Nhật ký làm theo lời Bác

Nhật ký làm theo lời Bác là những bài nhật ký viết lại những việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác, lấy những lời dạy của Bác để làm chuẩn mực cuộc sống và học tập theo lời dạy của Bác. Đây là hoạt động có ý nghĩa, giúp mọi người hiểu rõ hơn về các phẩm chất tốt đẹp của Bác Hồ, qua đó lan tỏa được tinh thần học tập, làm việc theo gương Bác.

Mời các bạn cùng tham khảo mẫu hướng dẫn viết nhật ký làm theo lời bác dưới đây.

1. Nhật ký làm theo lời Bác hay

Nhật ký làm theo lời Bác không chỉ được triển khai cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, mà hoạt động này còn được "nhân rộng" trong toàn thể cộng đồng, những người là cựu chiến binh, đảng viên.

Năm 1970, đồng chí Ðàm Văn Thân bị thương trong một trận đánh ác liệt, nhiều mảnh lựu đạn găm vào người, và làm đứt một phần xương bàn chân phải. Sau ngày về hưu, đồng chí được bầu làm Chi hội trưởng cựu chiến binh tổ dân phố, rất tích cực vận động hội viên tham gia bảo vệ an ninh khu phố. Tháng 4-2009, người cựu chiến binh cao tuổi ấy đã bắt tên M khi hắn đang vận chuyển 32 tép hê-rô-in. Trước đó, tháng 2-2009, bác Thân đã nhiều lần kiên trì thuyết phục, đứng ra hòa giải hai nhóm thanh niên ở hai tổ dân phố, tránh được nguy cơ hình thành 'điểm nóng'. - Trích 'Học đức tính liêm - chính của Bác Hồ, cho tôi dũng khí bảo vệ bình yên thành phố. - Ðàm Văn Thân, cựu chiến binh phường Thọ Xương'

"Đại An, ngày 17.4.2020. Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp ngày 15 hằng tháng, tôi và các đồng chí trong Ban Chấp hành Đoàn xã đóng góp một phần kinh phí (40 nghìn đồng) để giúp các em học sinh gặp khó khăn đột xuất, thuộc hộ nghèo, có thêm điều kiện đến trường. Có thể nói, hành động của các đồng chí trong Ban Chấp hành Đoàn xã chứa đựng nhiều ý nghĩa hết sức nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Hy vọng một ngày nào đó, các bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong thôn có thể đọc được những dòng tâm sự này của tôi và suy ngẫm, có nhiều đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội của xã Tam Đại nói chung, của thôn nói riêng. Cũng mong rằng các bạn ĐVTN đang làm ăn xa đã thành đạt hãy quan tâm góp một phần nhỏ bé của mình để cùng chung tay giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó có thêm điều kiện đến trường" - “Sổ nhật ký làm theo lời Bác” của Chi đoàn thôn Đại An (xã Tam Đại, Phú Ninh)

2. Nhật ký học tập và làm theo lời Bác

Nhật ký làm theo lời Bác

Nói về chuyển biến trong thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại Phú Ninh, ông Huỳnh Xuân Chính - Trưởng ban Tuyên giáo Phú Ninh cho biết, thời gian qua nội dung kế hoạch làm theo gương Bác trên địa bàn tập trung thực hiện có hiệu quả các mô hình sâu sát thực tế. Trong đó, ở địa phương cơ sở hướng đến việc giúp đỡ hộ nghèo; góp phần xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, khối phố văn minh đô thị. Ở các cơ quan, đơn vị triển khai các mô hình về kỷ cương, kỷ luật hành chính như “4 đúng, 4 phải, 3 sát” để hướng đến mô hình “3 nhất” (gương mẫu nhất, hiệu quả nhất, sâu sát cơ sở nhất), gắn với cam kết không rơi vào 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nhận diện. Mỗi cá nhân, lấy những việc làm theo gương Bác để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, hướng đến hoàn thiện bản thân, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc. “Chuyển biến đáng mừng là việc “làm theo” đã từng bước đi vào thực chất, không còn chung chung, biểu hiện cụ thể qua từng công việc, tạo mối quan hệ gần gũi giữa người cán bộ với nhân dân” - ông Chính nói.

Còn tại Hiệp Đức, ông Nguyễn Văn Luyện - Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy nhìn nhận, việc triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW được tiến hành cơ bản đáp ứng yêu cầu ở cả cấp huyện và cơ sở. Một số nơi vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế cơ quan, đơn vị với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã dần đi vào nền nếp, hạn chế được biểu hiện hình thức, góp phần tích cực nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên về rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng và tạo chuyển biến bước đầu trong hành động “làm theo”. Ông Nguyễn Văn Luyện khẳng định: “Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hiệp Đức đang tổ chức khảo sát nhằm đánh giá những kết quả việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 04 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua. Từ đó, tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy các giải pháp nhằm phát huy, biểu dương những cách làm hay, sáng tạo để phổ biến, nhân rộng; cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thời gian tới thực hiện đạt kết quả tốt hơn”.

3. Nhật ký làm theo lời Bác mẫu 1

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh một danh nhân Văn hoá thế giới, lãnh tụ thiên tài kính yêu, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc của đất nước ta, đã nhiều lần khẳng định: nghề Nhà giáo là nghề rất cao quý, rất vẻ vang. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Đặc biệt, Người đã khẳng định: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất.

Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang ấy, theo Người, mỗi nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức của người giáo viên. Trước hết, phải không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực toàn diện.

Trên tinh thần nắm vững quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”; Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình… Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải mình. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng ngời cho học sinh học tập noi theo.

Ngoài việc nhắc nhở các thầy giáo, cô giáo phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Người còn thường xuyên nhắc nhở mỗi thầy giáo, cô giáo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức nhà giáo mẫu mực. Người nhấn mạnh: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.

Để rèn luyện đạo đức, Người luôn nhắc nhở các nhà giáo phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân. “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”. Và “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”.

Trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo, Người hết sức coi trọng việc xây dựng tình đoàn kết. Người dặn dò: “Trước hết là phải đoàn kết. Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối thống nhất, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng”.

Phải thật sự yêu nghề, yêu trò; Yêu nghề, yêu trò là phẩm chất, là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo. Bởi đây là cơ sở, là động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình. Đó là cái tâm trong sáng và cao thượng của các nhà giáo. Mỗi cô giáo, thầy giáo phải yêu nghề, yêu trò sâu sắc thì mới có thể trở thành nhà giáo tốt, nhà giáo mẫu mực, được xã hội tôn vinh và kính trọng. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?”. Yêu trò – là tất cả vì sự tiến bộ của trò, “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt đối xử các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy”. Yêu nghề, yêu trò còn thể hiện trong cách quan tâm, chăm lo, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần trong trường học. Bác dặn “Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn”.

Hiện nay, trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà đang có nhiều tiêu cực, nhất là về nạn bằng cấp, hiện tượng tiêu cực trong thi cử, dạy thêm, học thêm, một số nhà giáo vì những lợi ích vật chất tầm thường mà đánh mất phẩm giá cao đẹp. Đặc biệt sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ đức tài, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Trước tình hình ấy, việc nghiên cứu, quán triệt và thực hiện đúng đắn những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ nhà giáo càng quan trọng và cấp thiết đối với mỗi nhà giáo.

Những quan điểm và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện phẩm chất, đạo đức, năng lực của Nhà giáo ngay từ ngày đầu lập nước cho đến khi Người đi xa về sự nghiệp giáo dục – đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào đạo những con người có tài, có đức, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, cũng chính là những vấn đề cơ bản mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt ra và yêu cầu đổi mới một nền giáo dục của nước nhà ngày càng phát triển lên một tầm cao mới và chiều sâu mới, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong thời kỳ hội nhập Quốc tế hiện nay.

4. Sổ nhật ký làm theo lời Bác số 2

Trong lịch sử nhân văn của loài người Việt Nam, đông tây nam bắc có rất nhiều tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Nhung không ai có thể sánh được với Bác Hồ.Bác là vị cha già kính yêu của dân tộc là tấm gương sáng để tất cả mọi người học hỏi và cố gắng hoàn thiện mình để xứng đáng với lời dạy của Bác.

Bác từng dạy chúng ta: "Tháng không kiêu, bại không nản". Trong cuộc sống của chúng tôi từ công việc đến học hành đôi khi có rất nhiều trở ngại và khó khăn nhưng không vì thế mà tôi nản chí, tôi luôn cố gắng để vượt qua những khó khăn đó vì:

"Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên."

Lời dạy của bác luôn hằn sâu trong tấm trí tôi. Nếu có quyết tâm thì việc gì cũng vượt qua hết. Cũng giống như Bác: Lòng yêu nước của Bác thật bao la thật kiên cường nên Bác đã không quản ngại khó khăn, cực khổ để đấu tranh giải phóng đất nước.

Nhờ lời dạy của Bác đã giúp tôi đứng vững hơn trong cuộc sống và dần dần hoàn thiện mình ngày càng tốt hơn.

Nhật ký làm theo lời Bác

5. Mẫu nhật ký làm theo lời Bác số 3

Đảng - Mùa xuân

Bảy mươi chín năm một chặng đường có Đảng
Tháng ngày dài những vất vả gian truân
Chiến đầu dựng xây, sục sôi máu nóng
Ghi khắc chiến công trên ngọn cờ hồng

Bảy mươi chín năm, bảy mươi chín mùa xuân
Xuân chiến thắng, xuân hồng, xuân đổi mới
Vững bước tiến giữa đất trời thịnh hội
Chắp cánh Lạc Hồng nắm trọn tương lai

Tôi, các bạn, chúng ta là ai?
Có tự hỏi liệu mình đã sống?
Cũng chảy trong tim một dòng máu nóng
Cũng hoài bão, cũng ước mơ, hi vọng
Sao không nhuộm máu mình lên cờ thắm vinh quang!

Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Cả cuộc đời của Chủ Tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới vấn đề chăm lo giáo dục thanh niên. Sinh thời Người nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là do các thanh niên.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung, mà còn đối với mỗi đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh nói riêng. Học tập theo tấm gương đạo đức của Bác là một nhiệm vụ thường xuyên, qua đó để thanh niên rèn luyện bản thân sống theo lý tưởng cộng sản.

Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang có tác động sâu sắc đến thái độ và ý thức chính trị của đoàn viên thanh niên, họ quan tâm và có trách nhiệm hơn với sự phát triển của quê hương, đất nước, tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức. Ý thức lập thân, lập nghiệp của thanh niên cao hơn trước. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng, thanh niên đang chịu sự tác động nhiều chiều của đời sống xã hội. Một bộ phận đoàn viên thanh niên chưa tích cực, ngại khó, sợ khổ, thích đua đòi, sống ích kỷ, thực dụng, thờ ơ với sinh hoạt chính trị, không quan tâm đến đời sống cộng đồng, thích hưởng thụ nên đã sa vào các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, đoàn thanh niên cần phát huy hơn nữa vai trò là người bạn thân thiết, đồng hành cùng đoàn viên thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần giải quyết những vấn đề mà thanh niên quan tâm, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Để thanh niên khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong xã hội thì việc tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên thanh niên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần chú trọng những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất: Giáo dục thanh niên phải sống có hoài bão, lý tưởng cách mạng và ý chí vươn lên.

Thanh niên chúng ta ngày nay được thừa hưởng những thành qủa cách mạng của các thế hệ cha anh.Chính vì vậy, thanh niên cần ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên phải được tiến hành trên cơ sở khoa học và thường xuyên, liên tục thông qua việc tổ chức cho đoàn viên thanh niên học tập chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của thanh niên vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ hai: Nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự cho thanh niên để tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mỗi đoàn viên thanh niên phải không ngừng việc học và tự học để tích lũy và nâng cao tri thức của bản thân. Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập trong đoàn viên thanh niên, thanh niên phải đi đầu trong xây dựng xã hội học tập với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Phát động các phong trào thi đua sáng tạo trong thanh niên để phát huy trí tuệ, lòng say mê và khả năng sáng tạo của tuổi trẻ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Thứ ba: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trước yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tình hình thanh niên biến đổi nhanh chóng, đòi hỏi cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên nhằm bồi dưỡng, phát huy vai trò, vị trí của thanh niên. Đây là cơ hội và điều kiện thuận lợi để các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội chăm lo công tác thanh niên. Giáo dục thế hệ trẻ vừa hồng, vừa chuyên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói cách khác là phải nâng cao chất lượng phong trào rèn đức, luyện tài trong thanh niên để xây dựng đội ngũ đông đảo những người lao động trẻ có tâm và có tài đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Thứ tư: Triển khai mạnh mẽ hơn nữa cuộc vận động Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Cuộc vận động đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục ý thức và trách nhiệm cho đoàn viên thanh niên trong tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cuộc vận động đã được cụ thể hóa bằng những việc làm, hành động và kết qủa cụ thể, xuất phát từ tình cảm kính yêu, biết ơn của tuổi trẻ đối với Bác.

Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là dịp đoàn viên thanh niên soi mình trong tấm gương cách mạng sáng ngời của Bác, để cho mỗi đoàn viên thanh niên thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và tình cảm của Người. Sự nghiệp cách mạng của Đảng, vận mệnh và tương lai của đất nước phụ thuộc rất lơn vào năng lực và sự cống hiến của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay. Với vai trò, vị trí và khả năng của mình, nhất định các tầng lớp thanh niên Việt Nam mà nòng cốt là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hãy xứng đáng với lòng tin của Đảng, của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

6. Nhật ký làm theo lời Bác số 4

"Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư." Một câu nói đầy ý nghĩa của Bác Hồ, và câu nói đó dường như tôi đã khắc cốt ghi tâm. Các công việc ở trường bao giờ tôi cũng rất thẳng thắn. Bình điểm ở tổ, ai hơn, ai kém, người ta ập ờ không dám nói, tôi nói ngay, tôi nói chân thật và có khi còn nói mình hơn họ bao nhiêu điểm nữa. Nói thế, nhưng chắc không ai giận đâu, vì ai cũng biết trong lòng tôi chẳng có gì độc địa. Những khi dạy học ở lớp, tôi luôn nhắc nhở học sinh phải chuyên cần học tập, tiết kiệm và trung thực. Tôi luôn bảo với học sinh rằng nếu chúng ta không có nhiều sự thông minh, lanh lợi nhưng chúng ta cần cù, chăm chỉ thì ắt sẽ thành công. Tôi yêu học trò của tôi lắm, và tôi có gắng chỉ cho chúng biết những điều hay lẽ phải, cách sống để trở thành một con người có ích cho xã hội, để mai sau có thể đưa đất nước đến chốn phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu theo ý nguyện thiêng liêng, cao cả của Bác. Và để xứng đáng với câu nói nghề giáo là một trong những nghề cao thượng nhất trong các nghề. Không những noi gương Bác, tôi còn cảm phục cả những người thầy giáo xưa kia đã vượt qua mọi nguy hiểm, thiếu thốn mà nghề dạy học đưa lại. Nhưng không nản chí, họ vẫn kiên cường chịu đựng để đến trường. Tôi thấy họ mặc dù thiếu thốn về cơm áo gạo tiền, nhưng giàu sợ đồng cảm yêu thương. Còn tôi có tất cả thì phải cố gắng dạy thật tốt để có thể gieo mầm giống tốt đẹp trong mỗi chủ nhân tương lai của đất nước, để những mầm giống đó phát huy sức mạnh làm cho đất nước tươi đẹp, sáng sủa hơn. Tôi xin nói rằng, tôi yêu đất nước, tổ quốc tôi và tôi sẽ cố gắng làm hết sức những gì mình có thể cho đất nước, tổ quốc mến yêu này!

Đọc sách "105 Lời nói của Bác Hồ", tôi nhớ nhất là câu nói của Bác: "Huy hiệu của thanh niên ta là tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên". Ý nghĩa của nó là phải xung phong gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng... đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát.

Bác mong mỗi cháu và toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy". Lúc ấy tôi ước ao một ngày được gắn huy hiệu Đoàn trước ngực và ra sức phấn đấu trong học tập, công tác Đội. Thế rồi, năm học lớp 9 tôi được đứng vào hàng ngũ của Đoàn, chiếc huy hiệu tươi rói lấp lánh trước ngực...

Sáng nay, khoác lên người chiếc áo xanh tình nguyện, chiếc mũ tai bèo, tôi đứng chốt tín hiệu giao thông và trong tay là cây cờ hiệu đỏ tươi có in huy hiệu Đoàn – tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên... Trên đây là đôi dòng trong một trang của tập "Nhật ký làm theo lời Bác" do tập thể Chi đoàn 11B2 viết.

Lần giở đọc từng quyển "Nhật ký làm theo lời Bác" đều đầy ắp những câu chuyện "làm theo" rất đỗi đời thường, bình dị nhưng rất ý nghĩa, trân trọng như thế. "Học tập tấm gương đạo đức của Người, mỗi bạn trẻ soi rọi vào bản thân mình và "làm theo" bằng những công việc cụ thể, thiết thực. Từ những dòng nhật ký do chính các bạn trẻ viết ra và chuyền tay nhau đọc, cùng cảm nhận, chia sẻ, học tập lẫn nhau biến những việc làm nhỏ, đời thường, bình dị thành những khát vọng lớn, đó là hành trang quý giá của mỗi bạn trẻ ở hiện tại và tương lai!"

"Thanh niên tiên tiến làm theo lới Bác" thì cho rằng: "Học tập, thấm nhuần những lời dạy của Bác, đặc biệt là viết "Nhật ký làm theo lời Bác" rèn cho em tính cần cù, chăm chỉ, nghiêm túc trong học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, em vẫn thấy mình thực hiện chưa tốt và cố gắng thực hiện tốt hơn!"

Qua hơn một năm triển khai, đến nay đã có hơn 1.500 bài viết được các chi đoàn tuyển chọn đóng thành 105 tập "Nhật ký làm theo lời Bác". Từ tháng 1-2009, phát động đến mỗi đoàn viên, thanh-thiếu niên (ĐVTTN) viết và trình bày thành tập nhật ký của riêng mình. Qua kiểm tra cho thấy nhiều quyển nhật ký thực sự là "vàng" với những dòng nhật ký ghi lại những việc làm bình dị mà ý nghĩa; nhiều quyển dán, trình bày rất nhiều tranh, ảnh minh họa rất công phu, hấp dẫn, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của tuổi trẻ. Hội thi "Bác Hồ sáng mãi niềm tin"; phát động phong trào "Thanh niên Hồng Bàng làm nghìn việc tốt dâng Bác kính yêu"; xây dựng 15 tủ sách thanh niên, 15 tập báo ảnh "Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác"; có 7.500 bài viết thu hoạch có chất lượng cảm nhận về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với phòng trào Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, qua đó đã có hàng trăm đơn vị máu được hiến, ra quân thường xuyên chương trình "Vì cổng trường bình yên" và trực chốt giao thông...

Bác và tuổi thơ tôi...

Khi tôi còn nhỏ, vì sống ở vùng quê xa xôi hẻo lánh nên rất thiếu các phương tiện nghe nhìn. Mỗi tuần chúng tôi được quây quần bên mẹ vào tối chủ nhật để nghe kể chuyện. Mẹ kể chuyện về ông bà ngoại, về các nhân vật cổ tích, và đặc biệt là chuyện về Bác Hồ...

Mẹ là người đầu tiên kể cho tôi chuyện Bác với đôi bàn tay trắng xuống tàu đi tìm đường cứu nước. Chuyện Bác đi cào tuyết nơi xứ người để có tiền sinh sống và hoạt động. Chuyện Bác sưởi ấm bằng viên gạch hồng giữa gió rét mùa đông thành Paris... Mẹ còn bảo chúng tôi rằng Bác Hồ rất yêu quý thiếu nhi. Mỗi khi các em đến thăm Bác, hay Bác đến thăm các em thì Người đều tặng mỗi em một viên kẹo.

Không biết tuổi thơ mê viên kẹo ngọt ngào đã khiến tôi yêu quý Bác cũng như đã yêu quý ông bà ngoại tôi, yêu quý những bà tiên, ông bụt hiền lành hay sợi dây tình cảm thiêng liêng từ mẹ tôi, từ những người dân Việt Nam dành cho vị cha già dân tộc đã buộc chặt lấy tôi tự lúc nào không biết. Để rồi từ đó, có những đêm trăng tôi ngồi nghĩ ngợi về Bác. Tôi tưởng Bác cũng đang ngắm trăng và trải lòng thương nhớ đám thiếu nhi chúng tôi cùng vầng trăng tri kỉ:

Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng

Tuổi đến trường, vào lớp tôi lại được học thơ, nghe chuyện về Bác nhiều hơn. Hồi đó tôi rất đắc ý với bài thơ này:

Cụ già thong thả buông cần trúc
Hồ rộng trời in mặt nước hồng
Muôn vạn đài sen hương bát ngát
Tuổi già vui thú với non sông

Cả đám học trò nhỏ chúng tôi vỗ tay reo khi cô giáo chỉ cho chỗ độc đáo của bài thơ là bốn chữ đầu tiên của mỗi dòng ghép lại thành lời cầu chúc kín đáo và sâu sắc của nhân dân miến Nam dâng lên Bác: " Cụ Hồ muôn tuổi". Năm học lớp ba, tôi bắt đầu tập tành viết nhật kí. Một lần tôi viết lời trách Bác: "Bác sinh ra ở miền Trung, sống nhiều ở thủ đô Hà Nội. Bác hứa vào thăm miền Nam mà Bác không vào. Giận Bác lắm!". Đến giờ nghĩ lại tôi thấy nỗi giận hờn trẻ con ấy hết sức nông cạn nhưng lại đáng yêu.

Có một quyển sách duy nhất trong nhà mà chúng tôi rất thích mang tên "Bác Hồ vẫn sống mãi trên đường trở về". Sách kể về hành trình gian khổ của Bác khi từ nước ngoài trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ở mỗi trang sách đều có hình màu minh họa rất đẹp và sống động. Mấy anh chị em tôi thường quây quần bên nhau đọc sách và chơi trò xếp sách lại, ai lật được trang có tấm ảnh Bác đẹp nhất sẽ thắng. Cứ thế kỉ niệm về tuổi thơ hạnh phúc của tôi luôn có hình ảnh của Người...

Càng lớn, tôi càng hiểu biết nhiều hơn, nhận thức của tôi về Bác cũng chín chắn hơn. Giao tiếp một số người có may mắn được gặp Bác, ai cũng cho tôi cảm nhận rằng "Bác ơi tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông mọi kiếp người". Và non sông này, con người Việt Nam bao thế hệ vẫn trọn niềm yêu kính và biết ơn Người.

Vào đại học, ngành sư phạm Ngữ văn giúp tôi nghiên cứu sâu hơn về Hồ Chí Minh qua những áng văn chương, được học tư tưởng Hồ Chí Minh một cách bài bản và khoa học. Tư liệu của tôi về Bác ngày một dày hơn và tình cảm tôi với Người ngày một sâu hơn.

Mong ước của tôi là có thể truyền cho học sinh của mình tình cảm cao quý của dân tộc đối với Bác, giúp các em hiểu tài năng kiệt xuất, đức hy sinh và cuộc đời "thanh bạch chẳng vàng son" của Người để sống sao cho xứng đáng.

Và tôi cũng mong, những ai đang tiếp bước "theo chân Bác" hãy hiểu rằng những chông gai trên con đường ấy đã được đôi bàn chân Người đạp cho bằng phẳng hơn thì hãy giữ vững đạo đức cách mạng mà đi trọn con đường.

Trên đây, Hoatieu.vn đã gửi đến bạn đọc các mẫu Nhật ký làm theo lời Bác tiểu học. Mời các bạn đọc thêm các bài viết liên quan tại mảng Tài liệu

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
256 86.214
0 Bình luận
Sắp xếp theo