Nhận xét về tình cảm của nhà thơ với mảnh đất và con người thôn Vĩ qua khổ thơ đầu

Cảm nhận về tình cảm của nhà thơ Hàn Mặc Tử với mảnh đất và con người thôn Vĩ qua khổ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Hình ảnh thôn Vĩ Dạ hiện lên qua những vẫn thơ của Hàn Mặc Tử mang một vẻ đẹp yên bình, hoài cổ và đậm nét đẹp xưa xứ Huế. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc một số nhận xét về tình cảm của nhà thơ với mảnh đất và con người thôn Vĩ qua khổ thơ đầu để thấy được tình cảm của nhà thơ Hàn Mặc Tử với mảnh đất và con người thôn Vĩ.

Mời các bạn cùng tham gia group Bạn Đã Học Bài Chưa để cập nhật các kiến thức mới bổ ích về học tập cùng với Hoatieu nhé.

Cảm nhận về tình cảm của nhà thơ Hàn Mặc Tử với mảnh đất và con người thôn Vĩ

1. Cảm nhận về tình cảm của nhà thơ Hàn Mặc Tử với mảnh đất và con người thôn Vĩ qua khổ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Phương pháp giải:

Phân tích, tổng hợp, bình luận.

Giải chi tiết:

Cảm nhận tình cảm của nhà thơ với đất và người thôn Vĩ:

- 4 câu thơ đã đặc tả vẻ đẹp của phong cảnh và con người xứ Huế sinh động tràn đầy sức sống, cảnh thì đẹp dáng, đẹp màu, người thì đẹp lòng, đẹp nết (dẫn chứng).

- Lời thơ tha thiết chứa đựng cả 1 tình yêu, 1 niềm khao khát. Có lẽ nhà thơ hiểu rất rõ hoàn cảnh thực tại đầy đau đớn của mình, hiểu rằng cảnh và người thôn Vĩ mãi mãi chỉ là trong mộng mà thôi.

- Tuy nhiên, buồn mà không tuyệt vọng, đau khổ mà vẫn ước mơ, hồn thơ dạt dào sức sống ấy chỉ hồi tưởng 1 cuộc gặp gỡ trong tâm linh mà niềm vui như thấm vào đường nét của cảnh vật, nghe như có tiếng thì thầm reo vui của cuộc hội ngộ đích thực trong hiện tại.

2. Dàn ý cảm nhận khổ đầu trong Đây thôn Vĩ Dạ

a. Mở bài:

- Giới thiệu nhà thơ Hàn Mặc Tử và tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ.

- Dẫn dắt ấn tượng để đi vào phân tích khổ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

b. Thân bài:

- Câu 1: Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

+ Một câu hỏi của chính tác giả.

+ Sự độc đáo trong dùng từ, 7 chữ nhưng 6 chữ là thanh bằng.

+ Cho thấy nỗi buồn tha thiết, tiếc nuối của tác giả.

+ Câu hỏi gợi lên sự trách móc thầm của nhân vật trữ tình.

- Câu 2: Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên:

+ Câu thơ cho ta thấy cảnh vật bừng sáng hơn nhờ ánh nắng.

+ Nắng lan tỏa đến khắp nơi, mang một sắc màu đẹp đẽ.

+ Câu thơ làm bật lên vẻ đẹp của thôn Vĩ Dạ.

- Câu 3: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc:

+ Một vẻ đẹp xanh như ngọc “mướt”, một trạng thái rất ấn tượng.

+ Bên cạnh sự gần gũi cũng có sự xa lánh và tự xa rời.

- Câu 4: Lá trúc che ngang mặt chữ điền:

+ Con người như hòa vào thiên nhiên, như ẩn sau thiên nhiên.

+ Tạo nên một vẻ đẹp riêng của phố Huế.

c. Kết bài:

- Nêu cảm nhận của em về khổ một bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

3. Cảm nhận về tình cảm của nhà thơ Hàn Mặc Tử với mảnh đất và con người thôn Vĩ

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào Thơ mới. Tuy có cuộc đời nhiều bi thương nhưng qua hồn thơ phong phú, sáng tạo, đầy bí ẩn, người đọc vẫn cảm nhận được một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế của ông. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những sáng tác để đời của Hàn Mặc Tử, đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Chính vì vậy, qua bao nhiêu thế hệ, người ta có ba ý kiến nhận định về bài thơ: đó là bài thơ về tiếng nói trăn trở của mối tình thầm kín; là lời yêu thương vói một miền quê; là niềm khao khát được sống trong niềm sẻ chia, đồng cảm được trở về với cuộc đời. Đoạn thơ đầu của thi phẩm đã thể hiện một cách thật tha thiết, xúc động những tâm tình ấy.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

“Đây thôn Vĩ Dạ” được Hàn Mặc Tử viết khi đang mắc bệnh nan y – bệnh phong, căn bệnh khiến nhiều người xa lánh, hắt hủi ông nên ông luôn mang trong mình nỗi niềm khao khát được sẻ chia, đồng cảm, muốn trở về với cuộc đời. Nằm trong bệnh viện và nhận được tấm bưu thiếp của người con gái ông thầm thương trộm nhớ, Hàn Mặc Tử lấy đó làm cảm hứng để bài thơ được ra đời. Qua đó, ông đã vẽ nên bức tranh phong cảnh và cũng là tâm cảnh, thể hiện nỗi niềm cô đơn của ông về một mối tình đơn phương xa xăm vô vọng. Không chỉ vậy, bài thơ cũng là tấm lòng yêu tha thiết của nhà thơ đối với thiên nhiên, cuộc sống, con người xứ Huế.

Mở bài bài thơ, tác giả đã sử dụng câu hỏi tu từ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?” vừa như một lời chào thân mật vừa như lời trách móc nhẹ nhàng của cô gái thôn Vĩ. Không thô lỗ, bỗ bạ mà hết sức ân cần, tế nhị. Vì thôn Vĩ có em, vì thôn Vĩ là quê hương anh, là nơi thân thiết của anh. Tuy nhiên, có thể hiểu đây là lời tự nhủ, tự trách của tác giả. Ông tự hỏi bản thân sao bấy lâu nay không về thăm lại vùng đất ấy, thôn quê ấy. Ông khao khát được về thăm quê hương, nỗi nhớ thương mảnh đất ấy cứ đau đáu mãi. Ngặt nỗi, lúc ấy Hàn Mặc Tử đang bị bệnh, làm sao có thể trở về được mà cũng có thể mãi không trở về được…

Qua ba câu thơ sau, khung cảnh thiên nhiên và con người hiện lên trong hoài niệm, tưởng tượng của Hàn Mặc Tử rất đỗi bình dị, quen thuộc:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Nắng mới lên là nắng sớm buổi bình minh. Ánh sáng tinh khôi, rực rỡ ấy làm sáng bừng không gian rộng lớn, khoáng đạt của xứ Huế. Điệp từ “nắng” không chỉ thể hiện sự tràn ngập ánh sáng, sức sống mà còn bộc lộn tâm hồn luôn hướng về ánh sáng, hướng về cuộc đời của Hàn Mặc Tử. Câu thơ ấy đã vẽ nên một hàng cau đầy sức sống, mãnh liệt đang vươn lên đón lấy những tia sáng đâu tiên của buổi sớm. Nhớ đến Vĩ Dạ, nhà thơ nhớ đến hàng cau đầu tiên. Bởi lẽ hình ảnh hàng cau, vun vút cao quá đỗi quen thuộc đối với người dân thôn Vĩ. Nhịp thơ 1/3/3 như bước chân khoan thai của bất kì vị khách nào, trầm ngâm nhìn nắng mới lên trên những hàng cau xanh biếc rạng ngời.

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Câu thơ như lời khen ngợi, trầm trồ, ngạc nhiên thốt lên trước vẻ đẹp thanh tao, mơn mởn của cỏ cây, thiên nhiên. Vườn ai ? Phải chăng là vườn nhà em ? Cảnh cũ người xưa nhưng vì lâu chưa về nên mới thốt lên ngỡ ngàng như vậy. Tác giả dùng biện pháp tu từ so sánh “xanh như ngọc” và từ “mướt”, như vậy có thể thấy thôn Vĩ không chỉ xinh đẹp mà còn rất trù phú. Câu hỏi tu từ “Vườn ai mướt quá” như tiếng reo của trẻ thơ, một tiếng reo trong sung sướng, một lời trầm trồ khen ngợi buột ra tự nhiên khi chợt nhận ra vẻ đẹp bất ngờ của khu vườn. Tưởng chừng như nghe thấy tiếng nhựa sống đang chảy trong cây. Tất cả đều rạo rực, đều đầy sức sống. Chỉ có vườn xuân mới xanh mướt, phì nhiêu đến vậy. Hay chỉ có vườn nhà em mới đẹp đẽ, hữu hình đến thế.

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Nhắc đến con gái Huế, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh cô gái duyên dáng, thướt tha trong tà áo dài tím mộng mơ cùng chiếc nón lá trắng, dịu dàng, yểu điệu mà tinh tế. “Mặt chữ điền” chỉ tướng mạo phúc hậu, dịu dàng. “Lá trúc che ngang” là một nét vẽ tài tình, gợi lên hình ảnh gương mặt thấp thoáng của thiếu nữ. Một nét vẽ ấy đã miêu tả vẻ đẹp thanh tao, dịu dàng. Một nét vẽ ấy đã vẽ ra dáng vẻ e lệ, ẩn sau lá trúc của người con gái. Và chính hình ảnh cô gái e lệ thấp thoáng sau những lá trúc càng chứng tỏ “vườn ai” và vườn cô gái đứng chỉ là một. Thiên nhiên và con người dưới ngòi bút đầy sắc sảo của Hàn Mặc Tử đã kết hợp hài hòa với nhau tạo nên một bức tranh phong cảnh tươi đẹp, đầy sức sống và có sức hút lạ lùng.

Bằng âm điệu tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng, Hàn Mặc Tử đã vẽ nên một bức tranh thôn Vĩ Dạ thật mơ mộng, bình dị. Qua đó cho thấy tình yêu to lớn của ông đối với mảnh đất yên bình, trù phú này. Tuy nhiên, ẩn sau mỗi ý thơ là nỗi niềm luyến tiếc, vấn vương về người và cảnh nơi đây. Ông vấn vương, trăn trở về mối tình thầm kín của mình với người con gái thôn Vĩ. Ông vấn vương, thương nhớ về cảnh sắc tươi đẹp của thôn Vĩ. Nhưng tất cả đối với nhà thơ thời điểm ấy chỉ còn là hoài niệm.

Nếu ở khổ một là không gian vui tươi, đầy sức sống thì ở phần còn lại của bài thơ, giọng thơ chùng xuống, ảm đạm hơn nhiều. Chính xác hơn, bắt đầu từ khổ hai, Hàn Mặc Tử đã bộc lộ tâm trạng đau buồn, u uất của mình. Lúc bấy giờ, ông mắc bệnh phong, căn bệnh khiến ông bị mọi người xa lánh. Sống trong lãnh cung của sự chia lìa, tác giả ao ước, khát khao một vị tri âm, tri kỉ. Ông khao khát hơn bao giờ hết về sự sẻ chia, giao cảm. Ông khát khao tình người, tình đời, hạnh phúc. Ông khát khao được trở về cuộc sống bình thường, được trở về thôn Vĩ Dạ. Ông biết căn bệnh hiểm nghèo của mình, biết thời gian minh còn rất ít. Vậy nên nhà thơ vừa như bồn chồn, lo lắng vừa như hy vọng một cái gì đó sẽ rời xa. Đây chính là nỗi niềm ao ước tha thiết cùng nỗi buồn man mác khi tác giả hoài niệm của tác giả.

Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp lãng mạn đầy sức gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng, Hàn Mặc Tử đã họa nên bức tranh nên thơ, tươi đẹp của một miền quê. Và ẩn sau đó không chỉ là tiếng nói trăn trở của mối tình thầm kín hay lời yêu thương với một miền quê mà còn là nỗi niềm khao khát được đồng cảm, được trở về với cuộc đời.

“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người. Bài thơ như bông hoa rực rỡ giữa rừng hoa của văn học nước nhà. Qua đó cho thấy tâm hồn thanh khiết, yêu đời dù là trong lúc khổ đau, tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử.

4. Cảm nhận của em trong khổ 1 bài Đây thôn Vĩ Dạ

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào Thơ mới. Tuy có cuộc đời nhiều bi thương nhưng qua hồn thơ phong phú, sáng tạo và đầy bí ẩn, người đọc vẫn cảm nhận được một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế của ông. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những sáng tác nổi tiếng của Hàn Mặc Tử đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Chính vì vậy, qua bao nhiêu thế hệ, người ta có ba ý kiến nhận định về bài thơ: Đó là bài thơ về tiếng nói trăn trở của mối tình thầm kín; là lời yêu thương với một miền quê; là niềm khao khát được sống trong niềm sẻ chia, đồng cảm được trở về với cuộc đời. Đoạn thơ đầu của thi phẩm đã thể hiện một cách thật tha thiết, xúc động những tâm tình ấy.

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

“Đây thôn Vĩ Dạ” được Hàn Mặc Tử viết khi đang mắc bệnh nan y - bệnh phong, căn bệnh khiến nhiều người xa lánh, hắt hủi ông nên ông luôn mang trong mình nỗi niềm khao khát được sẻ chia, đồng cảm, muốn trở về với cuộc đời. Nằm trong bệnh viện và nhận được tấm bưu thiếp của người con gái ông thầm thương trộm nhớ, Hàn Mặc Tử lấy đó làm cảm hứng để bài thơ được ra đời. Qua đó, ông đã vẽ nên bức tranh phong cảnh và cũng là tâm cảnh, thể hiện nỗi niềm cô đơn của ông về một mối tình đơn phương xa xăm vô vọng. Không chỉ vậy, bài thơ cũng là tấm lòng yêu tha thiết của nhà thơ đối với thiên nhiên, cuộc sống, con người xứ Huế.

Câu thơ đầu tiên, độc giả bắt gặp từ “sao” là một từ để hỏi đứng đầu câu thơ, mở đầu bài thơ. Nó gợi ra sự xao động, băn khoăn của nhân vật trữ tình. Từ “anh” chỉ nhà thơ, thể hiện nhân vật phiếm chỉ trong thơ. Đây là hình thức câu hỏi tu từ, thể hiện một sắc thái gần gũi, dân dã, thể hiện tình cảm chân thật. Khi đọc câu thơ đầu tiên, độc giả sẽ đặt ra vấn đề: Câu hỏi đó là lời mời mọc, lời trách móc hay đó có phải là lời của cô gái? Đây như là lời của chính tác giả, thể hiện niềm khao khát, lời thúc giục niềm khao khát được về thôn Vĩ. Vì tác giả lâm bệnh nặng mà lại quá khát khao nên bằng tâm tưởng, tác giả đã về thôn Vĩ. Thôn Vĩ hiện ra trong trí nhớ của nhà thơ, cả một thế giới sống đã ùa về, gợi ra trong lòng người bao cảm xúc.

Câu thơ thứ hai, từ “nhìn” là cái cảm nhận được bằng thị giác, rất chân thực. Dường như nhà thơ đang có mặt tại thời điểm nói để chiêm ngưỡng và miêu tả. Tác giả nhận ra sự di chuyển của nắng. Điệp từ “nắng” thể hiện nắng như len lỏi vào bức tranh, tràn trề trong bức tranh. “Nắng mới” là nắng buổi sớm, trong trẻo, tinh khôi, như mang đến luồng sinh khí, mang đến sự sống cho con người. Hình ảnh “hàng cau” lấp lánh trong nắng. Cau là loại cây thân thẳng, trong khu vườn là loại cây đón ánh nắng đầu tiên. Tác giả mở ra một bức tranh khỏe khoắn và tạo cho khu vườn có chiều sâu.

Giữa không gian đầy nắng ấy, thẳng tắp vươn lên những thân cau như nét bút muốn khuấy động cả khoảng trời trong trẻo, lắng nghe tiếng chuông chùa Diệu Đế, Thiên Mụ. Miền Trung đầy nắng và gió có hàng cau là điểm nhìn thân thuộc. Trong khu vườn thôn dã, cau là loài cây cao nhất, đón nắng đầu tiên. Bởi vậy, thứ “nắng hàng cau” là thứ nắng trong trẻo nhất, thanh tân nhất, thuần khiết nhất. Cây cau chia đốt thẳng, giống như thước đo tự nhiên cân đong mực nắng trong vườn. Nắng trong tâm tưởng Hàn Mặc Tử là thứ chất lỏng sánh ngọt lành của mẹ thiên nhiên rót đầy vườn, mặt trời càng lên cao, mực chất lỏng ấy càng dâng lên cho đến lúc phủ qua tán cau, cũng là bao trùm cả khu vườn bằng thứ sắc màu lấp lánh của nó.

Người con gái xứ Huế thường gắn với tà áo dài tím mộng mơ, chiếc nón bài thơ “mang hình bóng quê hương”. Nhưng trong thơ Hàn Mặc Tử, thiếu nữ ấy lại e ấp “che ngang” gương mặt sau “lá trúc”. Một nét vẽ rất đẹp họa ra vẻ dịu dàng, duyên dáng và tình tứ của thiếu nữ sông Hương. Người xưa có thanh nữ vịn cành mẫu đơn, giai nhân tựa nhành lan, nay lại có “mặt chữ điền” ẩn hiện sau cành trúc, lá trúc.

Cây trúc trong thi ca trung đại vốn biểu tượng cho người quân tử. Nơi mảnh vườn “xanh như ngọc” ấy lại có một người con gái nhẹ nhàng, e ấp mượn “lá trúc” “che ngang” gương mặt. Vẻ đẹp ấy thực sự giàu giá trị, vừa hồn hậu, mỏng manh, dịu dàng, lại vừa cứng cáp, tràn đầy sức sống, dẻo dai, bền bỉ, mang cốt cách của tao nhân nghìn xưa.

Cảm nhận khổ đầu bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ. Đó là tiếng lòng yêu đời tha thiết, dù đang có sự đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn, nhưng tác giả vẫn dành cho đời cái nhìn đầy tin yêu, phải là một con người yêu đời lắm mới mơ tưởng về thôn Vĩ đẹp như vậy. Càng xót xa về số phận của Hàn Mặc Tử bao nhiêu, ta càng trân trọng niềm yêu đời quý giá của tác giả bấy nhiêu.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
32 37.151
0 Bình luận
Sắp xếp theo