Một số đề đọc hiểu Truyện Kiều
Tổng hợp đề đọc hiểu Truyện Kiều
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những kiệt tác của nhân loại về nghệ thuật. Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm theo thể loại truyện thơ dựa theo cốt truyện cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ tổng hớp mẫu đề đọc hiểu văn bản Truyện Kiều có đáp án chi tiết sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về nội dung nghệ thuật của tác phẩm.
1. Đọc hiểu Thề nguyền
Đọc văn bản sau:
THỀ NGUYỀN
(Trích Truyện Kiều)
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa (1) gương (2) giọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh (3) hắt hiu
Sinh vừa tựa án (4) thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen (5) sẽ động giấc hòe (6),
Bóng trăng đã xế hoa lê (7) lại gần.
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần (8).
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen (9) nối sáp lò đào (10) thêm hương.
Tiên thề (11) cùng thảo một chương,
Tóc mây (12) một món dao vàng(13)chia đôi.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ (14) căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng (15) đến xương.
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Chú thích:
(1) Nhật thưa: (nhật: mau, dày) chỉ ánh trăng chiếu xuyên qua lá cây tạo thành những khoảng sáng không đều nhau, chỗ sáng nhiều chỗ sáng ít.
(2) Gương: ở đây chỉ mặt trăng.
(3) Trướng huỳnh: xưa có người nhà nghèo không có đèn để đọc sách, phải bắt đom đóm làm đèn học. Do đó, trướng huỳnh được dùng chỉ phòng học của nho sinh, đồng thời gợi ý hiếu học. Cả câu ở đây ý nói : nhìn từ bên ngoài vào thấy ánh sáng đèn từ phòng học của Kim Trọng lọt ra dìu diu.
(4) Án: cái bàn học xưa.
(5) Tiếng sen: tiếng bước chân nhẹ nhàng của người đẹp.
(6) Giấc hòe: Từ điển tích Thuần Vu Phần uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hoè, rồi mơ thấy mình ở nước Hoè An, được công danh phú quý rất mực vinh hiển. Sau bằng mắt tỉnh dậy thì hoá ra đó là giấc mộng, thấy dưới cành hoè phía nam chỉ có một tổ kiến mà thôi. Từ đó điển này có ý: phú quý chỉ là một giấc chiêm bao.
(7) Hoa lê: hoa cây lê, ở đây chỉ người đẹp.
(8) Đinh Giáp non thần: bài Phú Cao Đường của Tống Ngọc kể rằng vua nước Sở chơi đất Cao Đường nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp, hỏi ở đâu, người đó nói là thần nữ núi Vu Giáp. Non thần: thần núi ấy. Cả câu có nghĩa là Kim Trọng cảm thấy Kiều xuất hiện như là thần nữ của núi Vu Giáp.
(9) Đài sen: cái đài hình hoa sen để đặt cây nến.
(10) Lò đào: cái lò hương hình trái đào. Cả câu ý nói Kim Trọng đặt thêm nến sáp cho thêm sáng, thắp thêm hương cho thêm thơm.
(11) Tiên thề: (tiên: tờ giấy) tờ giấy viết lời thể.
(12) Tóc mây: tóc xanh như mây.
(13) Dao vàng: chỉ con dao quý, cũng có thể đây chỉ là phép tu từ thuần tuý khi tả con dao mà Kiều và Kim Trọng dùng để cắt tóc thề nguyền, giống như trường hợp bút hoa, lệ hoa, thềm hoa,...
(14) Tóc tơ: chỉ những điều chỉ li, tỉ mỉ.
(15) Chữ đồng: chữ đồng tâm, đồng lòng.
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 2. Các từ vội, xăm xăm, băng được bố trí như thế nào và có hàm nghĩa gì?
Câu 3. Ghi lại những câu thơ miêu tả ánh sáng trong trích đoạn. Nhận xét về dụng ý của tác giả trong việc thay đổi sắc độ ánh sáng từ đoạn đầu đến đoạn cuối trong đoạn trích
Câu 4. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào trong những câu thơ sau? Nêu tác dụng
"Vừng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Tóc tơ cân vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương."
Câu 5. Viết đoạn văn khoảng 10 – 12 câu phân tích quan niệm tình yêu của Nguyễn Du được thể hiện trong trích đoạn Thề nguyền.
Đáp án
ĐỌC HIỂU | |
1 | Sau lần gặp gỡ đầu tiên trong buổi chiều thanh minh thơ mộng, Kim Trọng đi tìm nhà trọ học gần cạnh nhà Thúy Kiều cốt để tìm gặp lại nàng. Hai người đã gặp gỡ, trao kỉ vật làm tin. Một hôm, khi cả gia đình sang chơi bên ngoại, Kiều đã tìm gặp Kim Trọng. Chiều tà, nàng trở về nhà, được tin cả nhà vẫn chưa về, nàng quay lại gặp chàng. Hai người đã làm lễ thề nguyền gắn bó trước "vầng trăng vằng vặc". |
2 | - Các từ vội, xăm xăm, băng xuất hiện trong hai câu lục và bát. Đặc biệt, từ “vội” xuất hiện hai lần trong văn bản ; hai từ “xăm xăm”, “băng” được đặt liền kề nhau. - Điều đó cho thấy sự khẩn trương, gấp gáp của cuộc thề nguyền. Kiều như đang chạy đua với thời gian để bày tỏ và đón nhận tình yêu, một tình yêu mãnh liệt, tha thiết… Mặt khác, các từ này cũng dự báo sự không bền vững, sự bất bình thường của cuộc tình Kim – Kiều. |
3 | - Những câu thơ + Nhặt thưa gương giọi đầu cành Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu? + Vội mừng làm lễ rước vào Đài sen nối sáp lò đào thêm hương - Nhận xét: Sắc độ ánh sáng tăng dần theo thời gian làm rõ phù hợp với tâm trạng. |
4 | - Biện phap tu từ ẩn dụ và nhân hóa trong câu thơ Tóc tơ cân vặn tấc lòng, (Nhân hóa - Ẩn dụ) Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương (Ẩn dụ) - Tác dụng: Thể hiện lời thề trăm năm bền vững, thể hiện sự đồng lòng, một lòng một dạ cho tình yêu này. Đó cũng là một niềm tin vào tình cảm mãi thủy chung sắt son của hai người |
5 | - HS khẳng định được quan niệm về tình yêu của Nguyễn Du: Quan niệm tình yêu tiến bộ, táo bạo vượt thời đại: sự chủ động trong tình yêu - HS đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng để bày tò quan điểm: Đồng tình hoặc không đồng tình với quan điểm này + Tình yêu là nhu cầu lớn của mỗi người, con người được tự do và khát vọng trong tình yêu + Quan niệm xưa cũ gò bó con người, mong muốn người con gái phải giữ gìn khuôn phép, cha mẹ đặt dâu con ngồi đấy,….nhưng với Nguyễn Du tình yêu là sự chủ động đôi bên và là khát vọng cá nhân dù là nam hay nữ. + Tình yêu theo Nguyễn Du còn là tình cảm thủy chung, son sắt, bền chặt, gắn kết giữa hai người với nhau …. |
2. Đọc hiểu Những nỗi lòng tê tái
Đọc văn bản sau:
NHỮNG NỖI LÒNG TÊ TÁI *
(Trích Truyện Kiều)
Lầu xanh mới rủ trướng đào,
Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người.
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh. (1)
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân?
Mặc người mưa Sở, mây Tần, (2)
Riêng mình nào biết có xuân là gì?
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!
Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
Thờ ơ gió trúc mưa mai,
Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân.
Ôm lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!
Dặm nghìn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này.
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Mối tình đòi đoạn vò tơ,
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân.
Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng
Chú thích:
*Tên đoạn trích: Do GS.TS Trần Đình Sử đặt
Đoạn trích: Đây là đoạn thơ miêu tả tâm trạng đau đớn, ê chề của Thúy Kiều sau khi buộc phải tiếp khách ở lầu xanh. Khi biết rơi vào lầu xanh, Kiều đã tự tử, nhưng không chết. Định liều chạy trốn theo Sở Khanh nhưng lại bị lừa, bị đánh đập tàn nhẫn, cuối cùng phải tiếp khách.
(1) Tống Ngọc, Trường Khanh: Tống Ngọc, người nước Sở đời Xuân Thu; Tràng Khanh tức Tư Mã Tương Như, người đời nhà Hán. Tống Ngọc và Trường Khanh, cả hai đều có tài văn học và cũng đều đẹp trai, lãng mạn, đa tình. Tác giả mượn hai nhân vật này, chủ yếu nói lên sự tiếp khách của Kiều đối với đối tượng nào. Vì sớm tối, Kiều phải tiếp khách nhưng toàn là khách phong lưu tài tử (như Tống Ngọc, Tràng Khanh), chớ không phải khách tầm thường. Và cũng do đó, nhờ Kiều mà thanh lâu của mụ Tú Bà càng nổi tiếng, càng đắt khách
(2) Mây Sở mưa Tần: tác giả Truyện Kiều mượn cái tính chất của bọn đầu cơ chính trị để nói đến cái tính chất của khách làng chơi từ xa đâu đâu đến, ý nói về khách làng chơi ở khắp nơi đến để thỏa mãn thú vui và thanh toán sòng phẳng cho Tú Bà.
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Không gian mở đầu đoạn trích là không gian như thế nào? Không gian ấy có gì đối lập với tâm trạng của Thúy Kiều?
Câu 2. Từ nội dung chính của đoạn trích trong phần chú thích và câu trả lời ở câu hỏi 1, em hãy cho biết đoạn trích trên có thể chia bố cục như thế nào?
Câu 3. Em hiểu thế nào về câu thơ:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!
Câu thơ này đã thể hiện rõ một bút pháp miêu tả tâm lí đặc sắc của Nguyễn Du, đó là bút pháp nào? Hãy trình bày cách hiểu của em về bút pháp nghệ thuật đó
Câu 4. Lựa chọn một đoạn miêu tả tâm trạng của Kiều trong đoạn trích và phân tích
Câu 5. Viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu, phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo được Nguyễn Du thể hiện trong đoạn trích trên.
Đáp án
ĐỌC HIỂU | |
1 | - Không gian được miêu tả: Biết bao bướm lả ong lơi, Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm. Dập dìu lá gió cành chim, Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh. è Một không khí thật là náo nhiệt, ồn ào, bận rộn, đúng như một cảnh làm ăn rất thịnh vượng nơi thị thành. - Tâm trạng của Kiều: Tâm trạng triền miên trong chuỗi ngày tiếp khách. Ngày tháng chỉ là một sự chồng chất và kéo dài. Nỗi lòng Kiều hiện lên những lúc vắng vẻ, khi xong việc tự đối diện với chính mình. Đó là nỗi đau thầm kín đằng sau các hoạt động tiếp khách. |
2 | Có thể chia bố cục theo tâm trạng của Kiều · Đoạn 1 (Từ đầu đến “Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”): Giới thiệu không gian chung và hoàn cảnh của Kiều · Đoạn 2 (Tiếp theo đến “Riêng mình nào biết có xuân là gì?”): Nỗi thương thân, xót thân, tiếc thân · Đoạn 3 (Tiếp theo đến “Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân.”): Nỗi buồn và bẽ bàng, cô đơn một mình · Đoạn 4 (Tiếp theo đến “Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”): Nỗi nhớ cha mẹ, người yêu và mối tình của Vân và Trọng · Đoạn cuối (Còn lại): Tình cảm đay nghiến số phận, oán trách số phận, lên án sự bất công của tạo hóa |
3 | - Cách hiểu về câu thơ: Cảnh vật bị chi phối bởi tâm trạng, nếu tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc nhìn đâu cũng thấy cảnh đẹp, ngược lại nếu tâm trạng chán chường, mệt mỏi thì chỉ thấy cảnh vật ủ dột, đau thương. Kiều đang trải qua những tháng ngày tồi tệ, đau đớn vậy nên cảnh đẹp hay không khí có náo nhiệt thế nào đối với nàng cũng chỉ là sầu thảm - Bút pháp: Tả cảnh ngụ tình, cảnh là công cụ nhưng mục đích là miêu tả tâm trạng, nội tâm bên trong |
4 | (Tham khảo đoạn phân tích của GS. TS Trần Đình Sử) Kiều không chỉ đau cho mình. Nàng đau đớn thương xót người thân. Nàng là người con có hiếu, có nghĩa, có tình, cho nên: Ôm lòng đòi đoạn xa gần, Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau! Trước hết là nàng nhớ cha mẹ ngày một già, thương cha mẹ không có người chăm nom. Nhưng thương nhất là câu này: Dặm nghìn nước thẳm non xa, Nghĩ đâu thân phận con ra thế này. Cha mẹ bao giờ cũng mong con hạnh phúc, gửi gắm hy vọng vào con, thế mà thân phận con đã thay đổi ô nhục, cha mẹ xa xôi không biết mà đau lòng! Thứ hai là thương người tình và mong em gái thay mình lấy chàng: Xa xôi ai có thấu tình chăng ai? Cuối cùng là nỗi lòng nhớ về quê hương của người con lưu lạc: Mối tình đòi đoạn vò tơ, Giấc hương quan luống lần mơ canh dài. Song sa vò võ phương trời, Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng. Nhà thơ đã hai lần nhắc đến từ “đòi đoạn” – nỗi đau tan nát. Có lẽ nói những nỗi lòng tan nát hợp hơn là những nỗi lòng tê tái chăng ? Trong nỗi lòng Kiều, nổi lên tình cảm đau đớn vì tha hương lưu lạc và cảm giác thời gian kéo dài nặng nề vô nghĩa. |
5 | - Hình thức: Đoạn văn khoảng 12 câu, theo đúng cấu trúc đoạn (diễn dịch hoặc quy nạp hoặc tổng phân hợp) - Nội dung: Giá trị hiện thực: · Số phận đầy nghiệt ngã của người phụ nữ khi bị bán vào lầu xanh, không thể quyết định được số phận của mình · Xã hội trọng nam khinh nữ, người phụ nữ bị bán rẻ, coi khinh và chỉ là thú vui cho những tay làng chơi chà đạp Giá trị nhân đạo: · Thương cảm, xót xa cho số phận của Thúy Kiều · Trân trọng vẻ đẹp đức hạnh của nàng (vẫn luôn hiếu thảo, chung tình và hướng về gia đình) |
3. Đọc hiểu Kim Trọng trở lại vườn Thúy
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà
Vội sang vườn Thúy dò la
Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa
Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày
Cuối tường gai góc mọc đầy
Đi về, này những lối này năm xưa
Chung quanh lặng ngắt như tờ
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
(Kim Trọng trở lại vườn Thúy - Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du, NXB Giáo dục, 1978, tr.155-156)
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1: Xác định nhận vật trữ tình trong đoạn trích.
Câu 2: Trong văn bản, Kim Trọng trở lại vườn Thúy sau thời gian xa cách bao lâu?
Câu 3: Chỉ ra những hình ảnh miêu tả vườn Thúy khi Kim Trọng quay trở lại.
Câu 4: Nêu tác dụng của các từ láy được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 5: Anh/chị hiểu thế nào về hai câu thơ?
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Câu 6: Nhận xét về tâm trạng của Kim Trọng được tác giả thể hiện trong đoạn trích.
Câu 7: Nhận xét về sự kết hợp các phương thức biểu đạt trong đoạn trích.
Câu 8: Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Thiên nhiên trong Truyện Kiều cũng là một nhân vật”? Vì sao?
Đáp án
Câu 1: Nhân vật trữ tình: Kim Trọng
Câu 2: Trong văn bản, Kim Trọng trở lại vườn Thúy sau nửa năm xa cách.
Câu 3: Những hình ảnh miêu tả vườn Thúy khi Kim Trọng quay trở lại: cỏ mọc, lau thưa, song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời, én liệng xập xè, rêu mọc lan mặt đất, gai góc mọc cuối tường.
Câu 4: Nêu tác dụng của các từ láy được sử dụng trong đoạn trích.
- Các từ láy được sử dụng: quạnh quẽ, rã rời, xập xè
- Tác dụng:
+ Miêu tả khung cảnh vườn Thúy trong sự quan sát, cảm nhận của Kim Trọng: hoang vắng, tiêu điều, ảm đạm khi vắng bóng Thúy Kiều.
+ Thể hiện tâm trạng hụt hẫng, tiếc nuối của Kim Trọng.
+ Tăng tính gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Câu 5:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
- Hai câu thơ lấy ý từ điển tích cổ trong văn học Trung Quốc.
- Qua đó, tác giả muốn nói tới sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, sự thiếu vắng của người đối lập với sự tồn tại của hoa; nhấn mạnh nỗi cô đơn, hụt hẫng trong lòng nhân vật trữ tình.
Câu 6: Nhận xét về tâm trạng của Kim Trọng được tác giả thể hiện trong đoạn trích.
- Tâm trạng của Kim Trọng:
+ Vội vàng, hi vọng được gặp lại Thúy Kiều
+ Hụt hẫng, bẽ bàng trước sự hoang phế của khu vườn
+ Tiếc nuối, lưu luyến cảnh cũ người xưa
+ Cô đơn, trống vắng, không người sẻ chia, giãi bày.
- Tâm trạng thể hiện tình yêu sâu sắc Kim Trọng đối với Thúy Kiều.
Câu 7: Nhận xét về sự kết hợp các phương thức biểu đạt:
- Các phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.
- Sự kết hợp:
+ Tự sự: kể lại mạch truyện, sự kiện Kim Trọng sau nửa năm về Liêu Dương nay trở lại tìm Kiều.
+ Miêu tả: tái hiện khung cảnh thiên nhiên khu vườn sau nửa năm xa cách.
+ Biểu cảm: bộc lộ tâm trạng của Kim Trọng
=> Các phương thức biểu đạt giúp đoạn thơ sinh động, hấp dẫn, cảnh – tình – sự hòa quyện, gắn bó theo bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du.
Câu 8:
- Đồng tình.
- Lí giải:
+ Thiên nhiên quen thuộc nhưng trở nên hiu hắt, ảm đạm.
+ Thiên nhiên cũng mang tâm trạng trĩu nặng như con người.
+ Qua đó khẳng định tài năng nghệ thuật trong miêu tả của Nguyễn Du.
4. Đọc hiểu Nỗi thương mình
Nỗi thương mình
Biết bao bướm lả ong lơi(1)!
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim(2),
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh(3)
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương?
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!
Mặc người mưa Sở mây Tần(4)
Những mình nào biết có xuân là gì(5)?
Đòi phen gió tựa hoa kề(6)
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu?
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!
Đôi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
(Trích Truyện Kiều Duyễn Du, theo Đào Duy Anh, từ điển Truyện Kiều)
Chú thích
- Bướm lả ong lơi:ở đây “bướm ong” để chỉ những người hiếu sắc, “bướm lả ong lơi” nguyên “là bướm ong lả lơi” được tác giả tách ra thành hai vế đối lập nhau. Lả lơi diễn tả sự suồng sã, đùa cợt của khách làng chơi.
- Lá gió cành chim: cụm từ này có liên hệ với hai câu cổ thi “Chỉ nam nghênh bắc điểu- Diệp tống vãng lai phong” (Cảnh đón chim nam bắc- Lá đưa gió lại qua), chỉ cảnh người thiếu nữ tiếp khách bốn phương.
- Tống Ngọc và Trường Khanh:Tống Ngọc là một tác giả nổi tiếng về thể phú thời Chiến quốc, trong đó có bài phú Cao đường. Trong lời tựa bài phú có nói Tống Ngọc kể lại chuyện tiên vương nước Sở chiêm bao gặp thần nữ núi Vu Sớ sáng làm mây chiều làm mưa. Trong văn cảnh câu thơ, “Tống Ngọc” chỉ loại khách chơi phong lưu. Trường Khanh là tên tự của Tư Mã Tương Như, danh sĩ đời Hán, người đã từng gả khúc nhạc Phượng cầu kì hoàn (chim phượng tìm chim hoàng) để quyến rũ Trác Văn Quân, một quả phụ xinh đẹp nổi tiếng. Ở đây, Trường Khanh cũng chỉ loại người ăn chơi phong lưu.
- Mưa Sở mây Tần: mưa Sở: mưa ở Vu Sươn nước Sở (xem lại Tống Ngọc ở chú thích 3), chỉ quan hệ thân xác. Vì Tần thường được dùng đối với Sở nên có mây Tần đối với mưa Sở chứ mây Tần không có điển riêng.
- Nào biết có xuân là gì: ý nói không vui thú gì.
- Gió tựa hoa kề:gió và hoa chỉ nam và nữ. Hai động từ tựa và kề diễn tả sự lả lơi của người khách làng chơi và kĩ nữ khi ngồi bên nhau.
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1: Xác định thể thơ cho đoạn văn bản trên?
Câu 2: Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn văn bản?
Câu 3: Tìm những từ, cụm từ thể hiện sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại của Thúy Kiều?
Câu 4: Giải thích ý nghĩa của hai câu thơ sau:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Câu 5: Nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả được thể hiện qua đoạn trích trên?
Câu 6: Nêu chủ đề của đoạn trích?
Câu 7: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ sau:
Biết bao bướm lả ong lơi!
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh
Câu 8: Viết đoạn văn ngắn (5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về sự giống nhau và khác giữa giữa câu thơ của Nguyễn Du:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
với câu thơ của Đặng Trần Côn trong Chinh phụ ngâm;
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun
Đáp án
STT | Nội dung |
1 | Lục bát |
2 | Thúy Kiều |
3 | - Những từ, cụm từ thể hiện sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại của Thúy Kiều: Quá khứ «phong gấm rủ là» đối lập với hiện tại «tan tác như hoa», «dày gió dạn sương», «bướm chán ong chường». - Nhận xét: Quá khứ êm đềm, tươi đẹp, hiện tại đau khổ, bẽ bàng, ê chề nhục nhã. |
4 | - Hai câu thơ là tâm trạng của Thúy Kiều khi sống trong lầu xanh, sau mỗi lần phải tiếp khách làng chơi. - Kiều đang đối thoại với chính mình. Hai “mình” trong một con người Kiều đang soi vào nhau. Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, nàng luôn khao khát về một cuộc sống tốt đẹp. Thế mà giờ đây, nàng lại rơi vào một hoàn cảnh cực kì trái ngang, bi đát. Vì thế, đã có biết bao đêm một mình nàng suy nghĩ, một mình nàng trăn trở, một mình nàng xót xa cho thân phận mình sao lại bị đẩy đưa đến nông nỗi này. - “Giật mình”, chính là sự tự ý thức chua chát về nỗi đau, nỗi nhục nhã, ê chề của thân phận trên cơ sở sự trỗi dậy của nhân phẩm, của bản chất tốt đẹp vốn có trong Kiều. Chỉ có những khoảnh khắc này, Kiều mới được sống thực với con người mình, trở về với bản chất tốt lành, phẩm giá cao quý của mình. |
5 | Tình cảm, thái độ của tác giả được thể hiện qua đoạn trích: - Đồng cảm, xót thương đối với những kiếp người hồng nhan bạc mệnh - Thể hiện ước mơ về một xã hội mà ở đó nam nữ được bình đẳng |
6 | Chủ đề của đoạn trích: Thông qua tâm trạng xót xa, thương cảm của Thúy Kiều dành cho Đạm Tiên, đoạn trích thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du: đồng cảm, xót thương đối với những người phụ nữ hồng nhan, bạc mệnh nói riêng và thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung. |
7 | - Sử dụng nghệ thuật ước lệ quen thuộc trong thơ trung đại với những hình ảnh: bướm lả ong lơi, cuộc say, trận cười và những điển tích, điển cố: lá gió cành chim, Tống Ngọc, Trường Khanh … - Hiệu quả nghệ thuật: vừa tả cảnh sống thực của Thuý Kiều – làm kĩ nữ ở lầu xanh vừa giữ được chân dung cao đẹp của nhân vật dù phải sống trong cảnh ngộ éo le, nhơ nhớp nhất trong cơn biến cố của cuộc đời. Qua đó thể hiện sự yêu quý, trân trọng của nhà thơ dành cho nhân vật Thúy Kiều. |
8 | Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu: Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, lập luận chặt chẽ; Nội dung: + Giống nhau: bút pháp tả cảnh ngụ tình, một trong những đặc trưng cơ bản của thi pháp thơ trung đại; - Thơ của Đặng Trần Côn thể hiện mối quan hệ giữa cảnh và người. Cảnh buồn kéo theo người buồn. Sự mòn héo, tàn tạ của của cảnh vật: cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun làm cho lòng người chinh phụ càng tê tái trong lòng; - Thơ của Nguyễn Du thể hiện mối quan hệ giữa người và cảnh. Người buồn thì cảnh cũng buồn theo. Cảnh vật trở thành linh hoạt như có một tâm hồn hay một nỗi xúc cảm riêng tư nào đó. Tâm trạng con người đã lan tỏa sang cảnh vật một cách thật tự nhiên và hợp lí. |
5. Đọc hiểu Chị em Thúy Kiều
I. Phần đọc hiểu (6,0 điểm):
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa lên chương
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân".
(Nguyễn Du)
Câu 1 (0,5 điểm): Các câu thơ trên được trích trong tác phẩm nào?
A. Truyện Kiều
B. Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu
C. Thác lời trai phường nón
D. Văn tế thập loại chúng sinh
Câu 2 (0,5 điểm): Đoạn trích trên được sáng tác bằng thể loại
A. truyện ngắn
B. truyện dài
C. truyện thơ Nôm
D. truyện truyền kì
Câu 3 (0,5 điểm): Những nhân vật được nhắc tới trong đoạn trích trên là
A. Vân - Hoa
B. Vân - Kiều
C. Hoa - Kiều
D. Hoa - Mây
Câu 4 (0,5 điểm): Đâu không phải là giá trị nghệ thuật của đoạn trích trên?
A. Tả cảnh ngụ tình
B. Ẩn dụ, ước lệ tượng trưng
C. Ngôn ngữ bác học điêu luyện
D. Sử dụng thành ngữ
Câu 5. (0,5 điểm): Nội dung chính của đoạn thơ trên là:
A. Nỗi khổ tâm của Thúy Kiều khi nghĩ về thân phận
B. Cuộc dạo chơi của chị em Thúy Kiều
C. Gia cảnh đầm ấm của gia đình Kiều
D. Bức chân dung chị em Thúy Kiều
Câu 6. (0,5 điểm): Vẻ đẹp của Kiều đã gợi lên thái độ gì từ thiên nhiên, tạo hóa?
A. Nhường nhịn, chấp nhận
B. Không quan tâm
C. Đố kị, ganh ghét
D. Yêu mến, ủng hộ
Câu 7. (0,5 điểm): Hình ảnh “mây thua, tuyết nhường” dự báo Thúy Vân sẽ có cuộc đời như thế nào?
A. Sóng gió
B. Êm đềm
C. Thú vị
D. Ảm đạm
Câu 8. (0,5 điểm): Câu thơ “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” được hiểu là
A.Về sắc thì Kiều là đẹp nhất, xét về tài năng may ra có người khác tài hơn Kiều một bậc.
B. Kiều được xếp nhất trần gian cả sắc lẫn tài.
C. Về sắc thì Kiều có thể đẹp thứ hai, xét về tài năng thì Kiều là giỏi nhất.
D. Không tìm được ai có nhan sắc và tài năng sánh ngang được với Thúy Kiều.
Câu 9. (1,0 điểm): Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua đoạn trích trên?
Câu 10. (1,0 điểm): Từ đoạn thơ trên, em hãy viết đoạn văn (khoảng 5 câu) cảm nhận về nhân vật Thúy Kiều.
Đáp án
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Đáp án | A | C | B | A | D | C | B | A |
Câu 9 (1,0 điểm). Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua đoạn trích trên:
Qua việc miêu tả vẻ đẹp, tài năng và số phận của Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du tôn vinh phẩm chất toàn diện của người phụ nữ và đồng thời lên tiếng tố cáo những bất công, định kiến xã hội và mong muốn một xã hội công bằng, nơi mà vẻ đẹp và tài năng của người phụ nữ được trân trọng và bảo vệ.
Câu 10 (1,0 điểm). HS viết được đoạn văn đảm bảo về hình thức và nội dung cảm nhận về nhân vật Thúy Kiều.
Ví dụ: Thúy Kiều không chỉ đẹp mà còn tài hoa. Vẻ đẹp của Kiều được so sánh với những hình ảnh tự nhiên tuyệt mỹ, như làn nước mùa thu, nét núi mùa xuân. Tuy nhiên, chính vẻ đẹp và tài năng của Kiều đã khiến cho cuộc đời cô gặp nhiều bi kịch. Đây chính là sự đối lập mà Nguyễn Du muốn gửi gắm: vẻ đẹp hoàn mỹ thường đi kèm với số phận đầy trắc trở.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tham khảo thêm
Tâm trạng của nhà thơ trong bài thơ Thu ẩm gợi cho anh chị suy nghĩ gì?
Phân tích Cải ơi
Viết bài nghị luận về vẻ đẹp cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Khi con tu hú
Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài Tiếng hát con tàu
Đọc hiểu Một bữa no có đáp án
Đọc hiểu Con chó xấu xí có đáp án
Nghị luận tìm hiểu vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Cây tam cúc
Nghị luận về cấu tứ bài Chiếc lá đầu tiên
Gợi ý cho bạn
-
Theo em, đặt nhan đề đoạn trích là Nỗi niềm tương tư có hợp lí không? Vì sao?
-
Phân tích đoạn trích khi tỉnh rượu giấc tàn canh (Truyện Kiều)
-
Soạn Bài mở đầu lớp 11 Cánh Diều
-
Đoạn trích Anh hùng tiếng đã gọi rằng có thể chia làm mấy phần?
-
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí trang 25 Cánh Diều
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Ngữ văn 11 Cánh Diều
Đoạn văn Con người Việt Nam là những người giàu lòng nhân ái lớp 11
Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích
Suy nghĩ về câu Cứ hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn
Tự đánh giá Sông nước trong tiếng miền Nam
Một số đề đọc hiểu Truyện Kiều
Soạn Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học lớp 11 Cánh Diều