Sẽ không có giáo viên nào bị tụt hạng, xuống hạng sau 20/3/2021

Sau 20/3 giáo viên có bị giảm hạng không?

Sau khi Bộ giáo dục và đào tạo ban hành các Thông tư mới về giáo viên thì rất nhiều thầy cô lo lắng bị xuống hạng do không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chức danh giáo viên theo Thông tư mới. Vậy sau ngày 20/3 liệu các giáo viên chưa đủ tiêu chuẩn có bị xuống hang không? Mời các bạn cùng theo dõi để biết thêm thông tin.

Khi thực hiện các thông tư mới không chỉ có giáo viên được chuyển hạng tương đương (tăng hệ số) mà còn có trường hợp giảm/xuống hạng (giảm hệ số lương).

Việc tăng hạng, tăng hệ số lương đã được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư 02/2007/BNV, tuy nhiên trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, tôi chưa tìm thấy có văn bản nào quy định, hướng dẫn việc “xuống hạng”.

Lo lắng của giáo viên không phải là không có cơ sở, khi chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập có quy định cụ thể việc “xuống hạng”.

Vậy việc “xuống hạng” thì theo quy định sẽ chuyển xếp lương như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ mối quan tâm của thầy cô.

1. Các trường hợp giáo viên phải “xuống hạng”

Tại chùm Thông tư Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành nêu trên quy định một số trường hợp phải “xuống hạng” như sau:

Giáo viên mầm non hạng II mã số V.07.02.04 không đạt tiêu chuẩn của hạng II mã số V.07.02.26: Bổ nhiệm vào hạng III mã số V.07.02.26 cho đến khi đạt tiêu chuẩn thì bổ nhiệm lên hạng II mã số V.07.02.26 mà không phải thăng hạng;

Giáo viên tiểu học hạng II mã số V.07.03.07 chưa đạt chuẩn của hạng II mã số V.07.03.28: Bổ nhiệm vào hạng III mã số V.07.03.29 đến khi đạt chuẩn của hạng II mã số V.07.03.28 thì bổ nhiệm vào hạng II mã số V.07.03.28 mà không phải thăng hạng;

Giáo viên trung học cơ sở hạng II mã số V.07.04.11 chưa đạt chuẩn của hạng II mã số V.07.04.31: Bổ nhiệm vào hạng III mã số V.07.04.32 cho đến khi đạt chuẩn hạng II mã số V.07.04.31 thì bổ nhiệm lên hạng II mã số V.07.04.31 mà không phải thăng hạng;

Giáo viên trung học cơ sở hạng I mã số V.07.04.10 chưa đạt chuẩn của hạng I mã số V.07.04.30: Bổ nhiệm vào hạng II mã số V.07.04.31 cho đến khi đạt chuẩn thì bổ nhiệm lên hạng I mã số V.07.04.30 mà không phải thăng hạng.

Giáo viên trung học phổ thông hạng I, II chưa đạt các tiêu chuẩn, chứng chỉ của giáo viên hạng I, II thì có thể xếp “xuống hạng” III.

Thầy, cô yên tâm chưa có quy định nào về “xuống hạng”

Đợt này sau khi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trình phương án và Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì các địa phương sẽ tiến hành thủ tục bổ nhiệm và xếp lương, chuyển đổi hệ số lương theo quy định.

Do đó, sắp tới khi thực hiện việc bổ nhiệm, thay đổi hạng chức danh nghề nghiệp sẽ thực hiện việc chuyển từ ngạch có mã số này sang ngạch có mã số khác có hệ số lương bằng hoặc khác ở ngạch mới thì xem như quy định của việc chuyển ngạch.

Việc chuyển ngạch thay đổi chức danh nghề nghiệp tại chùm các Thông tư trên đều quy định thực hiện việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Tại khoản “1. Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức mục II quy định cụ thể như sau

a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ [...]

Bên cạnh đó tại Nghị định 115/2020/NĐCP Nghị định Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cũng không có bất kỳ quy định nào nói về việc “xuống hạng”.

Như vậy có thể thấy tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định nào về việc “xuống hạng”, xếp lương như thế nào khi “xuống hạng” như các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tôi ví dụ một giáo viên mầm non đang giữ hạng I có hệ số lương 4,98 nay do thiếu tiêu chuẩn nên được bổ nhiệm hạng III (hệ số lương từ 2,1 đến 4,89) thì theo Thông tư 02/2007/TT-BNV được chuyển xếp có hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất, tuy nhiên trong bảng lương mới không có hệ số lương bằng hoặc cao hơn ở ngạch cũ thì xếp như thế nào?

Tương tự trường hợp giáo viên trung học phổ thông hạng II hiện nay có hệ số lương 5,36 nếu không đạt các tiêu chuẩn, thiếu chứng chỉ hạng II chẳng hạn thì có thể xếp giáo viên trung học phổ thông hạng III thì xếp như thế nào?

Rõ ràng không có bất kỳ quy định nào về việc chuyển “xuống hạng”.

Nên tôi cho rằng, giai đoạn sắp tới giáo viên ở các hạng cao như hạng I, II có thể tạm yên tâm về hệ số lương đang hưởng, như đã nói ở trên do không có quy định nào từ Chính phủ, Bộ Nội vụ quy định việc “xuống hạng” nên không thể tùy tiện chuyển xếp lương khi “xuống hạng” được.

Nếu muốn chuyển xếp lương giáo viên “xuống hạng” phải thay thế Thông tư 02/2007/TT-BNV và phải quy định rõ, cụ thể việc “xuống hạng”, tuy nhiên quy định việc “xuống hạng” rất khó khả thi, không hợp lý.

Nên trong thời gian sắp tới tôi cho rằng giáo viên chưa có việc chuyển xếp lương “hạ xuống” nếu giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả Bùi Nam.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.964
0 Bình luận
Sắp xếp theo