Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế

Tải về

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nghị định này quy định những vấn đề: đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; một số loại hình khu công nghiệp và khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị…

Nghị định gồm 08 Chương, 76 Điều, quy định những vấn đề chung; đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế...

Nghị định số 35 2022

CHÍNH PHỦ

____________

Số: 35/2022/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_____________________

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2022

NGHỊ ĐỊNH
Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế

Căn cứ Luật T chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, b sung một số điều của Luật T chức Chính phủ và Luật T chức chính quyn địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sa đi, b sung một số điu của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Cư trú ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đi, b sung một số điu của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thuế xuất khu, thuế nhập khẩu ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế.

2. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp, khu kinh tế.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.

2. Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu; được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

3. Khu công nghiệp hỗ trợ là khu công nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; có tối thiểu 60% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

4. Khu công nghiệp chuyên ngành là khu công nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm thuộc một ngành, nghề cụ thể; có tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề này.

5. Khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp; đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định này.

6. Khu công nghiệp công nghệ cao là khu công nghiệp thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ, dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo; có tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư này.

7. Cộng sinh công nghiệp là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hoặc trong các khu công nghiệp khác nhau để tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

8. Doanh nghiệp sinh thái là doanh nghiệp thực hiện đồng thời các giải pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái; đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định này.

9. Khu công nghiệp mở rộng là khu vực khu công nghiệp được hình thành thông qua việc tăng quy mô diện tích của khu công nghiệp đã được thành lập trước đó, trong đó phần diện tích mở rộng của khu công nghiệp có ranh giới liền kề hoặc lân cận và có thể kết nối, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật với khu công nghiệp đã được thành lập.

10. Phân khu công nghiệp là một phần diện tích của khu công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp; được xác định trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

11. Phí sử dụng hạ tầng là phí dịch vụ sử dụng có trả tiền các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ, bao gồm: hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, chất thải và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khác.

12. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại khu công nghiệp và cho các nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, thực hiện dự án đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

13. Khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.

14. Khu kinh tế ven biển là khu kinh tế được thành lập ở khu vực ven biển và địa bàn lân cận khu vực ven biển.

15. Khu kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế được thành lập ở khu vực biên giới đất liền và địa bàn lân cận khu vực biên giới đất liền.

16. Khu kinh tế chuyên biệt là khu kinh tế được thành lập ở vùng kinh tế trọng điểm, hành lang phát triển, khu vực động lực phát triển hoặc khu vực có vai trò tương tự được xác định trong quy hoạch vùng.

17. Khu phi thuế quan trong khu kinh tế là khu phi thuế quan được xác định trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế.

18. Diện tích đất công nghiệp là phần diện tích đất trong khu công nghiệp dành cho nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi, thực hiện dự án đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh; được xác định trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

19. Diện tích đất dịch vụ là phần diện tích đất trong khu công nghiệp dành cho nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất để xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, thực hiện dự án đầu tư; được xác định trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

20. Hoạt động chế xuất là hoạt động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu.

21. Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế.

22. Tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp là tỷ lệ diện tích đất công nghiệp và đất dịch vụ đã cho nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thực hiện dự án thuê đất, thuê lại đất để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, thực hiện dự án đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật trên tổng diện tích đất công nghiệp và đất dịch vụ của khu công nghiệp, được tính theo tỷ lệ phần trăm (%).

23. Công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế là công trình công cộng được phân loại theo công năng sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng, bao gồm: công trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu; công trình y tế; công trình thể thao, văn hóa, công viên; công trình thương mại; cơ sở lưu trú; công trình dịch vụ và các công trình kết cấu khác được xây dựng phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

24. Hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 71 của Luật Đầu tư là hệ thống thông tin nghiệp vụ chuyên môn về khu công nghiệp, khu kinh tế được xây dựng và vận hành theo quy định tại Nghị định này để gửi, nhận, lưu trữ, hiển thị và thực hiện các nghiệp vụ khác đối với dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế.

25. Cụm liên kết ngành trong khu công nghiệp là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và doanh nghiệp, tổ chức có liên quan hoạt động trong khu công nghiệp cùng hợp tác và cạnh tranh.

Điều 3. Phương hướng xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế

1. Phương hướng xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế là một nội dung của quy hoạch vùng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 26 của Luật Quy hoạch.

2. Nội dung phương hướng xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế bao gồm:

a) Mục tiêu, định hướng, phương hướng phân bổ không gian, tổ chức thực hiện và giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của vùng trong kỳ quy hoạch;

b) Dự kiến tổng diện tích, loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc vùng; xác định các khu kinh tế có vai trò quan trọng, có tính động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Điều 4. Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp

1. Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp là một nội dung của quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 của Luật Quy hoạch.

2. Nội dung phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp bao gồm:

a) Mục tiêu, định hướng, tổ chức thực hiện và giải pháp về phát triển hệ thống khu công nghiệp trong kỳ quy hoạch;

b) Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Thể hiện phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp trên bản đồ quy hoạch.

3. Nội dung Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm:

a) Tên của khu công nghiệp;

b) Quy mô diện tích và địa điểm dự kiến của khu công nghiệp.

4. Việc lập Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Không phát triển khu công nghiệp mới tại khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương, đô thị loại I trực thuộc tỉnh, trừ khu công nghiệp được đầu tư theo loại hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái;

b) Không sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ (bao gồm: rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đông dân cư, rừng phòng hộ biên giới);

c) Khu công nghiệp phải có khả năng kết nối đồng bộ với hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và có khả năng thu hút nguồn nhân lực, huy động các nguồn lực để phát triển khu công nghiệp;

d) Có quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích của các khu công nghiệp trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp;

đ) Đáp ứng quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều, hành lang bảo vệ bờ biển, sử dụng đất lấn biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên;

e) Phù hợp với phương hướng xây dựng khu công nghiệp.

5. Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp là cơ sở để tổ chức:

a) Lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng, quy hoạch điều chỉnh quy hoạch này;

b) Lập, điều chỉnh kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ sự phát triển của khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng.

Điều 5. Phương án phát triển hệ thống khu kinh tế

1. Phương án phát triển hệ thống khu kinh tế là một nội dung của quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 của Luật Quy hoạch.

2. Nội dung phương án phát triển hệ thống khu kinh tế bao gồm:

a) Mục tiêu, định hướng, tổ chức thực hiện và giải pháp về phát triển hệ thống khu kinh tế trong kỳ quy hoạch;

b) Danh mục các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Thể hiện phương án phát triển hệ thống khu kinh tế trên bản đồ quy hoạch.

3. Nội dung Danh mục các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm:

a) Tên của khu kinh tế;

b) Quy mô diện tích và địa điểm dự kiến của khu kinh tế.

4. Việc lập Danh mục các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Địa điểm dự kiến thành lập khu kinh tế thuộc khu vực có tiềm năng, lợi thế đặc biệt quan trọng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội so với các khu vực khác trên địa bàn cả nước để thu hút nguồn nhân lực, huy động các nguồn lực và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sản xuất, kinh doanh; gắn với cảng hàng không quốc tế hoặc cảng biển loại I trở lên trong trường hợp dự kiến thành lập khu kinh tế ven biển; có cửa khẩu quốc tế theo quy định của pháp luật về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền trong trường hợp dự kiến thành lập khu kinh tế cửa khẩu; có khả năng kết nối thuận lợi với các trục hành lang kinh tế khu vực và quốc tế, tiếp cận dễ dàng với các thị trường quốc tế, phát triển thành trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đổi mới sáng tạo quy mô lớn, thúc đẩy tiềm năng đặc biệt của vùng trong trường hợp dự kiến thành lập khu kinh tế chuyên biệt;

b) Có quy mô diện tích từ 10.000 ha trở lên đối với khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu, từ 5.000 ha trở lên đối với khu kinh tế chuyên biệt và đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp của khu kinh tế;

c) Có khả năng thu hút dự án, công trình đầu tư với quy mô lớn, đặc biệt quan trọng và có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng;

d) Không tác động tiêu cực đến di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên; phù hợp với bố trí quốc phòng và bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lãnh thổ; có điều kiện đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu;

đ) Phù hợp với phương hướng xây dựng khu kinh tế.

5. Phương án phát triển hệ thống khu kinh tế trong quy hoạch tỉnh là cơ sở để:

a) Thành lập, mở rộng khu kinh tế;

b) Tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, quy hoạch điều chỉnh quy hoạch này;

c) Tổ chức lập, điều chỉnh kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để phục vụ sự phát triển của khu kinh tế.

Chương II. ĐẦU TƯ HẠ TẦNG, THÀNH LẬP KHU CÔNG NGHIỆP, KHU KINH TẾ

Mục 1. ĐẦU TƯ HẠ TẦNG, THÀNH LẬP KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 6. Đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp

1. Khu công nghiệp được đầu tư theo các loại hình khác nhau, bao gồm: khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp).

2. Khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế được tổng hợp vào quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, trình phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp điều chỉnh khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế thì thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế theo quy định của pháp luật về xây dựng.

3. Điều kiện, trình tự và thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Điều kiện, trình tự và thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp mở rộng thực hiện theo quy định tương tự khu công nghiệp mới, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 9 của Nghị định này.

5. Mỗi khu công nghiệp có một hoặc nhiều chủ đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

6. Khu công nghiệp được xác định là đã được thành lập kể từ ngày cấp có thẩm quyền:

a) Quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Điều 7. Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp

1. Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp gồm: quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp và quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp (nếu cần). Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được lập, thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định tại Nghị định này.

2. Quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp được phê duyệt là cơ sở để:

a) Tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp (nếu cần);

b) Tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công; tổ chức lập hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư;

c) Quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư.

3. Căn cứ phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập và phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về xây dựng.

4. Các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch:

a) Trường hợp lập quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt thì không cần lập nhiệm vụ quy hoạch;

b) Trường hợp lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt thì không cần lập nhiệm vụ quy hoạch;

c) Trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch theo quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng cho toàn bộ khu vực được quy hoạch theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với khu công nghiệp có quy mô diện tích từ 500 ha trở lên, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp có nhiều chủ đầu tư hạ tầng hoặc nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng theo từng phân khu công nghiệp.

Trường hợp khu công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ quy định tại khoản này được xác định trong quy hoạch chung đô thị hoặc quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt thì được lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp mà không cần lập nhiệm vụ quy hoạch.

6. Trừ trường hợp lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựung được phê duyệt hoặc khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản đối với đồ án quy hoạch chung xây dựng hoặc đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp của các cơ quan sau đây:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng đối với khu công nghiệp có quy mô diện tích từ 200 ha trở lên;

b) Bộ Giao thông vận tải đối với khu công nghiệp có đấu nối vào quốc lộ;

c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với khu công nghiệp có vị trí tiếp giáp khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thiên nhiên, khu du lịch cấp quốc gia trở lên;

d) Bộ Xây dựng đối với khu công nghiệp nằm trong các đô thị loại II;

đ) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với khu công nghiệp tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật về đầu tư.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh địa điểm, điều chỉnh quy mô diện tích lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp nếu không thay đổi địa bàn cấp huyện trong các trường hợp sau đây:

a) Điều chỉnh địa điểm, điều chỉnh quy mô diện tích của khu công nghiệp nhưng không quá 2% và không quá 6 ha so với quy mô diện tích của khu công nghiệp đã được xác định trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Điều chỉnh địa điểm, điều chỉnh quy mô diện tích của khu công nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng không quá 10% và không quá 30 ha so với quy mô diện tích của khu công nghiệp đã được xác định trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhà đầu tư đã được lựa chọn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp (nếu cần) tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp.

9. Nhà đầu tư đã được lựa chọn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp (nếu cần).

10. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.

11. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế quyết định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp; quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.

12. Công trình dịch vụ, tiện ích công cộng được quy hoạch xây dựng tại phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp để phục vụ cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Tỷ lệ diện tích đất xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng không quá 10% so với tổng diện tích đất của khu công nghiệp.

Điều 8. Trình tự, thủ tục đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

1. Trình tự, thủ tục quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định sau đây:

a) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hạ tầng khu công nghiệp phải có nội dung giải trình việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 của Nghị định này;

b) Nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm các nội dung theo quy định của pháp luật về đầu tư công và việc đáp ứng các điều kiện tương ứng quy định tại Điều 9 của Nghị định này.

2. Trình tự, thủ tục đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp bao gồm cả khu công nghiệp trong khu kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định sau đây:

a) Đề xuất dự án đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư phải có nội dung giải trình việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 của Nghị định này; giải trình việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 của Nghị định này (đối với trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư);

b) Nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm các nội dung theo quy định của pháp luật về đầu tư và việc đáp ứng các điều kiện tương ứng quy định tại Điều 9 và khoản 1 Điều 10 của Nghị định này (đối với trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư).

3. Ý kiến của các cơ quan quy định tại khoản 6 Điều 7 của Nghị định này được tiếp tục sử dụng để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Cơ quan lấy ý kiến gửi hồ sơ lấy lại ý kiến thẩm định của các cơ quan này về nội dung thẩm định nếu cơ quan lấy ý kiến thấy cần thiết.

4. Khu công nghiệp thuộc trường hợp phân kỳ đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với từng giai đoạn.

Trường hợp khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công hoặc giai đoạn tiếp theo có cùng nhà đầu tư với giai đoạn trước thì được quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi giai đoạn trước đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% hoặc đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp này, nhà đầu tư giai đoạn trước được ưu tiên lựa chọn thực hiện giai đoạn sau, trừ trường hợp phải áp dụng đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

5. Khu công nghiệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định này thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với từng giai đoạn và các quy định sau đây:

a) Hồ sơ dự án phải có cam kết về tiến độ thu hút các dự án đầu tư thực hiện cụm liên kết ngành quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định này;

b) Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải quy định nội dung cam kết trong hồ sơ dự án. Việc xử lý vi phạm cam kết thực hiện theo nội dung cam kết, quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Trường hợp khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công hoặc giai đoạn tiếp theo có cùng nhà đầu tư với giai đoạn trước thì được quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi giai đoạn đầu đã cho nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thực hiện dự án đầu tư thuê đất, thuê lại đất để thực hiện cụm liên kết ngành theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định này, đồng thời đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% hoặc đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp này, nhà đầu tư giai đoạn trước được ưu tiên lựa chọn thực hiện giai đoạn sau, trừ trường hợp phải áp dụng đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

1. Phù hợp với quy hoạch, nội dung quy hoạch sau đây:

a) Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;

b) Có trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với khu công nghiệp nằm trong ranh giới khu kinh tế;

c) Phù hợp với quy hoạch xây dựng khu công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Khu công nghiệp trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này phải được phân kỳ đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Khu công nghiệp có quy mô diện tích trên 500 ha phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không quá 500 ha;

b) Khu công nghiệp có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa trên 200 ha ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa quá 200 ha;

c) Khu công nghiệp có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa trên 150 ha ở vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa quá 150 ha;

d) Khu công nghiệp có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa trên 100 ha ở vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa quá 100 ha.

3. Khu công nghiệp thu hút các dự án đầu tư thực hiện cụm liên kết ngành với tổng vốn đầu tư của các dự án trong cụm liên kết ngành tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ hoặc 45.000 tỷ đồng được xem xét đầu tư giai đoạn đầu có quy mô diện tích không quá 1.000 ha. Các giai đoạn tiếp theo (nếu có) thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Dành tối thiểu 5 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng, văn phòng, kho bãi) để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại điểm e, điểm g khoản 2 Điều 15 của Luật Đầu tư, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất. Trường hợp đầu tư loại hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao thì không phải thực hiện điều kiện quy định tại khoản này.

5. Có khả năng đáp ứng các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Tại thời điểm trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hợp lệ theo quy định của pháp luật về đầu tư, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt tối thiểu là 60%, trừ các trường hợp sau đây:

a) Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã được thành lập trước đó nhưng bị chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc có quyết định hủy bỏ dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Tổng diện tích đất của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phổ trực thuộc trung ương từ 1.000 ha trở xuống;

c) Địa điểm của khu công nghiệp tại địa bàn cấp huyện thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc trong khu kinh tế đã được thành lập;

d) Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo các loại hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao theo quy định tại Nghị định này;

đ) Trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này.

7. Có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp hoặc cụm các khu công nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp mở rộng trên cơ sở khu công nghiệp đã được thành lập trước đó và có cùng nhà đầu tư thực hiện hoặc sử dụng vốn đầu tư công thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Khu công nghiệp đã được thành lập trước đó đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu là 60% và đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Khu công nghiệp mở rộng có khả năng kết nối, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật với khu công nghiệp đã được thành lập trước đó;

c) Đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp hoặc cụm các khu công nghiệp đã được thành lập trước đó theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 7 Điều này.

Điều 10. Điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp

1. Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;

b) Điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp thì tổ chức kinh tế dự kiến thành lập phải có khả năng đáp ứng điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp chọn áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì các tiêu chuẩn đánh giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp bao gồm:

a) Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực của nhà đầu tư được xây dựng trên cơ sở các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm của nhà đầu tư được xây dựng trên cơ sở quy mô diện tích, tiến độ thực hiện, tình hình thực hiện của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hoặc dự án bất động sản khác mà nhà đầu tư đã thực hiện hoặc đã góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án; chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập là tổ chức của nhà đầu tư đã thực hiện hoặc đã góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án;

c) Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở nội dung Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp của cấp có thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Tiêu chuẩn đánh giá về tài chính - thương mại được xây dựng trên cơ sở nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp của cấp có thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Điều 11. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp

1. Trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

2. Điều kiện, trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định sau đây:

a) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư phải có nội dung giải trình việc đáp ứng các quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Nội dung thẩm định điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm các nội dung theo quy định của pháp luật về đầu tư và việc đáp ứng các điêu kiện theo quy định tại khoản 3 Điều này (nếu có).

3. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được điều chỉnh giảm quy mô diện tích và không phải điều chỉnh phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quy hoạch nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ đầu tư của khu công nghiệp;

b) Điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp để dành một phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp theo quy định tại khoản 9 Điều 77 của Luật Đầu tư;

c) Giảm quy mô diện tích của khu công nghiệp để hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh;

d) Do điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Điều 12. Đổi tên gọi của khu công nghiệp

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc đổi tên gọi của khu công nghiệp đã được xác định trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đề nghị của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế hoặc nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Điều 13. Chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ

1. Các điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ bao gồm:

a) Phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Khu công nghiệp nằm trong khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh;

c) Thời gian hoạt động kể từ ngày khu công nghiệp được thành lập đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc một phần hai (1/2) thời hạn hoạt động của khu công nghiệp;

d) Có sự đồng thuận của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và trên hai phần ba (2/3) số doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại khu vực dự kiến chuyển đổi, trừ các trường hợp: dự án đầu tư đã hết thời hạn hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án đầu tư không đủ điều kiện gia hạn cho thuê lại đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự; dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc diện buộc phải di dời theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

đ) Có hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường.

2. Hồ sơ đề nghị chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ bao gồm:

a) Đề án chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ gồm các nội dung sau: căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ; đánh giá và giải trình khả năng đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này (kèm theo các tài liệu có liên quan); phương án di dời, bồi thường, giải phóng mặt bằng và phương án huy động các nguồn vốn để thực hiện; kiến nghị các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có) và tổ chức thực hiện;

b) Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ;

c) Hồ sơ được lập thành 10 bộ, trong đó có ít nhất 02 bộ hồ sơ gốc (01 bộ hồ sơ gốc trình Thủ tướng Chính phủ) và 09 bộ hồ sơ nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này.

3. Trình tự, thủ tục thẩm định việc chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ:

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và cơ quan nhà nước có liên quan;

b) Trường hợp hồ sơ không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Thời gian bổ sung, sửa đổi hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến theo quy định tại điểm a khoản này, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

d) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 4 Điều này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ.

Trường hợp cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định hoặc tổ chức cuộc họp với cơ quan nhà nước có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm rõ những vấn đề có liên quan.

4. Nội dung thẩm định việc chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ bao gồm:

a) Căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ;

b) Đánh giá việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Đánh giá tính khả thi của phương án di dời, bồi thường, giải phóng mặt bằng và phương án huy động các nguồn vốn để thực hiện;

d) Đánh giá các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có) và tổ chức thực hiện.

5. Việc chuyển đồi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ quy định tại Điều này được thực hiện đối với một phần hoặc toàn bộ diện tích khu công nghiệp.

6. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần diện tích của khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ thì chủ đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị - dịch vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 2. THÀNH LẬP, MỞ RỘNG, ĐIỀU CHỈNH RANH GIỚI KHU KINH TẾ

Điều 14. Thành lập khu kinh tế

1. Khu kinh tế bao gồm: khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế chuyên biệt (sau đây gọi chung là khu kinh tế).

2. Khu kinh tế được thành lập nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; có trong Danh mục các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Có khả năng huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu kinh tế và phát triển sản xuất, kinh doanh;

c) Có hiệu quả kinh tế - xã hội;

d) Đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

đ) Bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập khu kinh tế thực hiện theo quy định tương ứng tại Điều 15 và Điều 16 của Nghị định này.

Điều 15. Hồ sơ thành lập khu kinh tế

1. Đề án thành lập khu kinh tế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm các nội dung sau đây:

a) Căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc thành lập khu kinh tế;

b) Đánh giá hiện trạng, các yếu tố và điều kiện về vị trí địa lý, tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội, các hạn chế và lợi thế so sánh của khu vực dự kiến thành lập khu kinh tế so với các khu vực khác trên địa bàn cả nước;

c) Đánh giá và giải trình khả năng đáp ứng các điều kiện thành lập khu kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định này (kèm theo các tài liệu có liên quan);

d) Dự kiến phương hướng phát triển của khu kinh tế gồm: mục tiêu phát triển, quy mô diện tích, tính chất, chức năng của khu kinh tế; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; định hướng phát triển không gian, các khu chức năng trong khu kinh tế; kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế;

đ) Kiến nghị các giải pháp và tổ chức thực hiện;

e) Thể hiện phương án thành lập khu kinh tế trên bản đồ tỷ lệ 1:10.000 - 1:25.000.

2. Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thành lập khu kinh tế.

3. Hồ sơ được lập thành 10 bộ, trong đó có ít nhất 02 bộ hồ sơ gốc (01 bộ hồ sơ gốc trình Thủ tướng Chính phủ) và 09 bộ hồ sơ nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.

.................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Đầu tư được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế
Chọn file tải về :
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Người ký:
Số hiệu:Lĩnh vực:Đang cập nhật
Ngày ban hành:Ngày hiệu lực:Đang cập nhật
Loại văn bản:Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đánh giá bài viết
2 418
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm