Lời chúc lễ Chúa Ba Ngôi

Lời chúc lễ Chúa Ba Ngôi. Các bài suy niệm lễ Chúa Ba Ngôi. Hãy cùng Hoatieu.vn chúc mừng Lễ Chúa Ba Ngôi sắp đến.

1. Lời chúc lễ Chúa Ba Ngôi

Hãy cùng dâng lên Chúa những lời chúc tụng, tôn thờ:

1. Chúng con tuyên xưng, chúc tụng và thờ lạy Chúa, vì Chúa là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, hiện hữu từ muôn thuở và tồn tại đến muôn đời.

2. Chúng con tuyên xưng, chúc tụng và thờ lạy Chúa, vì Chúa là Đấng uy linh cao cả, ngự trong ánh sáng siêu phàm, uy phong Chúa vượt quá trời cao.

3. Chúng con tuyên xưng, chúc tụng và thờ lạy Chúa, vì Chúa là Đấng toàn năng và thượng trí, đã sáng tạo muôn vật và chiếu tỏa ánh vinh quang trên mọi loài.

4. Chúng con tuyên xưng, chúc tụng và thờ lạy Chúa, vì Chúa là nguồn mạch sự sống, thánh thiện và mọi tốt lành thiện hảo, đã đổ tràn ân phúc xuống cho muôn vật, và cho chúng con được tham dự vào vinh quang huy hoàng của Chúa.

5. Chúng con tuyên xưng, chúc tụng và thờ lạy Chúa, vì Chúa luôn diều khiển muôn loài muôn vật cách kỳ diệu, và đã thực hiện bao kỳ công vĩ đại trong Lịch Sử Cứu Độ.

6. Chúng con tuyên xưng, chúc tụng và thờ lạy Chúa, vì Chúa luôn hiện diện với chúng con trên mọi nẽo đường, nhất là trong Nhiệm Tích Thánh Thể.

7. “Hỡi muôn vật Chúa tạo thành, hãy chúc tụng Chúa. Hãy chúc tụng Chúa, Đấng ngự trên các thần hộ giá! Chúc tụng Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh. Hãy dâng lời tôn vinh ca tụng Danh Chúa đến muôn thuở muôn đời”

8. “Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa; kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen”

9.  “Hỡi tất cả tôi trung của Chúa, hãy chúc tụng Chúa trong Thánh Điện vinh quang, chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng”

10. “Hảy dâng lời ca tụng tôn vinh danh Chúa đến muôn thuở muôn đời”

2. Các bài suy niệm lễ Chúa Ba Ngôi

Lời chúc lễ Chúa Ba Ngôi

2.1 Bài suy niệm lễ Chúa Ba Ngôi số 1: Ba Ngôi giáo dục bằng tình yêu

Chúng ta đang sống trong giai đoạn hai của mùa Thường niên năm Phụng vụ 2008. Hôm nay, cùng với Giáo hội chúng ta mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo. Mầu nhiệm Ba Ngôi cũng là mầu nhiệm đặc trưng của đạo chúng ta. Dù rằng với mầu nhiệm này, trí khôn giới hạn của con người chúng ta sẽ khó mà hiểu thấu. Vì thế, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm ấy với tất cả lòng tin.

Nhưng phải nhìn nhận rằng: càng chiêm ngắm chúng ta càng cảm nhận được nhiều sự ngọt ngào thiêng liêng. Đặc biệt, chúng ta học được nhiều bài học bổ ích nơi mầu nhiệm cao cả này. Trong khung cảnh năm giáo dục và dưới ánh sáng của đoạn Tin mừng hôm nay chúng ta cùng nhau chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Từ khi tổ tông chúng ta đi lầm đường lạc lối thì Thiên Chúa vẫn không nản lòng. Người dư khả năng để dựng nên một giống người khác ngoan ngoãn và biết vâng lời hơn. Hay là Thiên Chúa không tiếp tục ban cho họ quyền tự do nữa. Nhất nhất con người phải vâng phục Người. Thế nhưng, Thiên Chúa không làm thế. Thiên Chúa dùng mọi cách để cứu con người. Cuối cùng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3, 16)

Chúa Giêsu xuống thế làm người theo thánh ý Chúa Cha. Mọi việc Người làm và mọi lời Người nói đều do Chúa Thánh Thần tác động. Do đó, chúng ta thấy Thiên Chúa tuy Ba Ngôi nhưng cùng một bản tính và cùng một ý hướng. Ý hướng ấy là dùng tình yêu để giáo dục con người. Bởi thế, Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Như vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi đã giáo dục và cảm hoá con người chúng ta bằng chính tình yêu của Người. Tình yêu ấy được thể hiện nơi Chúa Giêsu “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 13, 9b). Chính Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng để chúng ta nhận ra điều ấy. Nhờ tình yêu đó mà bao nhiêu người lầm lỡ được trở lại đường ngay nẻo chính.

Là tín hữu Công giáo, chúng ta hãy hãnh diện vì luôn được được chính tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa giáo dục để trở thành người tốt, được hướng tới sự sống vĩnh cửu. Đồng thời, chúng ta cũng hãy noi gương Chúa mà dùng tình yêu mà giáo dục lẫn nhau.

2.2 Bài suy niệm lễ Chúa Ba Ngôi số 2: Chúa Ba Ngôi

Trong cuộc đời, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn hạn hẹp của người không bao giờ có thể hiểu thấu. Để diễn tả những thực tại lạ lùng ấy, cha ông chúng ta ngày xưa đã thách: Đố ai biết núi mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây. Đố ai biết đá mấy hòn, tua rua mấy chiếc, trăng tròn mấy đêm. Đố ai tát bể Đông khô, tất sông Bồ Đề, nhổ mạ cấy trên.

Trong tất cả mọi thực tại tuyệt diệu khó hiểu của cuộc sống con người, có lẽ tình yêu là khó hiểu nhất: Đố ai cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều…Tình yêu của con người mà còn khó hiểu, thì tình yêu của Thiên Chúa lại càng khó hiểu hơn gấp ngàn vạn lần. Bởi vì, Thiên Chúa được gì khi tạo dựng nên chúng? Tại sao Chúa lại phải chịu chết để cứu chuộc chúng ta? Chỉ có tình yêu đích thực vô biên và vô vị lợi mới trao ban sự sống và tận hiến tất cả.

Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay cho chúng ta thấy được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Và theo sự diễn tả của thánh Gioan, thì từ nguyên thủy đã có tình yêu và tình yêu qui hướng về Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa chính là tình yêu. Và tình yêu đã nhập thể, đến sống giữa chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ ra cho loài người, như là Con Thiên Chúa. Đồng thời, trong Ngài chúng ta nhận Thiên Chúa là Cha và Chúa Thánh Thần như là người mẹ trao ban sự sống. Tuy chỉ là một, nhưng Ngài lại có Ba Ngôi, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Chúa Cha là Đấng hướng dẫn toàn bộ cuộc sống con người và lịch sử thế giới. Chính Ngài đã trao ban cho Chúa Con sức mạnh dẫn đưa con người và thế giới trở về với Ngài, theo chương trình tình yêu nguyên thủy của thời tạo dựng.

Khi vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, Chúa Con sửa chữa cho nhân loại khỏi án phạt sự chết và khỏi một cuộc sống xa lìa Thiên Chúa, cũng như nổi loạn chống lại thánh ý Ngài. Đồng thời, Chúa Cha còn hướng dẫn cuộc sống của các Kitô hữu và của Giáo Hội, dân riêng mới của Ngài, qua sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng trợ giúp con người hiểu biết sự thật toàn vẹn. Nghĩa là hiểu biết và chấp nhận chương trình yêu thương và cứu độ mà Thiên Chúa đã có đối với con người và thế giới.

Tuy nhiên, ở đây cũng như trong thời tạo dựng, Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng sự tự do của mỗi người chúng ta. Ngài để cho chúng ta được tự do quyết định chấp nhận hay khước từ chương trình cứu độ đầy yêu thương ấy. Chính vì thế, như một câu danh ngôn đã bảo: Hãy tự cứu lấy mình, rồi trời sẽ cứu. Con người nắm giữ vận mạng trong chính lòng bàn tay của mình. Hay như lời thánh Augustinô đã nói: Khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu độ chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài, bởi vì Ngài sẽ không thể cứu độ chúng ta, nếu như chính bản thân chúng ta lại không muốn.

2.3 Bài suy niệm lễ Chúa Ba Ngôi số 3: Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi

Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Ba Ngôi, nhưng Chúa Ba Ngôi là sao? Ai có thể trả lời được?… Là Một Thiên Chúa có Ba Ngôi, Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần. “Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, và Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy.” (GLCG số 253). Vì sao có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà không phải là ba Thiên Chúa nhưng chỉ một Thiên Chúa? Phải giải thích thế nào đây, có bạn nào giúp cha không?…

Tèo và Tí là đôi bạn thân học chung lớp tại trường Nguyễn Trường Tộ. Tí là người Công Giáo, còn nhà Tèo thờ Phật. Có lần Tèo đến chơi ngay lúc Tí đang học bài giáo lý “Chúa Ba Ngôi”, chuẩn bị cho cuộc thi “Em hiểu Lời Chúa” do cha xứ tổ chức trong trại hè năm ấy. Tèo vừa nghe liền thắc mắc hỏi Tí: “Làm sao mà một có ba, mà ba lại chỉ có một được hả Tí?” Nếu có bạn nào đó hỏi chúng con về mầu nhiện Chúa Ba Ngôi như Tèo hỏi Tí, chúng con có trả lời được không?… Tí trả lời với Tèo là “được”. Tí nói: “Cũng như một tam giác đều có ba cạnh bằng nhau nhưng chỉ có một tam giác thôi. Hay bạn xem ngón tay của mình nè. Một ngón có ba đốt, ba đốt nhưng chỉ có một ngón tay thôi.” Tí trả lời như thế tốt lắm nhưng không cho biết gì về ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm trọng tâm của đức tin Kitô giáo.

Có truyền thuyết kể rằng thánh Augustinô, một vị thánh lớn của Giáo Hội, sống vào thế kỷ thứ tư. Ngài rất thông thái, đã viết nhiều cuốn sách về Đạo, đặc biệt là cuốn “Tự Thuật”. Ngài đã cố gắng suy nghĩ để tìm cách giải thích tại sao một Thiên Chúa có Ba Ngôi, mà Ba Ngôi lại chỉ có một Thiên Chúa chứ không phải là ba Thiên Chúa. Một hôm, ngài đi dạo trên bờ biển đẹp. Ngài thấy một em nhỏ đào cái lỗ trên bãi cát dài bị những cơn sóng xô lên đập xuống phẳng lì một màu trắng ngà rất xinh. Em cầm chiếc vỏ sò liên tục múc nước biển đổ vào lổ. Nước thấm nhanh xuống cát chẳng để lại dấu vết gì. Em bé cứ mãi miết làm chẳng để ý chung quanh. Có cái gì đó thúc đẩy, thánh Augustino bước tới hỏi em bé: “Con đang làm gì vậy?” Em bé ngước mặt lên nhìn thánh Augustino và nói: “Con có thể múc hết nước biển đổ vào cái lỗ này, còn ngài, ngài không thể hiểu hết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.” Thánh Augustinô sững sờ! Tại sao một em thiếu nhi lại biết được mình đang nghĩ gì? Đến khi thánh nhân bình tĩnh trở lại thì không còn thấy em bé nữa, và người ta coi đó như là thiên thần đến nhắc nhở thánh Augustino về sự siêu vời vượt quá trí tuệ con người của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tìm cách giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có cái hay, là qua đó cho thấy, niềm tin vào Mầu nhiệm không mù quáng; xét về phương diện lý trí, cuộc sống có rất nhiều hình ảnh cho chúng ta hiểu được phần nào. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là tìm cách giải thích: “Một mà Ba, Ba mà Một”, nhưng là lắng nghe Lời Chúa để biết Thiên Chúa Ba Ngôi đối với chúng ta thế nào.

Các con có nhớ bài đọc thứ nhất trích từ sách gì không?… “Sách Xuất Hành.” Đúng rồi. Con giỏi lắm! Tác giả sách thánh kể, có một hôm, ông Mô-sê thức dậy lên núi Xinai theo lệnh của Đức Chúa. Chúa hiện ra với ông. Chúa nói gì?… Chúa giới thiệu về Chúa, Chúa đi qua trước mặt ông Môsê và nói to: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.”

Còn bài đọc hai trích từ sách nào?… “Từ thứ hai của thánh Phaolô Tông Đồ gởi tín hữu Côrintô”. Con giỏi!… Trong đó, thánh Phaolô nói cho chúng ta biết như thế này: “Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.” Khi gần kết thúc bài đọc, chúng ta nghe thánh Phaolô nói thêm: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.” Nếu trong bài đọc một, chúng ta chỉ được biết về Đức Chúa là Thiên Chúa “nhân hậu, từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” thì trong bài đọc hai, chúng ta được thấy một cách rõ ràng về Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha là nguồn tình thương và bình an, Chúa Giêsu là nguồn ân sủng tức là nguồn ơn cứu độ vô tận ban cho con người, Chúa Thánh Thần là ơn hiệp thông có nghĩa là nối kết chúng ta lại với nhau và với Chúa. Như thế, mỗi Ngôi mỗi cách nhưng đều chung một điểm là yêu thương ta. Do đó, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe công bố, thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Thiên Chúa yêu….” Ai nhớ đọc tiếp giúp cha?… “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.”

Như vậy, cả 3 bài đọc trong Thánh lễ hôm nay đều nói cho chúng ta biết: Chúa Cha thương chúng ta, Chúa Con tức là Chúa Giêsu thương chúng ta và Chúa Thánh Thần thương chúng ta, Ba Ngôi Thiên Chúa cùng thương chúng ta. Nhưng cha hỏi thật các con nhé: các con có thấy Chúa thương mình không? Con thấy Chúa thương con thế nào?… Cha thấy Chúa thương cha, vì hồi đó cha thích đi tu mà cha cứ sợ cha tu không được. Vậy là cha cầu nguyện, cha đi, cuối cùng cha tu được. Chúa nhậm lời cha nên cha thấy Chúa thương cha. Hay như bạn Thảo chia sẻ, bạn ấy thấy Chúa thương bạn vì nhờ ơn của Chúa mà kỳ thi vừa rồi bạn được điểm cao. Bạn Tuấn thì cảm nhận Chúa thương gia đình mình khi mẹ được ơn Chúa thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo. Tất cả những cảm nhận đó rất quí, nhưng thấy Chúa thương mình khi mình được ơn là bình thường. Độc đáo hơn làthế này: cách đây không lâu cha vào bệnh viện thăm một bệnh nhân. Người ấy kể cho cha nghe cơn đau của bệnh ung thư khủng khiếp như thế nào, đến độ cha nghe cũng cảm thấy sợ! Nhưng có điều rất lạ; người ấy vừa kể mà cứ nói cám ơn Chúa, Chúa thương cho mình sức chịu đựng. Cha khâm phục một đức tin như thế!… Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là ơn quí nhất mà Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta.

Ơn quí nhất, tình thương lớn nhất mà Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta là gì các con biết không?… Là Ba Ngôi Thiên Chúa bao bộc cuộc sống của ta. Con người khi mới sinh bé xíu, rồi lớn lên thành người lớn, thêm tuổi nữa thì già và cuối cùng là chết. Chết là hết phải không chúng con?… Không! Chết là về với Chúa. Vậy cuộc đời của người Kitô hữu là con đường về nhà Cha trên Trời. Nói một cách chính xác thì mỗi ngày trong cuộc sống Chúa Giêsu dẫn ta về, Chúa Cha đang đứng đợi, Chúa Thánh Thần ban sức để ta đi. Đây chính là ơn quí nhất Thiên Chúa ban cho chúng ta, và đây cũng chính là ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống chúng ta.

Trên đây, Hoatieu.vn đã gửi đến bạn đọc Lời chúc lễ Chúa Ba Ngôi. Mời các bạn đọc thêm các bài viết liên quan tại mảng Tài liệu.

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
1 176
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm