Thông tư 26/2018/TT-BYT

Thông tư số 26/2018/TT-BYT

Thông tư 26/2018/TT-BYT quy định về tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế đối với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu do Bộ trưởng Bộ y tế ban hành.

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2018/TT-BYT

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG THEO TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH Y TẾ ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU

Căn cứ Luật viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế đối với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế bao gồm:

a) Các loại chương trình bồi dưỡng được tổ chức tại cơ sở đào tạo;

b) Tiêu chuẩn giảng viên, tài liệu bồi dưỡng, cơ sở vật chất, kinh nghiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của cơ sở đào tạo.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu là cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng có đào tạo khối ngành sức khỏe; đơn vị sự nghiệp y tế có chức năng đào tạo, bồi dưỡng; các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế, dân số (sau đây gọi là cơ sở đào tạo) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Các loại chương trình bồi dưỡng được tổ chức tại cơ sở đào tạo

1. Cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe trình độ đại học trở lên và đơn vị sự nghiệp y tế hạng đặc biệt có đủ tiêu chuẩn quy định tại các điều 3, 4, 5 và 6 Thông tư này được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế các hạng I, II, III và IV.

2. Đơn vị sự nghiệp y tế hạng I và các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế, dân số có đủ tiêu chuẩn quy định tại các điều 3, 4, 5 và 6 Thông tư này được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế các hạng II, III và IV.

3. Trường cao đẳng có đào tạo khối ngành sức khỏe và đơn vị sự nghiệp y tế hạng II có đủ tiêu chuẩn quy định tại các điều 3, 4, 5 và 6 Thông tư này được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế các hạng III và IV.

Điều 3. Tiêu chuẩn về giảng viên

1. Giảng viên phải đáp ứng tiêu chuẩn về giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi là Nghị định số 101/2017/NĐ-CP).

2. Người được mời thỉnh giảng phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có trình độ chuyên môn, quản lý, kinh nghiệm phù hợp với chương trình bồi dưỡng;

b) Tiêu chuẩn về người được mời thỉnh giảng theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

3. Giảng viên của cơ sở đào tạo phải đảm nhiệm được tối thiểu 50% chương trình bồi dưỡng được giao nhiệm vụ.

Điều 4. Tiêu chuẩn về tài liệu bồi dưỡng

1. Cơ sở đào tạo sử dụng một trong các tài liệu bồi dưỡng sau đây:

a) Tài liệu do cơ sở đào tạo tổ chức biên soạn và phê duyệt theo quy định;

b) Tài liệu của cơ sở đào tạo khác đã được thẩm định và phê duyệt theo quy định;

c) Tài liệu đã được Bộ Y tế phê duyệt.

2. Tài liệu bồi dưỡng được cập nhật thường xuyên, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được bồi dưỡng.

Điều 5. Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất

1. Tiêu chuẩn về phòng học và trang thiết bị: Bảo đảm có đủ chỗ ngồi và trang thiết bị phù hợp cho việc dạy và học.

2. Nguồn học liệu: Bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin: Có Trang thông tin điện tử cung cấp, cập nhật đủ thông tin về danh sách giảng viên, chương trình, danh mục tài liệu của từng chương trình bồi dưỡng và có hệ thống cơ sở dữ liệu, lưu trữ thông tin về các khóa học, học viên.

Điều 6. Tiêu chuẩn về kinh nghiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng

Cơ sở đào tạo phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 12 năm 2018.

Điều 8. Điều khoản tham chiếu

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định được viện dẫn trong Thông tư này có sự sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

1. Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các vụ, cục, tổng cục, đơn vị liên quan:

a) Tổ chức triển khai Thông tư này;

b) Tổ chức kiểm tra việc bảo đảm các tiêu chuẩn của cơ sở đào tạo theo quy định tại Thông tư này.

2. Cơ quan, tổ chức có chức năng tham mưu về công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức chuyên ngành y tế tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại Thông tư này trình cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng cụ thể theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế và gửi danh sách về Bộ Y tế để tổng hợp, quản lý.

3. Cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế có trách nhiệm thực hiện Thông tư này; báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và cơ quan giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng trước ngày 30 tháng 11 hằng năm.

4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng thuộc Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (để giám sát);
- VPCP (Phòng Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng BYT;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản QPPL);
- Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Cổng thông tin điện tử BYT;
- Lưu: VP, PC, TCCB (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Viết Tiến

Đánh giá bài viết
1 84
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi