Thông tư 08/2013/TT-BLĐTBXH

Thông tư 08/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 46/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về tranh chấp lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------------------

Số: 08/2013/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2013

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH SỐ 46/2013/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

Căn cứ Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động và miễn nhiệm hòa giải viên lao động theo quy định tại Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động (sau đây gọi tắt là Nghị định số 46/2013/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hòa giải viên lao động.

2. Người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Bộ luật lao động.

3. Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Bộ luật lao động.

4. Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Bộ luật lao động.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện việc tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động và miễn nhiệm hòa giải viên lao động.

Điều 3. Hồ sơ dự tuyển hòa giải viên lao động

1. Đơn dự tuyển hòa giải viên lao động theo mẫu số 01/HGV ban hành kèm theo Thông tư này. Đơn xin dự tuyển hòa giải viên lao động của người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp không thuộc các cơ quan tổ chức giới thiệu quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan, đơn vị đang công tác.

2. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan trực tiếp quản lý hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cư trú.

3. Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền.

4. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Văn bản giới thiệu tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP đối với người được giới thiệu tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động.

Điều 4. Xác định số lượng và tuyển chọn hòa giải viên lao động

1. Mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải có hòa giải viên lao động. Căn cứ số lượng doanh nghiệp, mức độ tranh chấp lao động trên địa bàn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xác định số lượng hòa giải viên lao động trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

Quý 4 hàng năm căn cứ mức độ giải quyết tranh chấp lao động, số lượng doanh nghiệp và số lượng hòa giải viên lao động hiện có, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ sung số lượng hòa giải viên lao động để làm cơ sở tuyển chọn theo quy định.

2. Căn cứ tiêu chuẩn hòa giải viên lao động quy định tại Điều 4 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP và số lượng hòa giải viên lao động cần tuyển, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo tuyển chọn hòa giải viên lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

3. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giới thiệu một cán bộ thuộc phòng quản lý để bổ nhiệm hòa giải viên lao động.

4. Danh sách người đạt tiêu chuẩn báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để đề nghị bổ nhiệm hòa giải viên lao động quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP được lập theo mẫu số 02/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Quyết định bổ nhiệm hòa giải viên lao động

Quyết định bổ nhiệm hòa giải viên lao động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo mẫu số 03/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Công khai danh sách hòa giải viên lao động

Công khai danh sách hòa giải viên lao động theo quy định tại điểm g Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP được quy định như sau:

1. Niêm yết công khai tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện và của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

Điều 7. Tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động

1. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề.

2. Bên yêu cầu hòa giải được lựa chọn hòa giải viên lao động để đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

3. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

4. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

Quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động theo mẫu số 04/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động, hòa giải viên lao động phải thông báo chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức phiên họp hòa giải cho các bên tranh chấp biết trước ít nhất một ngày làm việc trước khi tiến hành.

6. Trường hợp cần thiết thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khác trong tỉnh để cử hòa giải viên lao động hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động.

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đề nghị hỗ trợ hòa giải viên lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP.

Điều 8. Đánh giá kết quả thực hiện mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hòa giải viên lao động

1. Định kỳ hằng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hòa giải viên lao động với các nội dung sau: số vụ được cử tham gia hòa giải, số vụ đã tham gia hòa giải, số vụ hòa giải thành, việc chấp hành quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động, việc chấp hành quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

2. Hòa giải viên lao động hoàn thành nhiệm vụ khi đáp ứng các quy định sau:

- Chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động;

- Chấp hành quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động;

- Số vụ hòa giải thành đạt trên 50% so với số vụ tham gia hòa giải.

Điều 9. Miễn nhiệm hòa giải viên lao động

1. Miễn nhiệm hòa giải viên lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có đơn xin thôi tham gia hòa giải viên lao động theo mẫu số 05/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Có 2 năm liên tục được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

c) Có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng uy tín, thẩm quyền, trách nhiệm của mình làm phương hại đến lợi ích của các bên hoặc lợi ích của Nhà nước trong quá trình hòa giải thuộc một trong các trường hợp sau:

- Một trong các quy định tại Điều 3 của Luật phòng, chống tham nhũng;

- Thực hiện nhiệm vụ hòa giải không vô tư hoặc không khách quan.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chủ trì cuộc họp xem xét mức độ vi phạm pháp luật của hòa giải viên lao động với sự có mặt của hòa giải viên lao động, đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, các bên có liên quan đến hành vi vi phạm của hòa giải viên lao động. Biên bản cuộc họp phải có chữ ký của hòa giải viên lao động, đại diện của các bên tham gia.

d) Có từ 02 lần trở lên không thực hiện nhiệm vụ hòa giải theo quyết định cử hòa giải viên lao động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng.

2. Văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị miễn nhiệm hòa giải viên lao động gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kèm theo Đơn xin thôi tham gia hòa giải viên lao động (đối với trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này) hoặc Báo cáo không hoàn thành nhiệm vụ hòa giải của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với trường hợp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này) hoặc Biên bản họp xem xét mức độ vi phạm pháp luật của hòa giải viên lao động (đối với trường hợp quy định tại điểm c Khoản 1 Điều này).

3. Quyết định miễn nhiệm hòa giải viên lao động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo mẫu số 06/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Bảo đảm điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động

Hằng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

1. Lập dự toán kinh phí, chi trả và quyết toán kinh phí hoạt động của hòa giải viên lao động theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP và pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Bảo đảm các điều kiện cần thiết về phòng họp, tài liệu, văn phòng phẩm cho hòa giải viên lao động tiến hành các vụ hòa giải tranh chấp.

Điều 11. Chế độ báo cáo

1. Hòa giải viên lao động có trách nhiệm báo cáo kết quả hòa giải từng vụ việc hòa giải kèm theo Biên bản các vụ hòa giải cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quản lý, lưu trữ hồ sơ, biên bản giải quyết tranh chấp lao động của hòa giải viên; định kỳ 6 tháng một lần và đột xuất theo yêu cầu về hoạt động hòa giải trên địa bàn báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Định kỳ 6 tháng một lần và đột xuất theo yêu cầu về hoạt động hòa giải trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và xã hội báo cáo kết quả bổ nhiệm, miễn nhiệm, hoạt động hòa giải tranh chấp lao động cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

2. Thông tư số 22/2007/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng hòa giải cơ sở và hòa giải viên lao động và các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn, bổ sung kịp thời./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- VP TƯ Đảng và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- Lưu: VT, PC, LĐTL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)


Phạm Minh Huân

Đánh giá bài viết
1 654
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi