(Có đáp án) Đọc hiểu Quê mẹ của Thanh Tịnh

Đọc hiểu văn bản Quê mẹ Thanh Tịnh

Tập truyện ngắn Quê mẹ là một trong những tập truyện ngắn mang dấu ấn quan trọng trong hành trình nghệ thuật của Thanh Tịnh. Quê mẹ cũng như những tập truyện ngắn sau này phần lớn đều viết về Huế, nới Thanh Tịnh sinh ra và lớn lên, đầy kỷ niệm. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu đề đọc hiểu văn bản Quê mẹ của nhà văn Thanh Tịnh có đáp án chi tiết sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về nội dung nghệ thuật của tác phẩm.

Đọc hiểu văn bản Quê mẹ Thanh Tịnh

Quê mẹ Thanh Tịnh đọc hiểu

Đọc văn bản sau:

Quê mẹ (Thanh Tịnh)

[…] Cô Thảo ra lấy chồng đã ba năm. Anh Vận chồng cô hiện làm hương thơ ở làng Mỹ Lý. Anh Vận trước kia có theo học chữ Quốc ngữ, nhưng đã hai năm thi yếu lược không đậu nên anh ta lại thôi. Qua năm sau dân trong xóm bầu anh ta lên làm hương thơ trong làng. Ngày nào anh ta cũng đi nhà này qua nhà khác phát thư, rồi chiều đến lại phải ra tận đình để lấy hòm thư đem lên huyện.

Công việc của anh tuy vất vả, nhưng lương tháng - hay nói cho đúng, lương năm - của anh trông ít quá. Làng chỉ trích cho anh ta ba mẫu ruộng và năm đồng bạc làm tiền lộ phí. Nhưng năm đồng ấy thì không bao giờ anh nhận được. Vì các viên chức đã khéo léo trừ với món tiền phải đóng sưu này thuế khác gần hết.

Nhưng ở vùng quê, được một chức nghiệp như thế, anh Vận cũng cho là danh giá lắm. Và bà Lại, mẹ anh Vận, lúc nói chuyện với những người quen, cũng không quên tự hào được một người con ra đảm đương việc làng việc nước.

Cô Thảo ra lấy chồng vốn liếng không có nên không đi buôn bán gì hết. Cả nhà chỉ trông vào một mẫu ruộng tranh và ba mẫu ruộng làng để sống năm này tháng khác.

Lược dẫn một đoạn: Gần đến ngày giỗ ông, cô Thảo muốn xin chồng về làng, lại không muốn nói thẳng. Nhưng mãi đến chiều cũng không nghe chồng nói gì, nên cô phải mượn cây thanh trà để nhắc xa xôi cho chồng nhớ. Anh Vận xin mẹ cho vợ về làng ăn giỗ. Mẹ chồng bảo cô mang buồng chuối mật trong vườn về giỗ ông, lại cho cô một hào để đi đò. Anh Vận cũng chạy quanh xóm mượn chỗ này, chỗ khác cho cô Thảo thêm bốn hào nữa.

Tối hôm ấy cô Thảo không đi ngủ sớm. Cô đặt con ngủ yên bên chồng xong lại lật đật xách dao ra sau vườn chuối. Loay hoay một lúc lâu cô mới đem được buồng chuối mật vào nhà. Cô đem để vào một góc thật kín vì cô sợ nửa đêm chuột đến khới. Xong rồi cô mới qua bên nhà cô Thị mượn đôi hoa tai vàng và cái nón lá mới. Sắp đặt đâu đó xong xuôi cô mới lên giường nằm ngủ.

Trời tờ mờ sáng cô Thảo đã trở dậy sắm sửa đi về làng. Làng cô ở cách xa làng Mỹ Lý hơn mười lăm cây số. Vì vậy nên mỗi năm cô chỉ được về làng chừng hai ba lượt là nhiều. Xưa kia cô từng qua lại làng Mỹ Lý ngày một để bán gạo, nhưng sau lúc cô ra lấy chồng thì quê nhà đối với cô đã là nơi xa lạ.

Qua những con đường mòn chạy nấp theo bờ ruộng, cô lại nhớ đến quãng đời bán gạo của cô ngày trước. Trong trí cô hiện ra lần lần hình ảnh của cô Thu, cô Nguyệt, cô Hương, những cô bạn mà trước kia cô cho là thân nhất. Nhưng đời các cô ấy cũng như cô, nghĩa là cũng có chồng, có con và quãng đời làm dâu cũng vất vả, cũng phẳng lặng như nhau hết.

Đi chưa được bốn cây số cô Thảo đã thấy mỏi. Cô tự nhận thấy sức cô yếu hơn trước nhiều lắm. Cô muốn đi đò cho đỡ chân, nhưng sực nhớ đến những món quà cần phải cho em, cô lại gắng gượng đi nhanh hơn trước.

Về đến làng, cô Thảo gặp ai cũng đón chào niềm nở. Lòng cô lúc ấy nhẹ nhàng và vui sướng lắm. Còn họ gặp cô đi đằng xa đã kêu réo om sòm như gặp được người sống lại. Họ hỏi thăm cô chuyện này chuyện khác, mục đích là để xem cô ăn mặc độ này có khá hơn trước không. Cô Thảo thấy người làng chào hỏi mình vồn vã nên đáp lại rất vui vẻ. Cô ta không quên lấy cái nón xuống, giả vờ quạt vào mình để mấy người đứng chung quanh được thấy đôi hoa tai vàng của cô.

Đến trưa hôm ấy thì cô về đến nhà. Mấy cậu em đua nhau ra níu áo chị. Cô Thảo xoa đầu đứa này đỡ cằm đứa khác, nụ cười trên môi cô không khi nào tắt. Trông thấy mẹ trong nhà đi ra cô mừng quá. Cô chạy lại đứng bên mẹ cảm động quá đến rưng rưng nước mắt. Một lúc sau cô đưa thằng Lụn cho mẹ ẵm rồi đi thẳng vào nhà để chào những người quen biết.

Bà Vạn cứ quấn quít bên cháu, bên con quên cả ngày giờ. Bà giới thiệu cô Thảo với người này người khác, bà nhắc đến chuyện cô Thảo lúc cô còn năm sáu tuổi. Bà kể đến đoạn nào bà cũng có ý khoe cô Thảo đức hạnh và khôn ngoan đủ thứ. Bà nói mãi mà không biết chung quanh bà không ai nghe bà hết.

Sung sướng nhất là cô con gái có chồng về nhà mẹ. Cô Thảo tuy về giỗ ông nhưng không làm gì hết. Cô vào phòng mẹ nằm ngủ cả buổi chiều, mãi đến lúc gần cúng cô mới chịu đi ra ngoài.

Lúc cô đứng lễ thì ông Vạn, thân sinh cô, vuốt râu cười nói:

- Con phải lễ thế phần chồng con nữa. Nó làm gì bên ấy mà không đến

Cô Thảo sau khi thụt lùi ra khỏi chiếu, mới khẽ đáp:

- Dạ, nhà con mắc việc quan.

Cô Khuê, chị em chú bác với cô Thảo, đứng gần đấy trề môi nói tiếp:

- Thứ đồ làm hương thơ mỗi năm ăn ba mẫu ruộng mà cũng gọi là việc quan.

- Ai nấy đều nghe thấy nhưng không ai cãi lại. Ông Vạn đứng cúi đầu xuống hơi ngượng. Còn cô Thảo gương mặt đỏ bừng, quay đầu nhìn xuống bếp. Nhưng ngay lúc ấy cô lại gặp cặp mắt của mẹ đang nhìn cô chòng chọc. Cô đau lòng quá đến để hai dòng lệ chảy dài trên má.

Sáng hôm sau, cúng cơm sáng xong xuôi, cô Thảo lại sắm sửa đi qua làng Mỹ Lý. Cô gọi mấy đứa em đến gần rồi cho mỗi đứa năm xu. Trong nhà ai cũng khen cô rộng rãi và biết thương em, nên cô vui sướng lắm. Đang lúc cao hứng cô còn hứa sẽ gửi cho mẹ hai cặp quần áo mới để mặc Tết nữa. Nhưng chính cô cũng không biết sẽ lấy đâu ra hai cặp quần áo ấy. Chỉ trong nháy mắt cô Thảo đã phân phát tất cả số tiền cô đã dành dụm trong một năm.

- […]

Về nhà chồng, cô Thảo lại làm việc từ mai đến chiều, tối tăm cả mày mặt. Lúc nào cô cũng nhớ đến mẹ nghèo, đến em thơ, nhưng nhớ thì lòng cô lại bùi ngùi, trí cô lại bận rộn. Rồi chiều chiều gặp những lúc nhàn rỗi, cô lại ra đứng cửa sau vơ vẩn nhìn về làng Quận Lão. Nhưng làng Quận Lão ẩn sau đám tre xanh đã kéo một gạch đen dài trên ven đồi xa thẳm.

(Theo Tổng tập văn học Việt Nam, tập 33, NXB Khoa học xã hội, 2000,Tr.819-823)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra ngôi kể của văn bản.

Câu 2. Câu chuyện diễn ra trong không gian nào?

Câu 3. Tìm các hành động, cử chỉ của cô Thảo khi về đến làng?

Câu 4. Nêu chủ đề, tư tưởng của văn bản.

Câu 5. Chi tiết: Về nhà chồng, cô Thảo lại làm việc từ mai đến chiều, tối tăm cả mày mặt. Lúc nào cô cũng nhớ đến mẹ nghèo, đến em thơ, nhưng nhớ thì lòng cô lại bùi ngùi, trí cô lại bận rộn có ý nghĩa gì trong việc khắc họa nhân vật cô Thảo?

Câu 6. Nêu tác dụng của việc lựa chọn ngôi kể trong văn bản.

Câu 7. Anh/chị có đồng ý với ý kiến: Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người không? Vì sao

Câu 8. Thông điệp có ý nghĩa nhất với anh/chị qua văn bản trên là gì? Tại sao?

Đáp án

Câu

Nội dung

ĐỌC HIỂU

1

Ngôi kể của văn bản: ngôi thứ ba

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời được như đáp án: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời được: 0 điểm

2

Câu chuyện diễn ra trong không gian: trên đường về làng, nhà mẹ cô Thảo, nhà chồng cô Thảo, làng Mỹ Lý.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời được 03 không gian: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời được từ 02 không gian: 0,25 điểm

- Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời được: 0 điểm

3

Các hành động, cử chỉ của cô Thảo khi về đến làng:

+ gặp ai cũng đón chào niềm nở

+ lấy cái nón xuống, giả vờ quạt vào mình để mấy người đứng chung quanh được thấy đôi hoa tai vàng của cô.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời đúng 1 ý: 0,25 điểm

- Học sinh không trả lời được: 0 điểm

4

Chủ đề, tư tưởng của văn bản:

+ Cuộc sống và nỗi niềm của người con gái xa lấy chồng xa quê.

+ Ca ngợi những con người: giàu tình người, tình quê

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời được như đáp án/diễn đạt theo cách tương đương: 1,0 điểm

- Học sinh trả lời tương đối đầy đủ: 0,75 điểm

- Học sinh trả lời được một trong hai ý trên: 0,5 điểm

- Học sinh không trả lời: 0 điểm

5

Chi tiết: Về nhà chồng, cô Thảo lại làm việc từ mai đến chiều, tối tăm cả mày mặt. Lúc nào cô cũng nhớ đến mẹ nghèo, đến em thơ, nhưng nhớ thì lòng cô lại bùi ngùi, trí cô lại bận rộn khắc họa rõ nét vẻ đẹp của nhân vật:

+ Cô Thảo luôn làm tròn bổn phận của mình.

+ Cô Thảo là người: giàu tình cảm, hiếu thảo.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án hoặc có cách diễn đạt khác nhưng vẫn đảm bảo ý: 1,0 điểm.

- Học sinh trả lời tương đối rõ ràng, đầy đủ 2 ý: 0,75 điểm.

- Học sinh trả lời có được 01 ý về tác dụng: 0,5 điểm.

- Học sinh nêu được 1 trong 3 tác dụng nhưng chưa rõ ràng: 0,25 điểm

- Học sinh trả lời không chính xác nội dung hoặc không trả lời: 0 điểm

6

Tác dụng của việc lựa chọn ngôi kể trong văn bản:

+ Ngôi kể thứ ba, giúp cho các nhân vật trong truyện đặc biệt là nhân vật cô Thảo được đánh giá một cách khách quan, tự nhiên.

+ Tình yêu quê hương, tấm lòng hiếu thảo của cô Thảo được đánh giá khách quan chứ không phải chủ quan của người kể.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án hoặc có cách diễn đạt khác nhưng vẫn đảm bảo ý:1,0 điểm.

- Học sinh trả lời có được 02 ý như đáp án, nhưng diễn đạt chưa mạch lạc: 0,75 điểm.

- Học sinh trả lời được 01 ý như đáp án: 0,5 điểm.

- Học sinh trả lời được 01 ý về ý nghĩa nhưng diễn đạt chưa rõ ràng: 0,25 điểm.

- Học sinh trả lời không chính xác nội dung hoặc không trả lời: 0 điểm

7

Anh/chị có đồng ý với ý kiến: Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người không? Vì sao

HS có thể bày tỏ thái độ đồng tình hoặc không đồng tình/ vừa đồng tình vừa không đồng tình, lí giải thuyết phục.

Gợi ý:

- Đồng tình vì:

+ Quê hương là nơi ta sinh ra, là nơi ta lớn lên, là nơi lưu giữ những kỉ niệm thời thơ ấu.

+ Ta có thể sống ở nhiều nơi nhưng quê hương thì chỉ có một.

+ Quê hương là một phần máu thịt không thể thiếu đối với con người.

- Học sinh trả lời được 02 ý như đáp án, diễn đạt tương đương: 1,0 điểm

- Học sinh trả lời được 2 ý nhưng diễn đạt chưa mạch lạc: 0,75 điểm

- Học sinh trả lời được 01 ý: 0,5 điểm

- Học sinh không trả lời được được: không cho điểm

8

- Thông điệp có ý nghĩa nhất với anh/chị qua văn bản trên là gì? Tại sao?

HS rút ra được thông điệp có ý nghĩa nhất cho bản thân nhưng phải hợp lí, lí giải thuyết phục.

Gợi ý: Thông điệp: tình yêu quê hương, gia đình và nỗi nhớ quê trong lòng người con gái.

- Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời được 02 ý: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời được 01 ý: 0,25 điểm

- Học sinh không trả lời được được: 0 điểm

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 2.661
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm