Cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật hàng tháng” năm 2020

Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch tổ chức các cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật hàng tháng” năm 2020. Sau đây là thể lệ dự thi cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật hàng tháng” năm 2020 và câu hỏi cuộc thi Tìm hiểu pháp luật hàng tháng của tỉnh Tây Ninh được hoatieu.vn sưu tầm và đăng tải,mời các bạn cùng tham khảo.

1. Thể lệ dự thi Tìm hiểu pháp luật hàng tháng 2020

Thể lệ cuộc thi như sau:

1. Về hình thức tổ chức:

- Trong năm 2020, tổ chức 11 cuộc thi, hàng tháng tổ chức 01 cuộc thi, bắt đầu từ tháng 01 năm 2020 đến tháng 11 năm 2020.

- Đối với mỗi cuộc thi tổ chức hàng tháng, Ban Tổ chức sẽ đăng tải các câu hỏi của tháng đó và danh sách thí sinh đạt giải cuộc thi tháng trước, kèm Thể lệ cuộc thi trên Trang “Phổ biến, giáo dục pháp luật”, mục “Thi tìm hiểu pháp luật” tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Tư pháp (https://sotuphap.tayninh.gov.vn). Đồng thời, phát hành văn bản phát động cuộc thi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Thí sinh trả lời các câu hỏi dưới hình thức thi viết (có thể viết tay hoặc đánh máy) trên giấy A4 và gửi về Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật – Sở Tư pháp Tây Ninh (số 302 đường Cách mạng tháng 8, phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; ĐT: 3812647) hoặc gửi về địa chỉ email: baiduthitimhieuphapluat2020@gmail.com trước ngày 20 của tháng.

- Đối với mỗi cuộc thi tháng, 01 thí sinh chỉ được làm 01 bài dự thi (không nhận bài dự thi tập thể).

- Trên bài dự thi ghi rõ thông tin cá nhân: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi công tác, số điện thoại của thí sinh.

- Bài dự thi nộp sau thời gian quy định, trả lời không đầy đủ các câu hỏi của Ban Tổ chức, sao chép lẫn nhau, tập thể làm chung 01 bài dự thi, bài dự thi không ghi thông tin cá nhân là bài dự thi không hợp lệ, không đưa vào chấm thi và không xếp giải.

2. Đối tượng dự thi: Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và Tổ Thư ký không được tham gia dự thi).

3. Nội dung thi: Chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng; pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực.

4. Chấm thi và trao giải:

-Trong ngày 20 của tháng, Tổ Thư ký tổng hợp các bài dự thi trong tháng để Ban Giám khảo chấm. Căn cứ vào đáp án của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo thực hiện việc chấm thi và tham mưu Ban Tổ chức trao giải cho thí sinh đạt giải. Thí sinh đạt giải là người có số điểm cao nhất tính từ trên xuống.

- Nếu có thí sinh bằng điểm, thí sinh nào gửi bài về dự thi sớm hơn sẽ được xếp giải cao hơn. Căn cứ để tính thời hạn gửi bài dự thi của thí sinh như sau:

+ Nếu thí sinh nộp bài dự thi trực tiếp tại Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật – Sở Tư pháp Tây Ninh: sẽ căn cứ vào ngày, giờ nộp; có danh sách ký nhận.

+ Nếu thí sinh gửi bài dự thi qua Bưu điện: sẽ tính theo dấu Bưu điện.

+ Nếu thí sinh gửi bài dự thi qua địa chỉ email baiduthitimhieuphapluat2020@gmail.com: sẽ căn cứ vào ngày, giờ nhận email.

- Ban Tổ chức trao giải cho các thí sinh đạt giải tại Hội nghị tổng kết các cuộc thi tìm hiểu pháp luật năm 2020, dự kiến tổ chức trong tháng 12 năm 2020 (sẽ có Giấy mời thí sinh đạt giải, thông báo cụ thể về địa điểm và thời gian tổ chức).

5. Cơ cấu giải thưởng:

Tại mỗi cuộc thi tổ chức hàng tháng, cơ cấu giải thưởng như sau:

- 01 giải nhất: 600.000 đồng/ 01 giải.

- 02 giải nhì: 400.000 đồng/ 01 giải.

- 03 giải ba: 300.000 đồng/ 01 giải.

- 04 giải khuyến khích: 200.000 đ/ 01 giải.

Thí sinh đạt giải được tặng tiền thưởng và Giấy Chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi.

Lưu ý: Thí sinh cập nhật câu hỏi, đáp án, danh sách thí sinh đạt giải hàng tháng trên:

1. Trang “Phổ biến, giáo dục pháp luật”, mục “Thi tìm hiểu pháp luật” tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Tư pháp (https://sotuphap.tayninh.gov.vn).

2. Hàng tháng Sở Tư pháp có Công văn phát động cuộc thi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Mọi thắc mắc, xin liên hệ Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật – Sở Tư pháp Tây Ninh (ĐT: 3812647) để được giải đáp./.

2. Câu hỏi cuộc thi Tìm hiểu pháp luật hàng tháng 2020

CÂU HỎI CUỘC THI VIẾT TÌM HIỂU PHÁP LUẬT THÁNG 3.2020

(Chủ đề: Pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

Câu 1 (Chọn đáp án đúng nhất). Bệnh truyền nhiễm là gì?

a. Là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

b. Là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

c. a và b đúng.

d. a và b sai.

Câu 2 (Chọn đáp án đúng nhất). Có mấy nhóm bệnh truyền nhiễm?

a. 02 nhóm.

b. 03 nhóm.

c. 04 nhóm.

d. 05 nhóm.

Câu 3 (Chọn đáp án đúng nhất). Các nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm:

a. Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

b. Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

c. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch.

d. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

e. Các nguyên tắc trên.

Câu 4 (Chọn đáp án đúng nhất). Cách ly y tế là:

a. Việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

b. Việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

Câu 5 (Chọn đáp án đúng nhất). Các hình thức cách ly y tế để chống dịch:

a. Cách ly tại nhà.

b. Cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

c. Cách ly tại các cơ sở, địa điểm khác với cơ sở, địa điểm được nêu ở đáp án a và b.

d. Các hình thức trên.

Câu 6.Hãy cho biết chính sách của nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm? Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm gì? Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm? Pháp luật quy định như thế nào về nội dung, đối tượng và yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm? Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm gì trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm?

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Ưu tiên, hỗ trợ đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng.

2. Ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế.

3. Hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

4. Hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm do rủi ro nghề nghiệp và trong các trường hợp cần thiết khác.

5. Hỗ trợ thiệt hại đối với việc tiêu hủy gia súc, gia cầm mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

6. Huy động sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật và nhân lực của toàn xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

7. Mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

Câu 7.Pháp luật quy định như thế nào về việc khai báo, báo cáo dịch? Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân như thế nào? Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch được quy định như thế nào? Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch? Việc huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch được Luật quy định như thế nào?

Điều 47. Khai báo, báo cáo dịch

1. Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

2. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho Uỷ ban nhân dân nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể chế độ khai báo, báo cáo dịch.

Điều 50. Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch

1. Các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bao gồm:

a) Vệ sinh môi trường, nước, thực phẩm và vệ sinh cá nhân;

b) Diệt trùng, tẩy uế khu vực được xác định hoặc nghi ngờ có tác nhân gây bệnh dịch;

c) Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác là trung gian truyền bệnh.

2. Đội chống dịch cơ động có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo quy trình chuyên môn ngay sau khi được Ban chỉ đạo chống dịch yêu cầu.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền; trường hợp không tự giác thực hiện thì cơ quan y tế có quyền áp dụng các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bắt buộc.

Điều 51. Các biện pháp bảo vệ cá nhân

1. Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây:

a) Trang bị bảo vệ cá nhân;

b) Sử dụng thuốc phòng bệnh;

c) Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh;

d) Sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.

2. Nhà nước bảo đảm cho người tham gia chống dịch thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 52. Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch

1. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:

a) Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

b) Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;

c) Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 53. Kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A

1. Các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:

a) Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;

b) Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;

c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;

d) Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

2. Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 54. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch

1. Việc thành lập Ban chỉ đạo chống dịch trong tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 46 của Luật này.

2. Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:

a) Huy động, trưng dụng các nguồn lực quy định tại Điều 55 của Luật này;

b) Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch;

c) Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch;

d) Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

đ) Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch;

e) Tổ chức tẩy uế, khử độc trên phạm vi rộng;

g) Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người;

h) Áp dụng các biện pháp khác quy định tại Mục 3 của Chương này.

Câu 8.Nghĩa vụ của người khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, người hành nghề dược, cơ sở kinh doanh dược khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm được quy định như thế nào? Việc đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận bị xử lý như thế nào?

* Tài liệu tham khảo:

1. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

2. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

3. Luật Dược năm 2016.

4. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử…

Đánh giá bài viết
4 2.206
0 Bình luận
Sắp xếp theo