Tải Nghị định 79/2023/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ về giống cây trồng file DOC, PDF

Ngày 15/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 79/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng.

Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng, bao gồm: Trình tự, thủ tục xác lập quyền đối với giống cây trồng; Quyền đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Bằng bảo hộ và tác giả giống cây trồng....

Nội dung Nghị định 79/2023/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ

________

Số: 79/2023/NĐ-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

___________________

Nội , ngày 15 tháng 11 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng

____________________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng, bao gồm: trình tự, thủ tục xác lập quyền đối với giống cây trồng; quyền đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Bằng bảo hộ và tác giả giống cây trồng; chuyển nhượng, chuyển giao quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ; đại diện quyền đối với giống cây trồng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài là công dân quốc gia thành viên Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (sau đây gọi là UPOV) hoặc nước có thỏa thuận quốc tế với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng; cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam; tổ chức nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân thường trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên lãnh thổ của quốc gia thành viên UPOV.

3. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến bảo hộ giống cây trồng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người đăng ký là tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại khoản 2 Điều 164 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi tại khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.

2. Chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng là tổ chức, cá nhân được cấp Bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

3. Tác giả giống cây trồng là tổ chức, cá nhân trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới; trường hợp có hai tổ chức, cá nhân trở lên cùng chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới thì các bên là đồng tác giả.

4. Phát hiện và phát triển giống cây trồng mới là hoạt động chọn lọc tìm ra biến dị tự nhiên có sẵn trong quần thể một giống cây trồng hoặc tìm ra nguồn gen mới có sẵn trong tự nhiên, nhân và đánh giá biến dị tự nhiên đó.

5. Khảo nghiệm kỹ thuật (sau đây gọi là Khảo nghiệm DUS) là khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng.

6. Tài liệu khảo nghiệm DUS gồm: Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Tài liệu hướng dẫn về khảo nghiệm DUS do UPOV hoặc nước thành viên UPOV hoặc các nước hợp tác với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng công bố hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Điều 4. Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính trong Nghị định này

1. Nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Thời gian trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ:

a) Trường hợp nộp trực tiếp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính đầy đủ của thành phần hồ sơ cho tổ chức, cá nhân; Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân;

b) Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo cho tổ chức, cá nhân.

3. Hồ sơ nộp qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

4. Cách thức trả kết quả: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử.

Điều 5. Danh mục giống cây trồng

Danh mục giống cây trồng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 160 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 gồm giống cây trồng có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; giống cây trồng được công nhận lưu hành, công nhận lưu hành đặc cách, tự công bố lưu hành, công nhận chính thức; Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và danh mục giống cây trồng ở các quốc gia khác.

Chương II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 6. Đăng ký bảo hộ giống cây trồng

1. Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng gồm các tài liệu:

a) Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này. Từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc dấu giáp lai;

b) Tờ khai kỹ thuật

Trường hợp giống đăng ký thuộc loài cây trồng đã có Tài liệu khảo nghiệm DUS: Sử dụng Mẫu tờ khai kỹ thuật trong Tài liệu khảo nghiệm DUS đó;

Trường hợp giống đăng ký thuộc loài cây trồng chưa có Tài liệu khảo nghiệm DUS hoặc Tài liệu khảo nghiệm DUS chưa có thông tin về tờ khai kỹ thuật: Sử dụng tờ khai kỹ thuật theo quy định tại Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực văn bản ủy quyền đối với trường hợp nộp Đơn đăng ký thông qua Tổ chức dịch vụ đại diện quyền; nội dung của văn bản ủy quyền gồm: bên ủy quyền, bên được ủy quyền, phạm vi được ủy quyền, thời hạn ủy quyền;

d) Ảnh chụp thể hiện 03 tính trạng đặc trưng của giống đăng ký: Tối thiểu 03 ảnh màu, kích cỡ tối thiểu 9 cm x 15 cm;

đ) Bản sao có chứng thực Tài liệu chứng minh quyền đăng ký trường hợp người đăng ký được chuyển giao quyền đăng ký hoặc được thừa kế, kế thừa (Hợp đồng chuyển giao quyền đăng ký, văn bản thừa kế, kế thừa hoặc văn bản tương đương khác), Tài liệu chứng minh quốc tịch hoặc có thường trú hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh tại một nước thành viên UPOV;

e) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên nếu Đơn đăng ký có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo quy định tại khoản 1 Điều 167 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 gồm: bản sao các tài liệu về Đơn đăng ký đầu tiên được cơ quan bảo hộ giống cây trồng tại quốc gia nộp đơn đầu tiên xác nhận, mẫu hoặc bằng chứng xác nhận giống cây trồng ở hai đơn là một, bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền ưu tiên (nếu có). Các tài liệu chứng minh quyền ưu tiên này được cung cấp trong vòng 90 ngày kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ.

2. Thẩm định hình thức là kiểm tra tính hợp lệ của Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Đơn đăng ký không hợp lệ về hình thức khi:

a) Thông tin trong các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này bị thiếu hoặc chưa phù hợp theo quy định tại các Điều 159, 163 và 164 Luật Sở hữu trí tuệ, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 65, 66 và 82 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022;

b) Tài liệu quy định tại các điểm c, đ và e khoản 1 Điều này không được dịch sang tiếng Việt khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu;

c) Tài liệu trong Đơn đăng ký bị tẩy xóa, rách nát hoặc mờ không đọc được;

d) Thiếu bản sao hợp lệ các tài liệu có liên quan;

đ) Đơn đăng ký do người không có quyền nộp đơn nộp; trường hợp quyền đăng ký thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng không có sự đồng ý của tất cả các tổ chức, cá nhân đó.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hình thức Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

a) Trường hợp Đơn đăng ký hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông báo chấp nhận đơn theo quy định tại Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này, trả kết quả cho người đăng ký, đăng tải thông báo trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo.

b) Trường hợp Đơn đăng ký chưa hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo và nêu rõ lý do cho người đăng ký hoàn thiện. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hoàn thiện Đơn, người đăng ký phải khắc phục các thiếu sót và nộp về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và ban hành Thông báo chấp nhận đơn theo điểm a khoản 2 Điều này hoặc từ chối chấp nhận đơn và nêu rõ lý do.

c) Trường hợp Đơn đăng ký không hợp lệ hoặc người đăng ký không khắc phục các thiếu sót trong thời hạn yêu cầu được xác định là không có nhu cầu tiếp tục nộp Đơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông báo từ chối chấp nhận Đơn và nêu rõ lý do.

4. Trường hợp tài liệu quy định tại điểm c, đ và e khoản 1 Điều này phải được dịch ra tiếng Việt theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì bản dịch được chứng thực hoặc có xác nhận của tổ chức dịch vụ đại diện quyền đại diện cho người đăng ký đối với giống cây trồng.

Điều 7. Sửa đổi, bổ sung Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng

1. Trước khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo từ chối cấp Bằng hoặc quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, tổ chức, cá nhân được sửa đổi, bổ sung Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng trong các trường hợp sau:

a) Lỗi chính tả về tên, địa chỉ của người đăng ký, tổ chức dịch vụ đại diện quyền, tác giả giống cây trồng hoặc lỗi chính tả về tên giống cây trồng;

b) Thay đổi tên, địa chỉ của người đăng ký, tổ chức dịch vụ đại diện quyền, tác giả giống cây trồng trên cơ sở các giấy tờ pháp lý hợp lệ;

c) Thay đổi tên giống cây trồng theo đề nghị của người đăng ký.

2. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:

a) Tờ khai yêu cầu sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao quyền đăng ký trường hợp thay đổi người đăng ký do chuyển giao quyền đăng ký; hoặc tài liệu chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ người đăng ký, tổ chức dịch vụ đại diện quyền, tác giả giống cây trồng;

c) Bản sao có chứng thực Tài liệu chứng minh việc thừa kế, kế thừa có xác nhận của người đăng ký, Tài liệu chứng minh quyền nhân thân giữa người đăng ký và người nhận thừa kế; Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người đăng ký (nếu có) trường hợp thay đổi người đăng ký do thừa kế, kế thừa.

3. Trình tự thực hiện

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông báo chấp nhận sửa đổi, bổ sung đơn theo quy định tại Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này, trả kết quả cho người đăng ký và đăng tải thông báo trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho người đăng ký và nêu rõ lý do.

Điều 8. Khảo nghiệm DUS

1. Sau khi Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được chấp nhận hợp lệ, Khảo nghiệm DUS phải được tiến hành theo Tài liệu khảo nghiệm DUS. Trường hợp giống đăng ký thuộc loài cây trồng chưa có Tài liệu khảo nghiệm DUS, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo chấp nhận đơn hợp lệ được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xây dựng Tài liệu hướng dẫn khảo nghiệm DUS trong thời hạn 06 tháng theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Hình thức khảo nghiệm DUS

a) Khảo nghiệm DUS được thực hiện tại tổ chức khảo nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận theo quy định tại Điều 21 Luật Trồng trọt đối với giống cây trồng nông nghiệp hoặc cơ sở khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đối với giống cây lâm nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng).

b) Khảo nghiệm DUS do người đăng ký tự thực hiện.

c) Sử dụng kết quả khảo nghiệm DUS trên cơ sở thỏa thuận quốc tế về trao đổi kết quả khảo nghiệm DUS với quốc gia thành viên UPOV hoặc quốc gia có hợp tác với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng.

3. Khảo nghiệm DUS theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này

Người đăng ký gửi mẫu giống đến tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng để tiến hành khảo nghiệm DUS trong thời hạn 30 ngày trước thời vụ gieo trồng đầu tiên kể từ ngày ban hành Thông báo chấp nhận Đơn.

Trường hợp không đồng ý với kết quả khảo nghiệm DUS, người đăng ký có quyền yêu cầu tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng đã thực hiện khảo nghiệm DUS trước đó hoặc tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng khác thực hiện khảo nghiệm lại. Yêu cầu khảo nghiệm lại phải được làm bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do và chứng cứ chứng minh cần phải khảo nghiệm lại đồng thời thông báo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm DUS phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có hoặc hợp đồng thuê địa điểm và diện tích đất phù hợp để bố trí thí nghiệm khảo nghiệm DUS đối với giống đăng ký;

b) Có hoặc hợp đồng thuê trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc phân tích, đánh giá các chỉ tiêu theo yêu cầu khảo nghiệm đối với loài cây trồng khảo nghiệm;

c) Có hoặc hợp đồng thuê phòng thử nghiệm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và được công nhận hoặc được chỉ định đối với trường hợp khảo nghiệm có bao gồm các chỉ tiêu phân tích;

d) Có hoặc hợp đồng thuê giống đối chứng phù hợp với giống đăng ký khảo nghiệm;

đ) Có hợp đồng lao động với ít nhất 01 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc các ngành tương tự và có giấy chứng nhận tập huấn về khảo nghiệm DUS do cơ quan quản lý nhà nước về bảo hộ giống cây trồng cấp.

5. Đối với khảo nghiệm DUS do người đăng ký tự thực hiện, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Tài liệu hướng dẫn khảo nghiệm DUS, tổ chức, cá nhân gửi văn bản kế hoạch khảo nghiệm DUS về các nội dung dự kiến: giống đối chứng, địa điểm và thời gian thực hiện khảo nghiệm. Sau khi gửi văn bản kế hoạch khảo nghiệm DUS, tổ chức, cá nhân được tự thực hiện khảo nghiệm DUS.

Điều 9. Kiểm tra điều kiện và việc thực hiện khảo nghiệm DUS do người đăng ký tự thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn kiểm tra gồm công chức được giao nhiệm vụ về bảo hộ giống cây trồng; chuyên gia về khảo nghiệm DUS hoặc chuyên gia về loài cây trồng trong Đơn đăng ký bảo hộ.

2. Nội dung kiểm tra: Điều kiện thực hiện khảo nghiệm; việc thực hiện khảo nghiệm; đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống khảo nghiệm theo Tài liệu khảo nghiệm DUS đối với loài cây trồng đăng ký của tổ chức, cá nhân đăng ký.

3. Thời điểm kiểm tra: Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra ít nhất 01 lần và không quá 03 lần trong quá trình tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm.

4. Biên bản kiểm tra được lập theo quy định tại Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định này và lưu trong hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ biên bản kiểm tra trong quá trình thẩm định nội dung đối với Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng để thẩm định báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS.

Điều 10. Nộp mẫu giống, quản lý và sử dụng mẫu giống đăng ký bảo hộ

1. Đối với giống cây trồng được khảo nghiệm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định này, người đăng ký nộp mẫu giống phục vụ khảo nghiệm DUS và mẫu lưu cho tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng tối thiểu 30 ngày trước thời vụ gieo trồng đầu tiên kể từ ngày ban hành Thông báo chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng đó.

2. Đối với giống cây trồng nhân giống vô tính, giống cây trồng được thực hiện khảo nghiệm theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định này, người đăng ký tự lưu mẫu giống.

3. Khối lượng (hoặc số lượng) và chất lượng mẫu giống gửi khảo nghiệm và lưu mẫu theo quy định tại Tài liệu khảo nghiệm DUS đối với loài cây trồng đó.

4. Người đăng ký hoặc chủ sở hữu giống cây trồng có trách nhiệm nộp mẫu giống được bảo hộ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu trong thời gian hưởng quyền tạm thời hoặc Bằng bảo hộ giống cây trồng còn hiệu lực. Mẫu giống phải đảm bảo chất lượng theo quy định tại khoản 3 Điều này, đúng với mẫu giống tại thời điểm nộp đơn đăng ký và mức độ biểu hiện của các tính trạng phù hợp với bản mô tả giống tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ trường hợp giống cây trồng đã được cấp Bằng bảo hộ.

5. Người đăng ký hoặc chủ sở hữu giống cây trồng có trách nhiệm lưu giữ mẫu giống trong thời hạn từ khi giống được hưởng quyền tạm thời đến khi chấm dứt hiệu lực của Bằng bảo hộ.

6. Việc sử dụng mẫu giống lưu phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đăng ký hoặc chủ sở hữu giống cây trồng trừ trường hợp để thực hiện: Khảo nghiệm DUS, kiểm nghiệm, hậu kiểm nhằm xác định tính đúng giống hoặc giải quyết tranh chấp, kiến nghị, khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo.

Điều 11. Cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng

1. Trường hợp giống đăng ký bảo hộ được thực hiện khảo nghiệm DUS theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định này, tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm nộp bản chính Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS theo quy định tại Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định này đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm DUS.

Trường hợp sử dụng kết quả khảo nghiệm DUS theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận báo cáo khảo nghiệm DUS trực tiếp từ cơ quan bảo hộ giống cây trồng của quốc gia thành viên UPOV hoặc quốc gia hợp tác với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng.

Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS để cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được sử dụng trong việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng nếu tính khác biệt của giống đăng ký so với giống cây trồng được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ được đảm bảo.

2. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 178 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

a) Trường hợp giống đăng ký đảm bảo tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định, đồng thời Đơn đăng ký bảo hộ đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 176 và điểm a khoản 1 Điều 178 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 09, Mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định này; trả kết quả cho người đăng ký; công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.

b) Trường hợp giống đăng ký không đảm bảo tính khác biệt hoặc tính đồng nhất hoặc tính ổn định hoặc đơn đăng ký không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 176 và điểm a khoản 1 Điều 178 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản về dự định từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng cho người đăng ký và nêu rõ lý do, ấn định thời hạn 30 ngày để người đăng ký khắc phục thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối.

Qua thời hạn trên mà người đăng ký không có ý kiến phản đối dự định từ chối một cách xác đáng hoặc không khắc phục được các thiếu sót, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp người đăng ký khắc phục được các thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối một cách xác đáng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ được cấp 01 bản.

Điều 12. Sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng

1. Chủ sở hữu Bằng bảo hộ có yêu cầu sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:

a) Tờ khai yêu cầu sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Bản sao có chứng thực Tài liệu pháp lý chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc sai sót liên quan đến tên, địa chỉ của chủ sở hữu Bằng bảo hộ.

c) Bản chính Bằng bảo hộ giống cây trồng (trừ trường hợp Bằng bị mất).

2. Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.

a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng, cấp lại Bằng cho người đăng ký, đăng tải trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định. Bằng bảo hộ giống cây trồng sửa đổi, cấp lại phải được giữ nguyên số Bằng và ghi rõ nội dung “cấp lại” tại góc trái phía dưới của Bằng bảo hộ.

b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ và nêu rõ lý do.

Điều 13. Đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng

1. Đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng khi có căn cứ giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng tính đồng nhất hoặc tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng.

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân có đề nghị đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định điểm a khoản 1 Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ được nộp đến đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:

Đơn yêu cầu đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 12 ban hành kèm theo Nghị định này;

Chứng cứ chứng minh giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng tính đồng nhất hoặc tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định, thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng đồng thời tổ chức khảo nghiệm đánh giá lại tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng trên.

Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được kết quả đánh giá lại tính đồng nhất, tính ổn định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định. Trường hợp ý kiến phản đối của người thứ ba đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp ý kiến phản đối của người thứ ba chưa đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Trường hợp đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo điểm c, điểm d khoản 1 Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản yêu cầu chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng thay đổi tên giống cây trồng hoặc cung cấp tài liệu, vật liệu nhân giống cần thiết để duy trì và lưu giữ giống cây trồng theo quy định mà chủ sở hữu Bằng bảo hộ không thực hiện theo yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

d) Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng được đăng tải trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.

2. Phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng

a) Chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng được khắc phục lý do bị đình chỉ theo quy định tại khoản 5 Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ.

b) Chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:

Đơn đề nghị phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 13 ban hành kèm theo Nghị định này;

Chứng cứ chứng minh đã khắc phục lý do bị đình chỉ.

c) Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng, trả kết quả cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng và nêu rõ lý do.

3. Hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng khi có căn cứ về một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 171 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.

b) Tổ chức, cá nhân có ý kiến phản đối về một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 171 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:

Đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị định này;

Chứng cứ chứng minh lý do yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định, thông báo cho chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Trường hợp lý do yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ là Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng do người không có quyền đăng ký thực hiện việc đăng ký hoặc giống cây trồng được bảo hộ không đáp ứng các điều kiện về tính mới tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, nếu ý kiến phản đối của người thứ ba đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Nếu ý kiến phản đối của người thứ ba chưa đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp lý do yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng là giống cây trồng được bảo hộ không đáp ứng các điều kiện về tính khác biệt tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc giống cây trồng không đáp ứng các điều kiện về tính đồng nhất hoặc tính ổn định khi Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp dựa trên kết quả khảo nghiệm kỹ thuật do người đăng ký tự thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khảo nghiệm đánh giá lại tính khác biệt hoặc tính đồng nhất hoặc tính ổn định của giống cây trồng trên.

Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được kết quả khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định. Trường hợp ý kiến phản đối của người thứ ba đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp ý kiến phản đối của người thứ ba chưa đủ căn cứ pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Quyết định hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng được đăng tải trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.

.................................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Nông nghiệp được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Trần Lưu Quang
Số hiệu:79/2023/NĐ-CPLĩnh vực:Nghị định
Ngày ban hành:15/11/2023Ngày hiệu lực:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đánh giá bài viết
1 21
0 Bình luận
Sắp xếp theo