Tài liệu ôn thi giữa kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức
Đề ôn tập thi giữa kì 1 Văn 12 KNTT
Tài liệu ôn thi giữa kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức được Hoatieu chia sẻ trong bài viết sau đây là trọn bộ 5 mẫu đề tham khảo thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 sách Kết nối tri thức có đáp án chi tiết. Đề thi bao gồm 2 phần đọc hiểu và tự luận với ngữ liệu ngoài chương trình sách giáo khoa sẽ giúp các em nâng cao hiểu biết về tri thức Ngữ văn.
Download tài liệu Ngữ Văn 12 thi giữa kì 1
Đề 1
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
TÔI TỰ HỌC
(Nguyễn Duy Cần)
Mục đích của sự học là gì? Học là để mưu cầu hạnh phúc, nghĩa là làm cho mình ngày càng mới, càng cao, càng rộng... Học là để gia tăng sự hiểu biết của mình, mở rộng tâm hồn của mình bằng cách thu nhận sự hiểu biết cùng những kinh nghiệm của người khác. Cũng giống như một đứa trẻ mới sinh nặng chưa đầy ba kí, thế mà càng ngày càng lớn đến năm, sáu chục kí trong khoảng vài mươi năm sau, phải chăng nhờ rút lấy không khí, đồ ăn, đồ uống... mà tiến từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, nghĩa là càng ngày càng mới, càng cao, càng lớn. Bởi vậy tôi cho rằng học cũng như ăn.
Ăn mà không tiêu thì có hại cho sức khoẻ. Học mà không hóa thì có hại cho tinh thần. Cỏ con cừu ăn mà được tiêu, sẽ không còn là cỏ nữa mà là bộ lông mướt đẹp của nó. Dâu con tằm ăn mà được tiêu, sẽ không còn là dâu nữa mà là sợi tơ mịn màng tươi tốt của nó. Người có học thức là người đã thần hóa những cái học của mình. Bởi vậy họ dường như không biết gì cả mà không có cái gì là không biết.
Học mà đến mức quên hết cả sách vở của mình đã học thì cái học ấy mới là “nhập diệu”. Một điều gì học mà mình còn cố nhớ là nó chưa được nhập vào tâm. Chỉ khi nào mình không cần nhớ mà nó vẫn tự nhiên hiển hiện trong tâm trí thì cái học ấy mới gọi là đã được tiêu hóa. Người học đánh máy chữ mà còn để ý tìm từng con chữ, cố nhớ vị trí của từng con chữ là người đánh máy chưa tinh. Người học đi xe đạp mà còn cố để ý đến bàn đạp, cách đạp là người đạp xe chưa thạo. Tôi nhớ lúc còn nhỏ, gần đến ngày thi, tôi băn khoăn nói với cha: “Sao con học nhiều thế mà nay dường như không còn nhớ gì cả. Lòng con như quên hết, không biết lúc thi có nhớ được gì không? Con sợ quá!” Cha tôi cười bảo: “Đấy là con học đã chín muồi rồi. Quên tức là nhớ nhiều rồi đó. Con hãy yên tâm...”. Thật đúng như lời cha, đến ngày thi, giám khảo hỏi đâu, tôi trả lời liền đó một cách dễ dàng hết sức.
Và Herriot cũng từng nói: “Học thức là cái còn lại khi mình đã quên tất cả”. Đó chính là cái diệu pháp của phép học.
(Trích, Tôi tự học, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2022, tr.29-30)
Thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 5:
Câu 1 (1 điểm): Văn bản trên bàn về vấn đề gì?
Câu 2 (1 điểm): Tác giả đã đưa ra dẫn chứng gì để làm rõ luận điểm: “Chỉ khi nào mình không cần nhớ mà nó vẫn tự nhiên hiển hiện trong tâm trí thì cái học ấy mới gọi là đã được tiêu hóa” ?
Câu 3 (1 điểm): Các câu sau có mối liên hệ như thế nào với luận điểm của văn bản?
“Cỏ con cừu ăn mà được tiêu, sẽ không còn là cỏ nữa mà là bộ lông mướt đẹp của nó. Dâu con tằm ăn mà được tiêu, sẽ không còn là dâu nữa mà là sợi tơ mịn màng tươi tốt của nó”.
Câu 4 (1 điểm): Anh/ Chị tâm đắc nhất với mục đích nào của sự học mà tác giả đề cập ở phần đầu văn bản? Vì sao?
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm). Bàn về tự học, tác giả Nguyễn Duy Cần từng nói: “Học đâu phải là công việc của một thời kỳ cắp sách đến trường, mà thực ra là công phu thực hiện suốt một đời người”.
Anh/ chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý kiến trên.
Câu 2 (4,0 điểm). Trong truyện Giăng sáng (sáng tác năm 1943), Nam Cao viết về nhân vật Điền (một nhà văn) như sau:
... Đó là một cái mộng văn chương. Đã có một thời, Điền chăm chỉ đọc sách, viết văn. Điền nao nức muốn trở nên một văn sĩ. Điền nguyện sẽ cam chịu tất cả những thiếu thốn, đọa đày mà văn nhân nước mình phải chịu. Điền vẫn thường bảo với một người bạn cùng chí hướng: Điền sẵn lòng từ chối một chỗ làm kiếm mỗi tháng hàng trăm bạc, nếu có thể kiểm được năm đồng bạc về nghề văn... Nhưng viết luôn mấy năm trời, Điền chẳng kiếm được đồng nào. Trong khi ấy Điền vẫn phải ăn. Nhà Điền kiết xác xơ. Các em Điền không được đi học. Mà cũng không được ăn no nữa. Sự túng thiếu đưa đến bao nhiêu là lục đục. Bố Điền bỏ nhà đi. Mẹ Điền gồng thuê, gánh mướn kiếm tiền nuôi hai đứa con thơ. [...] Điền thấy mình ích kỉ. Sự nghiệp mà làm gì nữa? Bổn phận Điền phải nghĩ đến gia đình. Điền phải gây dựng lại gia đình! Điền phải tạm quên cái mộng văn chương để kiếm tiền.
(Nam Cao, Giăng sáng, in trong Nam Cao – Truyện ngắn tuyển chọn, NXB Văn học, Hà Nội, 2000, tr. 215 – 216)
Còn đây là nhân vật Hộ trong truyện Đời thừa của Nam Cao (sáng tác năm 1943).
Hộ vốn nghèo. Hắn là một nhà văn, trước kia, với cách viết thận trọng của hắn, hắn chỉ kiểm được vừa đủ để một mình hắn sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ. Nhưng bấy giờ hắn chỉ có một mình. Đói rét không nghĩa lí gì đối với gã trẻ tuổi say mê lí tưởng. Lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn mỗi ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả, ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mở hết các tác phẩm khác cùng ra một thời... Thế rồi, khi đã ghép đời Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải chăm lo. Hắn hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền; hắn hiểu những nỗi khổ đau của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách. Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lí, nhưng không thể không nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo đề người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách, hay một đoạn văn kí tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiên răng, vò nát sách mà mắng mình như một thằng khốn nạn...
(Nam Cao, Đời thừa, in trong Nam Cao – Truyện ngắn tuyển chọn, NXB Văn học, Hà Nội, 2000, tr. 253 – 254)
Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh nhân vật Điền và nhân vật Hộ trong hai đoạn trích trên.
HƯỚNG DẪN CHẤM
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu 1 (1,0 điểm). Học sinh xác định được vấn đề nghị luận của văn bản: Văn bản bàn về việc học/mục đích, yêu cầu của việc học.
Câu 2 (1,0 điểm). Tác giả đã đưa ra dẫn chứng:
Người học đánh máy chữ mà còn để ý tìm từng con chữ, cố nhớ vị trí của từng con chữ là người đánh máy chưa tinh. Người học đi xe đạp mà còn cố để ý đến bàn đạp, cách đạp là người đạp xe chưa thạo.
Câu 3 (1,0 điểm). Học sinh cần nhận ra mối liên hệ giữa bằng chứng với luận điểm của văn bản. Hai câu này là những bằng chứng minh họa gần gũi, tiêu biểu được thể hiện một cách logic, sinh động góp phần làm sáng tỏ khía cạnh luận điểm của văn bản: học phải thật nhuần nhuyễn, phải biến tri thức học được thành “tài sản” có giá trị của mình.
Câu 4 (1,0 điểm). Học sinh có thể đưa ra câu trả lời khác nhau (để phát triển bản thân/mở rộng hiểu biết/bồi dưỡng tâm hồn) và có lý giải phù hợp. Ví dụ: Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học là để bồi dưỡng tâm hồn, khơi dậy trong ta những khát vọng cao đẹp, làm cho bản thân “ngày càng mới, càng cao, càng rộng.” Và khi khát vọng được thắp lên, con người sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, nỗ lực nhiều hơn để đạt được điều mình ấp ủ. Mỗi ngày đến với chúng ta là mỗi ngày vui vẻ bởi sự nảy nở của những cảm xúc tích cực, mong muốn được sẻ chia, được yêu thương và thấu hiểu. Cuộc sống tinh thần của chúng ta vì vậy mà trở nên “giàu có” và thi vị hơn.
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Học tập là công việc suốt đời - “Học đâu phải là công việc của một thời kỳ cắp sách đến trường, mà thực ra là công phu thực hiện suốt một đời người.”
b. Thân đoạn: Làm rõ một lí do để bảo vệ quan điểm của bản thân
(1) Giải thích: Việc học không chỉ là công việc được thực hiện ở một giai đoạn nhất định khi ở tuổi đến trường (cách nói hình ảnh là mười năm đèn sách); việc học cần được xác định là rất công phu, bền bỉ, cần được thực hiện trong cả cuộc đời (học suốt đời/ “học, học nữa, học mãi”).
(2) Nêu và làm rõ được một lí do để bảo vệ quan điểm. Ví dụ có thể chọn một trong các lí do gợi ý sau:
+ Để bản thân không bị tụt hậu trước sự bùng nổ mạnh mẽ của lượng tri thức khoa học mà con người phát minh ra;
+ Để bản thân tiến bộ hơn mỗi ngày nhờ việc cập nhật tri thức, mở rộng hiểu biết; chúng ta không thể tiến bộ hơn nếu chỉ dựa vào những gì đã biết;
+ Để góp phần vào sự tiến bộ của xã hội; xã hội được tạo nên từ những cá nhân; khi mỗi cá nhân tích cực học tập để phát triển bản thân sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả xã hội. Nêu ngắn gọn một vài bằng chứng để làm rõ lí lẽ.
(3) Bình luận: Học suốt đời không nên hiểu chỉ hướng tới đích đến là kiến thức và bằng cấp mà điều quan trọng là vận dụng những kiến thức ấy trong cuộc sống (học trong nhà trường, học ở ngoài đời, mọi lúc, mọi nơi); tất cả mọi người - kể cả những người lao động giản đơn cũng đều cần học; học để hành; học và tự học suốt đời không chỉ là yêu cầu mà còn là quyền lợi của con người; việc tự học suốt đời vì vậy góp phần thúc đẩy quyền công dân, phát triển năng lực hòa nhập của mỗi cá nhân trong thời kỳ “thế giới phẳng” toàn cầu...
c. Kết đoạn: Cần có nhận thức và hành động đúng đắn trong việc học; tự giác tích cực học ở mọi nơi, mọi lúc,...
Câu 2 (4,0 điểm)
Bài viết cần nêu được các ý chính sau đây:
a) Mở bài: Dẫn dắt, khái quát điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nhân vật Điền và Hộ trong hai đoạn trích.
b) Thân bài:
b.1. Nêu ngắn gọn những hiểu biết chung về nhà văn Nam Cao và hai truyện ngắn: Giăng sáng, Đời thừa (cùng viết năm 1943, trước Cách mạng tháng Tám 1945).
b.2. So sánh hai nhân vật trong hai đoạn trích
– Điểm giống nhau:
+ Về nội dung: Cả hai nhân vật đều là những người trí thức (nhà văn), coi trọng nghề nghiệp; sống có lí tưởng và hoài bão; coi khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất; chấp nhận khó khăn, thử thách để mong có được sự nghiệp mà mình mong muốn; biết sống vì người khác;... Tuy nhiên, họ lại rơi vào bi kịch: gia cảnh nghèo khó, phải làm những việc mình không mong muốn để kiếm tiền.
+ Về nghệ thuật: cả hai đoạn văn đều sử dụng kết hợp phương thức tự sự với biểu cảm, đều sử dụng điểm nhìn toàn tri (ngôi kể thứ ba), nhập vai vào nhân vật, với hình thức ngôn ngữ nửa trực tiếp, tập trung khắc hoa bối cảnh và những nghĩ suy, dằn vặt của nhân vật.
– Điểm khác nhau:
+ Nhân vật Điền: Không kiếm được đồng nào nhờ việc viết lách trong khi vẫn phải ăn, nhà Điền thì nghèo kiết xác và lục đục; không dám theo đuổi sự nghiệp để kiếm tiền lo cho gia đình; tự nhận thấy mình ích kỉ trong mối quan hệ với người thân.
+ Nhân vật Hộ: Có cả một gia đình phải chăm lo, tốn nhiều thì giờ vào những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lí nhưng không thể không nghĩ tới; phải viết văn, viết báo một cách cẩu thả để kiếm tiền (khác với sự thận trọng trước kia); tự thấy mình là một kẻ khốn nạn trong nghề nghiệp.
b.3. Đánh giá
– Thông qua hai nhân vật, Nam Cao khái quát được đặc điểm tiêu biểu của người trí thức và bi kịch của họ trong xã hội cũ: có có phẩm chất và lí tưởng cao đẹp nhưng bị "cuộc sống áo cơm ghì sát đất", rơi vào bi kịch và bị tha hóa. Qua hai nhân vật, nhà văn thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của mình.
– Thể hiện tài năng của nhà văn Nam Cao trong việc xây dựng, khắc họa hình tượng nhân vật người trí thức trong xã hội cũ.
c) Kết bài: Nêu ấn tượng sâu đậm về hai nhân vật hoặc về tư tưởng của nhà văn thể hiện qua việc khắc họa hai nhân vật. Cũng có thể nêu những băn khoăn, trăn trở của bản thân được gợi ra từ đặc điểm của các nhân vật này.
Để xem toàn bộ 5 đề ôn tập thi giữa kì 1 Văn 12 KNTT mời các bạn sử dụng file tải về trong bài.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.
Tham khảo thêm
Dạng đề so sánh 2 đoạn thơ
(2 đề) Cuộc chia ly màu đỏ đọc hiểu
So sánh, đánh giá nét tương đồng và khác biệt giữa Bí ẩn của làn nước và Sống chết mặc bay
Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện lớp 12
Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức
So sánh nhân vật Điền và Hộ trong hai đoạn trích
Thuyết trình về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ
So sánh 2 tác phẩm truyện Tư cách mõ và Đêm làng Trọng Nhân
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tài liệu ôn thi giữa kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức
77,3 KB 05/11/2024 10:25:00 SAGợi ý cho bạn
-
Bên kia sông Đuống đọc hiểu
-
Đọc hiểu Đất nước ở trong tim
-
(Cực hay) Sơ đồ tư duy Văn 12 PDF
-
So sánh cảm hứng về đất nước trong Đất nước và Việt Bắc
-
(Chính thức) Đề thi thử Văn Sở Nghệ An 2024 có đáp án
-
Trình bày về so sánh đánh giá hai tác phẩm truyện trang 41
-
Bộ đề minh họa Ngữ văn 12 Kết nối tri thức cấu trúc mới 2025
-
Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn Hải Dương 2024 (lần 1)
-
Suy nghĩ về ý nghĩa của việc theo đuổi ước mơ
-
Phân tích quan điểm sống của Trương Ba và Đế Thích
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27