(Có dàn ý) Phân tích và đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Trở về

Cũng giống như nhiều tác phẩm của nhà văn Thạch Lam, truyện ngắn Trở về không có những đoạn gay cấn hay cao trào đỉnh điểm của một câu chuyện nhưng giá trị cốt lõi của tác phẩm vẫn chạm đến tận sâu thẳm bên trong người đọc cũng như lưu giữ những giá trị trường tồn với thời gian. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích đánh giá truyện ngắn trở về của Thạch Lam kèm theo bài văn mẫu chi tiết sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo khi làm bài văn phân tích tác phẩm trở về.

Phân tích đánh giá truyện ngắn Trở về

1. Dàn ý phân tích đánh giá truyện ngắn trở về

1. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

+ Thạch Lam là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu trong văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930-1945. Truyện ngắn của Thạch Lam không khai thác các xung đột gay gắt, không có nhiều sự việc biến cố mà đi sâu khắc họa những rung động của thế giới nội tâm con người.

+ Trở về là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật viết truyện ngắn của Thạch Lam.

- Nêu yếu tố nổi bật sẽ phân tích, đánh giá: Trở về là một tác phẩm có cốt truyện đơn giản, gần gũi, đời thường và mang khá đầy đủ những đặc trưng cơ bản của thể loại truyện ngắn nhưng chứa đựng những thông điệp có ý nghĩa sâu sắc.

2. Thân bài:

2.1.Giới thiệu cụ thể một số yếu tố nổi bật mà bài viết phân tích, đánh giá

- Về mặt nội dung: Truyện kể về nhân vật Tâm một chàng trai sinh ra từ thôn quê, nhờ được học hành và có ý trí phấn đấu mà có được địa vị xã hội, cuộc sống giàu sang ở Hà Nội. Nhân dịp về thôn quê nghỉ mát chàng ghé về thăm nhà. Sự trở về của Tâm đã bộc lộ rõ bản chất con người Tâm: kẻ chối bỏ quá khứ, trốn chạy nơi mình sinh ra và lớn lên, … Thái độ và suy nghĩ của nhân vật Tâm trong câu chuyện đã truyền tải những thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc về bài học làm người/ biết phê phán Tâm để hoàn thiện nhân cách của con người trong cuộc đời.

-Về nghệ thuật: Đây là một trong những tác phẩm ngắn gọn nhưng khá tiêu biểu cho thể loại truyện ngắn từ việc lựa chọn điểm nhìn, người kể chuyện, xây dựng nhân vật, lựa chọn chi tiết, …đặc biệt cách sử dụng từ ngữ, lời văn mang đậm yếu tố trữ tình mang phong cách riêng của Thạch Lam.

2.2. Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố đã nêu.

*Về nội dung:

- Truyện mở ra bằng một tình huống rất đơn giản, nhẹ nhàng: Tâm và vợ chàng về nghỉ mát ở nhà một người bạn ở vùng thôn quê. Khi người bạn mời thì Tâm nhận lời ngay, vì chàng tính được chỗ nghỉ mát suốt một tháng hè không phải mất tiền, vả lại tiện hơn nữa, chàng có dịp về thăm nhà cũng ở gần đó. Đây cũng là lần trở về của Tâm sau năm, sáu năm xa cách.

- Nhưng điều đáng chú ý chính là suy nghĩ và thái độ của Tâm trong lần trở về này:

+ Tâm về thăm nhà sau năm, sáu năm xa cách. Cũng là khoảng thời gian Tâm đã nỗ lực “để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ, con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết.”

+ Cuộc sống giàu sang nơi thành thị khiến Tâm “chắc chắn không bao giờ muốn nghĩ đến quê nhà nữa”.

+ Trong suy nghĩ của Tâm những liên lạc với chốn thôn quê chỉ đem đến cho Tâm những rắc rối: “Những người họ hàng ở làng chỉ làm chàng sinh ghét, vì những sự đi lại nhờ vả lôi thôi”.

+ Với mẹ, Tâm chỉ nghĩ hàng tháng dấu vợ gửi tiền về giúp mẹ là đã làm “đủ bổn phận” và thậm trí Tâm còn “giận bà mẹ, vì bà mà chàng phải giấu diếm như thế”.

+ Trên đường về nhà Tâm bắt gặp những cảnh tượng quen thuộc gợi cho Tâm nhớ về quá khứ:

++ Hai bên cánh đồng lúa xanh gió đưa như nổi sóng. Trên đường giải đá, mặt đất khô rắn lại và nứt nẻ nhiều chỗ. Tâm nhớ lại cái đất ấy đã làm đau đớn bàn chân non nớt của chàng khi còn nhỏ ngày ngày cắp sách đi học.

++ Mấy đứa trẻ nhà quê trần truồng và đen sạm đương chơi khăng ở vệ đường… Nghĩ đến thuở nhỏ, chàng cũng chỉ là một đứa bẩn thỉu như những đứa trẻ này

+ Nhớ về quá khứ Tâm chỉ nghĩ đến cảm giác đau đớn, tủi hổ mà bản thân phải chịu khi sinh ra trên mảnh đất ấy. Và bất giác Tâm thấy tự phụ vì đã “vượt hẳn được cái bực nghèo hèn ấy”

*Về nghệ thuật:

- Với việc xây dựng điểm nhìn của người kể chuyện toàn tri tác giả đã khéo léo di chuyển điểm nhìn khá linh hoạt giữa hiện tại (cuộc sống giàu sang, đủ đầy của Tâm) với quá khứ (nghèo hèn, đau đớn, tủi hổ mà Tâm phải chịu đựng); di chuyển giữa điểm nhìn bên ngoài (dáng vẻ, hành động trở về thăm nhà) với điểm nhìn bên trong (tâm trạng miễn cưỡng của nhân vật) để làm nổi bật ý nghĩa của câu chuyện.

- Cốt truyện đơn giản: không có nhiều sự việc, biến cố, không có các tình tiết gay cấn giàu kịch tính nhưng ám ảnh người đọc bởi sự vô ơn và lạnh lùng của nhân vật Tâm.

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật nhẹ nhàng, tinh tế phù hợp với tâm lí thường thấy của một bộ phận người trong xã hội: những người ham vật chất, hư vinh mà quên đi quá khứ, sống vô tình, không biết trân trọng những gì trong quá khứ đã giúp mình trưởng thành, cho mình cuộc sống tốt đẹp ở hiện tại.

2.3. Đánh giá (Nhận xét, bình luận) về vai trò, tác dụng của các yếu tố ấy trong tác phẩm

Những yếu tố trên đã:

- Góp phần làm nên giá trị của câu chuyện: qua câu chuyện nhà văn gửi gắm vào đó lời nhắn nhủ tới bạn đọc:

+ Cần biết lên án những người ham vật chất, hư vinh mà quên đi quá khứ.

+ Cần biết trân trọng những người, những việc đã giúp mình trưởng thành và cho mình cuộc sống ở hiện tại.

- Thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn.

3. Kết bài:

- Các yếu tố đặc sắc của truyện góp phần làm nên sức sống cho tác phẩm, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc và tạo dựng cá tính sáng tạo riêng của nhà văn Thạch Lam.

- Nội dung truyện nhẹ nhàng mà có ý nghĩa sâu sắc, gieo vào lòng người đọc những bài học sâu sắc về bài học làm người.

2. Viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá tác phẩm trở về của Thạch Lam

Thạch Lam là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu trong văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930-1945. Truyện ngắn của Thạch Lam không khai thác các xung đột gay gắt, không có nhiều sự việc biến cố mà đi sâu khắc họa những rung động của thế giới nội tâm con người. Trở về là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật viết truyện ngắn của Thạch Lam. Tác phẩm có cốt truyện đơn giản, gần gũi, đời thường và mang khá đầy đủ những đặc trưng cơ bản của thể loại truyện ngắn nhưng chứa đựng những thông điệp có ý nghĩa sâu sắc.

Truyện mở ra bằng một tình huống rất đơn giản, nhẹ nhàng: “Tâm và vợ chàng về nghỉ mát ở nhà một người bạn ở vùng thôn quê. Khi người bạn mời thì Tâm nhận lời ngay, vì chàng tính được chỗ nghỉ mát suốt một tháng hè không phải mất tiền, vả lại tiện hơn nữa, chàng có dịp về thăm nhà cũng ở gần đó”. Điều khiến người đọc bất ngờ là suy nghĩ và thái độ của Tâm trong lần trở về này hoàn toàn trái ngược với những dự đoán của người đọc về tâm trạng của những người con xa quê trong tình huống trở về sau nhiều năm xa cách.

Tâm về thăm nhà “sau năm, sáu năm xa cách”, đó cũng là khoảng thời gian Tâm đã nỗ lực “để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ, con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết”. Việc “không cho mẹ biết” về cuộc sống hiện tại của Tâm làm cho người đọc tò mò: tại sao Tâm phải dấu một chuyện hệ trọng như thế với mẹ. Lần theo câu chuyện người đọc dần hiểu rõ về hành động của Tâm. Cuộc sống giàu sang nơi thành thị khiến Tâm “chắc chắn không bao giờ muốn nghĩ đến quê nhà nữa”. Trong suy nghĩ của Tâm những liên lạc với chốn thôn quê chỉ đem đến cho Tâm những rắc rối: “Những người họ hàng ở làng chỉ làm chàng sinh ghét, vì những sự đi lại nhờ vả lôi thôi”. Với mẹ, Tâm chỉ nghĩ hàng tháng dấu vợ gửi tiền về giúp mẹ là đã làm “đủ bổn phận” và thậm trí Tâm còn “giận bà mẹ, vì bà mà chàng phải giấu diếm như thế”. Tâm “giận mẹ” bởi bà là người có xuất thân quê mùa. Nỗi giận và sự bao biện về hành vi giấu diếm của Tâm “vì bà mà chàng phải giấu diếm như thế” khiến cho bất cứ người con nào cũng nổi giận và thấy Tâm thật đáng khinh. Cảm xúc của Tâm khi về đến đầu làng những tưởng chính là cảm xúc của người xa quê lâu có dịp về thăm trước cảnh cũ, người xưa “khi đến gần đầu làng, Tâm trong lòng cũng thấy cảm động. Hai bên cánh đồng lúa xanh gió đưa như nổi sóng”, “Một cái cảm giác mát lạnh bỗng trùm lên hai vai: Tâm ngửng đầu lên nhìn, chàng vừa đi vừa bước vào dưới vòm lá tre xanh trong ngõ”, “ Mấy đứa trẻ nhà quê trần truồng và đen sạm đương chơi khăng ở vệ đường…”. Cảnh tượng ấy làm Tâm nhớ về quá khứ cũng như bao người khác khi trở về thăm nhà sau nhiều năm xa cách nhưng cảnh tượng ấy với Tâm chỉ gợi cảm giác đau đớn, tủi hổ mà bản thân chàng phải chịu khi sinh ra trên mảnh đất ấy “Trên đường giải đá, mặt đất khô rắn lại và nứt nẻ nhiều chỗ. Tâm nhớ lại cái đất ấy đã làm đau đớn bàn chân non nớt của chàng khi còn nhỏ ngày ngày cắp sách đi học.”, “Nghĩ đến thuở nhỏ, chàng cũng chỉ là một đứa bẩn thỉu như những đứa trẻ này”. Và bất giác Tâm thấy tự phụ vì đã “vượt hẳn được cái bực nghèo hèn ấy”. Thật không khó để nhận ra thái độ khinh bỉ, coi thường người nhà quê qua sự tự phụ của nhân vật Tâm.

Với việc xây dựng điểm nhìn của người kể chuyện toàn tri tác giả đã khắc họa rõ nét tính cách nhân vật Tâm. Sự khéo léo di chuyển điểm nhìn giữa hiện tại là cuộc sống giàu sang, đủ đầy của Tâm với quá khứ nghèo hèn, đau đớn, tủi hổ mà Tâm phải chịu đựng; giữa bên ngoài là dáng vẻ, hành động trở về thăm nhà với bên trong là tâm trạng miễn cưỡng của nhân vật đã cho thấy thái độ vô ơn của Tâm với nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng Tâm thành tài. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật nhẹ nhàng, tinh tế phù hợp với tâm lí thường thấy của một bộ phận người trong xã hội đã làm góp phần làm nổi bật ý nghĩa của câu chuyện: những người ham vật chất, hư vinh mà quên đi quá khứ, sống vô tình, không biết trân trọng những gì trong quá khứ đã giúp mình trưởng thành, cho mình cuộc sống tốt đẹp ở hiện tại. Cốt truyện đơn giản không có nhiều sự việc, biến cố, không có các tình tiết gay cấn giàu kịch tính nhưng ám ảnh người đọc bởi sự vô ơn và lạnh lùng của nhân vật Tâm.

Những yếu tố nghệ thuật kể trên đã góp phần làm nên giá trị của câu chuyện: qua câu chuyện nhà văn gửi gắm vào đó lời nhắn nhủ tới bạn đọc: cần biết lên án những người ham vật chất, hư vinh mà quên đi quá khứ; phải biết trân trọng những người, những việc đã giúp mình trưởng thành và cho mình cuộc sống ở hiện tại. Những yếu tố ấy cũng thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo mang phong cách rất riêng của nhà văn Thạch Lam.

Các yếu tố đặc sắc của truyện góp phần làm nên sức sống cho tác phẩm, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc và tạo dựng cá tính sáng tạo riêng của nhà văn Thạch Lam. Nội dung truyện nhẹ nhàng mà có ý nghĩa sâu sắc, gieo vào lòng người đọc những bài học làm người sâu sắc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 56
0 Bình luận
Sắp xếp theo