Tải Nghị định 80/2023/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu file DOC, PDF

Tải về

Nghị định số 80 2023 về kinh doanh xăng dầu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo quy định tại Nghị định này, rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 07 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Nội dung Nghị định số 80/2023/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ
_________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________

Số: 80/2023/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu

_________________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu

1. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 7 Điều 1 và điểm 6 khoản 7 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP như sau:

“d) Trường hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực thi hành, thương nhân phải lập hồ sơ như đối với trường hợp cấp mới quy định tại điểm a khoản 7 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, bổ sung văn bản chứng minh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu và gửi về Bộ Công Thương trước ít nhất ba mươi (30) ngày làm việc, trước khi Giấy xác nhận hết hiệu lực.”

“6. Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp:

a) Thương nhân không tiếp tục làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được cấp cho thương nhân.

b) Thương nhân ngừng thực hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian từ chín mươi (90) ngày trở lên.

c) Thương nhân không thực hiện đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương giao trong hai (02) năm liên tiếp.

d) Thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

đ) Thương nhân vi phạm quy định về điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và không khắc phục vi phạm trong thời gian chín mươi (90) ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

e) Thương nhân vi phạm quy định về dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu và không khắc phục vi phạm trong thời gian chín mươi (90) ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

g) Thương nhân đang bị xử lý vi phạm mà tái phạm quy định về bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường tại Nghị định này và các quy định của pháp luật về chất lượng.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP như sau:

“22. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng kho xăng dầu theo quy định của Bộ Công Thương.

23. Trường hợp thương nhân bị chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức hoặc không tiếp tục làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trừ trường hợp việc thay đổi trên không ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh, thương nhân phải thông báo cho Bộ Công Thương để tiến hành thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 13 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP như sau:

“4. Có phòng thử nghiệm thuộc sở hữu của thương nhân hoặc thuê của tổ chức có phòng thử nghiệm đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm theo quy định.”

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 14 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP như sau:

“6. Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp:

a) Thương nhân không tiếp tục làm thương nhân phân phối xăng dầu và có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đã được cấp cho thương nhân.

b) Thương nhân ngừng thực hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian từ chín mươi (90) ngày trở lên.

c) Thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

d) Thương nhân vi phạm quy định về điều kiện đối với thương nhân phân phối xăng dầu và không khắc phục vi phạm trong thời gian chín mươi (90) ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

đ) Thương nhân vi phạm quy định về dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu và không khắc phục vi phạm trong thời gian chín mươi (90) ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

e) Thương nhân đang bị xử lý vi phạm mà tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, vi phạm quy định về tăng, giảm giá bán xăng dầu và các quy định của pháp luật về chất lượng.”

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP như sau:

“17. Thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng kho xăng dầu theo quy định của Bộ Công Thương.

18. Trường hợp doanh nghiệp bị chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức hoặc không tiếp tục làm thương nhân phân phối xăng dầu, trừ trường hợp việc thay đổi trên không ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh, thương nhân phải thông báo cho Bộ Công Thương để tiến hành thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 20 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP như sau:

“8. Sở Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp:

a) Thương nhân không tiếp tục làm đại lý bán lẻ xăng dầu và có văn bản gửi Sở Công Thương đề nghị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu đã được cấp cho thương nhân.

b) Thương nhân ngừng thực hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian từ ba mươi (30) ngày trở lên.

c) Thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

d) Thương nhân vi phạm quy định về điều kiện đối với đại lý bán lẻ xăng dầu và không khắc phục vi phạm trong thời gian chín mươi (90) ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

đ) Thương nhân đang bị xử lý vi phạm mà tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường và các quy định của pháp luật về chất lượng.”

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 và khoản 11 Điều 21 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP như sau:

“2. Chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho tối đa ba (03) thương nhân là thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

3. Thương nhân đã ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho ba (03) thương nhân là thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được ký thêm hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác. Đại lý bán lẻ xăng dầu phải nằm trong hệ thống phân phối của thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó.

11. Trường hợp doanh nghiệp bị chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức hoặc không tiếp tục làm đại lý bán lẻ xăng dầu, trừ trường hợp việc thay đổi trên không ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh, thương nhân phải thông báo cho Sở Công Thương để tiến hành thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu.”

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP như sau:

“6. Sở Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp:

a) Thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu và có văn bản gửi Sở Công Thương đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã được cấp cho thương nhân.

b) Thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

c) Thương nhân vi phạm quy định về điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu và không khắc phục vi phạm trong thời gian chín mươi (90) ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

d) Thương nhân đang bị xử lý vi phạm mà tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường và quy định pháp luật về chất lượng.”

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 9, khoản 10 Điều 26 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP như sau:

“9. Trường hợp thương nhân bị chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức hoặc không tiếp tục kinh doanh xăng dầu, trừ trường hợp việc thay đổi trên không ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh, thương nhân phải thông báo cho Sở Công Thương để tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

10. Thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của Luật quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế.”

10. Sửa đổi, bổ sung điểm 1, điểm 4, điểm 6 khoản 26 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP như sau:

“1. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là Quỹ bình ổn giá); toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng) theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá.

Ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Định kỳ 6 tháng, trước ngày 15 tháng 8, ngày 15 tháng 02 hằng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về Quỹ bình ổn giá xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo ngày 15 tháng 8 được tổng hợp từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 30 tháng 6. Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo ngày 15 tháng 02 được tổng hợp từ ngày 01 tháng 7 đến hết ngày 31 tháng 12 năm trước liền kề. Báo cáo kiểm toán chuyên đề về Quỹ bình ổn giá xăng dầu bao gồm: số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đầu kỳ báo cáo; tổng sản lượng, chủng loại xăng, dầu được thực hiện trích lập, chi sử dụng trong kỳ báo cáo; tổng số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo; tổng số tiền chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo; tiền lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương hoặc âm trong kỳ báo cáo; số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu cuối kỳ báo cáo, chi tiết sao kê tài khoản ngân hàng trong kỳ báo cáo; Báo cáo kiểm kê sản lượng, chủng loại xăng, dầu thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của từng kỳ điều hành.

Định kỳ trước ngày 15 hằng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tình hình thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu của tháng trước liền kề, bao gồm: số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đầu kỳ báo cáo; tổng sản lượng, chủng loại xăng, dầu được thực hiện trích lập, chi sử dụng trong kỳ báo cáo; tổng số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo; tổng số tiền chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo; tiền lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương hoặc âm trong kỳ báo cáo; số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu cuối kỳ báo cáo; đồng thời, có trách nhiệm gửi kèm bản sao kê tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu, thông tin báo cáo.”

“4. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu và báo cáo, công khai theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trường hợp vi phạm, căn cứ mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần đối với hành vi vi phạm các quy định về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoặc không thực hiện kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định này và các văn bản hướng dẫn thì sẽ bị xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cơ sở đề nghị của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Thời hạn tạm dừng kinh doanh xăng dầu là 30 ngày hoặc 60 ngày tùy theo mức độ vi phạm.”

“6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng nơi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực hiện tuân thủ các quy định liên quan đến Quỹ bình ổn giá tại Nghị định này.”

11. Sửa đổi, bổ sung điểm 3 khoản 27 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP như sau:

“3. Thời gian điều hành giá xăng dầu

Thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên Đán), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu thứ Năm là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu ngày thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.”

12. Sửa đổi, bổ sung khoản 28 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP như sau:

“Điều 38a. Công thức giá cơ sở

1. Giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng (=) giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, trong đó:

a) Các yếu tố hình thành giá cơ sở, trong đó có các khoản chi phí về thuế để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Nghị định này chỉ để áp dụng tính toán giá cơ sở xăng dầu.

b) Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở được xác định hàng quý; tỷ trọng sản lượng của quý trước liền kề được áp dụng để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành giá cơ sở của quý tiếp theo.

Định kỳ hàng quý, trên cơ sở số liệu cung cấp về sản lượng xăng dầu nhập khẩu của Bộ Tài chính và báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu (từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của quý đến ngày 20 tháng cuối quý), cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở.

c) Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng (=) giá xăng dầu thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) chi phí về thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng) cộng (+) phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong đó:

- Giá xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở của giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế.

- Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam (gồm cộng (+) hoặc trừ (-) premium là yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu, chi phí bảo hiểm, chi phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác (nếu có), do Bộ Tài chính xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng xăng dầu nhập khẩu và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức giá cơ sở. Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam định kỳ 3 tháng. Trường hợp trong tháng thực hiện, do yếu tố khách quan, chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam biến động với biên độ trên 100%, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; trên cơ sở báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh thời gian rà soát và công bố các khoản chi phí cho phù hợp.

- Chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu được xác định trên cơ sở mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền nhân (x) (giá xăng dầu thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam) nhân (x) tỷ giá ngoại tệ. Trong đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được xác định theo quý trên cơ sở sản lượng xăng dầu nhập khẩu (trong khoảng thời gian từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của quý đến ngày 20 tháng cuối quý) và mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền (%) của quý trước liền kề là căn cứ để tính giá cơ sở của quý tiếp theo. Tỷ giá ngoại tệ thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền (%) do Bộ Tài chính xác định và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng tính chi phí về thuế nhập khẩu trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu.

- Chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) được xác định trên cơ sở giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhân (x) thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trên cơ sở các yếu tố hình thành giá cơ sở do Bộ Tài chính hướng dẫn để Bộ Công Thương tính toán, áp dụng trong công thức tính giá cơ sở. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.

Các chi phí về thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng, phí và các khoản trích nộp khác được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.

- Mức trích lập Quỹ bình ổn giá thực hiện theo thông báo của Bộ Công Thương tại thời điểm công bố giá cơ sở.

d) Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước

Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) giá xăng dầu thế giới cộng (+) hoặc trừ (-) premium (nếu có) cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong đó:

- Premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước (nếu có) là yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng mua bán xăng dầu giữa thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu hoặc doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu; được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng. Premium đưa vào tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước tối đa không cao hơn giá thế giới bình quân nhân (x) thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với mặt hàng xăng dầu theo cam kết quốc tế (trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với xăng dầu lớn hơn 0%).

Premium và chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) do Bộ Tài chính xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để áp dụng trong công thức giá cơ sở.

Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh mức Premium và chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) định kỳ 3 tháng; trường hợp trong tháng thực hiện, do yếu tố khách quan, chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ biến động với biên độ trên 100%, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; trên cơ sở báo cáo các khoản Premium và chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng thực tế phát sinh tại các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh thời gian rà soát và công bố các khoản chi phí cho phù hợp.

Các chi phí thuế, phí và các khoản trích nộp khác được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Các yếu tố hình thành giá gồm giá xăng dầu thế giới, chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

2. Giá cơ sở xăng sinh học được xác định bằng (=) tỷ lệ phần trăm thể tích xăng không chì (%) nhân (x) {(giá xăng thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) chi phí về thuế nhập khẩu xăng) nhân (x) tỷ trọng sản lượng xăng nhập khẩu cộng (+) (giá xăng thế giới cộng (+) premium cộng (+) chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng (nếu có)) nhân (x) tỷ trọng sản lượng xăng từ nguồn sản xuất trong nước)} cộng (+) tỷ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu (%) nhân (x) giá Etanol nhiên liệu cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó:

- Tỷ lệ phần trăm theo thể tích của xăng không chì, tỷ lệ phần trăm theo thể tích của Etanol nhiên liệu áp dụng để tính giá cơ sở xăng sinh học theo quy định tại Nghị định này là tỷ lệ cao nhất được phép pha trộn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với từng chủng loại xăng sinh học; tỷ lệ pha trộn thực tế nằm trong giới hạn cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

- Giá Etanol nhiên liệu áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng sinh học do Bộ Tài chính xác định và thông báo với Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở.

- Các yếu tố hình thành giá gồm: Giá xăng thế giới, chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium để tính giá xăng từ nguồn sản xuất trong nước, chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có), chi phí về thuế nhập khẩu xăng, chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí kinh doanh định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

3. Rà soát điều chỉnh các yếu tố hình thành giá cơ sở

a) Định kỳ vào ngày 21 tháng cuối quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sản lượng xăng dầu xuất bán chi tiết từng chủng loại từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của quý đến ngày 20 tháng cuối quý.

b) Định kỳ vào ngày 21 hằng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo giá Etanol mua trong nước, giá Etanol nhập khẩu, sản lượng Etanol mua trong nước và nhập khẩu tương ứng về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

c) Định kỳ trước các ngày 21 tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12 hằng năm, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam; premium đối với nguồn trong nước; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng (nếu có) về Bộ Tài chính. Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo là ba (03) tháng và được tổng hợp từ ngày 01 của tháng thứ nhất đến ngày cuối cùng của tháng thứ ba (03) liền kề kỳ báo cáo và được thông báo vào ngày 10 tháng sau liền kề của kỳ báo cáo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở, điều hành giá xăng dầu cho kỳ điều hành gần nhất tiếp theo.

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo trung thực, kịp thời và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ, thông tin, số liệu báo cáo về Bộ Tài chính.

d) Trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để công bố vào ngày 01 tháng 7 hằng năm và áp dụng trong công thức tính giá cơ sở, điều hành giá xăng dầu cho kỳ điều hành gần nhất tiếp theo.

đ) Trường hợp ngày báo cáo trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định, việc gửi báo cáo được lùi sang ngày làm việc liền kề. Thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu báo cáo.

e) Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu báo cáo bổ sung hoặc khảo sát thực tế để nắm bắt thêm thông tin để xem xét, quyết định chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium đối với nguồn trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có), chi phí kinh doanh định mức và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức giá cơ sở.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành giá cơ sở.”

13. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 40 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP như sau:

“a) Kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu tuân thủ các điều kiện và quy định tại Điều 7, 9, 10, 11, 13, 15 và 31 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; giao Sở Công Thương kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tuân thủ quy định về sử dụng kho xăng dầu tại Điều 9, 15 và 31 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.”

14. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 40 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP như sau:

“đ) Ban hành các văn bản hướng dẫn về hóa đơn điện tử theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định này phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

2. Quy định chuyển tiếp

a) Đối với thương nhân đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu được tiếp tục hoạt động theo các quy định về tổng đại lý kinh doanh xăng dầu tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cho đến khi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực.

b) Trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định này, các quy định về tổng đại lý tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện Nghị định

1. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (02b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Minh Khái

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Đầu tư - Thương mại được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Tải Nghị định 80/2023/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu file DOC, PDF
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Lê Minh Khái
Số hiệu:80/2023/NĐ-CPLĩnh vực:Thương mại
Ngày ban hành:17/11/2023Ngày hiệu lực:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đánh giá bài viết
1 46
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm