Thông tư 50/2017/TT-BTNMT

Tải về

Thông tư 50/2017/TT-BTNMT - Quy định công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất

Thông tư 50/2017/TT-BTNMT về quy định nội dung công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 30/11/2017. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất.

Thông tư 50/2017/TT-BTNMT

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2017/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2017

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH NỘI DUNG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ DI SẢN ĐỊA CHẤT, CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT

Căn cứ Luật khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định nội dung công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chi tiết khoản 1 Điều 14 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản.

2. Công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất là một nội dung trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

3. Việc quản lý, bảo vệ các di sản địa chất, công viên địa chất nằm trong di tích lịch sử - văn hóa,danh lam thắng cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài nguyên địa chất là các dạng vật chất hình thành do quá trình địa chất, tồn tại trong hoặc trên lớp vỏ Trái Đất mà con người có thể khai thác, sử dụng.

2. Di sản địa chất là một phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế.

3. Công viên địa chất là một vùng có giới hạn xác định, chứa đựng các di sản địa chất, có giá trị quan trọng về khoa học địa chất, độc đáo về văn hoá, sinh thái và khảo cổ học; có kích thước phù hợp để thực hiện các chức năng quản lý, bảo tồn, nghiên cứu và phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Điều 4. Phân loại di sản địa chất, công viên địa chất

1. Di sản địa chất gồm các kiểu sau:

a) Di sản cổ sinh (ký hiệu Kiểu A) là một điểm hoặc tập hợp điểm trong tự nhiên, chứa một hoặc nhiều loại hóa thạch đặc trưng có giá trị định tuổi, chỉ thị cho điều kiện cổ môi trường tại một khu vực và là kết quả của một giai đoạn lịch sử địa chất khu vực;

b) Di sản địa mạo (ký hiệu Kiểu B) là cảnh quan địa mạo (ký hiệu Kiểu B1) hoặc hang động (ký hiệu Kiểu B2) có giá trị thẩm mỹ đặc sắc, độc đáo và thể hiện lịch sử địa chất khu vực;

c) Di sản cổ môi trường (ký hiệu Kiểu C) là một điểm hoặc tập hợp điểm lộ địa chất chứa những dấu tích rõ ràng, đặc trưng về môi trường thành tạo đá trong lịch sử địa chất khu vực;

d) Di sản đá (ký hiệu Kiểu D) là một hoặc tập hợp điểm lộ địa chất thể hiện các thành tạo đá đặc trưng cho một giai đoạn lịch sử địa chất khu vực;

đ) Di sản địa tầng (ký hiệu Kiểu E) là một điểm lộ hoặc tập hợp điểm lộ địa chất hoặc mặt cắt địa chất thể hiện đặc điểm, trật tự, ranh giới của một hoặc nhiều phân vị địa tầng;

e) Di sản khoáng vật, khoáng sản (ký hiệu Kiểu F) là một điểm lộ hoặc tập hợp điểm lộ địa chất có khoáng vật hoặc khoáng sản đặc trưng về thành phần, nguồn gốc và điều kiện thành tạo;

g) Di sản kinh tế địa chất (ký hiệu Kiểu H) là mỏ khoáng sản đã dừng khai thác có cảnh quan đẹp, đặc trưng về quy mô, thành phần quặng, đá và lưu giữ đầy đủ các tư liệu lịch sử về hoạt động, phát triển mỏ khoáng sản;

h) Di sản kiến tạo (ký hiệu Kiểu I) là một điểm lộ hoặc tập hợp điểm lộ địa chất thể hiện rõ các dấu tích cấu trúc kiến tạo, dấu tích dịch chuyển tương đối của một hoặc nhiều quá trình chuyển động kiến tạo khu vực;

i) Di sản vũ trụ (ký hiệu Kiểu K) là khu vực còn lưu giữ các sản phẩm, dấu tích thiên thạch hoặc dấu tích các va đập có nguồn gốc vũ trụ;

k) Di sản lục địa, đại dương (ký hiệu Kiểu L) là khu vực lưu giữ dấu tích những biến động lớn liên quan đến hình thành, biến đổi vỏ lục địa và đại dương.

2. Công viên địa chất gồm các kiểu sau:

a) Karst: tổ hợp di sản địa chất trong đó đặc trưng nổi bật là các di sản địa mạo độc đáo, hình thành do quá trình tiến hóa karst; lưu giữ các hình thái địa mạo karst và hệ thống hang động;

b) Núi lửa: tổ hợp di sản địa chất trong đó đặc trưng nổi bật bởi các di sản địa mạo có giá trị do các hoạt động núi lửa tạo nên;

c) Đầm phá, hạ lưu sông, biển: khu vực tập hợp các đầm phá, hạ lưu sông, khu vực biển đặc trưng cho quá trình địa chất có giá trị nổi bật;

d) Kiến tạo, cấu tạo: tổ hợp di sản địa chất trong đó đặc trưng nổi bật bởi các di sản kiến tạo;

đ) Cổ sinh, địa tầng, khoáng vật - khoáng sản: tổ hợp di sản địa chất trong đó đặc trưng nổi bật bởi các di sản cổ sinh, địa tầng, khoáng vật, khoáng sản;

e) Thạch học: tổ hợp di sản địa chất trong đó đặc trưng nổi bật bởi các di sản đá;

g) Đồng bằng sông, hệ thống sông: một khu vực có tổ hợp các di sản địa chất có giá trị nổi bật, là kết quả của quá trình khảo sát điều tra, đánh giá từ vùng rộng lớn liên quan đến hệ thống sông, được quy hoạch thống nhất quản lý;

h) Đới khô, bán khô: khu vực có môi trường khô nóng đặc trưng, đất đai khô cằn, sa mạc hóa, muối hóa bề mặt xảy ra.

Điều 5. Nội dung điều tra, đánh giá di sản địa chất

1. Điều tra, đánh giá di sản địa chất là việc thực hiện công tác điều tra, đánh giá về giá trị địa chất của các kiểu di sản địa chất quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này. Nội dung điều tra, đánh giá di sản địa chất thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Nội dung điều tra, đánh giá di sản địa chất:

a) Điều tra, đánh giá về giá trị khoa học, giáo dục của di sản địa chất, trong đó, tập trung điều tra, đánh giá về vị trí, không gian phân bố, đặc điểm địa chất, tính đa dạng địa chất ý nghĩa khoa học, giáo dục về địa chất;

b) Điều tra, đánh giá về giá trị thẩm mỹ của di sản địa chất;

c) Điều tra, đánh giá về giá trị kinh tế của di sản địa chất, trong đó, tập trung điều tra, đánh giá về tiềm năng khai thác, sử dụng di sản địa chất;

d) Xác định các mối đe dọa và nhu cầu bảo tồn di sản địa chất;

đ) Nội dung điều tra, đánh giá di sản địa chất quy định tại các điểm a, b, c và điểm dkhoản này được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Nội dung điều tra, đánh giá công viên địa chất

1. Điều tra, đánh giá công viên địa chất là việc thực hiện công tác điều tra, đánh giá về giá trị địa chất của các kiểu công viên địa chất quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này. Nội dung điều tra, đánh giá công viên địa chất thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Nội dung điều tra, đánh giá công viên địa chất:

a) Điều tra, đánh giá về quy mô, diện tích của công viên địa chất;

b) Điều tra, đánh giá về giá trị khoa học của công viên địa chất, trong đó, tập trung điều tra, đánh giá về tính đa dạng, ý nghĩa khoa học của các di sản địa chất trong khu vực công viên địa chất;

c) Điều tra, đánh giá về tiềm năng của công viên địa chất có liên quan đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của vùng và khu vực;

d) Nội dung điều tra, đánh giá công viên địa chất quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản này được quy định chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Báo cáo công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất

1. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất có trách nhiệm xây dựng báo cáo điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất sau khi kết thúc hoạt động điều tra, đánh giá.

2. Báo cáo công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất phải thể hiện rõ kết quả điều tra, đánh giá, xác định giá trị di sản địa chất, công viên địa chất và các nội dung liên quan. Báo cáo điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất phải kèm theo các tài liệu quy định tại các khoản 3, 4 và khoản 5 Điều này.

3. Tài liệu về điều tra, đánh giá di sản địa chất:

a) Tài liệu nguyên thuỷ về di sản địa chất: tài liệu thu thập, ghi chép, mô tả, ảnh chụp, video trong quá trình khảo sát thực địa; các sơ đồ, mặt cắt, bản đồ thành lập trong quá trình khảo sát thực địa; các mẫu vật thu thập tại thực địa; các kết quả phân tích về địa chất;

b) Tài liệu tổng hợp về di sản địa chất: mặt cắt, sơ đồ, bản đồ di sản địa chất; các tài liệu phân tích, tổng hợp; kết quả điều tra, đánh giá và xác định giá trị di sản địa chất;

c) Các tài liệu quy định tại điểm b khoản này được thành lập riêng cho từng kiểu di sản địa chất quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này. Đối với bản đồ di sản địa chất phải đáp ứng các quy định tại điểm d khoản này;

d) Bản đồ di sản địa chất:

Bản đồ di sản địa chất gồm các nội dung chính sau: các yếu tố tự nhiên; đặc điểm kinh tế, xã hội (giao thông, phân bố dân cư, cơ quan địa phương, công trình văn hóa, lịch sử, công trình xây dựng và công trình khác); vị trí, đặc điểm, quy mô phân bố điểm di sản địa chất; chỉ dẫn chi tiết các nội dung thể hiện trên bản đồ.

Bản đồ di sản địa chất có tỷ lệ phù hợp để thể hiện đầy đủ, rõ ràng các nội dung của điểm di sản địa chất, theo đó, phải có tỷ lệ từ 1:10.000 trở lên đối với bản đồ điều tra điểm di sản địa chất riêng lẻ, từ 1:25.000 trở lên đối với bản đồ điều tra cụm các điểm di sản địa chất.

4. Tài liệu về điều tra, đánh giá công viên địa chất:

a) Tài liệu nguyên thuỷ về công viên địa chất: tài liệu thu thập, ghi chép, mô tả, ảnh chụp, video trong quá trình khảo sát thực địa; các sơ đồ, mặt cắt, bản đồ thành lập trong quá trình khảo sát thực địa; mẫu vật thu thập tại thực địa; kết quả phân tích về địa chất;

b) Bản đồ công viên địa chất, trong đó, thể hiện khu vực dự kiến khoanh định công viên địa chất. Bản đồ công viên địa chất phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm đ khoản này;

c) Ngoài các tài liệu quy định tại điểm a, b khoản này, tài liệu về điều tra, đánh giá công viên địa chất còn bao gồm các sơ đồ, bản đồ chuyên môn: bản đồ địa lý tự nhiên - kinh tế nhân văn; bản đồ địa mạo; bản đồ địa chất; sơ đồ kiến tạo; sơ đồ thảm phủ thực vật; bản đồ phân bố các di sản địa chất; sơ đồ và các mặt cắt đặc trưng của hang động; sơ đồ phân bố các di sản khác.

Trường hợp cần thiết, các sơ đồ, bản đồ quy định tại điểm này được gộp nội dung và thể hiện trên cùng một bản đồ hoặc sơ đồ nhưng phải đảm bảo đầy đủ, rõ ràng các thông tin;

d) Các tài liệu phân tích, tổng hợp khác (nếu có);

đ) Bản đồ công viên địa chất:

Bản đồ công viên địa chất phải có tỷ lệ phù hợp để thể hiện đầy đủ, rõ ràng kết quả điều tra, đánh giá công viên địa chất, theo đó, phải có tỷ lệ từ 1:50.000 trở lên đối với khu vực dự kiến khoanh định công viên địa chất có diện tích từ 500 km2 trở lên, từ 1:25.000 trở lên đối với khu vực dự kiến khoanh định công viên địa chất có diện tích nhỏ hơn 500 km2.

Nội dung chính thể hiện trên bản đồ công viên địa chất: nền địa hình; đặc điểm kinh tế - xã hội (đường giao thông, phân bố dân cư, cơ quan địa phương, công trình văn hóa, lịch sử, công trình xây dựng và công trình khác); vị trí, đặc điểm, quy mô phân bố điểm di sản địa chất; vị trí, tên gọi các di sản khác; chỉ dẫn chi tiết các nội dung thể hiện trên bản đồ.

5. Đĩa CD/DVD hoặc ổ cứng lưu giữ các tài liệu dạng số.

Điều 8. Nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt báo cáo công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất

Việc nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt báo cáo công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất thực hiện theo quy định về công tác nghiệm thu kết quả thi công và thẩm định các dự án, báo cáo thuộc lĩnh vực địa chất và khoáng sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 9. Điều khoản thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2018.

2. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Thông tư này.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:

  • Ban Bí thư Trung ương Đảng;
  • Thủ tướng Chính phủ và các Phó TTg Chính phủ;
  • Văn phòng Quốc hội;
  • Văn phòng Chủ tịch nước;
  • Văn phòng Chính phủ;
  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
  • UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
  • Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
  • Tòa án Nhân dân tối cao;
  • Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
  • Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
  • Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
  • Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ;
  • Website Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  • Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  • Lưu: VT, ĐCKS, PC.CP(300).

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG




Thuộc tính văn bản: Thông tư 50/2017/TT-BTNMT

Số hiệu50/2017/TT-BTNMT
Loại văn bảnThông tư
Lĩnh vực, ngành
Tài nguyên - Môi trường
Nơi ban hànhBộ Tài nguyên và Môi trường
Người kýNguyễn Linh Ngọc
Ngày ban hành30/11/2017
Ngày hiệu lực
15/01/2018
Đánh giá bài viết
1 58
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm