Đề cương ôn tập giữa kì 1 Văn 6 Chân trời sáng tạo 2025

Tải về

Đề cương ôn tập giữa kì 1 Văn 6 Chân trời sáng tạo tổng hợp các dạng bài tập Ngữ văn 6 và nội dung kiến thức trọng tâm cần ôn tập giữa học kì 1 môn Ngữ văn 6 bộ sách CTST dành cho học sinh ôn thi hiệu quả. Ngoài ra bộ đề cương còn bao gồm 4 Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo có đáp án để các em luyện giải đề, làm quen với cấu trúc đề thi nhằm đạt kết quả cao khi làm Bài kiểm tra Văn lớp 6 giữa kì 1 năm 2025.

Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Ngữ văn 6 sách Chân trời sáng tạo
Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Ngữ văn 6 sách Chân trời sáng tạo

1. Nội dung kiến thức Ngữ văn 6 giữa học kì 1 Chân trời sáng tạo

ĐỀ CƯƠNG GIỮA KÌ I – NGỮ VĂN 6-CTST

A. TRI THỨC ĐỌC HIỂU

I/ Truyện truyền thuyết.

1. Khái niệm

- Truyện truyền thuyết là loại truyện dân gian, có yếu tố hoang đường, kì ảo, kể về các sự việc và nhân vật liên quan đến lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc phong tục, cảnh vật địa phương theo quan niệm của nhân dân.

2. Đặc điểm:

a/ Cách xây dựng nhân vật.

- Nhân vật thường có đặc điểm khác lạ về lai lịch, phẩm chất, tài năng, sức mạnh…

- Thường gắn với sự kiện lịch sử và có công lao lớn đối với cộng đồng.

- Được cộng đồng truyền tụng và tôn thờ.

b. Cốt truyện.

Thường xoay quanh công trạng, kì tích của nhân vật mà cộng đồng truyền tụng, tôn thờ.

-Thường sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh khác thường của nhân vật.

- Cuối truyện thường gợi nhắc dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại.

II/ Truyện cổ tích

1. Khái niệm

Truyện cổ tích là loại hình tự sự dân gian, chủ yếu sử dụng yếu tố nghệ thuật kì ảo để thể hiện cái nhìn hiện thực của nhân dân với đời sống, bộc lộ quan niệm về đạo đức cũng như công lí xã hội và ước mơ một cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân lao động.

2. Đặc trưng

- Truyện cổ tích xây dựng một thế giới hư cấu, kì ảo

- Truyện cổ tích là những truyện kể đã hoàn tất, có cốt truyện hoàn chỉnh

- Truyện cổ tích có tính giáo huấn cao, mỗi câu chuyện là một bài học về đạo đức, ứng xử, về lẽ công bằng, thưởng phạt công minh

B. TRI THỨC TIẾNG VIỆT

I. Kiến thức về từ ghép, từ láy

+ Từ ghép: là những từ có cấu tạo từ hai tiếng trở lên, giữa các tiếng có quan hệ với nhau về mặt nghĩa.
VD: sách vở, bàn ghế, quần áo, xe đạp,…
+ Từ láy: là những từ được cấu tạo bởi hai tiếng trở lên, giữa các tiếng có quan hệ với nhau về mặt âm. Trong từ láy chỉ có một tiếng gốc có nghĩa, các tiếng khác láy lại tiếng gốc
VD: Lung linh, xinh xinh, đo đỏ..

II. Kiến thức về trạng ngữ, thành ngữ.

1. Trạng ngữ

a. Khái niệm: Trạng ngữ là thành phần nằm trong câu có nhiệm vụ xác định thời gian, nguyên nhân, nơi chốn, mục đích… của sự việc, hành động được nhắc đến trong câu.

b. Ý nghĩa: TN thêm vào câu để xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, cách thức diễn ra sự việc nêu trong câu.

c. Hình thức: trạng ngữ có thể đứng ở đầu câu, cuối câu hay giữa câu.

2. Thành ngữ

- Thành ngữ là một tập hợp từ cố định, quen dùng.

- Nghĩa của thành ngữ không phải là phép cộng đơn giản nghĩa của các từ cấu tạo nên nó mà là nghĩa của cả tập hợp từ, thường có tính hình tượng và biểu cảm.

C. TẠO LẬP VĂN BẢN

I. Cách tóm tắt nội dung chính của văn bản bằng đồ tư duy.

1. Khái niệm:

Là cách lược bỏ các ý phụ, thông tin chi tiết, giữ lại những ý chính, thông tin cốt lõi và thể hiện dưới dạng sơ đồ.

2. Yêu cầu đối với sơ đồ tóm tắt văn bản.

a. Yêu cầu về nội dung:

- Tóm lược đúng và đủ các sự việc, phần, đoạn, ý chính trong văn bản.

- Sử dụng các từ khóa, cụm từ.

- Thể hiện được quan hệ giữa các sự việc, phần, đoạn, ý chính trong văn bản.

- Thể hiện được nội dung bao quát của toàn văn bản.

b. Yêu cầu về hình thức.

- Kết hợp hài hòa, hợp lí giữa các từ khóa với hình vẽ, mũi tên, các kí hiệu…

- Sáng rõ, có tính thẩm mĩ, giúp nắm bắt nội dung chính của văn bản một cách thuận lợi, dễ dàng.

II. Kể lại một truyện cổ tích

1. Kể lại một truyện cổ tích thuộc loại văn kể chuyện – tự sự, trong đó, người viết kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của mình.

2. Yêu cầu đối với kiểu bài.

- Người kể dử dụng ngôi thứ 3.

- Các sự việc được trình bày theo trình tự thời gian.

- Đảm bảo kể được đầy đủ các sự việc quan trọng trong truyện, đặc biệt là các yếu tố kì ảo, hoang đường.

3. Bố cục.

- Mở bài: Giới thiệu truyện cổ tích sẽ kể lại (tên truyện, lí do kể).

- Thân bài: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện. Trình bày sự việc đã xảy ra trong câu chuyện theo trình tự thời gian.

- Kết bài: Nêu cảm nghĩ về truyện vừa kể.

2. Các dạng bài tập giữa kì 1 Văn 6 chân trời sáng tạo

ĐỀ THAM KHẢO

ĐỀ 1

Đọc ngữ liệu sau:

SỰ TÍCH CÂY KHẾ

Ngày xưa, có hai anh em cha mẹ mất sớm. Đến lúc chia gia tài, người anh cậy thế mình là anh cả chiếm hết mọi tài sản cha mẹ để lại, chỉ cho người em một mảnh vườn nhỏ có cây khế ở cuối vườn.

Người em cặm cụi làm thuê cuốc mướn kiếm sống và chăm sóc cây khế. Đến mùa, khế ra hoa kết trái nhiều vô kể. Bỗng một hôm có một con chim lạ bay đến đậu lại trên cây khế. Nó ăn hết trái này đến trái khác. Người em buồn rầu nói với chim: “Cuộc sống ta chỉ trông nhờ vào cây khế. Chim ăn hết ta lấy gì sinh sống!” Nghe vậy chim liền nói: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, đem đi mà đựng!”.

Nghe lời chim dặn, người em may một cái túi ba gang. Hôm sau,chim đến chở người em ra một cái đảo xa tít ở ngoài khơi. Đây là một hòn đảo có đầy vàng bạc châu báu. Người em nhặt đầy một túi ba gang rồi leo lên lưng chim trở về nhà. Từ đó, người em trở nên giàu có nhất vùng.

Thấy em mình bỗng nhiên trở nên giàu có, người anh lân la, tò mò hỏi chuyện. Thương anh, người em kể hết sự tình cho người anh hay. Máu tham nổi lên, hắn gạ người em đổi cây khế lấy toàn bộ gia tài của hắn. Người em đồng ý.

Ngày ngày, cả hai vợ chồng người anh canh chừng dưới cây khế. Rồi chim lạ lại đến ăn khế. Người anh giả vờ kêu nghèo kể khổ với đại bàng và cũng được đại bàng nói những lời như đã nói với người em trước đây. Hắn về nhà bảo vợ may một cái túi mười hai gang.

Sáng hôm sau, chim lạ lại đến và chở hắn ra đảo vàng. Hắn hoa mắt trước vàng bạc, châu báu, ngọc ngà ở đảo nên cố nhét thật đầy cái túi mười hai gang. Chưa thỏa mãn, hắn còn cố nhét vàng vào trong người rồi kéo lê túi vàng leo lên lưng chim. Chim phải vỗ cánh đến ba lần mới cất mình lên được. Khi bay qua giữa đại dương mênh mông, bất thần có một cơn gió mạnh thổi đến vì chở quá nặng nên chim không chịu được sức gió, liền nghiêng cánh hất túi vàng và người anh xuống biển.

(Truyệnchobe.com)

Câu 1: Xác định thể loại, ngôi kể, kiểu nhân vật của truyện trên?

Câu 2: Chỉ ra một chi tiết kì ảo trong truyện.

Câu 3: Người anh chia cho người em những gì khi ra ở riêng?

Câu 4: Qua các hành động của người anh, em thấy người anh có phẩm chất như thế nào?

Câu 5: Qua việc may túi theo lời chim dặn và được chim đưa đi lấy vàng ở đảo xa, người em đã thể hiện phẩm chất gì?

Câu 6: Tại sao người anh bị rơi xuống biển cùng bao nhiêu vàng bạc châu báu lấy được?

Câu 7: Chỉ ra một câu thành ngữ đúng với ý nghĩa rút ra từ Sự tích cây khế?

Câu 8: Xác định trạng ngữ và cho biết ý nghĩa trong câu sau:

Sáng hôm sau, chim lạ lại đến và chở hắn ra đảo vàng.

Câu 9: Phân loại từ láy và từ ghép cho các từ sau: mênh mông, vàng bạc, lân la, tò mò, sinh sống.

Câu 10: Theo em, câu chuyện trên ca ngợi điều gì?

Câu 11: Em có nhận xét gì về tình anh em trong câu chuyện trên.

Câu 12: Qua Sự tích cây khế, em hãy rút ra bài học cho bản.

ĐỀ 2:

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

Tự nhiên ở trên không, có một đàn chim sẻ đáp xuống sân nhặt thóc ra một đằng, gạo ra một nẻo. Chúng nó lăng xăng ríu rít chỉ trong một lát đã làm xong, không suy suyển một hạt. Nhưng khi chim sẻ đã bay đi rồi, Tấm lại nức nở khóc. Bụt lại hỏi:

- Con làm sao còn khóc nữa?

- Con rách rưới quá, người ta không cho con vào xem hội.

- Con hãy đào những cái lọ xương bống đã chôn ngày trước lên thì sẽ có đủ mọi thứ cho con trẩy hội.

Tấm vâng lời, đi đào các lọ lên. Đào lọ thứ nhất, lấy ra được một bộ áo mớ ba, một cái xống lụa, một cái yếm lụa điều và một cái khăn nhiễu. Đào lọ thứ hai, lây ra được một đôi giày thêu, đi vừa như in. Lọ thứ ba đào lên thì thấy một con ngựa bé tí, nhưng vừa đặt con ngựa xuống đất, bỗng chốc nó đã hí vang lên và biến thành ngựa thật. Đào đến lọ cuối cùng thì lấy ra được một bộ yên cương xinh xắn. Tấm mừng quá vội tắm rửa rồi thay bộ vào, đoạn cưỡi lên ngựa mà đi. Ngựa phóng một chốc đã đến kinh đô. Nhưng khi phóng qua một chỗ lội, Tấm đánh rơi một chiếc giày xuống nước không kịp nhặt. Khi ngựa dừng lại ở đám hội, Tấm lấy khăn gói chiếc giày còn lại rồi chen vào biển người.

(Tấm Cám)

Câu 1: Xác định thể loại, ngôi kể, kiểu nhân vật của truyện trên?

Câu 2: Chỉ ra một chi tiết kì ảo trong truyện.

Câu 3. Xác định thành phần trạng ngữ trong câu : Khi ngựa dừng lại ở đám hội, Tấm lấy khăn gói chiếc giày còn lại rồi chen vào biển người.

Câu 4. Trong các từ sau, từ nào không phải từ láy? xinh xắn, rách rưới, nức nở, mặt mũi.

Câu 5.Trong câu: Con hãy đào những cái lọ xương bống đã chôn ngày trước lên thì sẽ có đủ mọi thứ cho con trẩy hội cụm từ “trẩy hội”có nghĩa như thế nào?

Câu 6. Vì sao cô Tấm lại khóc?

Câu 7. Tấm đào lọ xương bống thứ mấy thì có đôi giày thêu?

Câu 8: Em có nhận xét gì về nhân vật Tấm trong câu chuyện trên.

Câu 9: Qua truyện Tấn Cám, em hãy rút ra bài học cho bản.

......................

Tải file về máy để xem trọn bộ Đề cương ôn tập giữa kì 1 Văn 6 Chân trời sáng tạo kèm đáp án

>>> Tham khảo thêm: Đề thi giữa kì 1 Ngữ Văn 6 Chân trời sáng tạo

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên nhóm Lớp 6 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 343
Đề cương ôn tập giữa kì 1 Văn 6 Chân trời sáng tạo 2025
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm