gồm các nội dung sau đây:

a) Thu thập, tổng hợp, điều tra bổ sung, phân tích, đánh giá các thông tin, dữ liệu tài nguyên địa chất; kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nhu cầu sử dụng không gian lòng đất, hiện trạng sử dụng không gian lòng đất;

b) Lập bản đồ phân bố các cấu trúc tàng trữ; đánh giá đặc điểm địa chất, điều kiện địa chất và khả năng tàng trữ của các cấu trúc địa chất để khoanh định các cấu trúc thuận lợi có thể sử dụng lưu trữ các chất không có bể chứa, chôn lấp chất thải, carbon dioxide (CO2), bổ cập nước dưới đất, lưu giữ năng lượng địa chất và các công dụng khác.

4. Điều tra tài nguyên địa nhiệt bao gồm các nội dung sau đây:

a) Điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực có tiềm năng tài nguyên địa nhiệt trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất;

b) Đánh giá đặc điểm địa chất, điều kiện địa chất, nguồn gốc thành tạo và khả năng thu hồi nhiệt năng từ nguồn địa nhiệt tại khu vực có tiềm năng tài nguyên địa nhiệt đã khoanh định; định hướng cho công tác quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng.

Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động điều tra cơ bản địa chất

1. Quyền của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất bao gồm:

a) Tiến hành điều tra cơ bản địa chất theo đề án, dự án, nhiệm vụ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất phê duyệt;

b) Chuyển ra ngoài khu vực điều tra cơ bản địa chất, kể cả ra nước ngoài các loại mẫu vật với khối lượng và chủng loại phù hợp với tính chất và yêu cầu để phân tích, thử nghiệm theo đề án, dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt;

c) Quyền khác liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản địa chất theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất bao gồm:

a) Đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất theo quy định tại Điều 23 của Luật này;

b) Thực hiện đúng đề án, dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật, định mức, đơn giá trong điều tra cơ bản địa chất;

c) Bảo đảm tính trung thực, đầy đủ trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu, thông tin, dữ liệu địa chất; bảo mật thông tin về điều tra cơ bản địa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

d) Bảo vệ môi trường, tài nguyên địa chất, khoáng sản trong quá trình điều tra cơ bản địa chất;

đ) Trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất phê duyệt báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất;

e) Nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, mẫu vật địa chất, khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về lưu trữ;

g) Nghĩa vụ khác liên quan đến điều tra cơ bản địa chất theo quy định của pháp luật.

...................

Văn bản này thuộc lĩnh vực Tài nguyên môi trường của chuyên mục Pháp luật được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng và xem tiếp nội dung đầy đủ.

Luật Địa chất và Khoáng sản 2024, số 54/2024/QH15
Chọn file tải về :
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Quốc hộiNgười ký:Trần Thanh Mẫn
Số hiệu:54/2024/QH15Lĩnh vực:Tài nguyên, môi trường
Ngày ban hành:29/11/2024Ngày hiệu lực:01/07/2025
Loại văn bản:LuậtNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Chưa có hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 15
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm