Thông tư 13/2021/TT-BTNMT quy định thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia

Ngày 26/8 năm 2021 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 13/2021/TT-BTNMT về quy định việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Theo đó, Thông tư này quy định về việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia. Để thành lập trạm phải xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân về việc sử dụng đất để xây dựng, lắp đặt công trình trạm;

Sau đây là nội dung chi tiết của Thông tư số 13/2021/TT-BTNMT, mời các bạn cùng theo dõi.

Thông tư 13/2021/TT-BTNMT

B TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

_______

Số: 13/2021/TT-BTNMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2021

THÔNG TƯ
Quy định việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia

____________

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn; Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Chương II. THÀNH LẬP TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA

Điều 3. Thành lập và đưa trạm vào hoạt động chính thức

1. Thành lập trạm:

a) Khảo sát kỹ thuật thành lập trạm; lập báo cáo, phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát kỹ thuật thành lập trạm;

b) Xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân về việc sử dụng đất để xây dựng, lắp đặt công trình trạm;

c) Khảo sát, thiết kế, lập, trình, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng;

d) Quyết định thành lập trạm.

2. Xây dựng, đưa trạm vào hoạt động:

a) Xây dựng công trình, hạ tầng kỹ thuật, mốc giới hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn; lắp đặt thiết bị, phương tiện đo; lập, trình phê duyệt đề án duy trì hoạt động theo quy định;

b) Vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra, đánh giá chất lượng số liệu; nghiệm thu công trình, thiết bị, phương tiện đo;

c) Quyết định đưa trạm vào hoạt động chính thức.

Điều 4. Nội dung khảo sát kỹ thuật thành lập trạm

1. Điều tra, khảo sát thu thập thông tin:

a) Hiện trạng, quy hoạch, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại khu vực dự kiến đặt trạm;

b) Điều kiện tự nhiên, tính đại diện về khí tượng thủy văn và tính khả thi trong việc xây dựng trạm tại vị trí dự kiến;

c) Các điều kiện về hạ tầng, giao thông, thông tin liên lạc; nguồn cung cấp điện và nước.

2. Khảo sát điều kiện đặt trạm:

a) Khảo sát phạm vi hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn theo quy định tại Điều 15 Luật Khí tượng thủy văn và khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn;

b) Khảo sát chi tiết đối với các loại trạm khí tượng thủy văn theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Xác định tọa độ, độ cao mốc cơ sở chuyên ngành khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ.

3. Lập báo cáo khảo sát kỹ thuật thành lập trạm theo Mẫu số 1, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra, đánh giá chất lượng số liệu

1. Sau khi hoàn thành lắp đặt thiết bị, phương tiện đo phải tiến hành vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra và đánh giá chất lượng.

2. Thời gian thực hiện vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra và đánh giá kết quả tối thiểu 03 tháng.

3. Đánh giá chất lượng số liệu quan trắc và lập báo cáo theo Mẫu số 2, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Hồ sơ thành lập và đưa trạm vào hoạt động chính thức

1. Hồ sơ thành lập trạm:

a) Tờ trình của cơ quan, đơn vị thực hiện dự án;

b) Quyết định phê duyệt báo cáo khảo sát kỹ thuật thành lập trạm và báo cáo khảo sát kỹ thuật thành lập trạm;

c) Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân về địa điểm, diện tích sử dụng đất để xây dựng công trình chuyên môn, nhà trạm, lắp đặt thiết bị, phương tiện đo;

d) Bản sao Quyết định phê duyệt dự án đầu tư hoặc chủ trương thành lập trạm của cấp có thẩm quyền.

2. Hồ sơ đưa trạm vào hoạt động chính thức:

a) Tờ trình của cơ quan, đơn vị thực hiện dự án;

b) Bản sao Quyết định thành lập trạm;

c) Quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền hoặc bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có); Giấy xác nhận của chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân đối với các diện tích đất thuê, đất không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

d) Biên bản nghiệm thu công trình, thiết bị, phương tiện đo;

đ) Bản sao Quyết định phê duyệt đề án duy trì hoạt động;

e) Bản sao chứng từ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn, tài liệu kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện đo;

g) Báo cáo đánh giá kết quả vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra theo Mẫu số 2, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

h) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Điều 7. Bổ sung, giảm yếu tố quan trắc

1. Căn cứ bố sung, giảm yếu tố quan trắc:

a) Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia;

b) Yêu cầu khai thác, sử dụng số liệu quan trắc cho mục đích điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

2. Thực hiện bổ sung yếu tố quan trắc:

a) Báo cáo sự cần thiết phải bổ sung yếu tố quan trắc;

b) Quyết định bổ sung yếu tố quan trắc;

c) Khảo sát thiết kế kỹ thuật, xây dựng công trình (nếu có), lắp đặt phương tiện đo theo quy định;

d) Quyết định đưa công trình (nếu có), phương tiện đo vào hoạt động.

3. Thực hiện giảm yếu tố quan trắc:

a) Báo cáo lý do giảm yếu tố quan trắc;

b) Quyết định giảm yếu tố quan trắc;

c) Thu hồi phương tiện đo các yếu tố bị giảm theo quy định.

Chương III. DI CHUYỂN TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA

Điều 8. Yêu cầu kỹ thuật di chuyển trạm

1. Vị trí trạm di chuyển đến phải bảo đảm tính tương đồng về điều kiện khí tượng thủy văn với trạm hiện có.

2. Số liệu quan trắc đồng thời tại hai vị trí phải bảo đảm tính tương quan chặt chẽ.

3. Trường hợp vị trí trạm di chuyển đến không đạt yêu cầu quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này thì giải thể trạm đang quan trắc và thành lập trạm mới thay thế trạm bị giải thể.

Điều 9. Thực hiện di chuyển trạm

1. Báo cáo đánh giá hiện trạng trạm phải di chuyển theo Mẫu số 3, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Xin chủ trương di chuyển trạm.

3. Khảo sát di chuyển trạm tại vị trí dự kiến di chuyển đến; phê duyệt báo cáo khảo sát di chuyển trạm.

4. Xây dựng công trình tạm, lắp đặt thiết bị, phương tiện đo, quan trắc đồng thời tại hai vị trí, đối với các trạm khí tượng trên cao và ra đa thời tiết chỉ quan trắc tại vị trí di chuyển đến.

5. Đánh giá chất lượng chuỗi số liệu quan trắc và lập báo cáo theo Mẫu số 2, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Lập hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền quyết định di chuyển trạm trong trường hợp đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

7. Xây dựng trạm, công trình tại vị trí di chuyển đến.

8. Quyết định đưa trạm, công trình tại vị trí di chuyển đến vào hoạt động chính thức.

Điều 10. Khảo sát di chuyển trạm

1. Khảo sát di chuyển toàn bộ trạm, thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Trường hợp di chuyển một số hạng mục công trình phải thực hiện khảo sát kỹ thuật vị trí xây dựng công trình mới tương ứng theo quy định.

Điều 11. Quan trắc đồng thời

1. Thực hiện quan trắc đồng thời tại vị trí đang quan trắc và vị trí di chuyển đến theo các quy định về quan trắc cho phù hợp.

2. Thời gian quan trắc đồng thời trong từng trường hợp do Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn xem xét, quyết định.

3. Lập báo cáo kết quả quan trắc đồng thời.

4. Đánh giá tương quan giữa hai chuỗi số liệu:

a) Trường hợp hai chuỗi số liệu có tương quan chặt chẽ, thực hiện việc đưa trạm hoặc công trình di chuyển đến vào hoạt động;

b) Trường hợp tương quan giữa hai chuỗi số liệu không chặt chẽ, thực hiện việc giải thể trạm cũ và thành lập trạm thay thế.

5. Tài liệu quan trắc đồng thời phải giao nộp, lưu trữ theo quy định.

Điều 12. Hồ sơ di chuyển trạm và đưa trạm vào hoạt động

1. Hồ sơ di chuyển trạm:

a) Tờ trình của cơ quan, đơn vị được giao thực hiện di chuyển trạm;

b) Văn bản chấp thuận chủ trương di chuyển trạm;

c) Báo cáo khảo sát di chuyển trạm, công trình chuyên môn;

d) Báo cáo đánh giá kết quả vận hành thử nghiệm, quan trắc đồng thời;

đ) Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân về địa điểm, diện tích sử dụng đất để xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị, phương tiện đo;

e) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Hồ sơ đưa trạm vào hoạt động chính thức:

a) Tờ trình của cơ quan, đơn vị được giao thực hiện di chuyển trạm;

b) Bản sao Quyết định di chuyển trạm;

c) Quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền hoặc bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có); Giấy xác nhận của chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân đối với các diện tích đất thuê, đất không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

d) Biên bản nghiệm thu công trình, thiết bị, phương tiện đo;

đ) Bản sao chứng từ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn, tài liệu kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện đo;

e) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Chương IV. GIẢI THỂ TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA

Điều 13. Thực hiện giải thể trạm

1. Lập báo cáo giải thể trạm theo Mẫu số 4, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Quyết định giải thể trạm của cấp có thẩm quyền.

3. Thực hiện giải thể trạm, thu hồi phương tiện đo theo quy định.

4. Xử lý các vấn đề liên quan khác đến giải thể trạm theo quy định.

5. Lưu trữ Hồ sơ kỹ thuật của trạm.

Điều 14. Hồ sơ giải thể trạm

1. Tờ trình của cơ quan, đơn vị đề nghị giải thể trạm.

2. Báo cáo giải thể trạm.

3. Các văn bản có liên quan.

4. Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chương V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục Khí tượng Thủy văn:

a) Tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia theo quy định;

b) Phê duyệt báo cáo khảo sát kỹ thuật thành lập trạm làm cơ sở để phê duyệt dự án đầu tư;

c) Quyết định bổ sung, giảm yếu tố quan trắc; di chuyển một số hạng mục công trình; đưa trạm, công trình, thiết bị, phương tiện đo vào hoạt động chính thức.

2. Cơ quan, đơn vị được giao thực hiện dự án, nhiệm vụ:

Tổ chức triển khai các nhiệm vụ liên quan đến thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia và bổ sung, giảm các yếu tố quan trắc, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định tại Thông tư này.

Điều 16. Quy định chuyển tiếp

Đối với những trạm đã nộp hồ sơ đề nghị thực hiện thành lập, di chuyển, giải thể trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 03/2006/QĐ-BTNMT ngày 17 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế thành lập, di chuyển, nâng cấp, hạ cấp, giải thể trạm khí tượng thủy văn.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 10 năm 2021.

2. Thông tư này thay thế:

a) Quyết định số 03/2006/QĐ-BTNMT ngày 17 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế thành lập, di chuyển, nâng cấp, hạ cấp, giải thể trạm khí tượng thủy văn;

b) Thông tư số 11/2007/TT-BTNMT ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thực hiện Thông tư này./.

Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Văn phòng Trung ương Đảng;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Văn phòng Chính phủ;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;

- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Công báo; cổng Thông tin điện tử Chính phủ;

- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT;

- Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT;

- Lưu: VT, PC, TCKTTV

KT. B TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Lê Công Thành

Văn bản có phụ lục đính kèm, mời các bạn sử dụng file Tải về để xem nội dung chi tiết.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tài nguyên môi trường được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Tài nguyên và Môi trườngNgười ký:Lê Công Thành
Số hiệu:13/2021/TT-BTNMTLĩnh vực:Đang cập nhật
Ngày ban hành:26/08/2021Ngày hiệu lực:21/10/2021
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 52
0 Bình luận
Sắp xếp theo