Phấn đấu như thế nào để trở thành Đảng viên năm 2024

Phấn đấu như thế nào để trở thành Đảng viên? Muốn trở thành đảng viên thì phải đáp ứng những điều kiện gì? Mời các bạn cùng tham khảo nội dung, hướng phấn đấu trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam năm 2024.

1. Phấn đấu để trở thành đảng viên Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam

Liên hệ bản thân phấn đấu trở thành đảng viên
Liên hệ bản thân phấn đấu trở thành đảng viên

Cần làm gì và phấn đấu như thế nào để trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam? Liên hệ bản thân luôn là những điều mà mỗi người trăn trở, quan tâm khi phấn đấu vào Đảng. Để được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi cá nhân cần có những phương hướng phấn đấu như sau:

1.1. Xác định động cơ vào Đảng đúng đắn

Bước đi theo con đường của Đảng là bước đi trong không gian lý tưởng của toàn dân tộc. Tôi không đến với Đảng vì những gì quá cao siêu, vì dù ở đâu, vị trí nào, tôi nghĩ mình vẫn làm việc và cố gắng làm việc tốt. Nhưng được đứng vào hàng ngũ của Đảng, không chỉ là mục tiêu phấn đấu, mà hơn thế, trong quá trình phấn đấu, tôi trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.

Phấn đấu vào Đảng phải xuất phát từ động cơ trong sáng, với thanh niên lại càng mang ý nghĩa cống hiến, chứ không phải lợi dụng vào Đảng để làm “bình phong”, làm “chỗ dựa” để tiến thân. Vào Đảng không phải là để tranh giành quyền lợi, thỏa mãn tham vọng cá nhân. Tuy nhiên, vào Đảng không phải ai cũng toàn diện, không có khiếm khuyết mà quan trọng là xác định rõ vai trò, trách nhiệm của một người đảng viên để rèn luyện và trưởng thành hơn. Không được vào Đảng không có nghĩa là thôi phấn đấu, thôi rèn luyện, thôi cống hiến. Do đó tôi nghĩ rằng muốn trở thành Đảng viên phải thực sự có quyết tâm phấn đấu, có tinh thần giác ngộ cách mạng cao.

Xây dựng động cơ vào Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền và lãnh đạo theo cơ chế thị trường, mỗi đảng viên đều phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách. Nếu người vào Đảng không xác định cho mình động cơ đúng đắn sẽ không vượt qua được những thử thách, khó khăn đó.

1.2. Rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng

Bản lĩnh chính trị thể hiện ở nhận thức đúng đắn, kiên định với mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn, thể hiện khí tiết của người cách mạng đó là “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể lay chuyển, uy vũ không thể khuất phục”.

Để thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, người phấn đấu vào Đảng cần đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, trước khó khăn thử thách không nao núng tinh thần, không mờ nhạt phương hướng chính trị, có thái độ, chính kiến rõ ràng, kiên định.

Bản lĩnh chính trị được hình thành chủ yếu bằng sự nỗ lực của bản thân trong quá trình học tập, nắm vững lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đạo đức cách mạng là kết quả của quá trình tu dưỡng, rèn luyện suốt đời; như Bác Hồ đã dạy: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời xa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là phủ định vai trò, lợi ích cá nhân. Lợi ích cá nhân được tôn trọng khi nó không trái với lợi ích chung của cộng đồng. Đường lối của Đảng là kết hợp hài hòa giữa 3 lợi ích: lợi ích xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân. Đảng luôn luôn tôn trọng và quan tâm đến lợi ích cá nhân, đồng thời kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, đặt lợi ích cá nhân mình lên trên, lên trước lợi ích tập thể và toàn xã hội. Việc gì có lợi cho cách mạng, cho nhân dân thì khó mấy, kể cả hy sinh cũng làm. Việc gì có hại cho cách mạng, cho nhân dân thì nhỏ mấy cũng hết sức tránh.

1.3. Nâng cao năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Đảng viên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phấn đấu trở thành người sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập giỏi.

Để trở thành đảng viên, người đang phấn đấu vào Đảng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác của mình và nhiệm vụ của tổ chức đảng, đoàn thể giao cho.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”. Muốn vừa thạo về chính trị, vừa giỏi về chuyên môn, mỗi đảng viên phải ra sức “học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hoá, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình”.

1.4. Tích cực tham gia xây dựng đảng cơ sở

- Để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, người phấn đấu vào Đảng luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn, trong bất kỳ tình huống nào cũng không được giao động, giảm sút niềm tin và ý chí chiến đấu; phải tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì vậy, tham gia xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở trong sạch, vững mạnh là trách nhiệm của người phấn đấu vào Đảng.

- Nội dung tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng của người phấn đấu vào Đảng là: bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm thực tế của mình quan tâm đóng góp ý kiến với chi bộ, đảng bộ trong việc lãnh đạo cơ quan, đơn vị chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống nhân dân và động viên nhân dân làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước.

- Một số nội dung cụ thể tham gia xây dựng Đảng ở cơ sở:

+ Tích cực hưởng ứng các phong trào, các hoạt động triển khai thực hiện chủ trương, nhiệm vụ do đảng bộ, chi bộ đề ra với tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất. Góp phần tích cực đưa những chủ trương, nhiệm vụ đó vào cuộc sống, tạo ra bước phát triển mới của cơ sở, đơn vị, nhất là về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người lao động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực.

+ Chủ động nắm bắt tình hình thực tế, nắm bắt tình hình tư tưởng của quần chúng nhân dân, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng kịp thời phản ánh, đề xuất với tổ chức đảng.

+ Tích cực và mạnh dạn tham gia góp ý kiến đối với sự lãnh đạo của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

+ Tham gia ý kiến khi được hỏi về việc giới thiệu những đảng viên ưu tú, đủ tiêu chuẩn để tổ chức đảng xem xét, bầu vào cấp ủy; giới thiệu những quần chúng ưu tú có đủ điều kiện để tổ chức đảng xét kết nạp.

+ Tham gia góp ý kiến đối với hoạt động của chính quyền và đoàn thể, góp phần xây dựng cơ sở chính trị trong sạch, vững mạnh.

+ Tích cực và kiên quyết đấu tranh bảo vệ Đảng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở cơ sở, đơn vị. Góp phần làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn phá hoại của các phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng; vu cáo, bôi nhọ những cán bộ, đảng viên tích cực, trung thực; kích động, chia rẽ đoàn kết, gây rối nội bộ.

1.5. Gắn bó với tập thể, với nhân dân, tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, công tác xã hội

- Một trong những truyền thống quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Để giữ vững truyền thống đó, người đảng viên cần phải có thái độ gần gũi, cởi mở, nhiệt tình với quần chúng nhân dân; có tinh thần phục vụ, sẳn sàng giúp đỡ khi nhân dân gặp khó khăn và yêu cầu ở mọi lúc, mọi nơi. Phải hòa mình với quần chúng, tin tưởng, am hiểu và lắng nghe ý kiến của nhân dân, có trách nhiệm phục vụ, chỉ dẫn nhân dân. Thường xuyên chăm lo đời sống, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng chính sách, pháp luật Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “.. việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

- Người phấn đấu vào Đảng phải nhiệt tình tham sinh hoạt đoàn thể mà bản thân là thành viên, góp phần phát huy vai trò của đoàn thể trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua hoạt động đoàn thể, người phấn đấu vào Đảng thể hiện rõ vai trò, khả năng lãnh đạo, tập hợp quần chúng, phát huy tính tiên phong, gương mẫu - những phẩm chất cần thiết để trở thành Đảng viên của Đảng.

- Người phấn đấu vào Đảng càng phải chú trọng mở rộng quan hệ xã hội và tích cực tham gia công tác xã hội, gương mẫu và vận động gia đình, người thân tham gia các phong trào, các hoạt động đoàn thể, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc; chống tệ nạn xã hội, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

- Muốn trở thành đảng viên, người phấn đấu vào Đảng phải gắn bó với tập thể, với nhân dân, với đồng nghiệp, bạn bè trong đơn vị công tác, với bà con làng xóm, khối phố; tôn trọng, chia sẻ, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Hòa mình với quần chúng nhưng không bị động theo những suy nghĩ và việc làm tiêu cực, sai trái, mà luôn luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, vận động mọi người đoàn kết, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ do Đảng đề ra.

2. Điều kiện để được xét kết nạp vào Đảng

Điểm 2, Điều l Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định:

“Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét kết nạp vào Đảng”.

2.1 Đảng viên phải là công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên

“Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”; chỉ những người có quốc tịch Việt Nam mới là công dân Việt Nam, còn những người không có quốc tịch Việt Nam hoặc đã từ bỏ quốc tịch Việt Nam thì không được thừa nhận là công dân Việt Nam.

2.2 Tuổi

Điều lệ Đảng không quy định tuổi tối đa của người vào Đảng. Từ 18 tuổi trở lên, những ai đáp ứng được tiêu chuẩn đều có thể được xem xét, kết nạp vào Đảng. Trong công tác phát triển Đảng, tiêu chuẩn quan trọng nhất là sự giác ngộ lý tưởng, phẩm chất chính trị, kiến thức và năng lực của người vào Đảng.

Tuy nhiên, để trẻ hoá đội ngũ của mình, Đảng luôn quan tâm phát triển Đảng trong thanh niên, những người trẻ tuổi, bảo đảm sự phát triển lâu dài và tương lai của Đảng.

Đối với những người tuổi đã cao (trên 60 tuổi), việc kết nạp vào Đảng có sự cân nhắc. Quy định thi hành Điều lệ Đảng số 23-QĐ/TW, ngày 31-10-2006 chỉ rõ: “Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định”. Hướng dẫn số 03-HD/BTCTW ngày 29-12-2006 của Ban Tổ chức nói rõ thêm: “Phải được Ban Thường vụ cấp uỷ trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp uỷ có thẩm quyền ra quyết định kết nạp”.

2.3 Thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng

Hướng phấn đấu để trở thành người đảng viên

- Thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị của Đảng.

Người muốn vào Đảng trước hết phải có giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thừa nhận và tự nguyện thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó được nêu trong Cương lĩnh chính trị của Đảng. Đây là điều kiện, tiêu chuẩn chính trị hàng đầu để trở thành đảng viên, xác định mục tiêu, phương hướng chính trị và động cơ hành động đúng đắn phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Nội dung điều kiện này yêu cầu người muốn được đứng trong đội ngũ của Đảng phải có quan điểm, lập trường chính trị đúng đắn, giác ngộ mục đích, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ do Đảng giao phó. Điểm l, Điều l trong Điều lệ Đảng quy định: ''Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân...''.

- Thừa nhận và thực hiện Điều lệ Đảng.

Điều lệ Đảng là văn bản pháp lý cơ bản của Đảng, bảo đảm Đảng là một khối thống nhất. Vì vậy, người vào Đảng phải thừa nhận và thực hiện Điều lệ Đảng một cách vô điều kiện. Thừa nhận và tự nguyện thực hiện Điều lệ Đảng cũng là thể hiện sự giác ngộ chính trị và ý thức phấn đấu, ý thức tổ chức kỷ luật, tính tiền phong, gương mẫu, ý thức cầu thị, tinh thần đoàn kết, khiêm tốn, gắn bó với tập thể, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Người muốn vào Đảng phải nghiên cứu kỹ Điều lệ Đảng.

- Thừa nhận và tự nguyện phấn đấu theo tiêu chuẩn, nhiệm vụ đảng viên.

Việc quy định tiêu chuẩn nhiệm vụ của đảng viên xuất phát từ mục tiêu lý tưởng của Đảng và của mỗi đảng viên. Người vào Đảng phải hiểu rõ và nắm vững tiêu chuẩn, nhiệm vụ đảng viên, từ đó phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành đảng viên của Đảng. Đảng không chỉ căn cứ vào những lời nói, mà chủ yếu căn cứ vào việc làm thực tế hàng ngày của người xin vào Đảng, qua đó xem xét thái độ và mục đích, xin vào Đảng. Tự giác thực hiện nhiệm vụ, phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có quan hệ gắn bó với quần chúng, được quần chúng tín nhiệm... là những điều kiện chủ yếu được quan tâm khi xem xét để kết nạp người vào Đảng.

- Tự nguyện hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng.

Một trong những nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng vô sản, phân biệt với các đảng chính trị khác là mỗi đảng viên của Đảng phải sinh hoạt tại một tổ chức cơ sở đảng. Điều đó tạo ra sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng. Tổ chức cơ sở đảng là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, là nơi mà mỗi đảng viên thực hiện quyền và nhiệm vụ của mình, học tập, rèn luyện và trưởng thành trong thực tế đấu tranh cách mạng, trực tiếp tham gia vào hoạt động lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, bất kỳ người đảng viên nào, đảm nhiệm chức vụ gì trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, đều phải hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng nhất định. Người muốn vào Đảng phải có mối liên hệ mật thiết với tổ chức cơ sở đảng, chịu sự lãnh đạo, giáo dục, giúp đỡ để rèn luyện, thử thách và trưởng thành; được tổ chức cơ sở đảng xem xét kết nạp vào Đảng theo đúng thẩm quyền và thủ tục quy định.

2.4 Qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm

Trở thành một người ưu tú là kết quả phấn đấu, rèn luyện qua một quá trình nhất định. Chỉ có thông qua rèn luyện, thử thách trong thực tiễn ''lửa thử vàng, gian nan thử sức'' mới chứng tỏ là người ưu tú, được Đảng lựa chọn. Sự đánh giá trung thực, khách quan của nhân dân giúp Đảng xem xét, kết nạp đúng những người thực sự ưu tú trong quần chúng vào Đảng. Ngoài những điều kiện được quy định trong Điều lệ Đảng, Quy định Số 23-QĐ/TW, ngày 31-10-2006 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng còn có quy định về trình độ học vấn của người vào Đảng:

“(a) Người vào Đảng nói chung phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên”.

(b) Người vào Đảng đang sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, không bảo đảm được quy định tại điểm (a) nêu trên thì nói chung cũng phải có trình độ học vấn tối thiểu là tiểu học”.

3. Những điều Đảng viên không được làm

1- Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.

2- Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3- Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật.

4- Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tuỳ tiện đối với người khác. Đe doạ, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý.

5- Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo. Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo.

Cố ý gửi hoặc tán phát đơn khiếu nại, tố cáo đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết.

6- Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự.

...................

Để biết thêm những điều đảng viên không được làm, mời các bạn đọc Quy định 47-QĐ/TW

Trên đây, Hoatieu.vn đã gửi đến bạn đọc Hướng phấn đấu để trở thành Đảng viên. Mời các bạn đọc thêm các bài viết liên quan tại mảng Tài liệu.

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
6 17.960
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm