Kể về một chuyến đi thăm Lăng Bác lớp 8

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền cũ của tòa lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Bác chủ trì các cuộc mít tinh lớn và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lăng được xây dựng nhằm thỏa lòng nguyện vọng và tình cảm của người dân khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, rằng một ngày đất nước thống nhất sẽ ra Hà Nội thăm Bác. Trong bài viết dưới đây, Hoatieu.vn xin gửi đến bạn đọc một số mẫu bài văn Kể về một chuyến đi thăm Lăng Bác thuộc chương trình Ngữ văn lớp 8 để giúp các bạn hiểu rõ hơn về địa danh này và cách làm một bài văn thuyết minh nhé.

1. Dàn ý kể lại một chuyến đi tham quan Lăng Bác

Đây là dàn ý chung của một bài văn thuyết minh về một chuyến đi tham quan Lăng Bác. Bài văn sẽ đứng ở góc độ người viết miêu tả về chuyến hành trình của mình và những cảm xúc khi đến thăm Lăng Bác.

Mở bài:

– Giới thiệu về lí do em được đến thăm lăng Bác: nhà trường tổ chức, bố mẹ/người thân cho đi...

– Cảm xúc khi sắp được đến thăm lăng Bác.

Thân bài:

– Khái quát về chuyến hành trình (nếu có)

– Khái quát về khung cảnh ở lăng Bác:

+ Không gian, quang cảnh bên ngoài.

+ Con đường dẫn vào lăng.

+ Ấn tượng khi bước vào trong lăng, hình ảnh Bác Hồ trong lăng.

+ Em có cảm xúc gì khi nhìn thấy Bác Hồ.

Kết bài:

– Nếu những suy ngẫm của em về chuyến đi.

Các bạn triển khai nội dung bài văn theo mạch cảm xúc và thực tế chuyến hành trình của mình.

2. Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan Lăng Bác

Nội dung do Hoatieu.vn biên soạn, không sao chép qua website khác nhằm mục đích thương mại.

Trong chương trình học môn lịch sử, kế hoạch của nhà trường sẽ giành cho học sinh một buổi trải nghiệm thực tế tại một khu di tích lịch sử. Là học sinh sống giữa thủ đô, nhưng không phải bạn nào cũng đã được tới thăm Lăng Bác. Do đó, sau một hồi thảo luận, lớp chúng tôi quyết định thống nhất, chuyến hành trình tiếp theo của cả lớp sẽ là chuyến viếng thăm Lăng Bác. Các thầy cô cũng đồng ý với ý kiến này và bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi, bắt đầu vào thứ 5 tuần tới.

Biết được tin này, chúng tôi vô cùng háo hức chờ đợi để được vào viếng Bác, chỉ có điều tiếc nuối là do thời gian có hạn, chúng tôi không thể dự lễ thượng cờ và hạ cờ thiêng liêng. Ngày hôm đó, chẳng cần nhờ bố mẹ gọi dậy như mọi khi, tôi tự giác dậy từ rất sớm, chuẩn bị mọi công đoạn vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Thật may thời tiết hôm nay cũng ủng hộ chúng tôi, tiết trời mùa thu Hà Nội trong xanh có nắng, nhưng không phải cái nắng oi ả của mùa hè mà rất mát mẻ, dễ chịu. Mẹ đưa tôi đến trường, tôi vội chào mẹ rồi ùa theo các bạn lên chiếc xe ô tô đã đợi sẵn, theo chân cô giáo ổn định chỗ ngồi, khấp khởi chờ mong cuộc hành trình sắp tới.

Đúng 7h, đoàn xe xuất phát, trên con đường đông đúc người qua lại, chúng tôi tiến thẳng về trung tâm thủ đô, nơi có trái tim của cả nước. Bấy giờ tôi cũng mới để ý, cô giáo của chúng tôi hôm nay cực kỳ duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống. Có thể thấy, cô cũng muốn chuẩn bị cho bản thân thật tươm tất khi đến gặp Người. Cô bắt đầu giới thiệu sơ qua cho chúng tôi hiểu về nguyên nhân vì sao xây dựng lăng, cấu trúc của lăng và dặn dò chúng tôi lát nữa nhớ đi thành hàng, không được xô đẩy, chen lấn.

Hóa ra, trong di chúc, Bác Hồ muốn được hỏa táng và đặt tro cốt tại ba miền đất nước, để Người có thể ngắm non sông đổi thay từng ngày, đến những miền quê mà lúc sinh thời chưa có cơ hội đến. Nhưng thể theo nguyện vọng và tình cảm của người dân, Đảng và Nhà nước đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh để mai sau, người dân cả nước, nhất là người dân miền Nam và du khách quốc tế có dịp tới viếng Bác. Quả thật là một việc làm đúng đắn, nếu ngày đó không xây dựng Lăng Bác, sao hiện tại lớp con cháu như chúng tôi có thể đến viếng Bác, mà chỉ có thể tiếc nuối tìm hiểu về Bác qua những trang sách mà thôi.

Không mất nhiều thời gian, xe của chúng tôi đã tiến vào đường Độc Lập, con đường có cái tên đầy cảm xúc của ngày toàn thắng, như để báo công cho Bác biết, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, nhân dân Nam Bắc sum vầy. Mở ra trước mắt tôi là không gian rộng lớn của quảng trường Ba Đình lịch sử. Không bạn nào cất tiếng, ai cũng cùng hướng về một hướng, đó là Lăng Bác, chắc hẳn các bạn cũng đang có cảm xúc như tôi, háo hức, chờ mong và cũng có phần bồi hồi. Theo chân cô giáo, chúng tôi xếp thành hai hàng tiến vào Lăng. Hôm nay không phải cuối tuần nhưng vẫn có rất đông các đoàn khách ra vào. Không chỉ là khách quốc tế, mà còn có cả đoàn của các bác, các ông cựu chiến binh, quân nhân, các bà các cô thướt tha trong tà áo dài... Tất cả tạo nên một khung cảnh đầy màu sắc mà cũng chan chứa tình yêu thương, mọi người đang hướng về Bác, hướng về vị lãnh tụ xuất sắc của dân tộc.

Giữa quảng trường Ba Đình rộng lớn, lăng Bác tọa lạc ở giữ với tư thế uy nghi nhưng không hề xa cách. Xung quanh lăng là màu xanh của cây cối và những nhành hoa tực rỡ, thoang thoảng hương thơm theo chiều gió. Dòng xe cộ đông đúc ngoài kia dường như chẳng hề ảnh hưởng đến không gian trong lành, thanh tịnh nơi đây. Tôi quan sát kỹ từng gốc cây nhành lá, bởi chúng như chứng nhân của lịch sử, tự chúng mang trong mình một sự kiện lịch sử riêng. Có cây là do nhân dân ở vùng miền nào đó trên dải đất hình chữ S gửi tặng, có cây do lãnh đạo của một đất nước xa xôi kính biếu. Chúng hội tụ ở đây, kết tinh tình cảm của mỗi một con người dành cho Bác Hồ.

Sau chặng đường dài, cả lớp chúng tôi đã tiến vào lăng. Không khí bên trong trang nghiêm, tĩnh mịch, Dù có rất đông người bên trong, nhưng ai cũng đi nhẹ nói khẽ, cùng hướng tầm nhìn về nơi Bác yên nghỉ, bước chân chậm rãi đầy luyến tiếc. Bác nào đó chìm trong giấc ngủ an lành, nét mặt tĩnh lặng nhưng vẫn có thể nhìn ra sự đôn hậu, nghiêm cẩn của một vị lãnh tụ giải phóng dân tộc. Nhìn thấy Bác, trái tim tôi tựa như hẫng một nhịp, khó lòng để hình dung cảm xúc của bản thân hiện tại như thế nào. Tôi cũng như các bạn, cố bước thật chậm để ngắm Bác kĩ hơn, nhưng con đường ngắn ngủi trong lăng đã kết thúc. Ra khỏi lăng, các thầy cô dẫn chúng tôi đi thăm quan nhà sàn, ao cá Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh... Nhưng thật lạ, có lẽ dư âm của cuộc hội ngộ ban nãy với người Bác kính yêu đã khiến chúng tôi càng thêm xúc động khi tận mắt chiêm ngưỡng những kỉ vật của Người. Ôi một vị lãnh tụ nhưng đồ dùng sinh hoạt sao lại giản dị đến thế, một đôi dép cao su, chiếc gậy tre, bộ quần áo vải bạc màu, chiếc mũ cối sờn chỉ, chiếc bàn làm việc giản đơn, máy đánh chữ đời cũ... Tất cả chỉ có thể, những kỉ vật như thước phim tua chậm, giúp chúng tôi hình dung về cuộc sống thường ngày của Bác. Dường như hình ảnh Bác ngồi làm việc vẫn còn đó, trong trái tim tôi dâng lên lòng cảm phục, thương tiếc, ánh mắt tôi bỗng nhòa đi khi nghe thấy tiếng loa phát thanh, thông báo tin Bác mất năm 1969. Lạ thay, tôi như trở thành những thiếu nhi năm ấy khóc mãi dưới làn mưa đưa tiễn Bác về với Các Mác, Lênin.

Gần trưa, đoàn xe chúng tôi tạm biệt Bác, tạm biệt các anh lính gác lăng để về trường. Ngồi trên xe, chúng tôi dí dủm câu chuyện về chuyến đi vừa qua, chia sẻ cho nhau những điều cảm thấy ấn tượng nhất. Chuyến đi viếng Lăng Bác ý nghĩa này đã để lại trong trái tim tôi thật nhiều cảm xúc và trải nghiệm quý giá. Nhớ về Bác, tôi tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để trở thành con ngoan trò giỏi, học tập tốt, công tác tốt, đưa non sông Việt Nam sánh ngang với các cường quốc năm châu như Bác kỳ vọng. Biết đâu đấy, ở một ngày không xa tôi sẽ lại đến thăm Bác để báo công với Người về những kết quả bản thân đã cố gắng đạt được.

3. Bài văn thuyết minh về Lăng Bác

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỉ nhưng nỗi xót thương và niềm yêu kính của mỗi người dân Việt Nam dành cho Bác Hồ – vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam – chưa bao giờ nguôi cạn. Nhớ đến người, những dòng người hướng về lăng Bác tưởng như không bao giờ dừng lại.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quần thể lăng gồm quảng trường Ba Đình, khu nhà sàn, vườn cây,... sau hai năm xây dựng, ngày 29/8/1975 đã được khánh thành. Mặt chính của lăng nhìn ra hướng đông là Quảng trường Ba Đình. Lăng gồm ba lớp với chiều cao 21,6 mét. Lớp dưới kết cấu bậc nhiều cấp, có lễ đài dành cho đoàn chủ tịch khi mít tinh. Phần giữa là kết cấu trung tâm của lăng, gồm phòng thi hài, hành lang, cầu thang lên xuống. Phần trên là mái lăng được tạo dáng cách điệu bông sen nở. Mặt chính lăng có dòng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng ngọc màu mận chín.

Lăng là nơi lưu giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cha già dân tộc, người đã được UNESCO tặng danh hiệu Danh nhân Văn hóa thế giới và Anh hùng giải phóng dân tộc nhân kỷ niệm 100 ngày sinh (1890 – 1990). Công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết quả lao động sáng tạo của nhiều nhà khoa học và công nhân hai nước Việt Nam – Liên Xô tỏ lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh và là sản phẩm của tình hữu nghị Việt – Xô.

Lăng Bác quay về hướng Đông để đón ánh mặt trời, trước cửa lăng là quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi đây, ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã chứng kiến những giờ phút thiêng liêng nhất của dân tộc khi Hồ Chí Minh đứng trước quốc dân đồng bào đọc "Tuyên ngôn Độc lập" công bố với thế giới nền độc lập lâu bền của dân tộc Việt Nam ta. Quảng trường Ba Đình dài 320m, rộng 100m, chia thành 240 ô cỏ xanh tươi là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, là nơi nhân dân đến dự các buổi lễ trọng thể. Phía tây của Quảng trường là khu lưu niệm Hồ Chủ tịch. Tại đây còn có Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngôi nhà sàn là nơi ở của Người, hồ cá, vườn cày, rặng dừa, những hàng rào dâm bụt. Tất cả đã đi vào thơ ca Việt Nam:

"Anh dẫn em vào cõi Bác xưa

Vườn xoài hoa trắng nắng đu đưa

Có hồ nước lặng sôi tôm cá

Có bưởi cam thơm mát bóng dừa".

(Tố Hữu)

Trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, có một con đường hẹp trải sỏi, hai bên trồng xoài dẫn tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn bình dị, nằm giữa những vòm cây. Hàng rào dâm bụt bao quanh nhà, cổng vào kết bằng cành cây đan xen nhau. Đó là ngôi nhà Bác Hồ ở và làm việc từ ngày 17-5-1958 cho tới khi Người qua đời. Tầng dưới nhà sàn là nơi Bác thường họp với Bộ Chính trị. Tầng trên là hai phòng nhỏ, nơi Bác làm việc và phòng ngủ với những vật dụng đơn sơ giản dị. Trước nhà là ao cá Bác nuôi, bên bờ ao là các loài hoa phong lan nở quanh năm.

Sau nhà là vườn quả với hàng trăm loài cây quý do các địa phương đưa về trồng, như cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu Bác nàm 1954, bưởi Phúc Trạch, Biên Hòa, Mê Linh; cam Hải Hưng, Xuân Mai, Vần Du, Xã Đoài; quýt Hương Cần, Lý Nhân; táo Thiện Phiến, Ngọc Hồ, song mai Đông Mỹ; hồng Tiên Điền (quê hương nhà thơ Nguyễn Du). Trong vườn còn có cả những loại cây từ nước ngoài như ngàn hoa, cây bụt mọc quanh ao, cây cau vua gốc từ Caribê...

Nhân dân từ mọi miền đất nước cũng như du khách quốc tế đến thủ đô Hà Nội, ai cũng muốn đến viếng lăng, thăm nhà ở của Bác và đi dạo quanh Quảng trường Ba Đình lịch sử. Nhắc đến lăng Bác, lòng người lại rưng rưng trong niềm thương nhớ:

"Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dăng bảy mươi chín mùa xuân"

(Viếng lăng Bác" — Viễn Phương)

4. Kể về trải nghiệm đi thăm Lăng Bác ngắn nhất

Nhân dịp ra Hà Nội thăm ông bà, em được bố mẹ đưa vào tham quan lăng Bác Hồ tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Từ xa, em đã trông đã rõ một vẻ uy nghiêm, tráng lệ của lăng Bác trong quảng đất rộng lớn mênh mông. Cây và hoa mọi miền đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ, reo mừng như cơn gió mai đang tô điểm thêm cảnh sắc ở nơi đây. Em và bố mẹ theo dòng người đi vào lăng qua cửa sau. Vừa đặt chân đến thềm lăng, em đã trông thấy hình ảnh cây đào Sơn La có tên người chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu vươn cành, khoe sắc cùng với hoa sứ đỏ tươi của đồng bằng Nam Bộ. Bên trái là hình ảnh cây mai tứ quý, mai vàng năm cánh miền Nam thành đồng tổ quốc và cùng mừng với mai Đỏ của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trên bậc tam cấp, hương thơm thoang thoảng từ vài bông hoa nhài trắng mịn màng, hoa mẫu đơn và hoa ngâu nở chùm tỏa ngát giữa tia nắng mai ấm. Kìa phía bên tay trái có cổng chính, bên trong là vài bông hoa dạ lý hương chưa nở rộ và điểm xuyết những nụ nhỏ. Không khí của lăng rất yên tĩnh và trang nghiêm. Bác Hồ ở đấy cứ như thể đang sống vậy. Khuôn mặt Bác hiền lành tựa y như trong những tấm tranh em đã thấy. Khi tận mắt trông mặt Bác, em thấy rất xúc động. Bác mệt và cũng ngay lúc đấy tất cả chúng tôi đã được đưa ra ngoài. Sau khi thăm lăng Bác xong cô giáo đã dẫn chúng tôi vào tham quan nhà, ao cá của Bác và bảo tàng Hồ Chí Minh. Cô đã nói cho cả lớp biết được những câu chuyện thú vị của Bác Hồ. Đường đến khu vực sau lăng, em cùng bố mẹ theo đoàn người đi vòng phía ngoài lăng. Hướng vào lăng, cạnh hàng dầu nước thẳng là những bông hoa lan độc đáo của miền núi đã trổ lứa đầu. Bên cạnh con đường từ trong lăng đến cổng là những gốc cây chò nâu của đất tổ ở Vinh Phú được đưa về để rải rác khắp trên đường Hùng vương. Đi ra thềm lăng em thấy mười tám cây vạn tuế đại diện cho hàng quân danh dự đang đứng nghiêm trang im lặng trước dòng người vào thăm lăng Bác.

5. Kể về trải nghiệm đi thăm Lăng Bác

Để khen thưởng, động viên cho những học sinh có thành tích tốt trong năm học vừa qua trường cấp hai của tôi tổ chức một chuyến du lịch thay cho phần thưởng sách vở. Tôi đã rất may mắn và hạnh phúc khi mình đã có thành tích học tập tốt và có mặt trong chuyến đi này.

Đây là chuyến du lịch đến thăm lăng Bác, vì vậy tôi rất háo hức và kỳ vọng. Chuyến du lịch của trường tôi chính thức bắt đầu, để đảm bảo đúng lộ trình thì năm giờ sáng chúng tôi đã phải có mặt ở trường, vì lúc ấy trời còn khá tối nên bố đã đưa tôi đến trường, tận khi lên xe thì bố tôi mới yên tâm ra về. Chuyến đi này làm tôi thao thức suốt đêm, mong sao cho trời mau sáng để tôi có thể đến trường.

Đây là lần đầu tiên tôi được đi thăm lăng Bác Hồ. Chuyến xe dừng tại lăng Bác lúc bảy giờ ba mươi phút sáng. Ngay khi bước xuống xe cảm giác đầu tiên của tôi là sự choáng ngợp bởi không gian rộng lớn và sự trang nghiêm, thành kính nơi đây. Đường vào lăng Bác có rất nhiều những chú bộ đội đứng gác lăng, các chú đứng trang nghiêm với khẩu súng trên vai.

Các chú bộ đội là người ngày đêm canh giữ, bảo vệ bình yên cho giấc ngủ của Bác, tuy nhiên những chú bộ đội gác lăng không phải mặc những bộ quân phục màu xanh như ta vẫn thấy, các chú khoác lên mình bộ quân phục màu trắng, chiếc mũ màu trắng nên càng tạo ra sự trang nghiêm, thành kính cho lăng Bác.

Hôm ấy không chỉ có thầy cô và các bạn học sinh đến thăm lăng và còn rất nhiều những đoàn tham quan khác, họ đến từ khắp nơi của Tổ Quốc, đôi khi tôi còn bắt gặp những đoàn tham quan của những du khách nước ngoài, họ được người hướng dẫn viên giới thiệu về lăng Bác cũng như những công lao to lớn của Bác đối với dân tộc Việt Nam.

Nhìn những đoàn tham quan, tôi cũng như các bạn đều tràn ngập cảm xúc tự hào, vì Bác Hồ không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại trong lòng người dân Việt Nam, mà còn là một danh nhân văn hóa thế giới được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, cảm phục.

Nơi chúng tôi đứng đây chính là quảng trường Ba Đình lịch sử, theo như lời của thầy trưởng đoàn thì đây chính là nơi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập trước hàng triệu quốc dân đồng bào, tuyên bố với nhân dân cũng là lời tuyên cáo với Thế giới: nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức ra đời. Đây là một dấu son lịch sử vì nó đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Ngay trước quảng trường là cột cờ, trên đó có treo lá cờ đỏ sao vàng rất lớn bay phấp phới trong gió. Khi chuẩn bị đến giờ mở cửa lăng Bác để tiếp đón đoàn người vào viếng, một nghi thức duyệt binh vô cùng đồng đều và nghiêm trang của các chú bộ đội đã diễn ra. Khi ấy, ánh nhìn của mọi người đều tập trung vào đoàn diễu hành ấy.

Sau lễ duyệt binh, chúng tôi được các thầy cô hướng dẫn xếp hàng để đi vào lăng. Vì khách tham quan rất đông nên hàng người vào viếng cũng rất dài. Dù phải đợi rất lâu dưới trời nắng để đợi đến lượt vào viếng, nhưng chúng tôi cũng như tất cả mọi người có mặt ở đây đều rất nghiêm trang, tỏ thái độ thành kính, tuyệt nhiên không hề có tiếng nói chuyện hay kêu ca gì cả.

Sau thời gian chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng được vào lăng, không gian trong lăng không rộng lắm nhưng không khí lại vô cùng thành kính, thiêng liêng. Chúng tôi đi theo hàng và lần lượt đi qua nơi Bác nghỉ. Bác nằm đấy, đôi mắt hiền từ nhắm lại như đang chìm vào giấc ngủ sâu, miệng Bác như hé một nụ cười. Bác như phát ra vầng hào quang chói lọi, vừa suy nghĩ, vừa gần gũi.

Chuyến tham quan lăng Bác quả thật là một chuyến đi đầy thú vị, lần đầu tiên tôi được đến thăm Bác, được tỏ lòng thành kính, sự kính yêu vô bờ dành cho Bác, người cha già của dân tộc Việt Nam. Cũng qua chuyến đi này tôi cũng được học hỏi thêm được rất nhiều kiến thức bổ ích, về lịch sử Việt Nam, về công lao trời bể của chủ tịch Hồ Chí Minh.

6. Kể về một lần em đi viếng lăng Bác

Cứ mỗi khi hè về, để thưởng cho thành tích học tập tốt trong năm học của hai chị em em thì bố em lại tổ chức một chuyến du lịch, đây cũng là thời gian cả gia đình có điều kiện cùng nhau tham quan, cùng nhau giải trí sau những ngày học tập và lao động mệt mỏi. Sau khi kết thúc năm học, bước vào kì nghỉ hè, bố em đã đưa cả gia đình cùng đi thăm lăng Bác. Chuyến đi này vô cùng lí thú, em không chỉ có thêm những hiểu biết mà còn thêm kính yêu vị cha già dân tộc, người đã đưa cả dân tộc Việt Nam ra khỏi bóng tối của nô lệ, bước tới ánh sáng của tự do, hòa bình.

Trong năm học vừa qua, sau bao nhiêu sự cố gắng, nỗ lực trong học tập và rèn luyện ở trường học, em đã đạt danh hiệu học sinh giỏi. Em vui mừng và tự hào lắm, thành tích này chính là kết quả của sự cố gắng không ngừng của em trong năm học vừa qua. Không chỉ em mà bố mẹ cũng hết sức vui mừng. Như thường lệ, cứ mỗi dịp nghỉ hè thì bố em sẽ thưởng cho cả hai chị em bằng một chuyến du lịch, mỗi năm là một địa điểm thú vị, hấp dẫn. Năm nay, bố em đã quyết định đưa cả nhà đi thăm lăng Bác. Em rất vui mừng và bồi hồi mong chờ khoảnh khắc có thể đặt chân đến lăng Bác.

lăng Bác là nơi Bác yên giấc ngàn thu, tuy đã nghe kể rất nhiều về địa danh này nhưng trực tiếp đến thì em chưa từng. Bởi vậy mà khi nghe bố nói đưa mọi người đến lăng Bác thì em tràn ngập cảm xúc vui tươi, hứng khởi thật khó có thể diễn tả thành Người. Bác Hồ là người mà em vô cùng kính trọng, không chỉ bởi công lao trời bể của Bác đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam, mà đối với thiếu nhi Việt Nam bác cũng rất ân cần quan tâm, chăm sóc, Bác là người mà em luôn kính trọng và ngưỡng mộ. Chuyến đi này hứa hẹn rất nhiều điều lý thú.

Trên đường đi em đã rất háo hức và mong chờ, chỉ mong có thể nhanh chóng đặt chân đến lăng Bác, có thể nhanh chóng vào lăng thăm viếng người cha già của dân tộc Việt Nam. Xe đến nơi, mở ra trước mắt em là một không gian vô cùng rộng lớn, lại có phần trang nghiêm, thành kính. Đối diện với lăng Bác là một khoảng đất rộng, xanh mướt bởi những đám cỏ xanh, theo lời bố em thì đó chính là quảng trường Ba Đình, nơi mà Bác Hồ của chúng ta đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào, tuyên bố nền độc lập của dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trước quảng trường có cột cờ rất lớn, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong gió gợi cho em một cảm xúc tự hào, đây là lần đầu tiên em có cảm giác hân hoan, tự hào và yêu thương đất nước Việt Nam như vậy. Có lẽ bởi chính không gian của lịch sử, không gian hào hùng của dân tộc đã tác động đến nhận thức cũng như tình cảm của mỗi người. Và có lẽ cảm xúc hân hoan tự hào ấy không chỉ em mà tất cả những người đến thăm Lăng đều cảm nhận được.

Hai bên lăng Bác là hai rặng tre xanh thẳng tắp, hiên ngang như chính những người dân Việt Nam kiên cường ngày đêm ở bên Bác. Tre là biểu tượng cho sức mạnh và tinh thần của con người Việt Nam, hình ảnh hàng tre bên lăng càng gợi nhiều ý niệm về truyền thống cũng như tình cảm kính yêu của con người Việt Nam đối với Bác. Nhìn thấy hình ảnh hàng tre bên lăng, em bỗng nhớ đến những câu thơ đầy tha thiết, chân thành của nhà thơ Viễn Phương trong bài thơ “Viếng lăng Bác”:

“Con ở Miền Nam ra thăm lăng Bác
Bỗng thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Trước cửa dẫn vào lăng Bác có các chú bộ đội mặc cảnh phục đứng gác trang nghiêm. Sau khi xếp hàng thì cả gia đình em cũng đã có thể vào lăng viếng Bác. Trong lăng rộng và sáng, em có cảm giác thứ ánh sáng ấy không phải là những ánh điện mà do chính vầng hào quang tỏa ra từ Bác, đến gần nơi Bác yên nghỉ, em có thể nhìn rõ chân dung của Bác, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu của Bác cũng giống như những bức tranh, những tư liệu về Bác mà em từng nhìn thấy nhưng cảm giác đến gần Bác thì cảm xúc chân thực và tình cảm cũng tha thiết hơn rất nhiều.

Bác nằm đó trong giấc ngủ ngàn thu, khuôn mặt Bác yên bình, trên môi là nụ cười hiền từ rất nhẹ, có lẽ Người cũng đã yên tâm khi dân tộc Việt Nam đã được hòa bình, mọi người được sống trong ánh sáng của hạnh phúc. Người cha già dân tộc ấy đã có thể yên tâm để yên giấc ngàn thu, tỏa rạng và luôn hướng theo từng bước đường phát triển của con người Việt Nam

Đây là một chuyến đi vô cùng lí thú, em không chỉ biết đến một địa danh mới mà em cũng nhận thức được rất nhiều điều thú vị, có sự trưởng thành hơn trong tình cảm, đó là sự kính yêu, là cảm xúc tự hào đối với vị cha già dân tộc, đối với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Trên đây là một số mẫu văn kể về một chuyến đi thăm Lăng Bác đáng nhớ. Mời các bạn đón xem các nội dung hữu ích khác tại mục Học tập - Lớp 8 nhé.

Đánh giá bài viết
10 10.476
0 Bình luận
Sắp xếp theo