15 chuyên đề lí luận Văn học lớp 11 sách mới

Tải về

Tài liệu lí luận Ngữ văn THPT

Lí luận văn học là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lí thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các em học sinh 15 chuyên đề lí luận Văn học lớp 11 sách mới file word giúp các em hiểu rõ hơn về các chuyên đề lí luận Văn học THPT.

Nội dung 15 chuyên đề lí luận Văn học lớp 11

Nội dung 15 chuyên đề lí luận Văn học lớp 11

Nội dung 1: VĂN HỌC LÀ NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ

1. Ngôn từ là chất liệu xây dựng hình tượng của văn học

Nghệ thuật nói chung đều phản ánh cuộc sống con người nhưng mỗi ngành nghệ thuật có một chất liệu riêng. Hội họa dùng màu sắc, đường nét… âm nhạc diễn tả bằng âm thanh, tiết tấu… điêu khắc dùng chất liệu (kim loại, đá, gỗ…) tạo nên hình khối, đường nét v.v… Còn văn học phải diễn tả bằng ngôn từ. Mỗi tác phẩm văn học phải được gắn liền với một thứ ngôn ngữ và văn tự (gốc) nhất định. Ngôn ngữ, văn tự là công cụ của nhà văn. Nhà văn Nguyễn Tuân được ca ngợi là bậc thầy về ngôn ngữ. Văn của ông là tờ hoa, là trang văn. Hồ Chí Minh viết văn làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ, bằng tiếng Pháp, bằng chữ Hán.

2. Những đặc điểm của ngôn từ văn học

- Nhà văn nhà thơ phải sử dụng ngôn từ và trau chuốt nó, tạo thành một thứ ngôn ngữ văn chương giàu có, sang trọng, đẹp đẽ. Ngôn ngữ văn học có những đặc điểm sau:

– Tính hệ thống

– Tính chính xác

– Tính truyền cảm

– Tính hình tượng

– Tính hàm súc, đa nghĩa

– Tính cá thể hoá

Trong đó, tính chính xác, tính truyền cảm, tính hình tượng là cực kỳ quan trọng. Nói rằng “Văn hoa dã chất chi đối”, “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” là như vậy. Kim Trọng khen Kiều khi nàng làm một bài thơ viết lên bức tranh Kim Trọng mới vẽ:

“Khen tài nhả ngọc phun châu,

Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này!”

Nhà văn sử dụng ngôn từ để xây dựng hình tượng văn học. Vì thế đọc sách hoặc phân tích thơ văn không được thoát li văn bản và ngôn từ.

Ngoài ra, ngôn từ còn phải có tính trong sáng, phù hợp chuẩn mực toàn dân và có tính mới lạ, hấp dẫn.

3. Tính chất “phi vật thể” của chất liệu ngôn từ và khả năng diễn tả đặc biệt phong phú của nghệ thuật ngôn từ

- Xem tranh xem ti vi… đã thấy được cụ thể cảnh vật, sự việc biểu hiện. Đọc văn, ta phải tưởng tượng, liên tưởng, suy luận, cảm xúc với tất cả mọi giác quan và tâm hồn, mới hình dung được cảnh vật, sự việc. Điều đó nói lên rằng, ngôn từ mang tính chất “phi vật thể”. Con chứ đấy, câu thơ đấy nhưng không phải ai cũng hiểu và cảm như nhau.

- Ngôn từ có sức mạnh vạn năng, có thể diễn tả sự việc theo dòng chảy lịch sử qua hàng trăm năm, hàng vạn năm trên một không gian hữu hạn hoặc rộng lớn vô hạn.

- Ngôn từ còn có khả năng diễn tả những rung động biến thái của tâm hồn con người. Thật là kỳ diệu khi Nguyễn Trãi viết:

“Ngư ca tam xướng yên hồ khoát,

Mục đích nhất thanh thiên nguyệt cao!”

(Ức Trai thi tập)

Văn học là sự thể hiện tinh tế tư tưởng và tình cảm, ước mơ và khát vọng, quan điểm và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn đối với con người và cuộc sống. Mỗi trang văn, mỗi bài thơ (đích thực) dù nói về gì, đề tài gì rộng lớn hay bé nhỏ đều thể hiện lòng yêu, sự ghét của tác giả, thể hiện một quan điểm nhân sinh hoặc lên án cái ác, hoặc ca ngợi tình yêu, đưa tới sự hướng thiện, cái cao cả, cái đẹp của thiên nhiên và con người. Văn học mang tính khuynh hướng rõ rệt.

“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi

Lẽ nào trời đất dung tha

Ai bảo thần dân chịu được

(Nguyễn Trãi)

“Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm,

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân…

(Nguyệt Cầm – Xuân Diệu)

“Yêu biết mấy, những con người đi tới

Hai cánh tay như hai cánh bay lên

Ngực dám đón những phong ba dữ dội

Chân đạp bùn không sợ các loài sên”

(“Mùa thu tới” – Tố Hữu)

Nếu không hiểu được ngôn từ sao có thể cảm được cái hay của hai câu thơ trên?

4. Văn học (nghệ thuật ngôn từ) là một lĩnh vực độc đáo

- Văn học nghệ thuật bao gồm: tác phẩm, nhà văn và quá trình sáng tác, hiện thực đời sống, bạn đọc và quá trình tiếp nhận.

- Sự độc đáo của tác phẩm văn chương được thể hiện qua các yếu tố:

+ Về tác phẩm: Tác phẩm độc đáo phải là “một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung”

+ Về nhà văn: Để có một tác phẩm văn học độc đáo, nhà văn phải có phong cách riêng. Nghĩa là phải có những nét riêng độc đáo trong trong nhận thức, trong phản ánh cuộc sống, trong sáng tạo hình thức nghệ thuật và để lại dấu ấn riêng trên từng trang sách.

+ Về hiện thực đời sống: Hiện thực trong tác phẩm văn học vừa giống như ngoài đời vừa không giống và phải là một hiện thực độc đáo được phản ánh qua cái nhìn độc đáo của nhà văn.

(Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại nhưng nghệ sĩ không ghi lại những cái đã có rồi mà muốn nói một điều gì mới mẻ).

+ Về người đọc và quá trình tiếp nhận: Người đọc luôn đòi hỏi văn học nghệ thuật phải độc đáo, mới lạ. Họ sẽ nhàm chán nếu cứ gặp lại cái cũ lỗi thời. Người đọc cũng phải có cái nhìn độc đáo mới có thể khám phá hết cái độc đáo của nhà văn và tác phẩm. Càng có năng lực thẩm mỹ thì người đọc càng có cơ hội tìm thấy tiếng nói độc đáo của nhà văn.

-> Nghệ thuật là lĩnh vực độc đáo là nói đến bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật.

Nội dung 2: VĂN HỌC LÀ TẤM GƯƠNG PHẢN ÁNH ĐỜI SỐNG

1. Thực tại đời sống là cội nguồn sáng tạo nghệ thuật

- Không có cuộc sống sẽ không có sáng tạo nghệ thuật. Đối tượng phản ánh của văn học là con người trong không gian, thời gian, thiên nhiên, vũ trụ và trong các mối quan hệ xã hội. Văn học phản ánh đời sống của con người và nhận thức về con người với ước mơ tâm tư nguyện vọng.

- Thực tại đời sống là đề tài vô tận cho văn chương khai thác và phản ánh, là chất liệu vô cùng phong phú sinh động cho nhà văn lựa chọn và sử dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Hiện thực chính là cái nôi nuôi dưỡng nhà văn, là mảnh đất nhà văn sống hình thành cảm xúc. "Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học", "Nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại". Bởi vậy văn học là cuốn “ bách khoa toàn thư” về đời sống và con người. Nhà văn lấy chất liệu là cuộc sống hiện thực, từ đó cung cấp cho con người nhưng tri thức về xã hội, làm giàu vốn tri thức của con người.

- Văn học là tấm gương phản ánh đời sống, không bám sát đời sống nhà văn sẽ không thể cho ra đời những tác phẩm văn học giàu chất sống, có giá trị. Nếu thoát li thực tại, văn chương sẽ rơi vào siêu hình, thần bí.

2. Không thể đánh đồng thực tại với văn chương

- Văn học phản ánh đời sống nhưng không bê nguyên xi hiện thực vào trong tác phẩm. Nếu đánh đồng thực tại với văn chương thì lúc đó văn chương không phải là sáng tạo nghệ thuật. Nếu văn chương chỉ và ghi chép lại những điều đã có trong hiện thực thì người đọc cũng chỉ nhìn thấy trong tác phẩm những gì họ nhìn thấy ngoài đời và như vậy văn chương không còn cần thiết và không có giá trị gì, tác phẩm sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô hồn.

- Thực tại trong văn học không phải là sự phản ánh máy móc, rập khuôn mà được thể hiện qua chủ quan của người nghệ sĩ. Nó được phản chiếu qua tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc mãnh liệt của nhà văn trước hiện thực. Nếu nhà văn chỉ chụp ảnh cuộc sống thì không cần đến vai trò của nhà văn. Sứ mệnh của nghệ sĩ là phản ánh hiện thực theo cái mới, qua tác phẩm kí thác những thông điệp tinh thần muốn gửi đến bạn đọc, hướng con người đến vẻ đẹp chân- thiện- mĩ. Để đạt được hiệu quả nghệ thuật, trong tác phẩm hiện thực đôi khi được hư cấu, tô đậm hơn.

- Thực tại trong tác phẩm văn chương bao gồm cả những điều mà mọi người đều đã thấy và cả vấn đề người khác chưa thấy, những điều sâu sắc mới mẻ mà chỉ nhà văn mới thấy.

- Hiện thực đời sống được người nghệ sĩ sắp xếp, tái hiện một cách sáng tạo thành chỉnh thể nghệ thuật. Tuy nhiên sự lựa chọn, sắp xếp hiện thực trong tác phẩm văn chương cần phải tạo cho nhà văn, nhà thơ một tiếng nói riêng, một phong cách riêng, tạo nên sự hấp dẫn với bạn đọc.

Có thể nói, tác phẩm văn học đích thực phải là sự phản ánh, sáng tạo, kiến giải hay về con người và đời sống.

3. Thực tại trong tác phẩm văn chương là cơ sở tạo nên giá trị hiện thực của tác phẩm

3.1. Biểu hiện của tính hiện thực của tác phẩm văn học là:

+ Phản ánh đúng thực tại, bản chất của đời sống và chức năng của văn học là giúp con người nhận thực đời sống xã hội.

+ Sự chân thực của cảm xúc, đánh giá, bày tỏ thái độ của người nghệ sĩ trước hiện thực, sự thể hiện bản lĩnh, nhân cách, cá tính độc đáo, tài năng của họ.

3.2. Bản chất của tính hiện thực trong tác phẩm văn học

+ Đối tượng phản ánh của văn học là toàn bộ thế giới khách quan, có nghĩa là phạm vi phản ánh của văn học bao gồm tất cả những gì có trong thực tế khách quan. Hiện thực là cội nguồn sản sinh ra các sáng tác văn học và đồng thời là chìa khóa giải thích những hiện tượng phức tạp trong văn học. Cho nên có thể nói tính hiện thực là thuộc tính tất yếu của văn học.

+ Giá trị hiện thực của tác phẩm văn học là toàn bộ hiện thực được nhà văn phản ánh trong tác phẩm văn học, tùy vào ý đồ sáng tạo mà hiện thực đó có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc có sự khúc xạ ở những mức độ khác nhau. Hiện thực trong các tác phẩm văn chương có thể là hiện thực được hư cấu.

- Văn học không tách rời tư tưởng nhưng chính tư tưởng cũng bắt nguồn từ hiện thực, bởi ý thức con người chính là sự phản ánh đời sống xã hội. Vì thế có thể khẳng định, bất kì nền văn học nào cũng được hình thành trên một cơ sở hiện thực nhất định. Cho dù là một tác phẩm lãng mạn hay một tác phẩm viễn tưởng thì văn học vẫn bắt nguồn từ một hiện thực đời sống nhất định, mang dấu ấn của một thời đại nhất định.

- Tuy nhiên, tính hiện thực trong các tác phẩm văn học được thể hiện đậm nhạt khác nhau. Chỉ khi nào nhà văn phản ánh đúng bản chất hay một vài khía cạnh của bản chất đời sống thì hiện thực của tác phẩm ấy mới đạt đến tính chân thật.

- Tác phẩm có tính hiện thực cao là tác phẩm phản ánh được quy luật phổ biến, những tất yếu khách quan, những chân lí đời sống, những kiểu người và những quan hệ hiện thực cơ bản của đời sống thể hiện qua những điển hình văn học.

Nội dung 3:

MỐI QUAN HỆ GIỮA NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC

1. Các khái niệm

- Tác phẩm văn học:

Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật ngôn từ được tác giả sáng tác nhằm khái quát bằng hình tượng về cuộc sống con người, thể hiện tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả trước thực tại. Nó trở thành đối tượng thưởng thức, tiếp nhận của bạn đọc. Bản chất, thuộc tính của văn học đều biểu hiện ở tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học được biểu hiện ở hai mặt nội dung và hình thức. Tác phẩm văn học độc đáo phải là "một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung" (Leonit Leonop).

- Nội dung trong tác phẩm văn học:

+ Nội dung của tác phẩm bất nguồn từ mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Tác phẩm văn học mô phỏng, tái hiện đời sống sống động với hoạt động của con người, con vật, đồ vật… Thông qua đó nhà văn bày tỏ tư tưởng, tình cảm, tâm tư của mình với cuộc đời, thể hiện cái nhìn cá nhân về hiện thực đời sống. Vì vậy, nội dung của tác phẩm văn học bao gồm: đề tài, chủ đề, cảm hứng, tư tưởng.

+ Nhà văn chân chính luôn suy nghĩ, trăn trở sao cho nội dung tác phẩm của mình thấm nhuần tinh thần nhân văn cao đẹp, có ý nghĩa tư tưởng sâu sắc, có tác dụng nâng cao phẩm chất, hoàn thiện con người.

- Hình thức trong tác phẩm văn học:

+ Hình thức trong tác phẩm văn học là chất liệu, thủ pháp tổ chức nên tác phẩm văn học, cụ thể là một văn bản ngôn từ. Nó là kênh duy nhất truyền đạt nội dung của tác phẩm, là phương tiện cấu tạo nội dung và làm cho nó có bộ mặt độc đáo. Hình thức tác phẩm văn học bao gồm các yếu tố như thể loại, ngôn ngữ, kết cấu, hình ảnh, nhịp điệu, biện pháp tu từ…

+ Hình thức cũng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị tác phẩm. Không đạt đến trình độ nghệ thuật nhất định, một văn bản ngôn từ không được xem là tác phẩm văn học đích thực. Hình thức tác phẩm văn học hướng đến sự hoàn mĩ.

2. Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm văn học

- Trong tác phẩm văn học không thể tách rời hai yếu tố nội dung và hình thức. Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học có quan hệ mật thiết như tâm hồn và thể xác, tồn tại thống nhất, hữu cơ với nhau . Nội dung chỉ có thể được biểu hiện qua hình thức và hình thức phải là của một nội dung nào đó. Tác phẩm văn học phải có sự thống nhất, hài hòa giữa nội dung và hình thức, thống nhất giữa nội dung, tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ.

- Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức được biểu hiện ở hai mặt: nội dung quyết định hình thức và hình thức phù hợp nội dung.

+ Trong quan hệ nội dung – hình thức ở tác phẩm văn học thì nội dung bao giờ cũng quyết định hình thức, quyết định sự lựa chọn phương tiện, phương thức sáng tạo tác phẩm. Tất cả những yếu tố hình thức như ngôn ngữ kết cấu, thể loại,… đều nhằm phục vụ tốt nhất cho chức năng bộc lộ sinh động và sâu sắc của nội dung tác phẩm.

+ Cái hay của tác phẩm văn học phải được thể hiện qua nội dung mới mẻ, có ý nghĩa sâu sắc và nội dung đó phải được đặt trong một hình thức phù hợp thì người đọc mới cảm nhận được.

+ Tuy nhiên, hình thức cũng có tính độc lập nhất định. Nó tác động trở lại với nội dung. Nó đòi hỏi nhà văn phải có sự tìm tòi, trăn trở để sáng tạo nên những gì có giá trị nghệ thuật cao nhất. Và một khi tìm được phương tiện và phương thức phù hợp nhất thì những phương tiện, phương thức này phát huy tối đa giá trị của chúng và mang lại giá trị vô giá cho tác phẩm.

- Những tác phẩm văn học có giá trị lớn thì càng chứng tỏ sự thống nhất cao độ giữa nội dung và hình thức. Nhà văn Nga, Lê-ô-nôp khẳng định: “Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và là một khám phá về nội dung”.

Mở rộng:

Một tác phẩm văn học có đứng vững được trong lòng người hay không chính là nhờ tài năng và phẩm chất của người nghệ sĩ. Phải qua bàn tay nhào nặn tài hoa của nhà văn, mỗi tác phẩm mới thực sự là một công trình sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật là một thứ sáng tạo tinh thần. Nó không sản xuất theo dây chuyền công nghệ mà phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ là người quyết định sự ra đời của tác phẩm. Và tác phẩm văn học là một công trình sáng tạo nghệ thuật chỉ khi lao động của người nghệ sĩ đúng là lao động sáng tạo. Nhà văn có vai trò quan trọng trong quy trình sáng tạo. Mỗi nhà văn là một thế giới khác nhau, tạo nên sự phong phú cho nền văn học, cho sự đa dạng của các cá tính nghệ thuật.

Quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn là quá trình công phu bởi nó đòi hỏi nhiều trí lực, tâm huyết của người nghệ sĩ. Đó là công việc không chỉ đổ mồ hôi mà thậm chí còn đổ cả máu và nước mắt. Có người nghệ sĩ cả đời chung đúc để viết một tác phẩm nhưng cũng có người chỉ trong một khoảnh khắc một tác phẩm ra đời.

Sự sáng tạo trong văn chương không cho phép người nghê sĩ chân chính dẫm lên đường mòn hay đi theo con đường của người khác. Nam Cao đã từng nói khẳng định một tác phẩm văn học phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng và “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có. “Văn học nằm ngoài những định luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Sê-đrin). Tác phẩm văn học đã ghi nhận những sáng tạo của người nghệ sĩ và khẳng định nó bằng những giá trị bất tử của mình.

Nội dung 4: CHỨC NĂNG CỦA VĂN HỌC

Chức năng văn học là gì? Chức năng văn học là vai trò vị trí của văn học trong đời sống xã hội, là tác dụng, giá trị xã hội của văn học đối với đời sống tinh thần của con người. Văn học là hiện tượng đa chức năng, các chức năng gắn bó hữu cơ không tách rời nhau. Sự gắn bó giữa các chức năng làm cho văn học có sức tác động sâu xa, bền bỉ, có sức sống mãnh liệt, lâu dài trong đời sống tinh thần của con người. Nói đến chức năng của văn học là nói đến mục đích sáng tác tác phẩm văn học, đến vấn đề viết để làm gì?

1. Chức năng nhận thức

- Văn học có chức năng khám phá những quy luật khách quan của đời sống xã hội và
đời sống tâm hồn của con người. Tác phẩm văn học là quá trình nhà văn khám phá và lí giải hiện thực rồi phản ánh vào tác phẩm. Mỗi nhà văn đều ở một thời đại nhất định bởi vậy văn chương là tiếng nói của các thời đại phản ánh hiện thực đời sống, đạo đức xã hội, thậm chí phơi bày những mặt trái của xã hội ấy để góp phần cải tạo xã hội. Không phải ngẫu nhiên đã có người cho rằng văn học có khả năng cung cấp tri thức bách khoa về đời sống “Văn học là cuốn sách giáo khoa của đời sống”

- Văn học có khả năng đáp ứng nhu cầu của con người muốn hiểu biết về thế giới xung quanh và chính bản thân mình. Chính cuốn sách ấy đã thể hiện một cách tinh tế và sắc sảo từng đổi thay, từng bước vận động của xã hội. Nó tựa như “chiếc chìa khoá vàng mở ra muôn cánh cửa bí ẩn, đưa con người tới ngưỡng cửa mới của sự hiểu biết thế giới xung quanh”.

- Văn học có thể đem đến những nhận thức, hiểu biết sâu rộng cho con người về nhiều mặt của cuộc sống ở:

+ Không gian khác nhau: tri thức về các quốc gia, vùng miền, xứ sở… khác nhau.

+ Thời gian khác nhau: quá khứ, hiện tại, tương lai

+ Hiểu biết phong phú ở nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử, địa lí, văn hóa…

+ Hiểu được bản chất của con người nói chung về tư tưởng, tình cảm, khát vọng, sức mạnh, mục đích tồn tại giúp con người mài sắc cảm giác, biết phân biệt thật giả, biết cảm nhận tinh tế sự phong phú của thế giới cảm tính, phát hiện cái chung, cái bản chất, cái mới lạ, sâu xa qua cái ngẫu nhiên cá biệt, cái quen thuộc, cái bình thường.

- Tác phẩm văn học đem tới cho người đọc những kiến thức xã hội phong phú. Nhưng đấy không phải là mục đích cuối cùng của nhà văn. Mục đích của văn học chính là giúp người đọc từ chỗ nhận thức về con người, về cuộc sống rồi tự nhận thức được chính mình, khám phá được giá trị và năng lực vô tận của mình để phấn đấu, sáng tạo.

2. Chức năng giáo dục

- Giá trị giáo dục của văn học xuất phát từ nhu cầu hướng thiện của con người. Chức năng giáo dục thường được xem là giáo dục đạo đức, phẩm chất cho con người. Ngay từ thời cổ đại Hi Lạp Arixtot đưa ra phạm trù thanh lọc khi người ta xem kịch nếu có khóc thì sẽ làm người ta trong sạch và cao thượng hơn. Nhà mĩ học Letsxing của Đức cho rằng “Nghệ thuật là hình thái đặc trưng, hình thành từ những tìm tòi, khám phá của người nghệ sĩ về hiện thực đời sống. Nghệ thuật mang đến cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về xã hội, thể hiện những quan điểm của người nghệ sĩ, từ đó tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tình cảm, cảm xúc của người tiếp nhận. Chính vì vậy, nghệ thuật luôn ẩn chứa sử mệnh cao cả và thiêng liêng, góp phần làm đẹp cho cuộc đời. Tố Hữu đã từng phát biểu: “Nghệ thuật là câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người; thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng con người lên”. Còn Nguyên Ngọc thì khẳng định: “Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người”.

- Văn học bồi đắp, định hướng tư tưởng, tình cảm cho con người và thanh lọc tâm hồn còn người. Văn học giáo dục con người về:

+ Giáo dục tư tưởng: giúp con người lựa chọn những giá trị sống tích cực, đẹp đẽ như bài học về lòng yêu nước, lòng nhân ái, có lí tưởng sống cao đẹp…

+ Giáo dục tình cảm: giúp con người biết yêu, ghét, vui, buồn đúng đắn, có tâm hồn trong sáng, cao thượng

+ Giáo dục đạo đức: nâng đỡ nhân cách con người khi giúp họ biết phân biệt đúng sai, phải trái, tốt xấu từ đó hình thành mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người.

=> Mỗi tác phẩm văn học chân chính đều là một lời đề nghị về lẽ sống để con người tự rèn luyện bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.

- Giáo dục về đạo đức, phẩm chất cho con người trong văn học diễn ra qua cuộc đối thoại giữa tác giả và người đọc, được gợi mở qua hệ thống hình tượng nghệ thuật độc đáo và cảm xúc mãnh liệt của nhà văn. Vì thế chức năng giáo dục của văn học không khô khan, giáo điều mà sinh động, đầy sức thuyết phục, không phải ngay lập tức mà ngấm dần, thấm sâu có giá trị lâu bền, gợi được những suy nghĩ sâu xa của con người với cuộc đời.

=> Văn học có khả năng giáo dục và nhân đạo hóa con người, giúp con người hoàn thiện bản thân và có những hành động thiết thực để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

3. Chức năng thẩm mĩ

- Nghệ thuật sáng tạo trên nguyên tắc cái đẹp, vì thế không thể thoát khỏi quy luật của cái đẹp. Giá trị thẩm mĩ xuất phát từ nhu cầu cảm thụ và thưởng thức cái đẹp của con người. “Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu được của nghệ thuật, nếu thiếu cái đẹp thì không và không thể có nghệ thuật”.

- Chức năng thẩm mĩ của văn học được thể hiện rõ trên hai bình diện:

+ Nhà văn khám phá và thể hiện cái đẹp để thỏa mãn nhu cầu thẫm mĩ, khơi dậy những khoái cảm nghệ thuật ở bạn đọc: Cái đẹp mà văn học mang tới là cái đẹp của cuộc đời như: cảnh thiên nhiên, tạo vật; vẻ đẹp của cảnh đời cụ thể; vẻ đẹp hào hùng của chiến trận; vẻ đẹp của tình đời, tình người; vẻ đẹp của một con người, dân tộc... Đặc biệt văn học có thể khám phá và thể hiện những vẻ đẹp ấy từ hình thức bên ngoài đến bản chất bên trong của đời sống, con người. Ngoài ra, cái đẹp trong tác phẩm văn học còn có thể được thể hiện qua hình thức nghệ thuật của tác phẩm như nghệ thuật xây dựng hình tượng, nghệ thuật sử dụng ngôn từ, hình ảnh, kết cấu…

+ Văn học giúp hình thành thị hiếu, lí tưởng thẩm mĩ, đánh thức bản chất nghệ sĩ và cảm hứng sáng tạo của con người. Thị hiếu là năng lực định giá thẩm mĩ (năng lực nhận biết, đánh giá cái đẹp). Nó giúp con người có khả năng phân biệt cái đẹp, cái xấu; cái thẩm mĩ với cái phi thẩm mĩ, nhận ra nét bi và hài trong các sự vật và hiện tượng, làm giàu kho kinh nghiệm thẩm mĩ, mài sắc các giác quan thẩm mĩ. Thường xuyên tiếp xúc với văn học nghệ thuật ta sẽ thành người sành sỏi, tinh tế, nhạy bén có chuẩn mực đánh giá riêng của mình để phân biệt cái đẹp và không đẹp trong văn học và trong cuộc sống quanh ta. Từ đó, đánh thức bản chất nghệ sĩ và niềm say mê sáng tạo trong mỗi cá nhân.

* Chức năng giao tiếp:

Nói đến giao tiếp là nói đến sự giao lưu, thông báo, trao đổi. Nghĩa là ở đây có vấn đềngười nói, người nghe, người gửi, người nhận và phương tiện để để liên hệ. Ở khâu sáng tác người viết mỗi khi cầm bút là muốn giãy bày, chia sẻ, cần nói ra,không nói ra không được. Sống cần phải giao tiếp nếu không giáo tiếp có nghĩa là không sống. Vì thế con người sử dụng nghệ thuật như là một con đường quan trọng để giao lưu với nhau chẳng khác nào như cây cối cần giao lưu với không khí và ánh sáng mặt trời. Sáng tác đầu tiên là muốn giãi bày, mang những tâm tư trăn trở của nhà văn tác động vào người khác. Ở mức độ thấp nó gợi sự chia sẻ, đồng cảm, ở mức độ cao hơn nótrở thành “tiếng nói đồng ý, đồng tình “ (Tố Hữu ), thành sợi dây liên két, tiếng kèn tập hợp. Lúc đó nó không chỉ là hoạt động của một người hướng đến một người mà trở thành hoạt động giao tiếp rộng rãi của mọi người. Trong hoạt động giao tiếp này nhà văn không phải là người đưa tin truyền tinmột cách bình thường chỉ đơn giản là truyền tải thông tin. Vì tác phẩm văn học chứa đựng tư tưởng tình cảm và mang khuynh hướng xã hội rõ nét. TPVH không đơn thuần là thông báo sự kiện, tri thức mà thể hiện thái độ của con người trước cuộc sống, những suy nghĩ của con người trước cuộc sống. Tác phẩm văn học đưa con người xích lại gần nhau không phải bằng không gian, thời gian mà bằng tình cảm, tinh thần. Tác phẩm nghệ thuật nối liền tác giả - người đọc – người đọc xích lại gần nhau hơn: họ quen nhau, hiểu nhau qua giao tiếp bằng tác phẩm nghệ thuật. Đặc biệt nhờ nghệ thuật con người có thể giao lưu cả quá khứ - hiện tại – tương lai, mang tiếng nói của dân tộc này đến dân tộc khác, thế hệ trước đến thế hệ sau; nó khắc phục khoảng cách về không gian và thời gian đem lại sự giao tiếp nhiều chiều, đem con người trở nên gần nhau hơn.

Vì vậy “Chừng nào tâm hồn một con người cần đến với một tâm hồn khác, chừng đó tác phẩm nghệ thuật còn cần thiết cho con người (Dêgơcx ).

* Chức năng giải trí:

Bên cạnh thức năng giao tiếp, văn học còn là nơi để chúng ta giải trí, nhưng đây không phải là giải trí thông thường mà là sự giải trí có tính nghệ thuật. Một sự giải trí nhẹ nhàng, thanh cao và trong sáng. Có nghĩa là sự giải trí trong văn học không những giúp chúng ta giải tỏa bớt sự căng thẳng mệt nhọc đem lại phút giây thư giãn mà khi đắm mình trong không gian nghệ thuật ấy, văn học thanh lọc tâm hồn thúng ta thêm trong và cung cấp thêm những hiểu biết về cuộc sống, xã hội, học tập,… có lẽ văn học đã đem đến cho nhân loại chúng ta một cách nghỉ ngơi khá lí thú, như Ranh Gamzatop đã từng nói nó vừa là nơi nghỉ ngơi vừa là cuộc hành trình khiến ta hứng thú . Chính vì vậy, giải trí bằng văn học vừa mang lại niềm vui phấn khích.như các hình thức vui khác, vừa làm cho con người trở nên có văn hóa hơn, hiểu và sáng yêu hơn.

Những chức năng của văn học không tồn tại tách rời mà gắn bó chặt thẽ với nhau, làm tốt chức năng này thì đồng thời cũng tạo điều kiện để các chức năng khác phát huy tác dụng. Toàn bộ các chức năng của văn học luôn tác động qua lại với nhau, luôn tồn tại trong mối quan hệ chuyển hóa nhân quả, và tùy theo điều kiện lịch sử cụ thể của sự phát thẩn văn học ở các thời đại khác nhau, các dân tộc khác nhau, mối tương quan và trọng tâm của các chức năng cũng thay đổi. Điều đó đòi hỏi khi xem xét chức năng của văn học phải có quan điểm lịch sử đúng đắn.

Nội dung 5: NHÀ VĂN VÀ QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC

I. NHÀ VĂN

1. Thiên chức nhà văn

- Thiên chức của vị sứ giả văn hóa: Nhà văn sáng tạo ra tác phẩm mang tính cầu nối để con người đến với con người, thời đại này đến với thời đại khác, nền văn hóa này đến với nền văn hóa khác...

- Thiên chức sáng tạo: Nhà văn Nam Cao từng nói rằng: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối”. Đúng vậy nghệ thuật phải nên là ánh trăng tỏa sáng đẹp nhất lung linh nhất, nhưng cũng phải chân thật, dịu dàng nhất. Dấn thân vào con đường nghệ thuật, người nghệ sĩ phải luôn là những người lao động sáng tạo.

Quá trình lao động sáng tạo ấy là để tạo ra:

+ Những tác phẩm mới mẻ về nội dung (thể hiện những khám phá phát hiện về đời sống, phát hiện ra cái đẹp cả ở những nơi không ngờ tới).

+ Tạo ra sự mới mẻ về hình thức nghệ thuật (sáng tạo ra những hình thức nghệ thuật mới lạ, hướng đến sự hoàn mĩ).

+ Tạo ra cái độc đáo (phong cách riêng): Nhà văn Nguyễn Tuân đừng bày tỏ quan điểm của mình: “ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo”. Trong lĩnh vực nghệ thuật cũng vậy văn trương luôn cần sự đổi mới và cách tân của người nghệ sĩ. Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Mỗi chúng ta sinh ra đều có rất nhiều cách chọn cuộc sống cho riêng mình, cũng như đối với nghệ sĩ đều có quan điểm đến với nghệ thuật cá nhân. Nguyễn Đình Thi từng nói: “ bắt rễ từ cuộc đời, hàng ngày văn nghệ lai tạo sự sống cho con người”, “ Nghệ thuật là sự mô phỏng tự nhiên” (Ruskin) và “ cuộc đời là nơi xuất bản, cũng là nơi đi tới của văn học” ( Tố Hữu). Nghệ sĩ là người luôn bày tỏ suy nghĩ quan điểm, cảm nhận của mình trước mọi biến thái của cuộc đời theo những cách khác nhau và từ đó mang đến cho người đọc những rung cảm khác nhau. “ nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo” (Nguyễn Tuân), vì vậy mỗi nhà văn cần phải không ngừng sáng tạo biến tấu và theo dõi theo tác phẩm văn học của mình những điều mới mẻ, mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là “ phát minh mới về hình thức và khám phá về nội dung”. Văn học không quá đòi hỏi sự cầu kỳ, văn học đòi hỏi sự sáng tạo. Mỗi nhà văn đến với nghệ thuật muốn ghi dấu ấn trong nền văn chương thì cần phải có phong cách, quan điểm sáng tác riêng không lẫn với bất kỳ người nào khác, “Không có tiếng nói riêng không mang lại những điều mới mẻ cho văn chương mà chỉ biết dẫn theo đường mòn thì tác phẩm nghệ thuật sẽ chết” (Lêônit lêônốp).

Người nghệ sĩ không được dẫm theo dấu chân của người khác, phải là người biết “khơi những nguồn chưa ai khơi”, hoặc đổi mới những điều mà “ ai cũng biết cả rồi”. Nghệ thuật chân chính đòi hỏi những tiêu chí cao như vậy. Bởi lẽ nếu tác phẩm nghệ thuật không có sức sáng tạo, nhà văn không tạo ra phong cách con đường riêng của mình thì văn chương sẽ chẳng có ý nghĩa gì với cuộc đời. Tạo ra phong cách riêng, con đường riêng, sáng tác riêng của mình người nghệ sĩ sẽ tạo ra sự sáng tạo trong tác phẩm thể hiện được khả năng cá nhân và gây được ấn tượng trong lòng người đọc

- Hướng con người đến cái đẹp, cái thiện, cái cao cả (chân-thiện-mĩ): Nhà văn phải là “ những nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Bàn về thiên chức của nhà văn và nhiệm vụ của văn chương Lã Nguyên đã có ý kiến: “ mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Nhưng tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân, thiện, mỹ quy luật nhân bản. Nhà văn chân chính có sứ mệnh khởi nguồn cho dòng sông, phân lọc đổ ra đại dương nhân bản mênh mông. Kể cả khi phản ánh cái xấu xa, đê tiện thì vẫn là để hướng con người đến cái đẹp, cái thiện.

=> Nhà văn phải là người có ý thức trách nhiệm với cuộc đời, có cái nhìn đúng về cuộc sống con người và sứ mệnh nghệ thuật để từ đó bằng tài năng và tâm huyết sang tạo được những tác phẩm có ích cho đời và bền vững với thời gian.

2. Tư chất nghệ sĩ:

- Giàu tình cảm:

Tình cảm ở người nghệ sĩ ấy chính là trái tim mãnh liệt và nồng cháy của mình trước cuộc sống và cả trong sáng tác. Bởi tình cảm trong nhà văn như yêu, ghét, vui, thương mến hay căm giận, hờn dỗi đều đến độ mãnh liệt. “Gặp cái gì hay và đáng yêu thì họ ôm choàng lấy, nếu gặp điều đáng giận thì họ sẽ bác bỏ…Phải kịch liệt công kích cái sai như đã từng nhiệt liệt ủng hộ cái đúng, ôm chặt người yêu như thế nào thì nghiến chặt kẻ thù như thế" (Lỗ Tấn). Và nhà văn là người sáng tạo ra cái đẹp nghệ thuật cho con người và cuộc đời nên người nghệ sĩ ấy không thể thiếu được một trái tim mãnh liệt, phong phú và sâu sắc.

- Sự mẫn cảm đặc biệt:

+ Con người ai cũng có yêu, ghét, vui buồn… nhưng nhà văn phải là người nhạy cảm, dễ xúc động. Vì trái tim người nghệ sĩ không rung động thì sẽ không thể thăng hoa cảm xúc để cho ra đời những tác phẩm hấp dẫn và ý nghĩa "Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt để thể hiện sự nồng cháy trong lòng" (Sóng Hồng)

+ Tâm hồn nhạy cảm, sự mẫn cảm đặc biệt với đời như vui buồn hay trăn trở với những điều người khác cho là bình thường có thể gạt bỏ đi một cách dễ dàng, đó cũng là một trong những cách thể hiện tình cảm ở người nghệ sĩ.

- Tâm hồn phong phú:

Người nghệ sĩ là người tạo ra cái đẹp cho cuộc đời, vì thế chắc chắn sẽ không thể thiếu đi một tâm hồn phong phú. Người nghệ sĩ có một tâm phong phú sẽ là người luôn biết tự tìm hiểu, khám phá, suy tưởng.... Với một tâm hồn phong phú, người nghệ sĩ có thể hóa thân thành người trong cuộc, có thể nói lên kể cả những tiếng nói sâu kín nhất, “sản phẩm mà họ tạo ra sẽ mãi là những kiệt tác văn chương, đi sâu vào lòng độc giả.

- Nhân cách đẹp:

Bản chất của văn học là hướng con người tới vẻ đẹp chân thiện mĩ, những đạo lí đẹp, bồi dưỡng cho tâm hồn con người những ánh sáng thiện tâm lấp lánh vẻ đẹp của trí tuệ và ấm áp tình người. Vì thế nhà văn mỗi khi cầm bút, tâm thế cũng phải vằng vặc sao khuê mới có thể nhả chữ châu ngọc cho đời. Nói rõ hơn chính là muốn trở thành nhà văn phải là những người có nhân cách.

Người nghệ sĩ khi viết một tác phẩm phải trung thành với sự thật. Cuộc sống có như thế nào thì nói như thế ấy, phải trung thực với cuộc sống chứ không phải trung thành với một cá nhân nào khác. Nguyễn Khuyến trong di thúc từng viết: “không chỉ trung thực khi thể hiện niềm vui, tinh thần lạc quan mà trung thực cả khi bộc lộ sự mất mát, đớn đau”.

Không phải bất cứ nhà văn nào cũng đầy đủ những tư chất nghệ sĩ nói trên, mặc dù những mặt đó chưa phải là tất cả và những tư chất ấy công cô lập mà hoà nhập vào - nhau, xuyên thấu vào nhau và dựa vào nhau mà phát huy tác dụng. Ta cũng biết những tư chất của một nghệ sĩ như trên thì luôn ẩn chứa bên trong mỗi con người, như M.Gorki đã viết: “Tôi tin chắc rằng mỗi người đều mang trong mình những năng khiếu của người nghệ sĩ”. Vì có những tư chất ấy mà người nghệ sĩ đã truyền tải vào trong tác phẩm của mình và tạo được sự đồng cảm, tạo nên nhiều tài năng cho văn học nghệ thuật hay ở đây chính là những nhà văn xuất chứng.

- Các tiền đề của tài năng

+ Tưởng tượng, liên tưởng phong phú, độc đáo: Là dấu hiệu quan trọng nhất của tài năng nghệ thuật, là sức mạnh chủ yếu của quá trình sang tạo, là biện pháp quan trọng của kĩ thuật xây dựng hình tượng giúp nhà văn tạo ra thế giới nhân vật phong phú và tổ chức tác phẩm với sự toàn vẹn của nó

- Tài quan sát tinh tế rộng rãi: Nhà văn là người có thói quen và năng khiếu quan sát tinh tế đến tận ngóc ngách của đời sống. Nhiều khi những chi tiết nhỏ nhặt, vụn vặt trong con mắt người bình thường nhưng nhà văn lại phát hiện được ý nghĩa sâu xa, lí thú có ý nghĩa khái quát trong từng chi tiết.

- Giàu trải nghiệm đời sống:

- Tích lũy vốn sống:

II. QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC

- Văn học là một loại hình nghệ thuật đặc biệt mà điểm xuất phát cũng như đích đến đều là những vẻ dẹp của cuộc sống. Văn học luôn hướng con người ta vươn đến chân trời chân thiện mĩ giúp gìn giữ và bồi dưỡng tâm hồn, tinh thần nhân văn, nhân đạo trong mỗi con người. Vì thế mà văn học phản ánh khá toàn diện và sâu sắc mọi mặt đời sống bằng ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật thông qua tác phẩm văn học. Nhưng để có được một tác phẩm đặc sắc thì mỗi nhà văn phải trải qua cả một quá trình sáng tác hết sức công phu, tì mi và lâu dài. Con đường sáng tác một tác phẩm tâm đắc đối với mỗi nhà văn thì không giống nhau nhưng trong quá trình ấy, cái chung cơ bản như sau.

1. Quan sát, trải nghiệm

- Sáng tác văn chương là hành trình âm thầm, lặng lẽ không ngừng dấn thân để khám phá và miêu tả đời sống. Từ muối mặn, phù sa, hương sắc cuộc đời nhà văn phải sống hết mình với cuộc đời để cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Người nghệ sĩ phải ngụp lặn trong bề đời để tìm ra chất vàng mười gửi vào trang sách, thậm chí chắt lọc từ nỗi đau của mình để tạo nên những viên ngọc văn chương quý giá.

- Có thể ví quá trình sáng tạo của nhà văn như hành trình của bầy ong tạo ra mật ngọt. Từ cuộc đời muối mặn nhà văn chắt lọc các vấn đề từ hiện thực đời sống để đưa vào trang sách bằng tất cả sự mẫn cảm đặc biệt của mình

2. Cảm hứng sáng tác

- Có thể ví cảm hứng như là chất men của sự sáng tạo. Trước cuộc sống với những vận động phức tạp nhà văn luôn có những cảm nhận, suy nghĩ, tình cảm, rung động. Bằng sự mẫn cảm đặc biệt đến một lúc nào đó tâm hồn nhà văn chứa đầy cảm xúc mãnh liệt và có nhu cầu giải phóng nội tâm. Nhà văn tìm đến tác phẩm văn chương, kí gửi những tâm tư, tình cảm đến người đời để tìm sự đồng điệu.

=> Cảm hứng sáng tác chỉ thực sự xuất hiện khi tình cảm, cảm xúc đạt đến mãnh liệt, cao độ, tràn đầy đòi hỏi phải được biểu hiện qua nội dung và hình thức nghệ thuật. Cảm hứng sáng tạo là một sự thôi thúc, tạo đà cho nhà văn cầm bút viết. Cảm hứng chính là nguồn gốc trực tiếp của sang tạo nghệ thuật.

3. Hình thành ý đồ sáng tác và viết thành tác phẩm

a. Đây là quá trình:

- Tìm đến nội dung: Chủ đề, đề tài, tư tưởng

- Tìm đến hình thức nghệ thuật: Thể loại, ngôn từ, kết cấu, hình ảnh…

=> Trải qua quá trình sáng tạo, nhào nặn của người nghệ sĩ, hiện thực đời sống không còn là hiện thực đơn thuần nữa mà nó là hiện thực được phản ánh qua cách nhìn, lăng kính và tài năng của nhà văn. Qua sự sáng tạo của nhà văn, tác phẩm văn học trở thành chất men say, trở thành cái đẹp khiến trải qua thăng trầm vẫn lôi cuốn bạn đọc, hướng con người đến chân- thiện-mĩ (Cái đẹp ở đây được hiểu bao gồm cả nội dung và hình thức nghệ thuật).

- Với tác phẩm văn học, nhà văn đã bất tử hóa hiện thực để giữ hộ cho con người "Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày". Đó chính là hiện thực cuộc sống, lẽ sống, tư tưởng, thông điệp thẩm mĩ mà nhà văn muốn lưu lại cho đời và chuyển tải cho người đọc. Như vậy, quá trình sáng tạo tác phẩm văn học không chỉ tuân thủ quy luật phản ánh hiện thực mà còn phù hợp với chức năng của văn học.

b. Các giai đoạn sáng tác:

Đối với một nhà văn chuyên nghiệp thì có thể nói suốt cuộc đời là một quá trình
chuẩn bị sáng tạo và sáng tác không ngừng. Trong quá trình sáng tác của các nhà văn cô
thể chia thành các khâu: hình thành ý đồ, thiết lập sơ đồ, viết và sửa chữa. Các khâu này
không hoàn toàn phấn biệt một cách rạch ròi, mà có thể xen kẽ, gối đầu nhau và trong
quá trình sáng tác có thể thêm hoặc bớt, tuỳ theo thể loại văn học khác nhau.

- Giai đoạn hình thành đồ sáng tác:

+ Trước hết, ý đồ được khơi nguồn từ những niềm xúc động trực tiếp trước một con người hay sự kiện mang ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống. Tồ Hoài có ý định viết “Truyện Tây Bắc” do xúc động trước cảnh vợ chồng chị Lý tiễn mình về trong chuyến đi thực tế ở Tây Bắc năm 1952.

+ Ý đồ sáng tác có thể bắt nguồn trực tiếp từ những nhiệm vụ giáo dục và đấu tranh tư tưởng. Nhiệm vụ chính trị tư tưởng được tác giả đặt ra chủ động có ý thức như là một kế hoạch đã vạch sẵn và không bao giờ là những ý niệm, tín điều trừu tượng... Ý đồ sáng tác cũng có thể bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian, một lí thuyết khoa.học, một hồi tưởng hay liên tưởng nào đó trong cuộc đời. Bất kì ý đồ nào cũng liên quan đến quan niệm và sự hiểu biết về cuộc đời, lòng quan tâm, ước mơ vô lí tưởng của nhà văn.

+ Ý đồ sáng tác của các nhà văn không đứng yên mà có thể thay đổi và phát triển, nhất là trong những tác phẩm tự sự bởi nhà văn phải đối diện với nhiều biến cố trong cuộc sống hằng ngày, vây nên trong thời gian khá dài, nhà văn mới có thể cho ra đời một tác phẩm hoàn chỉnh và chính xác nhất.

- Giai đoạn chuẩn bị:

+ Từ giai đoạn hình.thành ý đồ đến giai đoạn viết thành một tác phẩm hoàn chỉnh là cả một quá trình hoàn thiện dẫn qua khâu chuẩn bị rất công phu và đầy đủ về nhiều mặt. Chuẩn bị càng kĩ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Sự chuẩn bị trong thơ trữ tình không hẳn đã nghiêng về thu thập tài liệu mà là sự chuẩn bị về suy nghĩ và cảm xúc. Quá trình này diễn ra âm thầm trong tâm trí của các nhà văn và đến khi cảm xúc đã thật đầy đủ thì những vần thơ sẽ hoàn thành.

+ Sự chuẩn bị trong sáng tác thơ trữ tình có khi xảy ra rất nhanh nhưng không hiếm những bài thơ phải thai nghén trong hàng chục năm trời. Chẳng hạn, bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương, Huy Cận định viết từ năm 1940. Khi còn học ở trường cao đẳng canh nông, ông muốn viết về cuộc đời và con người trầm luân thể hiện qua những pho tượng. Sau Cách mạng tháng Tám, ông nhiều lần đến chùa Tây Phương để nuôi dần độ chín của cảm xúc và suy nghĩ. Mãi đến 1960, với chỗ đứng và tầm nhìn mới, ông đã phát hiện thêm nhiều vấn đế về tâm hồn, tình cảm của nhân dân ta trước đây gửi gắm qua những pho tượng và ông đã hoàn thành tác phẩm vào dịp đó.

+ Trong văn xuôi có khác hơn so với thơ trữ tình. Bước đầu tiên của giai đoạn chuẩn bị, nhà văn phải thú thập tài liệu, phải nghiên cứu mảng hiện thực mà mình định tái hiện, tìm hiểu, các nguồn tư liệu lịch sử, các hồi kí, đi thực tế ở những nơi xảy ra sự kiện đó.

- Giai đoạn lập sơ đồ:

+ Quá trình này nhằm hệ thống hóa những điếu đã quan sát và thu thập được những ấn tượng, hình ảnh và cảm nghĩ vào trong một chỉnh thể, nó là “phương án tác chiến”, là bản phác thảo cho nhà văn trước khi viết, là con đường tìm những phương án tối ưu về mặt thẩm mĩ. Đây là một bước khá phức tạp vì nhà văn xử lí hàng loạt mối quan hệ: quan hệ giữa bộ phận và toàn thể, giữa các phần, chương, đoạn, giữa các tuyến nhân vật trong quá trình phát triển. Cũng có một số nhà văn không coi trọng việc lập sơ đồ. Tố Hữu nói: “Tôi làm thơ không có dàn bài. Tôi không biết được bài thơ đến bao giờ thì hết, không biết bao giờ nó dừng lại. Tôi nghĩ sẽ có lúc làm một bài thơ nào đó cũng cần có những ý lớn làm mốc, nhưng không thể có một dàn bài”. Tuy Tố Hữu nói thế nhưng những nhà văn phải chú ý cần có những ý lớn làm mốc.

- Giai đoạn viết:

+ Giai đoạn viết là khâu quan trọng nhất của quá trình sáng tác. Đó là một giai đoạn khó khăn phức tạp, một quá trình lao động căng thẳng, tràn ngập niềm vui và nỗi buồn, đầy cảm hứng và lo âu, băn khoăn và suy tính.

+ Khó khăn nhất là viết những dòng đầu tiên. Khi nhà văn viết được vài dựng thì họ sẽ cảm thấy như được sống cùng với các nhân vật, đang được nhìn ngắm, tâm sự, tranh luận với chúng. Quá trình nhập thân của nhà văn càng sâu sắc bao nhiêu thì các trang viết còn cụ thể, sinh động bấy nhiêu. Khi viết bài thì các nhà văn phải thay đổi chút ít, phải bồi đắp da thịt thì bài viết mới hay và sống động được.

+Trong giai đoạn viết, nhà văn phải vật lộn với từng chữ, một sự thống nhất chứa đầy mâu thuẫn giữa tình cảm, lí tưởng của nhà văn và thực tế cuộc sống. Ở các nhà văn khác nhau có người viết nhanh có người viết đều và chậm rãi. Điều đó phụ thuộc vào phong cách sáng tạo, đặc điểm và tính cách, thói quen cửa các nhà văn. Dĩ nhiên, còn phụ thuộc vào tính chất phức tạp của đề tài.

- Giai đoạn sửa chữa:

+ Giai đoạn cuối cùng của quá trình sáng tác là sửa chữa. Bước vào giai đoạn này, nhà văn mới có cơ hội nhìn bao quát thành quả của mình, hoàn thiện nó để đạt đến tính tư tưởng, tính nghệ thuật theo ý đồ mong muốn mới nhất và cao nhất lúc đó. Trên thực tế, có một số nhà văn không muốn và cho rằng không cần sửa chữa. La-mác-tin cho rằng “sáng tác thơ ca là một cái gì đó vô chủ mà thiêng liêng, nhà văn không có quyền sửa chữa”. Nhưng hầu hết các nhà văn phải trải qua giai đoạn sửa chữa khá công phu sau khi hoàn thành bản thảo lần thứ nhất. Huy Cận viết bài thơ Tràng giang cũng phải trải qua mười bảy lần sửa bản thảo. Cu-pơ - nhà văn lãng mạn Anh nói: “Những sửa chữa áp đi áp lại không biết mệt mỏi là bí quyết hầu như của bất cứ tác phẩm nào đạt, nhất là của thơ mà dù có một số tác giả khoe mẽ về tình cẩu thả của họ, còn một số những người khác thì lại từng đỏ mặt khi đưa ra có ban nháp của mình”. Bô-đơ-le đã làm chậm kế hoạch in hàng năm tháng tác phẩm Những tác phẩm tội ác và đã bị nhà xuất bản phản đối chỉ vì như ông đã nói: “Tôi đáng vật lộn để chống lại ba mươi câu thơ viết tồi vẩn dở, khó chịu, không đạt yêu cầu”.

......................

Nội dung chi tiết 68 trang chuyên đề lí luận Văn học lớp 11 mời các bạn xem trong file tải về.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 137
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm