Phân tích bài thơ Chạy Tây

Chạy giặc (Chạy Tây) là bài thơ được tác giả Nguyễn Đình Chiểu sáng tác khi đất nước bị thực dân Pháp đến xâm lược. Bài thơ được viết theo thể thơ 7 chữ với phương thức biểu đạt chính là biểu cảm. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu dàn ý phân tích bài thơ Chạy giặc có bài viết mẫu chi tiết sẽ giúp các em nắm được cách làm bài.

Dàn ý phân tích bài thơ Chạy Tây

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác: Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu viết bài Chạy giặc.

- Dẫn đề (ghi lại bài thơ).

- Chuyển mạch: phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

2. Thân đoạn:

a. Hai câu đề:

- Từ chính xác, gợi tả, hình ảnh thực, sinh động: tan chợ, vừa, tiếng súng Tây, cờ thế, phút sa tay.

- Tiếng súng của giặc Pháp đột ngột nổ vang, phá tan cuộc sống yên lành của nhân dân ta và đẩy nước nhà đến chỗ nguy nan, thất bại hoàn toàn.

- Cảm xúc mở đầu bài thơ: bàng hoàng, tuyệt vọng.

b. Hai câu thực:

- Biện pháp ẩn dụ, đảo ngữ, những trạng từ gợi hình ảnh loạn li, tan tác của nhân dân ta: lơ xơ, dáo dác.

- Cách ngắt nhịp chẵn - lẻ của thơ Đường luật thể hiện lời than thở xót xa:

Bỏ nhà / lũ trẻ / lơ xơ chạy,

Mất ổ / đàn chim / dáo dác bay.

- Nỗi khổ của nhân dân ta trong cảnh chạy giặc.

c. Hai câu luận:

- Biện pháp đảo ngữ được tiếp tục sử dụng, hình ảnh gợi tả: quê hương thân yêu Bến Nghé, Đồng Nai, bị giặc thiêu huỷ, cướp bóc, của tiền tan bọt nước, tranh ngói nhuốm màu mây.

- Sự tố cáo tội ác của giặc vừa cụ thể vừa khái quát bằng giọng thơ u uất, căm hờn.

- Tội ác dã man của giặc xâm lược.

d. Hai câu kết:

- Ngôn ngữ châm biếm sắc cạnh (rày đâu vắng, nỡ để dân đen), than oán triều đình nhà Nguyễn sợ giặc, bỏ mặc dân tình khổ ải.

- Nỗi cảm khái trước cảnh điêu linh của nhân dân.

3. Kết đoạn:

- Giá trị hiện thực: tái hiện cảnh chạy giặc của người dân trong những ngày thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ.

- Giá trị tư tưởng, tình cảm: biểu lộ lòng yêu nước, thương dân tha thiết, lòng căm thù giặc xâm lược bạo tàn.

Phân tích bài thơ Chạy giặc ngắn nhất

Có những tác phẩm văn chương bất tử khi nó trở thành chứng nhân lịch sử, nó gắn liền với nỗi vui, buồn của một dân tộc. Bài thơ "Chạy giặc" là một bài thơ mang ý nghĩa như vậy.

Năm 1859, thực dân Pháp tấn công thành Gia Định. Trước họa xâm lăng, Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài thơ “Chạy giặc". Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, phản ánh nỗi đau thương của dân tộc, căm thù lên án tội ác quân Pháp xâm lược và thể hiện lòng thương xót nhân dân:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
...Nỡ để dân đen mắc nạn này?"

Hai câu đề nói lên một cục diện bi thảm của đất nước ta thời bấy giờ. Giặc Pháp nổ súng đánh chiếm thành Gia Định. Trận đánh diễn ra như "một bàn cờ thế" phút chốc thay đổi bất ngờ “phút sa tay". Thành Gia Định thất thủ, Đồng Nai, Bến Nghé rơi vào tay giặc. Vần thơ cất lên như một lời than:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay."

Các từ ngữ: “vừa nghe tiếng súng Tây”, “phút sa tay" làm nổi bật thời gian, sự việc diễn ra bất ngờ, nhanh chóng và nói lên nỗi kinh hoàng của nhà thơ, của nhân dân khi thành Gia Định bị giặc Tây nổ súng đánh chiếm. "Một bàn cờ thế" là một ẩn dụ, cách nói ước lệ, hàm súc về một cục diện chiến trường, một tình thế chiến tranh hồi ấy (1859).

Hai câu thực 3,4 tả cảnh chạy loạn, chạy giặc trong nỗi kinh hoàng của nhân dân. Các từ ngữ: "bỏ nhà". “lơ xơ chạy". "mất ổ” “dáo dác bay" đặc tả sự tan nát. hoảng sợ, hãi hùng. Nhà thơ lấy thế giới con người là "lũ trẻ” lấy thế giới thiên nhiên là "đàn chim", hai hình ảnh ấy điển hình cho nỗi đau thương của nhân dân trước thảm họa đất nước, quê hương bị xâm lược:

"Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ đàn chim dáo dác bay”

Phép đảo ngữ đặt vị ngữ trước chủ ngữ để nhấn ý các chữ "bỏ nhà" và “mất ổ" tạo nên nỗi ám ảnh bi thương về cảnh chạy giặc của dân lành.

Hai câu luận 5,6 đối nhau làm hiện lên hai cảnh tang thương điêu tàn nơi Bến Nghé và Đồng Nai. Gần 200 năm về trước, Bến Nghé đã là cảnh đô hội, sầm uất, trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập. Đồng Nai là vựa lúa miền Nam. Thế mà chỉ trong chốc lát đã bị giặc Pháp bắn giết, đốt phá, cướp bóc rất dã man. Tài sản của nhân dân ta bị chúng cướp phá sạch sành sanh '"tan bọt nước". Nhà cửa, phố phường, làng xóm của đồng bào ta bị quân xâm lược đốt phá tan hoang. Lửa khói ngút trời, bao phủ một vùng rộng lớn "nhuốm màu mây". Nhà thơ tả ít mà gợi nhiều. Chi bằng hai hình ảnh so sánh rất chọn lọc, đổi nhau: “của tiền tan bọt nước”, “tranh ngói nhuốm màu mây" đã căm thù lên án tội ác tày trời của quân xâm lược. Nỗi đau đớn và căm thù chứa đầy vần thơ:

“Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây."

Tội ác quân giặc không thể nào kể xiết! Nhà thơ tưởng như cất lời than uất hận trước tội ác ghê tởm của giặc Pháp:

“Bình tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé,
làm cho bốn phía mây đen ;
Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai,
ai cứu một phường con đỏ

(Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc)

Sau khi hạ thành Gia Định, giặc Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Cả một vùng rộng lớn của đất nước ta chìm trong máu lửa, Phan Văn Trị, người bạn thân của Nguyễn Đình Chiểu đã căm giận viết khi nghe tiếng kèn giặc:

“Tò te kèn thổi tiếng năm ba,
Nghe lọt vào tai dạ xót xa.
Vốn khúc sông Rồng mù mịt khói,
Vắng hoe thành Phụng ủ sầu hoa..."

(Cảm tác)

Hai câu kết, cảm xúc nghẹn lại bỗng trào lên, biểu lộ một tâm trạng đau đớn, lo âu. Lo âu cho tính mạng và tài sản của nhân dân ta đang bị giặc Pháp bắn giết, cướp bóc dã man. Lo âu cho vận mệnh đen tối của đất nước. Câu hỏi tu từ thể hiện tình thương xót nhân dân đau khổ trước họa xâm lăng:

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?”

“Chạy giặc” là bài ca yêu nước thể hiện sâu sắc lòng căm thù giặc Pháp và tình thương xót nhân dân trước họa xâm lăng. Những cảnh mà nhà thơ nghe thấy tiếng súng Tây, nhìn thấy, cảm thấy (lũ trẻ lơ xơ chạy, đàn chim dáo dác bay, của tiền tan bọt nước, tranh ngói nhuốm màu mây) là những chi tiết nghệ thuật rất hiện thực mang giá trị lịch sử sâu sắc. Bài thơ “Chạy giặc" là một chứng tích về tội ác giặc Pháp trong những ngày tháng đầu chúng xâm lược đất nước ta.

Ngôn ngữ hàm súc, nghiêm trang, chứa chan tình cảm, bài thơ thể hiện tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu. Nó cho thấy tính mẫn cảm chính trị của nhà thơ yêu nước "đâm mấy thằng gian bút chẳng tà". Với ông “thơ là súng là gươm".

Phân tích bài thơ Chạy giặc lớp 8

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông là gương mặt tiêu biểu của nhân dân Nam Bọ trong phong trào thơ ca yêu nước chống quân xâm lược. Những tác phẩm của ông thường có tính đấu tranh vô cùng mạnh mẽ. Phê phán và lên án sự tàn bạo của quân thực dân xâm lược. Bài thơ “Chạy giặc” là một tác phẩm điển hình cho phong cách thơ của ông.

Bài thơ dường như đã tái hiện được khung cảnh xã hội. Việt Nam trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, với những sự hoang tàn, bi đát. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau phân tích và nghị luận bài thơ “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu.

Thực dân Pháp đô hộ nước ta vào những năm 1958. Chúng đã thể hiện sự bành trướng của mình, khiến cho nhân dân ta lâm vào cảnh khổ cực khốn cùng. Trước những cảnh đau thương thương tang tóc này. Nguyễn Đình Chiểu đã không khỏi đau xót thương tâm. Lòng yêu nước trỗi dậy, sự căm thù quân xâm lược càng dâng cao. Và trong cái tình cảnh ấy, ông đã sáng tác bài thơ “Chạy giặc” như là một sự minh chứng về thời kỳ lầm than của dân tộc ta trong bối cảnh hỗn loạn. Bài thơ cũng thể hiện sự căm thù đến tột cùng đối với quân xâm lược tàn bạo.

Mở đầu bài thơ là một sự tái hiện về những tiếng súng dữ dội của kẻ thù”

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng tây
Một bàn cờ thế phút sa tay”

Mở đầu bài thơ, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã tái hiện lại không khí đầy dữ dội khi tiếng súng Tây. Làm cho mọi người trở nên hoảng loạn, mọi vật đều nhuốm màu bi thương. Không gian mà nhà thơ tái hiện đó chính là không gian của một khu chợ. Và thời điểm được gợi nhắc đến đó chính là thời điểm “tan chợ”.

Lúc này chính là lúc người người đang tấp nập rủ nhau ra về sau buổi chợ. Khi ấy thì tiếng súng Tây bắt đầu nổ dồn, đây là sự hủy diệt tàn bạo của lũ giặc cướp nước. Bởi chúng nhằm vào thời điểm con người mất cảnh giác nhất, tập trung đông đúc nhất để nổ súng, sát hại người dân ta. Ở đây tác giả vừa thể hiện được hành động tàn bạo, vô nhân tính của quân Pháp. Vừa thể hiện được thái độ căm thù của mình với chúng.

Hai từ “súng Tây” như một kiểu nói cộc lốc. Một sự coi thường quân cướp nước, một sự lên án của những kẻ chỉ muốn dùng vũ lực bằng súng. Và trong cái tiếng súng đột ngột đó khiến cho rất nhiều người phải sợ hãi, hoảng loạn.

“Một bàn cờ thế lúc xa tay” với ý nghĩa là khi đang chơi một ván cờ thế. Bỗng dưng do tiếng súng kia là cho giật mình và làm những quân cờ sa xuống bàn cờ. Tội ác của kẻ thù thực sự đáng ghê sợ, một hành động đáng bị lên án.

Hai từ “súng Tây” đã thể hiện được điều đó, tác giả không lên án trực tiếp bọn thực dân Pháp mà gọi chúng với cái tên đầy coi thường. Bọn Tây, tức những người khác chúng ta về chủng tộc, mang trong mình âm mưu thâm độc, thấp hèn đáng coi thường, chúng dùng bạo lực chèn ép dân ta, hành động thật đáng lên án. Trong một tác phẩm khác của mình, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng thể hiện được thái độ căm thù khôn xiết của mình đối với bọn giặc.

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Tiếng súng Tây đột ngột nổ dồn khiến cho mọi người có mặt trong khung cảnh ấy hoảng loạn, sợ hãi “Một bàn cờ thế lúc sa tay”. Câu thơ này có thể hiểu là những người chơi cờ vì bị tiếng súng làm cho giật mình mà làm sa những quân cờ xuống bàn cờ.

Hoặc ta cũng có thể hiểu bàn cờ thế lúc sa tay này chính là thực trạng của Việt Nam lúc bấy giờ, là lúc dân tộc ta đang thất thế trước quân giặc. Chúng đã lợi dụng tình hình bất ổn của đất nước ta mà nhảy vào xâm lược, gây ra bao nhiêu cảnh đau khổ. Khung cảnh khi có tiếng súng Tây cũng thật hỗn loạn, xơ xác. Không chỉ con người mà ngay cả những loài vật cũng hoảng loạn, tìm đường chạy chốn, ẩn náu:

“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay”

Đó là cảnh những đứa trẻ vì bị tiếng súng dọa cho giật mình, sợ hãi mà bỏ nhà chạy toán loạn. Muốn chạy trốn tiếng súng cũng như sự hủy diệt đáng sợ ấy “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy”, chúng mới chỉ là những đứa con nít. Hàng ngày phải sống trong khung cảnh dữ dội, hủy diệt của bom đạn quả thực vô cùng đáng thương. Chúng đang ở tuổi hồn nhiên nhất của cuộc đời, là những lúc vô lo, vô nghĩ nhất nhưng lại sinh ra trong giai đoạn đất nước đầy biến động, bạo loạn.

Không chỉ có lũ trẻ sợ hãi, mà ngay cả những loài vật trong tự nhiên cũng bị sự hủy diệt của kẻ thù mà mất đi nơi sinh sống. Hoảng loạn mà bay dáo dác khắp nơi để tìm chỗ trú ẩn. Không khí mà nhà thơ gợi ra ở đây thật hỗn loạn, bi thương.

“Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”

Một địa danh của Gia Đình là Bến Nghé, khi bị xâm phạm. Những thứ vô tri như bến nước, dòng sông cũng đã bị lay động. Những đồng cảm của những thứ vốn vô tri đó với thực cảnh đất nước đang trong chiến tranh. Bọt nước vỡ tan ở Bến Nghé, khung cảnh yên bình không còn nữa. Sự vỡ tan ấy cũng như sự phẫn nộ của đất trời, thiên nhiên vô tri trước tội ác của quân giặc. Dòng sông Đồng Nai cũng bị nhuốm màu của bi thương, đau khổ. Đó chính là sự đồng cảm, hòa quyện giữa thiên nhiên và lòng người. Cái cảnh đau thương của con người, cũng làm cho cảnh vật vô tri cũng có cảm xúc. Nó chính là một sự phẫn nộ trước sự tàn phá của kẻ thù.

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này”

Như một câu hỏi trước sự thật đau lòng. Đất nước đang bị tàn phá, người dân phải chịu khổ cực. Một câu hỏi như là một lời trách móc đối với cái triều đình vô dụng nhà Nguyễn. Một triều đình thực sự nhu nhược, chỉ biết đến lợi ích của mình mà quên đi những người dân đang sống trong cảnh mắc nạn. Để cho quân xuân lược chèn ép, áp đặt “mắc nạn này”. Một sự chờ đợi mong mỏi, có một người tài trí, một vị tướng tài ba sẽ đứng lên chống lại kẻ thù. Nhưng vào thời điểm này, thì đâu có xuất hiện ai bởi cái triều đình thối nát đó.

Sau khi phân tích và nghị luận bài thơ “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu. Chúng ta thấy được đây thực sự là một tuyệt phẩm thơ của ông trong thời kỳ biến loạn của đất nước dưới sự xâm lực của quân thực dân. Bài thơ đã thể hiện được tình yêu đất nước, và qua đó cũng thể hiện sự căm thù quân xâm lược. Bài thơ là một sự thể hiện cảm xúc thực, tình cảm thực của chính Nguyễn Đình Chiểu.

Viết bài văn phân tích bài thơ Chạy Tây

Các nhà thơ, nhà văn được coi là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, thật vậy, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng là một trong số các tác giả như thế. Ông đã dùng ngòi bút sắc nhọn của mình để chĩa thẳng mũi súng căm thù vào quân xâm lăng, bài thơ "Chạy giặc" là một trong những bài thơ khắc họa khung cảnh khi quê hương bị thực dân Pháp xâm lược, đó cũng là lời tố cáo của Nguyễn Đình Chiểu về tội ác của chúng.

Bài thơ được viết sau khi thực dân Pháp tấn công vào thành Gia Định - quê hương của nhà thơ (17/2/1859). Chứng kiến cảnh tượng ấy, ông không khỏi xót xa. Là một người yêu quê hương, dân tộc có ai lại không đau đớn khi mảnh đất máu thịt bị xâm chiếm, nhân dân bị áp bức tàn bạo.

Hai câu thơ đầu bài thơ đã mở ra hiện thực đất nước đầy đau thương:

"Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay".

Thời điểm bắt đầu cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Gia Định là thời điểm "tan chợ". Mọi người trong phiên chợ vừa mới bước chân ra về thì tiếng súng bắt đầu nổ. Chắc hẳn nơi ấy đã diễn ra trận càn quét của quân địch. Tiếng súng vang lên như xé tan cuộc sống yên ổn nơi đây vốn có, thay vào đó là sự lo sợ bởi chủ quyền đất nước bị xâm phạm. "Tiếng súng Tây" là tiếng súng của thực dân Pháp. Phép ẩn dụ bàn cờ phút "sa tay" ám chỉ triều đình đã để thành Gia Định rơi vào tay giặc. Nói cách khác, quân thực dân đã xâm chiếm được đất Gia Định.

Cảnh chạy giặc của nhân dân được tác giả miêu tả chi tiết mà đau xót biết nhường nào:

"Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay".

Đảo ngữ "bỏ nhà" và "dáo dác" giàu sắc thái biểu cảm khiến cho câu thơ nhuốm màu bi thương. Tiếng súng phát ra như báo trước một điều không hay sẽ xảy đến. Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng nhiều từ ngữ có khả năng gợi hình cao cùng phép đảo ngữ khiến người đọc có thể hình dung ra sự chết chóc, hoang tàn mà tác giả miêu tả. Đám trẻ con chạy không định hướng vì không có người dẫn dắt. Chúng chạy một cách thất thần để tránh sự nguy hiểm đang ập tới. Không chỉ có con người hoảng loạn, những loài vật như đàn chim cũng bay một cách hốt hoảng, không phương hướng vì bị mất ổ, mất nơi cư trú. Từ láy "lơ xơ" và "dáo dác" đã gợi tả một khung cảnh tan tác, mọi thứ bị đảo lộn vì tiếng súng. "Lũ trẻ" là những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ, vô tội. Đáng lẽ chúng phải được hưởng cuộc sống thanh bình, no ấm nhưng sự xâm lược của thực dân đã khiến tuổi thơ của những đứa trẻ phải sống trong sợ hãi.

Hiện lên trước mắt người đọc còn là cảnh tượng chết chóc, điêu tàn:

"Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây".

Miền Nam đang chìm trong khói lửa nghi ngút. Thành Gia Định và miền Đông Nam Bộ đã chìm trong ngọn lửa. Đi đến đâu, quân địch thực hiện càn quét, cướp bóc, giết hại dân lành đến đấy. Hành động của chúng vô cùng tàn ác, gây bao thiệt hại cho nhân dân ta. Bến Nghé hay Đồng Nai đều rơi vào tình trạng tiền của, tài sản tan nhanh chóng như bọt nước. Những tội ác của thực dân Pháp đã được diễn đạt qua hai câu thơ có sức khái quát lớn. Nhưng những tang tóc, đau thương nhân dân ta phải gánh chịu còn nhiều hơn thế gấp nhiều lần. Đến cả những gì vô tri vô giác như con rạch, con sông cũng ngùn ngụt chí căm thù. Các ngôi nhà đổ vỡ, ngập chìm trong lửa đốt. Phải chứng kiến cảnh tượng những mái nhà bị thiêu cháy, tiền bạc của mình bỗng chốc tiêu tan có mấy ai không xót xa?

Trước cảnh tượng tàn khốc như vậy, Nguyễn Đình Chiểu đã cất lên câu hỏi đầy mỉa mai:

"Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này".

Câu hỏi tu từ đã lột tả được khung cảnh tan tác, hoảng loạn khi nhân dân chạy giặc. Đây là câu hỏi không chỉ của riêng ông mà còn là câu hỏi của nhân dân nói chung đối với triều đình phong kiến lúc bấy giờ. Nhân dân lầm than, khổ cực, rất cần một con đường giải thoát, chống lại ách áp bức nhưng "trang dẹp loạn" lại vắng bóng. Vua quan, triều đình nhà Nguyễn đi đâu vắng lại không xuất hiện và cứu giúp nhân dân đang chịu cảnh cơ cực?

Hai câu thơ cuối không chỉ thể hiện sự xót thương của tác giả trước cảnh nước mất nhà tan mà còn bộc lộ thái độ căm thù giặc sâu sắc, sự thất vọng khi triều đình không chăm lo cho cuộc sống nhân dân mà họ còn nhu nhược, bắt tay với thực dân Pháp. Sự hèn nhát của triều đình, của những người có trách nhiệm bảo vệ đất nước, chăm lo cho cuộc sống nhân dân thật đáng mỉa mai, khinh bỉ. Sự bất lực của nhà Nguyễn đã khiến nhân dân ta rơi vào cảnh điêu đứng, không lối thoát. Câu hỏi tu từ đó cũng nhằm mục đích thức tỉnh những người con yêu nước đứng lên chống lại sự đô hộ, mang lại cuộc sống ấm no cho "dân đen".

Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật có kết cấu đề - thực - luận - kết chặt chẽ. Là một người con của đất Gia Định nên ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Đình Chiểu mang đậm màu sắc Nam Bộ. Bút pháp hiện thực - trữ tình được tác giả vận dụng rất triệt để và đạt hiệu quả cao. Ẩn chứa đằng sau bức tranh "Chạy giặc" là tấm lòng yêu nước thương dân sâu nặng.

Nguyễn Đình Chiểu không chỉ miêu tả chân thật cảnh tượng đất nước bị quân thực dân chà đạp, giày xéo mà còn thể hiện một tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Tuy rằng ông bị mù lòa, không thể trực tiếp ra trận nhưng ngòi bút chiến đấu của ông vô cùng sắc sảo. Bài thơ "Chạy giặc" là một bài thơ tiêu biểu của văn học yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX, là lời tố cáo đanh thép, hùng hồn về tội ác của thực dân Pháp.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 90
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm