Kể về một chuyến đi tham quan của em lớp 8
Kể về một chuyến đi tham quan của em lớp 8 ngắn
- 1. Những yêu cầu với đối bài văn kể lại một chuyến đi
- 2. Dàn ý kể về một chuyến tham quan của em lớp 8 ngắn gọn
- 3. Dàn ý kể về một chuyến tham quan của em lớp 8 chi tiết
- 4. Dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi lớp 8
- 5. Dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan đền Hùng (chi tiết)
- 6. Viết bài văn kể lại chuyến đi tham quan Hồ Gươm
- 7. Viết bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử, văn hóa
- 8. Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8
- 9. Kể lại một chuyến tham quan mà em nhớ nhất lớp 8 - mẫu 1
- 10. Kể lại chuyến tham quan của em cùng các bạn trong lớp - mẫu 2
- 11. Kể lại chuyến tham quan em nhớ nhất - mẫu 3
- 12. Kể lại chuyến tham quan em nhớ nhất - mẫu 4
- 13. Kể lại chuyến tham quan cùng các bạn trong lớp
Kể về một chuyến đi tham quan của em lớp 8 hay kể chuyến tham quan mà em nhớ nhất là một trong những dạng đề thuộc thể loại văn tự sự lớp 8. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi đáng nhớ của em ngắn gọn lớp 8 cùng với một số bài văn mẫu kể về một chuyến đi tham quan của em lớp 8 hay và chi tiết giúp các em có thêm tài liệu tham khảo cho dạng bài viết này.
Viết bài văn kể về một chuyến đi tham quan của em là một trong số các bài viết trong chương trình Ngữ văn 8. Đối với dạng bài viết này, khi viết các em cần đảm bảo phản ánh đúng trình tự thời gian của chuyến tham quan, ứng với từng điểm không gian khu di tích. Ngoài ra, cần nêu được những hoạt động nổi bật khiến chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa để lại ấn tượng, cảm xúc sâu đậm cho em. Ngôn ngữ bài viết cần sinh động, vừa kể chi tiết, cụ thể vừa thể hiện được cảm xúc, sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, điệp ngữ, các yếu tố miêu tả, biểu cảm… để tăng sức hấp dẫn cho bài viết.
1. Những yêu cầu với đối bài văn kể lại một chuyến đi
- Giới thiệu được lí do, mục đích của chuyến tham quan một di tích lịch sử, văn hóa.
- Kể được diễn biến chuyến tham quan (trên đường đi, trình tự những điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi…).
- Nêu được ấn tượng về những đặc điểm nổi bật của di tích (phong cảnh, con người, công trình kiến trúc…).
- Thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ về chuyến đi.
- Sử dụng được yếu tố miêu tả và biểu cảm trong bài viết.
2. Dàn ý kể về một chuyến tham quan của em lớp 8 ngắn gọn
3. Dàn ý kể về một chuyến tham quan của em lớp 8 chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan mà em nhớ nhất (đi vào khi nào? Đi đến đâu?)
2. Thân bài
Kể lại những sự việc trước khi đi tham quan
Em chuẩn bị những gì cho chuyến đi ấy? Tâm trạng trước chuyến đi.
Những người đi cùng em?
Thời điểm xuất phát
Kể lại chặng đường khi bắt đầu chuyến tham quan
Khung cảnh thiên nhiên trên đường đi như thế nào?
Cảnh vật, địa điểm thú vị em gặp trên đường đi
Kể chi tiết chuyến tham quan chính
Em dừng chân ở đâu? Nhà nghỉ, khu nghỉ mát...
Kể lần lượt các địa điểm tham quan: miêu tả địa điểm, những nét đặc trưng của điểm tham quan ấy
Con người nơi em đến tham quan như thế nào? Để lại ấn tượng gì?
Kể lại kỉ niệm, trải nghiệm thú vị nhất trong chuyến tham quan mà em nhớ nhất
Kể lại việc em mua quà lưu niệm trước khi trở về. Những món quà ấy là đặc sản nơi em đến tham quan.
Con đường trở về nhà như thế nào, tâm trạng em có gì thay đổi?
3. Kết bài
4. Dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi lớp 8
Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa:
+ Đất nước Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng người yêu thích khám phá, trải nghiệm.
+ Thủ đô Hà Nội có Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm) với cả nét đẹp về thiên nhiên và văn hóa, lịch sử.
- Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi: Em rất háo hức và mong chờ chuyến đi.
Thân bài:
1. Chuyến đi thăm quan do ai tổ chức - Mục đích của chuyến tham quan
- Để có được một buổi dã ngoại về lịch sử, cô chủ nhiệm lớp em đã xin phép nhà trường cùng ban phụ huynh tổ chức cho chúng em một buổi tham quan Hồ Gươm.
- Chuyến đi diễn ra nhằm mục đích trải nghiệm, du lịch, khám phá những nét đẹp về phong cảnh thiên nhiên cũng như nét đẹp lịch sử, văn hóa của Hồ Gươm.
2. Chuyến đi bắt đầu như thế nào - Trên đường đi
- Chuyến đi bắt đầu từ tờ mờ sáng.
- Sáng sớm chúng em đã thức dậy chuẩn bị, thời tiết thật đẹp, những chú chim đang hót líu lo đón chào tia nắng đầu tiên của ngày mới.
- Hai bên đường, những hàng cây cao vút đang rì rào như đón chào chúng em. Nhiều người dân đang tập thể dục trên đường, những hàng quán đã nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa.
- Chúng em xuất phát trên một xe ô tô 45 chỗ. Trên đường, chúng em hát hò vui vẻ, chơi trò chơi…
- Chẳng mấy chốc, chúng em đã đặt chân đến Hồ Gươm.
3. Diễn biến chuyến tham quan
a. Quang cảnh chung và cảm xúc khi mới đặt chân đến Hồ Gươm
- Em rất háo hức khi đặt chân đến hồ Gươm, mọi mệt mỏi dường như tan biến hết.
- Hồ Gươm rất rộng, em cảm giác như một chiếc gương khổng lồ. Chung quanh Hồ Gươm được soi bóng bởi các hàng cây to, xanh mát.
- Quanh Hồ Gươm là rất đông người, hàng quán. Đặc biệt, chúng em được gặp khá nhiều du khách nước ngoài.
b. Đi thăm Tháp Rùa
- Địa điểm đầu tiên mà gia đình em ghé thăm đó chính là Tháp Rùa.
- Tháp Rùa cổ kính, uy nghi đứng trên gò đất xanh rì cỏ nổi giữa mặt hồ. Tháp Rùa cho chúng em cảm giác cổ kính, rêu phong, mang đậm dấu ấn lịch sử.
- Tháp Rùa cũng chính là một nhân chứng lịch sử nước ta. Nó đã chứng kiến nước ta bị xâm lược, đã chứng kiến nước ta giải phóng và bây giờ đang trên đà phát triển. Nó cũng là nơi đầu tiên cắm chiếc cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
c. Đi thăm đền Ngọc Sơn
- Rời Tháp Rùa, chúng em đến thăm đền Ngọc Sơn.
- Nối hồ Gươm với đền Ngọc Sơn là chiếc cầu Thê Húc cong cong như con tôm và cũng là chiếc cầu duy nhất sơn màu đỏ chon chót, bóng bẩy nhìn rất đặc biệt.
- Ngay trước cửa đền Ngọc Sơn là hàng chữ đẹp của Nguyễn Siêu - thần đồng nổi tiếng Việt Nam. Sát bên trái cửa đền là ngọn Tháp bút cao sừng sững mà theo nhiều người quan niệm là hàng ngày vẫn đưa những việc làm tốt của mọi người báo lên trời cao.
- Đi sát vào đền ta còn có thể chiêm ngưỡng cụ Rùa to hơn cả bàn của cô giáo ở lớp em.
d. Đi thăm tháp Hòa Phong
- Tháp Hòa Phong nằm trên bờ hồ phía Đông của Hồ Gươm.
- Tháp Hòa Phong là di tích còn sót lại duy nhất của chùa Báo Ân sau khi bị thực dân Pháp phá dỡ năm 1898.
- Tháp được xây dựng kiên cố gồm 3 tầng với tầng 1 được mở cửa theo 4 hướng.
- Chúng em vui vẻ chụp ảnh ở tháp Hòa Phong cùng các du khách khác.
4. Trải nghiệm những hoạt động văn hóa tại địa điểm văn hóa
- Nhóm chúng em được giới thiệu và thưởng thức món bún chả nổi tiếng của Hà Nội.
- Chúng em tận hưởng sự mát mẻ ở phố Tràng Tiền, trong hàng kem nổi tiếng để xua đi cái nóng nực mùa hè.
- Chúng em đi bộ ngang qua phố Đinh Lễ ngay cạnh bờ Hồ. Đây là con phố chuyên bán sách.
- Chúng em tìm thấy rất nhiều sách hay và thú vị.
5. Kết thúc chuyến đi và suy nghĩ, tình cảm của em
- Trên đường về, em nhớ mãi những ấn tượng vui vẻ về chuyến đi vừa qua.
- Những trải nghiệm tại đây đã giúp em hiểu thêm về văn hóa, lịch sử; thêm cảm phục công lao của ông cha đã gìn giữ bảo vệ đất nước.
Kết bài:
- Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan: Chuyến đi kết thúc để lại trong em biết bao ấn tượng sâu sắc bởi nó đã cho bản thân em những bài học đáng quý.
- Liên hệ bản thân (Mong muốn, lời hứa): Em tự nhủ phải chăm chỉ học tập, cố gắng rèn luyện, tiếp tục có những chuyến trải nghiệm thú vị để khám phá nhiều cảnh đẹp của Việt Nam chúng ta.
5. Dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan đền Hùng (chi tiết)
Mở bài
- Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa:
+ Việt Nam được biết đến là một quốc gia với nét đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán độc đáo, lâu đời.
+ Trải nghiệm về văn hóa luôn được coi là những trải nghiệm thú vị. Em cũng đã có lần được tìm hiểu thêm về văn hóa của Việt Nam thông qua chuyến đi đến đền Hùng
- Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi: Chuyến đi ấy đã để lại trong em cảm xúc tự hào cùng những ấn tượng khó phai.
Thân bài
1. Chuyến đi thăm quan do ai tổ chức - Mục đích của chuyến tham quan
- Mỗi dịp đâu xuân, nhà em lại cùng nhau đi du xuân. Năm nay, địa điểm được gia đình em chọn đó là đền Hùng
- Chuyến đi diễn ra nhằm mục đích để cầu may cho gia đình, hiểu biết thêm về các văn hóa dân tộc, tham quan các di tích lịch sử và cũng như để học thêm và các phong tục tập quán.
2. Chuyến đi bắt đầu như thế nào - Trên đường đi
- Chuyến đi bắt đầu từ tờ mờ sáng, khi những giọt sương sớm vẫn còn định trên lá cành.
- Tiết trời se lạnh của mùa xuân đã tạo cho em cảm giác thích thú.
- Hai bên đường, những hàng cây cao vút đứng yên, dang cánh tay ra nắng những hạt sương rơi, những cây hoa đào đua nhau nở rộ.
- Dưới ánh đèn phố lung linh đặc trưng của ngày xuân, những làn xe cộ tấp nập chạy qua. Trên đường, không khí nhộn nhịp biết được nào.
- Một lúc sau, mặt trời đã ló rạng. Qua khung cửa sổ, từng tia nắng chiếu vào như những tia hi vọng của một năm mới tốt lành
- Lúc này em vô cùng háo hức được đến Đền Hùng.
3. Diễn biến chuyến tham quan
a. Quang cảnh chung và cảm xúc khi mới đặt chân đến đền Hùng
- Quần thể đền Hùng thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đây là nơi các vua Hùng xưa đã chọn làm kinh đô của nước Văn Lang.
- Ấn tượng đầu tiên của em là nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét hoang sơ, cổ kính với nhiều đền thờ
- Có khá nhiều khách du lịch thập phương quy tụ về đây để thăm thú, tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vị vua Hùng.
- Dưới sự hướng dẫn của cô HDV, gia đình em được lần lượt đi thăm những địa điểm thăm quan nổi tiếng ở đền Hùng.
b. Đi thăm đền Hạ
- Địa điểm đầu tiên mà gia đình em ghé thăm đó chính là đền Hạ.
- Tương truyền đây là nơi xưa kia mẹ Âu Cơ đã sinh ra trăm trứng, ý nghĩa “đồng bào” cũng bắt đầu từ đó, em được biết ngôi đề được xây dựng vào khoảng thế kỉ 17-18 với kiến trúc thuần Việt gồm hậu cung và tiền bái, trang trí bằng các bức phù điêu, một bên ngựa, một bên voi.
- Quang cảnh xung quanh đền yên tĩnh với nhiều loại cây cổ kính.
- Thăm đền Hạ, lòng em tràn ngập cảm giác tự hào về nguồn gốc con người dân tộc mình.
c. Đi thăm chùa Thiên Quang
- Rời đền Hạ, gia đình em tiếp tục được đi thăm chùa Thiên Quang, đây là một ngôi chùa có tên cổ là Sơn cảnh thừa long tự.
- Chùa được xây với nhiều gian, bên ngoài sơm màu đỏ, các tòa theo kiểu cột trị, mái con, bên trên có hai chú rồng chầu ngọc trắng, trước đền có lư hương, sân chùa rộng rãi phục vụ du khách đến dâng hương.
- Thăm chùa, em thầm ngưỡng mộ về những nét kiến trúc độc đáo của dân tộc.
d. Đi thăm đền Trung , đền Thượng
- Gia đình em đến thăm quan đền Trung, tương truyền đây là nơi xưa kia Vua Hùng bàn việc nước và ngắm cảnh thiên nhiên, sông núi cùng các lạc tướng, lạc hầu. Khung cảnh hoang sơ, cổ kính
- Sau khi thăm đền Trung, gia đình em di chuyển đến đền Thượng
- Đền Thượng nằm cao nhất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền thời xưa, vua Hùng thường lên trên đỉnh núi để thực hiện nghi lễ cầu mong trời đất, thần lúa phù hộ mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, vì thế đền được dựng ở đây.
- Tương truyền, đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 tiến hành lập đàn cầu trời ban cho người tài giỏi đánh giặc Ân giúp nước, cứu dân.
- Em thấy mình đứng giữa ranh giới quá khứ hào hùng của lịch sử cha ông và hiện tại.
e. Đi thăm bảo tàng Hùng Vương
- Tiếp theo, cô HDV dẫn đoàn gia đình em đến thăm quan bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật quý.
- Mọi thứ đều ẩn chứa trong đó một câu chuyện, một bài học riêng. Đó là các chiến tích hào hùng của vua Hùng đánh đuổi quân xâm lược.
- Xa xa kia là hình ảnh Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đang trò chuyện với chiến sĩ thuộc Đại đoàn quân tiên phong.
4. Trải nghiệm những hoạt động văn hóa tại địa điểm văn hóa
- Gia đình em được giới thiệu và thưởng thức bánh tẻ, bánh tai, bánh sắn
- Em được khám phá và trải nghiệm nhiều lễ hội vui của đền Hùng như lễ rước kiệu vua, lễ dâng hương, các trò chơi như thi đấu vật, thi kéo co, thi bơi….
5. Kết thúc chuyến đi và suy nghĩ, tình cảm của em
- Trên đường về, em nhớ mãi về những địa danh tại đền Hùng gia đình em được đi thăm. Có lẽ đây là chuyến đi em không bao giờ quên.
- Những trải nghiệm tại đây đã giúp em hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc được lưu giữ suốt bao đời nay.
Kết bài
- Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan: Chuyến đi kết thúc để lại trong em biết bao ấn tượng sâu sắc bởi nó đã cho bản thân em những bài học đáng quý
- Liên hệ bản thân (Mong muốn, lời hứa): Em tự nhủ phải chăm chỉ học tập, cố gắng rèn luyện, nối tiếp đường cha ông, bảo vệ đất nước, …
Bài mẫu
Mỗi chuyến đi đều mang lại cho ta những trải nghiệm vô giá. Là một đất nước có bề dày lịch sử với hàng ngàn năm dựng nước giữ nước, chính vì vậy các di tích lịch sử luôn là những điểm đến mang lại cho chúng em những trải nghiệm thú vị để tìm hiểu về lịch sử nước nhà. Và chuyến đi thăm đền Hùng vừa qua đã giúp em khám phá thêm nhiều kiến thức bổ ích. Chuyến đi ấy đã để lại trong em cảm xúc tự hào cùng những ấn tượng khó phai.
Như mọi gia đình, vào mỗi dịp đâu xuân, nhà em lại cùng nhau đi du xuân. Năm nay, địa điểm được gia đình em chọn đó là đền Hùng. Ngay sau khi biết tin, em cảm thấy rất vui và háo hức. Chuyến đi lần này được diễn ra nhằm mục đích để cầu may cho gia đình, hiểu biết thêm về các văn hóa dân tộc, tham quan các di tích lịch sử và cũng như để học thêm và các phong tục tập quán. Càng nghĩ về nó, em càng hứng khởi mong chờ.
Như dự kiến, chuyến đi bắt đầu từ tờ mờ sáng. Lúc này, những giọt sương sớm vẫn còn định trên lá cành. Tiết trời se lạnh của mùa xuân đã tạo cho em cảm giác thích thú. Hai bên đường, những hàng cây cao vút đứng yên, dang cánh tay ra nắng những hạt sương rơi. Theo ánh đèn pha ô tô, những cây hoa đào đua nhau nở rộ. Chúng đưa những cành cây thanh mảnh lên rung rinh như những người thiếu nữ đang đứng chào đón gia đình em. Dưới ánh đèn phố lung linh đặc trưng của ngày xuân, những làn xe cộ tấp nập chạy qua. Trên đường, không khí nhộn nhịp biết được nào. Theo những ánh đèn lung linh đó, từng tòa nhà cao tầng đứng nghiêm trang như những người lính gác trông thật oai vệ, có cảm giác như đang chào đón gia đình em. Một lúc sau, mặt trời đã ló rạng. Qua khung cửa sổ, từng tia nắng chiếu vào như những tia hi vọng của một năm mới tốt lành. Lúc này em vô cùng háo hức được đến Đền Hùng.
Sau khoảng một tiếng đồng hồ ngồi trên xe, cuối cùng gia đình em cũng tới nơi. Quần thể đền Hùng thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đây là nơi các vua Hùng xưa đã chọn làm kinh đô của nước Văn Lang. Đặt chân đến, ấn tượng đầu tiên của em là nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét hoang sơ, cổ kính với nhiều đền thờ. Có khá nhiều khách du lịch thập phương quy tụ về đây để thăm thú, tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vị vua Hùng. Gia đình em được đi cùng một cô hướng dẫn viên du lịch để có thêm những hiểu biết khi đến thăm đền. Dưới sự hướng dẫn của cô, gia đình em được lần lượt đi thăm những địa điểm thăm quan nổi tiếng ở đền Hùng.
Địa điểm đầu tiên mà gia đình em ghé thăm đó chính là đền Hạ. Tương truyền đây là nơi xưa kia mẹ Âu Cơ đã sinh ra trăm trứng, ý nghĩa “đồng bào” cũng bắt đầu từ đó, em được biết ngôi đề được xây dựng vào khoảng thế kỉ 17-18 với kiến trúc thuần Việt gồm hậu cung và tiền bái, trang trí bằng các bức phù điêu, một bên ngựa, một bên voi. Sau đền vẫn còn dấu tích “Mắt Rồng” chính là khu vực mẹ Âu Cơ ấp trứng. Quang cảnh xung quanh đền yên tĩnh với nhiều loại cây cổ kính. Thăm đền Hạ, được nghe lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên, lòng em tràn ngập cảm giác tự hào về nguồn gốc con người dân tộc mình.
Rời đền Hạ, gia đình em tiếp tục được đi thăm chùa Thiên Quang, đây là một ngôi chùa có tên cổ là Sơn cảnh thừa long tự. Chùa được xây với nhiều gian, bên ngoài sơm màu đỏ, các tòa theo kiểu cột trị, mái con, bên trên có hai chú rồng chầu ngọc trắng, trước đền có lư hương, sân chùa rộng rãi phục vụ du khách đến dâng hương. Thăm chùa, em thầm ngưỡng mộ về những nét kiến trúc độc đáo của dân tộc.
Tiếp đến, theo chân cô hướng dẫn viên, gia đình em đến thăm quan đền Trung, tương truyền đây là nơi xưa kia Vua Hùng bàn việc nước và ngắm cảnh thiên nhiên, sông núi cùng các lạc tướng, lạc hầu. Khung cảnh hoang sơ, cổ kính. Trước khi đến lư hương cần bước qua bậc tam cấp. Sau khi thăm đền Trung, đi tiếp lên cao, gia đình em đến Đền Thượng nằm cao nhất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Theo em được biết, thì Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” còn có tên là “Cửu trùng tiên điện”. Tương truyền thời xưa, vua Hùng thường lên trên đỉnh núi để thực hiện nghi lễ cầu mong trời đất, thần lúa phù hộ mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, vì thế đền được dựng ở đây. Tương truyền, đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 tiến hành lập đàn cầu trời ban cho người tài giỏi đánh giặc Ân giúp nước, cứu dân. Dâng nén hương thành kính mà lòng em trào dâng niềm xúc động, em thấy mình đứng giữa ranh giới, gạch nối giữa quá khứ hào hùng của lịch sử cha ông và hiện tại.
Tiếp theo, cô HDV dẫn đoàn gia đình em đến thăm quan bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật quý. Mọi thứ đều ẩn chứa trong đó một câu chuyện, một bài học riêng. Đó là các chiến tích hào hùng của vua Hùng đánh đuổi quân xâm lược. Đó là tấm gương sáng của người chiến sĩ hy sinh quên mình để bảo vệ vua chúa. Một thời khói lửa có nhiều mất mát, đơn đau nhưng cũng để lại bài học quý giá. Đó là người con gái Mị Châu vì trao nhầm tin yêu cho Trọng Thủy để rồi mất nước và tay giặc ngoại xâm. Còn nhiều lắm những câu chuyện gia đình em được nghe kể về các vua Hùng. Xa xa kia là hình ảnh Bác Hồ- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đang trò chuyện với chiến sĩ thuộc Đại đoàn quân tiên phong. Câu nói của Bác vẫn mãi vang vọng bên tai: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đến thăm đền Hùng, không thể bỏ qua được những món ăn đặc sắc. Gia đình em được giới thiệu và thưởng thức bánh tẻ, bánh tai, bánh sắn. Các loại bánh này tuy dân dã nhưng dưới bàn tay tài tình của người dân địa phương đã trở nên thơm ngon, dẻo bùi ngon miệng. Không chỉ thế, rong chuyến tham quan này, em được khám phá và trải nghiệm nhiều lễ hội vui của đền Hùng như lễ rước kiệu vua với những lá cờ nhiều màu, hoa và được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống cực đẹp. Lễ dâng hương, em và mọi người trong gia đình thành kính kính cẩn nghiêng mình, thắp nén nhang thơm lên bàn thờ để thành kính cảm ơn sự hi sinh, vất vả của vua Hùng để giờ đây người con đất Việt có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.Ngoài ra, em cũng được trải nghiệm cảm xúc khi xem các trò chơi như thi đấu vật, thi kéo co, thi bơi….
Thời gian thăm quan trôi qua rất nhanh, cũng đến lúc gia đình em phải quay trở về dù rất nuối tiếc. Trên đường về, em nhớ mãi về những địa danh tại đền Hùng gia đình em được đi thăm. Có lẽ đây là chuyến đi em không bao giờ quên. Những trải nghiệm tại đây đã giúp em hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc được lưu giữ suốt bao đời nay. Bởi vậy mà nó làm cho em thêm tự hào về dân tộc mình hơn...
Chuyến đi kết thúc đã để lại trong em biết bao ấn tượng sâu sắc bởi nó đã cho bản thân em những bài học đáng quý. Em hiểu mình cần phải biết tự hào, hãnh diện khi được làm con cháu vua Hùng, biết trân trọng những nét đẹp của văn hóa dân tộc, giữ gìn và bảo vệ những bản sắc tươi đẹp ấy,... Em tự nhủ phải chăm chỉ học tập, cố gắng rèn luyện, nối tiếp đường cha ông, bảo vệ đất nước, góp phần quảng bá đất nước với các cường quốc năm châu,...
6. Viết bài văn kể lại chuyến đi tham quan Hồ Gươm
Để có được một buổi dã ngoại về lịch sử, cô chủ nhiệm lớp em đã xin phép nhà trường cùng ban phụ huynh tổ chức cho chúng em một buổi tham quan. Ngày chủ nhật mong chờ đã đến, địa điểm nơi lớp em đến là khu di tích lịch sử tại Hà Nội, nơi có Hồ Gươm nổi tiếng với nét đẹp về thiên nhiên và văn hóa, lịch sử. Từ lâu em đã mong được đi thăm Hồ Gươm, vì vậy, em rất háo hức khi được tham gia chuyến đi.
Ngay từ tờ mờ sáng, em đã thức dậy chuẩn bị, những chú chim đang hót líu lo đón chào tia nắng đầu tiên của ngày mới. Hôm nay, thời tiết hứa hẹn sẽ là một ngày nắng đẹp. Hai bên đường, những hàng cây cao vút đang rì rào như đón chào chúng em. Nhiều người dân đang tập thể dục trên đường, những hàng quán đã nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa. Chúng em xuất phát trên một xe ô tô rộng 45 chỗ. Từ chỗ chúng em đến Hồ Gươm khoảng 60 kilomet, nên chúng em mất khoảng chừng hơn một giờ đồng hồ đi trên đường. Trên ô tô, chúng em hát hò vui vẻ và rủ nhau chơi trò chơi, nên chẳng mấy chốc, chúng em đã đặt chân đến Hồ Gươm.
Em và các bạn đều rất háo hức khi đặt chân đến hồ Gươm, mọi mệt mỏi dường như tan biến hết. Ấn tượng đầu tiên của em là Hồ Gươm trông rất rộng, em cảm giác như một chiếc gương khổng lồ. Chung quanh Hồ Gươm được soi bóng bởi các hàng cây to, xanh mát. Lúc này vẫn là buổi sáng sớm và quanh hồ Gươm là rất đông người, hàng quán. Đặc biệt, chúng em nhìn thấy khá nhiều du khách nước ngoài trong dòng người đông đúc quanh hồ.
Địa điểm đầu tiên mà chúng em ghé thăm đó chính là Tháp Rùa. Tháp Rùa cổ kính, uy nghi đứng trên gò đất xanh rì cỏ nổi giữa mặt hồ. Tháp Rùa cho chúng em cảm giác cổ kính, rêu phong, mang đậm dấu ấn lịch sử. Chúng em được nghe cô kể rằng, Tháp Rùa cũng chính là một nhân chứng lịch sử nước ta. Nó đã chứng kiến nước ta bị xâm lược, đã chứng kiến nước ta giải phóng và bây giờ đang trên đà phát triển. Nó cũng là nơi đầu tiên cắm chiếc cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Rời Tháp Rùa, chúng em đến thăm đền Ngọc Sơn. Nối hồ Gươm với đền Ngọc Sơn là chiếc cầu Thê Húc cong cong như con tôm và cũng là chiếc cầu duy nhất sơn màu đỏ chon chót, bóng bẩy nhìn rất đặc biệt. Em chưa từng thấy một cây cầu nào trông đặc biệt như thế này, thật là thú vị! Ngay trước cửa đền Ngọc Sơn, chúng em thấy hàng chữ đẹp của Nguyễn Siêu - thần đồng nổi tiếng Việt Nam. Sát bên trái cửa đền là ngọn Tháp bút cao sừng sững mà theo nhiều người là hàng ngày vẫn báo những việc làm tốt của mọi người lên trời cao. Đi sát vào đền chúng em còn chiêm ngưỡng cụ Rùa to hơn cả bàn của cô giáo ở lớp em. Em thấy không khí trong đền vừa trang nghiêm thành kính, vừa an tĩnh tự tại.
Chúng em tiếp tục hành trình tham qua với việc khám phá tháp Hòa Phong, đây là ngọn tháp nằm trên bờ hồ phía Đông của Hồ Gươm. Chúng em tìm hiểu được rằng tháp Hòa Phong là di tích còn sót lại duy nhất của chùa Báo Ân sau khi bị thực dân Pháp phá dỡ năm 1898. Cảm nhận đầu tiên của em là tháp nhìn khá kiên cố với 3 tầng, đặc biệt em thấy tầng 1 được mở cửa theo bốn hướng khác nhau. Ở đây, chúng em thấy rất nhiều du khách đang chụp ảnh với tháp Hòa Phong, và chúng em cũng rất vui vẻ lưu giữ những kỉ niệm đẹp nơi đây bằng các bức ảnh vui vẻ.
Sau một thời gian đi bộ quanh Hồ Gươm và thăm thú, chúng em đã được tận hưởng không khí nhộn nhịp ở thủ đô. Nhóm chúng em được giới thiệu và thưởng thức món bún chả nổi tiếng của Hà Nội gần đó; thật ngon! Chúng em tận hưởng sự mát mẻ ở phố Tràng Tiền, trong hàng kem nổi tiếng để xua đi cái nóng nực mùa hè. Quán kem thật đông, có nhiều người vừa đứng vừa ăn, thật là một trải nghiệm thú vị. Chúng em đi bộ ngang qua phố Đinh Lễ ngay cạnh bờ Hồ. Đây là con phố chuyên bán sách, chúng em đã tìm thấy rất nhiều sách hay và thú vị.
Chẳng mấy chốc đã đến thời gian phải về, chúng em còn nuối tiếc chưa muốn xa hồ Gươm. Trên đường về, em nhớ mãi những ấn tượng vui vẻ về chuyến đi vừa qua; đặc biệt khi được tận mắt nhìn thấy và trải nghiệm địa danh nơi có truyền thuyết Lê Lợi trả gươm cho thần Kim Quy sau khi thành công đánh đuổi giặc; em càng thêm hiểu về văn hóa, lịch sử; thêm cảm phục công lao của ông cha đã gìn giữ bảo vệ đất nước.
Chuyến đi kết thúc để lại trong em biết bao ấn tượng sâu sắc bởi nó đã cho bản thân em những bài học đáng quý. Em tự nhủ phải chăm chỉ học tập, cố gắng rèn luyện, tiếp tục có những chuyến trải nghiệm thú vị để khám phá nhiều cảnh đẹp của Việt Nam chúng ta.
7. Viết bài văn kể lại chuyến đi tham quan di tích lịch sử, văn hóa
Đi thăm quan các khu di tích lịch sử là một trong những hoạt động thường niên của nhà trường. Mỗi chuyến đi sẽ mang lại cho chúng em những bài học bổ ích về những hiểu biết lịch sử cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quê hương đất nước. Và chuyến thăm quan khu di tích lịch sử đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng cùng nhà trường vừa qua đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc về một quần thể công trình kiến trúc cổ được xây dựng và gìn giữ qua biết bao thăng trầm cũng như cơ hội học hỏi, tìm hiểu về cuộc đời của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bảy giờ sáng, xe lăn bánh từ cổng trường, cả lớp em vô cùng háo hức. Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, xe chúng em đi qua những ruộng thuốc lá xanh rờn xen lẫn cánh đồng lúa chín vàng, chúng em đến thăm Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trên quê hương ông ở làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Trên con đường trải đầy rơm rạ sau vụ gặt và nồng đượm mùi thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo nổi tiếng khắp nước, cũng có rất nhiều người như chúng em tìm về Khu di tích, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ tới Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hoá, một nhà hiền triết mà sự nghiệp và tên tuổi của ông đã lưu danh mãi cùng đất nước.
Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên chữ là Hanh Phủ, tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ, sinh năm 1491 tại thôn Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương nay là huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc, thân phụ ông là Thái Bảo Nghiêm quận công Nguyễn Văn Định, thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan thượng thư Nhữ Văn Lan, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo. Tuy nhiên, lớn lên trong giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, nhiễu loạn nên suốt thời trai trẻ, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải sống trong ẩn dật, không thi thố được tài năng. Mãi tới năm 1535, khi đã 45 tuổi, ông mới đi thi và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy, ông làm quan với tân triều, nhà Mạc phong chức Tả thị lang (chức đứng hàng thứ ba trong bộ Hình). Năm 1543, trước cảnh bầy tôi lộng quyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm mạnh dạn vạch trần sự tha hóa, thối nát rồi dâng trảm sớ lên vua đối với 18 đình thần biến chất, mưu phản, song không được nhà vua chấp thuận. Ông bèn cáo quan về ở ẩn nơi quê nhà, lập am Bạch Vân, mở trường dạy học, làm thơ, nghiên cứu kinh sử, chắt lọc những tinh hoa của các đạo pháp ngoại lai, bổ sung vào đó tính chất giản dị mà sâu sắc của người Việt để giáo hóa người đời và dạy dỗ học trò thành người có đức có tài, hữu ích cho đất nước. Học trò của ông nhiều người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền... Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời năm 1585, ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như Tập thơ Bạch Vân gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán và hai tập Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi với hàng trăm bài thơ chữ Nôm. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Thơ của ông là cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu phi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Là một học giả, học rộng biết nhiều, trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm hay nhắc tới sự thăng trầm "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành nương dâu) của trời đất, tạo vật và cuộc đời trôi nổi như "phù vân". Ông thương xót cho "vận mệnh" quốc gia và cảm thông sâu sắc tình cảnh của "dân đen", "con đỏ". Ông thật sự mong muốn đất nước thịnh vượng, thái bình. Tương truyền, để tránh những cuộc binh đao khói lửa, tương tàn cho chúng dân và nhìn thấy trước thời cuộc, "vận mệnh" của đất nước trong hoàn cảnh ấy chưa thể có những lực lượng đảm đương được việc thống nhất, nên khi các tập đoàn phong kiến đến hỏi kế sách, ông đều bày cho họ những phương sách khác nhau để giữ thế "chân vạc". Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là nhà triết học lớn của Việt Nam. Ông cũng tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam. Ông đã cho ra đời hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình".
Để tưởng nhớ và khắc ghi những đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở làng Trung Am, quê hương của ông, con cháu và dân làng đã xây dựng một khu di tích gồm nhiều hạng mục công trình, là nơi thờ cúng và trưng bày hiện vật về thân thế và sự nghiệp của ông. Năm 1991, khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, trở thành một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của Hải Phòng.
Đến với Khu di tích Trạng Trình, từ lúc đặt chân bước qua được cổng tam quan, chúng em đã được nhìn thấy ngay khu đền thờ cụ Trạng. Ngôi đền được thiết kế dựa trên nền nhà cũ của Trạng Trình và đặt ngay chính giữa là tượng và bài vị của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tượng ông được làm bằng gỗ, trong thế ngồi trên ngai, mình mặc áo rồng vua ban, đầu đội mũ cánh chuồn, tay phải cầm cuốn tập giơ lên như đang giảng đạo thơ cho các học trò. Phía trước đền là hồ Thái Nhâm, trên khoảng đất giữa hồ có cầu bắc qua còn tấm bia đá làm năm Vĩnh Hựu nhà Lê (1736) ghi lại việc làm đền thờ Trạng và tên những người đã đóng góp xây dựng đền. Phía trước đền chính là hồ Thái Nhâm rộng lên đến 1.000m2. Phía sau được thiết kế mô phỏng Am Bạch Vân với ba gian nhà lớp mái ngói.
Cách đó không xa chính là tượng Trạng Trình ngồi uy nghiêm, trang phục giản dị, nho nhã. Hay thú vị hơn chính là hai bức phù điêu cao hơn 5m, dài hơn 20m được thiết kế tỉ mỉ, công phu nhằm thể hiện rõ nét về cuộc đời bao thăng trầm, sự nghiệp trồng người vẻ vang của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như tái hiện chân thực từng giai đoạn lịch sử của nước Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược đến tận ngày nay.
Dạo quanh các khu vườn tại Khu di tích Trạng Trình, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp được những bức tượng được tạc bằng đá với kích cỡ hệt như người thật. Các bức tượng này được sắp xếp một cách có chủ ý nhằm mô tả lại các khung cảnh đời thường trong cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm như cảnh dân làng mừng rỡ chào đón Trạng Trình từ quan trở về làng hay khi cụ ngồi giảng văn thơ cho các học trò.
Hàng năm cứ đến ngày 23/12, người dân trong vùng và các nơi lại kéo về đền thờ tế lễ, dâng hương tưởng niệm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bên cạnh phần lễ, phần hội với nhiều trò chơi dân gian đánh vật, kéo co, chọi gà, cờ người… đã mang đến một không khí lễ hội dân gian độc đáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước.
Sau khi chúng em được cô giáo chủ nhiệm và bác hướng dẫn viên dẫn đi tham quan, tìm hiểu xong toàn bộ khu di tích thì đã đến trưa. Chúng em có khoảng một tiếng rưỡi để ăn uống và nghỉ ngơi. Chúng em tranh thủ ăn thật nhanh, rồi cùng nhau đi dạo quanh làng, ghé vào các quán lưu niệm để mua đồ mang về. Buổi chiều, học sinh cả lớp sẽ tập trung lại để tham gia một số trò chơi tập thể vô cùng hấp dẫn. Cuộc chơi kết thúc cũng là lúc chúng em phải trở về thành phố trong sự tiếc nuối.
Có thể nói, chuyến tham quan đến khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thật thú vị và bổ ích. Sau khi trở về, em tin rằng mình sẽ có một bài báo cáo thật hấp dẫn, và sẽ đạt được một kết quả cao nhất.
8. Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử lớp 8
Mỗi chuyến tham quan luôn để lại trong ta những kỉ niệm đẹp đẽ và những kiến thức vô cùng bổ ích mà ta được tìm hiểu khi đến với những di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước. Cuối năm học vừa rồi, em đã được đến thăm cố đô Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình trong chuyến đi thăm quan cuối năm cùng với nhà trường.
Đúng sáu giờ sáng, toàn trường có mặt để tập trung lên xe. Đến 6h30, các thầy cô giáo và các bác phụ huynh kiểm tra lại quân số sau đó chúng em lần lượt di chuyển lên các ô tô có ghi tên lớp. Trên suốt dọc đường di chuyển từ Hà Nội đến Ninh Bình ai ai cũng háo hức khi được đặt chân đến vùng đất cố đô cổ kính đã lưu giữ hàng nghìn năm những giá trị lịch sử của dân tộc.
Ấn tượng đầu tiên khi đến với khu di tích cố đô Hoa Lư là cảm giác choáng ngợp và hùng vĩ. Những công trình kiến xưa kia vẫn giữ vẹn nguyên nét cổ kính tựa lưng trên địa hình núi non khiến cho khung cảnh nơi đây càng thêm uy nghi.
Với diện tích rộng rãi ấn tượng lên đến hơn 300ha, Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích với các công trình kiến trúc tường thành, hang động, đền chùa, lăng mộ và những công trình khác có giá trị lịch sử và văn hóa cao. Bên trong khu di tích ngày nay vẫn còn tồn tại đền vua Lê Đại Hành, đền vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Kim Ngân, bia Câu Dền, chùa Cổ Am, phủ Chợ, hang Bim, chùa Duyên Ninh, sông Sào Khê và tường thành, nền điện dưới lòng đất. Một số danh làm thắng cảnh đẹp gần với khu di tích cố đô Hoa Lư như quần thể danh thắng Tràng An với hệ thống chùa và Động Am Tiên, đình Yên Trạch, hang Muối, hang Quàn, hang Sinh Dược, hang Luồn, hang Địa linh, hang Ba Giọt, hang Nấu Rượu, chùa Bà Ngô, đền Trần, phủ Khống, phủ Động, động Liên Hoa, hang Bói, v.v. cũng là những điểm đến vô cùng yêu thích của khác du lịch.
Trải dài khắp hơn 1.000 năm lịch sử, những công trình di tích có ý nghĩa quan trọng nơi Cố đô Hoa Lư vẫn được bảo tồn và giữ gìn cho đến tận ngày nay.
Sau cả một ngày dài được thăm quan và khám phá khu di tích Cố đô Hoa Lư em cảm thấy đây là một địa danh lưu giữ những giá trị lịch sử có ý nghĩa to lớn về văn hóa, thể hiện được một thời dân tộc oai hùng. Nếu có dịp về với vùng đất Ninh Bình, các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội để ghé thăm nơi đây nhé.
9. Kể lại một chuyến tham quan mà em nhớ nhất lớp 8 - mẫu 1
Cuộc đời mỗi con người là những chuyến đi dài ngắn khác nhau. Sau mỗi chuyến đi ấy, chúng ta lại đón nhận thêm được nhiều điều mới mẻ. Tôi may mắn được tham gia rất nhiều chuyến tham quan, nhưng chuyến tham quan mà tôi nhớ nhất là chuyến tham quan Mai Châu – Hòa Bình năm ngoái.
Thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm học lớp 7, lớp chúng tôi tổ chức một chuyến đi tham quan xa 2 ngày 1 đêm. Thông báo đột ngột đến khiến cả lớp bất ngờ và vô cùng vui sướng. Đứa nào đứa ấy đều nôn nóng, rối rít chuẩn bị đồ đạc. Hai ngày sau đó, chúng tôi xuất phát. Xe du lịch chầm chậm rời khỏi nội thành thủ đô, ánh nắng khuất dần sau những tòa nhà cao chót vót. Khói bụi và tiếng còi xe ồn ào cũng biến mất dần ở phía sau, xe đưa chúng tôi băng qua những con đường bóng cây xanh rợp mắt.
Đến gần trưa, núi đồi và những rừng cây xanh mát nhanh chóng choáng ngợp trước tầm mắt háo hức của chúng tôi. Hòa Bình đã chập chững bước chân sang mùa đông nên càng lên cao, những hạt mưa li ti càng lất phất. Chúng tôi nghỉ chân tại Đào Thung Khe (Đèo đá trắng). Đứng trên đèo nhìn xuống, tôi nhìn thấy toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao. Bác tài còn nói, một ngày ở Thung Khe cũng như trải qua 4 mùa trong năm vậy. Xe lại lăn bánh, bác tài xế vừa cẩn thận cầm lái vừa giải thích một chút địa hình nơi này, những dãy núi đá đỏ gạch kia, mỗi lần mưa bão lại sụp xuống, gây bao nguy hiểm cho người đi đường và người dân nơi đây.
Xe đi qua những dãy đồi trồng mía, trồng cam – giống cam Cao Phong nổi tiếng, những ngôi nhà sàn rồi dừng lại ở một dãy nhà sàn được dùng cho du khách đến tham quan. Dưới sư hướng dẫn của cô chủ nhiệm, thầy phụ trách và các bác phụ huynh, chúng tôi thu dọn đồ đạc và nghỉ ngơi một chút.
Chiều đến, một thiếu nữ xinh xắn mặc trang phục người Mèo đến hướng dẫn đoàn tham quan chúng tôi. Chị ấy mặc váy xòe rực rỡ, nói giọng miền Bắc lại vô cùng tốt. Lần lượt dẫn chúng tôi đến các điểm tham quan. Mai Châu vào tháng 10, 11, 12 ngập tràn những cánh rừng hoa đào, hoa mận trắng xóa. Địa điểm đầu tiên là Bản Lác và bản Poom Coọng - 2 làng du lịch lớn nhất và đông đúc nhất ở Mai Châu. Đến đây, chúng tôi được thưởng thức đặc sản Mai Châu, mua quà lưu niệm và khám phá những nét văn hóa, đời sống, lễ hội của người dân Mai Châu. Đi hết hai bản này trời cũng sập tối, đoàn trở về nhà sàn, ăn uống, vui chơi. Trong đêm hôm ấy, lũ chúng tôi lần đầu tiên nằm cạnh bên nhau, thì thầm nhỏ to những câu chuyện bí mật.
Sáng sớm hôm sau, tôi giật mình nghe tiếng gà như tiếng gà ở những miền quê, không khí Mai Châu yên bình và trong lành vô cùng. Chúng tôi đánh răng, rửa mặt, ăn sáng rồi lại lên những chiếc xe điện, tiếp tục tham quan. Nơi chúng tôi đến là Hang Mỏ Luông và Hang Chiều - 2 quần thể hang động lớn và đặc sắc ở Mai Châu. Bước vào hang động, tôi ngỡ ngàng nhìn ngắm những nhũ đá hàng nghìn năm tuổi, nhiều hình thù và màu sắc cực đẹp, không thua gì nhũ đá ở Phong Nha Kẻ Bàng.
Xe điện chầm chậm chạy qua những bản làng của người dân tộc, những cánh đồng lúa bao la dần ngả vàng, người dân nơi đây dõi mắt theo xe. Cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn. Nhìn những thiếu nữ còn ít tuổi đã hai tay ôm hai đứa trẻ, lòng tôi trào dâng niềm thương cảm. Trên con đường về nhà sàn, chúng tôi gặp cả những gia đình người nước ngoài, họ vui vẻ đạp xe, thân thiện vẫy tay chào chúng tôi.
Cuộc vui nào cũng đến hồi kết, chúng tôi dạo quanh những khu bán đồ của người dân địa phương, mua quà lưu niệm. Những ống cơm lam thơm ngọt ngào, những vật dụng, trang phục thổ cẩm xinh đẹp khiến mọi người nhìn không chớp mắt. Tạm biệt Mai Châu, xe ngược đường quay lại thủ đô. Điều đặc biệt trong chuyến đi ấy là trên đường về, chúng tôi còn được tự tay vào những vườn cam Cao Phong, hái những quả cam tươi để mang về.
Hà Nội náo nhiệt lại gần ngay trước mắt. Chúng tôi mỗi người ôm một món quà của Mai Châu, mang theo một ấn tượng riêng về thiên nhiên và con người Mai Châu, lòng tự nhủ sẽ lần nữa về tham quan nơi bản làng xinh đẹp ấy.
10. Kể lại chuyến tham quan của em cùng các bạn trong lớp - mẫu 2
Cuối tuần trước, nhà trường đã tổ chức cho học sinh toàn trường đi tham quan. Chúng em đã có một chuyến đi vô cùng bổ ích ở khu di tích Cổ Loa. Em đã có nhiều trải nghiệm, học hỏi thêm những kiến thức bổ ích.
Chuyến đi sẽ diễn ra vào ngày thứ bảy. Khu di tích Cổ Loa nằm ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Nhà trường yêu cầu tất cả học sinh tham gia có mặt vào lúc sáu giờ ba mươi phút sáng. Hôm đó, em thức dậy thật sớm. Sau khi chuẩn bị xong, bố đưa em đến trường. Trước cổng trường, rất nhiều chiếc xe ô tô khách đang đỗ thành từng hàng. Em chào bố rồi vào trường tìm các bạn lớp mình. Trước khi về, bố còn chúc em có một chuyến tham quan an toàn và vui vẻ.
Em bước vào trường mà vô cùng hân hoan. Trên sân trường có rất đông học sinh. Em đã tìm thấy các bạn của lớp mình. Cô giáo đã đứng chờ ở đầu hàng. Cô điểm danh lại các bạn học sinh tham gia. Bảy giờ kém mười lăm chúng em lên xe. Đúng bảy giờ là xe xuất phát. Trên xe, chúng em được nghe chị hướng viên trò chuyện. Sau đó, chúng em còn có những tiết mục văn nghệ giao lưu. Em tranh thủ ngủ một lúc cho đỡ mệt. Khoảng một tiếng sau thì đến nơi.
Đầu tiên, chúng em tập trung theo từng khối lớp để làm lễ ở đền thờ vua An Dương Vương. Bầu không khí lúc này thật trang nghiêm. Sau đó, chúng em lần lượt ghé thăm: đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy), kế tiếp là Am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu), chùa Cổ Loa, chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự), cuối cùng là đình Mạch Tràng. Ở mỗi địa điểm, chúng em lại được nghe chị hướng dẫn viên giới thiệu nhiều điều thú vị, bổ ích.
Sau khi tham quan xong toàn bộ khu di tích thì đã đến trưa. Chúng em có khoảng một tiếng rưỡi để ăn trưa và nghỉ ngơi. Em tranh thủ ăn trưa thật nhanh, rồi cùng các bạn vào các quán lưu niệm để mua đồ mang về. Buổi chiều, học sinh toàn trường sẽ tập trung lại để tham gia một số trò chơi tập thể như bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố… Không chỉ vậy, chúng em còn được xem một tiết mục múa rối nước vô cùng hấp dẫn. Buổi tham quan kết thúc trong sự tiếc nuối của tất cả các học sinh.
Chuyến tham quan đến khu di tích Cổ Loa thật thú vị và bổ ích. Sau khi trở về, em tin rằng sẽ có một bài báo cáo thật hấp dẫn, và sẽ đạt được một kết quả cao nhất.
11. Kể lại chuyến tham quan em nhớ nhất - mẫu 3
Cuộc đời mỗi người là sự nối tiếp của những chuyến đi. Mỗi chuyến đi đều mang lại những ý nghĩa, để lại ấn tượng khác nhau. Trong số những chuyến đi ấy, có một chuyến tham quan mà tôi nhớ nhất là chuyến tham quan khu vực Lăng Bác và khu di tích Phủ Chủ tịch.
Cuối năm học lớp 5, nhà trường bất ngờ tổ chức cho lớp tôi chuyến tham quan Phủ Chủ tịch tại thủ đô Hà Nội vào hai ngày cuổi tuần. Đây là chuyến đi xa đầu tiên của cả lớp trong suốt năm năm học nên ai cũng háo hức, giờ ra chơi nào cũng tụm đầu lại với nhau, bàn tán sôi nổi về chuyến đi này.
Ngày xuất phát, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, vui tươi. Các thầy cô quyết định sắp xếp di chuyển từ trường vào buổi chiều thứ 7 để được viếng Lăng Bác vào sáng chủ nhật hôm sau. Xe lăn bánh, mỗi đứa một ba lô, tạm biệt miền quê giản dị thanh bình để hướng về thủ đô. Xe chạy bon bon suốt 3 tiếng đồng hồ mà cả lũ cứ mở tròn mắt, chỉ chỉ cảnh vật bên đường đầy thích thú. Tới thủ đô thì đã chiều muộn, cả đoàn dừng chân tại khách sạn, ăn cơm rồi tắm rửa và về phòng, nghỉ ngơi để buổi sáng dậy sớm.
Một đêm nhanh chóng qua đi, đúng 6 giờ chúng tôi đã có mặt tại sảnh lớn của khách sạn, ăn mặc quần áo học sinh nghiêm trang, lịch sự. Theo sự hướng dẫn của các thầy cô rồi đi đến lăng Bác. Dù đã liên lạc với người quản lý viếng lăng từ trước nhưng chủ nhật, khách tham quan đến viếng quá đông, chúng tôi phải chờ gần một tiếng đồng hồ mới được vào lăng viếng Bác. Người trưởng đoàn đọc bài viếng, giới thiệu tên đoàn xong thì cả đoàn cùng đứng ngay ngắn, chầm chậm bước theo hai người lính gác lăng dâng hoa phía trước tiến vào lăng Bác. Khác hẳn với nhiệt độ bên ngoài nắng chói chang, trong lăng mát lạnh và yên tĩnh, ai cũng tỏ lòng thành kính với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, bước đi nhẹ nhàng không một tiếng động. Người nằm trên giường ở giữa lăng, ánh sáng nhu hòa màu vàng chiếu lên khuôn mặt hiền từ của Người, yên bình vô cùng...
Mặt trời lên cao thì chúng tôi cũng rời khỏi lăng, theo dòng người đông đúc hướng về khu di tích phủ Chủ tích. Địa điểm đầu tiên là nhà sàn Bác Hồ, căn nhà được phục chế theo nhà sàn mà Bác ở những ngày cuối cuộc đời vĩ đại của mình. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm khiêm tốn tại một góc, hòa vào thiên nhiên bình dị, xinh đẹp. Cô hướng dẫn viên nói, trong nhà những kỉ vật của Bác vẫn còn lưu giữ lại, nơi này nơi kia là nơi Bác ngồi đọc công văn, viết và sửa di chúc, gửi thư cho đồng bào, cho thiếu nhi. Chúng tôi dường như tưởng tưởng ra được hình ảnh Bác trầm ngâm bên khung cửa sổ, nắn nót viết từng dòng chữ chứa đựng tình yêu thương bao la rộng lớn.
Con đường dẫn vào nhà sàn ôm ấp lấy ao cá Bác Hồ với diện tích khá lớn,nước hồ trong veo, cá chép đủ màu sắc thi nhau bơi lội tung tăng trong nước mát. Có những con cá rất to, hai bên miệng còn có râu, cô giáo tôi bảo nó chắc hẳn đã già lắm rồi. Vừa đi, cô hướng dẫn viên vừa giới thiệu về lịch sử của ao cá, kể những câu chuyện của Bác với ao cá ấy. Du khách trong nước và quốc tế xen lẫn với nhau, ai cũng trầm trồ về vẻ đẹp của ao cá.
Vì phải trở về vào buổi chiều nên chúng tôi không được tham quan toàn bộ khu di tích, sau khi tham quan ao cá, địa điểm cuối cùng là Khu Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Viện Bảo tàng trang nghiêm, trưng bày rất nhiều hiện vật, tư liệu về cuộc đời và con người của Bác. Bên cạnh mỗi hiện vật đều chú thích tên, thời gian mà Bác sử dụng và những câu chuyện xung quanh. Có rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi chưa bao giờ nghe đến. Vừa tham quan, chúng tôi vừa cảm thán về cuộc đời và những năm tháng kháng chiến của Người, tiếp thu được bao điều ý nghĩa và thú vị.
Thời gian trôi qua nhanh, chiều đến, chuyến tham quan của chúng tôi cũng phải kết thúc. Cả đoàn cùng chụp một bức ảnh lưu niệm rồi lên xe ra về. Dù chuyến đi ngắn ngủi nhưng để lại rất nhiều ấn tượng, lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy một phần cuộc đời của Bác Hồ kính yêu. Để rồi sau này, cảm giác tự hào và xúc động khi vào lăng viếng Bác vẫn còn in đậm mãi trong tôi.
12. Kể lại chuyến tham quan em nhớ nhất - mẫu 4
Nhân ngày nghỉ lễ Quốc Khánh, cơ quan của mẹ tổ chức đi du lịch, em cũng được mẹ cho đi theo để tham quan cảnh đẹp. Được mẹ dẫn đi em rất vui và hạnh phúc, mọi người trong cơ quan của mẹ đều rất hòa đồng và yêu thương em.
Chuyến du lịch đó mọi người tới Huế, thành phố Huế vốn nổi tiếng là một nơi xinh đẹp, cổ kính, trầm mặc nên ai cũng muốn được một lần đặt chân đến. Vừa tới Huế, mọi người về khách sạn, khách sạn được đặt sẵn trước chuyến đi, nó nằm đối diện với bờ sông Hương thơ mộng. Từ trong phòng nghỉ, em có thể nhìn ra và ngắm nhìn cầu Tràng Tiền bắc ngang qua dòng sông Hương thơ mộng, nhìn ngắm dòng người qua lại trong sự thảnh thơi vô ngần.
Xuống khách sạn, mọi người xúng xính váy áo ra bờ sông thưởng thức phong cảnh. Ai cũng chuẩn bị để chụp hình, lưu giữ những khoảnh khắc thiên nhiên đẹp. Sông Hương nước chảy lững lờ, những con thuyền đậu nơi bến sông nằm êm đềm trong làn gió nhẹ lướt qua. Một vài bông hoa lục bình tím trôi lênh đênh trên sông, nhẹ nhàng, lơ đễnh đầy tình tứ. Bên phố đi bộ, những vị khách du lịch đứng ngắm nhìn dòng sông. Trên chiếc cầu lim gỗ, có những đôi tình nhân đang chụp hình cưới trong niềm hạnh phúc khôn tả. Cầu Tràng Tiền vững chãi, cổ kính, tư lự, là cầu nối chở những dòng người đi, đến qua sông.
Đến với Huế, em không thấy cái vội vã, tấp nập của phố thị mà thấy thật thư thái, bình yên. Quanh phố xá Huế là những hàng cây rợp bóng mát, những con đường sạch sẽ tinh tươm và những con người đầy thân thiện.
Đặc biệt, em rất ấn tượng với giọng nói của người Huế, trong cách nói của họ nghe thật dịu dàng và dễ chịu, mang nét rất Huế mà không phải người vùng miền nào cũng có thể nói được.
Hôm sau, mọi người cùng tới tham quan Đại nội Huế, chùa Thiên Mụ, lăng Khải Định, điện Hòn Chén. Tới đâu cũng được mọi người chào đón và hướng dẫn rất nhiệt tình. Đặc biệt qua từng địa điểm, em được hiểu thêm rất nhiều về lịch sử nước nhà, về quá trình cống hiến của các vị vua dân tộc. Chuyến đi này đã mang lại cho em nhiều bài học lịch sử vô cùng quý giá.
Đến Huế, em còn được thưởng thức rất nhiều món đặc sản nơi đây. Đó là vị béo ngậy của bún hến, cơm hến. Nước mắm vị đậm đà của bánh bèo, bánh lọc, vị thơm ngon của bún bò Huế,...và món chè bưởi ngọt ngào như chất giọng của con người Huế vậy.
Chuyến du lịch chỉ kéo dài hai ngày thôi mà để lại trong em nhiều kỉ niệm. Xa Huế mà lòng vẫn còn vương, sau này, khi có dịp, em sẽ trở lại Huế để xem những đổi thay của miền đất kinh kỳ nơi đây.
13. Kể lại chuyến tham quan cùng các bạn trong lớp
Là một người học sinh chắc hẳn ai trong chúng ta cũng vô cùng hóa hức khi được đi tham quan cùng với bạn bè và thầy cô. Và em cũng vậy, chuyến đi tham quan du lịch biển Sầm sơn cùng với cả lớp và các thầy cô giáo trong trường đã để lại trong em những kỉ niệm đpẹ khó phai.
Chuyến tham quan đến biển Sầm Sơn – một điểm du lịch nổi tiếng của quê hương chúng em sẽ diễn ra trong hai ngày một đêm. Xe xuất phát từ lúc năm giờ sáng. Khoảng một tiếng là xe đã đến nơi. Trong suốt khoảng thời gian ở trên xe, lớp trưởng đã tổ chức các trò chơi rất thú vị. Các thành viên trong lớp đều tham gia rất hào hứng. Đến nơi, cả lớp theo sự phân công của cô giáo chủ nhiệm đi nhận phòng. Mỗi phòng sẽ có bốn bạn học sinh.
Sau khi nhận phòng xong, chúng em sẽ được đi tắm biển. Đi bộ từ khách sạn đến bãi biển chỉ mất khoảng mười phút. Thật kì diệu khi trước mắt em chính là bãi biển rộng mênh mông. Bầu trời cao, trong xanh không một gợn mây. Ông mặt trời tỏa ánh nắng chói chang xuống khắp nơi. Bãi cát vàng trong nắng càng trở nên lấp lánh, trông tuyệt đẹp. Nước biển xanh và trong. Nhìn ra xa phía chân trời, bầu trời và biển như hòa vào làm một. Gió biển lồng lộng, cùng với tiếng sóng vỗ nghe thật vui tai. Không chỉ được tắm biển, các lớp còn được tham gia các trò chơi do nhà trường tổ chức. Một trong những trò mà em thích nhất đó là nhảy bao bố. Em và Minh Anh đã đại diện cho lớp để tham gia thi đấu với các lớp khác trong khối. Chúng em đã giành được giải Nhì.
Ngày hôm sau, theo sự hướng dẫn của các anh chị hướng dẫn viên. Chúng em được đi tham quan núi Trường Lệ – một địa danh khá nổi tiếng ở đây. Sau đó, chúng em còn được ghé thăm đền Độc Cước cổ kính uy nghi, tọa lạc trên một hòn núi đá. Khung cảnh đẹp tuyệt vời khiến cho em thêm yêu quê hương của mình.
Sau chuyến tham quan này, chúng em đã có thêm nhiều kỉ niệm đẹp đẽ. Em cảm thấy hiểu hơn về các bạn trong lớp của mình. Chuyến tham quan này thật sự ý nghĩa đối với chúng em.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tham khảo thêm
Đề thi học kì 2 môn GDCD 8 có đáp án
Tiếng nói và chữ viết có vai trò gì trong đời sống con người?
Viết đoạn văn về sự bổ ích của những chuyến tham quan du lịch đối với học sinh
Viết đoạn văn trình bày luận điểm học vẹt không phát triển được năng lực suy nghĩ
Khởi nghĩa Yên Thế có những đặc điểm gì khác so với các cuộc khởi nghĩa cùng thời?
Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng hút thuốc lá điện tử
Đề thi học kì 2 môn Địa lí 8 có đáp án
Viết đoạn văn trình bày luận điểm: Học phải kết hợp với làm bài tập thì mới hiểu bài
Gợi ý cho bạn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Văn mẫu 8
Soạn Ôn tập học kì 2 Văn 8 Kết nối tri thức
So sánh thái độ, tình cảm của tác giả khi viết về Vua Quang Trung
Soạn bài Nắng mới Cánh Diều
(Có dàn ý) Phân tích bài thơ ông phỗng đá
Tìm đọc một cuốn sách có liên quan đến chủ đề hoặc thể loại trong bài học của Ngữ văn 8
Soạn Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội văn học trong đời sống hiện nay lớp 8 KNTT