Đọc hiểu Bữa tiệc đêm ở Đà giang

Đọc hiểu văn bản Bữa tiệc đêm ở Đà giang

Bữa tiệc đêm ở Đà giang là câu chuyện thuộc tập truyện truyền kì mạn lục của tác giả nguyễn Dữ kể về câu chuyện Hồ Quý Ly từng vào rừng săn bắn hồ ly nghìn tuổi. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu đề đọc hiểu chuyện Bữa tiệc đêm ở Đà giang có đáp án chi tiết sẽ  giúp các em hiểu rõ hơn về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Bữa tiệc đêm ở Đà giang đọc hiểu có đáp án

Đọc đoạn trích sau:

(Tóm tắt phần đầu: Năm Bính Dần, vua Trần Phế Đế đi săn, đỗ lại trên bờ bắc sông Đà, đêm mở tiệc ở trong trướng. Có một con cáo đi từ dưới chân núi đi về phía nam, gặp một con vượn già. Cả hai bày mưu để có thể can ngăn chuyến đi săn của nhà vua để cứu tính mệnh của muôn loài.)

Rồi cả hai cùng hóa thành hai người đàn ông mà đi. Một người xưng là tú tài họ Viên, một người xưng là cư sĩ họ Hồ, đương đêm đến gõ cửa hành cung, nhờ kẻ nội thị chuyển đệ lời tâu vào rằng:

- Tôi nghe thánh nhân trị vì, càn khôn trong sáng, minh vương sửa đức, chim muông hòa vui. Nay chúa thượng đương kì thái hạnh, làm chủ dân vật, tưởng nên mở lưới vây hiền, giăng chài vét sĩ, đương gội thì quấn mái tóc, lên xe thì dành bên tả, đem xe bồ ngựa tứ săn những kẻ sĩ trong đám ẩn dật, khiến trong triều nhiều bậc lương tá để ban ân trạch cho sinh dân, đưa tất cả cuộc đời vào cõi nhàn thọ. Cớ sao lại đi săn gấu bắt thỏ, tranh cả công việc của chức Sơn ngu như vậy.

Bây giờ vua say rượu đương muốn đi nằm, sai thủ tướng Quý Ly mời hai người vào tiếp đãi ở phía dưới thềm khách và bảo cho họ biết săn bắn là phép tắc đời xưa, sao lại nên bỏ?

Cư sĩ họ Hồ nói:

- Đời xưa đuổi loài tê thượng là để trừ hại, mà mở cuộc sưu miêu là để giảng võ. Chuyện đi săn Vị Dương là vì một ông già không phải gấu cũng không phải hùm. Vì sự phô phang quân lính mới có cuộc săn ở Vu Nhâm. Vì sự phô phang của cầm thú mới có cuộc bắn ở Trường Dương. Nay thì không thế. Đương mùa hạ mà giờ những công việc khổ dân không phải thời, giày trên lúa để thỏa cái ham thích săn bắn, không phải chỗ; quanh đầm mà vây, bọc núi mà đốt, không phải lẽ. Ngài sao không tâu với thánh minh, tạm quay xa giá về khiến người và vật đều được bình yên?

Quý Ly nói:

- Không nên!

Cư sĩ họ Hồ nói:

- Đó là tôi thương những giống chim hèn muông yếu mà xin nài cho chúng. Chứ còn những giống tinh thông nhanh nhẹn thì tự nhiên chúng biết xa chạy cao bay, đàng nam núi nam, đàng bắc núi bắc, há chịu trần trần ấp cây một phận đâu.

Quý Ly nói:

- Nhà vua đi chuyến này không phải vì ham thích chim muông, chỉ vì nghe ở đây có giống hồ tinh nghìn tuổi, nên ngài muốn đại cử tiễu trừ, khiến loài yêu gian không thể giở trò xằng bậy được. Có thế thôi.

Tú tài họ Viên đưa mắt nhìn cư sĩ họ Hồ, rồi mỉm cười. Quý Ly hỏi vì sao, Hồ chợt đáp:

- Hiện giờ sài lang đầy đường lấp lối, sao lại lo đến giống hồ ly?

Quý Ly nói:

- Ngài nói vậy là ý nào?

Hồ nói:

- Hiện nay thánh hóa chưa khắp, bờ cõi chưa yên. [...] Sao không giương cung thánh nhân, tuốt lưỡi gươm thiên tử, lấy nhân làm yên khấu, lấy nghĩa làm chèo lái, lấy hào kiệt làm nanh vuốt, lấy trung tín làm giáp trụ, cẩn thận lồng cũi để giá ngự những phường khó trị, sửa chuốt cung tên để dọa nạt những nước bất phục, tóm bắt giặc giã, đóng cũi giải về, khiến cho gần xa quang sạch. Cớ sao bỏ những việc ấy không làm, lại đi lẩn quẩn ở công việc săn bắn? Dù được chim muông như núi, chúng tôi cũng lấy làm không phục.

Quý Ly nghe lời. Hai người mừng thầm nói:

- Thế là mưu kế có kết quả rồi.

(Trích Bữa tiệc đêm ở Đà giang, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, in trong cuốn Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 237-239)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Chỉ ra không gian, thời gian của đoạn trích truyện trên.

Câu 2. Theo đoạn trích, sự việc nào khiến cho cáo và vượn già phải bày mưu tính kế gặp vua?

Câu 3. Nhận xét vai trò của các yếu tố kì ảo trong đoạn trích.

Câu 4. Qua cuộc nói chuyện giữa Quý Ly và hai người do cáo và vượn hóa thành, tác giả muốn thể hiện điều gì?

Câu 5. Giá trị tư tưởng của đoạn trích mà nhà văn Nguyễn Dữ gửi gắm có ý nghĩa như thế nào với đời sống hiện nay?

Đáp án

1

- Không gian: trong rừng nơi bờ bắc sông Đà.

Thời gian: buổi đêm

2

Theo đoạn trích, khi biết tin vua Trần Phế Đế đi săn có thể đe dọa đến tính mệnh của các loài muông thú. Do đó, cáo và vượn đã bày mưu để có thể can ngăn chuyến đi săn của nhà vua để cứu tính mệnh của muôn loài.

3

- Yếu tố kì ảo trong đoạn trích: Việc cáo và vươn già biết nói tiếng người, hóa thành hai người đàn ông, tìm đến chốn hành cung để can gián vua đi săn.

- Vai trò của yếu tố kì ảo:

+ Giúp cho đoạn trích thêm sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc với những tình tiết li kì.

+ Mượn cuộc nói chuyện của cáo, vượn với đại thần Quý Ly, nhà văn Nguyễn Dữ bày tỏ quan điểm và thái độ của mình.

4

Qua cuộc nói chuyện giữa Quý Ly và hai người do cáo và vượn hóa thành, tác giả muốn thể hiện:

+ Thể hiện thái độ không đồng tình với những việc làm của vua Trần Phế Đế, chỉ ra những việc mà bậc một bậc minh quân cần làm để giúp cuộc sống muôn dân được an yên.

+ Quan điểm cần trân trọng cuộc sống của muông thú trong rừng, không nên vì thú vui của bậc thống trị mà làm hại đến tính mệnh của muôn loài.

5

Giá trị tư tưởng của đoạn trích truyện mà nhà văn Nguyễn Dữ gửi gắm có ý nghĩa lớn lao với đời sống hiện nay:

- Câu chuyện gợi cho con người khát vọng về một xã hội tốt đẹp, ở đó người lãnh đạo luôn chăm lo đến đời sống nhân dân bằng tình yêu và lòng bao dung.

- Câu chuyện thức tỉnh con người hãy có trách nhiệm với thế giới tự nhiên, có ý thức bảo vệ sự sống của muôn loài.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
4 3.916
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm