Thông tư số 04/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn

Tải về

Thông tư số 04/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn.

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

---------------------
Số: 04/2011/TT-BNNPTNT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------------

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2011

THÔNG TƯ
Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn
_________________

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 33 /2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống bệnh dịch tả lợn, cụ thể như sau:

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phòng bệnh, chống bệnh dịch tả lợn và trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động chăn nuôi lợn; vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn; động vật khác cảm nhiễm với bệnh dịch tả lợn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lợn mang trùng: Là trường hợp lợn mang mầm bệnh, nhưng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh.

2. Ca bệnh dịch tả lợn: Là các trường hợp lợn nhiễm vi rút dịch tả lợn và phát thành bệnh với các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích mổ khám bộc lộ rõ, có thể phát hiện thấy bằng mắt thường.

3. Ổ dịch tả lợn: Là sự xuất hiện của một hoặc nhiều ca bệnh dịch tả lợn ở địa bàn một trang trại chăn nuôi hoặc một thôn, ấp.

4. Vùng có dịch tả lợn: là vùng có nhiều ổ dịch dịch tả lợn đã được cơ quan thú y có thẩm quyền xác định.

Điều 4. Giới thiệu chung về bệnh dịch tả lợn

1. Khái nhiệm bệnh: Bệnh dịch tả lợn (Classical Swine Fever) là bệnh truyền nhiễm của loài lợn, gây ra bởi một loại vi rút có cấu trúc ARN thuộc giống Pesti vi rút, họ Flaviridae. Bệnh chỉ xảy ra ở loài lợn (kể cả lợn nhà và lợn rừng) với các thể cấp tính, á cấp tính, mạn tính hoặc dạng không điển hình. Mức độ trầm trọng của bệnh tùy thuộc vào độc lực của vi rút, tuổi của động vật mẫn cảm và thời gian nhiễm bệnh. Lợn trưởng thành thường bị bệnh ít trầm trọng hơn và cũng có nhiều cơ hội phục hồi hơn so với lợn con. Bệnh dịch tả lợn có tốc độ lây lan rất nhanh và tỷ lệ chết đến 90% và thường ghép với bệnh khác như bệnh Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, Đóng dấu lợn, bệnh do Mycoplasma.

Bệnh dịch tả lợn được phát hiện lần đầu tiên năm 1810 ở Tennessce, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận tại bang Ohio Mỹ năm 1833, đến nay đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn vẫn là mối đe dọa nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn ở nhiều nước trên thế giới.

Ở nước ta, bệnh dịch tả lợn được phát hiện vào các năm 1923 - 1924, đến nay vẫn tồn tại phổ biến ở một số nơi. Từ những năm 1980, với việc tiêm phòng vắc xin gây miễn dịch cho đàn lợn đã khống chế được các đợt dịch lớn. Tuy nhiên, cho đến nay bệnh vẫn tồn tại và xảy ra rải rác ở những nơi có lợn không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đúng kỹ thuật. Hiện nay, bệnh vẫn là mối đe dọa lớn đối với ngành chăn nuôi lợn, gây khó khăn cho việc chăn nuôi hàng hóa và xuất khẩu.

Bệnh dịch tả lợn ở nước ta xảy ra quanh năm, tuy nhiên do thời tiết thay đổi (thể hiện rõ ở miền Bắc) và do biến động của đàn lợn trong năm nên bệnh có lúc tăng lúc giảm. Ngoài ra, bệnh dịch tả lợn còn phụ thuộc rất nhiều vào tỷ lệ tiêm phòng, lợn lớn đã có miễn dịch bị giết mổ, lợn con thay đàn bổ sung vào chưa kịp tiêm phòng làm cho tỷ lệ lợn mẫn cảm trong đàn tăng lên. Việc tiêm phòng theo mùa vụ và tiêm phòng bổ sung thường xuyên góp phần ổn định và hạn chế dịch bệnh rất nhiều, nhưng trong sản xuất thực tế do nhiều lý do nên việc tiêm phòng chưa thực hiện đúng quy định, vì vậy dịch tả lợn vẫn xảy ra vào các tháng trong năm.

2. Tác nhân gây bệnh dịch tả lợn: do vi rút (Tortoi suis) thuộc họ Flaviridae, giống Pesti vi rút, có quan hệ mật thiết với vi rút gây bệnh tiêu chảy ở bò và vi rút gây bệnh Border ở cừu. Cho đến nay chỉ có một serotype của vi rút DTL đã được xác định.

Vi rút DTL có sức đề kháng yếu, mặc dù có khả năng tồn tại lâu ở ngoại cảnh (trong phân gia súc vi rút có thể sống sót trong vài ngày, sống lâu ở các sản phẩm thịt, thịt lợn đông lạnh và chính những sản phẩm này là nguồn gieo rắc bệnh nguy hiểm về mặt dịch tễ học), tuy nhiên vi rút dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát trùng thông thường như xút (NaOH) 2%, nuớc vôi 5%. Ở nhiệt độ cao vi rút bị tiêu diệt nhanh.

Vi rút dịch tả lợn có thể sống vài tháng đến vài năm trong thịt đông lạnh. Thông qua con đường thương mại, vận chuyển, vi rút có trong các sản phẩm của lợn có thể du nhập vào các nước hoặc các vùng đang an toàn dịch. Lợn mẫn cảm có thể nhiễm khi ăn phải thức ăn có chứa vi rút như các thành phần phụ phẩm của quá trình giết mổ hoặc thức ăn thừa, chất thải từ nhà bếp không qua xử lý.

3. Nguồn bệnh và quá trình truyền lây của dịch tả lợn

a) Loài mắc bệnh: Bệnh dịch tả lợn có ở mọi lứa tuổi, loài lợn, nhưng mắc mạnh nhất là lợn con 2 - 3 tháng tuổi, ở lợn dưới 2 tháng, kháng thể được truyền qua bào thai của mẹ, qua sữa đầu. Vì vậy, thời kỳ này ít bị nhiễm bệnh hơn. Trong phòng thí nghiệm dùng lợn con làm động vật thí nghiệm.

b) Chất chứa Vi rút: Các chất bài tiết, dịch tiết, máu, hạch lâm ba, lách lợn bệnh có chứa vi rút. Máu của những con vật nung bệnh, sau 24 giờ có khả năng gây bệnh. Những con khỏi bệnh sau 2 tháng vẫn bài thải mầm bệnh ra ngoài.

c) Đường truyền lây: Vi rút xâm nhập chủ yếu qua đường tiêu hóa, qua niêm mạc, qua vết thương ở da và một phần qua hệ thống hô hấp. Thường lây trực tiếp từ con ốm sang con khỏe, qua thức ăn, nước uống, gián tiếp qua các chất bài tiết, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển hay do các động vật khác mang mầm bệnh truyền lây.

Đánh giá bài viết
1 140
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm