Viết một bài văn nghị luận về ý chí, nghị lực của con người

Nghị luận câu thơ Bàn tay ta làm nên tất cả

Hãy viết một bài văn nghị luận về ý chí, nghị lực của con người qua câu nói: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Trích “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông. Sau đây là bài văn mẫu nghị luận về ý chí, nghị lực của con người thông qua hai câu thơ trong Bài ca vỡ đất của nhà thơ Hoàng Trung Thông.

Nghị luận về ý chí, nghị lực của con người qua câu nói Bàn tay ta làm nên tất cả

Trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân ta đã đóng một vai trò quan trọng trong mọi thắng lợi. Tinh thần ấy đã được đúc kết qua câu nói của Hồ chủ tịch: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lắp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Cùng với tâm thế ấy, Hoàng Trung Thông với “Bài ca vỡ đất” đã nói lên ý chí và nghị lực của con người qua câu thơ: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Câu thơ mở đầu bằng hình ảnh “Bàn tay” nó ẩn dụ cho sức lao động để con người “làm nên tất cả”. Và chính “sức người” ấy sẽ giúp cho chúng ta vượt qua mọi con đường chứa đầy “sỏi đá”. “Sỏi đá” chính là hình ảnh để tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Nhờ vào sự lao động bền bỉ và ý chí, nghị lực của con người để rồi có thể biến sỏi đá ấy thành “cơm” – thành quả lao động tất yếu mà chính họ đã làm ra. Hai câu thơ trên thể hiện mối quan hệ nhân quả cho quy luật tất yếu khi con người cống hiến hết mình sẽ đạt được một thành quả nhất định.

Người có ý chí, nghị lực thường có những biểu hiện cụ thể trong thái độ sống của họ. Thứ nhất trong học tập, họ sẽ luôn chăm chỉ, rèn luyện và không ngừng học hỏi và ra sức nổ lực để hoàn thiện các vấn đề hóc búa ấy. Thứ hai trong công việc, những người có ý chí nghị lực sẽ luôn cố gắng hết mình để cống hiến và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, họ sẽ luôn luôn học tập để nâng cao trình độ của bản thân. Từ đó, ta có thể thấy những người có ý chí, nghị lực sẽ không bao giờ buông bỏ mục tiêu phấn đấu của mình.

Câu thơ của Hoàng Trung Thông đã cho thấy được ý chí và nghị lực chiếm một vai trò quyết định trong sự vận hành của thế giới. Đầu tiên, nó giữ vị một trí quan trọng trong sự phát triển của mỗi cá nhân. Vì tinh thần ấy sẽ là động lực thoi thúc con người hoàn thành tốt nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Như trong học tập, mỗi học sinh khi đối diện với một bài tập khó thì ý chí, nghị lực sẽ là chìa khóa giúp họ tìm ra đáp án. Ở họ không có hai từ bỏ cuộc, với họ bỏ cuộc đồng nghĩa sự thất bại. Như chúng ta đã biết, Nguyễn Ngọc Ký là một tấm gương sáng trong học tập, ông đã vượt qua những khiếm khuyết của cơ thể để trở thành một nhà giáo ưu tú của Việt Nam. Trong công việc cũng vậy, người thành công sẽ luôn kiên trì, nhẫn nại đối mặt với những khó khăn thách thức. Với những con người ấy càng gian khó, thì họ lại càng quyết tâm để tìm ra cách giải pháp cho vấn đề. Đơn cử, Thomas Edison đã kiên trì thử hơn một nghìn vật liệu để có thể chế tạo ra bóng đèn sợi đốt, đem lại cho nhân loại nguồn ánh sáng mới. Từ đó, ta có thể thấy rằng nghị lực là nhân tố tất yếu trên bước đường thành công của con người. Thứ hai, tinh thần ấy lại có sức ảnh hưởng đối với sự phồn vinh của quốc gia và cộng đồng. Bởi nó chính là thước đo cho sự giàu có, trường tồn và cường thịnh cho một đất nước. Như Nhật Bản dù đã trải qua rất nhiều tác động lớn từ chiến tranh, những thiệt hại nặng nề của hai quả bơm nguyên tử và cả vô vàn những cơn bão, trận động đất. Nhưng người Nhật vẫn nổ lực kiên trì vững bước để chứng tỏ với thế giới rằng họ là một quốc gia khó có thể đánh bại và họ xứng đáng được tôn trọng.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số người sống lười biếng, không có chí cầu tiến đi lùi với xã hội. Đó là người thấy khó khăn thì dễ dàng bỏ cuộc, họ sống buôn thả không nghĩ đến tương lai. Tệ hơn là họ còn bỏ mặc cuộc sống để số phận định đoạt. Chúng ta có thể thấy cậu ấm cô chiêu – người chỉ biết sống trong nhung lụa giàu sang. Nên họ chẳng phải nổ lực làm việc mà cũng có được những thành quả đáng mơ ước của nhiều người. Nhưng thế rồi, chính trong môi trường hoàn hảo ấy đã hung đúc cho họ một tinh thần yếu đuối, mất dần đi bản lĩnh sống. Rồi đến khi gặp thất bại, khó khăn thì những quý tử ấy lại nhanh chóng sụp đổ, bỏ cuộc và rơi vào bế tắc. Từ đó, ta có thể thấy được ý chí và nghị lực là tài sản vô cùng quý giá mà cuộc sống đã ban tặng cho con người. Vì thế, chúng ta phải nên nổ lực và quyết tâm trong cuộc sống.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 22
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm