Phân tích truyện ngắn Đói (Thạch Lam)

Đói là một truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam. Khi đứng trước  ranh giới giữa sự sống và cái chết, đôi khi con người ta vẫn phải đưa ra những lựa chọn thật nghiệt ngã. Có lẽ thông qua nhân vật Mai và Sinh, tác giả đã gửi gắm vào đó một niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn để không ai phải lâm vào cảnh cùng đường. Sau đây là bài văn mẫu phân tích tác phẩm Đói của Thạch lam, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Dàn ý phân tích truyện ngắn Đói

A. Mở bài

- Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả, thể loại): “Đói” là một trong những truyện ngắn hay nhất của Thạch Lam viết về những ảnh hưởng nghiệt ngã mà cái đói mang đến cho cuộc sống của con người; sự đối mặt, giằng xé của con người trước cái đói.

- Nêu nhận xét chung về tác phẩm: Tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi triết lý nhẹ nhàng mà câu chuyện mang đến. Đó chính là niềm hy vọng về một cuộc sống biết yêu thương và sẻ chia, để không còn ai phải đi vào đường cùng như nhân nhân vật Mai và Sinh.

B. Thân bài

1. Tóm tắt tác phẩm

Như chính nhan đề của tác phẩm, “Đói” kể về một câu chuyện vô cùng oái ăm của một cặp đôi tiểu tư sản trí thức thất thời trong xã hội cũ, đó chính là Mai và Sinh. Sinh vốn là một là một người có cuộc sống rất ổn định, có công việc đầy đủ, cuộc sống hạnh phúc. Nhưng bây giờ, khi đã mất việc, cuộc sống của chàng rơi vào tình trạng sa sút, không có cái ăn. Chàng vẫn may mắn vì có vợ luôn đồng hành và yêu thương chồng. Mai đã phải chạy vạy khắp nơi, rời nhà từ lúc còn sáng sớm với mong muốn sẽ vay mượn được ít tiền để qua đợt khó khăn, đói khát này. Nhưng cuộc sống thật nghiệt ngã, ngay cả những người đã từng được vợ chồng chàng giúp đỡ cũng không hề đoái hoài đến họ. Lâm vào đường cùng, Mai đã đau đớn chấp nhận đi làm gái để lấy tiền sinh sống. Trở về, nàng đã mua rất nhiều đồ ăn ngon và nói dối chồng là được bà Hiếu giúp đỡ cùng với việc từ nay nàng sẽ đi buôn cau. Nhưng Sinh đã phát hiện ra những lời nói dối ấy, bởi một tờ giấy hẹn từ người đàn ông. Chàng cảm thấy đau đớn và phẫn nộ đến tột cùng, mắng nhiếc và đuổi Mai ra khỏi nhà mặc cho sự cầu xin của nàng. Sau khi Mai đi, do bị cái đói hành hạ, Sinh đã nhặt nhạnh những miếng thức ăn đang lăn lóc trên sàn ăn vội vàng. Truyện kết thúc ở sự đau đớn, xót xa đến bất lưực của Sinh.

2. Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm

Qua câu chuyện nghiệt ngã của cặp vợ chồng Sinh và Mai, truyện ngắn “Đói” chứa đựng rất nhiều vấn đề về ý nghĩa của cuộc sống, là một câu chuyện chân thực về hậu quả của cái nghèo đói trong xã hội cũ. Truyện ngắn là bức tranh về cuộc sống của con người bị đè bẹp bởi cái đói trước Cách mạng tháng Tám. Dù trong hoàn cảnh ấy, cái mà họ còn sót lại duy nhất chính là tình yêu dành cho nhau, nhưng đến cuối cùng, chỉ vì để thoát ra khỏi hoàn cảnh, Mai đã phải bán đi thân mình, để đổi về những bữa ăn no. Con người đã không thể chiến thắng được hoàn cảnh, họ đã trở thành nô lệ cho hoàn cảnh. Thạch Lam không đơn giản chỉ là tái hiện lại bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, mà qua những trang văn ấy, ta nghe thấy cả một hồi chuông cảnh tỉnh, tố cáo một xã hội luôn đè nén, áp bức con người, một xã hội thiếu đi sự sẻ chia, thiếu đi tình yêu thương, khiến cho con người phải đi vào bước đường cùng.

2.1. Cuộc sống của con người trước sự rình rập của cái đói

*Nhân vật Sinh: một chàng trai trí thức tiểu tư sản thất nghiệp, bất đắc chí, quyết giữ cho mình trong sạch trước hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống, nhưng đến cuối cùng cũng phải đầu hàng trước số phận của mình.

- Sinh xuất hiện trong một hoàn cảnh vô cùng éo le; chàng bị thất nghiệp, bị cái đói bủa vây. Trước đây, chàng có một công việc đầy đủ, thu nhập khá dư dả, nên cuộc sống khá sung túc. Nhưng từ khi tai họa ập đến, anh bị đuổi việc, cả hai vợ chồng đều không làm ra tiền. Chính vì thế, cái nghèo đói ập đến với cuộc đời của anh.

* Nhân vật Mai: một người phụ nữ xinh đẹp, nhẹ nhàng, yêu thương chồng hết mực, luôn nghĩ đến cảm nhận và suy nghĩ của chồng nhưng bị cái đói dày vò khiến gầy gò, mệt mỏi

- Hoàn cảnh xuất hiện: trong con mắt của Sinh, từ âm thanh nghe tiếng vợ về, tiếng vén rèm cho đến thân hình “mảnh dẻ, gầy gò trong chiếc áo the mỏng phong phanh”

- Mai vốn là cô gái sống phong lưu, sung sướng ở xóm cô đầu; sau khi cưới Sinh sống hạnh phúc ân ái. Thế nhưng, hiện tại, cô ngày ngày chạy vạy đi hỏi vay tiền, vay gạo… nhằm duy trì cuộc sống tối thiểu cho gia đình; điều đó làm thân hình cô gầy gò, đôi mắt cô “buồn rầu và sầu lo”, mệt mỏi với tình cảnh của mình.

* Hoàn cảnh sống hiện tại của hai nhân vật: Tất cả những đồ đạc trong căn phòng nhỏ, nơi mà họ đang sống chỉ còn là “Một cái bàn con xiêu vẹo bên góc tường, một cái chõng tre đã gãy dăm ba năm, một cái ấm tích mất bông và mấy cái chén mẻ, nước màu vàng… Trong cùng, một cái hòm da, dấu vết còn lại, của cái đời phong lưu độ trước…” Chỉ là những món đồ tồi tàn, tất cả những thứ có giá trị đều đã được họ mang đi cầm cắm để đổi lấy những bữa ăn qua ngày.

=> Hai nhân vật đang lâm vào tình trạng khốn khó, khổ sở vì bị cái đói dày vò. Họ không còn gạo, không còn tiền, đi vay khắp nơi mà không được, điều kiện tối thiểu của cuộc sống cũng không thể đáp ứng được.

2.2. Cái đói đã làm thay đổi suy nghĩ và cách sống của con người

Hoàn cảnh sống khổ sở, bị dày vò bởi cái đói đã khiến suy nghĩ và cách sống của con người thay đổi, điều này thể hiện rõ nhất qua nhân vật Sinh. Những suy nghĩ trái ngược trước và sau biến cố đã khiến Sinh hiểu ra nhiều điều.

- Trước đây, những thứ đơn giản như vài ba miếng đậu, hay một con cá rán trên chảo là những món ăn rất tầm thường đối với Sinh, thì giờ đây, khi quá đói, chàng lại cảm thấy chúng trở nên đáng giá đến lạ thường.

- Chàng thấy nhớ về những ngày trước: “Trước kia, khi nghe chuyện người ta tranh giành nhau vì miếng ăn, chàng vẫn mỉm cười khinh bỉ. Chàng cho rằng miếng ăn là một sự không đáng kể, chỉ có cái thanh cao trong sạch của linh hồn mới là cần”. Ấy vậy mà, khi nhìn lại bản thân của thực tại, mới nhận ra rằng “cái cần mạnh mẽ của miếng ăn là thế nào”, lúc này thì “sự trong sạch của linh hồn” cũng khó mà níu giữ được bản năng của con người trước cái đói.

- Cách nhìn nhận của chàng về những con người thuộc tầng lớp nghèo đói của xã hội: Chàng đã từng khinh ghét họ “chàng vẫn khinh và tự hỏi không biết họ sống để làm gì, sống để mà khổ sở, để mà đói rét, không biết sống đối với họ có ý nghĩa gì mà còn ham mê quyến luyến.” Thế nhưng, bây giờ “chàng lại ao ước được một miếng ăn như họ để sống qua cái rét mướt bây giờ…” vì chàng bị cái đói dằn vặt, hành hạ.

=> Chính sự thay đổi của hoàn cảnh sống đã giúp Sinh nhận ra được những điều ý nghĩa, những giá trị khác nhau của các vấn đề trong cuộc sống. Giúp Sinh thay đổi cách nhìn về con người và về cách sống của chính mình, thể nghiệm cách sống và sự khốn khổ của tầng lớp bình dân mà chàng vẫn coi thường; để chàng hiểu thêm về cuộc đời này.

2.3. Cái đói – nguyên nhân dẫn đến bi kịch của vợ chồng Sinh

* Nhân vật Sinh: là một người yêu thương vợ, nhưng lại thiếu đi sự chia sẻ và thấu hiểu, ích kỉ chỉ nghĩ cho tự tôn của bản thân. Tình yêu thương đó đã bị đè bẹp bởi hiện thực, vì cái đói dẫn đến bi kịch của vợ chồng Sinh.

- Sinh là một người rất yêu thương vợ, đã bất chấp mọi phản đối và cưới vợ từ xóm cô đầu, sau đó sống hạnh phúc, ân ái.

- Khi thất nghiệp, đói kém; suy nghĩ lại về chính cuộc đời của mình, Sinh lại cảm thấy thương vợ của mình hơn bao giờ hết: “Nghĩ đến, Sinh lại đem lòng thương, thương người đàn bà xưa nay vẫn quen thói đài điếm phong lưu, mà bây giờ phải chịu khổ vì chàng…”. - Khi chứng kiến sự vất vả chạy đôn chạy đáo của Mai, chàng rất đau lòng. Tuy thế, chàng không vất vả cùng vợ để lo cho cuộc sống, mà chỉ ở nhà để trông mong vợ xoay sở được.

- Khi phát hiện ra được người vợ của mình vì muốn kiếm tiền để mua đồ ăn mà đã sẵn sàng bán thân thể của mình, Sinh đã giận dữ chửi mắng vợ và đuổi vợ ra khỏi nhà. Vì điều đó mâu thuẫn với quan điểm thà chết đói cũng phải giữ mình trong sạch của Sinh.

- Tuy chửi mắng và đuổi vợ đi, nhưng rõ ràng Sinh không thể chiến thắng được cái đói. Chàng đã chấp nhận để phẩm giá, tự trọng của mình đầu hàng mà “Khẽ đưa tay như ngập ngừng, sợ hãi, Sinh vớ lấy miếng thịt hồng hào”. Chàng vẫn không thể chiến thắng được cái đói, vẫn phải chấp nhận đầu hàng số phận mà lấy những miếng thức ăn đã bị chính chàng vứt bỏ đưa lên miệng ăn, để nuôi lấy chính mình.

* Nhân vật Mai

- Trước đây, Mai vốn là một người phụ nữ sống trong sung sướng, phong lưu, vô cùng yêu thương chồng. Hiện nay, khi bị cái đói hành hạ, dày vò; nàng phải sống khổ sở trong tình trạng căn phòng tuyềnh toàng; ngày ngày chạy vạy vay tiền, đi hỏi hết người này đến người khác mà vẫn không thể vay mượn được để có bữa ăn.

- Đến bước đường cùng, Mai phải bỏ qua liêm sỉ, bán thân để ấy tiền mua đồ ăn cho chồng, cho mình. Lúc này, cái đói đã khiến Mai đã phải chấp nhận bỏ qua lòng tự trọng của cá nhân, bán rẻ danh tiết của mình.

=> Như vậy, thông qua câu chuyện bi kịch của vợ chồng Sinh, Thạch Lam đã gửi đến cho bạn đọc một thông điệp về cùng ý nghĩa về cuộc sống. Chỉ vì quá đói mà đã khiến cho hai vợ chồng vốn yêu thương nhau trở nên mâu thuẫn. Chỉ vì quá đói mà khiến họ phải giẫm đạp lòng tự trọng, bán rẻ cả phẩm giá của mình.

=> Truyện ngắn đã khơi dậy lòng trong tâm hồn người đọc lòng nhân ái và sự sẻ chia để có thể xây dựng lên một xã hội nhân ái và văn minh hơn. Tác phẩm là một câu chuyện, một lời khuyên ý nghĩa về việc đừng để đánh mất những giá trị của bản thân. Và cũng qua đó, Thạch Lam đã phản ánh thực trạng của xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, khi nhiều người còn không có nổi bát cơm để ăn qua ngày.

3. Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm

3.1. Xây dựng tình huống truyện độc đáo

- Xây dựng tình huống truyện độc đáo là một trong những lý do làm nên sự thành công của tác phẩm, giúp cho nhân vật bộc lộ được tính cách cũng như phẩm chất của mình.

- Trong tác phẩm, Thạch Lam đã đặt nhân vật vào trong một hoàn cảnh vô cùng oái ăm, mang tính đối lập: từ một chàng trí thức giàu có, sung sướng; Sinh trở nên nghèo đói kiệt quệ đến mức không có nổi bữa ăn cho ra hồn. Từ một con người luôn khinh ghét bình dân đến lúc ao ước cuộc sống của họ. Từ một gia đình yêu thương thuận hòa dẫn đến cãi vã, đuổi đi, tan tác. Tất cả chỉ do cái đói.

- Tình huống truyện éo le, có vấn đề, đòi hỏi chính nhân vật phải đưa ra những cách giải quyết để giải cứu cho chính số phận của mình. Và cũng chính từ đó mà tính cách và các phẩm chất của nhân vật được bộc lộ rõ nét nhất: sự ích kỉ gia trưởng của Sinh, sự hi sinh và yêu thương của Mai.

3.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo

- Đặc điểm chung của nghệ thuật xây dựng nhân vật của Thạch Lam là tập trung vào phác họa tâm lí và cảm giác của nhân vật.

- Trong tác phẩm này, chỉ qua một vài đoạn đi sâu vào thể hiện cảm xúc của Sinh đã thấy được tài năng của Thạch Lam:

+ Khi nằm trên gác mà lắng nghe mọi âm thanh của cuộc sống phía dưới, vào đúng bữa cơm chiều, khơi gợi lại suy nghĩ trước đây và hiện tại của Sinh về những người nghèo khổ bình dân…có thể thấy được sự tinh tế của tác giả, vì đã nắm bắt được mọi cung bậc cảm xúc, sự thay đổi tâm trạng dù là nhỏ nhất của nhân vật; từ đó làm nổi bật dụng ý nghệ thuật của hình tượng nhân vật.

+ Đoạn miêu tả sự giận dữ của Sinh khi phát hiện vợ chàng đi làm gái để lấy tiền mua đồ ăn; sự đấu tranh nội tâm gay gắt giữa việc có nên bỏ qua lòng tự trọng để ăn những thức ăn được mua từ “những đồng tiền dơ bẩn” với hiện thực là cái đói đang dày vò ghê gớm…

- Từ sự miêu tả cận cảnh tâm lí đầy sắc sảo này đã thấy được nét rất riêng trong phong cách xây dựng nhân vật của Thạch Lam, đó là đi sâu vào khắc họa nội tâm và cảm giác của nhân vật.

3.3 Một vài đặc sắc khác về mặt nghệ thuật

- Lời văn chân thực, gần gũi, giản dị, đời thường.

- Giọng điệu lúc tâm tình, nhẹ nhàng, lúc lại trở nên sâu sắc, chân thành.

- Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, các chi tiết, hình ảnh được chọn lọc rất kĩ càng. Diễn biến truyện hợp lí theo sát tâm trạng của nhân vật.

C. Kết bài

- Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm: Nhận xét về các tác phẩm của Thạch Lam, Hà Văn Đức đã từng cho rằng: “Trái tim Thạch Lam đã không biết bao lần thổn thức trước những thân phận nhỏ bé, khổ đau ở cõi đời này”. Quả thật, đúng như vậy, Thạch Lam là một trong những nhà văn lớn thường hay dùng ngòi bút của mình để cảm thương cho số phận của những con người nhỏ bé, bất hạnh trong xã hội. Và “Đói” chính là một trong những tuyệt tác văn học thể hiện điều đó.

- Liên hệ bản thân, thời đại: Truyện ngắn là một câu chuyện rất ý nghĩa, sự thấm đẫm chất nhân văn là một trong những lí do giúp tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc bao thế hệ.

2. Nghị luận phân tích tác phẩm Đói của Thạch Lam

“Đói” là một trong những truyện ngắn hay nhất của Thạch Lam viết về những ảnh hưởng nghiệt ngã mà cái đói mang đến cho cuộc sống của con người; sự đối mặt, giằng xé của con người trước cái đói. Tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi triết lý nhẹ nhàng mà câu chuyện mang đến. Đó chính là niềm hy vọng về một cuộc sống biết yêu thương và sẻ chia, để không còn ai phải đi vào đường cùng như nhân nhân vật Mai và Sinh.

Như chính nhan đề của tác phẩm, “Đói” kể về một câu chuyện vô cùng oái ăm của một cặp đôi tiểu tư sản trí thức thất thời trong xã hội cũ, đó chính là Mai và Sinh. Sinh vốn là một là một người có cuộc sống rất ổn định, có công việc đầy đủ, cuộc sống hạnh phúc. Nhưng bây giờ, khi đã mất việc, cuộc sống của chàng rơi vào tình trạng sa sút, không có cái ăn. Chàng vẫn may mắn vì có vợ luôn đồng hành và yêu thương chồng. Mai đã phải chạy vạy khắp nơi, rời nhà từ lúc còn sáng sớm với mong muốn sẽ vay mượn được ít tiền để qua đợt khó khăn, đói khát này. Nhưng cuộc sống thật nghiệt ngã, ngay cả những người đã từng được vợ chồng chàng giúp đỡ cũng không hề đoái hoài đến họ. Lâm vào đường cùng, Mai đã đau đớn chấp nhận đi làm gái để lấy tiền sinh sống. Trở về, nàng đã mua rất nhiều đồ ăn ngon và nói dối chồng là được bà Hiếu giúp đỡ cùng với việc từ nay nàng sẽ đi buôn cau. Nhưng Sinh đã phát hiện ra những lời nói dối ấy, bởi một tờ giấy hẹn từ người đàn ông. Chàng cảm thấy đau đớn và phẫn nộ đến tột cùng, mắng nhiếc và đuổi Mai ra khỏi nhà mặc cho sự cầu xin của nàng. Sau khi Mai đi, do bị cái đói hành hạ, Sinh đã nhặt nhạnh những miếng thức ăn đang lăn lóc trên sàn ăn vội vàng. Truyện kết thúc ở sự đau đớn, xót xa đến bất lực của Sinh.

Qua câu chuyện nghiệt ngã của cặp vợ chồng Sinh và Mai, truyện ngắn “Đói” chứa đựng rất nhiều vấn đề về ý nghĩa của cuộc sống, là một câu chuyện chân thực về hậu quả của cái nghèo đói trong xã hội cũ. Truyện ngắn là bức tranh về cuộc sống của con người bị đè bẹp bởi cái đói trước Cách mạng tháng Tám. Dù trong hoàn cảnh ấy, cái mà họ còn sót lại duy nhất chính là tình yêu dành cho nhau, nhưng đến cuối cùng, chỉ vì để thoát ra khỏi hoàn cảnh, Mai đã phải bán đi thân mình, để đổi về những bữa ăn no. Con người đã không thể chiến thắng được hoàn cảnh, họ đã trở thành nô lệ cho hoàn cảnh. Thạch Lam không đơn giản chỉ là tái hiện lại bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, mà qua những trang văn ấy, ta nghe thấy cả một hồi chuông cảnh tỉnh, tố cáo một xã hội luôn đè nén, áp bức con người, một xã hội thiếu đi sự sẻ chia, thiếu đi tình yêu thương, khiến cho con người phải đi vào bước đường cùng.

Để có thể làm nổi bật lên tư tưởng chủ đề chính của tác phẩm, Thạch Lam đã tái hiện lại một cách rất chân thực cuộc sống của những con người nghèo khổ trước cái đói. Nhân vật Sinh là một chàng trai trí thức tiểu tư sản thất nghiệp, bất đắc chí, quyết giữ cho mình trong sạch trước hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống, nhưng đến cuối cùng cũng phải đầu hàng trước số phận của mình. Sinh xuất hiện trong một hoàn cảnh vô cùng éo le: chàng bị thất nghiệp, bị cái đói bủa vây. Trước đây, chàng có một công việc đầy đủ, thu nhập khá dư dả, nên cuộc sống khá sung túc. Nhưng từ khi tai họa ập đến,bị đuổi việc, cả hai vợ chồng đều không làm ra tiền nên cái nghèo đói ập đến với cuộc đời của Sinh. Nhân vật Mai là một người phụ nữ xinh đẹp, nhẹ nhàng, yêu thương chồng hết mực, luôn nghĩ đến cảm nhận và suy nghĩ của chồng nhưng bị cái đói dày vò khiến gầy gò, mệt mỏi. Mai xuất hiện trong con mắt của Sinh, từ âm thanh nghe tiếng vợ về, tiếng vén rèm cho đến thân hình “mảnh dẻ, gầy gò trong chiếc áo the mỏng phong phanh”. Mai vốn là cô gái sống phong lưu, sung sướng ở xóm cô đầu; sau khi cưới Sinh sống hạnh phúc ân ái. Thế nhưng, hiện tại, cô ngày ngày chạy vạy đi hỏi vay tiền, vay gạo… nhằm duy trì cuộc sống tối thiểu cho gia đình; điều đó làm thân hình cô gầy gò, đôi mắt cô “buồn rầu và sầu lo”, mệt mỏi với tình cảnh của mình. Hiện tại cả hai nhân vật phải sống trong cảnh đói khổ. Tất cả những đồ đạc trong căn phòng nhỏ, nơi mà họ đang sống chỉ còn là “Một cái bàn con xiêu vẹo bên góc tường, một cái chõng tre đã gãy dăm ba năm, một cái ấm tích mất bông và mấy cái chén mẻ, nước màu vàng… Trong cùng, một cái hòm da, dấu vết còn lại, của cái đời phong lưu độ trước…” Chỉ là những món đồ tồi tàn, tất cả những thứ có giá trị đều đã được họ mang đi cầm cắm để đổi lấy những bữa ăn qua ngày. Họ đang lâm vào tình trạng khốn khó, khổ sở vì bị cái đói dày vò. Họ không còn gạo, không còn tiền, đi vay khắp nơi mà không được, điều kiện tối thiểu của cuộc sống cũng không thể đáp ứng được.

Hoàn cảnh sống khổ sở, bị dày vò bởi cái đói đã khiến suy nghĩ và cách sống của con người thay đổi, điều này thể hiện rõ nhất qua nhân vật Sinh. Những suy nghĩ trái ngược trước và sau biến cố đã khiến Sinh hiểu ra nhiều điều. Trước đây, những thứ đơn giản như vài ba miếng đậu, hay một con cá rán trên chảo là những món ăn rất tầm thường đối với Sinh, thì giờ đây, khi quá đói, chàng lại cảm thấy chúng trở nên đáng giá đến lạ thường. Chàng thấy nhớ về những ngày trước: “Trước kia, khi nghe chuyện người ta tranh giành nhau vì miếng ăn, chàng vẫn mỉm cười khinh bỉ. Chàng cho rằng miếng ăn là một sự không đáng kể, chỉ có cái thanh cao trong sạch của linh hồn mới là cần”. Ấy vậy mà, khi nhìn lại bản thân của thực tại, mới nhận ra rằng “cái cần mạnh mẽ của miếng ăn là thế nào”, lúc này thì “sự trong sạch của linh hồn” cũng khó mà níu giữ được bản năng của con người trước cái đói. Cách nhìn nhận của chàng về những con người thuộc tầng lớp nghèo đói của xã hội: Chàng đã từng khinh ghét họ “chàng vẫn khinh và tự hỏi không biết họ sống để làm gì, sống để mà khổ sở, để mà đói rét, không biết sống đối với họ có ý nghĩa gì mà còn ham mê quyến luyến.” Thế nhưng, bây giờ “chàng lại ao ước được một miếng ăn như họ để sống qua cái rét mướt bây giờ…” vì chàng bị cái đói dằn vặt, hành hạ. Chính sự thay đổi của hoàn cảnh sống đã giúp Sinh nhận ra được những điều ý nghĩa, những giá trị khác nhau của các vấn đề trong cuộc sống. Giúp Sinh thay đổi cách nhìn về con người và về cách sống của chính mình, thể nghiệm cách sống và sự khốn khổ của tầng lớp bình dân mà chàng vẫn coi thường; để chàng hiểu thêm về cuộc đời này.

Cái đói chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của vợ chồng Sinh. Có thể nhận ra rằng, Sinh là một người rất yêu thương vợ nhưng lại thiếu đi sự chia sẻ và thấu hiểu, ích kỉ chỉ nghĩ cho tự tôn của bản thân. Tình yêu thương đó đã bị đè bẹp bởi hiện thực, vì cái đói dẫn đến bi kịch của vợ chồng Sinh. Chàng là một người rất yêu thương vợ, đã bất chấp mọi phản đối và cưới vợ từ xóm cô đầu, sau đó sống hạnh phúc, ân ái. Khi thất nghiệp, đói kém; suy nghĩ lại về chính cuộc đời của mình, Sinh lại cảm thấy thương vợ của mình hơn bao giờ hết: “Nghĩ đến, Sinh lại đem lòng thương, thương người đàn bà xưa nay vẫn quen thói đài điếm phong lưu, mà bây giờ phải chịu khổ vì chàng…”. Khi chứng kiến sự vất vả chạy đôn chạy đáo của Mai, chàng rất đau lòng. Tuy thế, chàng không vất vả cùng vợ để lo cho cuộc sống, mà chỉ ở nhà để trông mong vợ xoay sở được. Khi phát hiện ra được người vợ của mình vì muốn kiếm tiền để mua đồ ăn mà đã sẵn sàng bán thân thể của mình, Sinh đã giận dữ chửi mắng vợ và đuổi vợ ra khỏi nhà, vì điều đó mâu thuẫn với quan điểm thà chết đói cũng phải giữ mình trong sạch của Sinh. Tuy chửi mắng và đuổi vợ đi, nhưng rõ ràng Sinh không thể chiến thắng được cái đói. Chàng đã chấp nhận để phẩm giá, tự trọng của mình đầu hàng mà “Khẽ đưa tay như ngập ngừng, sợ hãi, Sinh vớ lấy miếng thịt hồng hào”. Chàng vẫn không thể chiến thắng được cái đói, vẫn phải chấp nhận đầu hàng số phận mà lấy những miếng thức ăn đã bị chính chàng vứt bỏ đưa lên miệng ăn, để nuôi lấy chính mình. Còn Mai, trước đây, Mai vốn là một người phụ nữ sống trong sung sướng, phong lưu, vô cùng yêu thương chồng. Hiện nay, khi bị cái đói hành hạ, dày vò; nàng phải sống khổ sở trong tình trạng căn phòng tuyềnh toàng; ngày ngày chạy vạy vay tiền, đi hỏi hết người này đến người khác mà vẫn không thể vay mượn được để có bữa ăn. Đến bước đường cùng, Mai phải bỏ qua liêm sỉ, bán thân để ấy tiền mua đồ ăn cho chồng, cho mình. Lúc này, cái đói đã khiến Mai đã phải chấp nhận bỏ qua lòng tự trọng của cá nhân, bán rẻ danh tiết của mình. Như vậy, thông qua câu chuyện bi kịch của vợ chồng Sinh, Thạch Lam đã gửi đến cho bạn đọc một thông điệp về cùng ý nghĩa về cuộc sống. Chỉ vì quá đói mà đã khiến cho hai vợ chồng vốn yêu thương nhau trở nên mâu thuẫn. Chỉ vì quá đói mà khiến họ phải giẫm đạp lòng tự trọng, bán rẻ cả phẩm giá của mình. Truyện ngắn đã khơi dậy lòng trong tâm hồn người đọc lòng nhân ái và sự sẻ chia để có thể xây dựng lên một xã hội nhân ái và văn minh hơn. Tác phẩm là một câu chuyện, một lời khuyên ý nghĩa về việc đừng để đánh mất những giá trị của bản thân. Và cũng qua đó, Thạch Lam đã phản ánh thực trạng của xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, khi nhiều người còn không có nổi bát cơm để ăn qua ngày.

Không chỉ hấp dẫn người đọc bởi thông điệp giàu ý nghĩa, truyện ngắn còn thu hút người đọc bởi những nét đặc sắc về mặt nghệ thuật. Đầu tiên, phải nhắc tới nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo. Đây là một trong những lý do làm nên sự thành công của tác phẩm, giúp cho nhân vật bộc lộ được tính cách cũng như phẩm chất của mình. Trong tác phẩm, Thạch Lam đã đặt nhân vật vào trong một hoàn cảnh vô cùng oái ăm, mang tính đối lập: từ một chàng trí thức giàu có, sung sướng; Sinh trở nên nghèo đói kiệt quệ đến mức không có nổi bữa ăn cho ra hồn. Từ một con người luôn khinh ghét bình dân đến lúc ao ước cuộc sống của họ. Từ một gia đình yêu thương thuận hòa dẫn đến cãi vã, đuổi đi, tan tác. Tất cả chỉ do cái đói. Tình huống truyện éo le, có vấn đề, đòi hỏi chính nhân vật phải đưa ra những cách giải quyết để giải cứu cho chính số phận của mình. Và cũng chính từ đó mà tính cách và các phẩm chất của nhân vật được bộc lộ rõ nét nhất: sự ích kỉ gia trưởng của Sinh, sự hi sinh và yêu thương của Mai.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo của Thạch Lam. Trong tác phẩm này, chỉ qua một vài đoạn đi sâu vào thể hiện cảm xúc của Sinh đã thấy được tài năng của Thạch Lam trong xây dựng nhân vật, miêu tả tâm lí nhân vật. Khi nằm trên gác mà lắng nghe mọi âm thanh của cuộc sống phía dưới, vào đúng bữa cơm chiều, khơi gợi lại suy nghĩ trước đây và hiện tại của Sinh về những người nghèo khổ bình dân…có thể thấy được sự tinh tế của tác giả, vì đã nắm bắt được mọi cung bậc cảm xúc, sự thay đổi tâm trạng dù là nhỏ nhất của nhân vật; từ đó làm nổi bật dụng ý nghệ thuật của hình tượng nhân vật. Đoạn miêu tả sự giận dữ của Sinh khi phát hiện vợ chàng đi làm gái để lấy tiền mua đồ ăn; sự đấu tranh nội tâm gay gắt giữa việc có nên bỏ qua lòng tự trọng để ăn những thức ăn được mua từ “những đồng tiền dơ bẩn” với hiện thực là cái đói đang dày vò ghê gớm… Từ sự miêu tả cận cảnh tâm lí đầy sắc sảo này đã thấy được nét rất riêng trong phong cách xây dựng nhân vật của Thạch Lam, đó là đi sâu vào khắc họa nội tâm và cảm giác của nhân vật.

Thạch Lam còn gây ấn tượng với người đọc bởi chất văn nhẹ nhàng thấm thía, lời văn chân thực, gần gũi, giản dị. Giọng điệu lúc tâm tình nhẹ nhàng, có lúc lại trở nên rất sâu sắc và chân thành. Cùng với đó là nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn và các chi tiết, hình ảnh cũng được được chọn lọc rất kĩ càng. Diễn biến truyện hợp lí theo sát tâm trạng của nhân vật. Chính nhờ những yếu tố nghệ thuật ấy, mà tác phẩm đã tạo nên được những dấu ấn riêng biệt.

Nhận xét về các tác phẩm của Thạch Lam, Hà Văn Đức đã từng cho rằng: “Trái tim Thạch Lam đã không biết bao lần thổn thức trước những thân phận nhỏ bé, khổ đau ở cõi đời này”. Quả thật, đúng như vậy, Thạch Lam là một trong những nhà văn lớn thường hay dùng ngòi bút của mình để cảm thương cho số phận của những con người nhỏ bé, bất hạnh trong xã hội. Và “Đói” chính là một trong những tuyệt tác văn học thể hiện điều đó. Truyện ngắn là một câu chuyện rất ý nghĩa, sự thấm đẫm chất nhân văn là một trong những lí do giúp tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc bao thế hệ.

3. Tác phẩm Đói

Một cơn gió lọt vào làm Sinh tỉnh giấc. Anh ta thấy cái hơi lạnh của mùa đông thấm qua lần chăn mỏng, và thấy người mệt mỏi vì suốt đêm đã co quắp trên chiếc phản gỗ cứng.

Sinh cuốn chăn ngồi dậy. Thế là, cũng như những buổi sáng khác, một cái buồn rầu chán nản, nặng nề ở đâu đến đè nén lấy tâm hồn.

Những đồ vật quanh mình ẩn hiện trong bóng tối lờ mờ khiến Sinh lại nghĩ đến cái cảnh nghèo nàn khốn khó của chàng. Một cái bàn con xiêu vẹo bên góc tường, một cái chõng tre đã gẫy dăm ba nan, một cái ấm tích mất bông và mấy cái chén mẻ, nước cáu vàng... Trong cùng, một cái hòm da, dấu vết còn lại, của cái đời phong lưu độ trước...

Tất cả đồ đạc trong căn phòng chỉ có thế. Mà đã lâu lắm, quanh mình Sinh vẫn chỉ có những thứ đồ tồi tàn ấy, đã lâu lắm chàng đến ở cái căn phòng tối tăm, ẩm thấp này. Những ngày đói rét không thể đếm được nữa. Tiếng gió vi vút qua khe cửa ban đêm chàng nghe đã quen, cả đến cái mệt mỏi lả đi vì đói, chàng cũng đã chịu qua nhiều lần rồi.

Sinh thở dài. Chàng nhớ lại cái ngày bị thải ở sở chàng làm, cái giọng nói quả quyết và lạnh lùng của ông chủ, cái nét mặt chán nản, thất vọng của mấy người anh em cùng một cảnh ngộ với chàng... Từ lúc đó, bắt đầu những sự thiếu thốn, khổ sở, cho đến bây giờ...

Một tiếng guốc ngoài hè làm cho Sinh ngẩn lên trông ra phía cửa: vợ chàng về. Nàng vén cái màn đỏ treo ở cửa bước vào. Sinh thoáng trông cái thân hình của vợ in rõ trên nền sáng, một cái thân thể mảnh giẻ, gầy gò trong chiếc áo the mỏng phong phanh. Cảnh tượng ấy làm cho chàng xót thương...

Vợ chàng đi lại cạnh giường, yên lặnh nhìn Sinh không nói gì.

Sinh vơi lấy tay nàng kéo xuống bên mình, âu yếm hỏi :

- Em đi đâu mà sớm thế?

- Em lại đằng bà Ba ở cuối phố vay tiền.

Thế có được không?

Vợ Sinh nhìn chồng, thở dài lắc đầu :

- Ai cho chúng mình vay bây giờ. Bà ấy còn nhớ đâu đến khi trước vẫn nhờ vả mình.

Sinh buồn rầu, nói một cách chán nản:

- Thói đời vẫn thế, trách làm gì. Nhưng bây giờ làm thế nào?

Chàng nghĩ đến cái thạp gạo đã hết, mà trong túi không còn được một đồng xu nhỏ... Đã hai hôm nay, chàng và vợ chàng thổi ăn bữa gạo cuối cùng, đã hai hôm, cái đói làm cho chàng khốn khổ...

- Làm thế nào?

Vợ chàng nhắc lại câu hỏi ấy, rồi cúi mặt khóc. Một mối tình thương tràn ngập vào trái tim chàng như một làn sóng mạnh. Sinh nắm chặt lấy tay vợ ôm vào lòng, đắm đuối, thiết tha. Chàng chỉ muốn chết ngay lúc bấy giờ để tránh khỏi cái nghèo khốn khó, nặng nề quá, đè ở trên vai...

Buổi chiều đến đem theo những cơn gió lạnh lùng. Sinh bắc ghế ra cái hiên nhỏ trước cửa phòng, tựa vào bao lơn nhìn xuống nhà... Chỗ chàng thuê ở là một căn nhà hẹp và dài, chia làm nhiều phòng. Mỗi gian phòng là một gia đình che chúc ở, toàn là những người nghèo buôn bán ở các nơi.

Giờ này là giờ họ làm cơm. Trong thấy họ tấp nập làm lụng, Sinh lại nghĩ đến cái bếp nhà mình bây giờ vẫn còn tro lạnh, chàng lại lo không biết vợ đi từ sáng đến giờ sao mãi không thấy về, mà về không biết có đem cái gì không, hay lại chỉ một mối thất vọng như nhiều lần...

Nghĩ đến, Sinh lại đem lòng thương, thương người đàn bà xưa nay vẫn quen thói đài điếm phong lưu, mà bây giờ phải chịu khổ vì chàng... Hai bên gặp gỡ nhau trong một tiệc rượu dưới xóm cô đầu. Hồi ấy, chàng còn là một người có việc làm, còn là một người có lắm tiền. Quen biết nhau, rồi yêu mến nhau, chàng đã chẳng quản sự ngăn trở của nhà lấy nàng về. Đôi vợ chồng đã cùng nhau sống những ngày sung sướng, ái ân, những ngày còn để lại trong trí chàng một kỷ niệm êm đềm, mà mỗi khi nghĩ tới, chàng không khỏi bồi hồi. Rồi sự nghèo nàn đến, đem theo những cái nhọc nhằn, khổ sở, đem theo những ngày đói rét.

Tuy vậy, sự khổ sở chàng nhận thấy không làm cho vợ chàng bớt tình yêu đối với chàng. Cũng vẫn nồng nàn, đằm thắm như xưa, cái ái tình của đôi bên chỉ có thêm màu cay đắng vì xót thương nhau.

Cái hình ảnh một thân thể yếu đuối, mảnh giẻ in trên nền trời sáng buổi sớm mai lại thoáng hiện ra trước mắt Sinh. Chàng nhớ lại cái thất vọng không vay được tiền, đôi con mắt buồn rầu, đắm đuối nhìn chàng như ngụ biết bao nhiêu âu yếm, bao nhiêu hy sinh.

Một cơn gió đến làm cho Sinh thấy lạnh buốt tới xương. Chàng thấy đói, một sự đói vô cùng như trong đời chàng chưa thấy bao giờ. Đói như cào ruột, làm người chàng mệt lả đi, mắt hoa lên, trong vật gì cũng lờ mờ như lay động.

Khi còn đủ ăn, đủ mặc, chàng không hề để ý đến cái đói, không bao giờ nghĩ đến. Bây giờ chàng mới được hiểu biết cái đói như thế nào. Chàng rùng mình khi nghĩ đến trước cái mãnh liệt của sự đói, chàng cảm thấy sự cần dùng của thân thể tràn áp đuợc hết cả những lệ luật của tinh thần.

Mùi xào nấu đồ ăn ở dưới sân nhà đưa lên làm cho chàng khó chịu vô cùng. Sinh cúi đầu trên bao lơn nhìn xuống xem họ làm bữa cơm chiều. Các thức ăn tuy tầm thường, nhưng Sinh lấy làm lạ rằng chàng chưa bao giờ thèm muốn những cái đó như chàng thèm muốn bây giờ. Mấy miếng đậu vàng trong chảo mỡ phồng dần trên ngọn lửa, mấy con cá rán bắt đầu cong lại làm cho chàng ao ước đến rung động cả người...

Không bao giờ chàng thèm muốn như bây giờ cái miếng ăn kia.

Trước kia, khi nghe chuyện người ta tranh giành nhau vì miếng ăn, chàng vẫn mỉm cười khinh bỉ. Chàng cho rằng miếng ăn là một sự không đáng kể, chỉ có cái thanh cao trong sạch của linh hồn mới là cần. Nhưng bây giờ, trong cái phút đói này, chàng mới thấy rõ cái cần mạnh mẽ của miếng ăn là thế nào.

Và chàng, trước kia phong lưu trưởng giả, trước kia khi đi qua đám bình dân bẩn thỉu và nghèo nàn này, chàng vẫn khinh và tự hỏi không biết họ sống để làm gì, sống để mà khổ sở, để mà đói rét, không biết sống đối vơi họ có ý nghĩa gì mà còn ham mê quyến luyến. Bây giờ chàng lại ao ước được một miếng ăn như họ để sống qua cái rét mướt bây giờ...

Một bàn tay nhẹ nhàng để lên trên vai Sinh quay lại, vợ chàng tươi cười, giơ ra trước mặt mấy cái gói giấy bóng, gọn gàng, sạch sẽ, mà chàng thoáng trông, Sinh cũng nhận biết ngay là những thức ăn được, mà rất ngon, ở các hiệu tây mới có. Mùi thịt ướp và mùi giò thoang thoảng đưa qua. Sinh rung động cả tay khi lần cởi những giây buộc chung quanh.

Chàng sung sướng hỏi:

- Ồ! Ở đâu thế này? Em Mai lấy tiền đâu mà mua thế?

Mai nghe Sinh hỏi:

- Anh cứ ăn đi đã! Ăn cho đỡ đói, rồi em kể chuyện cho anh nghe. Thật là may quá, mà cái bà ấy thực phúc đức quá, anh ạ...

- Ai thế? Kể đi cho anh nghe.

Mai âu yếm nhìn chồng:

- Không, anh cứ ăn đi đã kia. Vừa ăn, em sẽ vừa nói chuyện...

Rồi nàng nhanh nhẹn đặt mấy cái gói giấy lên bàn, mở những tờ giấy bọc ngoài. Sinh nhìn thấy mấy miếng thịt ướp hồng hào, mỡ trắng và trong như thủy tinh, mấy khoanh giò nạc mịn màng, mấy cái bánh tây vàng đỏ...

Mai cất tiếng vui vẻ:

- Thế này nhé, em ở nhà đi cũng là đi liều chứ thật không biết đến nhờ vả ai được. Anh còn lạ gì các bạn hữu bây giờ: họ thấy mình nghèo khổ, thì ai người ta giúp, vì có mong gì mình trả lại người ta được. Vì thế em mới lang thang ngoài phố, nghĩ lúc bấy giờ cực thân quá, anh ạ, chỉ muốn đâm đầu xuống sông cho rảnh...May quá, vừa lúc ấy, lại gặp ngay bà Hiếu, một người quen biết từ trước. Bà trông thấy em, vồn vã hỏi han như người bắt được của...

Mai nói nhanh, liếng thoắng:

- Bà tử tế quá... Cho em vay tiền, lại còn hứa giúp vốn để em buôn bán nữa. Rồi nay mai, em đi buôn cau, anh nhé. Thật không ngờ có bà biết thương người đến như thế...

Sinh sung sướng:

- Nếu không thì chúng ta đành nhịn đói ngày hôm nay. Nhưng sao em mua hoang thế này?

Mai cúi đầu cười, hai má đỏ hồng, mấy sợ tóc rối tung trên trán càng tăng thêm vẻ kiều mỵ của nàng.

Nàng thò tay vào trong túi áo, rút ra một tập giấy bạc, vứt ra trước mặt Sinh rồi nhanh nhẹn vui vẻ bước vào trong nhà.

- Anh đợi em một lát, em đi lấy dao cắt bánh.

Nàng quay lưng đi, Sinh chợt trông thấy trên mặt đất một mảnh giấy gấp rơi xuống đất. Chàng vô tình cúi xuống nhặt lên mở ra đọc:

Em Mai,

Đây, anh đưa em số tiền anh đã hẹn. Em muốn lấy nữa, anh sẽ cho em nốt, nhưng thế nào tối nay em cũng phải đúng hẹn đến đấy, anh đợi...

Tờ giấy trên tay Sinh rơi lúc nào chàng cũng không biết. Một cái sức nặng nề như đè nén lấy quả tim, làm cho chàng ngừng thở. Hình như một giây phút, bao nhiêu cái hy vọng sung sướng của đời chàng tan đi mất.

Sinh tưởng có thể chết ngay trong lúc ấy. Cái đau đớn chàng cảm thấy thấm thía, và sâu xa quá.

Còn mong gì đó là một sự không thật, một giấc mộng nữa. Không còn phải ngờ vực gì, cái số tiền kia chính là cái số tiền bên trong thư này. Ai cho vay mới được chứ! Sinh nhớ lại những ngày đi hỏi tiền, những buổi trở về thất vọng và buồn rầu, những lời tha thiết và oán hờn của vợ chàng kể lại, về cái lãnh đạm, hững hờ của những người nàng quen biết. Bà Hiếu là bà nào! Chẳng qua là một sự bịa đặt ra để che mắt chàng.

Sinh thấy cơn giận dữ nổi lên mãnh liệt trong lòng; đôi môi chàng tự nhiên nhách lên một cách khinh bỉ, chàng run người lên, khẽ rằn từng tiếng:

- Đồ khốn nạn.

Quả tim buốt như có kim đâm. Sinh nắm chặt lấy thành ghế, nhìn cuốn bạc giấy để trên bàn, nhìn gói đồ ăn đang mở dở rồi cúi mình xuống nhặt tờ giấy gấp lên.

Một lát, yên lặng. Rồi Sinh nghe rõ tiếng tấm màn vải ở cửa vắt lên trước gió, tiếng dép đi nhẹ nhàng, gần đến bên chàng... Sinh cố hết sức cắn môi để đè nén cơn giận dữ đang sôi nổi trong lòng, nắm chặt tay hơn nữa cho khỏi rung động cả người.

Tay vuốt nhẹ trên tóc Sinh, vợ chàng đưng sát hẳn ngay bên người. Nàng giở giấy ra, lấy dao cắt bánh, vui vẻ:

- Anh xem bánh này có ngon không? Em mua ở hàng Trống kia đấy. Miếng thịt ướp này là hạng ngon nhất, em đã phải trả đến năm hào đấy, anh ạ. Để em cắt cho anh nhé. Hinh như anh đói lắm thì phải. Em cũng thế. Thôi chúng ta hãy ăn cho no đã, rồi sẽ liệu sau...

Nàng cắt xong miếng thịt ướp, xếp lên đĩa, tươi cười nói tiếp:

- Kìa, anh ăn đi chứ? Thật là may cho chúng mình quá. Nếu hôm nay em không gặp bà Hiếu thì không biết chúng ta làm thế nào nhỉ?

Nàng vỗ vào vai Sinh, lay chồng:

- Làm thế nào? Lại nhịn như mọi hôm, chứ còn làm thế nào nữa, anh Sinh nhỉ! Anh nên cám ơn bà ta đi. Bà thật là một người tốt, hiền hậu biết thương người. Em vừa mở miệng hỏi, thì bà đã lần ruột tượng đưa ngay cho em 15 đồng tất cả đấy, anh ạ...Cuốn giấy bạc anh chưa đếm à? Em không nói dối anh đâu.

Cái giận của Sinh lên đến cực điểm: chàng không nén nổi nữa. Cái tên bà Hiếu làm chàng uất ức, vì chàng rõ những nhời giả dối của vợ chàng, giả dối một cách khôn khéo, tự nhiên như thật vậy...Mai lại đến nỗi như thế ư? Đôi mắt trong, cái khuôn mặt hiền hậu như thế kia không ngờ lạicó thể giấu được những sự tối tăm như bây giờ...

Vùng mạnh cánh tay, Sinh hất Mai ra xa như người ta hất một con vật đáng ghê sợ. Mai lảo đảo lùi lại sau ngã dúi vào tường, vành khăn tung, tóc xổ. Nàng giương to con mắt ngạc nhiên nhìn chồng:

- Ô hay! Anh làm sao thế?

Sinh cất tiếng cười, hai hàm răng rít lên, cái tiếng cười ghê gớm như tiếng cười của một người điên:

- Làm sao à? Cô lại còn hỏi tôi tại làm sao nữa...Thôi, đừng vờ đi, đừng giả dối nữa...

Sinh mở bàn tay giơ ra tờ giấy gấp đã nát nhàu:

- Thế cái giấy gì đây mới được chứ?

Mai trông thấy mặt xám đi, hai tay ôm lấy đầu, người run lẩy bẩy. Giọng nói của Sinh càng thêm vẻ chế riễu, mỉa mai, chua chát:

- Bà Hiếu tử tế đấy! Úi chà! Nào là bà ấy tử tế, nào là thương người, nào là hiền hậu... Sao không nói, bà ấy hẹn đến đêm nay lại đến nữa.

Mai cúi đầu ôm mặt khóc nức nở. Cái tiếng khóc ấy không làm cho Sinh bớt giận, lại chỉ làm tăng thêm lên như ngọn lửa đổ thêm dầu. Càng nói Sinh lại càng thấy cái giận như sôi nổi, bồng bột trong lòng. Mai sợ hãi nép vào tường, thổn thức, ngập ngừng, khẽ gọi:

- Anh Sinh...Anh...

Sinh như không nghe thấy tiếng, nói luôn:

- Cô còn khóc làm gì nữa... Cô đi ngay đi, đi ra khỏi cái nhà này, tôi không muốn thấy mặt cô một phút nào nữa. Cô cầm lấy cái này...

Sinh giơ tay vơ cuốn giấy bạc trên bàn ném mạnh vào người Mai; giấy bạc tung ra rơi lả tả trên thềm. Chàng hất cả mấy gói đồ ăn xuống đất, những mẫu bánh, miếng thịt bắn tung tóe dưới bàn...

- Không ai thèm ăn những thứ khốn nạn này!

Rồi chàng mệt nhọc ngả người trên ghế, hai tay dây mỡ ôm lấy trán, không để ý đến Mai đang sợ hãi giơ tay về phía chàng cầu khẩn, van xin. Rồi nàng nấc lên khóc, kéo vạt áo che mặt, đi ra phía ngoài.

Sinh cúi đầu ngẫm nghĩ; cái giận dữ đã tan đi, đểlại một nỗi buồn rầu chán nản vô cùng. Sinh thấy trong lòng nguội lạnh, một cảm giác lạnh lùng như thắt lấy ruột gan. Nghĩ đến những ngày đói rét khổ sở đã qua, đến mấy năm sống trong cảnh nghèo nàn, Sinh uất ức căm giận cho cái số phận của mình. Nhưng tại sao lại có thêm một sự đau đớn nữa? Tại sao Mai trước kia đã từng bao phen khổ sở cùng chàng, đến bây giờ đem thân bán đi lấy một vài đồng bạc, tại sao Mai lại làm sự khốn nạn như giờ...

Bao nhiêu đau đớn trong tâm can làm Sinh thổ thức, nghẹn ngào. Quả tim không đủ chứa nổi nỗi đau thương, Sinh gục xuống bàn.

Một cơn gió hắt hiu thổi đến làm cho chàng rùng mình. Bỗng nhiên tất cả người chàng chuyển động: chàng vừa thoáng ngửi thấy cái mùi thơm và béo của những miếng thịt ướp mỡ còn dính ở tay.

Cơn đói lại sôi nổi dậy như cào ruột, xé gan, mãnh liệt, ác hẳn cả nỗi buồn. Chàng muốn chống cự lại, muốn quên đi, nhưng không được, cái cảm giác đói đã lan ra cả khắp người như nước triều tràn lên bãi cát. Mỗi lần cơn gió, mỗi lần chàng ngửi thấy mùi ngậy béo của miếng thịt ướp, mùi thơm của chiếc bánh vàng, mũi Sinh tự nhiên nở ra, hít mạnh vào, cái mùi thơm thấu tận ruột, gan, như thấm nhuần vào xương tủy.

Sinh cúi xuống nhìn gói đồ ăn tung tóe dưới bàn, chàng lắm lét đưa mắt nhìn quanh, không thấy Mai đứng đấy nữa... Khẽ đưa tay như ngập ngừng, sợ hãi, Sinh vớ lấy miếng thịt hồng hào.

Sinh ăn vội vàng, không kịp nhai, kịp nuốt. Chàng nắm chặt miéng thịt trong tay, nhây nhớp mỡ, không nghĩ ngợi gì, luôn luôn đưa vào miệng...

Trong gói giấy, đồ ăn đã hết, chỉ còn những cái vụn nhỏ dính trên mặt giấy bóng mỡ. Sinh thấy nóng ran trong bụng. Chàng ưỡn người ra đằng sau khoan khoái thở dài. Nhưng chàng nhớ lại bức thư, cuốn giấy bạc, nhớ lại tiếng khóc thổn thức của Mai nép bên tường, nhớ lại những lời khinh bỉ, mỉa mai, chua xót. Chàng nhớ lại nỗi uất ức, đau đớn của mình...

Một cái chán nản mênh mông tràn ngập cả người. Sinh lấy hai tay ôm mặt, cúi đầu khóc nức nở.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
5 6.597
Phân tích truyện ngắn Đói (Thạch Lam)
Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Đóng
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng