Tiến trình dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”

Tải về

Bàn tay nặn bột là phương pháp giáo dục đang được quan tâm nhiều hiện nay, tuy nhiên có nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu về phương pháp dạy học này. HoaTieu.vn mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan nhất về phương pháp bàn tay nặn bột (BTNB). Ngoài, bài viết cũng mang đến ví dụ phương pháp bàn tay nặn bột để thầy cô tham khảo nhằm áp dụng vào giảng dạy thực tế.

1. Phương pháp Bàn tay nặn bột là gì?

Phương pháp Bàn tay nặn bột là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm tìm tòi - nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên.

Bàn tay nặn bột chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra...

Cũng như các phương pháp dạy học tích cực khác, Bàn tay nặn bột luôn coi học sinh là trung tâm của quá trình nhận thức, chính các em là người tìm ra câu trả lời và lĩnh hội kiến thức dưới sự giúp đỡ của giáo viên.

2. Tiến trình dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”

5 bước dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột
5 bước dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột

Bước 1: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề

- Là một tình huống do giáo viên chủ động đưa ra như là một cách dẫn nhập vào bài học

- Câu hỏi nêu vấn đề là câu hỏi lớn của bài học.

- Câu hỏi phải phù hợp với trình độ học sinh, gây mâu thuẫn nhận thức và kích thích tính tò mò của học sinh.

- Giáo viên phải dùng câu hỏi mở, tuyệt đối không được dùng câu hỏi đóng.

Bước 2: Bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh

- Giáo viên khuyến khích học sinh nêu những suy nghĩ, nhận thức ban đầu của mình về sự vật, hiện tưởng mới.

- Giáo viên cho học sinh trình bày bằng nhiều hình thức: viết, vẽ, nói, ….

- Giáo viên không nhất thiết phải chú ý tới các quan niệm đúng, cần phải chú trọng đến các quan niệm sai.

Bước 3: Đề xuất câu hỏi hay giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm

3.1 Đề xuất câu hỏi.

- Từ những khác biệt và phong phú về biểu tượng ban đầu, GV giúp HS đề xuất câu hỏi.

- GV cần khéo léo chọn lựa một số biểu tượng ban đầu khác biệt trong lớp từ đó HS đặt câu hỏi liên quan đế bài học.àđể giúp học sinh so sánh

3.2 Đề xuất phương án thực nghiệm nghiên cứu.

- Từ những câu hỏi của HS, GV nêu câu hỏi cho HS đề nghị các em đề xuất thực nghiệm để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi đó.

- GV ghi chú lên bảng các đề xuất của HS để các ý kiến sau không trùng lặp.

- Khuyến khích HS tự đánh giá ý kiến nhau hơn là ý kiến của GV nhận xét.

Bước 4: Tiến hành thực nghiệm tìm tòi – nghiên cứu

- Quan sát tranh và mô hình và ưu tiên thực nghiệm trên vật thật

- Từ những khác biệt và phong phú về biểu tượng ban đầu, GV giúp HS đề xuất câu hỏi.

- GV cần khéo léo chọn lựa một số biểu tượng ban đầu khác biệt trong lớp từ đó HS đặt câu hỏi liên quan đế bài học để giúp học sinh so sánh

Bước 5: Kết luận kiến thức mới

3. Mục tiêu của phương pháp Bàn tay nặn bột?

Mục tiêu của phương pháp Bàn tay nặn bột là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê khoa học của học sinh. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, phương pháp BTNB còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh.

Dạy học khoa học dựa trên tìm tòi nghiên cứu

Dạy học khoa học dựa trên tìm tòi nghiên cứu là một phương pháp dạy và học khoa học xuất phát từ sự hiểu biết về cách thức học tập của học sinh, bản chất của nghiên cứu khoa học và sự xác định các kiến thức cũng như kĩ năng mà học sinh cần nắm vững.

a) Bản chất của nghiên cứu khoa học trong phương pháp BTNB

Tiến trình tìm tòi nghiên cứu khoa học trong phương pháp BTNB là một vấn đề cốt lõi, quan trọng. Tiến trình tìm tòi nghiên cứu của học sinh không phải là một đường thẳng đơn giản mà là một quá trình phức tạp. Học sinh tiếp cận vấn đề đặt ra qua tình huống (câu hỏi lớn của bài học); nêu các giả thuyết, các nhận định ban đầu của mình, đề xuất và tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu; đối chiếu các nhận định (giả thuyết đặt ra ban đầu); đối chiếu cách làm thí nghiệm và kết quả với các nhóm khác; nếu không phù hợp học sinh phải quay lại điểm xuất phát, tiến hành lại các thí nghiệm như đề xuất của các nhóm khác để kiểm chứng; rút ra kết luận và giải thích cho vấn đề đặt ra ban đầu. Trong quá trình này, học sinh luôn luôn phải động não, trao đổi với các học sinh khác trong nhóm, trong lớp, hoạt động tích cực để tìm ra kiến thức.

b) Lựa chọn kiến thức khoa học trong phương pháp BTNB

Việc xác định kiến thức khoa học phù hợp với học sinh theo độ tuổi là một vấn đề quan trọng đối với giáo viên. Giáo viên phải tự đặt ra các câu hỏi như: Có cần thiết giới thiệu kiến thức này không? Giới thiệu vào thời điểm nào? Cần yêu cầu học sinh hiểu ở mức độ nào? Giáo viên có thể tìm câu hỏi này thông qua việc nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa và tài liệu hỗ trợ giáo viên để xác định rõ hàm lượng kiến thức tương đối với trình độ, độ tuổi của học sinh và điều kiện địa phương.

c) Cách thức học tập của học sinh

Phương pháp BTNB dựa trên thực nghiệm và nghiên cứu cho phép giáo viên hiểu rõ hơn cách thức mà học sinh tiếp thu các kiến thức khoa học. Phương pháp BTNB cho thấy cách thức học tập của học sinh là tò mò tự nhiên, giúp các em có thể tiếp cận thế giới xung quanh mình qua việc tham gia các hoạt động nghiên cứu

d) Quan niệm ban đầu của học sinh

Quan niệm ban đầu là những biểu tượng ban đầu, ý kiến ban đầu của học sinh về sự vật, hiện tượng trước khi được tìm hiểu về bản chất sự vật, hiện tượng. Đây là những quan niệm được hình thành trong vốn sống của học sinh, là các ý tưởng giải thích sự vật, hiện tượng theo suy nghĩ của học sinh, còn gọi là các "khái niệm ngây thơ". Biểu tượng ban đầu không phải là kiến thức cũ, đã được học mà là quan niệm của học sinh về sự vật, hiện tượng mới (kiến thức mới) trước khi học kiến thức đó.

Tạo cơ hội cho học sinh bộc lộ quan niệm ban đầu là một đặc trưng quan trọng của phương pháp dạy học BTNB. Biểu tượng ban đầu của học sinh là rất đa dạng và phong phú. Biểu tượng ban đầu là một chướng ngại trong quá trình nhận thức của học sinh. Chướng ngại chỉ bị phá bỏ khi học sinh tự mình làm thí nghiệm, tự rút ra kết luận, đối chiếu với quan niệm ban đầu để tự đánh giá quan niệm của mình đúng hay sai.

Những nguyên tắc cơ bản của dạy học dựa trên cơ sở tìm tòi - nghiên cứu

Dạy học theo phương pháp BTNB hoàn toàn khác nhau giữa các lớp khác nhau phụ thuộc vào trình độ của học sinh. Giảng dạy theo phương pháp BTNB bắt buộc giáo viên phải năng động, không theo một khuôn mẫu nhất định (một giáo án nhất định). Giáo viên được quyền biên soạn tiến trình giảng dạy của mình phù hợp với từng đối tượng học sinh, từng lớp học. Tuy vậy, để giảng dạy theo phương pháp BTNB cũng cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

a) HS cần phải hiểu rõ câu hỏi đặt ra hay vấn đề trọng tâm của bài học. Để đạt được yêu cầu này, bắt buộc học sinh phải tham gia vào bước hình thành các câu hỏi.

b) Tự làm thí nghiệm là cốt lõi của việc tiếp thu kiến thức khoa học

c) Tìm tòi nghiên cứu khoa học đòi hỏihọc sinhnhiều kĩ năng. Một trong các kĩ năng cơ bản đó là thực hiện một quan sát có chủ đích.

d) Học khoa học không chỉ là hành động với các đồ vật, dụng cụ thí nghiệm màhọc sinhcòn cần phải biết lập luận, trao đổi; biết viết cho mình và cho người khác hiểu.

e) Dùng tài liệu khoa học để kết thúc quá trình tìm tòi - nghiên cứu.

f) Khoa học là một công việc cần sự hợp tác.

Một số phương pháp tiến hành thí nghiệm tìm tòi - nghiên cứu

a) Phương pháp quan sát: Quan sát được sử dụng để:

- Giải quyết một vấn đề;

- Miêu tả một sự vật, hiện tượng;

- Xác định đối tượng;

- Kết luận.

b) Phương pháp thí nghiệm trực tiếp

Một thí nghiệm yêu cầu học sinh trình bày nên đảm bảo 4 phần chính:

- Vật liệu thí nghiệm;

- Bố trí thí nghiệm;

- Kết quả thu được

- Kết luận.

c) Phương pháp làm mô hình

d) Phương pháp nghiên cứu tài liệu

4. Dạy "bàn tay nặn bột" cần chú ý những nguyên tắc gì?

1.Học sinh quan sát một vật hoặc một hiện tượng của thế giới thực tại, gần gũi, có thể cảm nhận được và tiến hành thực nghiệm về chúng.

2. Trong quá trình học tập, học sinh lập luận và đưa ra các lý lẽ, thảo luận về các ý kiến và các kết quả đề xuất, xây dựng các kiến thức cho mình, một hoạt động chỉ dựa trên sách vở là không đủ.

3. Các hoạt động giáo viên đề ra cho học sinh được tổ chức theo các giờ học nhằm cho các em có sự tiến bộ dần dần trong học tập. Các hoạt động này gắn với chương trình và giành phần lớn quyền tự chủ cho học sinh.

4. Tối thiểu 2 giờ một tuần dành cho một đề tài và có thể kéo dài hoạt động trong nhiều tuần. Tính liên tục của các hoạt động và những phương pháp sư phạm được đảm bảo trong suốt quá trình học tập tại trường.

5. Mỗi học sinh có một quyển vở thí nghiệm và học sinh trình bày trong đó theo ngôn ngữ của riêng mình.

6. Mục đích hàng đầu đó là giúp học sinh tiếp cận một cách dần dần với các khái niệm thuộc lĩnh vực khoa học, kĩ thuật... kèm theo một sự vững vàng trong diễn đạt nói và viết.

5. Ví dụ về phương pháp Bàn tay nặn bột

Áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong giảng dạy môn Tự nhiên và Xã hội Lớp 2

Để tiết học môn Tự nhiên và xã hội dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” được thành công thì cô và trò chuẩn bị đồ dùng, sưu tầm vật thật. Có được như thế để hình thành cho học sinh niềm say mê khoa học, tự nhiên và sáng tạo là một mục tiêu quan trọng của tiết học. Tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề.

Bước 1 : Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề.

- Đó là một tình huống do giáo viên chủ động đưa ra như là một cách dẫn nhập vào bài học.

- Câu hỏi nêu vấn đề là câu hỏi lớn của bài học.

- Câu hỏi phải phù hợp với trình độ học sinh, gây mâu thuẫn nhận thức và kích thích tính tò mò của học sinh.

- Giáo viên phải dùng câu hỏi mở, tuyệt đối không được dùng câu hỏi đóng.

Ví dụ: + Em hãy kể tên các loài cây mà em biết?.

+ Các loài cây này sống ở đâu?

Bước 2 : Bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh.

- Giúp học sinh nêu nhanh những suy nghĩ, nhận thức ban đầu của mình về sự vật, hiện tưởng mới vào phiếu học tập.

- Giáo viên cho học sinh trình bày bằng nhiều hình thức: viết, vẽ, nói, ….vào phiếu học tập.

- Nhóm trưởng tổng hợp ý kiến của nhóm.

- Đại diện các nhóm trình bày, giáo viên ghi nhanh ý kiến đó lên bảng

Ví dụ: “Bài cây sống ở đâu” - Các suy nghĩ ban đầu của học sinh có thể là:

+ Có loài cây sống trên vườn, trên đồi, trên núi….

+ Có thể có loài cây sống bám vào thân cây khác.

+ Có loài cây sống dưới ruộng, dười biển, dười sông, dưới ao. dưới hồ…

- Để biết cây sống ở đâu em làm thế nào?

- Học sinh nêu đề xuất phương án tìm tòi để tìm hiểu về nơi sống của cây.

- HS quan sát cây thực tế sưu tầm được, quan sát ngoài vườn, hỏi bạn, hỏi bố mẹ, xem trên ti vi, xem trên sách báo...

Bước 3 : Đề xuất câu hỏi hay giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm.

3.1. Đề xuất câu hỏi.

- Từ những khác biệt và phong phú về biểu tượng ban đầu, giáo viên giúp học sinh đề xuất câu hỏi.

- Giáo viên cần khéo léo chọn lựa một số biểu tượng ban đầu khác biệt trong lớp từ đó HS đặt câu hỏi liên quan đến bài học để giúp học sinh so sánh.

- Các nhóm quan sát đồ vật …sưu tầm được, sưu tầm tranh ảnh… và đưa ra thực nghiệm nghiên cứu.

3.2. Đề xuất phương án thực nghiệm nghiên cứu.

- Từ những câu hỏi của học sinh, Giáo viên nêu câu hỏi cho học sinh đề nghị các em đề xuất thực nghiệm để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi đó.

- Giáo viên ghi chú lên bảng các đề xuất của học sinh để các ý kiến sau không trùng lặp.

- Đại diện các nhóm trình bày và đưa ra kết quả thực nghiệm nghiên cứu.

- Khuyến khích HS tự đánh giá ý kiến nhóm bạn.

Bước 4 : Tiến hành thực nghiệm tìm tòi - nghiên cứu

- Quan sát vật.. sưu tầm được ở các nhóm.

- Từ những khác biệt trên học sinh so sánh với dự đoán ban đầu, giáo viên giúp học sinh đề xuất câu hỏi.

Bước 5 : Kết luận kiến thức mới.

- Trong tự nhiên có rất nhiều cây. Cây có thể sống được ở khắp mọi nơi: trên cạn, dưới nước.

- Giáo viên ghi kết luận lên bảng và học sinh nhắc lại.

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục giáo dục đào tạo trong mục biểu mẫu nhé.

Đánh giá bài viết
10 56.859
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm